Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày này năm xưa: Tháng 9 phần 5
Ngày 21-9
“Trẻ em như búp trên cành...”.
Ngày 21-9-1923, Nguyễn Ái Quốc viết “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” nêu tóm tắt tình hình Đông Dương, đưa ra những phân tích cụ thể và sâu sắc về các thành phần xã hội và con đường để tiến hành một cuộc cách mạng ở Việt Nam: “Triều đình và quan chức lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp của họ khinh bỉ và nhân dân An Nam ghét. Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ. Công nhân có thể là 2% trong dân số, không được học hành, không được tổ chức. Do vậy họ không có một lực lượng chính trị nào... Quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất, rất yêu nước. Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân nếu chúng ta làm tới được điều đó thì tương lai thuộc về chúng ta”124. Có thể nói đây là những phác thảo đầu tiên cho một đường lối chính trị hình thành của Nguyễn Ái Quốc. Báo cáo còn đưa ra dự kiến “xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt”, tập hợp các phần tử dân tộc cách mạng, đưa người qua Mátxcơva...
Ngày 21-9-1941, bài thơ “Trẻ con” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Việt Nam Độc lập:
“Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,
Chẳng may vận nước gian nan,
Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng...
Vì ai mà đến thế này?
Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn!
Khiến ta nước mất nhà tan,
Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa.
Vậy nên con trẻ nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!
Kẻ lớn cứu quốc đã đành,
Trẻ em cũng phải ra giành một vai.
Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”125.
Ngày 21-9-1945, Bác dự họp Hội đồng Chính phủ bàn nhiều việc hệ trọng như chính sách đối với lao động, tài chính, lương bổng, ngoại giao với Pháp, Trung Hoa, Mỹ và cả yêu sách của quân Nhật đã bị giải giáp. Riêng với việc lực lượng vũ trang của Đại Việt ở Vĩnh Yên xin hàng, Bác chỉ thị nên thu xếp nhanh chóng và lấy lượng khoan hồng để đối xử.
Ngày 21-9-1954, báo Nhân Dân đăng thư của Bác Hồ gửi cho bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc với những tình cảm chân thành: “Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà... Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”126.
Ngày 21-9-1959, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về Cách mạng miền Nam, Bác nhắc nhở: “Phải giáo dục cho toàn dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, tránh chủ quan nóng vội. Ở các vùng rừng núi phải đề cao cảnh giác, phải phát triển mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ở thành thị phải tiến hành đánh địch trên mọi mặt (kinh tế, chính trị, quân sự...), phát triển công tác dân vận, địch vận, có như vậy mới bảo vệ được miền Bắc. Phải củng cố tổ chức cơ sở đảng, công tác mặt trận phải làm cho tốt...”127.
Ngày 22-9
“Dân hiểu, dân làm thì việc khó đến đâu cũng làm được”.
Ngày 22-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tiếp tướng Philíp Galơgơ, Trưởng đoàn phái bộ Đồng Minh của Hoa Kỳ, cùng dự còn có A.Pátti, người đứng đầu cơ quan tình báo OSS ở vùng Hoa Nam đang có mặt tại Hà Nội.
Cùng ngày, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác thông báo về những rắc rối với lực lượng Trung Hoa Quốc dân đảng và cuộc gặp tướng Lư Hán để dàn xếp; về việc giao thiệp với Mỹ; Chính phủ cần sớm thông báo việc mở lại Trường Đại học Việt Nam.
Ngày 22-9-1946, trên đường về nước, chiếm hạm “Đuymông Đuyếcvin” (Dumont D’Urville) cặp bến cảng Xaít (Port Said). Từ đây, Bác viết thư gửi gia đình Raymông Ôbrắc, mà Bác đã tá túc trong thời gian thăm nước Pháp. Bác còn viết thư gửi bà Sốtxi (Chossis), người của Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, ngày 14-9-1946, đã gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam nói lên tâm trạng của những người mẹ Pháp đang có con đi lính tại Việt Nam.
Bức thư viết: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất... Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất... Người Pháp đã đau khổ vì bị chiếm đóng trong bốn năm. Trong bốn năm ấy, các bà đã tiến hành “cuộc kháng chiến và đánh du kích”. Người Việt Nam chúng tôi cũng đã đau khổ vì bị chiếm đóng trong hơn 80 năm; chúng tôi cũng đã kháng chiến và đánh du kích... Nếu những thanh niên Pháp đến Việt Nam như những công nhân, kỹ thuật viên hoặc nhà bác học, thì tôi xin bảo đảm với bà rằng họ sẽ được đón tiếp nồng nhiệt như những người bạn, những người anh em... Nhưng, một khi những người này đến với tư cách là những kẻ đi chinh phục có vũ trang... thì sự đối địch là điều không thể tránh khỏi... Trong khi một bà mẹ Pháp thương khóc đứa con của mình thì có biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vừa khóc thương những người con bị chết lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan cửa nát!... Phải chấm dứt cuộc huynh đệ tương tàn này! Người Việt Nam và người Pháp chúng ta cũng theo đuổi một lý tưởng giống nhau: Tự do - bình đẳng - bác ái. Chúng ta có cùng một mục đích giống nhau là chế độ dân chủ. Chúng ta cần nhờ cậy lẫn nhau… Nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi thì nước Pháp sẽ chiếm được trái tim và tình cảm của tất cả những người Việt Nam!... Theo tinh thần bốn bể đều là anh em, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam. Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng quý như nhau. Tôi thành thực mong muốn thanh niên Pháp và thanh niên Việt Nam hiểu biết lẫn nhau và yêu mến nhau như anh em”128.
Ngày 22-9-1958, trong chuyến thăm hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Bác nói với các cán bộ địa phương: “Phải lấy việc giáo dục làm đầu, phải đánh thông tư tưởng cho quần chúng. Dân hiểu, dân làm, thì việc khó đến đâu cũng làm được”129.
Ngày 22-9-1962, Bác nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc nhấn mạnh đến sự nghiệp xây dựng nền kinh tế đất nước phải nhận thức rằng: “Công nghiệp và nông nghiệp như hai chân của con người... quan hệ với nhau rất khăng khít... Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng... tóm tắt trong mấy điểm: Trung thành, dũng cảm và khiêm tốn...”130.
Ngày 23-9
“Nam bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc”.
Ngày 23-9-1921, trên tờ “Le Libertaire” (Tự Do) đăng bài “Nền văn minh thượng đẳng” của Nguyễn Ái Quốc đưa ra những trích dẫn từ một cuốn nhật ký của một lính thực dân để vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa. Tác giả tố cáo: “Dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh nền dân chủ Pháp”, người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương”131.
Ngày 23-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp tướng Lư Hán bày tỏ mối bất bình với những hành động gây hấn của Pháp ở Nam bộ và bày tỏ hy vọng phía Trung Hoa Quốc dân đảng cũng không hành xử như vậy ở miền Bắc Việt Nam.
Ngày 23-9 là “Ngày Nam bộ kháng chiến”, mỗi năm đến ngày này, Bác thường gửi thư đến đồng bào miền Nam biểu dương: "Đã hai năm nay chiến sỹ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mệnh, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan. Song lòng yêu nước ngày càng nồng nàn, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng gia tăng, chí quyết thắng ngày càng vững chắc. Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của nước nhà... Lực lượng của 20 triệu người vì tự do, vì Tổ quốc, vì chính nghĩa mà kháng chiến là một lực lượng tất thắng... Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn...” (1947)132; “Tôi tin rằng, nếu cần kháng chiến ba năm hay mấy lần ba năm nữa, chúng ta cũng quyết kháng chiến đến cùng, vì chúng ta chắc rằng: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi,/ Thống nhất, độc lập nhất định thành công” (1948)133; “Quân dân Nam bộ và miền Nam Trung Bộ đã kháng chiến 5 năm và đang tiếp tục củng cố bức Thành đồng của Tổ quốc... Bức Thành đồng càng ngày càng trở nên vững chắc sau mỗi mưu mô xâm chiếm của giặc. Được như vậy là nhờ ở ý chí cương quyết của toàn dân, của các tướng sỹ và đồng bào Nam bộ, miền Nam Trung Bộ và sự đoàn kết của quân, dân với Chính phủ kháng chiến” (1950)134; “Suốt 8 năm kháng chiến anh dũng, Nam bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc... Càng đấu tranh gian khổ, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào Nam bộ lại càng hăng hái kiên quyết, càng bị thử thách, lại càng tỏ rõ đức tính kiên cường bất khuất của mình” (1953)135.
Ngày 23-9-1948, báo Sự Thật đăng bài “Cách làm việc tập thể, lãnh đạo cá nhân phụ trách” trong đó, Bác nhấn mạnh: “Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: “Khôn bầy hơn khôn độc” là nghĩa đó... Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”136.
Ngày 23-9-1962, tiễn bà Hóctini Xucácnụ, phu nhân của Tổng thống Inđônêxia kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm một vần thơ:
“Tiễn đưa, xin gửi một lời,
Mối tình hữu nghị muôn đời không phai”137.
Cùng ngày, trên báo Nhân Dân, Bác viết bài “Sẵn sàng giúp đỡ” nhân “Tháng ủng hộ nhân dân Angiêri và nhân dân các nước đang gian khổ đấu tranh cho độc lập dân tộc”, kết thúc bằng vần thơ:
“Trăm năm trong cõi người ta
Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam!”138.
Ngày 24-9
“Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua”.
Ngày 24-9-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc có mối liên hệ với Hội Liên minh Nhân quyền Pháp và đóng niên phí cho tổ chức này.
Cuối tháng 9-1922, báo “Le Paria” (Người Cùng Khổ) đăng bài “Nhân đạo thực dân” của Nguyễn Ái Quốc, tố cáo những thủ đoạn cai trị hà khắc và thâm hiểm của chế độ thuộc địa. Bài báo có đoạn: “Người ta (thực dân) đã làm tất cả để vũ trang cho người An Nam giết hại nhau và xúi giục họ phản bội. Người ta tuyên bố các thôn xã phải chịu trách nhiệm về những chuyện rối ren xảy ra trong địa hạt mình. Họ phải dẫn đường cho quân đội ta, phải nộp mạng những người nổi dậy. Ai không tuân lệnh thì bị coi là kẻ phạm tội. Làng nào dung nạp một người yêu nước là bị xử án. Muốn điều tra, có một cách, bao giờ cũng cứ dùng mãi một cách đơn giản, là: Chất vấn lý trưởng và hào mục. Ai không nói lập tức bị hành quyết. Một đám lính bảo an trong vòng hai tuần lễ, đã cho hành quyết 75 hào mục...”139.
Ngày 24-9-1924, Tạp chí “Inprekorr” (bản tiếng Pháp) của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Các nước đế quốc chủ nghĩa và Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo “tóm tắt lịch trình những cuộc can thiệp của nước ngoài trong quá khứ để tìm ra nguyên nhân thực tế, lý do chính của sự can thiệp hiện tại”140. Tác giả bài báo cho rằng, mục đích chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc là “lật đổ Tôn Dật Tiên, “người Cha của cách mạng Trung Quốc”141... Chủ nghĩa đế quốc Pháp, kẻ áp bức nhân dân Đông Dương đang lo ngại... “những tư tưởng phá hoại… cũng có thể xuyên qua biên giới và thâm nhập vào những người nô lệ An Nam... Một nước Trung Hoa thống nhất, tự do và hùng mạnh sẽ là màn giáo đầu của một nước Triều Tiên độc lập và một nước Ấn Độ giải phóng... Chính vì thế mà ngày nay người ta đang tìm cách thanh toán Tôn Dật Tiên và đảng của ông, cũng như trước đây người ta đã tìm cách bóp chết nước Nga cách mạng vậy”142.
Ngày 24-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ tướng Galơgơ, người đứng đầu phái bộ Đồng Minh của Mỹ chuyển tới Tổng thống Mỹ Tơruman bức thư tố cáo Tư lệnh các lực lượng quân đội Anh đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam: Một, cấm các báo chí; hai, cung cấp vũ khí, đạn dược cho dân chúng Pháp; ba, tước vũ khí các lực lượng cảnh sát Việt Nam. Các biện pháp này là một sự vi phạm rõ ràng đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam, đe dọa trực tiếp nền an ninh trong nước và là nhân tố làm mất ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á. Chính phủ lâm thời Cộng hòa Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Ngài can thiệp với các nhà chức trách Anh bãi bỏ các biện pháp nói trên.
Ngày 24-9-1948, Bác ký chỉ thị về việc tổ chức “Ban Quân sự Nam bộ gọi là Bộ Tư lệnh Nam bộ”143.
Ngày 24-9-1952, dự họp Bộ Chính trị, Bác yêu cầu: “Cán bộ cao cấp cần viết bài cổ động phong trào thi đua gửi đăng báo Đảng, coi đó là một trong những mục tiêu chính trị của Trung ương… Những bài báo cổ động thi đua cần viết ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề chủ chốt nhất”...144.
Ngày 24-9-1961, Bác Hồ đến vui Tết Trung Thu với hơn một vạn thiếu nhi Thủ đô tại Câu Lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội.
Thanh Huyền (tổng hợp)
124. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 204.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 3, tr. 203.
126. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 356.
127. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2009, t. 7, tr. 341.
128. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 4, tr. 302-303.
129. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2009, t. 7, tr. 143-144.
130. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 619-621.
131. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 46.
132, 133, 136. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 5, tr. 214-215, 503, 504-505.
134. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 6, tr. 97.
135. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 7, tr. 143.
137. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 623.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 10, tr. 625.
139, 140. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 116, 315.
141, 142. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t. 1, tr. 319, 319-320.
143. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2006, t. 4, tr. 245-246.
144. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử , Sđd , 2007, t. 5, tr. 251.
145. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên