36. Bài nói chuyện tại Lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam
Hôm nay, Bác thay mặt Chính phủ đến hỏi thăm các cháu và chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, thi đua học tập, cố gắng tiến bộ.
Sau đây, Bác nêu vài ý kiến về việc giáo dục thanh niên để giúp các thầy giáo và các cháu nghiên cứu.
Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?
Trong mấy mươi năm nô lệ, đế quốc và phong kiến đã dùng giáo dục nô lệ để nhồi sọ thanh niên ta, làm cho thanh niên ta hư hỏng. Ngày nay, dân tộc ta đã được giải phóng, thì thanh niên ta cũng cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập. Nay,
Bác chỉ tóm tắt nêu mấy điểm:
Những điều nên làm: Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái.
Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn.
Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta.
Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
- Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới. Thí dụ: Đế quốc Mỹ ép Quốc hội Pháp thông qua hiệp định để Tây Đức vũ trang lại, tức là để gây chiến tranh, nếu có chiến tranh thì sẽ ảnh hưởng không ít đến nước ta. Nhân dân ta ra sức giữ gìn hòa bình, khôi phục lại kinh tế, chống đế quốc Mỹ, như thế là góp phần thiết thực vào việc bảo vệ hòa bình thế giới.
- Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?
- Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng.
Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Thanh niên và xã hội:
- Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Trong xã hội cũ có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên. Nhất là văn hóa độc ác của Mỹ, nó dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh, v.v. để làm cho thanh niên hư hỏng, trụy lạc. Thậm chí một số thanh niên hóa ra lưu manh, trộm cắp, cờ bạc, v.v.. Vì vậy, sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên.
Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”. Đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ những anh chị em phục vụ cho nhà trường. Các anh chị em nhân viên thì nên thi đua sao cho cơm lành canh ngon để cho học sinh ăn no, học tốt.
Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi.
Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên. ở trường này, các cháu học tập, ăn ở tập thể đông đảo, trai có, gái có. Các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh em, chị em; đồng thời phải kính trọng nhau như đồng học, đồng chí. Quyết chớ phóng túng, lôi thôi. Phải làm cho cha mẹ các nữ học sinh yên tâm và tin cậy, phải giữ vững danh dự của trường và danh dự của tất cả học sinh. Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng.
Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa.
- Trường này là trường Đại học Nhân dân, các cháu học với các thầy giáo, đồng thời phải học nhân dân. Trong bộ đội ta, trong dân công và những ngành hoạt động khác, có nhiều thanh niên gương mẫu. Điều đó chứng tỏ rằng thanh niên ta nói chung rất hăng hái, rất tốt. Vài thí dụ: Trong bộ đội có những thanh niên anh hùng như La Văn Cầu, Giáp Văn Khương, Nguyễn Thị Chiên... Ở công trường đường xe lửa có những chiến sĩ gương mẫu như Lê Văn Quy, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Trọng Tùy, Lê Văn Phát và nhiều thanh niên khác. Trong thời kỳ kháng chiến, họ là những chiến sĩ du kích anh dũng. Ngày nay, trong công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà, họ là những chiến sĩ lao động anh dũng. Thanh niên ở các công trường, các nhà máy khác cũng vậy. Như đoàn thanh niên xung phong, gặp việc gì khó, việc gì cần, họ cũng đều xung phong.
Mong các cháu noi theo những gương thanh niên kiểu mẫu ấy, các cháu cùng thi đua học tập, thi đua tiến bộ, xung phong công tác xã hội, để góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của nhân dân cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước, để xứng đáng là lớp đầu tàu của trường Đại học Nhân dân, để rèn luyện thành chủ nhân xứng đáng tương lai của nước nhà.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 326, ngày 21-01-1955).
37. Bài nói chuyện trong Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn "Thái Nguyên - Bắc Giang"
…
TRONG HỘI NGHỊ NÀY CÁC CÔ, CÁC CHÚ PHẢI LÀM GÌ?
Một là phải thật thà, thành khẩn tự phê bình, xem lại mình có khuyết điểm gì, anh chị em mình có khuyết điểm gì. Có người sợ nói ra mất thể diện thế là dại, cũng như người có bệnh mà giấu bệnh không nói rõ cho thầy thuốc biết. Giấu bệnh thì bệnh ngày càng nặng. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng nhiều. Phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh anh chị em phê bình. Phải thật thà tự phê bình chứ không phải là phê bình qua loa. Phải hoan nghênh đồng chí phê bình mình. Mình phải tự đấu tranh với mình. Cải cách ruộng đất là đấu tranh giai cấp.
Đấu tranh thì có địch có bạn. Bần nông, cố nông là quân đội chống phong kiến, cán bộ là đội trưởng. Đội trưởng mà có nhiều khuyết điểm, dút dát, không xung phong, không đi sát bộ đội thì không thắng được địch. Muốn thắng địch bên ngoài thì trước hết phải thắng kẻ địch trong con người mình bằng cách thật thà tự phê bình và phê bình.
Cán bộ phải nâng cao tinh thần kỷ luật, phải giữ đúng kỷ luật. Làm việc gì cũng phải có tổ chức. Trong cải cách ruộng đất càng phải có tổ chức. Phải có tinh thần tiến lên mãi, tiến lên không ngừng. Các cô, các chú phải phát triển ưu điểm sẵn có, sửa chữa những khuyết điểm mà Bác đã nói trên. Có như thế mới xứng đáng là người cách mạng, mới xứng đáng với lòng tin của Đảng và Chính phủ.
Các cô, các chú là chiến sĩ chống phong kiến cũng như bộ đội chống giặc ngoại xâm. Mỗi lần phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất là một chiến dịch, các cô, các chú là chiến sĩ xung phong trong chiến dịch ấy. Chiến sĩ trong bộ đội chống giặc ngoại xâm luôn luôn tiến bộ, chiến đấu từ cái gậy tầm vông đến chỗ lấy được súng đại bác của địch. Chiến đấu từ đội du kích trở thành quân đội rất mạnh, từ những trận đánh úp, trận đánh nhỏ đến những trận rất to như Hòa Bình, Biên giới, Điện Biên Phủ.
Quân đội ta làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho. Các cô, các chú phải cố gắng như bộ đội, để tiến bộ như bộ đội.
NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO
- Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc. Phải kiểm tra công tác của cán bộ, nếu chỉ nghe báo cáo, có khi cán bộ báo cáo không đúng thì lãnh đạo sẽ sai lệch.
- Lãnh đạo phải tập thể. Nhiều ý kiến góp lại thì đúng hơn, nếu mọi người làm theo ý kiến riêng của mình thì thất bại.
Phải nâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết.
*
* *
Cán bộ về xã phải chú ý giúp đỡ và bồi dưỡng cốt cán, trước hết là cốt cán bần nông, cố nông. Các cô, các chú làm xong cải cách ruộng đất thì kéo về, nếu không bồi dưỡng cán bộ địa phương thì khi đoàn rút về, công việc ở xã sẽ không trôi chảy. Khi ở xã phải có cốt cán giúp việc; lúc đoàn rút về rồi, phải có cốt cán tiếp tục làm việc.
Phải phóng tay phát động quần chúng. Phóng tay nghĩa là tin tưởng quần chúng, phát động quần chúng rộng rãi. Có nơi cán bộ không cho quần chúng tố hết tội ác của địa chủ cường hào gian ác.
Không cho quần chúng tố khổ hết thì làm thế nào biết được địa chủ cường hào gian ác.
Phải biết phân hóa giai cấp địa chủ. Trong đám địa chủ có người thế này có người thế khác, nếu không biết phân hóa, họ sẽ đi với nhau thành một lực lượng chống lại nông dân.
Phải làm đúng chỉ thị của Đảng, của Chính phủ. Không được làm sai.
Trong đợt II, một số cán bộ còn phạm khuyết điểm dùng nhục hình. Nhục hình là lối dã man, là cách của đế quốc tư bản phong kiến, nó dùng để trị quần chúng, trị cách mạng. Chúng ta có chính sách đúng, có lý lẽ đúng, có lực lượng mạnh, sao còn dùng cách dã man? Dùng nhục hình là chưa tẩy sạch tư tưởng dã man, đầu óc phong kiến đế quốc. Dùng nhục hình là vì không chịu khó phát động quần chúng. Đợt này tuyệt đối không được dùng nhục hình, nếu dùng nhục hình là trái chính sách của Đảng, của Chính phủ, trái tác phong của cách mạng.
Về xã một công việc quan trọng nhất là chỉnh đốn các tổ chức ở nông thôn: ủy ban hành chính, công an, du kích, nông hội, thanh niên, phụ nữ, v.v. nhất là chỉnh đốn chi bộ. Nếu cứ để những phần tử xấu ở trong các tổ chức thì không hoàn thành được công việc giảm tô.
Quan trọng nhất là chỉnh đốn chi bộ, chi bộ là nền tảng của Đảng, của cách mạng ở xã, nếu không chỉnh đốn chi bộ được tốt thì những phần tử xấu sẽ ngóc đầu lên. Muốn chỉnh đốn chi bộ tốt, thì những phần tử xấu phải xử trí đúng mức: Cần đuổi ra khỏi Đảng thì đuổi ra, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục. Việc này là việc quan trọng nhất, tất cả Đội phải làm. Muốn xử trí đúng mức phải dựa vào quần chúng, nếu nói nhất loạt tốt cả, hoặc xấu cả cũng không được, muốn biết ai tốt ai xấu phải dựa vào quần chúng.
Hiện nay, Đảng và Chính phủ có mở đầu một phong trào thi đua sản xuất trong mùa xuân để khôi phục kinh tế và nâng cao mức sống của nhân dân. Kinh tế của ta là kinh tế nông nghiệp. Về xã các cô, các chú phải kết hợp vận động thi đua sản xuất mùa xuân với công tác cải cách ruộng đất. Phải tùy hoàn cảnh địa phương, kết hợp không máy móc. Việc đó nhất định phải làm. Kết hợp thế nào thì đoàn ủy và các đồng chí phụ trách nghiên cứu kỹ lưỡng.
*
* *
Các cô, các chú có điều kiện tốt để làm cải cách ruộng đất đợt III thành công tốt đẹp (Chính vì lầm tưởng hòa bình là thái bình cho nên có những tư tưởng sai lầm, như muốn nghỉ ngơi, lập gia đình, đổi công tác về thành phố. Thế là sai lầm. Hiện nay, hòa bình chưa được củng cố. Một nửa nước ta còn quân Pháp đóng. Muốn củng cố hòa bình thì phải đẩy mạnh cải cách ruộng đất). Điều kiện thuận lợi của ta là gì?
- Nông dân khao khát được ruộng đất.
- Chính sách của Đảng và Chính phủ đúng, hợp với quyền lợi nông dân và các tầng lớp nhân dân.
- Cán bộ đã được chỉnh huấn, có kinh nghiệm, có quyết tâm.
…
Các cô, các chú phải:
- Quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm Bác nêu lên.
- Phải giữ vững kỷ luật, nâng cao tính tổ chức.
- Phải cố gắng thi đua, ba cùng với quần chúng.
- Phải theo đường lối quần chúng, làm đúng chỉ thị của cấp trên, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
- Phải quyết tâm làm cải cách ruộng đất đợt III cho thật tốt.
Để khuyến khích các cô, các chú, Bác tặng 15 giải thưởng cho cả cán bộ lãnh đạo, cả cán bộ và anh chị em dân công.
Muốn được giải thưởng thì phải cố gắng. Bác sẽ đề nghị Chính phủ thưởng huân chương cho những cán bộ có thành tích xuất sắc nhất.
Chúc các cô, các chú mạnh khỏe, cố gắng làm tròn nhiệm vụ.
(Trích trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Sđd, t.III, tr.84-92).
38. Người cán bộ cách mạng
Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:
Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.
Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.
Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.
Chúng ta đã thắng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đó là nhờ các tiên liệt Trần Phú, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ và nhiều cán bộ khác đã oanh liệt hy sinh cho giai cấp, cho nhân dân.
Sự hy sinh cao cả của các tiên liệt đã soi đường cho đồng bào ta đoàn kết đấu tranh, thành một lực lượng tất thắng.
Suốt trong những năm kháng chiến, chúng ta đã vượt mọi khó khăn, thu nhiều thắng lợi, một trong những nguyên nhân căn bản là: Cán bộ ta đã nhận rõ đánh giặc cứu nước là PHẢI, rụt rè cầu an là TRÁI. Họ đã giữ vững lập trường cách mạng, không lay động, không hoang mang. Do đó, cán bộ ta đã vui vẻ chịu đựng mọi gian khổ, bền bỉ làm mọi công tác nặng nề. Họ đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc (...).
Trong các ngành hoạt động, chúng ta có nhiều cán bộ anh dũng như vậy. Họ cũng có xương thịt như mọi người, cũng có gia đình như mọi người, cũng biết đau đớn như mọi người. Nhưng vì họ đã nhận rõ PHẢI, TRÁI, và giữ vững lập trường, cho nên họ đã hy sinh cá nhân cho lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc và làm cho kháng chiến thắng lợi.
Chúng ta phải hiểu rằng: Những thắng lợi chúng ta đã tranh được tuy rất to, nhưng mới chỉ là thắng lợi bước đầu trên đường đi muôn dặm. Cho nên chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu.
Chúng ta phải thấy rằng chúng ta còn nhiều khó khăn; thấy khó khăn để khắc phục khó khăn, chứ không phải thấy khó khăn mà sợ hãi, nản chí.
Người cán bộ cách mạng phải mạnh dạn, phải có quyết tâm, phải có chí khí tiến lên mãi, tiến lên không ngừng.
*
* *
Trong hoàn cảnh hòa bình ngày nay, số đông cán bộ ta vẫn giữ vững truyền thống cách mạng tốt đẹp, cần cù chất phác, bền bỉ đấu tranh, làm tròn nhiệm vụ.
Song, có một số cán bộ lầm tưởng hòa bình là thái bình, thờ ơ với đạo đức cách mạng và mắc nhiều khuyết điểm sai lầm. Thí dụ:
- Muốn nghỉ ngơi, sợ gian khổ, muốn công tác ở thành thị, không thích đi cải cách ruộng đất.
- Ngại công việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật.
- Muốn ăn tiêu rộng rãi, thích phô trương lãng phí. Do đó mà tự tư, tự lợi, tham ô hủ hóa.
- Ghen tị địa vị, quan liêu bao biện, không tin vào lực lượng quần chúng, không tin tưởng vào đấu tranh chính trị, hễ gặp khó khăn thì dao động hoang mang...
Vì không nhận rõ PHẢI, TRÁI; không giữ vững lập trường, mà phạm những sai lầm khuyết điểm ấy. Cán bộ ta cần phải kiên quyết sửa chữa mới xứng đáng cái danh hiệu cao quý là người cán bộ cách mạng.
Để sửa chữa, thì cần phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức, nhận rõ điều gì là phải, thì cố gắng làm, điều gì là trái, thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gần gũi nhân dân, học tập nhân dân, vì gần gũi nhân dân sẽ cảm thông những khó khăn, gian khổ của nhân dân, thấy rõ những gương anh hùng của nhân dân, giúp ta củng cố lập trường, trau dồi tư tưởng.
Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình.
Mỗi người cán bộ (bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào) quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho - như thế mới là thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 366, ngày 03-3-1955).
39. Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói
…
Cũng do lập trường giai cấp không vững mà sinh ra quan liêu, khi quá tả, khi quá hữu. Khi thiếu gạo, cán bộ không biết tổ chức sản xuất tự cứu, không biết tổ chức nhân dân giúp đỡ nhau, không biết tổ chức trưng vay. Khi nhận được gạo, lại còn cấp phát tràn lan, chậm chạp, gạo đến người đói chậm, người không đói cũng nhận được gạo. Quá tệ hơn nữa là gạo của Chính phủ giúp dân, chừng một nửa đến tay dân đói, còn một nửa bị tham ô, lãng phí.
Tham ô, lãng phí là có tội, mà tham ô lãng phí gạo cứu đói tội lại càng lớn hơn. Không khác gì gián điệp giết hại đồng bào đó. Thế là có tội đối với Đảng và Chính phủ, đối với nhân dân, đối với nước bạn. Đó là tội thật to. Các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức.
Hiện nay, các nơi đã gặt nhiều. Có nhiều cán bộ đã vội cho là hết đói rồi. Thế là chủ quan. Chúng ta không được chủ quan.
Các cô, các chú phải lãnh đạo tổ chức giúp đỡ nhân dân, một mặt thì tiết kiệm, chớ lãng phí lương thực hiện có, một mặt thì tăng gia thêm đề phòng đói tháng 8 khỏi xảy ra.
Nói tóm lại, các cô, các chú phải nhớ 3 điểm:
1. Phải nắm vững đường lối, chính sách của Trung ương, của Chính phủ.
2. Phải thật thà quan tâm đến đời sống của nhân dân, tin và dựa vào lực lượng, sáng kiến của nhân dân.
3. Phải có lòng tự tin mình, ra sức làm thì nhất định làm được.
Như vậy thì nhất định tăng gia sản xuất và tiết kiệm được, nhất định chống đói và phòng đói được. Phòng đói là hơn cứu đói, cũng như phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
Các cô, các chú đã đi làm, người có thành tích nhiều, người có thành tích ít, người có khuyết điểm nhiều, người có khuyết điểm ít.
Bác tặng cho mấy giải thưởng, các cô, các chú sẽ bình nghị người nào, nơi nào có nhiều thành tích nhất thì được.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Sđd, t.III, tr.185-187
Tâm Trang (tổng hợp)