49. Lời chào mừng Đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ II
Thưa các đồng chí,
Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt chào mừng các anh hùng và chiến sĩ, và thân ái gửi lời hỏi thăm những chiến sĩ và những anh chị em lao động chân tay và trí óc các ngành và các nơi đang hăng hái tham gia thi đua yêu nước.
- Ở Đại hội lần thứ nhất có bảy anh hùng, trong đó có bốn anh hùng quân đội, và 150 chiến sĩ thi đua. Đại hội lần này, chúng ta có 26 anh hùng lao động và 69 anh hùng quân đội, và 446 chiến sĩ thay mặt cho hơn 42.700 chiến sĩ thi đua.
Thế là rất tốt. Con số đó chứng tỏ sự tiến bộ không ngừng của nhân dân ta, quân đội ta, chế độ ta.
- Ở Đại hội này, chúng ta có anh hùng và chiến sĩ lao động chân tay và trí óc đủ các ngành và các dân tộc anh em. Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ sự đoàn kết chặt chẽ và sự cố gắng toàn diện của nhân dân lao động ta.
- Ở Đại hội này, trong số 26 anh hùng lao động, có 5 phụ nữ. Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ sự cố gắng và tiến bộ của phụ nữ ta và chứng tỏ dưới chế độ ta, nam nữ thật sự bình quyền.
- Ở Đại hội này, có 6 anh hùng và nhiều chiến sĩ là đồng bào miền Nam tập kết. Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ rằng đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết ở đây đang ra sức góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến dần lên xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Điều này sẽ có ảnh hưởng rất tốt đến đồng bào ta ở miền Nam.
- Trong hàng ngũ vẻ vang các chiến sĩ thi đua, có nhiều đồng chí bộ đội phục viên, thương binh và gia đình liệt sĩ. Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ rằng anh em thương binh và bộ đội phục viên đã tiếp tục và phát triển truyền thống anh dũng trong thời kỳ kháng chiến vào trong công cuộc xây dựng hòa bình, và các gia đình liệt sĩ cũng cố gắng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Ở Đại hội này lại có một anh hùng và nhiều chiến sĩ là người dân các nước anh em lao động ở nước ta. Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ tinh thần quốc tế cao cả của giai cấp lao động.
*
* *
Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không dại gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ để rồi lại bị chúng áp bức bóc lột thêm.
Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua.
Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta đã làm chủ nước nhà, vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, vì ta được sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc.
Về thi đua yêu nước, trong khuôn khổ và khả năng của chúng ta, chúng ta phải học tập phong trào thi đua của Trung Quốc, cố gắng tiến kịp Trung Quốc, rồi cố gắng tiến kịp Liên Xô.
Hiện nay, ở Liên Xô hầu hết việc làm công nghiệp và nông nghiệp đều làm bằng máy. Ở Trung Quốc thì vừa phát triển máy móc, vừa tận dụng sức người. Vì vậy, tôi muốn nêu lên vài kinh nghiệm thi đua ở Trung Quốc để chúng ta nghiên cứu, học tập.
Ở Trung Quốc, tất cả các ngành kinh tế và văn hóa đều đang hăng hái thi đua và đã thực hiện khẩu hiệu “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
Kế hoạch sản xuất công nghiệp do Chính phủ giao xuống, công nhân đều hoàn thành gấp rưỡi, gấp đôi, mà không xin thêm máy, thêm tiền, thêm người. Nhiều xí nghiệp còn giảm bớt số người chuyển sang xí nghiệp mới.
Trong phong trào thi đua, nhiều chiến sĩ đã cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất đến mức xưa nay chưa từng có (...).
Có những tiến bộ nhảy vọt đó, một mặt là vì mọi người lao động đều tư tưởng thông suốt, hăng hái thi đua; một mặt là vì sự lãnh đạo thiết thực và toàn diện.
Ở xí nghiệp thì các cán bộ lãnh đạo của chi bộ, của đoàn thanh niên, của công đoàn và giám đốc đều trực tiếp tham gia sản xuất. Ở nông thôn thì các đồng chí đó phải tự tay làm ruộng thí nghiệm và trực tiếp tham gia lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Như vậy, cán bộ vừa lãnh đạo chính trị, vừa lãnh đạo sản xuất một cách chặt chẽ. Cán bộ và quần chúng hòa thành một khối cho nên mọi vấn đề đều giải quyết tốt và nhanh.
Đó là tóm tắt những kinh nghiệm quý báu mà chúng ta cần học tập và áp dụng.
*
* *
Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi. Đó là những đức tính cách mạng mà chúng ta cần phải học tập các anh hùng, chiến sĩ thi đua.
Các anh hùng, chiến sĩ thi đua thì cần nhận rõ rằng: Thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích, thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn. Tuyệt đối chớ tự mãn, tự túc. Vì vậy, các anh hùng, chiến sĩ cần phải luôn luôn cố gắng và khiêm tốn.
Các anh hùng và chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dắt dìu, giúp đỡ những người chung quanh mình cùng tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sĩ. Anh hùng, chiến sĩ thì cần tiến mãi không ngừng. Như vậy, thì Đại hội lần sau chúng ta sẽ có hàng trăm anh hùng, hàng chục vạn chiến sĩ. Như vậy thì kế hoạch Nhà nước năm nay cũng như kế hoạch ba năm chắc chắn sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Như vậy đời sống của nhân dân ta chắc chắn sẽ cải thiện hơn nữa. Như vậy, chúng ta sẽ vững bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và nhất định thắng lợi trong sự nghiệp thống nhất nước nhà.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1578, ngày 8-7-1958).
50. Bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang
Thưa đồng bào,
Nhân dịp Đại hội Đảng của tỉnh ta, Bác và các đồng chí Trung ương Chu Văn Tấn, Nguyễn Khai và đồng chí Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an võ trang nhân dân, dân quân và cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng. Chúng tôi tỏ lòng cảm ơn các đồng chí chuyên gia nước anh em đang tận tình giúp ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau đây là câu chuyện mà Bác mong đồng bào và cán bộ tất cả các dân tộc, các địa phương hiểu rõ, ghi nhớ và cố gắng thực hiện.
Trước kia, chúng ta làm cách mạng và kháng chiến đánh đổ vua chúa và địa chủ phong kiến, đánh đuổi giặc Nhật, giặc Tây, để giành lấy tự do cho các dân tộc.
Ngày nay, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng. Muốn được như vậy thì tất cả mọi người, gái cũng như trai, tất cả mọi dân tộc phải hiểu rằng: Nói chung thì mình là người chủ tập thể của nước nhà; nói riêng thì công nhân là chủ nhà máy, xã viên là chủ hợp tác xã nông nghiệp.
Mọi người đều làm chủ, thì mọi người phải ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, tức là thực hiện khẩu hiệu “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc”.
…
Về công tác lãnh đạo: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng.
Do đó mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện, chung chung.
Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô.
Trong mọi công việc, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ…
Hiện nay, Trung ương Đảng sắp mở một đợt chỉnh huấn nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân thấm nhuần thêm tư tưởng làm chủ nước nhà và nâng cao ý thức xã hội chủ nghĩa. Tất cả chúng ta sẽ vui vẻ phấn khởi tham gia cuộc chỉnh huấn mới, để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm để hoàn thành những nhiệm vụ mới, giành lấy những thắng lợi mới.
*
* *
Thưa đồng bào,
Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Với quyết tâm phấn đấu của chúng ta, với sự giúp đỡ tận tình của các nước anh em, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Cuối cùng, chúng tôi nhờ các vị chuyển lời thân ái hỏi thăm của Trung ương Đảng và Chính phủ đến đồng bào, bộ đội và cán bộ ở các địa phương.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 2563, ngày 27-3-1961).
51. Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Doàn Thanh niên Lao động Việt Nam
…
Hiện nay, nhiệm vụ của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; trước mắt là phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay, làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của chúng ta. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng.
Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội.
- Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế mà số đông thanh niên công nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Cần phải học kinh nghiệm tốt của các đoàn thanh niên bạn. Học đi đôi với hành. Lênin có nói: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản”.
- Cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”.
- Đoàn Thanh niên Lao động cần phải phụ trách:
+ Việc tổ chức và giáo dục cho tốt các cháu nhi đồng, chuẩn bị cho các cháu ấy mai sau trở nên những đoàn viên tốt.
+ Việc đẩy mạnh phong trào đời sống mới một cách thiết thực và liên tục, từ việc nhỏ đến việc to.
+ Việc tuyên truyền sâu rộng và chấp hành nghiêm chỉnh Luật hôn nhân và gia đình.
Sau đây là mấy điều cần phải chú ý:
- Thanh niên có nhiều sáng kiến hay, gây những phong trào có ích và lúc đầu rất sôi nổi. Như thế là tốt. Nhưng phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực. Không nên chỉ có hình thức, càng không nên “đầu voi đuôi chuột”.
- Trong sản xuất, thanh niên đều hăng hái, nhưng chưa biết nắm chặt lấy chỉ tiêu kế hoạch mà phấn đấu để hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
- Một số khá đông thanh niên chưa hiểu thấu rằng tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang, vì vậy họ chưa thiết tha yêu nghề, thường “đứng núi này, trông núi nọ”. Nhiều thanh niên nông thôn chưa hiểu rằng nông nghiệp là cực kỳ quan trọng cho quốc kế dân sinh, vì vậy mà họ chưa thật thích thú với sản xuất nông nghiệp. Thanh niên ta cần phải hiểu rằng: Bất kỳ công việc gì, mà ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều là vẻ vang, đều là anh hùng.
Vài ý kiến về lãnh đạo:
- Cán bộ lãnh đạo cần phải chống bệnh quan liêu, chống cách lãnh đạo chung chung. Cần phải đi sâu đi sát, điều tra nghiên cứu. Cần phải khuyến khích, thu góp, bổ sung và phổ biến rộng rãi những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt của quần chúng. Cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể.
- Trong thời kỳ kháng chiến, mặt trận chính của chúng ta là đánh giặc thực dân. Ngày nay, kinh tế là mặt trận chính của chúng ta. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo cần phải biết kinh tế, biết kỹ thuật. Chưa biết thì phải cố gắng học cho biết.
- Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực.
Vấn đề phát triển Đoàn:
Miền Bắc nước ta có độ non 4 triệu thanh niên. Hiện nay số đoàn viên chỉ chiếm độ 1 phần 4 tổng số đó. Thế nghĩa là Đoàn có thể và nên phát triển mạnh hơn nữa. Phong trào thi đua yêu nước làm nảy nở ra nhiều thanh niên tích cực và tiên tiến ở các ngành, các nghề. Đó là điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Thưa Đại hội,
Chúng ta ở trong giai đoạn lịch sử cực kỳ vĩ đại: Chế độ tư bản đế quốc ngày càng suy sụp xuống. Chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh mẽ lên. Từ Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đến cuộc kháng chiến của Việt Nam thắng lợi, những trận đấu tranh cực kỳ gian khổ khó khăn, nhiều khi phải hy sinh xương máu, những người cách mạng lớp trước đã phụ trách và đã xây dựng nền tảng để cho thanh niên tiến lên. Ngày nay, thanh niên ta cũng phải ra sức phấn đấu, nhưng phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội không phải hoạt động bí mật, càng không phải hy sinh xương máu và phấn đấu với những điều kiện khó khăn ít mà thuận lợi nhiều. Nhất là miền Bắc nước ta. Nhân dân ta sẵn có truyền thống anh dũng và cần cù, chúng ta lại có các nước anh em - trước hết là Liên Xô và Trung Quốc - hết lòng giúp đỡ. Vậy, Đại hội này cần định một chương trình hoạt động thật cụ thể và thiết thực để làm cho thanh niên ta thấm nhuần sâu sắc tinh thần làm chủ nước nhà và đạo đức của thanh niên cách mạng, đưa tất cả trí tuệ và lực lượng của tuổi trẻ góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác tin chắc rằng thanh niên ta sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất vẻ vang của đạo quân xung phong tất thắng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 2561, ngày 25-3-1961).
52. Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước
Các đồng chí,
Nhân dân ta vốn có truyền thống giàu lòng yêu nước, cần cù, tiết kiệm và luôn luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để phục vụ Tổ quốc.
Cho nên, mỗi khi cách mạng cần đến sức người, sức của thì nhân dân đều nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ta. Nhờ vậy mà cách mạng đã thành công, kháng chiến đã thắng lợi.
Đồng thời, Đảng ta luôn luôn kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Tuy vậy, trong các ngành, các đơn vị, các địa phương, việc sử dụng sức của, sức người của nhân dân còn nhiều chỗ không hợp lý. Cho nên từ nay, chúng ta bắt đầu mở một cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Cần phải dứt khoát rằng số đông cán bộ và công nhân ta đều tận tụy và trong sạch. Cho nên chúng ta đã thu được những thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng vẫn còn một số người không tốt, còn phạm sai lầm tham ô, lãng phí và còn mang nặng bệnh quan liêu, ảnh hưởng rất xấu đến công cuộc xây dựng kinh tế của nhân dân ta. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết chống lại những tệ hại ấy.
Cuộc vận động này sẽ tổ chức thế nào, chỉ đạo thế nào, tiến hành thế nào cho tốt? Những điều đó sẽ có chỉ thị đầy đủ của Bộ Chính trị và của Ban Chỉ đạo Trung ương. ở đây tôi chỉ tóm tắt nêu ra mấy điểm.
Chống tham ô - Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người. Nhân dân lao động ta làm lụng đổ mồ hôi sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công - của Nhà nước và của tập thể. Của công ấy là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta.
Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng. Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm, thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra trước pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công. Của công của Nhà nước và của tập thể là “bất khả xâm phạm”, tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta.
Chống lãng phí - Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội… Nói tóm lại, lãng phí là vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của nhân dân.
Chống quan liêu - Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình.
Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách. Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô.
Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu.
…
Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên. Nó có hai ý nghĩa quan trọng:
- Nó làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân.
- Nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do đó mà nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã hùng mạnh, càng hùng mạnh thêm.
Trong cuộc vận động này, chúng ta cần ôn lại những lời căn dặn của Lênin. Năm 1918, trong quyển Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xôviết, Lênin đã dạy: “Phải rành mạch và thật thà kế toán tiền bạc, tiết kiệm kinh tế, không lười biếng, không ăn trộm của công làm của tư, phải giữ cực kỳ nghiêm ngặt kỷ luật lao động. Trước mắt, đó là khẩu hiệu chủ yếu rất bức thiết..., là những điều kiện cần kíp và đầy đủ để làm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi triệt để... Phải chỉnh đốn kỷ luật trong hàng ngũ ta, loại trừ hết những kẻ lười biếng, lũ ăn bám, bọn trộm cắp của công... Phải dùng những biện pháp tiết kiệm nhất, phải nhổ tận gốc tất cả những hiện tượng lãng phí... Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh...”. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi thì nhân dân ta phải kiên quyết thực hiện lời dạy của Lênin.
Trong cuộc vận động này, giáo dục là chính, làm cho những người đã phạm lỗi có dịp để thật thà “cải quá tư tân”. Đồng thời phải có kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn sửa chữa; đồng thời khuyến khích những người tốt càng tận tụy và càng gương mẫu trong việc phục vụ nhân dân. Vì vậy, cần nắm vững phần xây dựng là nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, đồng thời kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Tuy cuộc vận động phải đúng mức, không tràn lan, nhưng chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp. Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, với quyết tâm của cán bộ và sự hăng hái tham gia của quần chúng, cuộc vận động này nhất định sẽ có kết quả tốt…
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, tr.416-422)
Tâm Trang (tổng hợp)