16. Cán bộ và đời sống mới
Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời. Nhất là trong lúc kháng chiến cứu nước này, mỗi phút đều là quý báu.
Một đồng tiền, một hột gạo, đều là quý báu. Mỗi một người cần phải cố gắng làm công việc của hai người. Công việc thường làm trong hai ngày, nay phải cố gắng làm xong xuôi chu đáo trong một ngày. Người xưa có câu: Một phút đáng giá ngàn vàng, thật là đúng.
Thí dụ: Được tin địch kéo qua nơi nọ, ta biết sớm mấy phút, chuẩn bị sẵn sàng mà tập kích, thì ta thắng lợi. Nếu biết chậm mấy phút, thì sẽ thất bại. Vì vậy, từ người cán bộ cấp trên cho đến cán bộ giao thông, đều phải siêng năng, đều phải tiết kiệm thì giờ, cần và kiệm, hai điều đó đi đôi với nhau. Về vật chất cũng thế.
Lúc này, đồng bào làm đổ mồ hôi nước mắt, lo tăng gia sản xuất, để giúp Chính phủ, giúp chiến sĩ, một người làm để nuôi mấy người. Lại có những đồng bào tản cư, thiếu thốn mọi mặt. Vì vậy, một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác. Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen chợ đỏ, thụt két, buôn lậu. Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính.
* * *
Nhiều cán bộ đã theo đúng Đời sống mới. Nhiều cán bộ đang cố gắng làm cho đúng. Nhưng còn có một số, vẫn áo quần bảnh bao, ăn uống xa xỉ. Thậm chí cờ bạc, rượu chè. Họ còn "các quan" lắm! Họ mượn tiếng rằng: Phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi. Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy chàng Sở Khanh chẳng nhiều thể diện oai tín lắm ư? Mà Hồ Chủ tịch, quanh năm bốn mùa, chỉ mặc một bộ áo vải ka ki cũ, mỗi ngày chỉ có rau ăn rau, có mắm ăn mắm. Như thế, Người chẳng mất oai tín thể diện đi sao? Hỡi các bạn kia ơi! Các bạn phải hiểu rằng: Trong lúc này, hoang phí xa xỉ là: Trái với tư cách của những người yêu nước, những người cán bộ. Trái với lòng dân, trái với đạo đức cách mạng. Trái với cả oai tín và thể diện của các bạn. Các bạn phải mau mau sửa đổi cho xứng đáng là người yêu nước, là người cán bộ. Chúng ta phải nêu ra khẩu hiệu: Cán bộ phải thực hành Đời sống mới!
(Đăng trên Báo Sự thật, số 88, ngày 02-9-1947).
17. Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ
Cùng các đồng chí Bắc Bộ,
Tôi không có thì giờ gặp các đồng chí để phê bình, kiểm thảo và bàn bạc công việc chung. Tiếc vì hoàn cảnh không tiện. Vậy tôi có mấy lời dặn các đồng chí như sau, mong các đồng chí chú ý:
1. Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích: Đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước thống nhất và độc lập.
Vì vậy mỗi một đồng chí và toàn cả đoàn thể phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí.
2. Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ tối cao. Trong lúc này tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm.
Vì vậy chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau đây:
a) Địa phương chủ nghĩa.
Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung. Thí dụ, muốn lấy tất cả cán bộ và vật liệu cho địa phương mình, không bằng lòng để cấp trên điều động cán bộ và vật liệu đến những nơi cần thiết.
b) Óc bè phái.
Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe. Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm.
c) Óc quân phiệt quan liêu.
Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc "ông tướng, bà tướng" ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân.
d) Óc hẹp hòi.
Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được.
Tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi không thể phát triển.
e) Ham chuộng hình thức.
Việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai. Thí dụ, ngày nay tập quân sự, cốt là biết bắn súng, dùng dao, ném lựu đạn, dùng địa thế, khéo mò đêm, khéo trinh thám, nói tóm lại: Cốt tập cho mọi người biết đánh du kích. Thế mà có nhiều nơi chỉ để thì giờ tập "một hai, một hai". Thế thì khác gì tập lễ nhạc để đi chữa cháy.
Nhiều nơi, những hình thức tuyên truyền cổ động chỉ biết kẻ khẩu hiệu, trưng cờ biển và trang hoàng nhà thông tin tuyên truyền cho đẹp, lập chòi diễn thuyết chỉ làm vì, còn hàng ngày không chịu gần gũi quần chúng để giải thích cho họ hiểu chu đáo những chủ trương của đoàn thể.
f) Làm việc lối bàn giấy.
Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn.
g) Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm.
Trong những vùng chiến tranh lan đến, một số đồng chí đã tự tiện bỏ địa phương mình chạy sang vùng khác làm việc mà không hề có sự quyết định của đoàn thể, của cấp trên. Như vậy các đồng chí không những đã biểu lộ tinh thần kém cỏi, việc nào dễ hay ưa thích thì làm, việc nào khó khăn không ưa thích thì bỏ, mà các đồng chí lại còn tỏ ra khinh thường kỷ luật của đoàn thể làm rối loạn hàng ngũ của đoàn thể.
Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc.
Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta.
h) Ích kỷ, hủ hóa.
Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc.
Có những đồng chí hay có tính kiêu ngạo, tự mãn, cho mình là cựu chính trị phạm, là người của Mặt trận thì giỏi hơn ai hết, ai cũng không bằng mình. Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là một đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn rằng ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay, người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận là giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận đó là vô tài vô dụng cả sao?
Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta: "Phải học, học thêm, học mãi"1). Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm. Có những đồng chí còn giữ thói "một người làm quan cả họ được nhờ", đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được.
Vẫn biết các đồng chí nói chung có nhiều ưu điểm như: nhẫn nại, chịu khó, tháo vát, nhiều sáng kiến. Đó là những tính rất quý báu. Nó làm căn bản cho những tính tốt khác phát triển. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ có những ưu điểm ấy mà thôi, cũng chưa đủ. Các đồng chí cần phải đem căn bản tốt đó mà kiên quyết khắc phục những khuyết điểm vừa kể trên thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi.
3. Các đồng chí phải cố làm sao cho được những điều này:
a) Đoàn thể phải quân sự hóa, tư tưởng và hành động phải tuyệt đối nhất trí. Đoàn thể là đạo quân tiên phong. Nếu lúc xung phong mà người nói thế này, kẻ nói thế kia, kèn thổi ngược, trống đánh xuôi thì còn mong gì thắng trận. Chẳng những đoàn thể ta phải nhất trí mà quân, dân, chính cũng phải nhất trí.
b) Trong các cơ quan chỉ huy chọn người phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh, phải liên lạc mật thiết, hợp tác chặt chẽ, phải tuyệt đối tránh cái tệ lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện và suy tỵ không phụ trách.
Lúc này, vấn đề cơ quan chỉ huy rất quan trọng. Cử người vào đó phải cẩn thận, nhưng khi đã cử rồi, thì phải tuyệt đối phục tùng, cấp dưới phải nghe cấp trên, có thế công việc mới chạy.
c) Phải giữ vững giao thông liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung Bộ với Nam Bộ và Bắc Bộ.
Giao thông là mạch máu của mọi việc, giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng. Mong các đồng chí mang toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục các khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái kháng chiến để đi đến thắng lợi vẻ vang.
(Trích trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr.149-153).
18. Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
Chính quyền thì có những Hội đồng. Các đoàn thể thì có những Ủy ban. Đó là tập thể lãnh đạo.
Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo?
Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề.
Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó.
Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm. Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: "Khôn bầy hơn khôn độc" là nghĩa đó.
Vì sao cần phải cá nhân phụ trách?
Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho 1 người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy.
Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong. Tục ngữ có câu: "Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa" là như thế. Vì lẽ đó, cho nên lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân.
Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc.
Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.
Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau.
Nhưng không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng đưa ra bàn - mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy, là hiểu tập thể lãnh đạo một cách quá máy móc.
Kết quả là cứ khai hội mà hết ngày giờ.
Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định.
Tập thể lãnh đạo là dân chủ.
Cá nhân phụ trách là tập trung.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung.
Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung.
Người nào có chân trong một uỷ ban nào mà làm biếng không đến dự mọi cuộc hội nghị của ban ấy, hoặc không cân nhắc suy nghĩ kỹ lưỡng những vấn đề cần phải bàn bạc và giải quyết hoặc không phát biểu hết ý kiến của mình đối với vấn đề ấy, là trái với nhiệm vụ của mình, và không xứng đáng là một người lãnh đạo.
Người nào phụ trách thi hành, mà không làm đúng kế hoạch do đa số đã quyết định, là làm trái với nhiệm vụ của mình, và cũng không xứng đáng là một người lãnh đạo.
Vì vậy những người cán bộ phải thực hành cho kỳ đúng cái chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
(Đăng trên Báo Sự thật, số 100, ngày 23-9-1948).
19. Bệnh tự kiêu, tự ái
Hai thứ bệnh nguy hiểm đó đều do bệnh chủ quan, hẹp hòi mà sinh ra.
Việc thế giới, việc xã hội, việc nước nhà to lớn vô cùng, nhiều vô cùng.
Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả.
Xưa nay những bực tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp. Cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may.
Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi.
Lời đầu tiên của cụ Khổng trong sách Luận ngữ, là: "Học mà thường tập, chẳng cũng vui lắm thay".
Lời cụ Lê thường thường nhắc nhủ mọi người, là: "Học, học nữa, học mãi". Và "phải học hỏi quần chúng". Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai.
Kỳ thực, tự kiêu là mù quáng, chỉ trông thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết; mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được.
Tự kiêu là hẹp hòi. Tài đức độ lượng nhỏ nhen, không bao dung được những ý kiến và những phê bình của người khác. Thí dụ một cái cốc, vì hẹp hòi mà chỉ đựng được rất ít nước, thêm một chút nước nữa, là phải tràn. Trái với cái độ lượng rộng lớn của bể, bao nhiêu nước cũng vẫn chứa được.
Tự kiêu là thoái bộ. Vì tự mãn tự túc, không cố gắng học hỏi thêm. Không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Tự mình ngăn trở sự tiến bộ của mình.
Tự kiêu là hủ hóa. Vì không chịu học những sự hay sự tốt của người; không ưa những lời phê bình thẳng thắn để sửa chữa những khuyết điểm của mình. Mà người đời ai chẳng có khuyết điểm to hay nhỏ, ít hay nhiều!
Nói tóm lại: Tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng. Như thế thì sao khỏi hỏng việc.
Cụ Khổng Tử có nói: "Nếu có tính tự kiêu, thì dù tài giỏi vô cùng như ông Chu Công, thì tài giỏi ấy cũng vất đi".
Nghĩa chính của chữ tự ái là giữ đúng chữ cần, kiệm, liêm, chính. Không làm điều gì có hại đến danh dự và đạo đức của mình.
Thế là chân chính tự ái, mà ai cũng phải tự ái. Nhưng người ta thường hiểu lầm chữ tự ái. Do đó mà hay chấp vặt, không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình ngay thẳng - thì gọi là tự ái. Tự ái này luôn luôn đi đôi với tự kiêu, tự mãn, tự túc. Và kết quả là tự khí, nghĩa là mình tự ngăn trở mình tiến bộ, đồng thời đã tự kiêu tự ái, thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Đã cô độc, thì chẳng việc gì thành công.
Kết luận: Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy cho sạch bệnh tự kiêu, "tự ái". Đó là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc.
Thang thuốc thánh để chữa bệnh này gồm có bốn vị là:
a) Thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình.
b) Cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm.
c) Luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ.
d) Thực hành đoàn kết.
(Theo Báo Sự thật, số 102, ngày 15-11-1948).
Tâm Trang (tổng hợp)