29. Bài nói tại Hội nghị cán bộ Liên hiệp phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân
….
Cán bộ: Nếu cán bộ không nắm vững chính sách, không đi đúng đường lối quần chúng, thì chính sách hay cũng hóa dở, tốt cũng hóa xấu.
…
Phong trào đấu: Đấu thì chỉ đấu với địch, nhưng có nơi thìgặp ai cũng đấu, đấu cả với cố, bần, trung nông. Thậm chí có nơidùng nhục hình. Thế là dã man. Đảng và Chính phủ đã có chỉ thị: Tuyệt đối cấm nhục hình, dù đối với người có tội cũng không được đánh đập, vì đánh đập là hành động của đế quốc và phong kiến, là dã man. Người nào có tội, thì điều tra cho ra, rồi có pháp luật trừng trị. Làm không đúng để dân hoang mang, dân oán, địch lợi dụng tuyên truyền phá hoại chính sách ruộng đất.
Đó là vì cán bộ tếu, cán bộ không trong sạch, cán bộ khờ dại, mắc mưu của bọn phản động khiêu khích. Bọn phản động chui vào đoàn thể của quần chúng lợi dụng lúc đấu, xui dùng nhục hình. Có khi chính tay chúng đánh chết người để phản tuyên truyền. Nếu làm sai chính sách, không những dân ghét cán bộ, mà còn óan Chính phủ, óan Đảng. Cho nên cán bộ phải nắm vững chính sách, phải đi đúng đường lối quần chúng, đề phòng bọn phản động phá hoại.
Khi đi phát động quần chúng, cán bộ phải hết sức chú ý những điều đó. Sai một li đi một dặm, nơi nào dân cũng tốt, lương cũng như giáo; nhưng vì có những cán bộ không biết tổ chức, không biết giải thích tuyên truyền, lại tự tư tự lợi, không cảnh giác để cho bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi phá hoại.
Bất kỳ việc to việc nhỏ, lập trường phải vững, chính sách phải hiểu cho thấu, luôn luôn gần gũi học hỏi nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng, thì việc gì cũng thành công. Trái lại thì thất bại.
Có việc bề ngoài trông thì như thành công. Thí dụ: Như thuế nông nghiệp. Có nơi, cán bộ bị địa chủ mua chuộc bổ đầu dân nghèo; mức thu tuy đủ, nhưng về mặt chính trị là thất bại: Trút cả gánh nặng cho dân nghèo, còn bọn địa chủ không phải đóng góp. Thế là bề ngoài thì như thành công, thực ra thì thất bại.
Nói phát động quần chúng, phải nói đến đồng bào Công giáo.
Thường cán bộ có thành kiến rằng đồng bào Công giáo là lạc hậu, là khó vận động. Nói vậy là sai. Cha cố cũng có những người kháng chiến như cụ Trực, cụ Kỷ và nhiều vị khác. Ở Thanh Hóa có một thôn Công giáo, ai cũng nói là khó vận động. Đồng chí Lý An tình nguyện đi. Đến thôn, thấy đồng bào lợp nhà, đồng chí An liền lên lợp nhà giúp, vừa làm vừa nói chuyện. Khi mời ăn, đồng chí vừa ăn vừa nói chuyện. Đồng chí An không nói mình là cán bộ, không tuyên truyền thuế, dân công gì cả. Đồng chí ấy chỉ nói những chuyện: Bộ đội chiến thắng thế nào, nhân dân các nơi hăng hái đi dân công và đóng thuế nông nghiệp như thế nào. Đồng bào nghe chuyện thích, đòi đồng chí ấy nói chuyện này rồi chuyện khác. Kết quả là họ tự động xin đóng thuế, xin đi dân công. Đồng chí An ở với dân, ăn với dân, làm việc với dân như người trong nhà; tuyên truyền mà không ra mặt tuyên truyền.
Đồng bào Công giáo rất yêu đồng chí ấy. Đến Lễ giáng sinh, linh mục đến báo con chiên sửa soạn nhà thờ để làm lễ. Đồng bào bận việc cày cấy, không muốn làm. Linh mục phải nhờ đồng chí An. Đồng chí ấy đi nói chuyện từng nhà, bày cho nhân dân sắp xếp công việc và vận động họ trang hoàng nhà thờ để làm lễ. Hôm Lễ giáng sinh, đồng bào mời đồng chí An lên ngồi ngang với cha, họ nói: “Cha là cha linh hồn, anh An là cha vật chất của chúng tôi”.
Chuyện này chứng tỏ đồng bào Công giáo không lạc hậu và khéo vận động như đồng chí An thì nhất định vận động được.
Tại một chỗ khác, ở giữa là làng Công giáo, chung quanh là làng lương, các làng chung quanh được giảm tô, được chia công điền, tăng gia sản xuất, làm ăn thịnh vượng. Đồng bào Công giáo thấy vậy, tự động đi tìm cán bộ, hăng hái tổ chức và đấu tranh đòi giảm tô, đòi chia công điền.
Nói tóm lại: Đồng bào thiểu số hay là đa số, lương hay là giáo, cán bộ biết cách làm thì đều vận động được.
Cán bộ phụ nữ đi vận động, có cô vận động khéo, đến đâu dân làm gì, mình làm nấy, thân thiết như người nhà, thì có thành tích.
Cô nào không hòa lẫn được với nhân dân, vẫn giữ thói quen thành phố, thì vận động không thành công.
Phát động quần chúng thành công thì nông dân được ruộng đất, được ấm no và phụ nữ được giải phóng. Phát động quần chúng thì bồi dưỡng được nông dân, đẩy mạnh mọi mặt công tác kháng chiến kiến quốc. Các cô cần học tập, rèn luyện trong công tác phát động quần chúng, kết hợp nó với phong trào phụ nữ và chỉnh đốn tổ chức phụ nữ ở nông thôn.
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.8, tr.113)
30. Bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 2
Thế giới có mâu thuẫn, có hai phe.
Trong nước có mâu thuẫn, có hai phe.
Trong mình cũng có mâu thuẫn, có hai phe.
Cái đó rất dễ hiểu.
Trong mình có hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau.
Nếu đấu tranh để phe thiện thắng, thì phe ác phải bại.
Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng.
Cải tạo thế giới là việc to, phải trường kỳ gian khổ.
Kháng chiến để cải tạo nước nhà cũng phải trường kỳ và gian khổ. Muốn cải tạo mình, cũng phải trường kỳ và gian khổ, chứ không phải là dễ đâu.
Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được.
Ai cũng thấy siêng năng, trong sạch là tốt. Điều đó không ai chối cãi được. Thế mà vì sao vẫn không làm hay không làm được?
Chẳng những không làm được mà còn làm trái lại? Đó là vì cái tâm mình không chính.
Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được. Kẻ địch trong người không thể dùng lựu đạn mà ném vào được; nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm.
Làm không phải chuyện dễ. Nó khó như trèo núi, rất gay go và có khi nguy hiểm là đằng khác.
Như hồi trước, làm cách mạng mất đầu là thường.
Nhưng biết là phải thì làm. Mình bị hy sinh thì người khác sẽ làm. Người khác bị hy sinh thì người khác nữa lại làm.
Kiên quyết làm. Chính tâm là như vậy.
*
* *
Bây giờ nói đến tình, đến nghĩa:
Có người nói: người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cách mạng có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có.
Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò.
Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa.
Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy.
Về tình cũng thế.
Con người dù là xấu, tốt, văn minh hay dã man đều có tình.
Người cách mạng hiểu tình một cách khác.
Hãy cân nhắc: Bỏ thời gian, công tác để theo đuổi một người con gái, hay bo bo muốn cho vợ con thanh nhàn nhưng không lo việc nhà việc nước. Cái nào nặng, cái nào nhẹ?
Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: cái nào nặng, cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.
Đấy là cách hiểu xa thấy rộng.
Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn.
Phải hy sinh cái riêng cho cái chung.
Chữ tình, chữ hiếu, cũng phải hiểu một cách rộng và hiểu như thế mới là đúng. Giữa lợi ích riêng và lợi ích chung phải chọn lấy một. Mà phải chọn cái ích chung.
Đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, gia đình chung đã có hạnh phúc thì gia đình riêng cũng có hạnh phúc.
Vì vậy trong lúc cách mạng gay go phải chọn cái lớn. Nếu phải hy sinh gia đình nhỏ cho gia đình lớn cũng phải làm. Phải dứt khoát, tuyệt đối không được chọn gia đình nhỏ.
Có một số cán bộ không yên tâm công tác là vì không hiểu cái đó. Phải hy sinh cái riêng, cái nhỏ để phục vụ cái chung, cái to.
Bây giờ trở lại phe thiện, phe ác trong mình. Thí dụ: Phe thiện làm cho mình cực khổ, gay go, nguy hiểm như trèo núi; còn phe ác thì nó như đưa mình xuống núi một cách êm dịu, nhưng cái xuống đó là xuống hố.
Vì vậy phải đấu tranh.
Nếu để phe ác thắng thì gây ra chứng bệnh nói chung là cá nhân chủ nghĩa. Từ đó gây ra nhiều bệnh khác.
Vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu, v.v..
Phải đấu tranh để anh thiện thắng. Nếu anh thiện trong mình thắng thì phe thiện trong nước, ngoài nước sẽ mạnh.
Làm sao để cho anh thiện thắng?
Phải học tập, học tập trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và áp dụng vào công tác hàng ngày.
Phải học hỏi quần chúng.
Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi.
Một cái giúp cho mình nữa là phê bình và tự phê bình.
Trong năm nay, có một cơ hội để cho tất cả các cán bộ trong
Đảng và ngoài Đảng thử thách tư tưởng, lập trường, thái độ. Tức là phát động quần chúng.
Có một câu hỏi phải trả lời dứt khóat: Anh đứng về phe nào?
Cách mạng ta là cách mạng dân tộc dân chủ. Cách mạng dân tộc dân chủ tức là cách mạng dân cày (do vô sản lãnh đạo) mà cách mạng dân cày là phải có chính sách ruộng đất đúng.
Kháng chiến tức là cách mạng, muốn kháng chiến thắng lợi thì phải có chính sách ruộng đất đúng.
Ta có tán thành kháng chiến thắng lợi không?
Đã tán thành kháng chiến thắng lợi thì phải tán thành chính sách ruộng đất. Không có nước đôi.
Phải thực hiện cho kỳ được chính sách ruộng đất. Phải dứt khoát. Không được đứng chông chênh. Không có phe thứ ba. Thế giới có hai phe. Trong nước có hai phe. Trong mình cũng có hai phe. Phải rõ ràng. Có những cán bộ hoặc là mình, hoặc bố mẹ, anh em, chú bác, có ruộng. Đối với anh em đó, việc dứt khóat không phải dễ. Nó khó như trèo núi.
Nhưng có trèo không? Trèo thì phải khó nhọc. Không phải không ai giúp anh, anh có Đảng, có nhân dân bên cạnh. Có trèo thì mới lên được đỉnh núi. Vậy phải có quyết tâm.
Tóm lại, có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình.
Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lăn xuống hố.
Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang.
Quyết tâm là làm được.
Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được.
Cán bộ có quyết tâm thì cải tạo được mình, được nước nhà, được xã hội.
Cái bí quyết thành công là có quyết tâm.
Các cô, các chú có làm được như vậy không?
(Trích trong sách Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.21-25).
31. Bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan trung ương
Trong lớp chỉnh huấn này ai cũng có tiến bộ hoặc nhiều hoặc ít. Đó là một kết quả tốt.
- Nhờ chỉnh huấn mà cán bộ ngoài Đảng hiểu Đảng, gần Đảng, tin Đảng hơn trước. Cán bộ trong Đảng thì hiểu rõ hơn nhiệm vụ đối với cán bộ ngoài Đảng là phải kính trọng, gần gũi giúp đỡ, đồng thời học hỏi cán bộ ngoài Đảng. Do đó mà cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng đoàn kết hơn trước. Đó là một tiến bộ.
- Nhờ chỉnh huấn mọi người hiểu muốn làm người cán bộ hoàn toàn thì cán bộ chuyên môn phải hiểu chính trị, cán bộ chính trị phải hiểu chuyên môn. Nếu chỉ hiểu một bên là cán bộ què. Đó là một tiến bộ.
- Mọi người đều biết rõ ai là bạn, ai là thù trên thế giới, trong nước và trong mình. Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù trên thế giới, muốn đánh thắng thực dân và phong kiến địa chủ là kẻ thù trong nước thì trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình. Phải “chính tâm tu thân” mới có thể “trị quốc bình thiên hạ”. Đó là một tiến bộ.
- Mọi người nhận rõ lợi ích chung của dân tộc phát triển và củng cố thì lợi ích riêng của cá nhân mới có thể phát triển và củng cố. Cho nên lợi ích cá nhân ắt phải phục tùng lợi ích của dân tộc, chứ quyết không thể đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích dân tộc. Đó là một tiến bộ.
- Mọi người nhận rõ lập trường phải vững chắc, phải đứng hẳn về phe lao động, phe công nông, phe tương lai, phe tiến bộ. Không thể có lập trường thứ ba. Tư tưởng phải đúng đắn, tức là phải chống tư tưởng phong kiến địa chủ và những tư tưởng trái với cách mạng, trái với sự tiến bộ của xã hội. Do đó mà phải kiên quyết ủng hộ cuộc phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, để đẩy mạnh kháng chiến chống đế quốc, chống phong kiến đến thắng lợi. Đó là một tiến bộ.
Nhưng phải biết tiến bộ ấy chỉ là bước đầu trên tiền đồ muôn dặm, phải tiếp tục đẩy nó lên mãi. Xã hội phát triển không ngừng, tiến bộ cũng phải không ngừng. Nếu hôm nay ngừng tiến bộ tức là ngày mai thóai bộ.
Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn đạt mục đích ấy thì phải thực hiện dân chủ tự phê bình, phê bình từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên ở các cơ quan và ở trước quần chúng. Cán bộ lãnh đạo cần phải làm gương mẫu thực hiện dân chủ phê bình và tự phê bình. Các cán bộ bất kỳ cấp nào cao hay thấp có quyền và có nghĩa vụ đòi hỏi thực hiện dân chủ. Chi bộ và công đoàn phải phụ trách tổ chức và hướng dẫn học tập thực hiện dân chủ phê bình, tự phê bình, giúp đỡ cho mọi người tiến bộ.
Trong lớp chỉnh huấn này, lúc kiểm thảo cán bộ mắc nhiều khuyết điểm. Cán bộ có nhiều khuyết điểm, điều đó không có gì lạ. Nếu cán bộ hoàn toàn không có khuyết điểm mới là điều lạ. Vì sao? Vì đã lâu, chúng ta sinh trưởng dưới chế độ nô lệ của thực dân và phong kiến, bị văn hóa giáo dục thực dân phong kiến thấm vào đã sâu. Nó đã làm cho nhiều người tê mê quên cả nhân dân, quên cả Tổ quốc. Nó đã làm cho những bệnh thối nát hủ bại (như chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, tham ô, lãng phí...) ăn sâu vào con người như những bệnh kinh niên. Vì vậy cán bộ ta trong xã hội ấy mà ra nên không khỏi nhiều hay ít có thói xấu ấy.
Từ Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta mới thóat khỏi vòng tối tăm bước lên đường sáng sủa. Nhưng, từ chỗ tối bước sang chỗ sáng không khỏi có người hoa mắt, choáng váng. Từ địa vị nô lệ bước lên địa vị chủ nhân không khỏi có người chưa quen gánh vác, chưa hiểu mình là người chủ gánh vác trách nhiệm, thiếu lòng tự tin. Vả lại cho đến nay sự giáo dục của Đảng và
Chính phủ còn nhiều thiếu sót. Vì những lẽ đó mà cán bộ còn mắc nhiều khuyết điểm.
Nhưng ngày nay, Đảng và Chính phủ đã cố gắng giáo dục, thì cán bộ cần phải cố gắng cải tạo và nhất định cải tạo được.
Mọi người cần nhận rõ: Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại to lớn vẻ vang, một thời đại toàn giai cấp lao động đang đấu tranh anh dũng và tiến bộ, toàn dân tộc đang đấu tranh anh dũng và tiến bộ, một thời đại mà ai có quyết tâm cải tạo thì chắc chắn tiến bộ không ngừng.
Chúng ta sống trong một thời đại mà cán bộ đã có vinh dự là một bộ phận của nhân dân làm chủ nước nhà, lại có vinh dự là đày tớ của nhân dân. Đó là một vinh dự vô cùng cao quý.
Chúng ta sống trong một thời đại mà cán bộ được Đảng, Chính phủ và nhân dân rèn luyện, tin cậy và yêu mến như vốn liếng quý nhất của nước nhà, khác hẳn với bọn thực dân và phong kiến khinh rẻ cán bộ, coi cán bộ như những người làm thuê.
Chúng ta sống trong một thời đại mà chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng và dạy dỗ mọi người, mọi cán bộ trở nên những chiến sĩ cách mạng chân chính. Chúng ta sống trong thời đại vẻ vang thì phải sống cho xứng đáng.
Trước kia, dù cán bộ đã phạm nhiều khuyết điểm, nay đã được chỉnh huấn, ai có quyết tâm thì nhất định sửa chữa được, nhất định có thể cởi lốt con người cũ để trở nên con người mới, với lập trường tư tưởng và tác phong mới.
Các cô, các chú đã học là cốt để hành. Từ nay cán bộ ta phải ghi nhớ và phải quyết tâm thực hành những điều đã học trong lớp chỉnh huấn, tức là:
- Đoàn kết nội bộ trong cơ quan, giữ gìn kỷ luật cách mạng.
- Giữ vững lập trường, dùi mài tư tưởng.
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết vượt mọi khó khăn.
- Toàn tâm toàn lực phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến.
- Luôn luôn thật thà tự phê bình và phê bình, luôn luôn học tập để tiến bộ.
- Gây phong trào chống quan liêu, lãng phí, tham ô.
Kháng chiến còn lâu dài và gian khổ, nhưng chúng ta càng đánh càng mạnh, chúng ta nhất định thắng lợi, vì Đảng có quyết tâm, Chính phủ có quyết tâm, bộ đội ta có quyết tâm, nhân dân ta có quyết tâm. Để xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Chính phủ, của bộ đội và của nhân dân, cán bộ phải có quyết tâm thi đua làm tròn nhiệm vụ, để góp phần đẩy mạnh kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi, kiến quốc đến hoàn toàn thành công.
Các cô, các chú có quyết tâm làm được không?
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.8, tr.143)
Tâm Trang (tổng hợp)