Chỉ mục bài viết

Ngày 01-10

“Thương dân, trọng dân và tốt với dân”.

Ngày 01-10-1945, đến dự và phát biểu tại lễ bế giảng Khóa 4, Trường Quân chính Việt Nam, Bác căn dặn: “Sau đây ra nhận việc, các anh em sẽ phải vừa làm vừa học, nghiên cứu không những trong sách vở mà ngay trong những công tác của mình... Vậy cần phải nhớ đến những đức tính mà đã là cán bộ cần phải có: 1) Không tự kiêu, không có cái bệnh làm “quan cách mạng”. 2) Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm. 3) Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm. 4) Trung thành với mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”1.

Ngày 01-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện trả lời Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Sài Gòn nêu rõ lập trường kiên định: “... Chính phủ và nhân dân Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột, và đặt lại nền hòa bình một khi mà nước Pháp trịnh trọng tuyên bố nhìn nhận nền độc lập và thống nhất của chúng tôi”2.

Ngày 01-10-1948, trong phiên họp Chính phủ, phát biểu về vấn đề thi đua, Bác nói: “Hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về việc thi đua. Phong trào bình dân học vụ thi đua có kết quả là vì có nhiều cán bộ mà đều là cán bộ trong dân. Cho nên, trong vận động thi đua cần phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hóa”...”3.

Ngày 01-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam” với nội dung gồm: “1) Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. 2) Bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân. 3) Tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc. 4) Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa, xã hội khác. 5) Thưởng người có công, phạt người có tội. 6) Giữ gìn trật tự và trị an. 7) Nhân dân, đặc biệt là nông dân nên tổ chức lại. 8) Bảo vệ tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài”4.

Cùng ngày, Bác gửi thư động viên cán bộ và chiến sỹ đang tham gia Chiến dịch Tây Bắc: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng”5 và nhấn mạnh: “Thương dân, trọng dân và tốt với dân”6. Còn với lực lượng dân công, Bác cũng gửi thư khích lệ “các cụ, các chú cũng là chiến sỹ, cũng có công như các chiến sỹ, phải cùng anh em bộ đội giành cho được thắng lớn”7.

Ngày 01-10-1960, Bác cùng nhiều nhà lãnh đạo ra tận bến cảng Hải Phòng để đón chuyến tàu chở 992 đồng bào Việt kiều đầu tiên từ Thái Lan hồi hương. Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn” khẳng định: “Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm trọn nhiệm vụ... Vậy có thơ rằng: Càng già, càng dẻo càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai/ Đôn đốc con em làm nhiệm vụ/ Vuốt râu mừng xã hội tương lai”8.

Ngày 01-10-1965, nhân Quốc khánh Trung Quốc, trên báo Nhân Dân, Bác viết bài ca ngợi truyền thống đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc và có câu thơ:

“Mối tình đoàn kết Việt - Hoa

Vừa là đồng chí, vừa là anh em!”9.

Ngày 02-10

“Phụ nữ Việt Nam, dũng cảm đảm đang...”.

Ngày 02-10-1928, Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Chủ nghĩa tư bản đế quốc Pháp ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc phân tích một cách chi tiết tình hình kinh tế ở xứ thuộc địa này và bài báo kết luận: “... Đế quốc Pháp ở Đông Dương luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về một cuộc cách mạng sắp tới. Việc đó tạo ra một giai cấp vô sản và dạy cho người An Nam biết sử dụng súng ống là một bằng cớ chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc tự mình đào hố để chôn mình”10.

Ngày 02-10-1950, nhân dịp Tết Trung thu, Bác Hồ lại viết “Thư gửi Nhi đồng cả nước” khích lệ: “Trung thu này, các cháu tiến bộ nhiều, cũng như kháng chiến ta tiến bộ nhiều... Nhưng Bác chắc rằng: Bất kỳ ở đâu, tinh thần các cháu cũng đều hăng hái vui vẻ. Vì các cháu đều biết rằng: Giặc Pháp và phản động Mỹ không thể ăn cướp ông trăng Trung thu của các cháu. Cũng như chúng nó không thể ngăn trở cuộc thắng lợi của kháng chiến ta. Vì các cháu đều chắc rằng kháng chiến nhất định thắng lợi và đến ngày kháng chiến thắng lợi, thì Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những cái Tết Trung thu rất vui vẻ, sung sướng, tưng bừng”11.

Đầu tháng 10-1953, tại Khuối Tát trên Chiến khu Việt Bắc, Bác gặp các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng để nghe Tổng Tư lệnh báo cáo tình hình địch và công tác chuẩn bị lực lượng của ta cho Chiến dịch sắp tới. Bác chỉ thị: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”12.

Ngày 02-10-1961, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam và nêu rõ quan điểm: “Nói miền Nam, cần nhận định thêm tình hình quốc tế để có chính sách đối phó cho khéo, cần phải nhân sự phát triển của tình hình sau Nghị quyết 15... Nó phá hoại miền Bắc. Nó sợ mình đánh nó. Địch, quân sự mạnh nhưng chính trị yếu. Ta, chính trị mạnh nhưng quân sự yếu. Nếu lấy sức đọ sức để tiêu hao thì không lợi. Ta không lấy đấm chọi đấm mà lấy mưu mẹo để diệt nó, trừ bọn ác đi để bảo vệ cơ sở, phong trào dần sẽ lên. Địch công thành, ta công tâm, phải lấy được lòng dân. Tổ chức du kích cho đều, dễ hoạt động, giúp được dân mà phân tán địch. Đồng thời, ta phải có một vài cú đấm, đánh rồi ta luồn đi. Ta không để lộ lực lượng, phải tự lực cánh sinh, hoạt động dẻo dai. Không phải chỉ có đấu tranh chính trị. Hoạt động sản xuất, văn hóa cũng cần kịp thời chuyển hướng”1 ...

Đầu tháng 10-1966, Bác Hồ góp ý kiến cho nội dung bức trướng của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam dự kiến tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tự tay Bác viết nội dung như sau: “Phụ nữ Việt Nam/ Dũng cảm đảm đang/ Chống Mỹ, cứu nước”14.

Ngày 02-10-1968, Bác tiếp tục họp Bộ Chính trị thảo luận đề án đấu tranh ngoại giao sau Tết Mậu Thân, lưu ý rằng, nếu Mỹ ngừng ném bom nhưng chiến tranh vẫn diễn ra ở miền Nam, thì Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng.

Ngày 03-10

“Hồ Chí Minh không bao giờ cúi mình trước bạo lực”.

Ngày 03-10-1920, mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc đến dự một buổi nói chuyện do Hội Nghệ thuật tổ chức tại Sở Cảnh sát Pari.

 Ngày 03-10-1922, Nguyễn Ái Quốc dự họp Ban biên tập báo Le Paria (Người Cùng Khổ) kiểm điểm tình hình tài chính đang gặp khó khăn và phân công việc trực ban để tiếp bạn đọc, số đông là dân thuộc địa.

Ngày 03-10-1923, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi, đại diện cho Trung Hoa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản đang hợp tác chống Nhật cùng dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang Liên Xô cầu viện.

Đầu tháng 10-1946, trên đường từ Pháp trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho nhà báo Pháp Giăng Mixen Hêtơrích (Jean Michel Hertrich), người đã có mặt và chứng kiến thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và là tác giả cuốn “Độc lập hay là chết. Những điều mắt thấy ở Đông Dương”. Bức thư đã đánh giá “tôi phải nói rằng cuốn sách đó là khách quan và chân thật”15 và nhắc lại nhiều đoạn trích chứng minh điều đó, ví như, “... Việt Minh đang đại diện cho tâm hồn hiện tại của Đông Dương, của Việt Nam... Và cuối cùng, lý tưởng của Việt Nam trước hết là sự thống nhất của Việt Nam, sự thống nhất của cả ba xứ Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ mà dân chúng ở đây đều cùng chung một nòi giống và nói chung một thứ tiếng...”16.

Tuy nhiên, sau khi trích một đoạn viết trong sách nhằm lên án những ý đồ xấu của bọn thực dân: “Nếu bằng những thủ đoạn ít nhiều ranh mãnh, chúng ta định xóa bỏ và tách Nam Kỳ ra khỏi khỏi Việt Nam, chắc chắn chúng ta không bao giờ có được sự hợp tác của nhân dân Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng Hồ Chí Minh dù có cúi mình trước bạo lực, tình trạng mất ổn định vẫn sẽ xảy ra cho đến ngày mà những sự nổi dậy mới dẫn đến những hy sinh mới”, thì Bác viết tiếp: “Thưa tác giả thân mến, tôi phải nói với ông rằng... Hồ Chí Minh không bao giờ cúi mình trước bạo lực vì Hồ Chí Minh là một phần không thể chia cắt của nhân dân ông ta, ông ta mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn, ông ta hành động điều mà cả nhân dân ông hành động... Và tôi tin chắc rằng chân lý sẽ chiến thắng”17.

Ngày 03-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tục chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, tiếp đó, cùng toàn thể Chính phủ đón tiếp đoàn đại biểu từ Nam bộ do ông Phạm Hùng dẫn đầu ra Bắc. Đoàn đã chuyển tặng Bác nhiều món quà của đồng bào Nam bộ, trong số này, một tác phẩm đã làm cho Hồ Chủ tịch hết sức cảm động là bức họa hình Hồ Chủ tịch và ba em thiếu nhi tượng trưng Trung - Nam - Bắc, ba em vây chung quanh Cụ, một em nắm râu Cụ với bao vẻ mến yêu. Bức họa này của một họa sỹ đã lấy máu mình mà vẽ ra, vừa đẹp và chứa đầy ý nghĩa (tác phẩm của họa sỹ Diệp Minh Châu)...

Ngày 03-10-1960, Bác đi thăm các lớp bổ túc văn hóa tại hai trường Trần Nhật Duật và Yên Thành (Hà Nội). Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Một thắng lợi vẻ vang” của Bác, khen ngợi phong trào xóa nạn mù chữ của tỉnh Cao Bằng với kết luận rằng “về mặt văn hóa, thì dù ai mù quáng đến mấy cũng phải thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta đã thắng lợi vẻ vang”18.

Ngày 04-10

“Biết dùng người... thì ta sẽ không lo thiếu cán bộ”.

Ngày 04-10-1921, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội Liên hiệp Thuộc địa mà mình đã tham gia sáng lập. Thời gian này, Hội đã có gần một trăm hội viên chủ yếu từ 2 nhóm hội viên người Việt Nam và Mađagátxca.

Ngày 04-10-1945, trên báo Cứu Quốc đăng hai bài viết của Bác. Trong bài “Chống nạn thất học”, nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, tác giả viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí... Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ...”19.

Còn trong bài “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”, Bác đã phân tích thực tiễn đang tồn tại trong các Ủy ban nhân dân để đưa ra những nhận định và giải pháp khắc phục tình trạng lộn xộn, kém khoa học: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ... Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”20.

Cùng ngày, Bác thông báo trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ về việc tiếp xúc với đại tá Xtêphen Nótlingiơ (S.L.Nordlinger) đứng đầu đoàn nhân đạo của Mỹ bàn về cách đưa gạo từ miền Nam ra cứu đói và với tướng Hà Ứng Khâm của Trung Hoa Quốc dân đảng về việc thả tù binh Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng viên sỹ quan Mỹ một bức tranh thêu và 61 năm sau (2006), gia đình của ông Nótlingiơ đã trao tặng lại món quà này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ngày 04-10-1946, tiếp tục loạt bài viết về “Binh pháp Tôn Tử”, trên báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Phương pháp đánh giữ và tiến thoái” (ký tên Q.Th.). Bài báo viết: “Phương pháp dụng binh là phương pháp thiên biến vạn hóa. Tuỳ theo thời cơ, theo địa điểm, theo tình hình bên địch, người làm tướng lúc bày thế trận này, lúc bày thế trận khác... muốn được thắng trận, phương pháp đánh giữ và tiến thoái phải luôn luôn biến đổi hợp với thời cơ, hợp với tình hình trên mặt trận. Nhanh như chớp, biến hóa như thần, đó là bí quyết của phép dụng binh”21.

Ngày 04-10-1960, nhân ngày Tết của thiếu nhi, Bác viết trên báo Quân đội nhân dân bài “Trung thu sẽ sáng cả hai miền...” (với bút danh “Chiến Sỹ”): “Trăng thu đẹp quá nhưng chưa sáng cả hai miền...”22 vì các thế lực chia cắt đất nước, nhưng “Chúng nó không thể mãi mãi cướp đoạt ánh trăng thu của các bạn thiếu nhi miền Nam đâu. Nhân dân Việt Nam sẽ quật đổ chúng xuống, cho trăng thu sáng cả hai miền, cho thiếu nhi Nam - Bắc cùng ca một bài, cùng nhảy một điệu, cùng nối vai nhau hát "Kết đoàn", múa rồng rắn, một đoàn múa khổng lồ dài suốt từ Bắc vào Nam”23.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 34.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 222.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 249.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 254-255.
5, 6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 573, 574.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 213.
9. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 304.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 361.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 98.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 377.
13. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 136-137.
14. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 476.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 311.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 311.
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 312.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 218.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 36.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 38-39.
21. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 339-340.
22. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 545.
23. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 545.

Bài viết khác: