Chỉ mục bài viết

 Ngày 11-9

“Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của quân đội”.

Ngày 11-9-1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản cho biết “Tôi đến Mátxcơva vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại ở đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác”56. Lá thư cho biết lúc đầu khó khăn do những điều kiện của Quốc tế Cộng sản, còn lúc này là do nội chiến ở Trung Quốc “Và việc lên đường của tôi một lần nữa lại phải hoãn vô thời hạn... Và ngày mai sẽ là chuyện gì khác?...”. Bức thư cho thấy nhà cách mạng Việt Nam đang khao khát trở về gần với Tổ quốc của mình.

Tháng 9-1924, trên tờ Le Paria xuất bản tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đăng bài “Giáo dục quốc dân” viết về chính sách giáo dục của Liên Xô, so sánh với nền giáo dục tại các thuộc địa của Pháp để đi đến kết luận mỉa mai: “Tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu”57.

Ngày 11-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 8 được xét xử vẫn đưa ra quyết định trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Kông và chỉ định phương tiện, thực chất là trao cho thực dân Pháp. Luật sư Ph.Gienkin đã vận dụng “Luật Bảo thân” (Habeas Corpus) để phản đối bản án và kháng nghị lên Hội đồng Cơ mật của Anh.

Ngày 11-9-1945, báo Cứu Quốc đăng bài “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” của Bác khẳng định đây “là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các Ủy ban này... Xem như trên, Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”58.

Ngày 11-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một sĩ quan Mỹ và chuyển lời ghi âm “Tuyên bố với nhân dân Mỹ” với nội dung yêu cầu Chính phủ Pháp “1- Chấm dứt mọi tuyên truyền thiếu thiện chí ở Nam Kỳ. 2- Thả hết tù chính trị Việt Nam ở Nam Kỳ”59 và hy vọng sẽ nối lại đàm phán. Cùng ngày, Bác còn tiếp nhiều nghị sĩ và thăm Sứ quán Mỹ tại Pari.

Ngày 11-9-1950, Bác dự Hội nghị Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới và chỉ thị: “Chưa đánh thắng thì chưa được coi là đã chuẩn bị xong... Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Kiên quyết và bạo dạn không phải là một người mà phải toàn bộ tất cả mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết và bạo dạn thì phải có kỷ luật... Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”60.

Ngày 11-9-1954, báo Nhân Dân đăng “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhi đồng nhân dịp Tết Trung Thu” trong đó có đoạn: “Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên, sau tám chín năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu... Đến ngày Nam Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng”61.

Ngày 12-9

“Chớ thấy bại mà nản, chớ đắc thắng mà kiêu”.

Ngày 12-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 9 được xử. Luật sư đưa ra lời kháng nghị 8 điểm vạch rõ kết luận của Tòa án thực chất là muốn giao bị can cho nhà đương cục Pháp, vi phạm “Luật Bảo thân”, yêu cầu để Tống Văn Sơ được tự do lựa chọn nơi đến... Cuối cùng, Tòa chấp nhận bị cáo được kháng nghị lên Hội đồng Cơ mật.

Ngày 12-9-1946, Bác tiếp tục những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn sự đổ vỡ của đàm phán Việt - Pháp. Trong ngày, Bác viết thư gửi cho kiều bào ở Pháp, bày tỏ: “... Lòng thân ái đã rất là quý, chúng tôi rất cảm động và cám ơn. Nay tôi và Phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào: 1. Phải triệt để đoàn kết, 2. Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc, 3. Thực hành khẩu hiệu ĐỜI SỐNG MỚI: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, 4. Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”62.

Ngày 12-9-1947, Bác viết “Thư gửi đồng bào Liên khu III” với những lời căn dặn: “Cũng như đường xa, đi đến nơi thì thường nhọc mệt, sự nghiệp kháng chiến gần đến lúc thành công thì càng nhiều nỗi gian nan. Vậy nếu chúng ta đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ thêm, đã tiến bộ càng phải cố gắng mãi, chớ thấy thất bại mà nản, chớ thấy đắc thắng mà kiêu... Trước mặt trận cũng như ở hậu phương, muôn người như một, đều cùng quyết tâm làm trọn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc của mình. Như thế thì kháng chiến nhất định thành công cũng như Cách mạng Tháng Tám thành công vậy”63.

Ngày 12-9-1951, nhân Trung thu, Bác Hồ gửi thư cho thiếu niên, nhi đồng, mở đầu bằng lời thơ:

"Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng.

Sau đây Bác viết mấy dòng,

Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”64.

Thư có đoạn: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Các cháu đoàn kết thì thế giới hòa bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh... Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi thì Trung thu sẽ vui vẻ hơn...”65.

Ngày 12-9-1958, báo Quân đội nhân dân đăng bài của Bác “Thuốc độc gây tê liệt toàn thân, giết người chớp nhóang” giới thiệu vũ khí hóa học và cách đề phòng. Bài báo viết: “Một bộ đội được huấn luyện chu đáo sẽ không bị vũ khí hóa học tiêu diệt hay tiêu hao nặng”66. Thực tiễn chiến trường Việt Nam sau đó không lâu, quân Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học mang tính hủy diệt.

Ngày 12-9-1959, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Bác đưa ra ý kiến: Trong xây dựng phải có quy hoạch đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành; phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải bảo đảm vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí cho phù hợp.

Cùng ngày, tại Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Bác nhấn mạnh: “Chúng ta tổ chức hợp tác xã trước hết là nhằm mục đích nâng cao đời sống nông dân... Phải phát triển hợp tác xã một cách thật chắc chắn, không nên chạy theo số lượng... Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã”67.

Ngày 13-9

“Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Ngày 13-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, chỉ một ngày sau phiên tòa thứ 9, Tống Văn Sơ đã viết thư cho Thống đốc Hồng Kông yêu cầu được đi Anh một cách an toàn. Viên Thống đốc đã điện cho Bộ trưởng Thuộc địa Anh và nhận được gợi ý: Chỉ phóng thích, để tự nhà cách mạng Việt Nam thu xếp rời thành phố và cố gắng đừng để Pháp phản đối.

Ngày 13-9-1945, Bác dự lễ khai giảng Trường Quân chính Việt Nam (tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật), nhận làm hiệu trưởng và trong lời phát biểu, Bác căn dặn: “Chớ quên rằng làm cách mạng là vì Tổ quốc, vì dân tộc”68.

Cùng ngày, Bác tiếp đại biểu các tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao đài) và có lời với các vị chức sắc: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”69. Cũng trong ngày, Bác về dự kỷ niệm Lý Bát Đế tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh và nói chuyện cùng đồng bào: “... Bây giờ Chính phủ là Chính phủ của dân thì chắc các cụ cũng nên theo ý dân và nên hết sức cần kiệm cho xứng đáng là con dân trong lúc Tổ quốc đang lâm nạn”.

Trở về Bắc bộ phủ, Bác tiếp chủ bút tờ “Tri Tân” với quan điểm: “Văn hóa với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp cả với nguyện vọng của dân”70.

Ngày 13-9-1946, chuẩn bị về nước, Bác viết thư chia tay Việt kiều: “Đồng bào thân mến của tôi, Đồng bào trông đợi nhiều ở nước Pháp mới. Nay, các đại biểu và Chủ tịch của đồng bào trở lại nước nhà không mang lại độc lập dân tộc, không có quyết định cuối cùng về vấn đề Nam Bộ. Đồng bào có thể vì thế mà thất vọng. Cần biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong một vài tháng... Hãy tin vào lực lượng chúng ta và sự kiên quyết của chúng ta...”71.

Ngày 13-9-1950, Bác rời Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới, trực tiếp đến thị sát Mặt trận Đông Khê và chỉ thị: “Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu”72.

Ngày 13-9-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Để thực hiện 10 điều ghi nhớ của Mặt trận Liên Việt” trong đó, Bác chỉ rõ: “Mười điều ghi nhớ của hội viên Liên Việt không phải là những khẩu hiệu chỉ để hô cho kêu, dán cho đẹp... Mà muốn cho mọi người làm trọn nhiệm vụ, cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo thiết thực và xung phong làm gương mẫu”73.

Ngày 13-9-1958, Bác tới thăm Lớp học chính trị của giáo viên cấp II và III toàn miền Bắc, với lời căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”74 ... Đến thăm Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, Bác viết vào Sổ lưu niệm: “Cần cố gắng hơn để tiến bộ hơn. Mỹ thuật cũng phải ra sức phục vụ nhân dân”75.

Ngày 14-9

“Bác Hồ luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”.

Ngày 14-9-1940, Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh là Hồ Quang đang hoạt động tại Trung Quốc, tặng một người bạn cùng đơn vị tên là Phương Sĩ Tân, 4 chữ Hán: “Hữu Chí Cánh Thành” (Có chí thì nên).

Tháng 9-1945, Bác gửi thư cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập. Thư có đoạn viết: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”76.

Ngày 14-9-1946, trước ngày lên đường rời Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Bộ trưởng Mariuýt Mutờ để tiếp tục thương lượng mong cứu vãn sự đổ vỡ sau khi Hội nghị Phôngtennơblô không thành. Cuộc thảo luận từ 17 giờ kéo dài đến nửa đêm và lúc 0h30 ngày 15-9, hai bên đã ký kết được một văn kiện. Trong bức điện cấp tốc gửi về nước, Bác viết: “Bản thỏa hiệp tạm thời (Modus vivendi) đã ký ngày 14-9 với Chính phủ Pháp. Bản sao sẽ gửi về bằng máy bay. Gửi lời chào thân ái Cụ Huỳnh, các nhân viên trong Chính phủ, Quốc hội và đồng bào toàn quốc”77. Văn kiện này đã đưa ra những thoả thuận tạm thời nhằm tiến tới cơ hội giải quyết triệt để hơn trong “các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục càng sớm càng hay và chậm nhất là vào tháng 1 năm 1947”78. Đây là một thành công ngoại giao, nhờ đó Việt Nam vừa tỏ được thiện chí hòa bình, lại có thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng một khi bắt buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc.

Ngày 14-9-1952, tại Hội nghị Cán bộ liên minh nhân dân Việt - Lào, Bác nói: "Việt Nam đoàn kết chặt chẽ. Lào đoàn kết chặt chẽ, Miên (Campuchia) đoàn kết chặt chẽ… Đoàn kết ở đây là đoàn kết trong tinh thần, đoàn kết trong hành động, đoàn kết trong đấu tranh, chứ không phải đoàn kết ngoài miệng”79. Bác nhờ chuyển tặng món quà cho Chủ tịch Xuphanuvông một tấm lụa, một thanh kiếm và một bộ quần áo với ý nghĩa được giải thích: “Tấm lụa tượng trưng cho sự mềm mỏng và đại đoàn kết. Đoàn kết chặt chẽ như những sợi tơ trong tấm lụa. Mềm mỏng là để đối với nhân dân. Thanh kiếm là tượng trưng cho sự sắc sảo và kiên quyết. Còn bộ quần áo để tặng cho cán bộ Lào thi đua giỏi nhất”80.

Ngày 14-9-1959, tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc họp tại Bắc Ninh, Bác phân tích: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”81.

Tháng 9-1964, Bác mời cơm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Thiếu tướng Lê Trọng Tấn trước khi vào chiến trường miền Nam. Bác căn dặn: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: “Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”82.

Ngày 15-9

“Chúng ta chỉ có một mục đích là phụng sự Tổ quốc”.

Ngày 15-9-1911, Nguyễn Tất Thành gửi thư tới Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Thuộc địa xin nhập học vào Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) tại Pari. Trong thư, Nguyễn Tất Thành cũng tự giới thiệu “hiện tại tôi là nhân viên của Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeur Reunis)”83 tàu Amiran Latusơ Tơrêvin.

Ngày 15-9-1921, mật thám Pháp tại Pari cho biết, Nguyễn Ái Quốc vừa nhận được tờ tin của Hội Liên minh Nhân quyền, trong đó có mục “Những tội ác chiến tranh” đưa tin về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến.

Ngày 15-9-1924, Nguyễn Ái Quốc đến xem Triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức tổ chức tại Mátxcơva (Liên Xô), đã gặp họa sĩ người Thụy Điển Êríc Giôhanxơn (Eric Johanson) và được họa sĩ ký họa chân dung. Về sự kiện này, họa sĩ Thụy Điển đã viết: Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người.

Ngày 15-9-1945, nhân Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác gửi thư cho thiếu nhi cả nước: “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người “tiểu quốc dân” của một nước độc lập... Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái”84.

Ngày 15-9-1948, Bác ký quyết định cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở về Nam Bộ thay mặt Chính phủ kiểm tra công việc kháng chiến. Bác cũng viết thư gửi các Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính khẳng định: “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”85. Trong “thư gửi các tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích Nam bộ”, Bác căn dặn: “Trong phong trào Thi đua ái quốc, luyện quân lập công ngày nay, tôi mong các đồng chí cố gắng phát triển các ưu điểm, sửa chữa các khuyết điểm, để làm cho bộ đội ta thật xứng đáng là bộ đội của một nước Dân chủ Cộng hòa, xứng đáng với nhiệm vụ vẻ vang là giải phóng Tổ quốc và bảo vệ nhân dân”86. Còn trong “Thư gửi nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ”, Bác động viên: “Các cháu phải dũng cảm tiến lên, làm cho xứng đáng là con cháu của Phù Đổng Vương, của Trần Quốc Toản. Cho xứng đáng là thanh niên và nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất và độc lập”87.

Ngày 15-9-1960, Bác ra sân bay đón Tổng thống nước Cộng hòa Ghinê, Xôcu Turê (Sokou Toure) với những lời chào đón rất thân tình: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên!.

Ghinê cách Việt Nam hơn 13 nghìn cây số (theo đường thẳng) nhưng tinh thần nhân dân hai nước chúng ta thì rất gần gũi nhau như anh em...”88.

Ngày 15-9-1961, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác công đoàn, Bác phê bình cán bộ công đoàn còn “không thật hòa mình vào công nhân, không nắm được yêu cầu của công nhân”89. Cùng ngày, trong bài “Tia lửa” đăng trên báo Nhân Dân, Bác đánh giá hiện tượng phản chiến trong sĩ quan binh lính Sài Gòn là “những tia lửa đầu tiên nó báo hiệu những cuộc cháy bùng mai sau”90.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

56, 57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 303, 314.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 13, 14.
59. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 321.
60. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 461.
61. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , t. 5, tr. 497-498.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 287.
63. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 212.
64, 65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 299, 300-301.
66 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2009, t. 7, tr. 137.
67. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 502.
68, 69. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 10.
70, 71. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 3, tr. 11, 324-325.
72. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 461-462.
73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 303-304.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 9, tr. 222.
75. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , t. 7, tr. 138.
76. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 32.
77, 78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 293, 533.
79, 80. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 246.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t, 9, tr. 507.
82. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2008, t. 9, tr. 121.
83. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 1, tr. 44.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 16.
85, 86, 87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 498, 499-500, 501.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 209.
89, 90. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 129.

Bài viết khác: