Ngày 14-10
“Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không còn lợi ích gì khác”.
Ngày 14-10-1919, Nguyễn Ái Quốc đăng “Thư gửi ông Utơrây” trên tờ “Le Populaire” (Dân chúng) tố cáo những điều xuyên tạc của một đại địa chủ đồng thời cũng tham gia Hội đồng Thuộc địa ở Nam kỳ và Hạ nghị viện Pháp khi công kích Nguyễn Ái Quốc. Tác giả bài báo cũng công khai bày tỏ: “Giá như tôi đã bị truy nã hay bị kết án đi nữa ở bên Đông Dương về cái mà bọn thực dân Pháp vô liêm sỉ gọi là chống Pháp thì tôi cũng chẳng có gì phải hổ thẹn, trái lại tôi còn tự hào về việc đó”85.
Ngày 14-10-1925, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân đề nghị nhà cách mạng Việt Nam với tư cách đại diện của Quốc tế Nông dân tiếp xúc với Quốc dân Đảng Trung Hoa, cố gắng phát triển Ban Nông dân tại Quảng Châu và các tỉnh khác ở Trung Quốc và kết nạp các tổ chức này vào Quốc tế Nông dân thuộc Quốc tế cộng sản.
Ngày 14-10-1945, đáp lại lá thư của các vị giám mục và đồng bào giáo dân ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình nguyện rằng: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại”86, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cảm ơn và biểu dương: “Câu nói nhiệt thành đã tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”87 .
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Thống chế Tưởng Giới Thạch đề nghị Trung Hoa dân quốc yêu cầu Liên hợp quốc cho phép Việt Nam tham gia Ủy ban cố vấn Viễn Đông.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập phẩm chất của bộ máy và cán bộ cách mạng. Trong đề mục “Phận sự của đảng viên và cán bộ”, sách viết: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng. Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”... Ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại, v.v.. Đó đều là trái với lợi ích của Đảng”88.
Ngày 14-10-1950, Bác thay mặt Chính phủ gửi thư khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng nhân Chiến thắng biên giới và biểu dương: “Đồng bào Cao - Bắc - Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến. Tôi chắc rằng đồng bào ba tỉnh ta sẽ luôn luôn cố gắng thêm để giữ lấy địa vị vẻ vang”89.
Ngày 14-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam sang dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ngày 15-10
“Nước ta là nước dân chủ.
Lực lượng của dân là rất to”.
Ngày 15-10-1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương” đăng trên tập san “Inprekorr” vạch rõ những âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân gây nên cuộc xung đột giữa Hoa kiều và người Việt Nam ở Hải Phòng, gây nhiều đau khổ cho người dân bản xứ như đói, dịch tả, thuế khóa, v.v..
Ngày 15-10-1945, Bác Hồ trả lời và cảm ơn Nhi đồng Cứu quốc Phước Diên (Quảng Ninh), Cẩm Giàng (Hải Dương) về việc “các cháu đã nhịn ăn quà để góp tiền vào Quỹ độc lập”90 và biểu dương: “Các cháu đã tỏ ra là những cháu chắt rất xứng đáng của tổ tiên Hồng - Lạc, và rất xứng đáng là “tiểu chủ ông” của nước nhà”91.
Trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ diễn ra cùng ngày Bác nhắc nhở nên tìm cách động viên tinh thần dân chúng, phải làm cho lòng yêu nước của nhân dân biến thành hành động trong sinh hoạt hàng ngày, phải tìm những khẩu hiệu rõ ràng, giản dị, dễ thực hành... Cùng ngày, báo Quyết Thắng đăng những cảm nghĩ của Hoàng thân Lào Xuphanuvông sau nhiều lần gặp Bác: “Hồ Chủ tịch thật là một người sáng suốt. Trong khi ở Hà Nội, tôi được tiếp kiến Người 30 lần hết sức thân mật. Đến bữa ăn, chúng tôi ăn với nhau vài bát cơm với một ít mắm ruốc. Nhiều lúc câu chuyện kéo dài 2-3 giờ. Tôi chỉ sợ cụ Hồ làm việc nhiều. Tôi sợ Cụ ốm”92.
Ngày 15-10-1948, báo Sự Thật đăng bài “Chủ nghĩa cá nhân” trong đó Bác phân tích: “Bệnh ấy tỏ rõ ra nơi: Ngày thường, thì kỷ luật kém. Khi có vấn đề nghiêm trọng, thì hoang mang. Lúc tính toán công việc, thì đặt lợi ích của cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung. Bệnh ấy dễ đưa đến chỗ trái kỷ luật, trái lợi ích của dân tộc... Muốn tẩy sạch bệnh ấy, thì phải: Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên... Toàn dân đoàn kết. Tướng sỹ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi”93.
Ngày 15-10-1949, Bác viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, trước hết khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân... Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc. Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”94.
Ngày 15-10-1958, thăm công trường thanh niên học sinh lao động mở rộng đường Cổ Ngư bên Hồ Tây, Hà Nội, Bác động viên và đề xuất đặt tên công trình này là “Đường Thanh Niên”.
Ngày 15-10-1968, Bác gửi thư nhân năm học mới với lời căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”95.
Ngày 16-10
“Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ”.
Ngày 16-10-1921, Nguyễn Ái Quốc dự phiên họp thường kỳ hàng tháng của Hội Liên hiệp Thuộc địa tại Hội trường các Nhà bác học (Hotel des Savants) ở Pari. Phát biểu về tình hình Bắc kỳ nơi vừa xảy ra vụ binh biến do nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến lãnh đạo (1917), Nguyễn Ái Quốc lên án bộ máy cai trị thực dân và đặc biệt là viên Công sứ khét tiếng tàn ác là Đáclơ (Darles), một kẻ gây nhiều tội ác nhưng được chính quyền thuộc địa nâng đỡ.
Ngày 16-10-1923, Nguyễn Ái Quốc được Hội nghị Quốc tế Nông dân bầu vào làm Ủy viên Hội đồng Quốc tế Nông dân có tổng cộng 52 người.
Ngày 16-10-1925, với bí danh Nilốpxki, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Nông dân về “Phong trào nông dân tỉnh Quảng Đông”. Khảo sát tình hình nông dân tại một tỉnh có đông nông dân của Trung Quốc như Quảng Đông, người viết báo cáo cho biết, tại đây nông dân đã được tập hợp vào tổ chức, đã thành lập lực lượng tự vệ, tổ chức biểu dương lực lượng, đoàn kết với công nhân...
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Bàn về “tư cách và đạo đức cách mạng”, sách viết: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm”96. Những tính tốt đó tóm tắt là: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”97.
Ngày 16-10-1954, tiếp Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội, Bác biểu dương và căn dặn: “Việc tiếp quản Thủ đô đã thực hiện tương đối tốt đẹp... Kinh qua 80 năm đô hộ và 8 năm chiến tranh do nước ngoài gây ra, nay chúng ta khôi phục lại đời sống hòa bình, đó là một chuyển biến rất to lớn. Do đó, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng đó là những khó khăn trong sự phát triển... Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ... Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta. Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ...”98.
Ngày 16-10-1959, dự Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Ninh Bình, Bác đã tóm tắt 8 khâu liên hoàn trong kỹ thuật canh tác lúa bằng mấy câu văn vần:
“Nước phải đủ, phân phải nhiều,
Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn.
Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,
Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.
Ruộng nương quản lý ra công,
Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”99.
Ngày 16-10-1966, dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam, Bác đề nghị: Đối với nông dân phải làm sao giảm sự đóng góp càng nhẹ càng tốt. Về đấu tranh chính trị, phải có những khẩu hiệu rõ ràng, dứt khoát đòi hòa bình và độc lập dân tộc, “hòa bình độc lập là Mỹ phải rút quân. Độc lập không thể có mức độ. Hòa bình kiểu ta phải gắn với độc lập, không phải hòa bình kiểu Mỹ”100.
Ngày 17-10
“Cần có sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác”.
Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”101. Bác cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Điện văn cho Tổng thống Mỹ Hary Tơruman qua cơ quan đại diện ở Côn Minh (Trung Quốc), nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam, về nguyên tắc là ủng hộ việc thành lập Ủy ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông của Liên hợp quốc; phản đối việc Pháp đại diện cho nhân dân Việt Nam tại Ủy ban này. Chỉ có Việt Nam là đủ điều kiện và cơ sở pháp lý cử đại diện vào Ủy ban tư vấn này. Buổi tối, tại chùa Quán Sứ, Bác dự bữa cơm chay do Cố vấn Vĩnh Thụy chủ tọa.
Ngày 17-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 263/SL-M, cử ông Phạm Văn Đồng làm Đặc phái viên của Chính phủ tại Việt Nam Trung bộ.
Ngày 17-10-1954, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Thủ tướng G. Nêru, Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ sang thăm nước ta.
Ngày 17-10-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trưởng đoàn kiêm biên tập và đạo diễn Hêlêna Lêmanska của Đoàn điện ảnh Ba Lan đang công tác tại Việt Nam.
Ngày 17-10-1960, Bác gửi 5 Huy hiệu tặng các cụ kiều bào (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan mới về nước.
Ngày 17-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô được tổ chức tại điện Cremli (Mátxcơva).
Ngày 17-10-1963, nói chuyện tại cuộc mít tinh của nhân dân trong tỉnh Hà Bắc nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh, Bác nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng và dặn dò cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Bác chỉ thị cho Đảng bộ tỉnh Hà Bắc: “Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn”102.
Ngày 17-10-1967, Bác gửi thư khen Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhân thành tích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Bức thư có đoạn “Tôi rất vui mừng được tin… các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn”103.
Ngày 17-10-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 119-LCT, truy tặng: 15 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 45 Huân chương Chiến công hạng Ba cho 60 liệt sỹ Quân đội nhân dân và dân quân, tự vệ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu.
Khánh Linh (tổng hợp)
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 16.
86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 50.
87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 50.
88. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 250-251.
89. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 104-105.
90, 91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51.
92. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 49.
93, 94. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 509-511, 698-700.
95. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 403.
96, 97. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5. tr. 251, 352.
98. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 367-368.
99. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 530.
100. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 467
101. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t.3, tr. 50.
102. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t.8, tr. 446.
103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 294.