Chỉ mục bài viết

Ngày 01/9

“Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.

Ngày 01-9-1941, trên báo Việt Nam Độc Lập đăng bài ca “phụ nữ” của Nguyễn Ái Quốc, nhắc lại những tấm gương trong lịch sử của phụ nữ Việt Nam kể từ Hai Bà Trưng cho tới Nguyễn Thị Minh Khai để kêu gọi:

“... Chị em cả trẻ đến già

Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.

Đua nhau vào hội Việt Minh

Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.

Làm cho thiên hạ biết tên

Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”1.

Ngày 01-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời A.Pátti, chỉ huy Cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ đang ở Hà Nội, đến Bắc bộ phủ để dự bữa cơm trước ngày Lễ Độc lập. Hồi ức của Pátti ghi lại: Ông Hồ giữ vững quan điểm là trong thời điểm đặc biệt này, Việt Minh là một phong trào dân tộc, bao gồm một cách dân chủ tất cả các đảng phái cách mạng Việt Nam. Tất nhiên ông công nhận, Đảng Cộng sản Đông Dương là một nhân tố lãnh đạo trong phong trào giành độc lập dân tộc, nhưng các đảng viên của họ trước hết phải là người dân tộc chủ nghĩa, sau đó mới là đảng viên của đảng... Ông Hồ muốn được các chuyên gia kỹ thuật Mỹ giúp thiết lập một số công nghiệp mà Việt Nam có khả năng đảm đương được...

Ngày 01-9-1959, phát biểu tại lễ phong quân hàm cho một số cán bộ cao cấp của quân đội, Bác căn dặn: “Để xây dựng quân đội tiến lên chính quy đặng phục vụ lợi ích của Cách mạng, Chính phủ ta đã trao quân hàm cho cán bộ và chiến sỹ trong quân đội... Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”2.

Ngày 01-9-1961, nói chuyện với Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế đang họp tại Việt Nam, Bác lấy mình làm dẫn chứng: “Tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân và phong kiến đã kìm hãm việc giáo dục... Về hiểu biết phổ thông: Năm tôi 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên” để so sánh với những tiến bộ xã hội mà thế hệ thanh niên ngày nay đang được hưởng. “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi đã không sợ thực dân và phong kiến, mà hăng hái hoạt động cách mạng và cuối cùng cách mạng đã thắng lợi… Một nhiệm vụ quan trọng nữa của thanh niên trí thức là phát triển giáo dục, trước hết là xóa nạn mù chữ... Trong cuộc đấu tranh diệt giặc dốt, quân chủ lực phải là thanh niên trí thức, dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân”3. Và trong lời kết thúc, Bác nói: “Đó là những lời tâm sự của một người thanh niên già đã có một ít kinh nghiệm, thật thà bày tỏ với các bạn thanh niên yêu quý của tôi”4.

Đã thành lệ, ngày 01-9 hàng năm, trước ngày Quốc khánh, Bác cùng các nhà lãnh đạo đến Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) đặt vòng hoa tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ. Ngày 01-9-1969, khi sức khỏe đã giảm sút nghiêm trọng, Bác vẫn nhắc gửi vòng hoa đến Đài liệt sỹ và gửi tặng hai lẵng hoa cho Đội Cảnh sát khu vực 4 quận Ba Đình và Đội Bảo đảm giao thông đường bộ I. Đó là những phần thưởng cuối cùng Bác động viên cán bộ và nhân dân.

Ngày 02-9

“Nước Việt Nam... sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Ngày 02-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên toà xét xử lần thứ 7, cảnh sát Hồng Kông thừa nhận việc bắt Tống Văn Sơ là bất hợp pháp nhưng việc trục xuất vẫn là hợp pháp. Các luật sư tiếp tục kháng cáo để chống lại âm mưu đẩy Nguyễn Ái Quốc vào tay chính quyền thực dân Pháp.

Ngày 02-9-1945 là một ngày trọng đại của dân tộc Việt Nam. Tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước đông đảo đồng bào, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”5.

Ngày 02-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên cùng đông đảo kiều bào Việt Nam, một số bạn Pháp và Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Phôngtennơblô. Trong bài diễn văn đọc bằng tiếng Pháp, Bác nói: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình. Lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đã gắn bó ý chí của mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam thành một khối sức mạnh, bất kỳ nguồn gốc họ ở đâu, theo tôn giáo hay thuộc giai tầng xã hội nào. Trong buổi tối hôm nay, làm sao chúng ta lại không nghĩ tới đồng bào Nam Bộ với một tình cảm trìu mến đặc biệt. Nguyện vọng tha thiết nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam là Tổ quốc đang hồi sinh của chúng ta không bao giờ bị chia cắt và không gì chia cắt được. Mong sao tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam độc lập và thống nhất trở thành sự thực!... Một tình hữu nghị như vậy giữa hai nước chỉ có lợi cho sự phồn vinh của Liên hiệp Pháp và sự bừng nở lý tưởng dân chủ trên thế giới”6.

Ngày 02-9-1947, Bác ra lời kêu gọi nhân kỷ niệm ngày Cách mạng và Quốc khánh lần đầu tiên tổ chức trong hoàn cảnh kháng chiến. Bác phân tích: “Cách mạng giải phóng của Mỹ 8 năm mới thành công. Cách mạng Pháp 5 năm. Cách mạng Nga 6 năm. Cách mạng Tàu 15 năm mới thành công. Tổ tiên ta chống ngoại xâm đời Trần 5 năm, đời Lê 10 năm mới thắng lợi... Hãy tin tưởng vào vận mệnh vẻ vang của Tổ quốc, tin tưởng vào sức đoàn kết và chiến đấu của chúng ta. Chúng ta hãy cắn răng chịu khổ, ra sức chiến đấu. Chịu khổ chiến đấu mấy năm, để đánh tan ách nô lệ hơn 80 năm vừa qua, để xây nền tự do muôn ngàn đời sắp tới, thì cũng bõ công. Tướng sỹ trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương, ai nấy đều phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng làm đúng bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, thì cuộc trường kỳ kháng chiến của ta nhất định vững vàng”7.

Cũng trong ngày 02-9-1947, trên báo Sự Thật, Bác viết bài “Cán bộ và Đời sống mới” đưa ra nguyên lý: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”8.

Ngày 02-9-1949, trả lời phỏng vấn của một tờ báo của Thái Lan, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Bao giờ Việt Nam cũng cần thân thiện với nước Thái, và nước Thái thân thiện với Việt Nam, vì chúng ta là bà con láng giềng”9.

Ngày 02-9-1950, trong bài viết “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” đăng trên báo Sự Thật, Bác chỉ ra “thang thuốc chữa bệnh quan liêu là: Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”10.

Ngày 02-9-1969, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng và Nhà nước hết lòng chăm sóc, tập thể các thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng vào lúc 9 giờ 47 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.

Ngày 03-9

“Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh”.

Ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và trình bày “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”11 gồm 6 vấn đề cấp bách hơn cả: 1. Giải quyết nạn đói bằng việc phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và đề nghị mười ngày một lần, tất cả đồng bào ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. 2. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. 3. Chúng ta phải có Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. 4. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách: Cần, kiệm, liêm, chính. 5. Đề nghị bỏ các thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. 6. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết.

Cùng ngày, Chủ tịch nước ra thông cáo “về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể” yêu cầu “Gửi thơ nói trước, để tôi sắp xếp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ”12.

Ngày 03-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc tiếp xúc tranh thủ hòa bình và thân thiện với nước Pháp trong giới báo chí, Quốc hội, Hội Hữu nghị Pháp - Việt và thăm Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariuýt Mutờ. Bác cũng trả lời Hãng thông tấn AFP: “Tôi tin tưởng ở nước Pháp mới. Hai nước Việt và Pháp có thể đi đến sự thoả thuận vì cả hai nước đều cần phải tương trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung của hai nước, cần phải đi đến một sự hiểu biết lẫn nhau càng nhanh chóng càng hay, để cùng có thể sẵn sàng bắt tay vào một công việc thiết thực”13.

Ngày 03-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Thủ tướng Ấn Độ thăm hỏi và “tỏ tình thân ái đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Ấn Độ”14 nhân việc thành phố Asam của Ấn Độ bị động đất gây nhiều thiệt hại.

Ngày 03-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp định thử bom nguyên tử ở Xahara khẳng định: “Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa triệt để ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân châu Phi nhằm buộc Chính phủ Pháp phải bỏ việc thử vũ khí nguyên tử ở Xahara, phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc châu Phi được sống yên ổn và tôn trọng nền hòa bình thế giới”15.

Ngày 03-9-1960, Bác Hồ tham dự dạ hội của Thanh niên Hà Nội và các đoàn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội Đảng lần thứ III, tổ chức tại vườn Bách Thảo. Kết thúc đêm hội, Bác đích thân cầm đũa chỉ huy dàn hợp xướng và bắt nhịp cùng mọi người cất cao bài ca “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh...”.

Ngày 03-9-1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc ra thông cáo đặc biệt báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần.

Ngày 04-9

“Cùng các nước láng giềng Đông Nam Á ăn ở hòa bình với nhau”.

Ngày 04-9-1919, trên tờ Le Populaire (Dân chúng) xuất bản tại Pari, Nguyễn Ái Quốc viết bài: “Đông Dương và Triều Tiên” đề cập một vấn đề quan trọng của thời đại sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất: “Thế giới sẽ chỉ có nền hòa bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó. Trong khi chờ đợi ngày đó, hiện nay họ còn là nạn nhân của con quái vật ấy, đòi hỏi một cách nghiêm khắc, nhân danh nguyên tắc của dân tộc được quyền tự quyết và họ rất xứng đáng để lưu ý tiếng nói của họ phải được lắng nghe với tình cảm đậm đà trong nhân dân các nước Châu Âu và châu Mỹ”16.

Ngày 04-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 4 thành lập “Quỹ Độc lập” với mục đích để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia và trao cho nhà tư sản Đỗ Đình Thiện phụ trách. Chính từ Quỹ này đã có Tuần Lễ Vàng mang lại cho cách mạng một nguồn lực vô giá về tài chính và sự ủng hộ của dân chúng.

Ngày 04-9-1947, tại chiến khu, Bác tiếp ông Phạm Khắc Hòe, cựu Ngự tiền Văn phòng của Vua Bảo Đại vừa từ vùng tạm chiếm lên chiến khu tham gia kháng chiến. Hồi ức của Phạm Khắc Hoè ghi lại: Khi nghe câu trả lời rằng yếu tố quyết định ra chiến khu tham gia kháng chiến là hình ảnh và uy tín của lãnh tụ, Bác không đồng ý và nói rằng yếu tố quyết định nằm ngay trong bản thân chú. Đó là lòng yêu nước của chú.

Ngày 04-9-1949, Bác ký Sắc lệnh số 102 thành lập Hội đồng Giáo dục có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định chính sách và kế hoạch giáo dục do Giáo sư Nguyễn Văn Huyên làm Chủ tịch với sự tham gia của nhiều nhân sỹ, trí thức tên tuổi như Tạ Quang Bửu, Trường Chinh, Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Trần Đại Nghĩa, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Xiển, Trần Đức Thảo, Hoàng Đạo Thúy, Phạm Huy Thông, Lê Thước, Bửu Hội, Bùi Kỷ, Hoài Thanh, Đặng Phúc Thông...

Ngày 04-9-1951, Bác viết bài “Tiểu chiến” và “Đại chiến” đăng trên báo Cứu Quốc với khẳng định “Chiến tranh của Mỹ ở Triều Tiên là một cái hố không đáy” và “không nhìn thấy hy vọng thắng lợi”17. Bài báo kết luận:

 “Mang đi cướp nước người ta

Mình làm mình chết kêu mà ai thương”18.

Ngày 04-9-1954, báo Nhân Dân đăng bài đáp từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ trình quốc thư của Đại sứ Trung Quốc tổ chức tại chiến khu Việt Bắc trong đó có đoạn: “Vì quan hệ địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử, v.v.. hai nước chúng ta là hai nước anh em. Nhất là từ ngày nước Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa thành lập thì mối quan hệ như môi với răng ấy càng thêm phát triển, càng thêm nồng hậu... Bây giờ hòa bình đã trở lại, nhiệm vụ của chúng tôi là: Triệt để thi hành hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Đồng thời cùng các nước láng giềng Đông - Nam Á ăn ở hòa bình với nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau ra sức giữ gìn hòa bình lâu dài ở Châu Á và thế giới”19.

Ngày 04-9-1968, Bác Hồ đón các cháu dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc tại ngôi Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch.

Ngày 05-9

“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Ngày 05-9-1945, tại Bắc bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cựu hoàng Bảo Đại vừa từ cố đô Huế ra tới Thủ đô Hà Nội, sau đó, sang ngôi nhà số 51 Trần Hưng Đạo là nơi Chính phủ sắp xếp để thăm cựu hoàng nay đã trở thành Cố vấn Vĩnh Thụy.

Cùng ngày, trước thực tế là Pháp đã thả dù một số quan chức và theo chân quân Anh để mưu xác lập lại quyền lực ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi quốc dân”, toàn văn: “Quốc dân đồng bào! Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa. Hỡi đồng bào! Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu!”20.

Ngày 05-9-1954, nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Bác căn dặn: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt... Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính...”21.

Ngày 05-9-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam. Để cảm ơn sự có mặt của các đoàn đại biểu quốc tế, Bác vận câu thơ: “Quan sơn muôn dặm một nhà, Bốn phương vô sản đều là anh em!”22 . Bác khẳng định những thắng lợi của cách mạng “Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ… không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào... Đảng ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, nhưng không phải là không có sai lầm. Song, chúng ta không hề che giấu sai lầm, trái lại chúng ta đó thật thà tự phê bình và tích cực sửa chữa. Thắng lợi đó không hề làm cho chúng ta say sưa, tự mãn...”23.

Đầu tháng 9-1961, trả lời phỏng vấn của báo L’Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, Bác nêu rõ: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà trí thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc. Chúng tôi không mất gì cả, mà chỉ mất xiềng xích thôi... Mặc dù có cuộc chiến tranh đã gây ra, chúng tôi vẫn luôn luôn là những người bạn của nhân dân Pháp và chúng tôi không bao giờ lầm lẫn nhân dân Pháp với bọn thực dân”24.

Khánh Linh (tổng hợp)

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3. tr. 202.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 495-496.
3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 389, 390, 391.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 557.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 283, 285.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 202-203.
8, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 208, 676.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 90.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 7.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 3-4.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 286.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 91.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 499.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 11.
17, 18. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 90.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 343, 344.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 11.
21. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 346-347.
22, 23, 24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 195, 197-198, 392-393.


 Ngày 06-9

“Làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới”.

Ngày 06-9-1919, Nguyễn Tất Thành được Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xaru mời đến trụ sở để đích thân kiểm tra lai lịch người đó nhận mình tên là Nguyễn Ái Quốc xuất hiện lần đầu trong “Bản Yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam” thay mặt cho Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Kể từ đây, cái tên Nguyễn Ái Quốc gắn liền với nhân vật Nguyễn Tất Thành mà sau này là Hồ Chí Minh.

Tháng 9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Mỹ S.Eli Maysi (S. Elie Maissie) đưa ra những quan điểm: “Cuộc kháng chiến là một vấn đề sinh tử của dân tộc Việt Nam. Đó không phải là một vấn đề đảng phái. Chính phủ Việt Nam gồm một đa số các người không đảng phái và một thiểu số đại biểu các đảng ái quốc trong số đó Việt Minh chiếm con số rất nhỏ...

Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới khi nào giành được thống nhất và độc lập cho Tổ quốc chúng tôi”25. Đáp lại câu hỏi về “đại cương chính sách đối ngoại của nước Việt Nam”, Bác khẳng định: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”26.

Cũng vào khoảng thời gian tháng 9-1947, Bác gửi thư thăm hỏi ông Cao Triều Phát, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Cao Đài cứu quốc 12 phái hợp nhất, Hội trưởng Hội Liên hợp quốc dân Nam Bộ bằng những lời lẽ thân mật “gửi đến người bạn già ở miền Nam... Dù xa cách, Chính phủ và tôi lúc nào cũng nghĩ đến công việc của ông... Với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể quốc dân, ngày vinh quang của đất nước sẽ gần đây...”27.

Tháng 9-1949, Bác đến thăm và ghi lưu bút trên trang đầu cuốn Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư ”28.

Ngày 06-9-1967, trong thư gửi tới Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bác viết: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta… Nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa! Chúng ta càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa với anh em, bè bạn ta trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ đang ra sức ủng hộ chúng ta!... Với sức mạnh đại đoàn kết vô địch, chúng ta nhất định thắng lợi! Đến ngày thống nhất nước nhà, Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng!”29.

Cùng trong tháng 9-1967, Bác gửi điện tới Đại hội anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam lần thứ hai biểu dương: “Năm 1965, Đại hội anh hùng miền Nam lần thứ nhất là Đại hội đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” của giặc Mỹ. Đại hội anh hùng lần này là Đại hội của những người sẽ đánh thắng “chiến tranh cục bộ” của chúng... Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, mưu trí, khiêm tốn, giản dị, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn... Miền Nam nước ta có những anh hùng, chiến sĩ và dũng sĩ xuất sắc là vì có đường lối, chính sách đúng đắn của Mặt trận, có những tập thể anh hùng, có nhân dân miền Nam anh hùng, có dân tộc Việt Nam anh hùng”30.

Ngày 07-9

“Gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới”.

Ngày 07-9-1919, một ngày sau khi gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Anbe Xaru (Albert Sarraut) tố cáo: “Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện... Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng...”31.

Ngày 07-9-1923, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đội quân chống cách mạng” đăng trên tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống Công nhân) phân tích chính sách bắt lính thuộc địa: “Công nhân Pháp có nhiệm vụ phải hành động. Họ phải kết tình anh em với binh lính bản xứ. Họ phải làm cho binh lính bản xứ hiểu rằng cả công nhân ở chính quốc lẫn binh lính ở thuộc địa, đều cùng bị chung một bọn chủ áp bức và bóc lột, do đó, họ đều là anh em cùng một giai cấp”32.

Ngày 07-9-1945, tiếp phóng viên báo chí trong nước, Bác cho biết: “Từ khi ra đời, tôi đã thấy nước mình bị nô lệ. Không muốn sống cảnh nô lệ nữa, ngay từ thuở thiếu niên, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Có lẽ đó là công lao duy nhất của tôi”33. Cùng ngày, tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc bộ, vị Chủ tịch nước bày tỏ: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới... Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”34.

Ngày 07-9-1948, từ chiến khu Việt Bắc, Bác gửi thư tới Giám mục Phát Diệm Lê Hữu Từ, thông báo việc quân dân ta đã đập tan cuộc tập kích của quân Pháp lên căn cứ địa kháng chiến và kết luận: “Đó là nhờ Đức Chúa phù hộ nước ta mà phạt bọn thực dân hung ác. Hai là nhờ tướng sĩ ta dũng cảm, đồng bào ta hăng hái... Sau nữa là nhờ ta đã đoán trước mưu mô của địch để đề phòng sẵn. Vẫn biết địch sẽ tấn công nhiều lần nhiều nơi nữa, ta còn phải kinh qua nhiều bước gay go nữa, nhưng với sự phù hộ của Đức Chúa, với sự cương quyết của dân và quân ta, với sự giúp đỡ của những bậc lão thành như cụ, thì sớm hoặc muộn ta cũng thắng lợi...”35.

Ngày 07-9-1953, trong bài báo Dân chủ mới đăng trên báo Cứu Quốc Bác đề cập những nội dung của “nền dân chủ mới” là: “... Trong chế độ dân chủ mới có năm loại hình kinh tế khác nhau: Kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, cá thể, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Tư tưởng giai cấp công nhân - tư tưởng Mác - Lênin là tư tưởng chủ đạo. Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện dân chủ mới, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội...”36.

Ngày 07-9-1954, trên báo Nhân Dân đăng bài “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp” của Bác bày tỏ lòng “nhớ ơn nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã ủng hộ ta trong những năm tháng kháng chiến. Chúng ta càng thấm thía tình hữu nghị của nhân dân Pháp đối với nhân dân ta...”37.

Ngày 08-9

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.

Ngày 08-9-1921, trên tờ “La Revue Communiste” (Tạp chí Cộng sản) đăng bài “Phong trào Cách mạng ở Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả điểm lại lịch sử phong trào giải phóng của nhân dân Ấn Độ chống chính sách thuộc địa của đế quốc Anh và đặc biệt ca ngợi: “Mahátma Găngđi đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi...”38 và nhận định: “Trước làn sóng như vậy, lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở cách nào...”39 .

Ngày 08-9-1945, để tránh sự khiêu khích của quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng đang tràn vào miền Bắc nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “thông điệp” cho Tưởng Giới Thạch cho biết: “Quân đội Trung Hoa tới Yên Bái bị một bọn cướp công kích, bọn cướp lấy danh hiệu của Việt Minh. Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hoà Việt Nam đã tức khắc phái quân đến giúp đỡ quân Trung Hoa và tiễu trừ bọn cướp”40.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 về cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sắc lệnh quy định: Trong thời hạn hai tháng sẽ mở một cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội; tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, sẽ thành lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp...

Ngày 08-9-1962, nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam. “Lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí”42 , Bác đưa ra nhận xét: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng…”42. Báo chí cần khéo lợi dụng vũ khí phê bình và tự phê bình. Nhưng “phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm… Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo”43.

Bác nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?... Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài báo của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”44.

Cuối cùng, Bác kết luận: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”45.

Ngày 09-9

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền...”.

Ngày 09-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng từ nhà của ông R.Ôbơrắc trở về Khách sạn “Royal Monceau”, nơi Chính phủ Pháp bố trí cho Người. Đây là thời điểm quyết định thành bại của cuộc Hội nghị Phôngtennơblô. Bác tiếp tục các cuộc tiếp xúc với các chính khách Pháp và thảo luận bên ngoài Hội nghị với những nhân vật có trách nhiệm của Chính phủ Pháp nhằm cứu vãn tình hình.

Ngày 09-9-1950, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng” báo tin: “Quân ta đã mở chiến dịch trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng. Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao - Bắc - Lạng và cho cả toàn quốc. Đồng bào ba tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như: Góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội v.v.. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào... Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi”46 .

Cùng khoảng thời gian này, trên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới, Bác ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch và tặng một bài thơ, sau đó trở thành một châm ngôn sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam: “Khuyên Thanh niên:

Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”47.

Ngày 09-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam”:

“1- Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân... 2- Bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân... 3- Tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc... 4- Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa, xã hội khác... 5- Thưởng người có công, phạt người có tội... 6- Giữ gìn trật tự và trị an... 7- Nhân dân, đặc biệt là nông dân, nên tổ chức lại... 8- Bảo vệ tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài...”48. Văn bản kết luận “Kỷ luật của quân đội nhân dân rất nghiêm minh, mua bán công bằng, không phạm đến một cái kim, sợi chỉ của dân...”49.

Cùng ngày, Bác đến chỉ đạo Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc, và mở đầu bằng một câu chuyện có ý nghĩa: “Hôm nay trời mưa to, suối nước lũ, khi đi đến một cái suối nước chảy mạnh, thấy bên kia có một nhóm đồng bào đang ngồi đợi nước xuống để sang, Bác nghĩ: Nếu không đi ngay, e các chú đợi mất thì giờ. Nên Bác cùng mấy chú nữa quyết tâm cởi áo quần, tay sào, tay gậy, lần sang được. Thấy Bác sang được, nhóm đồng bào kia cũng quyết tâm sang. Đó là kinh nghiệm cho các chú. Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, mà còn lôi cuốn người khác cùng quyết tâm như mình... Quyết tâm không phải nói đầu miệng mà phải tin tưởng sâu sắc... Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động. Phải có quyết tâm gây một tác phong chiến đấu anh dũng. Quyết tâm phản đối tất cả những hành động tiêu cực, lung lay, ích kỷ và báo cáo láo”50. Bác kết luận: “Các chú làm tròn nhiệm vụ thì Bác luôn luôn vui vẻ và khoẻ mạnh... khi quân đội ta mới bắt đầu thành lập, binh sĩ thì chỉ có mấy người, vũ khí thì chỉ có mấy khẩu súng quân mua lậu được. Thế mà chúng ta đã làm nên trò trống, Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Bây giờ chúng ta quân nhiều, tướng mạnh, mọi người lại đều quyết tâm. Cho nên ta nhất định thắng lợi”51.

Ngày 10-9

“Chúng ta sáng tạo... Chúng ta tiến lên”.

Ngày 10-9-1943, Lãnh tụ Hồ Chí Minh được trả tự do, kết thúc gần 13 tháng (kể từ 29-8-1942) Người bị các thế lực quân phiệt Trung Hoa giam giữ tại 30 nhà tù thuộc 13 huyện ở Quảng Tây. Bài thơ thứ 134 nhan đề “Kết luận” cũng khép lại tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).

Ngày 10-9-1945, tại Bắc bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức chiêu đãi mừng tướng Tiêu Văn, chỉ huy đạo quân Trung Hoa Quốc dân đảng  vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật. Cùng dự có A.Pátti người đứng đầu đơn vị tình báo Mỹ đang có mặt ở Hà Nội. Hồi ức của A.Pátti thuật lại sau khi Tiêu Văn đó ra về: Ông Hồ phàn nàn là tình hình sẽ rất khó khăn và có chiều hướng hoàn toàn xấu. Nhưng ông Hồ nói cuối cùng thì Việt Nam cũng sẽ được giải phóng khỏi người Pháp, Trung Quốc hay bất kỳ nước ngoài nào khác... Trong một phút linh cảm, ông Hồ đã nhận xét là sẽ có đổ máu trong tương lai. Nếu người Trung Quốc thực sự chống đối lại nền độc lập của Việt Nam, nhân dân ông nhất định sẽ kháng cự lại bằng vũ khí... Và nếu sự đe dọa của người Pháp trở thành hiện thực thì sẽ có cuộc chiến tranh toàn diện... Ông cho biết là sự có mặt của quân đội Trung Quốc đã làm ông phiền muộn. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh số 23 cử công dân Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) làm Cố vấn Chính phủ52.

Ngày 10-9-1950, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới ở Cao Bằng, Bác đã phê duyệt quyết tâm của Bộ chỉ huy chọn Đông Khê làm điểm mở màn và kế hoạch tác chiến của chiến dịch đầu tiên Quân đội ta chủ động mở trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cùng ngày, tờ Sự Thật đăng bài “Chỉnh đốn Đoàn thể và Chính quyền” của Bác nêu rõ: “Người ta mỗi ngày ai cũng rửa mặt, vài hôm phải tắm giặt để giữ cho thân thể sạch sẽ, mạnh khoẻ. Người cách mạng cũng thế, trước hết là cán bộ chính quyền và Đoàn thể cách mạng, mỗi người cũng phải rửa các mặt tinh thần, tư tưởng của mình, để tẩy sạch những chứng bệnh, những khuyết điểm. Chính quyền và Đoàn thể cũng cần thường thường rửa các bộ máy của mình, để tẩy trừ những phần tử bất chính, đầu cơ, và chỉnh đốn lại cách làm việc cho gọn gàng, mau chóng”53.

Ngày 10-9-1960, bế mạc Đại hội lần thứ III của Đảng, Bác được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và cương vị Chủ tịch Đảng. Trong diễn văn Bác nói: “Đại hội lần thứ II đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Chắc chắn rằng, Đại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà... Mười lăm năm trước đây, chỉ có 5.000 đảng viên và trong những điều kiện cực kỳ khó khăn mà Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi. Ngày nay, Đảng ta có hơn 50 vạn đồng chí, lại có những điều kiện rất thuận lợi, cho nên Đảng nhất định lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà đến thắng lợi...”54  và kết luận: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn cản được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”55.

Thanh Huyền (tổng hợp)

25, 26. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 219, 220.
27, 28. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 127, 353.
29, 30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 12, tr. 287, 292-293.
31. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 1, tr. 71.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 202.
33. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 6.
34. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 6-7.
35. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 492.
36. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 365-366.
37. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 496.
38, 39. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 44.
40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 12.
41, 42, 43, 44, 45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 613, 614, 615, 616.
46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 94.
47, 48, 49, 50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 95, 564-567, 558-562.
51. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 558-562.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 501.
53. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 460.
54, 55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 205, 206.


 Ngày 11-9

“Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của quân đội”.

Ngày 11-9-1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản cho biết “Tôi đến Mátxcơva vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại ở đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác”56. Lá thư cho biết lúc đầu khó khăn do những điều kiện của Quốc tế Cộng sản, còn lúc này là do nội chiến ở Trung Quốc “Và việc lên đường của tôi một lần nữa lại phải hoãn vô thời hạn... Và ngày mai sẽ là chuyện gì khác?...”. Bức thư cho thấy nhà cách mạng Việt Nam đang khao khát trở về gần với Tổ quốc của mình.

Tháng 9-1924, trên tờ Le Paria xuất bản tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đăng bài “Giáo dục quốc dân” viết về chính sách giáo dục của Liên Xô, so sánh với nền giáo dục tại các thuộc địa của Pháp để đi đến kết luận mỉa mai: “Tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu”57.

Ngày 11-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 8 được xét xử vẫn đưa ra quyết định trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Kông và chỉ định phương tiện, thực chất là trao cho thực dân Pháp. Luật sư Ph.Gienkin đã vận dụng “Luật Bảo thân” (Habeas Corpus) để phản đối bản án và kháng nghị lên Hội đồng Cơ mật của Anh.

Ngày 11-9-1945, báo Cứu Quốc đăng bài “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” của Bác khẳng định đây “là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các Ủy ban này... Xem như trên, Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”58.

Ngày 11-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một sĩ quan Mỹ và chuyển lời ghi âm “Tuyên bố với nhân dân Mỹ” với nội dung yêu cầu Chính phủ Pháp “1- Chấm dứt mọi tuyên truyền thiếu thiện chí ở Nam Kỳ. 2- Thả hết tù chính trị Việt Nam ở Nam Kỳ”59 và hy vọng sẽ nối lại đàm phán. Cùng ngày, Bác còn tiếp nhiều nghị sĩ và thăm Sứ quán Mỹ tại Pari.

Ngày 11-9-1950, Bác dự Hội nghị Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới và chỉ thị: “Chưa đánh thắng thì chưa được coi là đã chuẩn bị xong... Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Kiên quyết và bạo dạn không phải là một người mà phải toàn bộ tất cả mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết và bạo dạn thì phải có kỷ luật... Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”60.

Ngày 11-9-1954, báo Nhân Dân đăng “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhi đồng nhân dịp Tết Trung Thu” trong đó có đoạn: “Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên, sau tám chín năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu... Đến ngày Nam Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng”61.

Ngày 12-9

“Chớ thấy bại mà nản, chớ đắc thắng mà kiêu”.

Ngày 12-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 9 được xử. Luật sư đưa ra lời kháng nghị 8 điểm vạch rõ kết luận của Tòa án thực chất là muốn giao bị can cho nhà đương cục Pháp, vi phạm “Luật Bảo thân”, yêu cầu để Tống Văn Sơ được tự do lựa chọn nơi đến... Cuối cùng, Tòa chấp nhận bị cáo được kháng nghị lên Hội đồng Cơ mật.

Ngày 12-9-1946, Bác tiếp tục những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn sự đổ vỡ của đàm phán Việt - Pháp. Trong ngày, Bác viết thư gửi cho kiều bào ở Pháp, bày tỏ: “... Lòng thân ái đã rất là quý, chúng tôi rất cảm động và cám ơn. Nay tôi và Phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào: 1. Phải triệt để đoàn kết, 2. Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc, 3. Thực hành khẩu hiệu ĐỜI SỐNG MỚI: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, 4. Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”62.

Ngày 12-9-1947, Bác viết “Thư gửi đồng bào Liên khu III” với những lời căn dặn: “Cũng như đường xa, đi đến nơi thì thường nhọc mệt, sự nghiệp kháng chiến gần đến lúc thành công thì càng nhiều nỗi gian nan. Vậy nếu chúng ta đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ thêm, đã tiến bộ càng phải cố gắng mãi, chớ thấy thất bại mà nản, chớ thấy đắc thắng mà kiêu... Trước mặt trận cũng như ở hậu phương, muôn người như một, đều cùng quyết tâm làm trọn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc của mình. Như thế thì kháng chiến nhất định thành công cũng như Cách mạng Tháng Tám thành công vậy”63.

Ngày 12-9-1951, nhân Trung thu, Bác Hồ gửi thư cho thiếu niên, nhi đồng, mở đầu bằng lời thơ:

"Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng.

Sau đây Bác viết mấy dòng,

Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”64.

Thư có đoạn: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Các cháu đoàn kết thì thế giới hòa bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh... Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi thì Trung thu sẽ vui vẻ hơn...”65.

Ngày 12-9-1958, báo Quân đội nhân dân đăng bài của Bác “Thuốc độc gây tê liệt toàn thân, giết người chớp nhóang” giới thiệu vũ khí hóa học và cách đề phòng. Bài báo viết: “Một bộ đội được huấn luyện chu đáo sẽ không bị vũ khí hóa học tiêu diệt hay tiêu hao nặng”66. Thực tiễn chiến trường Việt Nam sau đó không lâu, quân Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học mang tính hủy diệt.

Ngày 12-9-1959, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Bác đưa ra ý kiến: Trong xây dựng phải có quy hoạch đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành; phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải bảo đảm vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí cho phù hợp.

Cùng ngày, tại Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Bác nhấn mạnh: “Chúng ta tổ chức hợp tác xã trước hết là nhằm mục đích nâng cao đời sống nông dân... Phải phát triển hợp tác xã một cách thật chắc chắn, không nên chạy theo số lượng... Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã”67.

Ngày 13-9

“Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Ngày 13-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, chỉ một ngày sau phiên tòa thứ 9, Tống Văn Sơ đã viết thư cho Thống đốc Hồng Kông yêu cầu được đi Anh một cách an toàn. Viên Thống đốc đã điện cho Bộ trưởng Thuộc địa Anh và nhận được gợi ý: Chỉ phóng thích, để tự nhà cách mạng Việt Nam thu xếp rời thành phố và cố gắng đừng để Pháp phản đối.

Ngày 13-9-1945, Bác dự lễ khai giảng Trường Quân chính Việt Nam (tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật), nhận làm hiệu trưởng và trong lời phát biểu, Bác căn dặn: “Chớ quên rằng làm cách mạng là vì Tổ quốc, vì dân tộc”68.

Cùng ngày, Bác tiếp đại biểu các tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao đài) và có lời với các vị chức sắc: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”69. Cũng trong ngày, Bác về dự kỷ niệm Lý Bát Đế tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh và nói chuyện cùng đồng bào: “... Bây giờ Chính phủ là Chính phủ của dân thì chắc các cụ cũng nên theo ý dân và nên hết sức cần kiệm cho xứng đáng là con dân trong lúc Tổ quốc đang lâm nạn”.

Trở về Bắc bộ phủ, Bác tiếp chủ bút tờ “Tri Tân” với quan điểm: “Văn hóa với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp cả với nguyện vọng của dân”70.

Ngày 13-9-1946, chuẩn bị về nước, Bác viết thư chia tay Việt kiều: “Đồng bào thân mến của tôi, Đồng bào trông đợi nhiều ở nước Pháp mới. Nay, các đại biểu và Chủ tịch của đồng bào trở lại nước nhà không mang lại độc lập dân tộc, không có quyết định cuối cùng về vấn đề Nam Bộ. Đồng bào có thể vì thế mà thất vọng. Cần biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong một vài tháng... Hãy tin vào lực lượng chúng ta và sự kiên quyết của chúng ta...”71.

Ngày 13-9-1950, Bác rời Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới, trực tiếp đến thị sát Mặt trận Đông Khê và chỉ thị: “Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu”72.

Ngày 13-9-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Để thực hiện 10 điều ghi nhớ của Mặt trận Liên Việt” trong đó, Bác chỉ rõ: “Mười điều ghi nhớ của hội viên Liên Việt không phải là những khẩu hiệu chỉ để hô cho kêu, dán cho đẹp... Mà muốn cho mọi người làm trọn nhiệm vụ, cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo thiết thực và xung phong làm gương mẫu”73.

Ngày 13-9-1958, Bác tới thăm Lớp học chính trị của giáo viên cấp II và III toàn miền Bắc, với lời căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”74 ... Đến thăm Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, Bác viết vào Sổ lưu niệm: “Cần cố gắng hơn để tiến bộ hơn. Mỹ thuật cũng phải ra sức phục vụ nhân dân”75.

Ngày 14-9

“Bác Hồ luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”.

Ngày 14-9-1940, Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh là Hồ Quang đang hoạt động tại Trung Quốc, tặng một người bạn cùng đơn vị tên là Phương Sĩ Tân, 4 chữ Hán: “Hữu Chí Cánh Thành” (Có chí thì nên).

Tháng 9-1945, Bác gửi thư cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập. Thư có đoạn viết: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”76.

Ngày 14-9-1946, trước ngày lên đường rời Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Bộ trưởng Mariuýt Mutờ để tiếp tục thương lượng mong cứu vãn sự đổ vỡ sau khi Hội nghị Phôngtennơblô không thành. Cuộc thảo luận từ 17 giờ kéo dài đến nửa đêm và lúc 0h30 ngày 15-9, hai bên đã ký kết được một văn kiện. Trong bức điện cấp tốc gửi về nước, Bác viết: “Bản thỏa hiệp tạm thời (Modus vivendi) đã ký ngày 14-9 với Chính phủ Pháp. Bản sao sẽ gửi về bằng máy bay. Gửi lời chào thân ái Cụ Huỳnh, các nhân viên trong Chính phủ, Quốc hội và đồng bào toàn quốc”77. Văn kiện này đã đưa ra những thoả thuận tạm thời nhằm tiến tới cơ hội giải quyết triệt để hơn trong “các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục càng sớm càng hay và chậm nhất là vào tháng 1 năm 1947”78. Đây là một thành công ngoại giao, nhờ đó Việt Nam vừa tỏ được thiện chí hòa bình, lại có thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng một khi bắt buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc.

Ngày 14-9-1952, tại Hội nghị Cán bộ liên minh nhân dân Việt - Lào, Bác nói: "Việt Nam đoàn kết chặt chẽ. Lào đoàn kết chặt chẽ, Miên (Campuchia) đoàn kết chặt chẽ… Đoàn kết ở đây là đoàn kết trong tinh thần, đoàn kết trong hành động, đoàn kết trong đấu tranh, chứ không phải đoàn kết ngoài miệng”79. Bác nhờ chuyển tặng món quà cho Chủ tịch Xuphanuvông một tấm lụa, một thanh kiếm và một bộ quần áo với ý nghĩa được giải thích: “Tấm lụa tượng trưng cho sự mềm mỏng và đại đoàn kết. Đoàn kết chặt chẽ như những sợi tơ trong tấm lụa. Mềm mỏng là để đối với nhân dân. Thanh kiếm là tượng trưng cho sự sắc sảo và kiên quyết. Còn bộ quần áo để tặng cho cán bộ Lào thi đua giỏi nhất”80.

Ngày 14-9-1959, tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc họp tại Bắc Ninh, Bác phân tích: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”81.

Tháng 9-1964, Bác mời cơm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Thiếu tướng Lê Trọng Tấn trước khi vào chiến trường miền Nam. Bác căn dặn: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: “Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”82.

Ngày 15-9

“Chúng ta chỉ có một mục đích là phụng sự Tổ quốc”.

Ngày 15-9-1911, Nguyễn Tất Thành gửi thư tới Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Thuộc địa xin nhập học vào Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) tại Pari. Trong thư, Nguyễn Tất Thành cũng tự giới thiệu “hiện tại tôi là nhân viên của Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeur Reunis)”83 tàu Amiran Latusơ Tơrêvin.

Ngày 15-9-1921, mật thám Pháp tại Pari cho biết, Nguyễn Ái Quốc vừa nhận được tờ tin của Hội Liên minh Nhân quyền, trong đó có mục “Những tội ác chiến tranh” đưa tin về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến.

Ngày 15-9-1924, Nguyễn Ái Quốc đến xem Triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức tổ chức tại Mátxcơva (Liên Xô), đã gặp họa sĩ người Thụy Điển Êríc Giôhanxơn (Eric Johanson) và được họa sĩ ký họa chân dung. Về sự kiện này, họa sĩ Thụy Điển đã viết: Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người.

Ngày 15-9-1945, nhân Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác gửi thư cho thiếu nhi cả nước: “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người “tiểu quốc dân” của một nước độc lập... Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái”84.

Ngày 15-9-1948, Bác ký quyết định cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở về Nam Bộ thay mặt Chính phủ kiểm tra công việc kháng chiến. Bác cũng viết thư gửi các Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính khẳng định: “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”85. Trong “thư gửi các tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích Nam bộ”, Bác căn dặn: “Trong phong trào Thi đua ái quốc, luyện quân lập công ngày nay, tôi mong các đồng chí cố gắng phát triển các ưu điểm, sửa chữa các khuyết điểm, để làm cho bộ đội ta thật xứng đáng là bộ đội của một nước Dân chủ Cộng hòa, xứng đáng với nhiệm vụ vẻ vang là giải phóng Tổ quốc và bảo vệ nhân dân”86. Còn trong “Thư gửi nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ”, Bác động viên: “Các cháu phải dũng cảm tiến lên, làm cho xứng đáng là con cháu của Phù Đổng Vương, của Trần Quốc Toản. Cho xứng đáng là thanh niên và nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất và độc lập”87.

Ngày 15-9-1960, Bác ra sân bay đón Tổng thống nước Cộng hòa Ghinê, Xôcu Turê (Sokou Toure) với những lời chào đón rất thân tình: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên!.

Ghinê cách Việt Nam hơn 13 nghìn cây số (theo đường thẳng) nhưng tinh thần nhân dân hai nước chúng ta thì rất gần gũi nhau như anh em...”88.

Ngày 15-9-1961, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác công đoàn, Bác phê bình cán bộ công đoàn còn “không thật hòa mình vào công nhân, không nắm được yêu cầu của công nhân”89. Cùng ngày, trong bài “Tia lửa” đăng trên báo Nhân Dân, Bác đánh giá hiện tượng phản chiến trong sĩ quan binh lính Sài Gòn là “những tia lửa đầu tiên nó báo hiệu những cuộc cháy bùng mai sau”90.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

56, 57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 303, 314.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 13, 14.
59. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 321.
60. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 461.
61. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , t. 5, tr. 497-498.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 287.
63. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 212.
64, 65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 299, 300-301.
66 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2009, t. 7, tr. 137.
67. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 502.
68, 69. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 10.
70, 71. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 11, 324-325.
72. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 461-462.
73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 303-304.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 222.
75. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , t. 7, tr. 138.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 32.
77, 78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 293, 533.
79, 80. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 246.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t, 9, tr. 507.
82. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2008, t. 9, tr. 121.
83. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 1, tr. 44.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 16.
85, 86, 87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 498, 499-500, 501.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 209.
89, 90. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 129.


 Ngày 16-9

“Ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”.

Ngày 16-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Lư Hán, người đứng đầu lực lượng Trung Hoa Quốc dân đảng đang tràn vào Bắc Việt Nam. Tại cuộc gặp đầu tiên này, Lư Hán đã ép Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận giá hối đoái theo đồng “quan kim” đang mất giá, phải cung cấp lương thực và các phương tiện liên lạc cho quân đội Trung Hoa, v.v.. Chính sau cuộc gặp này, để bảo toàn lực lượng vũ trang và tránh bị khiêu khích, Bác đã quyết định đổi tên Quân Giải phóng thành Vệ Quốc đoàn.

Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” nhân dịp khai mạc “Tuần Lễ Vàng” do các nhà công thương yêu nước tổ chức hưởng ứng “Quỹ Độc lập”... Thư viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa “Tuần lễ VÀNG” là ở đó. Tuần lễ VÀNG sẽ thu gúp số VÀNG trong nhân dân và nhất là của nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng. Tuần lễ VÀNG sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc...”91.

Ngày 16-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pari bằng xe lửa để đi Mácxây kết thúc chuyến đi thăm nước Pháp. Bác cảm ơn các quan khách Pháp ra tiễn và nói với bà con Việt kiều cần tin tưởng vào bản Tạm ước, để đoàn kết, kỷ luật thực hiện mệnh lệnh của Chính phủ, tranh thủ cảm tình của các bạn Pháp. Trước khi tàu chuyển bánh, Bác để lại một lời nhắn nhủ: “Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”92.

Ngày 16-9-1948, trong thư gửi nhi đồng nhân Tết Trung thu, Bác viết: “Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những Tết Trung thu tưng bừng vui vẻ. Vinh hoa bù lúc phong trần. Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe và gửi các cháu nhiều cái hôn Trung thu”93.

Ngày 16-9-1950, Bác đến trận địa, quan sát trận công kích Đông Khê mở màn Chiến dịch Biên giới. Trước đó, Bác đã đến thăm Trung đoàn 296 Đoàn Sông Lô, giao nhiệm vụ: Phải đánh thắng trận mở màn của Chiến dịch Biên giới. Xế chiều, Bác trở về căn cứ thăm tướng Trần Canh, cố vấn Trung Quốc. Nhân đó, Bác chép tặng bài thơ vừa sáng tác bằng chữ Hán “Đăng Sơn”(Lên núi). Bản dịch của Xuân Diệu: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”94.

Ngày 16-9-1953, báo Nhân Dân đăng bài “Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng” của Bác trong đó có đoạn: “9 Tết Trung thu/ 8 năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những Thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.../ Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông/ Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay!/ Bác cũng vui thay!/ Thu sau so với Thu này vui hơn”95.

Ngày 17-9

“Lực lượng dân tộc là lực lượng vĩ đại hơn hết!”

Ngày 17-9-1945, “chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già”96, Bác viết “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (Nghệ An) khẳng định thắng lợi: “Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta... Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”97. Thư đưa ra một vấn đề: “Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết. À! Việc này mới là khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó khăn hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều... trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta...”98. Và Bác cho rằng: “Chúng ta không sợ có khuyết điểm. Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”99.

Ngày 17-9-1946, trên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé lại thành phố cảng Mácxây, thăm hai trại “lính thợ” tại Môngtêlima (Montelimar) và Magácki (Magarqui). Trước 3.000 người lao động Việt Nam, Bác nói: “... Thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do toàn dân bầu cử, tôi khuyên kiều bào là công việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo”100.

Ngày 17-9-1964, nhân Hội nghị đại biểu đồng bào theo Đạo Thiên Chúa toàn miền Bắc, Bác viết thư mừng: “Kinh Thánh có câu: “Ý dân là ý Chúa”. Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng... Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”101.

Ngày 17-9-1965, Bác viết bài “Thật là vẻ vang” đăng trên báo Nhân Dân, sau khi nhắc lại một số dư luận thế giới ca ngợi sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Bác điểm thêm một bằng chứng: “Cụ Rutxen, một vị bác học người Anh nổi tiếng, ngoài 90 tuổi, đã viết: “Việt Nam đã trở nên một tượng trưng của sự chống cự lại một chế độ bóc lột thế giới... Nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh thật đặc biệt: Một nước công nghiệp mạnh nhất trên quả đất (là đế quốc Mỹ) đã trút hết lực lượng của nó nhằm xâm chiếm một nước nhỏ nông dân, mà nước nông dân này đang giành được thắng lợi với những vũ khí thô sơ và với một quyết tâm tất thắng”102 và kết luận bài báo: “Chúng ta tự hào và cố gắng để xứng đáng với sự ủng hộ và lòng kính phục của hàng triệu bầu bạn ta khắp năm châu. Chúng ta quyết thừa kế và phát triển lịch sử vẻ vang của tổ tiên ta mấy nghìn năm về trước và nêu gương dân tộc anh hùng cho con cháu ta muôn vàn đời về sau. Dù phải hy sinh, gian khổ mấy, chúng ta cũng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập thật sự và hòa bình lâu dài”103.

Ngày 18-9

“Lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ”.

Ngày 18-9-1919, bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” được ký tên Nguyễn Ái Quốc đã được đăng trên tờ “Yiche Pao” (Nghị Xã Báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).

Ngày 18-9-1926, trên tờ “Thanh Niên” xuất bản ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lý Thụy) viết bài “Người cách mạng mẫu mực” đặt vấn đề: “Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được... Để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải:

1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại,

2. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc...”104. Bài báo đề cập nhiều phẩm chất khác như: “Làm việc không biết mệt mỏi”, “xem thường cái chết”, “thuận theo hoàn cảnh”, “suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động”, “dựa vào sức mạnh của dân”, “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc”, “không cục bộ”, “không kiêu ngạo” và “kiên trì và nhẫn nại”. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn và nguy hiểm. Nếu người cách mạng thiếu kiên trì và nhẫn nại, thì những khó khăn sẽ làm anh ta thối chí và sẽ đào ngũ giữa trận tiền”105.

Ngày 18-9-1945, tại Bắc bộ phủ, Bác tiếp khoảng 30 nhà công thương có tiếng ở Hà Nội, động viên mọi người đóng góp cho “Tuần lễ Vàng” để tỏ rõ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng yêu nước. Cùng ngày, Bác tiếp Tướng Philíp Galơgơ (Philip E.Gallagher), Trưởng phái bộ Mỹ thay mặt quân Đồng Minh đang có mặt tại Hà Nội.

Ngày 18-9-1946, từ quân cảng Talông, chiến hạm Đuymông Đuyếcvin (Dumont D’ Urville) nhổ neo kết thúc chuyến thăm Pháp của Bác kéo dài 4 tháng. Trên tàu còn có một số trí thức Việt kiều về phục vụ đất nước như: Bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa)...

Ngày 18-9-1949, trên thuyền từ Khấu Lấu xuôi theo sông Đáy về huyện lỵ Sơn Dương để thăm lớp học của cán bộ kháng chiến, Bác cảm tác làm bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy:

“Dòng sông lặng ngắt như tờ,

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.

Bốn bề phong cảnh vắng teo,

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.

Lòng riêng riêng những bàn hoàn,

Lo sao khôi phục gian san Tiên Rồng.

Thuyền về, trời đã rạng đông,

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”106.

Ngày 18-9-1952, Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam bộ kháng chiến” biểu dương: “Nam bộ kháng chiến trước nhất. Chịu đựng gian khổ lâu nhất. Lại cách xa Chính phủ Trung ương nhất. Hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng sức kháng chiến ngày càng mạnh mẽ và có nhiều thành tích rất oanh liệt, vẻ vang. Đó là vì đồng bào và bộ đội có lòng yêu nước rất nồng nàn, chí căm hờn quân giặc rất sâu sắc, lòng tin tưởng vào thắng lợi rất vững bền. Cho nên càng gian khổ, lại càng hăng hái. Chính như câu tục ngữ nói: Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ”107.

Cùng ngày, trong bài báo “Chiến sĩ nấu bếp Hoàng Cầm”, đăng trên báo Nhân Dân, Bác động viên: “Dưới chế độ dân chủ của nước ta, bất kỳ ai làm việc gì mà cố gắng thi đua vượt mức thì tức là anh hùng... Nhiệm vụ của người nấu bếp cũng quan trọng như nhiệm vụ của người chỉ huy, vì “thực túc thì binh cường”, cơm no thì thắng giặc”108.

Ngày 19-9

“Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày 19-9-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đến Bảo tàng văn hào Ônơrê đờ Bandắc (Honore de Balzac) dự buổi nói chuyện có chừng 30 người dự.

Ngày 19-9-1945, báo Cứu Quốc đăng bài “Chính phủ là công bộc của dân”, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: “Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: Quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh... Nói tóm lại,... Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”109.

Tháng 9-1946, trên đường về nước, từ chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, Bác có điện gửi tới Giaoaháclan Nêru: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi gửi lời chào anh em tới Ngài, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ vĩ đại”110; trong điện gửi Mahátma Găngđi, Chủ tịch Hồ Chí Minh “xin gửi tới Ngài lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân kỷ niệm lần thứ 77 ngày sinh của Ngài và chúc Ngài trường thọ hai lần 77 tuổi”111.

Ngày 19-9-1949, Bác gửi thư tới Hội nghị Trung du biểu dương: “Đồng bào ta, gái cũng như trai, trẻ cũng như già, cho đến các cháu nhi đồng cỏn con ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng cố gắng giết giặc…”112. Và đưa ra mục tiêu phấn đấu: “Phải làm sao cho cho các tỉnh trung du thành một phòng tuyến kiên cố của ta, một nghĩa địa mênh mông của giặc. Thế là ta nhất định thắng lợi”113.

Cũng trong tháng 9-1949, Bác viết “Thư gửi các Hội mẹ chiến sỹ Liên khu IV” biểu dương: “Các chiến sỹ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh để giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Các cụ, các bà thì thương yêu săn sóc chiến sỹ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến... Chẳng những các chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết ơn các cụ, các bà. Tôi mong rằng khắp cả nước, các liên khu, các tỉnh, các làng, ở đâu cũng có Hội mẹ chiến sỹ. Còn các chiến sỹ thì phải hiếu với mẹ nuôi bằng cách thi đua giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công làm cho rạng danh và đền bồi công ơn của các bà mẹ chiến sỹ”114.

Ngày 19-9-1954, lần đầu tiên Bác thăm khu Đền Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ. Tại Đền Giếng, Bác gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân tiên phong đang trên đường chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn...”115.

Ngày 20-9

“Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ quốc”.

Ngày 20-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu “Phong trào cách mạng ở Đông Dương” biên khảo chi tiết các hình thức đấu tranh trong bối cảnh “cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Đông Dương chống đế quốc Pháp ngày càng trở nên quyết liệt hơn”116. Và kêu gọi: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp!”117.

Ngày 20-9-1945, tại Bắc bộ phủ, dự họp với các sĩ quan trong đơn vị Bảo an binh của chế độ cũ ủng hộ Chính phủ, Bác nói: “Có thể nói tấm lòng nhiệt thành ái quốc của các bạn ai cũng rõ, nhưng vì hoàn cảnh khác nhau, các bạn phải gắng giúp Chính phủ những cái có thể được... Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ quốc”118.

Ngày 20-9-1945, trong đêm Trung thu có cuộc vui phá cỗ của thiếu nhi Thủ đô, Bác Hồ lại viết thư: “Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em... Hôm nay Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập. Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do...”119.

Cùng ngày, lấy tư cách “một người bạn già” Bác viết “Thư gửi các vị phụ lão”: “Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận”, nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm gì được nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì, các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên)... Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng... Con cháu ta, thanh niên sức khoẻ thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta...”120.

Cũng trong ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 7 vị: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Trong bài viết “Hình thức chiến tranh ngày nay” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20-9-1945, Bác phổ biến những kiến thức quân sự phổ thông với nhận định: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”121.

Ngày 20-9-1958, Bác đến thăm công trường thuỷ lợi Bắc - Hưng - Hải động viên những người đang tham gia xây dựng: “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”122.

Ngày 20-9-1967, Bác gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh đã lập công trong ngày 17-9-1967 đã bắn rơi hai chiếc máy bay chiến lược B52 của Mỹ và chúc “hãy phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”123.

Thanh Huyền (tổng hợp)

91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 17.
92. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 328.
93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 502.
94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 142.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7,tr. 141.
96, 97, 98, 99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 19, 20, 21.
100. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 330.
101, 102, 103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 11, tr. 314, 508.
104, 105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 2, tr. 449, 450.
106. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 690.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 569.
108. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 248.
109, 110, 111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 22-23, 308, 309.
112, 113, 114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 679, 689.
115. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 502.
116, 117. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 41, 50.
118. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 16.
119, 120, 121. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 25, 24, 298.
122. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 223.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 12, tr. 289.


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày này năm xưa: Tháng 9 phần 5

 

Ngày 21-9

“Trẻ em như búp trên cành...”.

Ngày 21-9-1923, Nguyễn Ái Quốc viết “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” nêu tóm tắt tình hình Đông Dương, đưa ra những phân tích cụ thể và sâu sắc về các thành phần xã hội và con đường để tiến hành một cuộc cách mạng ở Việt Nam: “Triều đình và quan chức lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp của họ khinh bỉ và nhân dân An Nam ghét. Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ. Công nhân có thể là 2% trong dân số, không được học hành, không được tổ chức. Do vậy họ không có một lực lượng chính trị nào... Quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất, rất yêu nước. Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân nếu chúng ta làm tới được điều đó thì tương lai thuộc về chúng ta”124. Có thể nói đây là những phác thảo đầu tiên cho một đường lối chính trị hình thành của Nguyễn Ái Quốc. Báo cáo còn đưa ra dự kiến “xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt”, tập hợp các phần tử dân tộc cách mạng, đưa người qua Mátxcơva...

Ngày 21-9-1941, bài thơ “Trẻ con” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Việt Nam Độc lập:

“Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,

Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng...

Vì ai mà đến thế này?

Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn!

Khiến ta nước mất nhà tan,

Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa.

Vậy nên con trẻ nước ta

Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!

Kẻ lớn cứu quốc đã đành,

Trẻ em cũng phải ra giành một vai.

Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”125.

Ngày 21-9-1945, Bác dự họp Hội đồng Chính phủ bàn nhiều việc hệ trọng như chính sách đối với lao động, tài chính, lương bổng, ngoại giao với Pháp, Trung Hoa, Mỹ và cả yêu sách của quân Nhật đã bị giải giáp. Riêng với việc lực lượng vũ trang của Đại Việt ở Vĩnh Yên xin hàng, Bác chỉ thị nên thu xếp nhanh chóng và lấy lượng khoan hồng để đối xử.

Ngày 21-9-1954, báo Nhân Dân đăng thư của Bác Hồ gửi cho bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc với những tình cảm chân thành: “Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà... Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”126.

Ngày 21-9-1959, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về Cách mạng miền Nam, Bác nhắc nhở: “Phải giáo dục cho toàn dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, tránh chủ quan nóng vội. Ở các vùng rừng núi phải đề cao cảnh giác, phải phát triển mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ở thành thị phải tiến hành đánh địch trên mọi mặt (kinh tế, chính trị, quân sự...), phát triển công tác dân vận, địch vận, có như vậy mới bảo vệ được miền Bắc. Phải củng cố tổ chức cơ sở đảng, công tác mặt trận phải làm cho tốt...”127.

Ngày 22-9

“Dân hiểu, dân làm thì việc khó đến đâu cũng làm được”.

Ngày 22-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tiếp tướng Philíp Galơgơ, Trưởng đoàn phái bộ Đồng Minh của Hoa Kỳ, cùng dự còn có A.Pátti, người đứng đầu cơ quan tình báo OSS ở vùng Hoa Nam đang có mặt tại Hà Nội.

Cùng ngày, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác thông báo về những rắc rối với lực lượng Trung Hoa Quốc dân đảng và cuộc gặp tướng Lư Hán để dàn xếp; về việc giao thiệp với Mỹ; Chính phủ cần sớm thông báo việc mở lại Trường Đại học Việt Nam.

Ngày 22-9-1946, trên đường về nước, chiếm hạm “Đuymông Đuyếcvin” (Dumont D’Urville) cặp bến cảng Xaít (Port Said). Từ đây, Bác viết thư gửi gia đình Raymông Ôbrắc, mà Bác đã tá túc trong thời gian thăm nước Pháp. Bác còn viết thư gửi bà Sốtxi (Chossis), người của Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, ngày 14-9-1946, đã gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam nói lên tâm trạng của những người mẹ Pháp đang có con đi lính tại Việt Nam.

Bức thư viết: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất... Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất... Người Pháp đã đau khổ vì bị chiếm đóng trong bốn năm. Trong bốn năm ấy, các bà đã tiến hành “cuộc kháng chiến và đánh du kích”. Người Việt Nam chúng tôi cũng đã đau khổ vì bị chiếm đóng trong hơn 80 năm; chúng tôi cũng đã kháng chiến và đánh du kích... Nếu những thanh niên Pháp đến Việt Nam như những công nhân, kỹ thuật viên hoặc nhà bác học, thì tôi xin bảo đảm với bà rằng họ sẽ được đón tiếp nồng nhiệt như những người bạn, những người anh em... Nhưng, một khi những người này đến với tư cách là những kẻ đi chinh phục có vũ trang... thì sự đối địch là điều không thể tránh khỏi... Trong khi một bà mẹ Pháp thương khóc đứa con của mình thì có biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vừa khóc thương những người con bị chết lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan cửa nát!... Phải chấm dứt cuộc huynh đệ tương tàn này! Người Việt Nam và người Pháp chúng ta cũng theo đuổi một lý tưởng giống nhau: Tự do - bình đẳng - bác ái. Chúng ta có cùng một mục đích giống nhau là chế độ dân chủ. Chúng ta cần nhờ cậy lẫn nhau… Nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi thì nước Pháp sẽ chiếm được trái tim và tình cảm của tất cả những người Việt Nam!... Theo tinh thần bốn bể đều là anh em, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam. Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng quý như nhau. Tôi thành thực mong muốn thanh niên Pháp và thanh niên Việt Nam hiểu biết lẫn nhau và yêu mến nhau như anh em”128.

Ngày 22-9-1958, trong chuyến thăm hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Bác nói với các cán bộ địa phương: “Phải lấy việc giáo dục làm đầu, phải đánh thông tư tưởng cho quần chúng. Dân hiểu, dân làm, thì việc khó đến đâu cũng làm được”129.

Ngày 22-9-1962, Bác nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc nhấn mạnh đến sự nghiệp xây dựng nền kinh tế đất nước phải nhận thức rằng: “Công nghiệp và nông nghiệp như hai chân của con người... quan hệ với nhau rất khăng khít... Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng... tóm tắt trong mấy điểm: Trung thành, dũng cảm và khiêm tốn...”130.

Ngày 23-9

“Nam bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc”.

Ngày 23-9-1921, trên tờ “Le Libertaire” (Tự Do) đăng bài “Nền văn minh thượng đẳng” của Nguyễn Ái Quốc đưa ra những trích dẫn từ một cuốn nhật ký của một lính thực dân để vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa. Tác giả tố cáo: “Dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh nền dân chủ Pháp”, người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương”131.

Ngày 23-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp tướng Lư Hán bày tỏ mối bất bình với những hành động gây hấn của Pháp ở Nam bộ và bày tỏ hy vọng phía Trung Hoa Quốc dân đảng cũng không hành xử như vậy ở miền Bắc Việt Nam.

Ngày 23-9 là “Ngày Nam bộ kháng chiến”, mỗi năm đến ngày này, Bác thường gửi thư đến đồng bào miền Nam biểu dương: "Đã hai năm nay chiến sỹ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mệnh, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan. Song lòng yêu nước ngày càng nồng nàn, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng gia tăng, chí quyết thắng ngày càng vững chắc. Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của nước nhà... Lực lượng của 20 triệu người vì tự do, vì Tổ quốc, vì chính nghĩa mà kháng chiến là một lực lượng tất thắng... Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn...” (1947)132; “Tôi tin rằng, nếu cần kháng chiến ba năm hay mấy lần ba năm nữa, chúng ta cũng quyết kháng chiến đến cùng, vì chúng ta chắc rằng: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi,/ Thống nhất, độc lập nhất định thành công” (1948)133; “Quân dân Nam bộ và miền Nam Trung Bộ đã kháng chiến 5 năm và đang tiếp tục củng cố bức Thành đồng của Tổ quốc... Bức Thành đồng càng ngày càng trở nên vững chắc sau mỗi mưu mô xâm chiếm của giặc. Được như vậy là nhờ ở ý chí cương quyết của toàn dân, của các tướng sỹ và đồng bào Nam bộ, miền Nam Trung Bộ và sự đoàn kết của quân, dân với Chính phủ kháng chiến” (1950)134; “Suốt 8 năm kháng chiến anh dũng, Nam bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc... Càng đấu tranh gian khổ, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào Nam bộ lại càng hăng hái kiên quyết, càng bị thử thách, lại càng tỏ rõ đức tính kiên cường bất khuất của mình” (1953)135.

Ngày 23-9-1948, báo Sự Thật đăng bài “Cách làm việc tập thể, lãnh đạo cá nhân phụ trách” trong đó, Bác nhấn mạnh: “Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: “Khôn bầy hơn khôn độc” là nghĩa đó... Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”136.

Ngày 23-9-1962, tiễn bà Hóctini Xucácnụ, phu nhân của Tổng thống Inđônêxia kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm một vần thơ:

“Tiễn đưa, xin gửi một lời,

Mối tình hữu nghị muôn đời không phai”137.

Cùng ngày, trên báo Nhân Dân, Bác viết bài “Sẵn sàng giúp đỡ” nhân “Tháng ủng hộ nhân dân Angiêri và nhân dân các nước đang gian khổ đấu tranh cho độc lập dân tộc”, kết thúc bằng vần thơ:

“Trăm năm trong cõi người ta

Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam!”138.

Ngày 24-9

“Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua”.

Ngày 24-9-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc có mối liên hệ với Hội Liên minh Nhân quyền Pháp và đóng niên phí cho tổ chức này.

Cuối tháng 9-1922, báo “Le Paria” (Người Cùng Khổ) đăng bài “Nhân đạo thực dân” của Nguyễn Ái Quốc, tố cáo những thủ đoạn cai trị hà khắc và thâm hiểm của chế độ thuộc địa. Bài báo có đoạn: “Người ta (thực dân) đã làm tất cả để vũ trang cho người An Nam giết hại nhau và xúi giục họ phản bội. Người ta tuyên bố các thôn xã phải chịu trách nhiệm về những chuyện rối ren xảy ra trong địa hạt mình. Họ phải dẫn đường cho quân đội ta, phải nộp mạng những người nổi dậy. Ai không tuân lệnh thì bị coi là kẻ phạm tội. Làng nào dung nạp một người yêu nước là bị xử án. Muốn điều tra, có một cách, bao giờ cũng cứ dùng mãi một cách đơn giản, là: Chất vấn lý trưởng và hào mục. Ai không nói lập tức bị hành quyết. Một đám lính bảo an trong vòng hai tuần lễ, đã cho hành quyết 75 hào mục...”139.

Ngày 24-9-1924, Tạp chí “Inprekorr” (bản tiếng Pháp) của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Các nước đế quốc chủ nghĩa và Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo “tóm tắt lịch trình những cuộc can thiệp của nước ngoài trong quá khứ để tìm ra nguyên nhân thực tế, lý do chính của sự can thiệp hiện tại”140. Tác giả bài báo cho rằng, mục đích chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc là “lật đổ Tôn Dật Tiên, “người Cha của cách mạng Trung Quốc”141... Chủ nghĩa đế quốc Pháp, kẻ áp bức nhân dân Đông Dương đang lo ngại... “những tư tưởng phá hoại… cũng có thể xuyên qua biên giới và thâm nhập vào những người nô lệ An Nam... Một nước Trung Hoa thống nhất, tự do và hùng mạnh sẽ là màn giáo đầu của một nước Triều Tiên độc lập và một nước Ấn Độ giải phóng... Chính vì thế mà ngày nay người ta đang tìm cách thanh toán Tôn Dật Tiên và đảng của ông, cũng như trước đây người ta đã tìm cách bóp chết nước Nga cách mạng vậy”142.

Ngày 24-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ tướng Galơgơ, người đứng đầu phái bộ Đồng Minh của Mỹ chuyển tới Tổng thống Mỹ Tơruman bức thư tố cáo Tư lệnh các lực lượng quân đội Anh đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam: Một, cấm các báo chí; hai, cung cấp vũ khí, đạn dược cho dân chúng Pháp; ba, tước vũ khí các lực lượng cảnh sát Việt Nam. Các biện pháp này là một sự vi phạm rõ ràng đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam, đe dọa trực tiếp nền an ninh trong nước và là nhân tố làm mất ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á. Chính phủ lâm thời Cộng hòa Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Ngài can thiệp với các nhà chức trách Anh bãi bỏ các biện pháp nói trên.

Ngày 24-9-1948, Bác ký chỉ thị về việc tổ chức “Ban Quân sự Nam bộ gọi là Bộ Tư lệnh Nam bộ”143.

Ngày 24-9-1952, dự họp Bộ Chính trị, Bác yêu cầu: “Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng, coi đó là một trong những mục tiêu chính trị của Trung ương… Những bài báo cổ động thi đua cần viết ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề chủ chốt nhất”...144.

Ngày 24-9-1961, Bác Hồ đến vui Tết Trung Thu với hơn một vạn thiếu nhi Thủ đô tại Câu Lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội.

Thanh Huyền (tổng hợp)

124. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 204.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 203.
126. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 356.
127. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2009, t. 7, tr. 341.
128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 302-303.
129. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2009, t. 7, tr. 143-144.
130. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 619-621.
131. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 46.
132, 133, 136. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 214-215, 503, 504-505.
134. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 97.
135. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 143.
137. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 623.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 625.
139, 140. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 116, 315.
141, 142. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 319, 319-320.
143. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 245-246.
144. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 251.
145. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên


 Ngày 25-9

“Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”.

Ngày 25-9-1924, Quốc tế Cộng sản ra quyết định “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do Ban Phương Đông chịu”145. Quyết định này được thực hiện theo đề đạt của nhà cách mạng Việt Nam và được Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ.

Ngày 25-9-1932, Nguyễn Ái Quốc cùng Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Non (Tố Hữu) tham dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva. Tại đây, Bác đã nói với nhà văn Xôviết Ilia Érenbua: Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi.

Ngày 25-9-1942 là Rằm Trung thu, trong nhà tù của Quốc dân đảng Trung Hoa, Bác làm hai bài thơ chữ Hán cùng tựa đề “Trung thu”. Nhà thơ Nam Trân dịch ra quốc ngữ: “I. Trung thu vành vạnh mảnh gương thu/ Sáng khắp nhân gian bạc một màu/ Sum họp nhà ai ăn Tết đó/ Chẳng quên trong ngục kẻ ăn sầu”; “II. Trung thu ta cũng Tết trong tù/ Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu/ Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt/ Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu”146.

Ngày 25-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời Thiếu tá A.Pátti và một số khách Mỹ đến dự bữa cơm tại ngôi nhà số 8 Lê Thái Tổ. Trong bữa cơm, Bác thông báo rằng tình hình cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam khó mà tránh khỏi và tỏ ý tiếc rằng đơn vị OSS đã từng cộng tác với Việt Minh sắp phải rời khỏi Việt Nam.

Ngày 25-9-1947, Bác viết thư gửi cụ Võ Liêm Sơn, Chủ tịch "Ủy ban Trung ương mùa Đông kháng chiến giúp binh sỹ” xin được gửi một tháng lương “nhờ Cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn áo cho chiến sỹ, gọi tỏ chút lòng thành. Đồng bào ta đã giúp nhiều lần. Lần này, mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi rất mong đồng bào cũng ra sức giúp, để cho chiến sỹ khỏi lạnh và đủ ấm áp để ra sức xung phong diệt địch”147.

Tháng 9-1948, nhận được báo cáo việc cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định có 8 người con tham gia kháng chiến trong đó có 4 người đã hy sinh, Bác Hồ viết thư khen và tặng Cụ 8 chữ: “Một nhà Trung Hiếu/ Muôn thuở thơm danh”148.

Ngày 25-9-1952, nhân Tết Trung thu, Bác gửi thư cho thiếu nhi cả nước bày tỏ: “Mục đích của Bác và Đoàn thể cùng Chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng”149. Cuối thư Bác viết tặng bài thơ:

“Ai yêu các nhi đồng

 Bằng Bác Hồ Chí Minh?

Tính các cháu ngoan ngoãn,

Mặt các cháu xinh xinh,

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,

Tuỳ theo sức của mình:

Để tham gia kháng chiến,

Để gìn giữ hòa bình.

Các cháu hãy xứng đáng:

Cháu Bác Hồ Chí Minh!”150.

Ngày 25-9-1954, Bác viết bài “Các lãnh tụ Trung Quốc” đăng trên báo Nhân Dân nhưng lại rút ra bài học: “Đối với Việt Nam “cần, kiệm, liêm, chính là đức tính của những người cách mạng Việt Nam phải thực hiện được""151.

Ngày 25-9-1965, Bác Hồ và Bác Tôn gửi chung một bức thư cho học sinh trường Hoàng Lệ Kha (Tây Ninh) biểu dương tuổi nhỏ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và có đoạn thơ: “Nam Bắc sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta sẽ gặp mặt trẻ già vui chung./ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu một anh hùng thiếu nhi”152.

Ngày 26-9

“Chúng ta là một dân tộc văn minh”.

Ngày 26-9-1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ nhân vụ thực dân gây hấn. Thư có đoạn: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đó gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”... Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước. Nước Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam bộ muôn năm”153.

Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng bài “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” của Bác phân tích: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời... Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi... Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”154.

Ngày 26-9-1947, báo Cứu Quốc đăng lá thư Bác Hồ gửi đồng bào xã N.L, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình khen ngợi từ tháng 5, dân cả xã đã biết chữ. Thư viết: “Có kết quả tốt đẹp đó, là nhờ các cụ phụ lão hăng hái hô hào, các vị thân sỹ hăng hái giúp đỡ, các anh em bình dân học vụ hăng hái dạy dỗ và toàn thể đồng bào hăng hái học tập”155.

Ngày 26-9-1953, Bác đến dự và nói chuyện tại lễ bế mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức. Bác nói: “Phấn đấu trong một thời đại vẻ vang, làm cán bộ của một dân tộc anh hùng, đó là một vinh dự của người trí thức, đồng thời cũng là một nhiệm vụ nặng nề... Chúng ta phải nhớ câu “chính tâm tu thân” để “trị quốc bình thiên hạ”. Chính tâm tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người...”156.

Ngày 26-9-1959, Bác Hồ đưa Tổng thống Inđônêxia Xucácnô đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bác đích thân dịch bài nói của khách quý với sinh viên Việt Nam: “Bác Cácnô đã nói với các cháu những gì? Nói tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên - tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ mà: 1. Phải đoàn kết chặt chẽ. 2. Cố gắng học tập cho tốt. 3. Phải lao động cho tốt. 4. Vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ XX”157.

Ngày 26-9-1964, dự họp của Bộ Chính trị bàn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau sự kiện Vịnh Bắc bộ và Mỹ ném bom miền Bắc ngày 05-8-1964, Bác nhắc nhở phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình hình xấu nhất, âm mưu của Mỹ đánh phá miền Bắc là chiến lược chứ không phải là sách lược.

Ngày 27-9

“Thanh niên Hà Nội phải thành khuôn mẫu cho thanh niên cả nước”.

Ngày 27-9-1925, báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu đăng bức thư của Nguyễn Ái Quốc “Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta” trong đó, chia sẻ nhiều quan điểm về cách mạng. Thư phân tích: “Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng. Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông; vì vậy ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn là trị vì một dân tộc nô lệ... Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân… nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi... Điều đó chứng tỏ rằng vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng...”158.

Ngày 27-9-1945, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Bác đến dự và mở đầu bài nói: “Các anh em nếu đến đây để đợi nghe một bài diễn văn bóng bảy, hoa mỹ thì các anh em sẽ thất vọng. Những lời tôi nói với anh em sẽ chỉ rất giản dị, rất thiết thực. Tôi sẽ không khen ngợi anh em, mà chỉ chú ý vạch ra những khuyết điểm của anh em... Bây giờ, cần phải làm sao cho mất những khuyết điểm ấy. Việc cần trước nhất là làm thống nhất các tổ chức thanh niên... Nói tóm lại, phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc”159.

Ngày 27-9-1946, tiếp tục bàn về “Binh pháp Tôn Tử”, trên báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Bàn về kế hư thực”: “Muốn chiến đấu thắng lợi, bao giờ cũng phải chiếm địa vị chủ động... Kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp... Nói tóm lại, kế hư thực của Tôn Tử rất mầu nhiệm. Muốn đánh được thắng lợi, hành động phải bí mật, đừng để cho quân địch biết mà đề phòng. Trái lại, muốn phòng giữ chắc chắn đừng nên để lộ cơ mưu, hư thực của mình, khiến cho quân địch không biết đánh vào nơi nào, đừng nơi nào. Thi hành đúng kế hư, thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”160.

Ngày 27-9-1947, trong thư gửi nhân Tết Trung thu, Bác Hồ “hứa với các cháu: Các bác, các chú, toàn cả đồng bào, sẽ ra sức tranh đấu, để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến... để các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ như năm kia, năm ngoái”161.

Ngày 27-9-1951, Hội nghị Trung ương lần thứ hai khóa II khai mạc. Bác tham dự Hội nghị và đóng góp những ý kiến thiết thực đối với công tác Đảng: “Điều chú ý là cán bộ xa dân vì quan liêu, không gần gũi quần chúng. Cho nên phải làm thế nào kết hợp được với quần chúng… Công tác trong vùng tạm chiếm cần phải linh hoạt, không máy móc... Học tập cả kinh nghiệm và lý luận ta đều có mặt kém... phải cố gắng, chống khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa”162.

Ngày 27-9-1954, Bác viết bài “Cái gậy và con gà” đăng trên báo Nhân Dân nhắc đến ý kiến của một người Pháp từng chứng kiến cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đã đưa ra lời nhận xét: “Mỗi người Việt Nam yêu nước đều có thể là người tuyên truyền làm cho thế giới kính trọng dân tộc ta”163.

145. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 290.
146. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 291.
147. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 124.
148. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 507.
149, 150. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 571, 572.
151. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 504.
152. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 302.
153, 154. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 47-48, 26.
155. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 216.
156. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 148.
157. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 471.
158. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 442-443.
159, 160. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 29-30, 313-315.
161. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 217.
162, 163. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 100-101, 505.

Thanh Huyền (tổng hợp)


 Ngày 28-9

“Sẻ cơm nhường áo”.

Ngày 28-9-1920, báo cáo mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đi trả ảnh và nhận việc tại Nhà ảnh số 35 đường Phroađơvô (Froidevaux) ở Pari.

Ngày 28-9-1922, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Phòng kiểm duyệt ở Đông Dương” đăng trên tờ L’Humanité (Nhân Đạo) tố cáo tình trạng kiểm duyệt thư tín vẫn đang diễn ra tại các thuộc địa của Pháp và kết luận: “Như thế là người bản xứ bị giết chóc, cướp phá và không được hưởng những quyền sơ đẳng nhất: Cả đến quyền thư tín! Sự vi phạm tự do cá nhân này chứng minh thêm chính sách đê tiện của bọn mật thám và chính sách lạm quyền đang thống trị ở những thuộc địa chúng ta”164. Báo cáo của mật thám Pháp cũng cho biết, trong ngày này, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp liên quan đến việc điều hành tờ “Le Paria” (Người Cùng Khổ) đang gặp khó khăn về tài chính.

Ngày 28-9-1923, cũng trên tờ L’Humanité (Nhân Đạo), Nguyễn Ái Quốc có bài báo “Không phải chủ nghĩa quân phiệt đâu, nhưng...” tố cáo những chính sách của Chính phủ Pháp trong việc xây dựng bộ máy chiến tranh ở các thuộc địa: “Nếu chúng ta nói thêm rằng, chỉ riêng ở Đông Dương, chi phí về quân sự năm 1921, cũng đã hơn 35.600.000 phrăng, trong khi đó ngân sách giáo dục có không đầy 350 nghìn đồng bạc và ngân sách về y tế không đầy 65 nghìn đồng bạc thì sẽ thấy ngay tất cả sự tốt đẹp của chế độ thực dân của cái nước Cộng hòa Pháp rất nhân từ và đã tài giảm quân bị này”165.

Ngày 28-9-1945, Bác viết bài kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên tờ Cứu Quốc: “Hỡi đồng bào yêu quý, từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào”166.

Ngày 28-9-1948, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc phòng tối cao trong hoàn cảnh mà nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến mô tả: Trời mưa và gió như bão... Bão càng về trưa càng lớn, cây ngả ngổn ngang chung quanh nơi họp. Hội đồng phải nhiều lần tạm nghỉ để tránh chiều gió mạnh... Hội đồng tiếp tục làm việc cho đến nửa đêm dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Các vấn đề lớn, kế hoạch thu đông, chương trình 1949, sắc lệnh bộ máy kháng chiến hành chính... Hội đồng Quốc phòng họp kỳ này có rất nhiều kết quả.

Ngày 28-9-1964, Bác viết thư gửi Hội nghị đại biểu Phật giáo Thống nhất Việt Nam chúc mừng: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lợi lạc quần sinh, vị ngã vị tha” (Đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người. Quên mình vì người khác). Chúc toàn thể tăng ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”167.

Ngày 29-9

“Muốn có sức khỏe thì phải ăn ở vệ sinh”.

Ngày 29-9-1920, mật thám Pháp theo dõi, Nguyễn Ái Quốc vào khám tại bệnh viện Côsanh và đi tìm việc làm ở Pari.

Ngày 29-9-1921, mật thám Pháp ghi nhận, tại nhà của Phan Văn Trường, số 6 Vila đê Gôbơlanh, Pari, sau bữa ăn lại có cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài tới nửa đêm giữa những người có mặt: Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Cao Đoan, Phan Cao Lục và chủ nhà.

Ngày 29-9-1922, báo L’Humanite (Nhân đạo) đăng một tiểu phẩm mang tính chất văn học của Nguyễn Ái Quốc “Đồng tâm nhất trí”. Cùng ngày, tại trụ sở của tờ báo Le Paria (Người Cùng Khổ), Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Ban biên tập.

Ngày 29-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản” báo cáo về phong trào Xôviết đang diễn ra tại Nghệ Tĩnh và các cuộc đấu tranh tại các tỉnh Nam bộ ở Việt Nam cũng như sự đàn áp tàn khốc của chính quyền thuộc địa và đưa ra đề nghị: “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ...”168.

Ngày 29-9-1938, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi biên chế Viện Nghiên cứu các vấn đề Thuộc địa của Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản. Sau đó một thời gian, Bác bí mật lên đường qua phía Nam Trung Quốc hoạt động.

Cuối tháng 9-1944, Hồ Chí Minh trở lại Pác Bó (Cao Bằng). Sau khi nghe báo cáo về việc Liên ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, Bác chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất vì thời cơ chưa chín muồi.

Ngày 29-9-1951, trả lời bức thư của 300 “ngụy binh là người công giáo” xin được khoan hồng, Bác viết lá thư chung: “Thư gửi các ngụy binh”: “Đối với tất cả ngụy binh, thì Chính phủ sẽ khoan hồng những người sớm quay về với Tổ quốc, sẽ trọng thưởng những người và những nhóm lập công lớn... Ngụy binh cũng là con dân nước Việt, những vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến”169.

Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), Bác chủ tọa cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Bác nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”170, bàn tay Bác đang nắm lại, xòe ra mỗi ngón tay chỉ về một hướng và khẳng định: “Phương hướng chiến lược không thay đổi”171. Tinh thần chỉ đạo ấy đã tạo nên thắng lợi quyết định của chiến cục Đông - Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngày 29-9-1962, về thăm xã Quảng An, huyện Từ Liêm bên bờ Hồ Tây (Hà Nội), tại đình Quảng Bá, nói chuyện với các đại biểu đang dự Hội nghị tổng kết phong trào thể dục vệ sinh mùa hè, Bác căn dặn: “Muốn có sức khỏe phải ăn ở vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch. Muốn có nước sạch phải đào giếng”172. Bác tặng Quảng An một khoản tiền riêng để xây một giếng nước ở xóm Quảng Khánh để phát động phong trào xây dựng xã điển hình về vệ sinh phòng bệnh.

Ngày 30-9

“Làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên”.

Ngày 30-9-1920, tại Pari, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đi mua sắm đồ nghề làm ảnh và dự cuộc họp Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại một quán cà phê.

Trước đó một năm, tháng 9-1919, được sự giới thiệu của đại diện Chính phủ lâm thời Triều Tiên tại Pari, một phóng viên Mỹ đã tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc và phỏng vấn: “Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì? - Đáp: Để đòi quyền tự do cho nhân dân An Nam - Hỏi: Bằng cách nào?- Đáp: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên. - Hỏi: Nhưng đất nước đã sẵn sàng chưa?... - Đáp: Tình cảnh nước Việt Nam thật đáng buồn. Ngoài chúng tôi (chỉ một số người yêu nước) chưa có sự chuẩn bị nào cả và các hoạt động vũ trang gần đây đã hoàn toàn thất bại và không có tiếng vang nào... - Hỏi: Từ lúc đến Pari tới nay, anh đã đạt kết quả nào rồi? - Đáp: Ngoài các nghị sỹ, tôi đã gặp tất cả những người chịu giúp chúng tôi...”173.

Ngày 30-9-1921, cùng ngày trên bài viết của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên hai tờ báo: Bài “Tội ác của chủ nghĩa thực dân” trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) và “Sự quái đản của công cuộc khai hóa” trên tờ Le Libertaire (Tự Do) đều có chung chủ đề tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa.

Tháng 9-1943, từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết vào mép trắng của tờ Quảng Tây nhật báo một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán (được dịch ra quốc ngữ:

“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;

Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh,

Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”174).

Kèm theo bài thơ là dùng chữ Hán với nội dung: Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên. Tờ báo được bí mật gửi về nước để báo tin cho các đồng chí biết người viết vẫn an toàn.

Ngày 30-9-1945, Bác tổ chức bữa cơm tiễn A.Pátti, người đứng đầu Cơ quan tình báo OSS của Mỹ đã hợp tác chống Nhật. Sau bữa cơm, Pátti ngồi nói chuyện với người đứng đầu nhà nước Việt Nam tới tận khuya về những vấn đề thời sự. Lúc chia tay, hồi ức của Pátti ghi lại: Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa, cảm ơn tôi đã tới và đã chịu nghe ông “diễn thuyết”. Ông đặt tay lên vai tôi “Bon voyage, (chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại. Lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh”. Khi xe tôi nổ máy, tôi nhìn lại vẫn thấy bóng nhỏ nhắn của ông ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Tôi sực nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong một tiệm trà ở Chiu Chou Chieh. Ông hiện ra mong manh, nhưng thực tế, thật là bất khuất.

Cuối tháng 9-1960, nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01-10), Bác viết cho báo Nhân Dân 8 chữ Hán: “Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thành” (Tình hữu nghị Việt - Trung mãi mãi xanh tươi)175.

Ngày 30-9-1964, đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu thanh niên Thủ đô, Bác căn dặn: “Thanh niên phải ra sức học tập chính trị, văn hóa và khoa học, kỹ thuật. Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng... Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

164. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 110.
165. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 207.
166. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 31.
167. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 315.
168. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 52.
169. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 305-306.
170, 171. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t 5, tr. 374.
172. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 291.
173. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 69.
174. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 439.
175. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd, 2009, t. 7, tr. 540.

Bài viết khác: