Chỉ mục bài viết

 22. Thư gửi các cán bộ Bắc Cạn

Gửi các đồng chí cán bộ tỉnh Bắc Cạn,

Những việc Bác dặn làm, như:

- Mua thóc kịp thời: Nếu nay chưa lĩnh được tiền thì phái người chắc chắn đến thẳng Cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh, hỏi Cục trưởng là đồng chí Thanh mà lấy. Bác đã dặn đồng chí Thanh rồi.

- Đắp đường, sửa đường: Phải tổ chức thế nào cho công việc mau chóng, mà đỡ hao phí sức người, sức vật. Dùng cách thi đua.

- Gặt hái kịp thời: Phải tổ chức, cổ động, giúp đỡ dân gặt hái cho mau, chớ để lúa bị ngâm nước, hư hỏng. Thi đua tăng gia sản xuất một cách thiết thực.

- Chén gạo tiết kiệm: Việc này tuy dễ, song cũng phải có kế hoạch chu đáo. Phải tuyên truyền, giải thích, cổ động, thi đua. Phải có kế hoạch: ai phụ trách thu góp, thu góp cách thế nào, cất trữ, sử dụng thế nào, v.v..

- Quán nghỉ cán bộ: Việc này cần làm, để cho cán bộ đi công tác xa, khỏi bị bọn đầu cơ bóc lột. Phụ nữ và thanh niên nên phụ trách làm. Đoàn thể và chính quyền giúp sức và kiểm tra.

- Lề lối làm việc: Mọi việc bất kỳ to nhỏ, phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ. Phải giải thích cho dân hiểu rõ, sao cho dân vui vẻ thi đua làm. Hết sức tránh bệnh quan liêu, bệnh mệnh lệnh.

- Giản chính, tinh cán: Các cơ quan chính quyền và đoàn thể cần phải triệt để giản chính. Đó là tiết kiệm sức người. Song đồng thời phải nâng cao năng suất công tác của mỗi người, mỗi cơ quan phải lựa chọn cán bộ, dùng cán bộ cho đúng - Thế gọi là tinh cán. Hai việc phải đi đôi với nhau.

- Phải thường báo cáo kết quả những việc trên cho Bác biết. Báo cáo gồm cả khuyết điểm và ưu điểm. Chúc các chú, các cô sức khỏe và công tác tiến bộ.

Chào thân ái và quyết thắng.

(Trích trong sách Bác Hồ với Bắc Thái, Ty Văn hóa và Thông tin Bắc Thái)

23. Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc

Tuyên ngôn của Đảng nói: "Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất". Và: "Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng".

Hai câu ấy đủ đập tan những lời bịa đặt đê hèn của bọn đế quốc và lũ phản động. Chúng thường vu rằng: Những đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin xem khinh trí thức.

Thật ra, chính bọn chúng lợi dụng trí thức, nô dịch trí thức và áp bức trí thức. Những người đại trí thức, thí dụ như ông Quyri (Curie) bị Chính phủ Mỹ "tẩy chay", bị Chính phủ Pháp cất chức. Đó là chứng cớ rõ ràng.

Chỉ có giai cấp công nhân mới thật yêu chuộng trí thức. Những người lao động trí óc được đặc biệt trọng đãi ở Liên Xô và ở các nước dân chủ mới. Đó cũng là chứng cớ rõ ràng.

Lao động trí óc là ai? Là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy, v.v.. Nhiệm vụ của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam hiện nay là kháng chiến và kiến quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, ngoài việc quân sự ắt phải phát triển kinh tế. Cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp.

Cần phát triển giao thông vận tải, cho nên cần có những kỹ sư thông thạo về việc đắp đường, bắc cầu.

Cần giữ gìn sức khỏe của dân, cho nên cần có thầy thuốc.

Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo, v.v..

Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội.

Ở đây, cũng nên nêu một điểm: Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến. Khác hẳn với Pháp trong thời kỳ bị Đức xâm chiếm: Trong số 32.026 Pháp gian bị xử án, một bộ phận lớn là trí thức. (Hiện nay trong tầng lớp trí thức Pháp, nhiều người đã giác ngộ, đứng vào hàng ngũ dân chủ và nhân dân. Họ tỏ thái độ rất trung thành, kiên quyết đấu tranh cho hòa bình và độc lập của nước Pháp).

Ngày nay, chúng ta phải làm hai việc nhằm một mục đích:

Một là đào tạo những trí thức mới trong công nông.

Hai là cải tạo những trí thức hiện có.

Dùng hai chữ "cải tạo" thì không khỏi mếch lòng những bạn trí thức quá giàu lòng tự ái. Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng:

Về chuyên môn và trong mức nào đó, thì anh chị em trí thức khá. Song vì ngày trước, anh chị em đã bị giáo dục trong đường lối và khuôn khổ thực dân và phong kiến, cho nên tư tưởng và lề lối làm việc của anh chị em không khỏi ảnh hưởng của thực dân và phong kiến. Điều đó không phải lỗi tại anh chị em. Dù sao, thoát khỏi cái xiềng xích của ảnh hưởng ấy thì tài năng của trí thức ta sẽ tiến bộ vượt bực, sẽ rất ích lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì nó sẽ hợp với nhiệm vụ mới, tinh thần mới, xã hội mới của nước ta.

Muốn đạt mục đích ấy, trí thức ta cần cải tạo tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc.

Đào tạo trí thức mới.

Cải tạo trí thức cũ.

Công nông trí thức hóa.

Trí thức công nông hóa.

Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông.

Đó là nhiệm vụ chung và cần kíp, mà chúng ta phải cùng nhau cố gắng làm cho kỳ được.

(Theo Báo Nhân Dân, số 6, ngày 01-5-1951)

24. Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh

Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng trong công tác thực tế, như trong việc tạm vay thóc chiêm vừa rồi, nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.

Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra?

Nguyên nhân bệnh ấy là:

Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.

Khinh nhân dân: Cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.

Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.

Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.

Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.

Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Thí dụ: Họ yêu cầu nhân dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt, để bồi dưỡng sức của, sức người của nhân dân.

Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!

Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.

Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.

Cán bộ Đảng và chính quyền ta đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân. Mong rằng anh chị em đều cố gắng thi đua dùng đơn thuốc này, (thuốc đắng dã tật), chữa hết bệnh quan liêu mệnh lệnh, để trở nên người cán bộ tốt, và làm cho công việc thu thuế nông nghiệp sắp tới đạt được kết quả mỹ mãn.

(Theo Báo Nhân Dân, số 23, ngày 02-9-1951).

25. Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành

V - Cán bộ phải thương yêu chiến sỹ

Các chú dù là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, hay tiểu đoàn trưởng, cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được.

Vì vậy, cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo đội viên đủ ăn đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc.

Ngoài ra, còn phải dạy cho đội viên biết cách dân vận. Cái gì cũng phải nhờ dân. Không có dân thì không có bộ đội. Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế. Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu.

VI - Đạo đức cũ và đạo đức mới

Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều.

Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân.

Nói về cần, kiệm, liêm, chính của ta cho đầy đủ thì phải nói dài. Hôm nay không có thì giờ, Bác chỉ nói vắn tắt:

Nếu cả ngày các chú chỉ hùng hục làm việc của mình, không dạy cho bộ đội chăm chỉ học tập chính trị, quân sự để giết được nhiều giặc, không khuyến khích và giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến thì cũng chưa thực hiện được chữ Cần.

Không tiêu hoang phí tiền riêng của các chú cũng chưa phải là Kiệm. Các chú còn phải biết tiết kiệm của công, dạy cho bộ đội biết tiết kiệm của công, thì mới thật là Kiệm.

Các chú không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm. Phải quý trọng tất cả mọi công việc và của cải của Chính phủ.

Thí dụ: Đi đường thấy cột dây thép đổ mà dựng lên là Chính, không dựng lên là không Chính, không chấp hành mệnh lệnh cũng là không Chính.

Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng. Các chú phải thực hiện đạo đức đó.

VII - Phê bình và tự phê bình phải như thế nào?

Mục đích phê bình và tự phê bình là để cho mình tiến bộ, quân đội và nhân dân tiến bộ, để tăng thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân đội với nhân dân.

Tự phê bình phải thật thà. Tự phê bình cũng ví như người ốm yếu nói rõ chứng bệnh của mình với thầy thuốc. Nếu giấu bệnh thì thầy thuốc không biết bệnh mà cho thuốc. Cho nên có gì phải nói cho hết, giấu giếm là khuyết điểm.

Người có bệnh nói thật thà, người nghe không giúp đỡ người ta sửa chữa, lại có thành kiến cũng là sai.

Thấy mình có nhiều bệnh, sợ không sửa chữa được, sinh ra bi quan tiêu cực cũng không đúng. Mình không biết cách sửa chữa thì còn có đồng chí, có bộ đội, có nhân dân bày cách cho mà sửa chữa. Chỉ cần mình quyết tâm sửa chữa là được.

Phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì phải uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải cho dầu mỡ, xe mới chạy được. Phê bình xong phải biết cách sửa chữa. Nếu phê bình rồi mà không biết cách sửa chữa là một khuyết điểm to.

Người ta ai cũng có khuyết điểm, nhưng ai cũng có ưu điểm.

Nếu không có ưu điểm, thì làm cách mạng thế nào được. Nói cái xấu phải nói cả cái tốt. Nếu chỉ chuyên nói cái xấu là lệch.

Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Trong một năm nay ta đã tiến bộ nhiều, đã thu được nhiều thắng lợi về quân sự và chính trị. Đánh bốn chiến dịch lớn thắng lợi, phá được vòng vây ở biên giới, liên lạc được với các nước anh em, đã có đại sứ ở Trung Quốc. Thanh niên ta đi dự Hội nghị liên hoan Bá Linh. Đó là thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị. Những thắng lợi chính trị đó sẽ làm cho ta thắng lợi về quân sự to lớn hơn.

Nhưng ta còn có nhiều khuyết điểm. Ta phải học tập chính trị quân sự, phê bình và tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cho chóng tiến bộ thì sẽ thu được nhiều thắng lợi hơn và sẽ làm cho cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi.

(Trích trong sách Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962)

  1. Bài nói tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm

Năm nay chúng ta cũng có một cuộc Hội nghị cán bộ chính quyền, nhưng năm nay Hội nghị có một ý nghĩa đặc biệt. Trước kia chúng ta đã cố gắng làm công tác sản xuất và tiết kiệm một cách có kế hoạch nhưng còn thiếu sót. Năm nay chúng ta có một kế hoạch sản xuất và tiết kiệm đầy đủ hợp lý hơn.

I- Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm

Vì ý nghĩa đặc biệt ấy nên có Quốc hội, Mặt trận, Chính phủ Trung ương, có cán bộ từ Nam chí Bắc tham dự Hội nghị này. Do ý nghĩa đặc biệt ấy với sự giúp đỡ của Quốc hội, của Mặt trận, với sự cố gắng của Chính phủ, với sự thi đua thực hiện của bộ đội và nhân dân, kế hoạch sản xuất và tiết kiệm sẽ thành công.

Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là một kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nghĩa là Chính phủ Trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, và địa phương căn cứ theo kế hoạch toàn quốc mà đặt kế hoạch thích hợp với địa phương mình, cho đến mỗi ngành, mỗi gia đình, mỗi người sẽ có kế hoạch riêng của mình, ăn khớp với kế hoạch chung.

Vì vậy từ khu đến tỉnh, huyện, cho đến xã phải làm thế nào cho kế hoạch đó thiết thực và nhất định phải làm cho kỳ được.

Làm kế hoạch một cách dân chủ như vậy, chúng ta nhất định thành công.

Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm muốn thành công cần ba điều kiện: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, và nhân hòa là chính.

Nhân hòa gồm có 3 lực lượng:

- Đoàn thể và Chính phủ,

- Bộ đội và nhân dân,

- Cán bộ.

Kinh nghiệm đã tỏ rằng chính sách, phương châm của Chính phủ và Đoàn thể là đúng. Kinh nghiệm cũng đã tỏ rằng bộ đội và nhân dân bao giờ cũng sẵn sàng chịu đựng hy sinh, bất kỳ trong mọi việc lớn nhỏ.

Kinh nghiệm cũng tỏ rằng chúng ta có 2 hạng cán bộ:

Hạng thứ nhất là những cán bộ nắm vững chính sách, phương châm của Chính phủ và Đoàn thể, học tập kỹ càng và cố gắng làm cho đúng chính sách đó. Vì vậy họ thành công. Thành công vì cán bộ quân dân chính đã đoàn kết nhất trí, phân công rạch ròi, hợp tác chặt chẽ, đi đúng đường lối nhân dân, học hỏi nhân dân, bàn bạc mọi việc với nhân dân và cùng nhân dân quyết định.

Trái lại có hạng cán bộ không chịu khó học tập chính sách, phương châm của Chính phủ, của Đoàn thể, có khi tự tiện thay đổi châm chước chính sách và phương châm ấy. Vì quân, dân, chính không đoàn kết chặt chẽ, vì thiếu phối hợp công tác, vì không đi đúng đường lối nhân dân, không cùng nhân dân bàn bạc, quan liêu, mệnh lệnh đối với nhân dân, hoặc theo đuôi nhân dân. Hạng cán bộ này thất bại.

Vậy những cán bộ đã làm đúng thì cố gắng mà tiến tới mãi và cán bộ nào chưa làm đúng thì cố sửa chữa làm cho đúng.

II- Chống quan liêu, tham ô, lãng phí

Bây giờ Chính phủ, Đoàn thể, nhân dân, bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy: ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí. Cho nên Chính phủ, Đoàn thể đề ra việc chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu và kêu gọi các cơ quan, các ngành, các địa phương tiến hành công tác này.

Nói đến tham ô, có người chỉ nghĩ đến ăn cắp của công làm của tư mà không thấy thứ tham ô gián tiếp. Thí dụ một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hàng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân.

Có người lại nói tham ô mới có tội, còn lãng phí thì không có tội. Thực ra việc khác nhau nhưng kết quả vẫn hao tổn của công, của Chính phủ, của nhân dân. Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến: Lãng phí của cải, thì giờ, lực lượng của nhân dân, của Chính phủ. Thí dụ: Lãng phí trong việc huy động dân công phục vụ chiến dịch, lãng phí trong việc tiêu dùng đạn dược, vật liệu, tiền bạc, của cải. Thí dụ ở xã Đại Đồng (Liên khu IV) ăn mừng kết quả thu thuế nông nghiệp, người ta đã thịt 1021) con bò. ở Liên Xô lúc lập các nông trường tập thể, nhân dân phải tranh đấu chống bọn phản động giết trâu bò. ở Trung Hoa cũng vậy. Thế mà ở ta có cán bộ bảo nhân dân giết trâu bò. Tuy đó chỉ là một nơi và giết để ăn mừng, nhưng cũng là lãng phí. Tôi rất đau lòng cho của cải của nhân dân, cho sự khờ dại của cán bộ.

Vì đâu mà có lãng phí và tham ô?

Vì cán bộ phụ trách lãnh đạo các cấp, các ngành quan liêu không đi sát công việc, cán bộ, quần chúng nhân dân. Có thể nói bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở được.

Vì thế muốn chống tham ô, lãng phí, phải chống bệnh quan liêu. Nhưng tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng tâm. Vậy bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu.

Đối với nơi nào, ngành nào mà 3 bệnh ấy đặc biệt nghiêm trọng thì Chính phủ, Đoàn thể sẽ có chỉ thị giúp nơi ấy, ngành ấy tiến công trước. Nếu tiến công lu bù thì sẽ thất bại. Công, của là của nhân dân thì nhân dân, bộ đội có quyền phê bình cán bộ nếu cán bộ làm sai. Chính quyền, Đoàn thể và các cấp chỉ huy quân đội phải cố gắng giáo dục hướng dẫn nhân dân và chiến sĩ làm việc ấy.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t7, tr,344-345)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: