Ngày 28-9
“Sẻ cơm nhường áo”.
Ngày 28-9-1920, báo cáo mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đi trả ảnh và nhận việc tại Nhà ảnh số 35 đường Phroađơvô (Froidevaux) ở Pari.
Ngày 28-9-1922, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Phòng kiểm duyệt ở Đông Dương” đăng trên tờ L’Humanité (Nhân Đạo) tố cáo tình trạng kiểm duyệt thư tín vẫn đang diễn ra tại các thuộc địa của Pháp và kết luận: “Như thế là người bản xứ bị giết chóc, cướp phá và không được hưởng những quyền sơ đẳng nhất: Cả đến quyền thư tín! Sự vi phạm tự do cá nhân này chứng minh thêm chính sách đê tiện của bọn mật thám và chính sách lạm quyền đang thống trị ở những thuộc địa chúng ta”164. Báo cáo của mật thám Pháp cũng cho biết, trong ngày này, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp liên quan đến việc điều hành tờ “Le Paria” (Người Cùng Khổ) đang gặp khó khăn về tài chính.
Ngày 28-9-1923, cũng trên tờ L’Humanité (Nhân Đạo), Nguyễn Ái Quốc có bài báo “Không phải chủ nghĩa quân phiệt đâu, nhưng...” tố cáo những chính sách của Chính phủ Pháp trong việc xây dựng bộ máy chiến tranh ở các thuộc địa: “Nếu chúng ta nói thêm rằng, chỉ riêng ở Đông Dương, chi phí về quân sự năm 1921, cũng đã hơn 35.600.000 phrăng, trong khi đó ngân sách giáo dục có không đầy 350 nghìn đồng bạc và ngân sách về y tế không đầy 65 nghìn đồng bạc thì sẽ thấy ngay tất cả sự tốt đẹp của chế độ thực dân của cái nước Cộng hòa Pháp rất nhân từ và đã tài giảm quân bị này”165.
Ngày 28-9-1945, Bác viết bài kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên tờ Cứu Quốc: “Hỡi đồng bào yêu quý, từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào”166.
Ngày 28-9-1948, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc phòng tối cao trong hoàn cảnh mà nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến mô tả: Trời mưa và gió như bão... Bão càng về trưa càng lớn, cây ngả ngổn ngang chung quanh nơi họp. Hội đồng phải nhiều lần tạm nghỉ để tránh chiều gió mạnh... Hội đồng tiếp tục làm việc cho đến nửa đêm dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Các vấn đề lớn, kế hoạch thu đông, chương trình 1949, sắc lệnh bộ máy kháng chiến hành chính... Hội đồng Quốc phòng họp kỳ này có rất nhiều kết quả.
Ngày 28-9-1964, Bác viết thư gửi Hội nghị đại biểu Phật giáo Thống nhất Việt Nam chúc mừng: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lợi lạc quần sinh, vị ngã vị tha” (Đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người. Quên mình vì người khác). Chúc toàn thể tăng ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”167.
Ngày 29-9
“Muốn có sức khỏe thì phải ăn ở vệ sinh”.
Ngày 29-9-1920, mật thám Pháp theo dõi, Nguyễn Ái Quốc vào khám tại bệnh viện Côsanh và đi tìm việc làm ở Pari.
Ngày 29-9-1921, mật thám Pháp ghi nhận, tại nhà của Phan Văn Trường, số 6 Vila đê Gôbơlanh, Pari, sau bữa ăn lại có cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài tới nửa đêm giữa những người có mặt: Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Cao Đoan, Phan Cao Lục và chủ nhà.
Ngày 29-9-1922, báo L’Humanite (Nhân đạo) đăng một tiểu phẩm mang tính chất văn học của Nguyễn Ái Quốc “Đồng tâm nhất trí”. Cùng ngày, tại trụ sở của tờ báo Le Paria (Người Cùng Khổ), Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Ban biên tập.
Ngày 29-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản” báo cáo về phong trào Xôviết đang diễn ra tại Nghệ Tĩnh và các cuộc đấu tranh tại các tỉnh Nam bộ ở Việt Nam cũng như sự đàn áp tàn khốc của chính quyền thuộc địa và đưa ra đề nghị: “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ...”168.
Ngày 29-9-1938, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi biên chế Viện Nghiên cứu các vấn đề Thuộc địa của Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản. Sau đó một thời gian, Bác bí mật lên đường qua phía Nam Trung Quốc hoạt động.
Cuối tháng 9-1944, Hồ Chí Minh trở lại Pác Bó (Cao Bằng). Sau khi nghe báo cáo về việc Liên ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, Bác chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất vì thời cơ chưa chín muồi.
Ngày 29-9-1951, trả lời bức thư của 300 “ngụy binh là người công giáo” xin được khoan hồng, Bác viết lá thư chung: “Thư gửi các ngụy binh”: “Đối với tất cả ngụy binh, thì Chính phủ sẽ khoan hồng những người sớm quay về với Tổ quốc, sẽ trọng thưởng những người và những nhóm lập công lớn... Ngụy binh cũng là con dân nước Việt, những vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến”169.
Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), Bác chủ tọa cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Bác nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”170, bàn tay Bác đang nắm lại, xòe ra mỗi ngón tay chỉ về một hướng và khẳng định: “Phương hướng chiến lược không thay đổi”171. Tinh thần chỉ đạo ấy đã tạo nên thắng lợi quyết định của chiến cục Đông - Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày 29-9-1962, về thăm xã Quảng An, huyện Từ Liêm bên bờ Hồ Tây (Hà Nội), tại đình Quảng Bá, nói chuyện với các đại biểu đang dự Hội nghị tổng kết phong trào thể dục vệ sinh mùa hè, Bác căn dặn: “Muốn có sức khỏe phải ăn ở vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch. Muốn có nước sạch phải đào giếng”172. Bác tặng Quảng An một khoản tiền riêng để xây một giếng nước ở xóm Quảng Khánh để phát động phong trào xây dựng xã điển hình về vệ sinh phòng bệnh.
Ngày 30-9
“Làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên”.
Ngày 30-9-1920, tại Pari, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đi mua sắm đồ nghề làm ảnh và dự cuộc họp Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại một quán cà phê.
Trước đó một năm, tháng 9-1919, được sự giới thiệu của đại diện Chính phủ lâm thời Triều Tiên tại Pari, một phóng viên Mỹ đã tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc và phỏng vấn: “Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì? - Đáp: Để đòi quyền tự do cho nhân dân An Nam - Hỏi: Bằng cách nào?- Đáp: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên. - Hỏi: Nhưng đất nước đã sẵn sàng chưa?... - Đáp: Tình cảnh nước Việt Nam thật đáng buồn. Ngoài chúng tôi (chỉ một số người yêu nước) chưa có sự chuẩn bị nào cả và các hoạt động vũ trang gần đây đã hoàn toàn thất bại và không có tiếng vang nào... - Hỏi: Từ lúc đến Pari tới nay, anh đã đạt kết quả nào rồi? - Đáp: Ngoài các nghị sỹ, tôi đã gặp tất cả những người chịu giúp chúng tôi...”173.
Ngày 30-9-1921, cùng ngày trên bài viết của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên hai tờ báo: Bài “Tội ác của chủ nghĩa thực dân” trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) và “Sự quái đản của công cuộc khai hóa” trên tờ Le Libertaire (Tự Do) đều có chung chủ đề tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa.
Tháng 9-1943, từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết vào mép trắng của tờ Quảng Tây nhật báo một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán (được dịch ra quốc ngữ:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”174).
Kèm theo bài thơ là dùng chữ Hán với nội dung: Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên. Tờ báo được bí mật gửi về nước để báo tin cho các đồng chí biết người viết vẫn an toàn.
Ngày 30-9-1945, Bác tổ chức bữa cơm tiễn A.Pátti, người đứng đầu Cơ quan tình báo OSS của Mỹ đã hợp tác chống Nhật. Sau bữa cơm, Pátti ngồi nói chuyện với người đứng đầu nhà nước Việt Nam tới tận khuya về những vấn đề thời sự. Lúc chia tay, hồi ức của Pátti ghi lại: Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa, cảm ơn tôi đã tới và đã chịu nghe ông “diễn thuyết”. Ông đặt tay lên vai tôi “Bon voyage, (chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại. Lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh”. Khi xe tôi nổ máy, tôi nhìn lại vẫn thấy bóng nhỏ nhắn của ông ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Tôi sực nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong một tiệm trà ở Chiu Chou Chieh. Ông hiện ra mong manh, nhưng thực tế, thật là bất khuất.
Cuối tháng 9-1960, nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01-10), Bác viết cho báo Nhân Dân 8 chữ Hán: “Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thành” (Tình hữu nghị Việt - Trung mãi mãi xanh tươi)175.
Ngày 30-9-1964, đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu thanh niên Thủ đô, Bác căn dặn: “Thanh niên phải ra sức học tập chính trị, văn hóa và khoa học, kỹ thuật. Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng... Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.
Khánh Linh (tổng hợp)
Chú thích:
164. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 110.
165. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 207.
166. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 31.
167. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 315.
168. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 52.
169. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 305-306.
170, 171. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t 5, tr. 374.
172. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 291.
173. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 69.
174. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 439.
175. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd, 2009, t. 7, tr. 540.