Chỉ mục bài viết

 31. Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953

Nhân dịp Hội nghị này, tôi gửi lời thân ái chúc các bạn mạnh khỏe và hăng hái công tác để Hội nghị được nhiều kết quả thiết thực và tốt đẹp. Tôi nêu mấy ý kiến sau đây để giúp các bạn nghiên cứu.

Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần:

Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải:

Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt.

Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân.

“Lương y phải kiêm từ mẫu”. Cán bộ y tế nên cố gắng thực hiện mấy điểm này:

Về chuyên môn: Cần luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta hiện nay.

Về chính trị: Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: Yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác.

Về tổ chức: Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân.

Về cán bộ: Cần lựa chọn và đào tạo nhiều cán bộ mới trong số thanh niên nam nữ, dạy cho họ những công tác cần thiết trong nhân dân, trong dân công ở vùng tạm chiếm và vùng rừng núi.

Một số cán bộ y tế đã được chỉnh huấn, đó là một việc rất tốt.

Nên xếp đặt công việc để cho mọi người đều được chỉnh huấn, như thế sẽ rất lợi cho công tác chung cho Bộ.

Chúc Hội nghị thành công.

Chào thân ái và quyết thắng!

(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, t.8, tr.154-155)

32. Thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan

Thân ái gửi lớp chỉnh huấn,

Nhân dịp mở đầu lớp chỉnh huấn, Bác có mấy lời giúp các cô, các chú nghiên cứu:

Vì sao phải chỉnh huấn?

Vì cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm như:

- Chưa hiểu rõ đường lối cách mạng dân tộc - dân chủ; chưa nắm được vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh.

- Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình).

- Vì vậy mà mắc nhiều bệnh. Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như:

Tự tư tự lợi, sợ khó, sợ khổ;

Không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng;

Lãng phí, tham ô. Quan liêu, mệnh lệnh, v.v..

Chỉnh huấn phải thế nào?

Chỉnh huấn là cốt để giúp cán bộ nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Muốn có kết quả ấy thì phải:

- Mở rộng dân chủ: Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình.

- Chống thái độ rụt rè, nể nả giữa cấp dưới và cấp trên, giữa công nông và trí thức, giữa cán bộ ngoài Đảng và trong Đảng.

Nhiệm vụ của mọi người:

- Cán bộ phụ trách các cơ quan phải thật thà lãnh đạo việc chỉnh huấn.

- Những người dự lớp chỉnh huấn thì phải quyết tâm học tập, quyết tâm cải tạo; giúp nhau học tập, giúp nhau cải tạo.

Các cô, các chú đều là những cán bộ kháng chiến, cán bộ cách mạng, đều là những cán bộ có thể tiến bộ và có tương lai vẻ vang.

Mong các cô, các chú cố gắng học tập, để tiến bộ mãi, để toàn tâm toàn lực phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân, để làm tròn nhiệm vụ (nhất là nhiệm vụ phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất), để trở nên những cán bộ gương mẫu.

Chúc các cô, các chú mạnh khỏe và chỉnh huấn thành công.

Chào thân ái và quyết thắng

(Báo Nhân Dân, số 120, từ ngày 26 đến ngày 30-6-1953).

33. Bài nói tại Hội nghị cán bộ vùng địch hậu

Hôm nay Bác thay mặt cho Đảng và Chính phủ hoan nghênh các cô, các chú. Bác khen các cô, các chú ở đây, và khen đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở địch hậu đã cố gắng, đã bền bỉ chống giặc, tích cực vượt mọi khó khăn, tiêu diệt được nhiều giặc. Đó là công to của tất cả các cô, các chú, của tất cả đồng bào và bộ đội. Sau hội nghị năm ngoái, các cô, các chú đã tiến bộ nhiều; có chỗ thực hiện đúng chính sách của Đảng và Chính phủ. Đồng thời cán bộ và bộ đội đã quan tâm đến đời sống của đồng bào. Đó là đáng khen. Nhưng khuyết điểm còn nhiều. Những khuyết điểm đó cần phải sửa, và nhất định sửa được.

Những khuyết điểm đó là gì?

1. Phần đông đánh hăng, nhưng không thấy rõ, không biết trước âm mưu địch. Trong chiến tranh, muốn thắng thì phải biết địch, biết mình. Ta đánh nhau với giặc đã 6 - 7 năm, nếu chú ý điều tra nghiên cứu, thì nhất định biết được âm mưu của giặc, tìm được sơ hở nó mà đánh.

2. Nhiều địa phương còn kém về chính sách đoàn kết nhân dân để chống lại giặc. Vì không nắm vững chính sách của Đảng, cho nên đã hấp tấp phát động quần chúng, không xin phép Trung ương, không thỉnh Bài nói tại hội nghị cán bộ vùng địch hậu 321 thị báo cáo, đã đấu bậy. Đấu cả địa chủ thường, cả phú nông, cả trung nông, có khi đấu cả bần nông. Thế là phá hoại chính sách đoàn kết để đánh giặc. Giai cấp địa chủ là thù, nhưng đối với cá nhân địa chủ thì chính sách của Đảng có phân biệt đối đãi. Đối với phú nông thì khẩu hiệu của Đảng là liên hiệp với phú nông đúng mức. Trung nông là bạn đồng minh lâu dài của chúng ta. Thế mà các chú đấu tất cả. Có nơi tăng tiền công quá đáng, định giá 1 ngày 60, 70 cân thóc, vì vậy mà phú nông, địa chủ không mướn người làm, anh em bần cố nông bị thất nghiệp. Đối với đồng bào Công giáo thì chưa biết ra sức tranh thủ. Có nơi vận động đã có kết quả, nhưng rồi lại không cố gắng liên tục. Đồng bào Công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được. Làm được như vậy thì phá được một phần âm mưu của địch, và rất có lợi cho việc đoàn kết nhân dân để kháng chiến.

3. Về mặt chỉ đạo thì các cấp làm việc chưa được tập thể, chưa đi sát với quần chúng. Có tỉnh cả một năm mới khai hội một lần, có xã một năm không thấy mặt ủy ban huyện. Lại nhiều giấy tờ hình thức. Để công ngồi viết hàng trăm tờ giấy mà không lo việc đánh giặc, đi sát quần chúng. Báo cáo cốt để giúp cấp trên chỉ đạo, phải nêu được vấn đề để cấp trên giúp sửa chữa khuyết điểm, để phổ biến ưu điểm. Bác hay đọc báo cáo, nhưng báo cáo dài hàng trăm trang thì Bác cũng chịu.

Vậy phải làm thế nào?

1. Phải hiểu rõ tình hình của địch. Nhất định có thể hiểu được. Phải nhờ lỗ tai, con mắt của dân, dựa vào dân mà lấy tình hình và phân tách âm mưu của địch.

2. Phải nắm vững chính sách của Trung ương đưa xuống. Trung ương tổng kết, cân nhắc tình hình thế giới và trong nước, vùng tự do và địch hậu mà định ra chính sách. Nhất định phải nắm cho vững. Nắm vững chính sách thì nhất định thắng lợi. Những việc cụ thể phải làm, đây có Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị và các cô, các chú sẽ thảo luận.

Bác chỉ nói tóm tắt vài điểm:

a) Các cô, các chú phải ghi nhớ và về truyền lại cho anh em ở địa phương là phải nâng cao tinh thần đấu tranh bền bỉ, vượt mọi gian khổ khó khăn, vì địch càng thất bại thì càng hung tàn. Địch hung tàn không phải tỏ ra nó mạnh mà vì nó yếu. Chúng ta có Đảng, có Chính phủ, có toàn dân, có nhân dân tiến bộ toàn thế giới ủng hộ. Các cô, các chú kiên quyết khắc phục khó khăn, luôn luôn dựa vào đồng bào, quan tâm đến đời sống đồng bào, đi sát với đồng bào, làm đúng chính sách đoàn kết, thì ta nhất định thắng và sẽ thắng hoàn toàn.

b) Lính Tây hiện rất ít. Phần lớn bộ đội địch là ngụy binh. Ngụy binh là đồng bào ta bị địch mê hoặc. Nếu ta vận động khéo, giáo dục cho họ rõ mưu mô của giặc “dùng người Việt đánh người Việt” thì ta có thể làm tan rã hàng ngũ ngụy binh, phá âm mưu của địch và thu nhiều thắng lợi.

c) Trong Hội nghị này, các cô, các chú đã hiểu rõ thêm đường lối, chính sách của Trung ương và Chính phủ. Bây giờ về phải ra sức làm, làm cho đúng: ra sức đoàn kết nhân dân, đấu tranh với giặc, chống càn quét, chống bắt lính, chống dồn làng; ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, chấn chỉnh cơ sở tổ chức của Đảng, chấn chỉnh sự chỉ đạo. Làm được như vậy thì chúng ta nhất định phá được âm mưu địch và giành được nhiều thắng lợi mới.

d) Cuộc đấu tranh chống giặc sẽ gay go gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Các cô, các chú phải luôn luôn nâng cao tính cảnh giác đối với âm mưu địch, luôn luôn làm cho đồng bào và cán bộ hăng hái đấu tranh và tin tưởng ở thắng lợi. Khi thắng, không được chủ quan khinh địch; khi gặp khó khăn tạm thời, không được bi quan dao động. Bây giờ Bác hỏi các cô, các chú: Tính đổ đồng mỗi đội viên du kích trong 3 tháng giết 1 tên địch, có làm được không?

Cố gắng lên thì nhất định làm được. Quyết tâm thì nhất định làm được. Bác nhờ các chú chuyển lời Bác thân ái hỏi thăm đồng bào, bộ đội, các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, các anh em thương binh.

(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, t.8, tr.322)

34. Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn

Bệnh cá nhân chủ nghĩa đẻ ra bệnh kiêu ngạo.

Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình.

Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình.

Xa tránh những người tính trực nói thẳng...

Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa.

Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhân dân lao động, chứ không phải của anh hùng cá nhân. Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng to, càng mới. Đại đa số chúng ta thì trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít. Chúng ta phải cố gắng làm, cố gắng học, cố gắng tiến bộ mãi. Có như thế mới làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho chúng ta.

Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên. Có như vậy mới tiến bộ chung, tiến bộ mãi.

Thế là khiêm tốn. Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi.

(Theo Báo Nhân Dân, số 194, từ ngày 13 đến ngày 15-6-1954).

35. Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô

Bác được biết các cô, các chú, như thanh niên xung phong, lái xe ô tô, bộ đội bảo vệ, cán bộ các ngành đều cố gắng công tác, Bác khen ngợi các cô, các chú:

1. Bây giờ các cô, các chú đương học 8 chính sách, 10 điều kỷ luật. Các cô, các chú có mấy thắc mắc:

- Vào Hà Nội phải có quần áo đẹp. Như thế là không đúng. Người ta quý trọng người tốt, chứ không quý trọng vì có áo quần đẹp.

- Lương bổng như thế nào. Bác có thể trả lời ngay rằng Chính phủ sẽ đảm bảo cho các cô, các chú giữ đủ mức sống hiện nay. Tùy theo giá sinh hoạt cao hay thấp mà mức lương có thể tăng hoặc giảm, cốt giữ cho được mức sinh hoạt bình thường.

- Tương lai công tác của mình sau này thế nào. Về điểm này Bác, Đảng và Chính phủ sẽ bảo đảm cho ai nấy đều có công việc theo năng lực của mình. Nếu làm được việc thì Đảng, Chính phủ luôn luôn săn sóc đến, giao công tác cho. Ai mà tự kiêu, tự mãn thì sẽ thoái bộ; khi đó không trách được Đảng và Chính phủ.

2. Bác bổ sung một điều đáng thắc mắc mà các cô, các chú không ai nêu ra. Đó là một khuyết điểm rất to của các cô, các chú. Điểm đó là: Khi về xuôi thì đạo đức và nhân cách của mình phải thế nào?

Các cô, các chú là những người kháng chiến, đều đã được học tập, rèn luyện, được thực hiện tự phê bình và phê bình. So với người không tham gia kháng chiến, không được học tập, rèn luyện thì các cô, các chú đã tiến bộ hơn rất nhiều.

Tiến bộ ở những điểm nào?

- Tác phong chịu đựng gian khổ.

- Tinh thần luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho.

Đảng và Chính phủ đã đào tạo cho các cô, các chú thành những người tốt, mặc dù còn nhiều khuyết điểm phải sửa chữa.

3. Bây giờ về xuôi thì thế nào?

Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.

Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.

Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu.

Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: Phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp, v.v.. Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc ...

Một vài thí dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ăn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ăn hối lộ, mà ăn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ.

Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy.

Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Cuối cùng Bác dặn các cô, các chú: Về xuôi phải làm gương mẫu trong mọi việc, tùy hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân. Gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ, sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến. Ngay đối với những người không kháng chiến, những người “dinh tê” cũng không khinh rẻ họ, mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ, để họ cùng ta làm việc. Việc nước là việc chung, mà việc thì rất nhiều, chỉ Bác cháu ta không làm hết việc đâu. Chúng ta phải dùng năng lực của mọi người.

Bất kỳ trước đây họ là thế nào, nếu ngày nay họ thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, nếu họ muốn thật thà phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thì chúng ta cần cộng tác với họ.

Bác mong các cô, các chú nhớ kỹ và thực hành điều đó.

(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, t.9, tr.46)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: