Chỉ mục bài viết

 Ngày 22-10

“Tuổi cao, chí khí càng cao”.

Ngày 22-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo: “Tình hình ở Nam Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp và đòi hỏi có sự can thiệp ngay tức thời từ phía Liên hợp quốc...”128, lên án chính quyền thực dân Pháp đi ngược lại các Hiến chương của Liên hợp quốc, và yêu cầu: “... Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý, trình bày trước Ngài những nguyện vọng sau đây của chúng tôi: 1. Vấn đề liên quan tới Nam Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban tư vấn Viễn Đông; 2. Đoàn đại biểu Việt Nam phải đuợc phép tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam; 3. Một Ủy ban điều tra phải được cử tới Nam Việt Nam; 4. Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hợp quốc công nhận”129.

Ngày 22-10-1946, trả lời phỏng vấn của giới báo chí trong và ngoài nước về chuyến thăm nước Pháp, Bác khẳng định: “Về tinh thần, phần đông dân chúng Pháp có thể nói là đến 90% đều tỏ ra muốn hòa bình và dân chủ... Đối với nước Việt Nam, đa số dân Pháp cũng tỏ ra có một cảm tình, rất nghiêng về nền độc lập của ta...”130; cảm tưởng khi về nước: “Tốt. Một là vì mùa màng được, dân khỏi lo đói. Hai là trông thấy dân ai cũng chăm làm, chăm học. Ba là thấy cảm tình giữa dân Việt Nam với người Pháp và các người ngoại quốc ở đây càng ngày càng tiến bộ...”131. Về quốc sách của Việt Nam: “Có thể trả lời là không biến đổi gì hết. Về nội chính, Chính phủ từ trước tới giờ vẫn chủ trương đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam mới. Về ngoại giao, Chính phủ quyết đòi độc lập, quyết đòi thống nhất, nhưng quyết định ở trong khối Liên hiệp Pháp; đối với các hữu bang, từ trước đến giờ, vẫn theo một con đường thân thiện. Trước thế thì nay vẫn thế, không thay đổi”132. Đối với báo giới, Bác bày tỏ: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương... Bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy ấy để viết những bức thư thân ái... Hy vọng thêm rằng không những các báo chí giúp cho sự gây nên một cảm tình giữa các dân tộc mà còn ngay trong báo giới nữa cũng gây lấy một cảm tình hữu nghị”133.

Ngày 22-10-1963, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề quan hệ quốc tế của Đảng, Bác đề nghị: “Chủ trương của Đảng ta là đoàn kết và làm cầu nối trong việc đoàn kết quốc tế”134.

Ngày 22-10-1965, trên báo Nhân Dân, Bác viết bài “Càng già càng giỏi” biểu dương lớp người cao tuổi: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước”135, và yêu cầu: “Các cấp đảng bộ và Mặt trận các địa phương nên ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển đội Bạch đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Để kết luận bài này, xin tặng các cụ phụ lão kính mến một câu thơ: Tuổi cao, chí khí càng cao/ Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai!”136.

Ngày 23-10

“Để tỏ cho thế giới biết rằng, ta là một dân tộc văn minh”.

Ngày 23-10-1921, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc biểu tình do Đảng Xã hội và Liên hiệp Công đoàn tổ chức để phản đối việc hành quyết hai nhà hoạt động xã hội bị nhà cầm quyền Mỹ kết án tử hình một cách độc đoán.

Ngày 23-10-1945, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, mọi thành viên tán thành ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi buổi họp nên dành nửa giờ để báo cáo, còn thì bàn những vấn đề to.

Ngày 23-10-1945, Chủ tịch nước thăm Nha Công an Bắc bộ, tại khu giam giữ phạm nhân của Ty Công an quận Nhất, Hà Nội, Bác căn dặn cán bộ: “Nên săn sóc những người bị giam và xét ngay, xét kỹ cho người ta khỏi oan uổng”137.

Cùng ngày, Bác ra “Lời tuyên bố đối với quốc dân sau khi ở Pháp về”: “Tôi qua Pháp, đáp lại thịnh tình của Chính phủ Pháp đã mời tôi, mục đích cốt để giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất. Vì hoàn cảnh hiện thời ở nước Pháp, mà hai vấn đề chưa giải quyết được, còn phải chờ. Nhưng không trước thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất”138.

Với đồng bào Nam bộ và miền Nam Trung bộ, Bác khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em... Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta. Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá vững như đồng. Đối với gan vàng dạ sắt của đồng bào, toàn thể quốc dân không bao giờ quên, Tổ quốc không bao giờ quên, Chính phủ không bao giờ quên. Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sỹ và xin lỗi những đồng bào đương khổ sở hy sinh. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”139.

Ngày 23-10-1950, Bác đến dự Hội nghị tổng kết chiến dịch Biên giới, đưa ra những nội dung cần tổng kết là: “Đề cao kỷ luật; triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên; thương yêu đội viên; tôn trọng nhân dân; giữ gìn của công và chiến lợi phẩm; thành thật tự phê bình và phê bình”140 và nêu ra những bài học kinh nghiệm lớn: “1. Trung ương lãnh đạo sáng suốt. Các cấp địa phương chỉ đạo đúng đắn. Các cơ quan quân, dân, chính đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, hành động nhất trí; 2. Chiến sỹ ta rất hăng hái, anh dũng; 3. Nhân dân ta rất tốt; 4. Giặc chủ quan”141.

Ngày 23-10-1962, trong Hội nghị bàn về công tác tổ chức của Bộ Chính trị, Bác nhấn mạnh: “Tổ chức trước hết là con người. Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước; lên xuống không sao, đi đâu cũng được... Đâu cần thì cán bộ có, đâu khó thì cán bộ đến. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lao động”142.

Ngày 24-10

“Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”.

Ngày 24-10-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội Pháp.

Ngày 24-10-1926, trên tờ Thanh Niên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát hành tại Quảng Châu đăng bài “Nhân đức của Pháp” của Nguyễn Ái Quốc lên án vụ thực dân Pháp cho phá đê sông Hồng để bảo vệ cho thành Hà Nội nơi người Pháp sinh sống làm chết nhiều người dân bản xứ: “Thương ôi! Dân ta bị Tây nó giết mòn, giết mỏi. Giết cách này không chết hết, thì nó giết cách khác. Nó lấy rượu và a phiến làm cho dân ta chết nhiều. Nó bắt đi đào sông, đào đường, bị nước độc mà chết. Nó bắt đi lính đi làm nô lệ bên các xứ đen mà chết. Nay nó lại nhận chìm cả xứ!

Đồng bào ơi! Mau mau dậy cứu lấy nòi!

Kẻo mà Nam Việt đi đời nhà ma!”143.

Ngày 24-10-1946, tại buổi tiệc trà chiêu đãi đại biểu các giới nhân dân Thủ đô sau chuyến thăm nước Pháp, Bác nói: “Từ trước tới giờ, chúng ta đã đồng tâm hiệp lực chịu khó làm việc, nên chúng ta đã thu được ít nhiều thành công. Bây giờ chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực gánh vác việc nước, việc công hơn nữa”144.

Cùng ngày, Bác viết thư gửi các cháu thiếu nhi để bày tỏ cảm xúc: “Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:

1. Phải siêng học,

2. Phải giữ sạch sẽ,

3. Phải giữ kỷ luật,

4. Phải làm theo đời sống mới,

5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”145.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, phần viết về “Vấn đề cán bộ” tác giả viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng... Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta... Phong trào giải phóng sôi nổi, nẩy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện... Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm… Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”146.

Ngày 24-10-1962, Bác đến xem Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1962 và đưa ra nhận xét: “Các tranh tượng đã nói lên được tình người, tả chân thực những người lao động bình thường. Anh chị em đã cố gắng đi vào đời sống, thế là tốt. Nhưng tranh chưa nói lên được khí thế thi đua của quần chúng. Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”147.

Ngày 25-10

“Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc”.

Ngày 25-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thảo luận một số vấn đề kinh tế và tiếp tục góp ý, bổ sung Dự thảo Hiến pháp.

Ngày 25-10-1946, tiếp tục loạt bài giới thiệu về “Binh pháp Tôn Tử”, báo Cứu Quốc đăng bài “Bàn về địa hình”, trong đó Bác phân tích: “Về quân sự đành rằng phải có binh mạnh, tướng giỏi, nhưng không nghiên cứu địa hình một cách tường tận, không thể xuất trận thành công được. Trên mặt trận, biết lợi dụng địa hình, đánh trận không hao tổn công sức mà được thắng lợi dễ dàng... Gặp địa hình nào phải tùy cơ ứng biến để có thể lợi dụng một cách có hiệu quả trong cuộc chiến đấu với quân địch”148.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong phần viết về “Cách lãnh đạo” có đoạn: “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng... Nghĩa là: Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu... Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình. Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng... Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi... Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”149.

Tháng 10-1948, trong một bức thư riêng gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, Bác nhắc đến một vụ việc, qua đó thấy cách ứng xử của người đứng đầu Chính phủ đối với người cán bộ mắc sai lầm. Thư viết: “Chú Hòe thân mến. Việc ân xá, ân giản ở Thái Bình như thế là xong. Ông giám đốc Vũ Văn Huyền đã tỏ ra rất tận tâm với chức vụ thì Chính phủ nên khen... Nhưng… vừa rồi ông ấy làm quá đáng, thì chúng ta phải phê bình để giúp ông ấy sửa chữa và tiến bộ. Ngoài sự phê bình bằng công văn, có lẽ chú nên lấy tình nghĩa bầu bạn mà nói riêng cho ông ấy biết rõ thái độ của Chính phủ...”150.

Ngày 25-10-1951, thăm và nói chuyện với Trường Chính trị Trung cấp Quân đội, Bác căn dặn: “Ngày xưa tổ tiên ta đã phải kháng chiến trường kỳ mới thắng được ngoại xâm. Đời Trần phải kháng chiến ba lần mới đuổi được quân Nguyên. Đời Lê kháng chiến một lần nhưng phải mười năm mới đuổi được quân Minh... Cuộc kháng chiến của ta là tiếp tục cuộc Cách mạng Tháng Tám... phải trường kỳ mới giành được thắng lợi... Cuộc kháng chiến của ta hết sức gian khổ... Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi”151. Để khắc phục những khuyết điểm, Bác đề nghị: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân... Đó là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng... Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau... Nói như vậy là lầm to... Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời... Cần, kiệm, liêm, chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng”152.

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

128, 129, 130, 131. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 68, 70, 412, 413.
132, 133. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 413-414, 415.
134. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 448.
135, 136. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 519, 521.
137. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 59.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 417.
139. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 418-419.
140, 141. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 473, 474.
142. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 297.
143. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 451.
144. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 422.
145. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 421.
146. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 269-283.
147. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 298.
148. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 423-425.
149. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5. tr. 285-290.
150. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 253-254.
151, 152. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 316-321.

Bài viết khác: