Chỉ mục bài viết

 Ngày 18-10

“Thiếu nhi là tương lai của dân tộc”.

Ngày 18-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào tỉnh Lào Cai với những lời lẽ rất thân tình: “Hỡi đồng bào yêu quý ở Lào Cai! Tôi biết những ngày gần đây, đồng bào nóng ruột lắm! Mà nóng ruột là phải. Nước nhà đã độc lập rồi, lá quốc kỳ màu đỏ sao vàng đã bay phất phới khắp nước Việt Nam. Ấy thế mà đồng bào yêu quý ở biên thùy, vì đường sá xa xôi nên không biết rõ tình thế, bảo không nóng ruột làm sao được? Tôi biết tấm lòng yêu nước thương nòi của đồng bào lúc này rất sôi nổi. Đấy là một chứng cớ rất tốt đẹp cho vận mệnh nước nhà... Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc”104.

Trong buổi họp của Hội đồng Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bác đề nghị: “Để nâng cao tinh thần dân chúng, Chính phủ nên động viên dân mỗi gia đình nên tự viết một khẩu hiệu, ví dụ: “Quyết độc lập, ủng hộ chiến sỹ Nam Bộ” dán ở trong nhà. Chính phủ nhắc nhở đồng bào cần kiệm, bớt xa xỉ và nhờ các báo viết bài cổ động”105.

Ngày 18-10-1946, tàu Đuymông Đuyếchvin (“Dumont D’Urville”) chở Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ Pháp về nước đi ngang qua vịnh Cam Ranh. Đô đốc Cao ủy Đông Dương Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) và Tướng Moúclie (Morliốre) đã tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam trên boong tàu “Suffren”.

Ngày 18-10-1949, Bác ký Sắc lệnh chỉ định thành phần Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ do các ông Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Phạm Ngọc Thuần làm Phó chủ tịch, Nguyễn Bình làm Ủy viên Quân sự và các ủy viên là Ca Văn Thỉnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thành Vinh và Kha Vạn Cân.

Ngày 18-10-1958, đến thăm Hội nghị Phụ nữ Lao động Thủ đô, Bác căn dặn các tầng lớp phụ nữ đều “góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc...”106 ngay cả “chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ, bán đắt”, tệ “mặc cả, nói thách”. Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc”107.

Ngày 18-10-1964, tại lễ đón Đoàn đại biểu Chính phủ Mali do Tổng thống Môđibô Câyta (Modibo Keyta) dẫn đầu sang thăm Việt Nam, Bác phát biểu trong buổi chiêu đãi: “Tổng thống và quý vị đã vượt quan sơn muôn dặm mang lại cho nhân dân Việt Nam chúng tôi tình hữu nghị của nhân dân Mali anh em và của nhân dân Châu Phi dũng cảm. Đây là một vinh dự đồng thời là một sự cổ vũ to lớn đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi”108. Về cuộc đấu tranh giành thống nhất của nhân dân ta, Bác khẳng định: “Dù cuộc đấu tranh còn gay go gian khổ, chúng tôi tin chắc rằng cuối cùng, đế quốc Hoa Kỳ sẽ thua, nhân dân Việt Nam sẽ thắng. Dù ở Châu Á, Châu Phi, hay là ở Châu Mỹ la tinh, các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và nhân dân các nước chiến đấu để tự giải phóng đều chung trong một mặt trận”109.

Ngày 18-10-1966, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về tình hình cách mạng miền Nam, Bác nêu rõ mục đích trước mắt là làm cho địch ngừng ném bom miền Bắc để vận chuyển chi viện cho miền Nam, chuẩn bị đánh mạnh hơn và phải nắm chắc thời cơ, Bác ví: “Đây như kỹ thuật nấu cơm, nếu sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy”110.

Ngày 19-10

“Phụ nữ Việt Nam ta thật anh hùng”.

Ngày 19-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ xem xét về cuộc thương thảo với Trung Hoa về việc chuyên chở gạo từ miền Nam ra cứu đói nhưng phía Trung Hoa Quốc dân đảng đòi 2/3 số lượng để cung cấp cho đạo quân của mình; về tình hình chiến sự ở Nam bộ, việc đồng bào Rađê ở Tây Nguyên hợp tác với Chính phủ và một số vấn đề kinh tế ...

Cũng trong khoảng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới “Tướng Đờ Gôn, người đứng đầu Chính phủ Pháp” với nội dung: “Xin hân hạnh báo với Ngài, Chính phủ lâm thời cộng hòa Việt Nam đã được thành lập sau khi Nhật Bản đầu hàng và Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Chính phủ chúng tôi gồm các thành viên cộng hòa của ba xứ Việt Nam với quyết tâm bảo vệ nền độc lập Việt Nam bằng mọi biện pháp, cam kết bảo đảm an ninh tính mạng và tài sản của người nước ngoài ở toàn cõi Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Chúng tôi phản đối việc quân đội Pháp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam và đề nghị Ngài ban bố những chỉ thị hữu ích cho các lực lượng Pháp ở Viễn Đông để tránh những sự xảy ra đáng tiếc”111. Một điện văn với nội dung tương tự cũng được gửi tới Chủ tịch Quốc hội Pháp.

Cùng ngày, trên báo Cứu Quốc đăng điện văn của Bác gửi Hội nghị Liên Phi đang họp tại Manchétxtơ (Manchester), Vương quốc Anh, trong đó nêu rõ: “Dân tộc Việt Nam đương chiến đấu cho nền độc lập rất lấy làm cảm động trước quyết nghị án của Hội nghị liên Phi ủng hộ cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam chống với bọn thực dân Pháp. Lời quyết nghị của Hội nghị liên Phi tỏ rõ tinh thần đoàn kết của các dân tộc nhược tiểu ở Đông Dương, Nam Dương quần đảo, Ấn Độ và các dân tộc Phi châu trên con đường tranh đấu để giữ quyền độc lập và tự do, đã tốn biết bao nhiêu xương máu mới giành lại được sau cuộc đại chiến”112.

Ngày 19-10-1966, trong “Thư khen quân và dân miền Bắc bắn rơi 1.500 máy bay Mỹ”, Bác nhắc nhở: “Để hòng gỡ thế thất bại của chúng, giặc Mỹ đang điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Chúng càng liều lĩnh thì chúng càng thất bại nặng nề. Nhân đà thắng lợi của chúng ta, quân và dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, vượt mọi khó khăn. Hãy phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng... đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”113.

Cùng ngày, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác phát biểu: “Hội phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta... Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng”114.

Ngày 20-10

“Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi”.

Ngày 20-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi cho những người Pháp ở Đông Dương” đặt vấn đề: “Hỡi những người Pháp! Tôi muốn ngỏ vài lời cùng các bạn, không lấy danh nghĩa Chủ tịch nước Cộng hòa Việt nam, mà lấy tình một người bạn chân thật của những người Pháp lương thiện. Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập… Lòng yêu nước thương nòi này làm vẻ vang các bạn vì nó là lý tưởng cao quý nhất của loài người. Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi.

Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng và bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh... Công nhận nền độc lập của Việt Nam không những không làm giảm uy tín của nước Pháp, mà còn làm cho nó tăng cao trước thế giới và lịch sử... Nó sẽ được sự kính trọng của tất cả các dân tộc và lòng yêu mến của người Việt Nam vốn không mong gì hơn là Tổ quốc độc lập... Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư? Chúng tôi không sợ chết chính là vì chúng tôi muốn sống. Chúng tôi cũng như các bạn, muốn sống tự do, không có ai đè đầu bóp cổ... Những người Pháp ở Đông Dương! Bây giờ đến lượt các bạn phải tỏ ra rằng các bạn xứng đáng là con cháu những vị anh hùng vẻ vang xưa kia đã tranh đấu cho tự do, bình đẳng và bác ái”115.

Cũng trong ngày, tham dự lễ xuất phát của 500 đội viên tuyên truyền xung phong Hà Nội, Bác căn dặn: Người tuyên truyền viên phải biết rõ mục đích, biết chịu kham khổ, biết nhẫn nại, chớ lên mặt “quan cách mạng” và phải chú ý cách diễn đạt ý tưởng phải hết sức phổ thông, tránh dùng từ khó hiểu và “làm sao cho đuợc 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ”116.

Ngày 20-10-1946, Chiến hạm “Đuymông Đuyếchvin (“Dumont D’Urville”) cập bến cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân trở lại Tổ quốc sau hành trình hơn 4 tháng sang thăm và tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao với Chính phủ Pháp. Nhân dân Hải Phòng đã đón tiếp nồng nhiệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ức nhắc lại tiếng còi chào mừng của thành phố Cảng viết: “Chưa bao giờ bến cảng này lại có một hồi còi làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm ấy”117.

Ngày 20-10-1954, Bác dự buổi tiệc trà do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi ông G.Xanhtơni (J.Sainteny), một chính khách ngoại giao kỳ cựu vừa sang nhận nhiệm vụ Tổng đại diện của Chính phủ Pháp tại Hà Nội, sau ngày Nhà nước Việt Nam tiếp quản Thủ đô. Cùng ngày, trên báo Nhân Dân đăng bài “Nhớ người Chiến sỹ anh hùng” của Bác (ký tên C.B) nhắc lại chiến công và tấm gương của anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận đánh trên đồi Him Lam, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 20-10-1962, Bác thân mật và nồng nhiệt tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Trưởng đoàn ra thăm miền Bắc. Chính trong buổi gặp gỡ này, Bác đã nói một câu làm rung động lòng người: “Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi”118.

Ngày 20-10-1968, Bác Hồ viết “Thư khen chiến sỹ và cán bộ đảo Cồn Cỏ” đã lập chiến công trong ngày 16-10-1968: “… Các chú đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công vẻ vang, chỉ trong vòng một giờ, liên tiếp bắn rơi ba máy bay giặc Mỹ... Các chú hãy luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu thật giỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc hơn nữa, cùng với quân và dân cả nước quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”119.

Ngày 21-10

“Báo chí phải dựa vào những cơ sở pháp luật làm lợi khí đấu tranh”.

Ngày 21-10-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng một số người Việt Nam dự cuộc mít tinh do các đảng viên Đảng Xã hội quận 13, Pari dưới sự chủ tọa của văn sỹ Anatônê Phrăngxơ (Anatone France) nhằm lên án chính quyền bắt giữ trái phép và độc đoán một số đồng chí của mình.

Từ ngày 21-10 đến 24-10-1922, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp và tại diễn đàn này, đã phê bình Đảng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa, đề nghị và được Đại hội thông qua lời kêu gọi “Những người bản xứ ở thuộc địa”.

Ngày 21-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự thụ lễ đức Khổng Tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Hội Tư văn Thăng Long tổ chức có một số quan chức Trung Hoa tham dự. Để tỏ thiện chí, Bác thân đứng ra phiên dịch và bày tỏ tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển là anh em).

Ngày 21-10-1946, tại Hải Phòng, Bác thăm hỏi nhân dân, ghi vào Sổ vàng của Trường Huấn luyện Thanh niên Tô Hiệu dòng lưu bút: “Thanh niên đoàn kết. Gắng học tập. Gắng công tác. Tiến lên! Tiến lên!”120. Góp ý với báo “Dân Chủ” của Mặt trận Việt Minh miền Duyên hải, Bác nói: “Đừng hạ thấp mình, cũng đừng nên chọc tức kẻ thù. Báo chí phải dựa vào những cơ sở pháp lý để làm lợi khí đấu tranh…”121.

Nói chuyện với nhân dân Hải Phòng ra tiễn tại nhà ga xe lửa, Bác nói: “Trong bốn tháng hai mươi ngày, đồng bào nhớ tôi, và tôi cũng bốn tháng hai mươi ngày nhớ đồng bào”122 và khẳng định “nhiệm vụ bao trùm nhất hiện nay là kiên quyết giữ vững độc lập, tự do!”123. Tại nhà Ga Hà Nội, nói với đồng bào ra đón, Bác giải thích về Tạm ước 14-9; còn nói với quan chức Pháp, Bác bày tỏ: “Nhân dân Pháp cũng vừa trải qua cuộc kháng chiến... nhân dân Pháp… cũng như nhân dân Việt Nam rất yêu hòa bình, tự do, không muốn chiến tranh, chỉ muốn tình hữu nghị tốt đẹp giữa các dân tộc. Chúng tôi mong các bạn sớm hoàn thành nhiệm vụ để được trở về Tổ quốc của mình”124.

Ngày 21-10-1947, Bác viết thư gửi hai lão du kích Kiến An, khen ngợi: “Hai cụ thật xứng đáng với tổ tiên oanh liệt của ta, các phụ lão đời Trần đời Lê, chẳng những kêu gọi con cháu, mà tự mình hăng hái tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước”125.

Ngày 21-10-1958, báo “Quân đội nhân dân” đăng bài “Tên lửa bắn máy bay” của Bác, giới thiệu tri thức về loại vũ khí hồi đó được coi là tối tân: “Tên lửa là một vũ khí rất lợi hại, nhất là khi nó mang đầu đạn nguyên tử... Vì lợi ích của đông đảo nhân dân, chúng ta rất không muốn xảy ra những cuộc chiến tranh có vũ khí tên lửa và nguyên tử”126 mà không lâu sau đó nó đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 21-10-1966, tại cuộc họp của Bộ Chính trị về công tác ngoại giao, Bác phát biểu (được ghi thành biên bản): “Về phương châm kết hợp giữa đánh và đàm, Người cho rằng đánh là chính, vừa đánh vừa đàm để chia rẽ địch, đàm là để phục vụ cho đánh; nghệ thuật kết hợp giữa tiến công và đàm phán với địch phải hết sức uyển chuyển, không sa đà, không mơ hồ vào việc giải quyết tình hình thông qua đàm phán, trước hết ta phải giành thế mạnh thì mới có điều kiện để đàm phán được… Người nhắc các Ủy viên Bộ Chính trị phải thận trọng và khéo léo trong các mối quan hệ quốc tế”127.

Thanh Huyền (tổng hợp)

104. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 59.
105. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 53-54.
106, 107. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 238.
108, 109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 324, 327.
110. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 468.
111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 61.
112. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 63.
113, 114. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 147, 148-150.
115, 116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 65-67, 64.
117. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2005, t. 3, tr. 345.
118. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 297.
119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 405.
120. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 347.
121, 122, 123, 124. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 347, 348, 349.
125. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 226.
126. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 159-160.
127. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 470-471

Bài viết khác: