Chỉ mục bài viết

1. Tư cách một người cách mệnh

Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hòa mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng tham muốn về vật chất.

Bí mật.

Đối người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hay xem xét người.

Làm việc phải:

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.

Quyết đoán.

Dũng cảm.

Phục tùng đoàn thể.

("Đường Cách mệnh - Tư cách người cách mệnh", Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.280-281)

2. Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà

Các đồng chí,

Thơ này, tôi không dùng danh nghĩa Chủ tịch của Chính phủ, nhưng chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí.

Cuộc dân tộc cách mạng thành công này có những ý nghĩa rất to tát mà chúng ta cần phải nhận rõ. Ý nghĩa đó là: Trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa: Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta.

2. Vì sao có cuộc thắng lợi đó?

Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó.

3. Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết. À! Việc này mới khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng) trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều: nào quân sự, nào ngoại giao, nào tài chính..., trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta. Lại thêm nguy hiểm ngoại xâm và tình hình nội trị.

4. Khó thì khó thật, nhưng chúng ta quyết tâm; chúng ta vừa làm vừa học, nhất là chúng ta cố mà theo cho đúng chính sách của Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt qua hết thảy những sự khó khăn đó. Nói tóm tắt, thì chính sách của Chính phủ là:

- Củng cố sự đoàn kết toàn dân.

- Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện.

5. Ở các địa phương, những khuyết điểm to nhất là:

a) Khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do người Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc.

b) Lạm dụng hình phạt. Những đứa phản quốc có chứng cớ rõ ràng phải trừng trị đã đành. Nhưng chúng ta không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng).

c) Kỷ luật không đủ nghiêm. Để cho bọn giả mạo tiếng Chính phủ hoặc tên Việt Minh ức hiếp dân, xóay tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán.

d) Đề phòng hủ hóa). Cán bộ ta nhiều người "cúc cung tận tụy"), hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư). Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư4), làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể.

đ) Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động.

Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay,

Chúng ta không sợ có khuyết điểm,

Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi,

Chúng ta phải lấy lòng "chí công vô tư".

Chúng ta phải hiểu rõ và theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng.

Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến.

Chào thân ái!

(Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.18-20)

3. Sao cho được lòng dân?

Ta nhận thấy xung quanh các ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ trung ương nhiều hơn các ủy ban địa phương. Những ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa.

Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà "phủ trưởng" nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà "tỉnh trưởng" đi chơi mát mỗi buổi chiều.

Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ. Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những "ông quan", "ông thanh tra" dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!

Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý.

Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được.

Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945).

4. Bỏ cách làm tiền ấy đi!

Một ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nọ, sang dự cuộc hội họp tại một thôn bên cạnh, nhân nói chuyện về những việc cải cách trong làng mình lại khoe rằng thôn ông trong tháng vừa qua đã bán thứ vị như chánh phó lý, khán thủ, v.v.. và đã thu được một món tiền khá lớn!

Thật là trái ngược! Nói một hội đồng kỳ mục cũ làm tiền cho dân bằng cách bán thứ vị, còn nghe được. Một ủy ban nhân dân tổ chức theo một tinh thần dân chủ mới, rất cấp tiến lại đi làm tiền theo một phương pháp cũ rích chả có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng xấu vô cùng là khác.

Các ông nói: Miễn sao có tiền cho dân là được?

Không được! Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền là cần thật, nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền.

Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước.

Trong lúc xung quanh mình, người ta mở ngày Vàng, ngày Văn hóa, diễn kịch để lấy tiền giúp quỹ này, quỹ khác, ủy ban nọ còn quay lại lối làm tiền cũ rích, bán ngôi thứ, thật đã tỏ rõ một khối óc đặc sệt. Những cuộc "làm tiền" phải đem theo nó một ý nghĩa tuyên truyền nữa mới được. Sao cho người ta nhận thấy rằng đồng  bỏ cách làm tiền ấy đi!

Tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia.

Bán ngôi thứ làm cho óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa.

Lòng sốt sắng làm tiền cho dân của ông Chủ tịch nọ đáng hoan nghênh thật, nhưng cách làm tiền của ông có hại cho sự tiến hóa của dân, cần phải bỏ ngay đi, cũng như cần phải phủi đi hết những hủ tục khác: Làm rượu ăn mừng được bầu vào ủy ban, dùng chữ nho trong những tờ thông đạt, v.v..

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945).

5. Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng

Hỡi các bạn!

1. Nước ta bị Tây áp bức hơn 80 năm và bốn, năm năm bị Nhật áp bức.

Dân ta đói rét, khổ sở, không thể nói xiết. Ngày nay nhớ lại, còn rất đau lòng.

Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo, mà chúng ta bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do.

Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng.

Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

2. Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm.

Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

1. Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Những lầm lỗi chính là:

2. Trái phép - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được. Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.

2. Cậy thế - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

3. Hủ hóa - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?

4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.

5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau. Thậm chí có đôi nơi để đất ruộng bỏ hoang, nông gia ta thán. Quên rằng lúc này ta phải toàn dân đoàn kết, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.

6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô), cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ.

7. Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.

Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ "công bình, chính trực" vào lòng.

Mong các bạn tiến bộ.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945).

6. Nhân tài và kiến quốc

Sau 80 năm bị bọn Pháp thực dân giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. Nay muốn giữ vững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều.

Chúng ta cần nhất bây giờ là:

Kiến thiết ngoại giao

Kiến thiết kinh tế

Kiến thiết quân sự

Kiến thiết giáo dục

Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 91, ngày 14-11-1945).

7. Thư gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện, làng

Lúc này, chúng ta không cần nói nhiều, mà phải làm cho thật nhiều. Nếu không bị uy hiếp, chúng ta không cần có tự vệ. Tự vệ là vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình. Ta phải ngăn ngừa mọi sự uy hiếp. Về quân sự, Pháp có thể đánh vào thành phố ta. Về xã hội, có thể phát sinh ra trộm cướp.

Về chính trị, có thể có những kẻ phản động phao đồn những tin nhảm để làm náo động lòng dân.

Các đồng chí đến đây theo lớp huấn luyện là học tập cách trị an về vật chất và tinh thần. Những kẻ mưu sự phá hoại đất nước chúng ta, có thể tuyên truyền, đồn phao để chia rẽ sự đoàn kết.

Chúng hủ hóa chúng ta về vật chất, về sinh hoạt, văn hóa, chính trị. Bởi thế, các đồng chí phải học tập thành cán bộ để đi trước sự bảo vệ: Bảo vệ nền độc lập tự do của mình. Không những thế, các đồng chí còn chỉ huy những anh em đi sau. Tóm lại, không những phải học cho biết kỹ thuật, mà còn phải học lý luận về đạo đức, tinh thần nữa.

Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào.

Lãnh đạo về kỹ thuật chưa đủ. Còn phải lãnh đạo về tinh thần. Phải là người tuyên truyền. Phải là những người nói cho dân hiểu.

Có phao đồn gì, phải giải thích cho dân. Có mệnh lệnh của Chính phủ, phải giải thích cho dân biết rõ tại sao Chính phủ đã ban bố mệnh lệnh đó.

Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công.

Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 136, ngày 08-01-1946).

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: