Ngày 05-10
“Đồng bào Nam bộ có tiếng rất yêu nước, rất anh hùng”.
Ngày 05-10-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Chu Trinh và một số đồng bào Việt Nam khác từ nhà của Luật sư Phan Văn Trường đến dự cuộc họp của Ủy ban Đệ Tam Quốc tế, nhóm quận 14, Pari.
Ngày 05-10-1945, Bác viết bài “Tinh thần tự động trong Ủy ban nhân dân” trên báo “Cứu Quốc” phê phán tính máy móc và kém năng động của bộ máy chính quyền. Bài báo kết luận: “Các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện..”24.
Tháng 10-1947, Bác viết “Thư gửi những người Nam bộ trong quân đội Pháp” để khẳng định: Đồng bào Nam bộ có tiếng rất yêu nước, rất anh hùng. Cuộc kháng chiến anh dũng hơn hai năm nay đã chứng tỏ điều đó. Có những đồng bào Nam bộ muốn giúp nước bởi một con đường khác: Họ theo vào quân đội Pháp, để giúp ta từ bên trong... Vậy, những đồng bào đó, lúc còn ở trong địch, thì cần phải tìm mọi cách để giúp quân đội ta. Khi có cơ hội thì lập tức chạy qua với bộ đội ta. Chính phủ và đồng bào luôn luôn sẵn sàng hoan nghênh các bạn.
Tháng 10-1953, Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị cán bộ vùng địch hậu nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng nhân dân: “Đồng bào công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được. Làm được như vậy thì phá được một phần âm mưu của địch, và rất có lợi cho việc đoàn kết nhân dân để kháng chiến... Ngụy binh là đồng bào ta bị địch mê hoặc. Nếu ta vận động khéo, giáo dục cho họ rõ mưu mô của giặc “dùng người Việt đánh người Việt” thì ta có thể làm tan rã hàng ngũ ngụy binh, phá âm mưu của địch và thu nhiều thắng lợi”25...
Cũng trong tháng 10-1953, Bác gửi thư tới thanh niên Pháp dự Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới họp tại Bucarét (Rumani). Thư nói rõ: “Chỉ có bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi chính nghĩa này, nó đã gây nên bao nhiêu khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam... Chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích chung của chúng ta là cộng tác thân ái với nhau trên cơ sở độc lập, tự do và hòa bình, vì lợi ích chân chính của cả hai nước chúng ta”26.
Ngày 05-10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Ashahi Shimbun của Nhật Bản, lần đầu xác định rõ quan điểm của Chính phủ ta trong quan hệ với Nhật Bản: “Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi hỏi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Nhật đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình là quý hơn hết... Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn nhân dân hai nước luôn luôn có quan hệ tốt và ngày càng phát triển... Quan hệ buôn bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật Bản, nếu được cải thiện, có nhiều triển vọng tốt đẹp, có lợi cho nhân dân cả hai nước chúng ta”27.
Ngày 05-10-1968, đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết lần thứ nhất Bộ đội Đặc công, Bác tặng binh chủng này 16 chữ “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”28.
Ngày 06-10
“Chính phủ là công bộc của dân”.
Ngày 06-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo để tuyên bố các chính sách ngoại giao và nội trị của nước Việt Nam mới. Với Trung Hoa, Chủ tịch khẳng định: “Hai bên vẫn giữ được tình thân thiện... Hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị, thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân”; “Với Mỹ - những phái bộ Mỹ đến Việt Nam đã tỏ rõ với Chính phủ lâm thời một cảm tình đặc biệt. Đó là thứ cảm tình giao tế quân nhân phái bộ Mỹ đối với mình”; “Với Pháp - rất đơn giản, là Chính phủ buộc Pháp phải công nhận nền độc lập của nước ta. Được thế, về vấn đề khác cũng có thể giải quyết rất dễ dàng”29.
Về nội trị, người đứng đầu Nhà nước xác nhận: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời là công bộc của dân... Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân được thì người đã đảm nhận trách nhiệm...”30 và Bác đưa ra một đánh giá xác đáng về cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945: “Có một điều chúng ta đáng mừng là cách mạng Việt Nam đã có một ưu điểm so với cách mạng các nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”31.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập nhiều vấn đề trong đời sống kháng chiến và phẩm chất cán bộ. Trong tiểu mục “Bệnh chủ quan” Bác viết: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông... Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi... Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ... Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học phải hành”32.
Ngày 06-10-1950, Bác gửi điện tới các chiến sỹ Mặt trận Cao - Bắc - Lạng sau khi Đông Khê được giải phóng với lời cổ vũ: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sỹ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có giải thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sỹ nào lập chiến công nhiều nhất”33.
Tháng 10-1954, Bác viết thư căn dặn các chiến sỹ chuẩn bị tiếp quản Thủ đô: Chớ kiêu ngạo tự mãn, rượu chè, lộ bí mật, xa xỉ, tham ô, lãng phí, phải kính trọng dân, khiêm tốn, trong sạch và phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử vẻ vang nhưng vô cùng phức tạp.
Ngày 07-10
“Người cộng sản phải rất quý trọng cổ điển”.
Ngày 07-10-1921, trên báo Le Libertaire (Tự Do), đăng bài “Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ của các anh” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bằng một giọng văn châm biếm, tác giả tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp và mỉa mai kết luận: “Hỡi nước Pháp, nếu người biết chúng tôi được che chở như thế nào, người sẽ kiêu hãnh là những kẻ bảo hộ chúng tôi”34.
Ngày 07-10-1945, Bác dự lễ khai mạc Triển lãm Văn hóa. Đánh giá hoạt động văn hóa dưới thời thuộc địa, Bác cho rằng: “Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố thở, cố tìm cách phát triển...” và cổ vũ: “Văn hóa là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được... Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên!”35.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, Bác phê phán: “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi v.v.., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”36.
Ngày 07-10-1949, sau phiên họp Chính phủ, Bác chủ tọa buổi đón tiếp phái đoàn Nam bộ mới ra Bắc. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: Tất cả 25 anh chị em (có 2 phụ nữ) lần lượt vào phòng họp. Hồ Chủ tịch bắt tay anh trưởng đoàn... Ai nấy tỏ sự cảm động khi nghe báo cáo trình bày tường tận sự gian lao của cuộc chiến đấu trong Nam. Cha Phạm Bá Trực thay mặt Quốc hội và Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ tỏ lời hoan nghênh đoàn đại biểu, khen ngợi tinh thần dũng cảm của đồng bào và chiến sỹ Nam bộ... Một cuộc vui lửa trại có sự tham gia rộng rãi của các em nhi đồng làm cho cuộc sum họp Trung - Nam - Bắc thêm đậm đà thân mật. Những bài đồng ca... làm rung chuyển một góc rừng, rung chuyển mọi quả tim, sôi nổi bao tâm hồn đầy khí phách...
Ngày 07-10-1954, trong lời điếu Linh mục Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bác bày tỏ: “Với lòng vô cùng thương tiếc một nhà tận tụy ái quốc và một người bạn thân mến, trước linh hồn Cụ, chúng tôi nguyện kiên quyết một lòng, đoàn kết toàn dân để làm trọn sự nghiệp mà suốt đời Cụ mong muốn tức là: Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”37.
Ngày 07-10-1965, nhân đến mừng Quốc khánh tại Sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức ở Hà Nội và tiếp nữ nhà báo Đức I. Phabơ (I. Faber), người đã cùng chồng dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Đức. Trong câu chuyện trao đổi, Bác nói: Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi. Với tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng. Viết một tác phẩm như vậy trong thời đại của ông là dũng cảm lắm... Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Ngày 08-10
“Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”.
Ngày 08-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Lễ khai giảng lớp đầu tiên đào tạo cán bộ Bình dân Học vụ các tỉnh Bắc bộ. Bác nói: “Trong lúc Chính phủ còn nghèo, Bình dân học vụ có sáng kiến dựa vào dân là rất tốt... Chống nạn thất học cũng quan trọng như chống ngoại xâm”38.
Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng bài “Khoan hồng mà không nhu nhược” của Bác, nêu rõ chính sách của Nhà nước là: “Chỉ coi bọn thực dân Pháp là kẻ thù chính cần tiêu diệt, còn đối với dân chúng Pháp chịu thừa nhận quyền độc lập Việt Nam thì nó vẫn thân thiện và sẵn sàng bảo vệ cho sinh mạng và tài sản. Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa cũng tỏ một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ... Thái độ đó của Chính phủ tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn...”39. Bài báo kết luận “Phải khoan hồng nhưng không nhu nhược, như vậy mới thực là biết phụng sự quyền lợi quốc gia”40.
Ngày 08-10-1947, sau khi được tin quân Pháp đã tiến công lên Việt Bắc, Bác viết thư phân tích âm mưu của địch là muốn hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não của ta và kết luận: “Chúng mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách”41.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó có đoạn viết về “có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”43 nhấn mạnh: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo... Chúng ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến… Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”43.
Ngày 08-10-1950, sau khi binh đoàn của Lơpagiơ (Lepage) bị quân ta tiêu diệt tại Mặt trận Đông Khê, Bác viết thư động viên các chiến sỹ: “Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp luôn mấy ngày. Đó là một cuộc thử thách lớn... Các chú đã hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sáctông nhé. Bác và Tổng tư lệnh đã ra lệnh khao các chú một bữa thịt bò”44.
Ngày 08-10-1952, trong bài “Tinh thần quốc tế“ đăng trên báo Cứu Quốc, viết về nhân dân Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Bác kết luận: “Tinh thần quốc tế ấy là một trong những điều giúp ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”45.
Ngày 08-10-1961, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp,... miền núi, Bác nhấn mạnh đến những nội dung: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc...; phải chú trọng đào tạo bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi...; tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn, cả về vật chất và tinh thần...; phải nâng cao cảnh giác cách mạng, giữ vững trật tự trị an...”46.
Ngày 09-10
“Thêm một gàu nước mát sẽ là thêm một bát cơm vàng”.
Ngày 09-10-1924, bài báo “Hành hình kiểu Linsơ” ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên nhật báo Dieweltribune và sau đó được đăng lại trên Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản, đưa ra những con số thống kê người da đen chịu một hình phạt rất hà khắc của những kẻ phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Bài báo lên án: “Hành hình kiểu Linsơ thật đáng chiếm một vị trí vinh dự trong bộ sưu tập toàn bộ những tội ác của nền “văn minh” Mỹ”47.
Tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc rời ga Iaruxlapxki của Mátxcơva bí mật đi về phương Đông. Tháng 10-1939, Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Trung Quốc, rời Quế Lâm qua Liễu Châu, Nam Ninh và đến Long Châu để liên lạc với lực lượng trong nước, nhưng không thành. Tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc trở lại Long Châu và gặp nhiều đồng chí từ trong nước qua. Tại một cuộc họp tại ngoại ô Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận định tình hình rất khó khăn, phải giữ bí mật và lực lượng của Đảng, “hiện nay chỉ có Hồng quân Liên Xô và Hồng quân Trung Hoa mới là những đội quân anh em, mới là đồng minh thực sự của ta. Còn quân đội Tưởng Giới Thạch dù có vào Việt Nam để đánh Nhật cũng chỉ là đồng minh tạm thời, về bản chất chúng vẫn là kẻ thù. Phải thấy hết tính chất phản động của nó, nếu không thấy thì nguy hiểm. Chúng nó không vào Việt Nam càng tốt cho ta hơn”48.
Cũng trong khoảng thời gian tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi... Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”49.
Ngày 09-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tập trung vào việc cứu trợ gạo từ miền Nam ra Bắc, có sự hỗ trợ của Hội Hồng thập tự Hoa Kỳ. Đề cập vấn đề đối ngoại, Bác chỉ rõ: “Chúng ta phải hết sức khôn khéo, đứng trước bất kỳ kẻ thù nào, người cách mạng cũng phải hiểu rõ chúng là ai; mạnh yếu chỗ nào, tranh thủ và cô lập ai?”50. Với các giai tầng lao động, Bác yêu cầu: “Cần tổ chức Hội nghị Công nhân nhằm biểu dương lực lượng và động viên anh em chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới”51.
Ngày 09-10-1952, báo Nhân Dân đăng bài “Gương mẫu dân vận, Nguyễn Văn M”. Bác biểu dương tấm gương một du kích xã có thành tích chiến đấu, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến và kết luận: “Cán bộ, đảng viên ta ở vùng sau lưng địch ai cũng làm như thế thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”52.
Ngày 09-10-1966, Bác viết bài “Phải kiên quyết tiêu diệt giặc hạn” đăng trên báo “Nhân Dân” chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành và địa phương phải có kế hoạch chống hạn, bảo vệ mùa màng... và động viên “Thêm một gàu nước mát sẽ là thêm một bát cơm vàng”53.
Ngày 09-10-1968, bài viết “Cần phải chăm sóc trâu bò trong vụ rét sắp tới” của Bác đăng trên báo Nhân Dân nhấn mạnh: “Việc chăm sóc tốt trâu bò là nhiệm vụ chung của cả hợp tác xã... Đó cũng là một cách thiết thực của đồng bào nông dân ở hậu phương tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”54.
Thanh Huyền (tổng hợp)
Chú thích:
24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 41.
25, 26. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 154-155, 159-160.
27. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 7, tr. 349.
28. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 10, tr. 260.
29, 30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 42, 43.
31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 44.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 233-235.
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 102.
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 54.
35. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 36.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 238.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 357.
38. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 37.
39, 40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 45, 46.
41. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 129.
42, 43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 240, 241-245.
44, 45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 103, 576.
46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 418-419
47. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 292.
48, 49. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 111, 112.
50, 51. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 39.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 579.
53 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 142.
54. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 10, tr. 261