Chỉ mục bài viết

Ngày 01-10

“Thương dân, trọng dân và tốt với dân”.

Ngày 01-10-1945, đến dự và phát biểu tại lễ bế giảng Khóa 4, Trường Quân chính Việt Nam, Bác căn dặn: “Sau đây ra nhận việc, các anh em sẽ phải vừa làm vừa học, nghiên cứu không những trong sách vở mà ngay trong những công tác của mình... Vậy cần phải nhớ đến những đức tính mà đã là cán bộ cần phải có: 1) Không tự kiêu, không có cái bệnh làm “quan cách mạng”. 2) Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm. 3) Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm. 4) Trung thành với mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”1.

Ngày 01-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện trả lời Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Sài Gòn nêu rõ lập trường kiên định: “... Chính phủ và nhân dân Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột, và đặt lại nền hòa bình một khi mà nước Pháp trịnh trọng tuyên bố nhìn nhận nền độc lập và thống nhất của chúng tôi”2.

Ngày 01-10-1948, trong phiên họp Chính phủ, phát biểu về vấn đề thi đua, Bác nói: “Hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về việc thi đua. Phong trào bình dân học vụ thi đua có kết quả là vì có nhiều cán bộ mà đều là cán bộ trong dân. Cho nên, trong vận động thi đua cần phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hóa”...”3.

Ngày 01-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam” với nội dung gồm: “1) Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. 2) Bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân. 3) Tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc. 4) Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa, xã hội khác. 5) Thưởng người có công, phạt người có tội. 6) Giữ gìn trật tự và trị an. 7) Nhân dân, đặc biệt là nông dân nên tổ chức lại. 8) Bảo vệ tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài”4.

Cùng ngày, Bác gửi thư động viên cán bộ và chiến sỹ đang tham gia Chiến dịch Tây Bắc: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng”5 và nhấn mạnh: “Thương dân, trọng dân và tốt với dân”6. Còn với lực lượng dân công, Bác cũng gửi thư khích lệ “các cụ, các chú cũng là chiến sỹ, cũng có công như các chiến sỹ, phải cùng anh em bộ đội giành cho được thắng lớn”7.

Ngày 01-10-1960, Bác cùng nhiều nhà lãnh đạo ra tận bến cảng Hải Phòng để đón chuyến tàu chở 992 đồng bào Việt kiều đầu tiên từ Thái Lan hồi hương. Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn” khẳng định: “Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm trọn nhiệm vụ... Vậy có thơ rằng: Càng già, càng dẻo càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai/ Đôn đốc con em làm nhiệm vụ/ Vuốt râu mừng xã hội tương lai”8.

Ngày 01-10-1965, nhân Quốc khánh Trung Quốc, trên báo Nhân Dân, Bác viết bài ca ngợi truyền thống đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc và có câu thơ:

“Mối tình đoàn kết Việt - Hoa

Vừa là đồng chí, vừa là anh em!”9.

Ngày 02-10

“Phụ nữ Việt Nam, dũng cảm đảm đang...”.

Ngày 02-10-1928, Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Chủ nghĩa tư bản đế quốc Pháp ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc phân tích một cách chi tiết tình hình kinh tế ở xứ thuộc địa này và bài báo kết luận: “... Đế quốc Pháp ở Đông Dương luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về một cuộc cách mạng sắp tới. Việc đó tạo ra một giai cấp vô sản và dạy cho người An Nam biết sử dụng súng ống là một bằng cớ chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc tự mình đào hố để chôn mình”10.

Ngày 02-10-1950, nhân dịp Tết Trung thu, Bác Hồ lại viết “Thư gửi Nhi đồng cả nước” khích lệ: “Trung thu này, các cháu tiến bộ nhiều, cũng như kháng chiến ta tiến bộ nhiều... Nhưng Bác chắc rằng: Bất kỳ ở đâu, tinh thần các cháu cũng đều hăng hái vui vẻ. Vì các cháu đều biết rằng: Giặc Pháp và phản động Mỹ không thể ăn cướp ông trăng Trung thu của các cháu. Cũng như chúng nó không thể ngăn trở cuộc thắng lợi của kháng chiến ta. Vì các cháu đều chắc rằng kháng chiến nhất định thắng lợi và đến ngày kháng chiến thắng lợi, thì Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những cái Tết Trung thu rất vui vẻ, sung sướng, tưng bừng”11.

Đầu tháng 10-1953, tại Khuối Tát trên Chiến khu Việt Bắc, Bác gặp các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng để nghe Tổng Tư lệnh báo cáo tình hình địch và công tác chuẩn bị lực lượng của ta cho Chiến dịch sắp tới. Bác chỉ thị: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”12.

Ngày 02-10-1961, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam và nêu rõ quan điểm: “Nói miền Nam, cần nhận định thêm tình hình quốc tế để có chính sách đối phó cho khéo, cần phải nhân sự phát triển của tình hình sau Nghị quyết 15... Nó phá hoại miền Bắc. Nó sợ mình đánh nó. Địch, quân sự mạnh nhưng chính trị yếu. Ta, chính trị mạnh nhưng quân sự yếu. Nếu lấy sức đọ sức để tiêu hao thì không lợi. Ta không lấy đấm chọi đấm mà lấy mưu mẹo để diệt nó, trừ bọn ác đi để bảo vệ cơ sở, phong trào dần sẽ lên. Địch công thành, ta công tâm, phải lấy được lòng dân. Tổ chức du kích cho đều, dễ hoạt động, giúp được dân mà phân tán địch. Đồng thời, ta phải có một vài cú đấm, đánh rồi ta luồn đi. Ta không để lộ lực lượng, phải tự lực cánh sinh, hoạt động dẻo dai. Không phải chỉ có đấu tranh chính trị. Hoạt động sản xuất, văn hóa cũng cần kịp thời chuyển hướng”1 ...

Đầu tháng 10-1966, Bác Hồ góp ý kiến cho nội dung bức trướng của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam dự kiến tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tự tay Bác viết nội dung như sau: “Phụ nữ Việt Nam/ Dũng cảm đảm đang/ Chống Mỹ, cứu nước”14.

Ngày 02-10-1968, Bác tiếp tục họp Bộ Chính trị thảo luận đề án đấu tranh ngoại giao sau Tết Mậu Thân, lưu ý rằng, nếu Mỹ ngừng ném bom nhưng chiến tranh vẫn diễn ra ở miền Nam, thì Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng.

Ngày 03-10

“Hồ Chí Minh không bao giờ cúi mình trước bạo lực”.

Ngày 03-10-1920, mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc đến dự một buổi nói chuyện do Hội Nghệ thuật tổ chức tại Sở Cảnh sát Pari.

 Ngày 03-10-1922, Nguyễn Ái Quốc dự họp Ban biên tập báo Le Paria (Người Cùng Khổ) kiểm điểm tình hình tài chính đang gặp khó khăn và phân công việc trực ban để tiếp bạn đọc, số đông là dân thuộc địa.

Ngày 03-10-1923, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi, đại diện cho Trung Hoa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản đang hợp tác chống Nhật cùng dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang Liên Xô cầu viện.

Đầu tháng 10-1946, trên đường từ Pháp trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho nhà báo Pháp Giăng Mixen Hêtơrích (Jean Michel Hertrich), người đã có mặt và chứng kiến thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và là tác giả cuốn “Độc lập hay là chết. Những điều mắt thấy ở Đông Dương”. Bức thư đã đánh giá “tôi phải nói rằng cuốn sách đó là khách quan và chân thật”15 và nhắc lại nhiều đoạn trích chứng minh điều đó, ví như, “... Việt Minh đang đại diện cho tâm hồn hiện tại của Đông Dương, của Việt Nam... Và cuối cùng, lý tưởng của Việt Nam trước hết là sự thống nhất của Việt Nam, sự thống nhất của cả ba xứ Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ mà dân chúng ở đây đều cùng chung một nòi giống và nói chung một thứ tiếng...”16.

Tuy nhiên, sau khi trích một đoạn viết trong sách nhằm lên án những ý đồ xấu của bọn thực dân: “Nếu bằng những thủ đoạn ít nhiều ranh mãnh, chúng ta định xóa bỏ và tách Nam Kỳ ra khỏi khỏi Việt Nam, chắc chắn chúng ta không bao giờ có được sự hợp tác của nhân dân Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng Hồ Chí Minh dù có cúi mình trước bạo lực, tình trạng mất ổn định vẫn sẽ xảy ra cho đến ngày mà những sự nổi dậy mới dẫn đến những hy sinh mới”, thì Bác viết tiếp: “Thưa tác giả thân mến, tôi phải nói với ông rằng... Hồ Chí Minh không bao giờ cúi mình trước bạo lực vì Hồ Chí Minh là một phần không thể chia cắt của nhân dân ông ta, ông ta mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn, ông ta hành động điều mà cả nhân dân ông hành động... Và tôi tin chắc rằng chân lý sẽ chiến thắng”17.

Ngày 03-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tục chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, tiếp đó, cùng toàn thể Chính phủ đón tiếp đoàn đại biểu từ Nam bộ do ông Phạm Hùng dẫn đầu ra Bắc. Đoàn đã chuyển tặng Bác nhiều món quà của đồng bào Nam bộ, trong số này, một tác phẩm đã làm cho Hồ Chủ tịch hết sức cảm động là bức họa hình Hồ Chủ tịch và ba em thiếu nhi tượng trưng Trung - Nam - Bắc, ba em vây chung quanh Cụ, một em nắm râu Cụ với bao vẻ mến yêu. Bức họa này của một họa sỹ đã lấy máu mình mà vẽ ra, vừa đẹp và chứa đầy ý nghĩa (tác phẩm của họa sỹ Diệp Minh Châu)...

Ngày 03-10-1960, Bác đi thăm các lớp bổ túc văn hóa tại hai trường Trần Nhật Duật và Yên Thành (Hà Nội). Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Một thắng lợi vẻ vang” của Bác, khen ngợi phong trào xóa nạn mù chữ của tỉnh Cao Bằng với kết luận rằng “về mặt văn hóa, thì dù ai mù quáng đến mấy cũng phải thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta đã thắng lợi vẻ vang”18.

Ngày 04-10

“Biết dùng người... thì ta sẽ không lo thiếu cán bộ”.

Ngày 04-10-1921, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội Liên hiệp Thuộc địa mà mình đã tham gia sáng lập. Thời gian này, Hội đã có gần một trăm hội viên chủ yếu từ 2 nhóm hội viên người Việt Nam và Mađagátxca.

Ngày 04-10-1945, trên báo Cứu Quốc đăng hai bài viết của Bác. Trong bài “Chống nạn thất học”, nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, tác giả viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí... Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ...”19.

Còn trong bài “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”, Bác đã phân tích thực tiễn đang tồn tại trong các Ủy ban nhân dân để đưa ra những nhận định và giải pháp khắc phục tình trạng lộn xộn, kém khoa học: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ... Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”20.

Cùng ngày, Bác thông báo trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ về việc tiếp xúc với đại tá Xtêphen Nótlingiơ (S.L.Nordlinger) đứng đầu đoàn nhân đạo của Mỹ bàn về cách đưa gạo từ miền Nam ra cứu đói và với tướng Hà Ứng Khâm của Trung Hoa Quốc dân đảng về việc thả tù binh Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng viên sỹ quan Mỹ một bức tranh thêu và 61 năm sau (2006), gia đình của ông Nótlingiơ đã trao tặng lại món quà này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ngày 04-10-1946, tiếp tục loạt bài viết về “Binh pháp Tôn Tử”, trên báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Phương pháp đánh giữ và tiến thoái” (ký tên Q.Th.). Bài báo viết: “Phương pháp dụng binh là phương pháp thiên biến vạn hóa. Tuỳ theo thời cơ, theo địa điểm, theo tình hình bên địch, người làm tướng lúc bày thế trận này, lúc bày thế trận khác... muốn được thắng trận, phương pháp đánh giữ và tiến thoái phải luôn luôn biến đổi hợp với thời cơ, hợp với tình hình trên mặt trận. Nhanh như chớp, biến hóa như thần, đó là bí quyết của phép dụng binh”21.

Ngày 04-10-1960, nhân ngày Tết của thiếu nhi, Bác viết trên báo Quân đội nhân dân bài “Trung thu sẽ sáng cả hai miền...” (với bút danh “Chiến Sỹ”): “Trăng thu đẹp quá nhưng chưa sáng cả hai miền...”22 vì các thế lực chia cắt đất nước, nhưng “Chúng nó không thể mãi mãi cướp đoạt ánh trăng thu của các bạn thiếu nhi miền Nam đâu. Nhân dân Việt Nam sẽ quật đổ chúng xuống, cho trăng thu sáng cả hai miền, cho thiếu nhi Nam - Bắc cùng ca một bài, cùng nhảy một điệu, cùng nối vai nhau hát "Kết đoàn", múa rồng rắn, một đoàn múa khổng lồ dài suốt từ Bắc vào Nam”23.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 34.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 222.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 249.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 254-255.
5, 6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 573, 574.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 213.
9. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 304.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 361.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 98.
12. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 377.
13. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 136-137.
14. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 476.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 311.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 311.
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 312.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 218.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 36.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 38-39.
21. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 339-340.
22. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 545.
23. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 545.


 Ngày 05-10

“Đồng bào Nam bộ có tiếng rất yêu nước, rất anh hùng”.

Ngày 05-10-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Chu Trinh và một số đồng bào Việt Nam khác từ nhà của Luật sư Phan Văn Trường đến dự cuộc họp của Ủy ban Đệ Tam Quốc tế, nhóm quận 14, Pari.

Ngày 05-10-1945, Bác viết bài “Tinh thần tự động trong Ủy ban nhân dân” trên báo “Cứu Quốc” phê phán tính máy móc và kém năng động của bộ máy chính quyền. Bài báo kết luận: “Các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện..”24.

Tháng 10-1947, Bác viết “Thư gửi những người Nam bộ trong quân đội Pháp” để khẳng định: Đồng bào Nam bộ có tiếng rất yêu nước, rất anh hùng. Cuộc kháng chiến anh dũng hơn hai năm nay đã chứng tỏ điều đó. Có những đồng bào Nam bộ muốn giúp nước bởi một con đường khác: Họ theo vào quân đội Pháp, để giúp ta từ bên trong... Vậy, những đồng bào đó, lúc còn ở trong địch, thì cần phải tìm mọi cách để giúp quân đội ta. Khi có cơ hội thì lập tức chạy qua với bộ đội ta. Chính phủ và đồng bào luôn luôn sẵn sàng hoan nghênh các bạn.

Tháng 10-1953, Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị cán bộ vùng địch hậu nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng nhân dân: “Đồng bào công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được. Làm được như vậy thì phá được một phần âm mưu của địch, và rất có lợi cho việc đoàn kết nhân dân để kháng chiến... Ngụy binh là đồng bào ta bị địch mê hoặc. Nếu ta vận động khéo, giáo dục cho họ rõ mưu mô của giặc “dùng người Việt đánh người Việt” thì ta có thể làm tan rã hàng ngũ ngụy binh, phá âm mưu của địch và thu nhiều thắng lợi”25...

Cũng trong tháng 10-1953, Bác gửi thư tới thanh niên Pháp dự Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới họp tại Bucarét (Rumani). Thư nói rõ: “Chỉ có bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi chính nghĩa này, nó đã gây nên bao nhiêu khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam... Chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích chung của chúng ta là cộng tác thân ái với nhau trên cơ sở độc lập, tự do và hòa bình, vì lợi ích chân chính của cả hai nước chúng ta”26.

Ngày 05-10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Ashahi Shimbun của Nhật Bản, lần đầu xác định rõ quan điểm của Chính phủ ta trong quan hệ với Nhật Bản: “Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi hỏi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Nhật đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình là quý hơn hết... Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn nhân dân hai nước luôn luôn có quan hệ tốt và ngày càng phát triển... Quan hệ buôn bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật Bản, nếu được cải thiện, có nhiều triển vọng tốt đẹp, có lợi cho nhân dân cả hai nước chúng ta”27.

Ngày 05-10-1968, đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết lần thứ nhất Bộ đội Đặc công, Bác tặng binh chủng này 16 chữ “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”28.

Ngày 06-10

“Chính phủ là công bộc của dân”.

Ngày 06-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo để tuyên bố các chính sách ngoại giao và nội trị của nước Việt Nam mới. Với Trung Hoa, Chủ tịch khẳng định: “Hai bên vẫn giữ được tình thân thiện... Hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị, thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân”; “Với Mỹ - những phái bộ Mỹ đến Việt Nam đã tỏ rõ với Chính phủ lâm thời một cảm tình đặc biệt. Đó là thứ cảm tình giao tế quân nhân phái bộ Mỹ đối với mình”; “Với Pháp - rất đơn giản, là Chính phủ buộc Pháp phải công nhận nền độc lập của nước ta. Được thế, về vấn đề khác cũng có thể giải quyết rất dễ dàng”29.

Về nội trị, người đứng đầu Nhà nước xác nhận: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời là công bộc của dân... Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân được thì người đã đảm nhận trách nhiệm...”30 và Bác đưa ra một đánh giá xác đáng về cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945: “Có một điều chúng ta đáng mừng là cách mạng Việt Nam đã có một ưu điểm so với cách mạng các nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”31.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập nhiều vấn đề trong đời sống kháng chiến và phẩm chất cán bộ. Trong tiểu mục “Bệnh chủ quan” Bác viết: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông... Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi... Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ... Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học phải hành”32.

Ngày 06-10-1950, Bác gửi điện tới các chiến sỹ Mặt trận Cao - Bắc - Lạng sau khi Đông Khê được giải phóng với lời cổ vũ: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sỹ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có giải thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sỹ nào lập chiến công nhiều nhất”33.

Tháng 10-1954, Bác viết thư căn dặn các chiến sỹ chuẩn bị tiếp quản Thủ đô: Chớ kiêu ngạo tự mãn, rượu chè, lộ bí mật, xa xỉ, tham ô, lãng phí, phải kính trọng dân, khiêm tốn, trong sạch và phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử vẻ vang nhưng vô cùng phức tạp.

Ngày 07-10

“Người cộng sản phải rất quý trọng cổ điển”.

Ngày 07-10-1921, trên báo Le Libertaire (Tự Do), đăng bài “Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ của các anh” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bằng một giọng văn châm biếm, tác giả tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp và mỉa mai kết luận: “Hỡi nước Pháp, nếu người biết chúng tôi được che chở như thế nào, người sẽ kiêu hãnh là những kẻ bảo hộ chúng tôi”34.

Ngày 07-10-1945, Bác dự lễ khai mạc Triển lãm Văn hóa. Đánh giá hoạt động văn hóa dưới thời thuộc địa, Bác cho rằng: “Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố thở, cố tìm cách phát triển...” và cổ vũ: “Văn hóa là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được... Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên!”35.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, Bác phê phán: “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi v.v.., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”36.

Ngày 07-10-1949, sau phiên họp Chính phủ, Bác chủ tọa buổi đón tiếp phái đoàn Nam bộ mới ra Bắc. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: Tất cả 25 anh chị em (có 2 phụ nữ) lần lượt vào phòng họp. Hồ Chủ tịch bắt tay anh trưởng đoàn... Ai nấy tỏ sự cảm động khi nghe báo cáo trình bày tường tận sự gian lao của cuộc chiến đấu trong Nam. Cha Phạm Bá Trực thay mặt Quốc hội và Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ tỏ lời hoan nghênh đoàn đại biểu, khen ngợi tinh thần dũng cảm của đồng bào và chiến sỹ Nam bộ... Một cuộc vui lửa trại có sự tham gia rộng rãi của các em nhi đồng làm cho cuộc sum họp Trung - Nam - Bắc thêm đậm đà thân mật. Những bài đồng ca... làm rung chuyển một góc rừng, rung chuyển mọi quả tim, sôi nổi bao tâm hồn đầy khí phách...

Ngày 07-10-1954, trong lời điếu Linh mục Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bác bày tỏ: “Với lòng vô cùng thương tiếc một nhà tận tụy ái quốc và một người bạn thân mến, trước linh hồn Cụ, chúng tôi nguyện kiên quyết một lòng, đoàn kết toàn dân để làm trọn sự nghiệp mà suốt đời Cụ mong muốn tức là: Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”37.

Ngày 07-10-1965, nhân đến mừng Quốc khánh tại Sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức ở Hà Nội và tiếp nữ nhà báo Đức I. Phabơ (I. Faber), người đã cùng chồng dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Đức. Trong câu chuyện trao đổi, Bác nói: Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi. Với tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng. Viết một tác phẩm như vậy trong thời đại của ông là dũng cảm lắm... Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Ngày 08-10

“Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”.

Ngày 08-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Lễ khai giảng lớp đầu tiên đào tạo cán bộ Bình dân Học vụ các tỉnh Bắc bộ. Bác nói: “Trong lúc Chính phủ còn nghèo, Bình dân học vụ có sáng kiến dựa vào dân là rất tốt... Chống nạn thất học cũng quan trọng như chống ngoại xâm”38.

Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng bài “Khoan hồng mà không nhu nhược” của Bác, nêu rõ chính sách của Nhà nước là: “Chỉ coi bọn thực dân Pháp là kẻ thù chính cần tiêu diệt, còn đối với dân chúng Pháp chịu thừa nhận quyền độc lập Việt Nam thì nó vẫn thân thiện và sẵn sàng bảo vệ cho sinh mạng và tài sản. Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa cũng tỏ một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ... Thái độ đó của Chính phủ tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn...”39. Bài báo kết luận “Phải khoan hồng nhưng không nhu nhược, như vậy mới thực là biết phụng sự quyền lợi quốc gia”40.

Ngày 08-10-1947, sau khi được tin quân Pháp đã tiến công lên Việt Bắc, Bác viết thư phân tích âm mưu của địch là muốn hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não của ta và kết luận: “Chúng mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách”41.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó có đoạn viết về “có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”43 nhấn mạnh: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo... Chúng ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến… Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”43.

Ngày 08-10-1950, sau khi binh đoàn của Lơpagiơ (Lepage) bị quân ta tiêu diệt tại Mặt trận Đông Khê, Bác viết thư động viên các chiến sỹ: “Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp luôn mấy ngày. Đó là một cuộc thử thách lớn... Các chú đã hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sáctông nhé. Bác và Tổng tư lệnh đã ra lệnh khao các chú một bữa thịt bò”44.

Ngày 08-10-1952, trong bài “Tinh thần quốc tế“ đăng trên báo Cứu Quốc, viết về nhân dân Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Bác kết luận: “Tinh thần quốc tế ấy là một trong những điều giúp ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”45.

Ngày 08-10-1961, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp,... miền núi, Bác nhấn mạnh đến những nội dung: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc...; phải chú trọng đào tạo bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi...; tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn, cả về vật chất và tinh thần...; phải nâng cao cảnh giác cách mạng, giữ vững trật tự trị an...”46.

Ngày 09-10

“Thêm một gàu nước mát sẽ là thêm một bát cơm vàng”.

Ngày 09-10-1924, bài báo “Hành hình kiểu Linsơ” ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên nhật báo Dieweltribune và sau đó được đăng lại trên Tập san Inprekorr của Quốc tế Cộng sản, đưa ra những con số thống kê người da đen chịu một hình phạt rất hà khắc của những kẻ phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Bài báo lên án: “Hành hình kiểu Linsơ thật đáng chiếm một vị trí vinh dự trong bộ sưu tập toàn bộ những tội ác của nền “văn minh” Mỹ”47.

Tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc rời ga Iaruxlapxki của Mátxcơva bí mật đi về phương Đông. Tháng 10-1939, Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Trung Quốc, rời Quế Lâm qua Liễu Châu, Nam Ninh và đến Long Châu để liên lạc với lực lượng trong nước, nhưng không thành. Tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc trở lại Long Châu và gặp nhiều đồng chí từ trong nước qua. Tại một cuộc họp tại ngoại ô Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận định tình hình rất khó khăn, phải giữ bí mật và lực lượng của Đảng, “hiện nay chỉ có Hồng quân Liên Xô và Hồng quân Trung Hoa mới là những đội quân anh em, mới là đồng minh thực sự của ta. Còn quân đội Tưởng Giới Thạch dù có vào Việt Nam để đánh Nhật cũng chỉ là đồng minh tạm thời, về bản chất chúng vẫn là kẻ thù. Phải thấy hết tính chất phản động của nó, nếu không thấy thì nguy hiểm. Chúng nó không vào Việt Nam càng tốt cho ta hơn”48.

Cũng trong khoảng thời gian tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi... Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”49.

Ngày 09-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tập trung vào việc cứu trợ gạo từ miền Nam ra Bắc, có sự hỗ trợ của Hội Hồng thập tự Hoa Kỳ. Đề cập vấn đề đối ngoại, Bác chỉ rõ: “Chúng ta phải hết sức khôn khéo, đứng trước bất kỳ kẻ thù nào, người cách mạng cũng phải hiểu rõ chúng là ai; mạnh yếu chỗ nào, tranh thủ và cô lập ai?”50. Với các giai tầng lao động, Bác yêu cầu: “Cần tổ chức Hội nghị Công nhân nhằm biểu dương lực lượng và động viên anh em chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới”51.

Ngày 09-10-1952, báo Nhân Dân đăng bài “Gương mẫu dân vận, Nguyễn Văn M”. Bác biểu dương tấm gương một du kích xã có thành tích chiến đấu, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến và kết luận: “Cán bộ, đảng viên ta ở vùng sau lưng địch ai cũng làm như thế thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”52.

Ngày 09-10-1966, Bác viết bài “Phải kiên quyết tiêu diệt giặc hạn” đăng trên báo “Nhân Dân” chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành và địa phương phải có kế hoạch chống hạn, bảo vệ mùa màng... và động viên “Thêm một gàu nước mát sẽ là thêm một bát cơm vàng”53.

Ngày 09-10-1968, bài viết “Cần phải chăm sóc trâu bò trong vụ rét sắp tới” của Bác đăng trên báo Nhân Dân nhấn mạnh: “Việc chăm sóc tốt trâu bò là nhiệm vụ chung của cả hợp tác xã... Đó cũng là một cách thiết thực của đồng bào nông dân ở hậu phương tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”54.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 41.
25, 26. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 154-155, 159-160.
27. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 7, tr. 349.
28. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 10, tr. 260.
29, 30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 42, 43.
31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 44.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 233-235.
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 102.
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 54.
35. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 36.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 238.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 357.
38. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 37.
39, 40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 45, 46.
41. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 129.
42, 43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 240, 241-245.
44, 45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 103, 576.
46. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 418-419
47. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 292.
48, 49. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 111, 112.
50, 51. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 39.
52. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 579.
53 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 142.
54. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 10, tr. 261


 Ngày 10-10

"Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân”.

Ngày 10-10-1923, Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân: “Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: Vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước... Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế”55.

Ngày 10-10-1929, Tòa án Nam triều tại Vinh ra phán quyết về việc xét xử Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, trong đó quyết định sẽ xét xử sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành bị Tòa án tỉnh kết án “tử hình” còn Cơ mật viện là “khổ sai chung thân”.

Ngày 10-10-1942, Lãnh tụ Hồ Chí Minh bị Quốc dân đảng Trung Hoa giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo đã làm bài thơ chữ Hán “Song thập nhật giải vóng Thiên Bảo” (Ngày Quốc khánh 10-1056 bị giải đi Thiên Bảo), bản dịch ra quốc ngữ của Nam Trân:

“Nhà nhà hoa kết với đèn giăng,

Quốc khánh vui reo cả nước mừng;

Lại đúng hôm nay ta bị giải,

Oái oăm gió cản cánh chim bằng”57.

Ngày 10-10-1947, báo Vệ quốc quân đưa tin Bác đến dự bế mạc lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp và căn dặn: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - tín-nhân - dũng - liêm”58. Ngoài ra phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật.

Ngày 10-10-1954, Bác ra “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể!... Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân...”59.

Ngày 10-10-1959, nói chuyện tại Hội nghị dự thảo “Luật Hôn nhân và gia đình”, Bác tâm sự: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người... Mong các cô, các chú cố gắng, bền gan, hiểu rõ và làm tốt. Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”60.

Ngày 10-10-1962, trong buổi chiêu đãi Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Bành Chân, Bác ứng khẩu đọc câu thơ mượn tứ của bài thơ nổi tiếng của nhà thơ cổ điển Trung Hoa Vương Xương Linh:

“Bắc Kinh thân hữu như tương vấn

Nhất phiến đan tâm tại ngọc hồ”61

dịch:

(Bè bạn Bắc Kinh ai hỏi đến

Một tấm lòng son vẫn như xưa).

Ngày 11-10

“Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài”.

Ngày 11-10-1941, báo Việt Nam Độc Lập đăng bài thơ “Công nhân” của Nguyễn Ái Quốc với lời kêu gọi:

“Thợ thuyền ta phải đứng ra,

Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.

Cùng nhau vào hội Việt Minh,

Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.

Bao giờ khôi phục nước nhà,

Của ta ta giữ, công ta ta làm”62.

Ngày 11-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ xuất phát “Ngày tiễu trừ giặc đói”. Cùng ngày, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Bác thông báo việc tiếp các đại biểu Đoàn Công thương Cứu Quốc và nghe những ý kiến đề nghị về thuế môn bài và một số vấn đề hệ trọng đến ngoại giao và công cuộc đắp đê chống lụt.

Ngày 11-10-1946, báo Cứu Quốc tiếp tục công bố loạt bài về “Binh pháp Tôn Tử” của Bác với chủ đề “Chiến tranh tư tưởng”. Bài báo nhấn mạnh đến các phương sách của lĩnh vực đặc biệt này nhằm mục tiêu “ly gián và làm nhụt ý chí chiến đấu” của đối phương. Cụ thể là: Với nước địch thì “tuyên truyền cho dân chúng hoang mang, rối loạn, mất hẳn nhuệ khí, không tin tưởng ở sự thắng trận”63; với các nước trung lập thì “làm cho họ có thiện cảm với mình mà ác cảm với nước địch để nếu họ không về phe với mình đánh lại quân địch thì ít ra họ cũng đứng trung lập”64; còn với dân chúng nước mình thì “làm cho họ nổi lòng căm hờn quân địch, quyết tâm chiến đấu, tin tưởng ở thắng lợi và trên dưới một lòng thề không đội trời chung với quân địch”65.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập nhiều nội dung liên quan đến phẩm chất và năng lực của người cách mạng. Trong chương viết về “Tư cách và đạo đức cách mạng” tác giả xác định những tư cách của đảng chân chính cách mạng gồm 12 điều trong đó có những điều: “1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. 2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau... 8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên... 12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.

Muốn cho Đảng được vững bền

Mười hai điều đó chớ quên điều nào”66.

Ngày 11-10-1951, Bác viết bài báo “Khúc than khôn xiết sự tình” đăng trên báo Nhân Dân dẫn lại những lời thú nhận của các quan chức của Pháp về tình thế bế tắc trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương để đi đến kết luận:

“Bọn cướp nước đó gần ngày qụy xuống,

Nhân dân ta phải hăng hái tiến lên!”67.

Ngày 11-10-1958, nói chuyện với Hội nghị nữ thanh niên Thủ đô lần thứ nhất, Bác nhấn mạnh: “Nữ thanh niên cần phải gương mẫu, làm đầu tàu, ra sức thi đua với nam giới. Trong vấn đề luyến ái nên chính đáng, trong sạch, chớ mơ mộng, ảnh hưởng không tốt đến công tác, học tập. Cần chống các tập quán cũ như tảo hôn, cưới xin xa xỉ”68.

Ngày 12-10

“Công an nhân dân của ta sẽ là một lực lượng cách mạng vô địch”.

Ngày 12-10-1937, Nguyễn Ái Quốc gửi thư chia buồn đến Ăngđrê Mácty (Andre Marty), đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản phụ trách Ban Phương Đông về việc đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê (Paul Vaillant Couturier), một nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp và cũng là một người bạn thân thiết từ trần.

 Tháng 10-1944, Bác viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” phân tích tình hình và nhiệm vụ cấp bách và dự báo: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”69. Trước đó, Bác vạch rõ: “Chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta... phải do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tớn, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”70.

Ngày 12-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Sao cho được lòng dân” đăng trên báo Cứu Quốc nêu lên tình trạng “xung quanh các Ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen... Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa”71. Bài báo phân tích nguyên nhân là do “các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền”72 và nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân... Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”73.

Ngày 12-10-1950, Bác yêu cầu gặp một số tù binh Pháp bị quân ta bắt trong Chiến dịch Biên giới, trong số đó có hai viên trung tá Pháp là Lơpagiơ (Lepage) và Sáctông (Charton). Trong vai một “cố vấn chính trị Mặt trận”, Bác hỏi chuyện, động viên và tỏ những hành động nhân đạo đối với những kẻ đã bại trận.

Ngày 12-10-1953, trong điện mừng gửi Hoàng thân Xuphanuvông nhân kỷ niệm 8 năm ngày Tuyên bố Độc lập và ngày Thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, Bác bày tỏ: “Tôi tin chắc rằng trong công cuộc đấu tranh chính nghĩa đánh đuổi kẻ thù chung, để giành tự do và độc lập, nhân dân Pathét Lào, nhân dân Việt Nam và nhân dân Cao Miên, đoàn kết chặt chẽ trong khối liên minh Việt - Miên - Lào, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”74.

Ngày 12-10-1958, thăm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Từ, ngoại thành Hà Nội, Bác động viên đồng bào: “Hợp tác xã phấn đấu đưa lúa chiêm lên hai tấn rưỡi một hécta thì Bác sẽ về ăn cơm chiêm với bà con”75.

Ngày 12-10-1966, nói chuyện với Đại hội thi đua lực lượng Công an nhân dân họp tại Hà Nội, Bác đánh giá: “Cán bộ và chiến sỹ Công an nhân dân nói chung là tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân”76 và bày tỏ lòng tin tưởng rằng nếu khắc phục được những khuyết điểm “thì Công an nhân dân của ta sẽ là một lực lượng cách mạng vô địch”77.

Ngày 13-10

“Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương”.

Ngày 13-10-1923, Nguyễn Ái Quốc lần thứ hai phát biểu tại diễn đàn Hội nghị Quốc tế Nông dân trong phiên họp thứ 7, tố cáo các tội ác man rợ của chủ nghĩa đế quốc với nông dân ở các thuộc địa và kết luận: “Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một Quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”78.

Ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trên báo Cứu Quốc bức “Thư gửi các giới công thương Việt Nam”, trong đó có đoạn: “Hiện nay “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt... Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”79. Chính những tư tưởng được thể hiện trong bức thư này là cơ sở để từ năm 2004, Chính phủ ta đã công nhận ngày 13-10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Cùng ngày, Bác dành tiếp một học giả nổi tiếng từng tham gia nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim là Giáo sư Hòang Xuân Hãn... Năm 1971, nhớ lại cuộc gặp này, ông Hoàng Xuân Hãn viết: “Tôi đứng dậy, từ giã, xuống lầu, cảm động vì đã có dịp tỏ nhiều lời tâm huyết, vì thấy vận mệnh của dân nước đè trên vai một vị thâm niên gầy ốm, nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm và cử chỉ ôn tồn, gãy gọn và kiên quyết”80.

Ngày 13-10-1949, Bác gửi thư tới “các võ quan và các chiến sỹ Đội quân Bắc Phi Độc lập” xác định: “Người Việt Nam, người Bắc Phi cũng như những người bạn ở các thuộc địa Pháp khác, chúng ta đoàn kết chặt chẽ và cùng có chung một lý tưởng: Đập tan chế độ thực dân Pháp và giành lại độc lập... cuộc chiến thắng của Việt Nam sẽ giúp cho các bạn chiến thắng sau này”81.

Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng bài Bác trả lời nhà báo A.Xtinlơ (A.Steele) của tờ “New York Herald Tribune” (Diễn đàn người đưa tin Niu Oóc) của Mỹ đề cập rất nhiều vấn đề. Về việc thành lập một khối liên hiệp đồng minh giữa các nước châu Á, Bác cho rằng: “Bất kỳ sự liên hợp hay đồng minh nào nhằm mục đích làm cho các nước giúp đỡ lẫn nhau và cộng tác thân thiện với nhau để bảo vệ độc lập, hòa bình và dân chủ đều là tốt cả”82. Về những chính sách đối nội, Bác khẳng định: “Những sự cải cách xã hội mà nhân dân Việt Nam đang thực hiện là đủ ăn đủ mặc và đủ điều kiện để học tập. Những thắng lợi đó đạt được là: Thủ tiêu xong một phần nạn mù chữ, nạn hút thuốc phiện, cờ bạc và các hủ tục khác, thắng nạn đói”83. Cuối cùng, Bác đặt vấn đề: “Tôi muốn hỏi nhân dân Mỹ một câu này: Nếu Pháp hoặc một ai khác xâm phạm nước Mỹ, giết người, đốt phá thành phố và làng mạc Mỹ, với mục đích là để bắt Mỹ làm nô lệ, thì nhân dân Mỹ sẽ đối phó như thế nào?”84.

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 208.
56. Ngày Quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (01-10-1949). (BT).
57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3. tr. 297.
58. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 223.
59. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 360-362.
60. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 523-524.
61. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 295.
62. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 204.
63, 64, 65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 320.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 249-250.
67. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 311.
68. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 152.
69, 70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 506, 505.
71, 72, 73. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 47, 47-48.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 152.
75. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 153.
76, 77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 145, 146.
78. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 212.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 49.
80. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 46.
81, 82, 83, 84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 691, 694, 696, 697.


 Ngày 14-10

“Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không còn lợi ích gì khác”.

Ngày 14-10-1919, Nguyễn Ái Quốc đăng “Thư gửi ông Utơrây” trên tờ “Le Populaire” (Dân chúng) tố cáo những điều xuyên tạc của một đại địa chủ đồng thời cũng tham gia Hội đồng Thuộc địa ở Nam kỳ và Hạ nghị viện Pháp khi công kích Nguyễn Ái Quốc. Tác giả bài báo cũng công khai bày tỏ: “Giá như tôi đã bị truy nã hay bị kết án đi nữa ở bên Đông Dương về cái mà bọn thực dân Pháp vô liêm sỉ gọi là chống Pháp thì tôi cũng chẳng có gì phải hổ thẹn, trái lại tôi còn tự hào về việc đó”85.

Ngày 14-10-1925, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân đề nghị nhà cách mạng Việt Nam với tư cách đại diện của Quốc tế Nông dân tiếp xúc với Quốc dân Đảng Trung Hoa, cố gắng phát triển Ban Nông dân tại Quảng Châu và các tỉnh khác ở Trung Quốc và kết nạp các tổ chức này vào Quốc tế Nông dân thuộc Quốc tế cộng sản.

Ngày 14-10-1945, đáp lại lá thư của các vị giám mục và đồng bào giáo dân ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình nguyện rằng: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại”86, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cảm ơn và biểu dương: “Câu nói nhiệt thành đã tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”87 .

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Thống chế Tưởng Giới Thạch đề nghị Trung Hoa dân quốc yêu cầu Liên hợp quốc cho phép Việt Nam tham gia Ủy ban cố vấn Viễn Đông.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập phẩm chất của bộ máy và cán bộ cách mạng. Trong đề mục “Phận sự của đảng viên và cán bộ”, sách viết: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng. Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”... Ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại, v.v.. Đó đều là trái với lợi ích của Đảng”88.

Ngày 14-10-1950, Bác thay mặt Chính phủ gửi thư khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng nhân Chiến thắng biên giới và biểu dương: “Đồng bào Cao - Bắc - Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến. Tôi chắc rằng đồng bào ba tỉnh ta sẽ luôn luôn cố gắng thêm để giữ lấy địa vị vẻ vang”89.

Ngày 14-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam sang dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ngày 15-10

“Nước ta là nước dân chủ.

Lực lượng của dân là rất to”.

Ngày 15-10-1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương” đăng trên tập san “Inprekorr” vạch rõ những âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân gây nên cuộc xung đột giữa Hoa kiều và người Việt Nam ở Hải Phòng, gây nhiều đau khổ cho người dân bản xứ như đói, dịch tả, thuế khóa, v.v..

 Ngày 15-10-1945, Bác Hồ trả lời và cảm ơn Nhi đồng Cứu quốc Phước Diên (Quảng Ninh), Cẩm Giàng (Hải Dương) về việc “các cháu đã nhịn ăn quà để góp tiền vào Quỹ độc lập”90 và biểu dương: “Các cháu đã tỏ ra là những cháu chắt rất xứng đáng của tổ tiên Hồng - Lạc, và rất xứng đáng là “tiểu chủ ông” của nước nhà”91.

 Trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ diễn ra cùng ngày Bác nhắc nhở nên tìm cách động viên tinh thần dân chúng, phải làm cho lòng yêu nước của nhân dân biến thành hành động trong sinh hoạt hàng ngày, phải tìm những khẩu hiệu rõ ràng, giản dị, dễ thực hành... Cùng ngày, báo Quyết Thắng đăng những cảm nghĩ của Hoàng thân Lào Xuphanuvông sau nhiều lần gặp Bác: “Hồ Chủ tịch thật là một người sáng suốt. Trong khi ở Hà Nội, tôi được tiếp kiến Người 30 lần hết sức thân mật. Đến bữa ăn, chúng tôi ăn với nhau vài bát cơm với một ít mắm ruốc. Nhiều lúc câu chuyện kéo dài 2-3 giờ. Tôi chỉ sợ cụ Hồ làm việc nhiều. Tôi sợ Cụ ốm”92.

Ngày 15-10-1948, báo Sự Thật đăng bài “Chủ nghĩa cá nhân” trong đó Bác phân tích: “Bệnh ấy tỏ rõ ra nơi: Ngày thường, thì kỷ luật kém. Khi có vấn đề nghiêm trọng, thì hoang mang. Lúc tính toán công việc, thì đặt lợi ích của cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung. Bệnh ấy dễ đưa đến chỗ trái kỷ luật, trái lợi ích của dân tộc... Muốn tẩy sạch bệnh ấy, thì phải: Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên... Toàn dân đoàn kết. Tướng sỹ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi”93.

Ngày 15-10-1949, Bác viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, trước hết khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Chính quyền từ xã  đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân... Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc. Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”94.

Ngày 15-10-1958, thăm công trường thanh niên học sinh lao động mở rộng đường Cổ Ngư bên Hồ Tây, Hà Nội, Bác động viên và đề xuất đặt tên công trình này là “Đường Thanh Niên”.

Ngày 15-10-1968, Bác gửi thư nhân năm học mới với lời căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”95.

Ngày 16-10

“Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ”.

Ngày 16-10-1921, Nguyễn Ái Quốc dự phiên họp thường kỳ hàng tháng của Hội Liên hiệp Thuộc địa tại Hội trường các Nhà bác học (Hotel des Savants) ở Pari. Phát biểu về tình hình Bắc kỳ nơi vừa xảy ra vụ binh biến do nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến lãnh đạo (1917), Nguyễn Ái Quốc lên án bộ máy cai trị thực dân và đặc biệt là viên Công sứ khét tiếng tàn ác là Đáclơ (Darles), một kẻ gây nhiều tội ác nhưng được chính quyền thuộc địa nâng đỡ.

Ngày 16-10-1923, Nguyễn Ái Quốc được Hội nghị Quốc tế Nông dân bầu vào làm Ủy viên Hội đồng Quốc tế Nông dân có tổng cộng 52 người.

Ngày 16-10-1925, với bí danh Nilốpxki, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Nông dân về “Phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông”. Khảo sát tình hình nông dân tại một tỉnh có đông nông dân của Trung Quốc như Quảng Đông, người viết báo cáo cho biết, tại đây nông dân đã được tập hợp vào tổ chức, đã thành lập lực lượng tự vệ, tổ chức biểu dương lực lượng, đoàn kết với công nhân...

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Bàn về “tư cách và đạo đức cách mạng”, sách viết: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm”96. Những tính tốt đó tóm tắt là: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”97.

Ngày 16-10-1954, tiếp Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội, Bác biểu dương và căn dặn: “Việc tiếp quản Thủ đô đã thực hiện tương đối tốt đẹp... Kinh qua 80 năm đô hộ và 8 năm chiến tranh do nước ngoài gây ra, nay chúng ta khôi phục lại đời sống hòa bình, đó là một chuyển biến rất to lớn. Do đó, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng đó là những khó khăn trong sự phát triển... Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ... Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta. Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ...”98.

Ngày 16-10-1959, dự Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Ninh Bình, Bác đã tóm tắt 8 khâu liên hoàn trong kỹ thuật canh tác lúa bằng mấy câu văn vần:

“Nước phải đủ, phân phải nhiều,

Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn.

Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,

Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.

Ruộng nương quản lý ra công,

Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”99.

Ngày 16-10-1966, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam, Bác đề nghị: Đối với nông dân phải làm sao giảm sự đóng góp càng nhẹ càng tốt. Về đấu tranh chính trị, phải có những khẩu hiệu rõ ràng, dứt khoát đòi hòa bình và độc lập dân tộc, “hòa bình độc lập là Mỹ phải rút quân. Độc lập không thể có mức độ. Hòa bình kiểu ta phải gắn với độc lập, không phải hòa bình kiểu Mỹ”100.

Ngày 17-10

“Cần có sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác”.

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”101. Bác cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Điện văn cho Tổng thống Mỹ Hary Tơruman qua cơ quan đại diện ở Côn Minh (Trung Quốc), nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam, về nguyên tắc là ủng hộ việc thành lập Ủy ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông của Liên hợp quốc; phản đối việc Pháp đại diện cho nhân dân Việt Nam tại Ủy ban này. Chỉ có Việt Nam là đủ điều kiện và cơ sở pháp lý cử đại diện vào Ủy ban tư vấn này. Buổi tối, tại chùa Quán Sứ, Bác dự bữa cơm chay do Cố vấn Vĩnh Thụy chủ tọa.

Ngày 17-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 263/SL-M, cử ông Phạm Văn Đồng làm Đặc phái viên của Chính phủ tại Việt Nam Trung bộ.

Ngày 17-10-1954, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Thủ tướng G. Nêru, Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ sang thăm nước ta.

Ngày 17-10-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trưởng đoàn kiêm biên tập và đạo diễn Hêlêna Lêmanska của Đoàn điện ảnh Ba Lan đang công tác tại Việt Nam.

Ngày 17-10-1960, Bác gửi 5 Huy hiệu tặng các cụ kiều bào (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan mới về nước.

Ngày 17-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô được tổ chức tại điện Cremli (Mátxcơva).

Ngày 17-10-1963, nói chuyện tại cuộc mít tinh của nhân dân trong tỉnh Hà Bắc nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh, Bác nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng và dặn dò cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Bác chỉ thị cho Đảng bộ tỉnh Hà Bắc: “Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn”102.

Ngày 17-10-1967, Bác gửi thư khen Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhân thành tích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Bức thư có đoạn “Tôi rất vui mừng được tin… các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn”103.

Ngày 17-10-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 119-LCT, truy tặng: 15 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 45 Huân chương Chiến công hạng Ba cho 60 liệt sỹ Quân đội nhân dân và dân quân, tự vệ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu.

Khánh Linh (tổng hợp)

85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 16.
86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 50.
87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 50.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 250-251.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 104-105.
90, 91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51.
92. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 49.
93, 94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 509-511, 698-700.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 403.
96, 97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5. tr. 251, 352.
98. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 367-368.
99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 530.
100. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 467
101. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t.3, tr. 50.
102. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t.8, tr. 446.
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 294.


 Ngày 18-10

“Thiếu nhi là tương lai của dân tộc”.

Ngày 18-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào tỉnh Lào Cai với những lời lẽ rất thân tình: “Hỡi đồng bào yêu quý ở Lào Cai! Tôi biết những ngày gần đây, đồng bào nóng ruột lắm! Mà nóng ruột là phải. Nước nhà đã độc lập rồi, lá quốc kỳ màu đỏ sao vàng đã bay phất phới khắp nước Việt Nam. Ấy thế mà đồng bào yêu quý ở biên thùy, vì đường sá xa xôi nên không biết rõ tình thế, bảo không nóng ruột làm sao được? Tôi biết tấm lòng yêu nước thương nòi của đồng bào lúc này rất sôi nổi. Đấy là một chứng cớ rất tốt đẹp cho vận mệnh nước nhà... Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc”104.

Trong buổi họp của Hội đồng Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bác đề nghị: “Để nâng cao tinh thần dân chúng, Chính phủ nên động viên dân mỗi gia đình nên tự viết một khẩu hiệu, ví dụ: “Quyết độc lập, ủng hộ chiến sỹ Nam Bộ” dán ở trong nhà. Chính phủ nhắc nhở đồng bào cần kiệm, bớt xa xỉ và nhờ các báo viết bài cổ động”105.

Ngày 18-10-1946, tàu Đuymông Đuyếchvin (“Dumont D’Urville”) chở Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ Pháp về nước đi ngang qua vịnh Cam Ranh. Đô đốc Cao ủy Đông Dương Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) và Tướng Moúclie (Morliốre) đã tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam trên boong tàu “Suffren”.

Ngày 18-10-1949, Bác ký Sắc lệnh chỉ định thành phần Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ do các ông Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Phạm Ngọc Thuần làm Phó chủ tịch, Nguyễn Bình làm Ủy viên Quân sự và các ủy viên là Ca Văn Thỉnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thành Vinh và Kha Vạn Cân.

Ngày 18-10-1958, đến thăm Hội nghị Phụ nữ Lao động Thủ đô, Bác căn dặn các tầng lớp phụ nữ đều “góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc...”106 ngay cả “chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ, bán đắt”, tệ “mặc cả, nói thách”. Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc”107.

Ngày 18-10-1964, tại lễ đón Đoàn đại biểu Chính phủ Mali do Tổng thống Môđibô Câyta (Modibo Keyta) dẫn đầu sang thăm Việt Nam, Bác phát biểu trong buổi chiêu đãi: “Tổng thống và quý vị đã vượt quan sơn muôn dặm mang lại cho nhân dân Việt Nam chúng tôi tình hữu nghị của nhân dân Mali anh em và của nhân dân Châu Phi dũng cảm. Đây là một vinh dự đồng thời là một sự cổ vũ to lớn đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi”108. Về cuộc đấu tranh giành thống nhất của nhân dân ta, Bác khẳng định: “Dù cuộc đấu tranh còn gay go gian khổ, chúng tôi tin chắc rằng cuối cùng, đế quốc Hoa Kỳ sẽ thua, nhân dân Việt Nam sẽ thắng. Dù ở Châu Á, Châu Phi, hay là ở Châu Mỹ la tinh, các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và nhân dân các nước chiến đấu để tự giải phóng đều chung trong một mặt trận”109.

Ngày 18-10-1966, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về tình hình cách mạng miền Nam, Bác nêu rõ mục đích trước mắt là làm cho địch ngừng ném bom miền Bắc để vận chuyển chi viện cho miền Nam, chuẩn bị đánh mạnh hơn và phải nắm chắc thời cơ, Bác ví: “Đây như kỹ thuật nấu cơm, nếu sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy”110.

Ngày 19-10

“Phụ nữ Việt Nam ta thật anh hùng”.

Ngày 19-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ xem xét về cuộc thương thảo với Trung Hoa về việc chuyên chở gạo từ miền Nam ra cứu đói nhưng phía Trung Hoa Quốc dân đảng đòi 2/3 số lượng để cung cấp cho đạo quân của mình; về tình hình chiến sự ở Nam bộ, việc đồng bào Rađê ở Tây Nguyên hợp tác với Chính phủ và một số vấn đề kinh tế ...

Cũng trong khoảng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới “Tướng Đờ Gôn, người đứng đầu Chính phủ Pháp” với nội dung: “Xin hân hạnh báo với Ngài, Chính phủ lâm thời cộng hòa Việt Nam đã được thành lập sau khi Nhật Bản đầu hàng và Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Chính phủ chúng tôi gồm các thành viên cộng hòa của ba xứ Việt Nam với quyết tâm bảo vệ nền độc lập Việt Nam bằng mọi biện pháp, cam kết bảo đảm an ninh tính mạng và tài sản của người nước ngoài ở toàn cõi Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Chúng tôi phản đối việc quân đội Pháp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam và đề nghị Ngài ban bố những chỉ thị hữu ích cho các lực lượng Pháp ở Viễn Đông để tránh những sự xảy ra đáng tiếc”111. Một điện văn với nội dung tương tự cũng được gửi tới Chủ tịch Quốc hội Pháp.

Cùng ngày, trên báo Cứu Quốc đăng điện văn của Bác gửi Hội nghị Liên Phi đang họp tại Manchétxtơ (Manchester), Vương quốc Anh, trong đó nêu rõ: “Dân tộc Việt Nam đương chiến đấu cho nền độc lập rất lấy làm cảm động trước quyết nghị án của Hội nghị liên Phi ủng hộ cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam chống với bọn thực dân Pháp. Lời quyết nghị của Hội nghị liên Phi tỏ rõ tinh thần đoàn kết của các dân tộc nhược tiểu ở Đông Dương, Nam Dương quần đảo, Ấn Độ và các dân tộc Phi châu trên con đường tranh đấu để giữ quyền độc lập và tự do, đã tốn biết bao nhiêu xương máu mới giành lại được sau cuộc đại chiến”112.

Ngày 19-10-1966, trong “Thư khen quân và dân miền Bắc bắn rơi 1.500 máy bay Mỹ”, Bác nhắc nhở: “Để hòng gỡ thế thất bại của chúng, giặc Mỹ đang điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Chúng càng liều lĩnh thì chúng càng thất bại nặng nề. Nhân đà thắng lợi của chúng ta, quân và dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, vượt mọi khó khăn. Hãy phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng... đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”113.

Cùng ngày, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác phát biểu: “Hội phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta... Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng”114.

Ngày 20-10

“Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi”.

Ngày 20-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi cho những người Pháp ở Đông Dương” đặt vấn đề: “Hỡi những người Pháp! Tôi muốn ngỏ vài lời cùng các bạn, không lấy danh nghĩa Chủ tịch nước Cộng hòa Việt nam, mà lấy tình một người bạn chân thật của những người Pháp lương thiện. Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập… Lòng yêu nước thương nòi này làm vẻ vang các bạn vì nó là lý tưởng cao quý nhất của loài người. Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi.

Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng và bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh... Công nhận nền độc lập của Việt Nam không những không làm giảm uy tín của nước Pháp, mà còn làm cho nó tăng cao trước thế giới và lịch sử... Nó sẽ được sự kính trọng của tất cả các dân tộc và lòng yêu mến của người Việt Nam vốn không mong gì hơn là Tổ quốc độc lập... Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư? Chúng tôi không sợ chết chính là vì chúng tôi muốn sống. Chúng tôi cũng như các bạn, muốn sống tự do, không có ai đè đầu bóp cổ... Những người Pháp ở Đông Dương! Bây giờ đến lượt các bạn phải tỏ ra rằng các bạn xứng đáng là con cháu những vị anh hùng vẻ vang xưa kia đã tranh đấu cho tự do, bình đẳng và bác ái”115.

Cũng trong ngày, tham dự lễ xuất phát của 500 đội viên tuyên truyền xung phong Hà Nội, Bác căn dặn: Người tuyên truyền viên phải biết rõ mục đích, biết chịu kham khổ, biết nhẫn nại, chớ lên mặt “quan cách mạng” và phải chú ý cách diễn đạt ý tưởng phải hết sức phổ thông, tránh dùng từ khó hiểu và “làm sao cho đuợc 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ”116.

Ngày 20-10-1946, Chiến hạm “Đuymông Đuyếchvin (“Dumont D’Urville”) cập bến cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân trở lại Tổ quốc sau hành trình hơn 4 tháng sang thăm và tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao với Chính phủ Pháp. Nhân dân Hải Phòng đã đón tiếp nồng nhiệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ức nhắc lại tiếng còi chào mừng của thành phố Cảng viết: “Chưa bao giờ bến cảng này lại có một hồi còi làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm ấy”117.

Ngày 20-10-1954, Bác dự buổi tiệc trà do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi ông G.Xanhtơni (J.Sainteny), một chính khách ngoại giao kỳ cựu vừa sang nhận nhiệm vụ Tổng đại diện của Chính phủ Pháp tại Hà Nội, sau ngày Nhà nước Việt Nam tiếp quản Thủ đô. Cùng ngày, trên báo Nhân Dân đăng bài “Nhớ người Chiến sỹ anh hùng” của Bác (ký tên C.B) nhắc lại chiến công và tấm gương của anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận đánh trên đồi Him Lam, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 20-10-1962, Bác thân mật và nồng nhiệt tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Trưởng đoàn ra thăm miền Bắc. Chính trong buổi gặp gỡ này, Bác đã nói một câu làm rung động lòng người: “Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi”118.

Ngày 20-10-1968, Bác Hồ viết “Thư khen chiến sỹ và cán bộ đảo Cồn Cỏ” đã lập chiến công trong ngày 16-10-1968: “… Các chú đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công vẻ vang, chỉ trong vòng một giờ, liên tiếp bắn rơi ba máy bay giặc Mỹ... Các chú hãy luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu thật giỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc hơn nữa, cùng với quân và dân cả nước quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”119.

Ngày 21-10

“Báo chí phải dựa vào những cơ sở pháp luật làm lợi khí đấu tranh”.

Ngày 21-10-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng một số người Việt Nam dự cuộc mít tinh do các đảng viên Đảng Xã hội quận 13, Pari dưới sự chủ tọa của văn sỹ Anatônê Phrăngxơ (Anatone France) nhằm lên án chính quyền bắt giữ trái phép và độc đoán một số đồng chí của mình.

Từ ngày 21-10 đến 24-10-1922, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp và tại diễn đàn này, đã phê bình Đảng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa, đề nghị và được Đại hội thông qua lời kêu gọi “Những người bản xứ ở thuộc địa”.

Ngày 21-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự thụ lễ đức Khổng Tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Hội Tư văn Thăng Long tổ chức có một số quan chức Trung Hoa tham dự. Để tỏ thiện chí, Bác thân đứng ra phiên dịch và bày tỏ tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển là anh em).

Ngày 21-10-1946, tại Hải Phòng, Bác thăm hỏi nhân dân, ghi vào Sổ vàng của Trường Huấn luyện Thanh niên Tô Hiệu dòng lưu bút: “Thanh niên đoàn kết. Gắng học tập. Gắng công tác. Tiến lên! Tiến lên!”120. Góp ý với báo “Dân Chủ” của Mặt trận Việt Minh miền Duyên hải, Bác nói: “Đừng hạ thấp mình, cũng đừng nên chọc tức kẻ thù. Báo chí phải dựa vào những cơ sở pháp lý để làm lợi khí đấu tranh…”121.

Nói chuyện với nhân dân Hải Phòng ra tiễn tại nhà ga xe lửa, Bác nói: “Trong bốn tháng hai mươi ngày, đồng bào nhớ tôi, và tôi cũng bốn tháng hai mươi ngày nhớ đồng bào”122 và khẳng định “nhiệm vụ bao trùm nhất hiện nay là kiên quyết giữ vững độc lập, tự do!”123. Tại nhà Ga Hà Nội, nói với đồng bào ra đón, Bác giải thích về Tạm ước 14-9; còn nói với quan chức Pháp, Bác bày tỏ: “Nhân dân Pháp cũng vừa trải qua cuộc kháng chiến... nhân dân Pháp… cũng như nhân dân Việt Nam rất yêu hòa bình, tự do, không muốn chiến tranh, chỉ muốn tình hữu nghị tốt đẹp giữa các dân tộc. Chúng tôi mong các bạn sớm hoàn thành nhiệm vụ để được trở về Tổ quốc của mình”124.

Ngày 21-10-1947, Bác viết thư gửi hai lão du kích Kiến An, khen ngợi: “Hai cụ thật xứng đáng với tổ tiên oanh liệt của ta, các phụ lão đời Trần đời Lê, chẳng những kêu gọi con cháu, mà tự mình hăng hái tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước”125.

Ngày 21-10-1958, báo “Quân đội nhân dân” đăng bài “Tên lửa bắn máy bay” của Bác, giới thiệu tri thức về loại vũ khí hồi đó được coi là tối tân: “Tên lửa là một vũ khí rất lợi hại, nhất là khi nó mang đầu đạn nguyên tử... Vì lợi ích của đông đảo nhân dân, chúng ta rất không muốn xảy ra những cuộc chiến tranh có vũ khí tên lửa và nguyên tử”126 mà không lâu sau đó nó đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 21-10-1966, tại cuộc họp của Bộ Chính trị về công tác ngoại giao, Bác phát biểu (được ghi thành biên bản): “Về phương châm kết hợp giữa đánh và đàm, Người cho rằng đánh là chính, vừa đánh vừa đàm để chia rẽ địch, đàm là để phục vụ cho đánh; nghệ thuật kết hợp giữa tiến công và đàm phán với địch phải hết sức uyển chuyển, không sa đà, không mơ hồ vào việc giải quyết tình hình thông qua đàm phán, trước hết ta phải giành thế mạnh thì mới có điều kiện để đàm phán được… Người nhắc các Ủy viên Bộ Chính trị phải thận trọng và khéo léo trong các mối quan hệ quốc tế”127.

Thanh Huyền (tổng hợp)

104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 59.
105. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 53-54.
106, 107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 238.
108, 109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 324, 327.
110. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 468.
111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 61.
112. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 63.
113, 114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 147, 148-150.
115, 116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 65-67, 64.
117. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2005, t. 3, tr. 345.
118. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 297.
119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 405.
120. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 347.
121, 122, 123, 124. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 347, 348, 349.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 226.
126. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 159-160.
127. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 470-471


 Ngày 22-10

“Tuổi cao, chí khí càng cao”.

Ngày 22-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo: “Tình hình ở Nam Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp và đòi hỏi có sự can thiệp ngay tức thời từ phía Liên hợp quốc...”128, lên án chính quyền thực dân Pháp đi ngược lại các Hiến chương của Liên hợp quốc, và yêu cầu: “... Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý, trình bày trước Ngài những nguyện vọng sau đây của chúng tôi: 1. Vấn đề liên quan tới Nam Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban tư vấn Viễn Đông; 2. Đoàn đại biểu Việt Nam phải đuợc phép tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam; 3. Một Ủy ban điều tra phải được cử tới Nam Việt Nam; 4. Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hợp quốc công nhận”129.

Ngày 22-10-1946, trả lời phỏng vấn của giới báo chí trong và ngoài nước về chuyến thăm nước Pháp, Bác khẳng định: “Về tinh thần, phần đông dân chúng Pháp có thể nói là đến 90% đều tỏ ra muốn hòa bình và dân chủ... Đối với nước Việt Nam, đa số dân Pháp cũng tỏ ra có một cảm tình, rất nghiêng về nền độc lập của ta...”130; cảm tưởng khi về nước: “Tốt. Một là vì mùa màng được, dân khỏi lo đói. Hai là trông thấy dân ai cũng chăm làm, chăm học. Ba là thấy cảm tình giữa dân Việt Nam với người Pháp và các người ngoại quốc ở đây càng ngày càng tiến bộ...”131. Về quốc sách của Việt Nam: “Có thể trả lời là không biến đổi gì hết. Về nội chính, Chính phủ từ trước tới giờ vẫn chủ trương đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam mới. Về ngoại giao, Chính phủ quyết đòi độc lập, quyết đòi thống nhất, nhưng quyết định ở trong khối Liên hiệp Pháp; đối với các hữu bang, từ trước đến giờ, vẫn theo một con đường thân thiện. Trước thế thì nay vẫn thế, không thay đổi”132. Đối với báo giới, Bác bày tỏ: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương... Bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy ấy để viết những bức thư thân ái... Hy vọng thêm rằng không những các báo chí giúp cho sự gây nên một cảm tình giữa các dân tộc mà còn ngay trong báo giới nữa cũng gây lấy một cảm tình hữu nghị”133.

Ngày 22-10-1963, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề quan hệ quốc tế của Đảng, Bác đề nghị: “Chủ trương của Đảng ta là đoàn kết và làm cầu nối trong việc đoàn kết quốc tế”134.

Ngày 22-10-1965, trên báo Nhân Dân, Bác viết bài “Càng già càng giỏi” biểu dương lớp người cao tuổi: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước”135, và yêu cầu: “Các cấp đảng bộ và Mặt trận các địa phương nên ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển đội Bạch đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Để kết luận bài này, xin tặng các cụ phụ lão kính mến một câu thơ: Tuổi cao, chí khí càng cao/ Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai!”136.

Ngày 23-10

“Để tỏ cho thế giới biết rằng, ta là một dân tộc văn minh”.

Ngày 23-10-1921, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc biểu tình do Đảng Xã hội và Liên hiệp Công đoàn tổ chức để phản đối việc hành quyết hai nhà hoạt động xã hội bị nhà cầm quyền Mỹ kết án tử hình một cách độc đoán.

Ngày 23-10-1945, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, mọi thành viên tán thành ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi buổi họp nên dành nửa giờ để báo cáo, còn thì bàn những vấn đề to.

Ngày 23-10-1945, Chủ tịch nước thăm Nha Công an Bắc bộ, tại khu giam giữ phạm nhân của Ty Công an quận Nhất, Hà Nội, Bác căn dặn cán bộ: “Nên săn sóc những người bị giam và xét ngay, xét kỹ cho người ta khỏi oan uổng”137.

Cùng ngày, Bác ra “Lời tuyên bố đối với quốc dân sau khi ở Pháp về”: “Tôi qua Pháp, đáp lại thịnh tình của Chính phủ Pháp đã mời tôi, mục đích cốt để giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất. Vì hoàn cảnh hiện thời ở nước Pháp, mà hai vấn đề chưa giải quyết được, còn phải chờ. Nhưng không trước thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất”138.

Với đồng bào Nam bộ và miền Nam Trung bộ, Bác khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em... Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta. Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá vững như đồng. Đối với gan vàng dạ sắt của đồng bào, toàn thể quốc dân không bao giờ quên, Tổ quốc không bao giờ quên, Chính phủ không bao giờ quên. Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sỹ và xin lỗi những đồng bào đương khổ sở hy sinh. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”139.

Ngày 23-10-1950, Bác đến dự Hội nghị tổng kết chiến dịch Biên giới, đưa ra những nội dung cần tổng kết là: “Đề cao kỷ luật; triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên; thương yêu đội viên; tôn trọng nhân dân; giữ gìn của công và chiến lợi phẩm; thành thật tự phê bình và phê bình”140 và nêu ra những bài học kinh nghiệm lớn: “1. Trung ương lãnh đạo sáng suốt. Các cấp địa phương chỉ đạo đúng đắn. Các cơ quan quân, dân, chính đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, hành động nhất trí; 2. Chiến sỹ ta rất hăng hái, anh dũng; 3. Nhân dân ta rất tốt; 4. Giặc chủ quan”141.

Ngày 23-10-1962, trong Hội nghị bàn về công tác tổ chức của Bộ Chính trị, Bác nhấn mạnh: “Tổ chức trước hết là con người. Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước; lên xuống không sao, đi đâu cũng được... Đâu cần thì cán bộ có, đâu khó thì cán bộ đến. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lao động”142.

Ngày 24-10

“Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”.

Ngày 24-10-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội Pháp.

Ngày 24-10-1926, trên tờ Thanh Niên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát hành tại Quảng Châu đăng bài “Nhân đức của Pháp” của Nguyễn Ái Quốc lên án vụ thực dân Pháp cho phá đê sông Hồng để bảo vệ cho thành Hà Nội nơi người Pháp sinh sống làm chết nhiều người dân bản xứ: “Thương ôi! Dân ta bị Tây nó giết mòn, giết mỏi. Giết cách này không chết hết, thì nó giết cách khác. Nó lấy rượu và a phiến làm cho dân ta chết nhiều. Nó bắt đi đào sông, đào đường, bị nước độc mà chết. Nó bắt đi lính đi làm nô lệ bên các xứ đen mà chết. Nay nó lại nhận chìm cả xứ!

Đồng bào ơi! Mau mau dậy cứu lấy nòi!

Kẻo mà Nam Việt đi đời nhà ma!”143.

Ngày 24-10-1946, tại buổi tiệc trà chiêu đãi đại biểu các giới nhân dân Thủ đô sau chuyến thăm nước Pháp, Bác nói: “Từ trước tới giờ, chúng ta đã đồng tâm hiệp lực chịu khó làm việc, nên chúng ta đã thu được ít nhiều thành công. Bây giờ chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực gánh vác việc nước, việc công hơn nữa”144.

Cùng ngày, Bác viết thư gửi các cháu thiếu nhi để bày tỏ cảm xúc: “Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:

1. Phải siêng học,

2. Phải giữ sạch sẽ,

3. Phải giữ kỷ luật,

4. Phải làm theo đời sống mới,

5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”145.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, phần viết về “Vấn đề cán bộ” tác giả viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng... Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta... Phong trào giải phóng sôi nổi, nẩy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện... Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm… Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”146.

Ngày 24-10-1962, Bác đến xem Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1962 và đưa ra nhận xét: “Các tranh tượng đã nói lên được tình người, tả chân thực những người lao động bình thường. Anh chị em đã cố gắng đi vào đời sống, thế là tốt. Nhưng tranh chưa nói lên được khí thế thi đua của quần chúng. Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”147.

Ngày 25-10

“Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc”.

Ngày 25-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thảo luận một số vấn đề kinh tế và tiếp tục góp ý, bổ sung Dự thảo Hiến pháp.

Ngày 25-10-1946, tiếp tục loạt bài giới thiệu về “Binh pháp Tôn Tử”, báo Cứu Quốc đăng bài “Bàn về địa hình”, trong đó Bác phân tích: “Về quân sự đành rằng phải có binh mạnh, tướng giỏi, nhưng không nghiên cứu địa hình một cách tường tận, không thể xuất trận thành công được. Trên mặt trận, biết lợi dụng địa hình, đánh trận không hao tổn công sức mà được thắng lợi dễ dàng... Gặp địa hình nào phải tùy cơ ứng biến để có thể lợi dụng một cách có hiệu quả trong cuộc chiến đấu với quân địch”148.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong phần viết về “Cách lãnh đạo” có đoạn: “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng... Nghĩa là: Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu... Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình. Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng... Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi... Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”149.

Tháng 10-1948, trong một bức thư riêng gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, Bác nhắc đến một vụ việc, qua đó thấy cách ứng xử của người đứng đầu Chính phủ đối với người cán bộ mắc sai lầm. Thư viết: “Chú Hòe thân mến. Việc ân xá, ân giản ở Thái Bình như thế là xong. Ông giám đốc Vũ Văn Huyền đã tỏ ra rất tận tâm với chức vụ thì Chính phủ nên khen... Nhưng… vừa rồi ông ấy làm quá đáng, thì chúng ta phải phê bình để giúp ông ấy sửa chữa và tiến bộ. Ngoài sự phê bình bằng công văn, có lẽ chú nên lấy tình nghĩa bầu bạn mà nói riêng cho ông ấy biết rõ thái độ của Chính phủ...”150.

Ngày 25-10-1951, thăm và nói chuyện với Trường Chính trị Trung cấp Quân đội, Bác căn dặn: “Ngày xưa tổ tiên ta đã phải kháng chiến trường kỳ mới thắng được ngoại xâm. Đời Trần phải kháng chiến ba lần mới đuổi được quân Nguyên. Đời Lê kháng chiến một lần nhưng phải mười năm mới đuổi được quân Minh... Cuộc kháng chiến của ta là tiếp tục cuộc Cách mạng Tháng Tám... phải trường kỳ mới giành được thắng lợi... Cuộc kháng chiến của ta hết sức gian khổ... Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi”151. Để khắc phục những khuyết điểm, Bác đề nghị: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân... Đó là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng... Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau... Nói như vậy là lầm to... Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời... Cần, kiệm, liêm, chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng”152.

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

128, 129, 130, 131. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 68, 70, 412, 413.
132, 133. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 413-414, 415.
134. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 448.
135, 136. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 519, 521.
137. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 59.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 417.
139. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 418-419.
140, 141. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 473, 474.
142. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 297.
143. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 451.
144. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 422.
145. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 421.
146. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 269-283.
147. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 298.
148. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 423-425.
149. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5. tr. 285-290.
150. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 253-254.
151, 152. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 316-321.


 Ngày 26-10

“Phải học cách nói của dân chúng”.

Ngày 26-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Đại biểu công nhân Bắc bộ và trong lời phát biểu đã nhấn mạnh: “Công nhân phải tăng cường đoàn kết để giữ vững độc lập, công nhân lúc này phải tránh mọi đòi hỏi chưa đúng lúc, giữ gìn kỷ luật và bình tĩnh trong mọi tình huống. Công nhân hãy tin tưởng vào Chính phủ lâm thời và tuân theo Chính phủ”153.

Ngày 26-10-1946, Bác thăm Nha Dân tộc thiểu số và Trường Cán bộ dân tộc mang tên Nùng Trí Cao và thăm nơi ăn ở của các đại biểu Quốc hội đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai. Sau khi tiếp xúc với Đoàn báo chí họp mặt tại Nhà Thủy Tạ - Bờ Hồ, Bác đến thăm trụ sở Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo của tổ chức này. Cùng ngày, Bác còn đến thăm Trường nữ trung học Hai Bà Trưng, tiếp Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp quốc dân và buổi tối mở tiệc chiêu đãi đoàn ngoại giao trong đó có lãnh sự các nước Anh, Mỹ, Trung Hoa và tướng Moúclie (Morliere) của Pháp.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, tác giả lưu ý đến công tác tuyên truyền và “chống thói ba hoa”. Bác viết: “Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài... Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?... Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại... Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng... Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu. Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sỹ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu... Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích”154.

Ngày 26-10-1953, báo Nhân Dân đăng bài “Thanh niên Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam” của Bác viết dưới bút danh “C.B.”. Sau khi nhắc lại thông điệp của Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới vừa họp ở Bucarét (thủ đô Rumani) cho rằng “Hòa bình ở Việt Nam là lợi ích chung của thanh niên chúng ta”155, Bác khẳng định: “Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, lại được nhân dân Pháp và nhân dân lao động thế giới ủng hộ. Vì vậy địch nhất định thua, ta nhất định thắng”156.

Ngày 26-10-1968, Bác Hồ tiếp và nghe đồng chí Lê Đức Anh vừa từ chiến trường ra Bắc báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam, sau đó được mời lưu lại dùng cơm với Bác.

Ngày 27-10

“Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được”.

Ngày 27-10-1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia một cuộc trao đổi và tranh luận với giới y học về vấn đề siêu hình, vấn đề có hay không sự tồn tại của linh hồn.

Ngày 27-10-1945, chủ trì cuộc họp báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Buổi họp hôm nay là buổi họp báo giới quốc tế, đúng với câu: “Tứ hải nhất gia” (bốn biển một nhà). Nước Pháp hiện giờ coi là nước địch của Việt Nam nhưng người đại biểu Pháp ngồi đây vẫn là bạn thân của tôi”157 và khẳng định, phương châm của Chính phủ Việt Nam là: “Đoàn kết toàn dân - quyết tâm vì chính nghĩa, quyết giữ độc lập bằng mọi giá”158.

Ngày 27-10-1946, tiếp đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bác đưa ra quan điểm: “1. Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém; 2. Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng; 3. Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước; 4. Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho Công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công. Luật Lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ con; 5. Viên chức và công nhân đều là những người phải làm mới có ăn; 6. Ở Nam Bộ không những là công nhân có quyền tổ chức mà tất cả các tầng lớp nhân dân đều có quyền tự do tổ chức và các quyền tự do dân chủ khác đúng như bản Tạm ước”159.

Cùng ngày, Bác gặp lại người chị gái ruột thịt của mình là bà Nguyễn Thị Thanh, hiệu là Bạch Liên từ quê hương Nghệ An ra Thủ đô thăm em. Đây cũng là cuộc gặp mặt cuối cùng giữa hai chị em sau hơn ba mươi năm xa cách.

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đề mục: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, Bác phân tích: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên... Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng... “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”. Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”160.

Ngày 27-10-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Công nhân gương mẫu và gương mẫu của công nhân” trong đó Bác biểu dương “Mọi người, mọi ngành gương mẫu cần kiệm như công nhân thì nhất định dân giàu nước mạnh”161.

Ngày 28-10

“Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên”.

Ngày 28-10-1924, Tạp chí Inprekorr đăng bài “Chủ nghĩa thực dân bị lên án” của Nguyễn Ái Quốc về những tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân châu Phi “đó là tất cả cái chế độ cướp bóc, giết chóc đáng ghê tởm đã làm cho thuộc địa này đi đến tình trạng thê thảm hiện nay...”162.

Cuối tháng 10-1939, sau khi rời Liên Xô, với bí danh mới là Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đến Quý Dương thủ phủ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) làm việc tại Văn phòng Bát Lộ Quân (của Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Ngày 28-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch “kịch liệt phản đối việc sử dụng các toán quân Nhật, do quân đội Anh - Ấn dưới sự chỉ huy của tướng Graxây, và do quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Lơcléc trong việc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam ở Nam Đông Dương”163 và đưa ra yêu cầu: “Thứ nhất, ban bố lệnh chấm dứt tàn sát một dân tộc đang bảo vệ các quyền chính đáng của mình theo các nguyên tắc ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô. Thứ hai, công nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Cộng hòa Việt Nam”164.

Ngày 28-10-1946, Bác dự khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I. Hồi ký của đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thu ghi lại: Ông Nguyễn Văn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Rạch Giá vừa ở Nam bộ mới ra phát biểu ý kiến: “Đồng bào Nam bộ đoàn kết, sẵn sàng tin tưởng vào vị Cha già thì một ngày mai lá cờ đỏ sao vàng sẽ trở lại phất phới toàn cõi Nam bộ”. Khi ông Tạo ở diễn đàn bước xuống, Hồ Chủ tịch bắt tay rồi ôm lấy ông hôn, nước mắt của Hồ Chủ tịch lăn trên gò má, nhiều người bùi ngùi ứa lệ.

Tháng 10-1957, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười, Bác hoàn thành cuốn sách nhỏ giới thiệu “Liên Xô vĩ đại” với lời kết luận: “Nói tóm lại, kết quả và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười trong 40 năm qua thật là vĩ đại. Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”165.

Ngày 28-10-1958, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề tài chính, giá cả và thương nghiệp quốc doanh, Bác phát biểu nhấn mạnh: “Không được xem nhẹ chính sách về giá cả và ổn định giá cả, phải đẩy mạnh việc chống tham ô, lãng phí, phải củng cố các chi bộ cơ sở… công tác xây dựng kế hoạch tài chính phải dựa trên cơ sở nguồn vốn tự có trong ngân sách, không thể làm tùy tiện và phải chú ý thực hành tiết kiệm ở tất cả các ngành”166.

Ngày 28-10-1963, dự khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa II và đón tiếp Đoàn đại biểu Hội Lao động Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác bày tỏ tình cảm đối với miền Nam ruột thịt khi tặng hoa và ôm hôn thắm thiết Trưởng đoàn Trần Văn Thành sau khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Ngày 28-10-1967, Bác viết bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” gửi cho báo “Pravda” (Sự Thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô phân tích những bài học lịch sử sâu sắc mà Cách mạng Việt Nam đã tiếp thu.

Ngày 29-10

"Việt Nam và Cuba rất gần gũi nhau như anh em một nhà".

Ngày 29-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ” trong đó biểu dương: “Quân Pháp nấp đuôi bọn quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ. Ở Mỹ Tho, ở Tân An, ở Biên Hòa, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm đến nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu. Mặc dầu quân Pháp có đủ khí giới tối tân, tôi biết chắc không bao giờ chúng cướp được nước ta đâu. Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc… Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay, trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo cuộc chiến đấu ở Nam Bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội xâm lăng nào đánh tan được”167.

Tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bác đề nghị lập “Hội Cứu đói” có sự tham gia của giới tôn giáo, giới công thương và kêu gọi cả các bạn bè quốc tế “dùng đủ mọi phương pháp để tiết kiệm gạo”168.

Cuối tháng 10-1950, đến thăm thương bệnh binh trong Chiến dịch Biên giới đang điều trị tại Bệnh viện Thủy Khẩu được xây dựng trên đất Trung Quốc, Bác nói: “Quân ta thắng lợi rồi, ta không còn bị bao vây, cửa đã mở ra thế giới, Đảng và Bác không quên công lao của các chiến sỹ đã ngã xuống hoặc bị thương tật”169.

Ngày 29-10-1959, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chương trình và phương thức tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, Bác nêu ý kiến phải tạo điều kiện cho chi bộ thảo luận vì “nếu không thảo luận thì không lợi về dân chủ, ta chỉ vì thời gian hạn chế mà không để chi bộ thảo luận ý kiến ở dưới không góp cho đề án, không lợi...”170.

Ngày 29-10-1966, trong diễn văn đọc tại buổi tiếp chính thức Đoàn đại biểu Cuba do Tổng thống Ôxvanđô Đoócticốt dẫn đầu sang thăm nước ta, Bác nói: “Từ Mỹ latinh xa xôi, các đồng chí mang đến cho nhân dân Việt Nam chúng tôi mối tình đoàn kết chiến đấu rất thắm thiết của nhân dân Cuba và nhân dân Mỹ latinh anh em... Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm, nhưng lòng nhân dân hai nước chúng ta thì rất gần gũi nhau như anh em một nhà. Chúng tôi mong các đồng chí coi ở Việt Nam cũng như ở Cuba vậy”171.

Ngày 29-10-1968, Bác nghe Bộ Chính trị báo cáo về việc chuẩn bị cho Hội nghị Pari và vấn đề nhân sự cho Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia sự kiện này. Bác nhắc nhở cần đề phòng việc Mỹ đòi ngừng đánh ở miền Nam để tuyên truyền đả kích ta hoặc sẽ ném bom miền Bắc trở lại, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho Đoàn của Mặt trận.

Khánh Linh (tổng hợp)

153. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 60.
154. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 300-305.
155, 156. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 158.
157, 158. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 61, 62.
159. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 426.
160. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 293-298.
161. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 516.
162. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 332.
163, 164. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 75-76.
165. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 556-557.
166. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 164.
167. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 77-78.
168. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 64.
169. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 475.
170. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 359.
171. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 151-152.


 Ngày 30-10

“Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do”.

Ngày 30-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thanh niên Nam bộ” với những lời lẽ thống thiết: “Đã hơn một tháng nay, anh chị em đã phấn đấu cực kỳ anh dũng. Toàn thể đồng bào Việt Nam đều cảm động. Tuy máu đã đổ nhiều, nhưng tôi chắc và toàn thể đồng bào cũng chắc rằng anh chị em thanh niên Nam bộ quyết hy sinh kháng chiến để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc. Các bạn phải thống nhất mặt trận thanh niên, đoàn kết, nêu cao tinh thần tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc. Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng dọi khắp nước. Những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết. Hỡi anh chị em thanh niên Nam bộ! Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam... Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”172.

Ngày 30-10-1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, sau khi cùng một số Bộ trưởng trả lời các chất vấn, Bác đánh giá: Chính phủ hiện thời mới thành lập hơn một năm, hãy còn thanh niên. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?

Ngày 30-10-1950, Bác viết “Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sỹ” sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, trong đó, phân tích: “Thắng lợi thứ nhất, chúng ta đã tiêu diệt địch và đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta”183 và căn dặn: “Chúng ta chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: Trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là một bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và phải thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”174.

Ngày 30-10-1958, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Văn hóa, Bác nêu vấn đề: “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra... Cán bộ văn hóa nói riêng, cũng như tất cả các cán bộ ta nói chung, phải rèn luyện tư tưởng, chính trị, ý chí phấn đấu và tinh thần trách nhiệm...

Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào”175. Cùng ngày, Bác đến thăm Trường Mỹ nghệ Việt Nam và nói chuyện với thầy trò của nhà trường: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là phải vì tất cả mọi người trong xã hội mà làm việc, mà phục vụ, bởi vì xã hội đã nuôi dạy mình. Thế là “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ chủ nghĩa xã hội. Đó là bên sáng. Bên tối là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa với những biến chứng như quan liêu, lãng phí, tham ô, v.v.. Hai bên bao giờ cũng xung đột nhau, một mất một còn. Phải trau dồi tư tưởng xã hội chủ nghĩa… đến khi nào bên sáng thắng hẳn bên tối”176.

Ngày 31-10

“Dân có giàu thì nước mới mạnh”.

Ngày 31-10-1911, từ Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ nhờ chuyển số tiền cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Rời Tổ quốc từ tháng 6-1911, theo hải trình của các con tàu biển, Nguyễn Tất Thành đã có dịp trở về bến cảng Sài Gòn để sau đó tiếp tục cuộc hành trình của mình.

 Ngày 31-10-1946, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, được ủy quyền thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam... Tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết... phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà...”177.

Ngày 31-10-1949, báo Sự Thật đăng bài “Rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm” của Bác nêu lên vấn đề: “Sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Như vậy, khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm, công việc sẽ rất mau tiến bộ”178.

Ngày 31-10-1959, nói chuyện với Hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp toàn miền Bắc, Bác vạch rõ: “Trước hết ta cần nhận rõ mục đích của việc tổ chức hợp tác xã là gì? Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh... Muốn ăn quả phải trồng cây. Muốn ăn no, mặc ấm, đời sống cải thiện, cần phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải tổ chức, quản lý hợp tác xã cho tốt”179.

Cùng ngày, trong bài báo “Hoan hô thắng lợi vẻ vang của khoa học Liên Xô vĩ đại” đăng trên Báo Nhân Dân nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh chụp ảnh Mặt trăng, Bác liên hệ: “Cách đây độ 100 năm, Các Mác đã nói: Người cộng sản hiểu biết thiên nhiên để buộc thiên nhiên phục vụ hạnh phúc loài người và hiểu biết xã hội để cải tạo xã hội cũ, xấu xa, thành một xã hội mới tốt đẹp... Lời nói ấy đã thực hiện dần dần...”180.

Ngày 31-10-1963, trong bài viết “Những chi bộ tốt” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác biểu dương những chi bộ tốt ở xã Cần Lộc (Thanh Hóa) và Làng Ló (Hà Bắc). Ở phần phân tích “những chi bộ chưa tốt”, bài báo viết: “Có tình trạng như thế là vì nhiều đồng chí cán bộ và đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi và chủ nghĩa địa phương, chỉ thấy lợi ích riêng mà không thấy lợi ích chung của Nhà nước”181.

Ngày 31-10-1966, trong buổi chiêu đãi đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba, Bác nói: “Nhân dân Việt Nam vô cùng phấn khởi có người bạn chiến đấu kiên cường, dũng cảm là nhân dân Cuba anh em, cùng kề vai sát cánh với mình trên tuyến đầu chống đế quốc Mỹ...”182.

Thanh Huyền (tổng hợp)

172. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 79.
173, 174. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 474.
175. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 248-249.
176. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 165.
177. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 427.
178. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 703.
179, 180. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 537, 535.
181. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 162-163.
182. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 156.

Bài viết khác: