Thứ sáu, 19/04/2024

Chỉ mục bài viết

 Ngày 10-10

"Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân”.

Ngày 10-10-1923, Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân: “Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: Vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước... Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế”55.

Ngày 10-10-1929, Tòa án Nam triều tại Vinh ra phán quyết về việc xét xử Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, trong đó quyết định sẽ xét xử sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành bị Tòa án tỉnh kết án “tử hình” còn Cơ mật viện là “khổ sai chung thân”.

Ngày 10-10-1942, Lãnh tụ Hồ Chí Minh bị Quốc dân đảng Trung Hoa giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo đã làm bài thơ chữ Hán “Song thập nhật giải vóng Thiên Bảo” (Ngày Quốc khánh 10-1056 bị giải đi Thiên Bảo), bản dịch ra quốc ngữ của Nam Trân:

“Nhà nhà hoa kết với đèn giăng,

Quốc khánh vui reo cả nước mừng;

Lại đúng hôm nay ta bị giải,

Oái oăm gió cản cánh chim bằng”57.

Ngày 10-10-1947, báo Vệ quốc quân đưa tin Bác đến dự bế mạc lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp và căn dặn: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - tín-nhân - dũng - liêm”58. Ngoài ra phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật.

Ngày 10-10-1954, Bác ra “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể!... Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân...”59.

Ngày 10-10-1959, nói chuyện tại Hội nghị dự thảo “Luật Hôn nhân và gia đình”, Bác tâm sự: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người... Mong các cô, các chú cố gắng, bền gan, hiểu rõ và làm tốt. Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”60.

Ngày 10-10-1962, trong buổi chiêu đãi Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Bành Chân, Bác ứng khẩu đọc câu thơ mượn tứ của bài thơ nổi tiếng của nhà thơ cổ điển Trung Hoa Vương Xương Linh:

“Bắc Kinh thân hữu như tương vấn

Nhất phiến đan tâm tại ngọc hồ”61

dịch:

(Bè bạn Bắc Kinh ai hỏi đến

Một tấm lòng son vẫn như xưa).

Ngày 11-10

“Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài”.

Ngày 11-10-1941, báo Việt Nam Độc Lập đăng bài thơ “Công nhân” của Nguyễn Ái Quốc với lời kêu gọi:

“Thợ thuyền ta phải đứng ra,

Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.

Cùng nhau vào hội Việt Minh,

Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.

Bao giờ khôi phục nước nhà,

Của ta ta giữ, công ta ta làm”62.

Ngày 11-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ xuất phát “Ngày tiễu trừ giặc đói”. Cùng ngày, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Bác thông báo việc tiếp các đại biểu Đoàn Công thương Cứu Quốc và nghe những ý kiến đề nghị về thuế môn bài và một số vấn đề hệ trọng đến ngoại giao và công cuộc đắp đê chống lụt.

Ngày 11-10-1946, báo Cứu Quốc tiếp tục công bố loạt bài về “Binh pháp Tôn Tử” của Bác với chủ đề “Chiến tranh tư tưởng”. Bài báo nhấn mạnh đến các phương sách của lĩnh vực đặc biệt này nhằm mục tiêu “ly gián và làm nhụt ý chí chiến đấu” của đối phương. Cụ thể là: Với nước địch thì “tuyên truyền cho dân chúng hoang mang, rối loạn, mất hẳn nhuệ khí, không tin tưởng ở sự thắng trận”63; với các nước trung lập thì “làm cho họ có thiện cảm với mình mà ác cảm với nước địch để nếu họ không về phe với mình đánh lại quân địch thì ít ra họ cũng đứng trung lập”64; còn với dân chúng nước mình thì “làm cho họ nổi lòng căm hờn quân địch, quyết tâm chiến đấu, tin tưởng ở thắng lợi và trên dưới một lòng thề không đội trời chung với quân địch”65.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập nhiều nội dung liên quan đến phẩm chất và năng lực của người cách mạng. Trong chương viết về “Tư cách và đạo đức cách mạng” tác giả xác định những tư cách của đảng chân chính cách mạng gồm 12 điều trong đó có những điều: “1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. 2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau... 8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên... 12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.

Muốn cho Đảng được vững bền

Mười hai điều đó chớ quên điều nào”66.

Ngày 11-10-1951, Bác viết bài báo “Khúc than khôn xiết sự tình” đăng trên báo Nhân Dân dẫn lại những lời thú nhận của các quan chức của Pháp về tình thế bế tắc trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương để đi đến kết luận:

“Bọn cướp nước đó gần ngày qụy xuống,

Nhân dân ta phải hăng hái tiến lên!”67.

Ngày 11-10-1958, nói chuyện với Hội nghị nữ thanh niên Thủ đô lần thứ nhất, Bác nhấn mạnh: “Nữ thanh niên cần phải gương mẫu, làm đầu tàu, ra sức thi đua với nam giới. Trong vấn đề luyến ái nên chính đáng, trong sạch, chớ mơ mộng, ảnh hưởng không tốt đến công tác, học tập. Cần chống các tập quán cũ như tảo hôn, cưới xin xa xỉ”68.

Ngày 12-10

“Công an nhân dân của ta sẽ là một lực lượng cách mạng vô địch”.

Ngày 12-10-1937, Nguyễn Ái Quốc gửi thư chia buồn đến Ăngđrê Mácty (Andre Marty), đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản phụ trách Ban Phương Đông về việc đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê (Paul Vaillant Couturier), một nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp và cũng là một người bạn thân thiết từ trần.

 Tháng 10-1944, Bác viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” phân tích tình hình và nhiệm vụ cấp bách và dự báo: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”69. Trước đó, Bác vạch rõ: “Chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta... phải do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tớn, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”70.

Ngày 12-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Sao cho được lòng dân” đăng trên báo Cứu Quốc nêu lên tình trạng “xung quanh các Ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen... Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa”71. Bài báo phân tích nguyên nhân là do “các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền”72 và nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân... Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”73.

Ngày 12-10-1950, Bác yêu cầu gặp một số tù binh Pháp bị quân ta bắt trong Chiến dịch Biên giới, trong số đó có hai viên trung tá Pháp là Lơpagiơ (Lepage) và Sáctông (Charton). Trong vai một “cố vấn chính trị Mặt trận”, Bác hỏi chuyện, động viên và tỏ những hành động nhân đạo đối với những kẻ đã bại trận.

Ngày 12-10-1953, trong điện mừng gửi Hoàng thân Xuphanuvông nhân kỷ niệm 8 năm ngày Tuyên bố Độc lập và ngày Thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, Bác bày tỏ: “Tôi tin chắc rằng trong công cuộc đấu tranh chính nghĩa đánh đuổi kẻ thù chung, để giành tự do và độc lập, nhân dân Pathét Lào, nhân dân Việt Nam và nhân dân Cao Miên, đoàn kết chặt chẽ trong khối liên minh Việt - Miên - Lào, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”74.

Ngày 12-10-1958, thăm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Từ, ngoại thành Hà Nội, Bác động viên đồng bào: “Hợp tác xã phấn đấu đưa lúa chiêm lên hai tấn rưỡi một hécta thì Bác sẽ về ăn cơm chiêm với bà con”75.

Ngày 12-10-1966, nói chuyện với Đại hội thi đua lực lượng Công an nhân dân họp tại Hà Nội, Bác đánh giá: “Cán bộ và chiến sỹ Công an nhân dân nói chung là tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân”76 và bày tỏ lòng tin tưởng rằng nếu khắc phục được những khuyết điểm “thì Công an nhân dân của ta sẽ là một lực lượng cách mạng vô địch”77.

Ngày 13-10

“Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương”.

Ngày 13-10-1923, Nguyễn Ái Quốc lần thứ hai phát biểu tại diễn đàn Hội nghị Quốc tế Nông dân trong phiên họp thứ 7, tố cáo các tội ác man rợ của chủ nghĩa đế quốc với nông dân ở các thuộc địa và kết luận: “Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một Quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”78.

Ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trên báo Cứu Quốc bức “Thư gửi các giới công thương Việt Nam”, trong đó có đoạn: “Hiện nay “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt... Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”79. Chính những tư tưởng được thể hiện trong bức thư này là cơ sở để từ năm 2004, Chính phủ ta đã công nhận ngày 13-10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Cùng ngày, Bác dành tiếp một học giả nổi tiếng từng tham gia nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim là Giáo sư Hòang Xuân Hãn... Năm 1971, nhớ lại cuộc gặp này, ông Hoàng Xuân Hãn viết: “Tôi đứng dậy, từ giã, xuống lầu, cảm động vì đã có dịp tỏ nhiều lời tâm huyết, vì thấy vận mệnh của dân nước đè trên vai một vị thâm niên gầy ốm, nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm và cử chỉ ôn tồn, gãy gọn và kiên quyết”80.

Ngày 13-10-1949, Bác gửi thư tới “các võ quan và các chiến sỹ Đội quân Bắc Phi Độc lập” xác định: “Người Việt Nam, người Bắc Phi cũng như những người bạn ở các thuộc địa Pháp khác, chúng ta đoàn kết chặt chẽ và cùng có chung một lý tưởng: Đập tan chế độ thực dân Pháp và giành lại độc lập... cuộc chiến thắng của Việt Nam sẽ giúp cho các bạn chiến thắng sau này”81.

Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng bài Bác trả lời nhà báo A.Xtinlơ (A.Steele) của tờ “New York Herald Tribune” (Diễn đàn người đưa tin Niu Oóc) của Mỹ đề cập rất nhiều vấn đề. Về việc thành lập một khối liên hiệp đồng minh giữa các nước châu Á, Bác cho rằng: “Bất kỳ sự liên hợp hay đồng minh nào nhằm mục đích làm cho các nước giúp đỡ lẫn nhau và cộng tác thân thiện với nhau để bảo vệ độc lập, hòa bình và dân chủ đều là tốt cả”82. Về những chính sách đối nội, Bác khẳng định: “Những sự cải cách xã hội mà nhân dân Việt Nam đang thực hiện là đủ ăn đủ mặc và đủ điều kiện để học tập. Những thắng lợi đó đạt được là: Thủ tiêu xong một phần nạn mù chữ, nạn hút thuốc phiện, cờ bạc và các hủ tục khác, thắng nạn đói”83. Cuối cùng, Bác đặt vấn đề: “Tôi muốn hỏi nhân dân Mỹ một câu này: Nếu Pháp hoặc một ai khác xâm phạm nước Mỹ, giết người, đốt phá thành phố và làng mạc Mỹ, với mục đích là để bắt Mỹ làm nô lệ, thì nhân dân Mỹ sẽ đối phó như thế nào?”84.

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 208.
56. Ngày Quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (01-10-1949). (BT).
57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3. tr. 297.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 223.
59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 360-362.
60. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 523-524.
61. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 295.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 204.
63, 64, 65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 320.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 249-250.
67. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 311.
68. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 152.
69, 70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 506, 505.
71, 72, 73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 47, 47-48.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 152.
75. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 153.
76, 77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 145, 146.
78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 212.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 49.
80. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 46.
81, 82, 83, 84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 691, 694, 696, 697.

Bài viết khác: