Ngày 26-10
“Phải học cách nói của dân chúng”.
Ngày 26-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Đại biểu công nhân Bắc bộ và trong lời phát biểu đã nhấn mạnh: “Công nhân phải tăng cường đoàn kết để giữ vững độc lập, công nhân lúc này phải tránh mọi đòi hỏi chưa đúng lúc, giữ gìn kỷ luật và bình tĩnh trong mọi tình huống. Công nhân hãy tin tưởng vào Chính phủ lâm thời và tuân theo Chính phủ”153.
Ngày 26-10-1946, Bác thăm Nha Dân tộc thiểu số và Trường Cán bộ dân tộc mang tên Nùng Trí Cao và thăm nơi ăn ở của các đại biểu Quốc hội đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai. Sau khi tiếp xúc với Đoàn báo chí họp mặt tại Nhà Thủy Tạ - Bờ Hồ, Bác đến thăm trụ sở Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo của tổ chức này. Cùng ngày, Bác còn đến thăm Trường nữ trung học Hai Bà Trưng, tiếp Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp quốc dân và buổi tối mở tiệc chiêu đãi đoàn ngoại giao trong đó có lãnh sự các nước Anh, Mỹ, Trung Hoa và tướng Moúclie (Morliere) của Pháp.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, tác giả lưu ý đến công tác tuyên truyền và “chống thói ba hoa”. Bác viết: “Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài... Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?... Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại... Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng... Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu. Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sỹ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu... Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích”154.
Ngày 26-10-1953, báo Nhân Dân đăng bài “Thanh niên Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam” của Bác viết dưới bút danh “C.B.”. Sau khi nhắc lại thông điệp của Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới vừa họp ở Bucarét (thủ đô Rumani) cho rằng “Hòa bình ở Việt Nam là lợi ích chung của thanh niên chúng ta”155, Bác khẳng định: “Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, lại được nhân dân Pháp và nhân dân lao động thế giới ủng hộ. Vì vậy địch nhất định thua, ta nhất định thắng”156.
Ngày 26-10-1968, Bác Hồ tiếp và nghe đồng chí Lê Đức Anh vừa từ chiến trường ra Bắc báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam, sau đó được mời lưu lại dùng cơm với Bác.
Ngày 27-10
“Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được”.
Ngày 27-10-1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia một cuộc trao đổi và tranh luận với giới y học về vấn đề siêu hình, vấn đề có hay không sự tồn tại của linh hồn.
Ngày 27-10-1945, chủ trì cuộc họp báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Buổi họp hôm nay là buổi họp báo giới quốc tế, đúng với câu: “Tứ hải nhất gia” (bốn biển một nhà). Nước Pháp hiện giờ coi là nước địch của Việt Nam nhưng người đại biểu Pháp ngồi đây vẫn là bạn thân của tôi”157 và khẳng định, phương châm của Chính phủ Việt Nam là: “Đoàn kết toàn dân - quyết tâm vì chính nghĩa, quyết giữ độc lập bằng mọi giá”158.
Ngày 27-10-1946, tiếp đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bác đưa ra quan điểm: “1. Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém; 2. Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng; 3. Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước; 4. Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho Công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công. Luật Lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ con; 5. Viên chức và công nhân đều là những người phải làm mới có ăn; 6. Ở Nam Bộ không những là công nhân có quyền tổ chức mà tất cả các tầng lớp nhân dân đều có quyền tự do tổ chức và các quyền tự do dân chủ khác đúng như bản Tạm ước”159.
Cùng ngày, Bác gặp lại người chị gái ruột thịt của mình là bà Nguyễn Thị Thanh, hiệu là Bạch Liên từ quê hương Nghệ An ra Thủ đô thăm em. Đây cũng là cuộc gặp mặt cuối cùng giữa hai chị em sau hơn ba mươi năm xa cách.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đề mục: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, Bác phân tích: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên... Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng... “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”. Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”160.
Ngày 27-10-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Công nhân gương mẫu và gương mẫu của công nhân” trong đó Bác biểu dương “Mọi người, mọi ngành gương mẫu cần kiệm như công nhân thì nhất định dân giàu nước mạnh”161.
Ngày 28-10
“Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên”.
Ngày 28-10-1924, Tạp chí Inprekorr đăng bài “Chủ nghĩa thực dân bị lên án” của Nguyễn Ái Quốc về những tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân châu Phi “đó là tất cả cái chế độ cướp bóc, giết chóc đáng ghê tởm đã làm cho thuộc địa này đi đến tình trạng thê thảm hiện nay...”162.
Cuối tháng 10-1939, sau khi rời Liên Xô, với bí danh mới là Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đến Quý Dương thủ phủ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) làm việc tại Văn phòng Bát Lộ Quân (của Đảng Cộng sản Trung Quốc).
Ngày 28-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch “kịch liệt phản đối việc sử dụng các toán quân Nhật, do quân đội Anh - Ấn dưới sự chỉ huy của tướng Graxây, và do quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Lơcléc trong việc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam ở Nam Đông Dương”163 và đưa ra yêu cầu: “Thứ nhất, ban bố lệnh chấm dứt tàn sát một dân tộc đang bảo vệ các quyền chính đáng của mình theo các nguyên tắc ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô. Thứ hai, công nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Cộng hòa Việt Nam”164.
Ngày 28-10-1946, Bác dự khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I. Hồi ký của đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thu ghi lại: Ông Nguyễn Văn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Rạch Giá vừa ở Nam bộ mới ra phát biểu ý kiến: “Đồng bào Nam bộ đoàn kết, sẵn sàng tin tưởng vào vị Cha già thì một ngày mai lá cờ đỏ sao vàng sẽ trở lại phất phới toàn cõi Nam bộ”. Khi ông Tạo ở diễn đàn bước xuống, Hồ Chủ tịch bắt tay rồi ôm lấy ông hôn, nước mắt của Hồ Chủ tịch lăn trên gò má, nhiều người bùi ngùi ứa lệ.
Tháng 10-1957, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười, Bác hoàn thành cuốn sách nhỏ giới thiệu “Liên Xô vĩ đại” với lời kết luận: “Nói tóm lại, kết quả và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười trong 40 năm qua thật là vĩ đại. Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”165.
Ngày 28-10-1958, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề tài chính, giá cả và thương nghiệp quốc doanh, Bác phát biểu nhấn mạnh: “Không được xem nhẹ chính sách về giá cả và ổn định giá cả, phải đẩy mạnh việc chống tham ô, lãng phí, phải củng cố các chi bộ cơ sở… công tác xây dựng kế hoạch tài chính phải dựa trên cơ sở nguồn vốn tự có trong ngân sách, không thể làm tùy tiện và phải chú ý thực hành tiết kiệm ở tất cả các ngành”166.
Ngày 28-10-1963, dự khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa II và đón tiếp Đoàn đại biểu Hội Lao động Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác bày tỏ tình cảm đối với miền Nam ruột thịt khi tặng hoa và ôm hôn thắm thiết Trưởng đoàn Trần Văn Thành sau khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.
Ngày 28-10-1967, Bác viết bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” gửi cho báo “Pravda” (Sự Thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô phân tích những bài học lịch sử sâu sắc mà Cách mạng Việt Nam đã tiếp thu.
Ngày 29-10
"Việt Nam và Cuba rất gần gũi nhau như anh em một nhà".
Ngày 29-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ” trong đó biểu dương: “Quân Pháp nấp đuôi bọn quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ. Ở Mỹ Tho, ở Tân An, ở Biên Hòa, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm đến nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu. Mặc dầu quân Pháp có đủ khí giới tối tân, tôi biết chắc không bao giờ chúng cướp được nước ta đâu. Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc… Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay, trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo cuộc chiến đấu ở Nam Bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội xâm lăng nào đánh tan được”167.
Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bác đề nghị lập “Hội Cứu đói” có sự tham gia của giới tôn giáo, giới công thương và kêu gọi cả các bạn bè quốc tế “dùng đủ mọi phương pháp để tiết kiệm gạo”168.
Cuối tháng 10-1950, đến thăm thương bệnh binh trong Chiến dịch Biên giới đang điều trị tại Bệnh viện Thủy Khẩu được xây dựng trên đất Trung Quốc, Bác nói: “Quân ta thắng lợi rồi, ta không còn bị bao vây, cửa đã mở ra thế giới, Đảng và Bác không quên công lao của các chiến sỹ đã ngã xuống hoặc bị thương tật”169.
Ngày 29-10-1959, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chương trình và phương thức tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, Bác nêu ý kiến phải tạo điều kiện cho chi bộ thảo luận vì “nếu không thảo luận thì không lợi về dân chủ, ta chỉ vì thời gian hạn chế mà không để chi bộ thảo luận ý kiến ở dưới không góp cho đề án, không lợi...”170.
Ngày 29-10-1966, trong diễn văn đọc tại buổi tiếp chính thức Đoàn đại biểu Cuba do Tổng thống Ôxvanđô Đoócticốt dẫn đầu sang thăm nước ta, Bác nói: “Từ Mỹ latinh xa xôi, các đồng chí mang đến cho nhân dân Việt Nam chúng tôi mối tình đoàn kết chiến đấu rất thắm thiết của nhân dân Cuba và nhân dân Mỹ latinh anh em... Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm, nhưng lòng nhân dân hai nước chúng ta thì rất gần gũi nhau như anh em một nhà. Chúng tôi mong các đồng chí coi ở Việt Nam cũng như ở Cuba vậy”171.
Ngày 29-10-1968, Bác nghe Bộ Chính trị báo cáo về việc chuẩn bị cho Hội nghị Pari và vấn đề nhân sự cho Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia sự kiện này. Bác nhắc nhở cần đề phòng việc Mỹ đòi ngừng đánh ở miền Nam để tuyên truyền đả kích ta hoặc sẽ ném bom miền Bắc trở lại, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho Đoàn của Mặt trận.
Khánh Linh (tổng hợp)
153. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 60.
154. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 300-305.
155, 156. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 158.
157, 158. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 61, 62.
159. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 426.
160. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 293-298.
161. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 516.
162. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 332.
163, 164. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 75-76.
165. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 556-557.
166. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 164.
167. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 77-78.
168. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 64.
169. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 475.
170. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 359.
171. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 151-152.