Chỉ mục bài viết

 Ngày 16-9

“Ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”.

Ngày 16-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Lư Hán, người đứng đầu lực lượng Trung Hoa Quốc dân đảng đang tràn vào Bắc Việt Nam. Tại cuộc gặp đầu tiên này, Lư Hán đã ép Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận giá hối đoái theo đồng “quan kim” đang mất giá, phải cung cấp lương thực và các phương tiện liên lạc cho quân đội Trung Hoa, v.v.. Chính sau cuộc gặp này, để bảo toàn lực lượng vũ trang và tránh bị khiêu khích, Bác đã quyết định đổi tên Quân Giải phóng thành Vệ Quốc đoàn.

Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” nhân dịp khai mạc “Tuần Lễ Vàng” do các nhà công thương yêu nước tổ chức hưởng ứng “Quỹ Độc lập”... Thư viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa “Tuần lễ VÀNG” là ở đó. Tuần lễ VÀNG sẽ thu gúp số VÀNG trong nhân dân và nhất là của nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng. Tuần lễ VÀNG sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc...”91.

Ngày 16-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pari bằng xe lửa để đi Mácxây kết thúc chuyến đi thăm nước Pháp. Bác cảm ơn các quan khách Pháp ra tiễn và nói với bà con Việt kiều cần tin tưởng vào bản Tạm ước, để đoàn kết, kỷ luật thực hiện mệnh lệnh của Chính phủ, tranh thủ cảm tình của các bạn Pháp. Trước khi tàu chuyển bánh, Bác để lại một lời nhắn nhủ: “Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”92.

Ngày 16-9-1948, trong thư gửi nhi đồng nhân Tết Trung thu, Bác viết: “Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những Tết Trung thu tưng bừng vui vẻ. Vinh hoa bù lúc phong trần. Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe và gửi các cháu nhiều cái hôn Trung thu”93.

Ngày 16-9-1950, Bác đến trận địa, quan sát trận công kích Đông Khê mở màn Chiến dịch Biên giới. Trước đó, Bác đã đến thăm Trung đoàn 296 Đoàn Sông Lô, giao nhiệm vụ: Phải đánh thắng trận mở màn của Chiến dịch Biên giới. Xế chiều, Bác trở về căn cứ thăm tướng Trần Canh, cố vấn Trung Quốc. Nhân đó, Bác chép tặng bài thơ vừa sáng tác bằng chữ Hán “Đăng Sơn”(Lên núi). Bản dịch của Xuân Diệu: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”94.

Ngày 16-9-1953, báo Nhân Dân đăng bài “Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng” của Bác trong đó có đoạn: “9 Tết Trung thu/ 8 năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những Thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.../ Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông/ Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay!/ Bác cũng vui thay!/ Thu sau so với Thu này vui hơn”95.

Ngày 17-9

“Lực lượng dân tộc là lực lượng vĩ đại hơn hết!”

Ngày 17-9-1945, “chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già”96, Bác viết “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (Nghệ An) khẳng định thắng lợi: “Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta... Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”97. Thư đưa ra một vấn đề: “Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết. À! Việc này mới là khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó khăn hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều... trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta...”98. Và Bác cho rằng: “Chúng ta không sợ có khuyết điểm. Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”99.

Ngày 17-9-1946, trên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé lại thành phố cảng Mácxây, thăm hai trại “lính thợ” tại Môngtêlima (Montelimar) và Magácki (Magarqui). Trước 3.000 người lao động Việt Nam, Bác nói: “... Thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do toàn dân bầu cử, tôi khuyên kiều bào là công việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo”100.

Ngày 17-9-1964, nhân Hội nghị đại biểu đồng bào theo Đạo Thiên Chúa toàn miền Bắc, Bác viết thư mừng: “Kinh Thánh có câu: “Ý dân là ý Chúa”. Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng... Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”101.

Ngày 17-9-1965, Bác viết bài “Thật là vẻ vang” đăng trên báo Nhân Dân, sau khi nhắc lại một số dư luận thế giới ca ngợi sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Bác điểm thêm một bằng chứng: “Cụ Rutxen, một vị bác học người Anh nổi tiếng, ngoài 90 tuổi, đã viết: “Việt Nam đã trở nên một tượng trưng của sự chống cự lại một chế độ bóc lột thế giới... Nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh thật đặc biệt: Một nước công nghiệp mạnh nhất trên quả đất (là đế quốc Mỹ) đã trút hết lực lượng của nó nhằm xâm chiếm một nước nhỏ nông dân, mà nước nông dân này đang giành được thắng lợi với những vũ khí thô sơ và với một quyết tâm tất thắng”102 và kết luận bài báo: “Chúng ta tự hào và cố gắng để xứng đáng với sự ủng hộ và lòng kính phục của hàng triệu bầu bạn ta khắp năm châu. Chúng ta quyết thừa kế và phát triển lịch sử vẻ vang của tổ tiên ta mấy nghìn năm về trước và nêu gương dân tộc anh hùng cho con cháu ta muôn vàn đời về sau. Dù phải hy sinh, gian khổ mấy, chúng ta cũng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập thật sự và hòa bình lâu dài”103.

Ngày 18-9

“Lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ”.

Ngày 18-9-1919, bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” được ký tên Nguyễn Ái Quốc đã được đăng trên tờ “Yiche Pao” (Nghị Xã Báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).

Ngày 18-9-1926, trên tờ “Thanh Niên” xuất bản ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lý Thụy) viết bài “Người cách mạng mẫu mực” đặt vấn đề: “Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được... Để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải:

1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại,

2. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc...”104. Bài báo đề cập nhiều phẩm chất khác như: “Làm việc không biết mệt mỏi”, “xem thường cái chết”, “thuận theo hoàn cảnh”, “suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động”, “dựa vào sức mạnh của dân”, “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc”, “không cục bộ”, “không kiêu ngạo” và “kiên trì và nhẫn nại”. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn và nguy hiểm. Nếu người cách mạng thiếu kiên trì và nhẫn nại, thì những khó khăn sẽ làm anh ta thối chí và sẽ đào ngũ giữa trận tiền”105.

Ngày 18-9-1945, tại Bắc bộ phủ, Bác tiếp khoảng 30 nhà công thương có tiếng ở Hà Nội, động viên mọi người đóng góp cho “Tuần lễ Vàng” để tỏ rõ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng yêu nước. Cùng ngày, Bác tiếp Tướng Philíp Galơgơ (Philip E.Gallagher), Trưởng phái bộ Mỹ thay mặt quân Đồng Minh đang có mặt tại Hà Nội.

Ngày 18-9-1946, từ quân cảng Talông, chiến hạm Đuymông Đuyếcvin (Dumont D’ Urville) nhổ neo kết thúc chuyến thăm Pháp của Bác kéo dài 4 tháng. Trên tàu còn có một số trí thức Việt kiều về phục vụ đất nước như: Bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa)...

Ngày 18-9-1949, trên thuyền từ Khấu Lấu xuôi theo sông Đáy về huyện lỵ Sơn Dương để thăm lớp học của cán bộ kháng chiến, Bác cảm tác làm bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy:

“Dòng sông lặng ngắt như tờ,

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.

Bốn bề phong cảnh vắng teo,

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.

Lòng riêng riêng những bàn hoàn,

Lo sao khôi phục gian san Tiên Rồng.

Thuyền về, trời đã rạng đông,

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”106.

Ngày 18-9-1952, Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam bộ kháng chiến” biểu dương: “Nam bộ kháng chiến trước nhất. Chịu đựng gian khổ lâu nhất. Lại cách xa Chính phủ Trung ương nhất. Hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng sức kháng chiến ngày càng mạnh mẽ và có nhiều thành tích rất oanh liệt, vẻ vang. Đó là vì đồng bào và bộ đội có lòng yêu nước rất nồng nàn, chí căm hờn quân giặc rất sâu sắc, lòng tin tưởng vào thắng lợi rất vững bền. Cho nên càng gian khổ, lại càng hăng hái. Chính như câu tục ngữ nói: Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ”107.

Cùng ngày, trong bài báo “Chiến sĩ nấu bếp Hoàng Cầm”, đăng trên báo Nhân Dân, Bác động viên: “Dưới chế độ dân chủ của nước ta, bất kỳ ai làm việc gì mà cố gắng thi đua vượt mức thì tức là anh hùng... Nhiệm vụ của người nấu bếp cũng quan trọng như nhiệm vụ của người chỉ huy, vì “thực túc thì binh cường”, cơm no thì thắng giặc”108.

Ngày 19-9

“Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày 19-9-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đến Bảo tàng văn hào Ônơrê đờ Bandắc (Honore de Balzac) dự buổi nói chuyện có chừng 30 người dự.

Ngày 19-9-1945, báo Cứu Quốc đăng bài “Chính phủ là công bộc của dân”, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: “Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: Quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh... Nói tóm lại,... Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”109.

Tháng 9-1946, trên đường về nước, từ chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, Bác có điện gửi tới Giaoaháclan Nêru: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi gửi lời chào anh em tới Ngài, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ vĩ đại”110; trong điện gửi Mahátma Găngđi, Chủ tịch Hồ Chí Minh “xin gửi tới Ngài lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân kỷ niệm lần thứ 77 ngày sinh của Ngài và chúc Ngài trường thọ hai lần 77 tuổi”111.

Ngày 19-9-1949, Bác gửi thư tới Hội nghị Trung du biểu dương: “Đồng bào ta, gái cũng như trai, trẻ cũng như già, cho đến các cháu nhi đồng cỏn con ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng cố gắng giết giặc…”112. Và đưa ra mục tiêu phấn đấu: “Phải làm sao cho cho các tỉnh trung du thành một phòng tuyến kiên cố của ta, một nghĩa địa mênh mông của giặc. Thế là ta nhất định thắng lợi”113.

Cũng trong tháng 9-1949, Bác viết “Thư gửi các Hội mẹ chiến sỹ Liên khu IV” biểu dương: “Các chiến sỹ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh để giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Các cụ, các bà thì thương yêu săn sóc chiến sỹ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến... Chẳng những các chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết ơn các cụ, các bà. Tôi mong rằng khắp cả nước, các liên khu, các tỉnh, các làng, ở đâu cũng có Hội mẹ chiến sỹ. Còn các chiến sỹ thì phải hiếu với mẹ nuôi bằng cách thi đua giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công làm cho rạng danh và đền bồi công ơn của các bà mẹ chiến sỹ”114.

Ngày 19-9-1954, lần đầu tiên Bác thăm khu Đền Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ. Tại Đền Giếng, Bác gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân tiên phong đang trên đường chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn...”115.

Ngày 20-9

“Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ quốc”.

Ngày 20-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu “Phong trào cách mạng ở Đông Dương” biên khảo chi tiết các hình thức đấu tranh trong bối cảnh “cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Đông Dương chống đế quốc Pháp ngày càng trở nên quyết liệt hơn”116. Và kêu gọi: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp!”117.

Ngày 20-9-1945, tại Bắc bộ phủ, dự họp với các sĩ quan trong đơn vị Bảo an binh của chế độ cũ ủng hộ Chính phủ, Bác nói: “Có thể nói tấm lòng nhiệt thành ái quốc của các bạn ai cũng rõ, nhưng vì hoàn cảnh khác nhau, các bạn phải gắng giúp Chính phủ những cái có thể được... Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ quốc”118.

Ngày 20-9-1945, trong đêm Trung thu có cuộc vui phá cỗ của thiếu nhi Thủ đô, Bác Hồ lại viết thư: “Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em... Hôm nay Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập. Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do...”119.

Cùng ngày, lấy tư cách “một người bạn già” Bác viết “Thư gửi các vị phụ lão”: “Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận”, nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm gì được nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì, các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên)... Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng... Con cháu ta, thanh niên sức khoẻ thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta...”120.

Cũng trong ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 7 vị: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Trong bài viết “Hình thức chiến tranh ngày nay” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20-9-1945, Bác phổ biến những kiến thức quân sự phổ thông với nhận định: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”121.

Ngày 20-9-1958, Bác đến thăm công trường thuỷ lợi Bắc - Hưng - Hải động viên những người đang tham gia xây dựng: “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”122.

Ngày 20-9-1967, Bác gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh đã lập công trong ngày 17-9-1967 đã bắn rơi hai chiếc máy bay chiến lược B52 của Mỹ và chúc “hãy phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”123.

Thanh Huyền (tổng hợp)

91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 17.
92. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 328.
93. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 502.
94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 142.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7,tr. 141.
96, 97, 98, 99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 19, 20, 21.
100. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 330.
101, 102, 103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 11, tr. 314, 508.
104, 105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 2, tr. 449, 450.
106. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 690.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 569.
108. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 248.
109, 110, 111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 22-23, 308, 309.
112, 113, 114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 679, 689.
115. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 502.
116, 117. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 41, 50.
118. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 16.
119, 120, 121. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 25, 24, 298.
122. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 223.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 12, tr. 289.

Bài viết khác: