40. Nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác nông - lâm - ngư nghiệp (1956)
Năm ngoái cán bộ nông lâm ngư nghiệp đã cố gắng đạt được một số thành tích. Năm nay cần cố gắng hơn nữa.
Tục ngữ ta nói: "Có thực mới vực được đạo". Muốn "thực" thì phải có lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. do nông dân làm ra. Nếu nông dân cung cấp không đủ, thì công nhân, công chức, học sinh, quân đội, nhân dân thành thị sẽ bị đói.
Muốn cung cấp đầy đủ thì nông dân phải tăng gia sản xuất. Ai hướng dẫn nông dân tăng gia? Cán bộ sản xuất, cán bộ nông lâm phải hướng dẫn.
Vì vậy, nhiệm vụ cán bộ nông lâm rất quan trọng.
Nghề nông phải đấu tranh chống những tai nạn của thiên nhiên: Hạn, lụt, sâu bọ, chim, chuột, dịch, v.v. lại còn phải đấu tranh với các tập quán bảo thủ lạc hậu.
Muốn thực hiện được nhiệm vụ, thì cán bộ phải tuyên truyền, giải thích, làm cho nông dân hiểu và làm, không thể gò ép, mệnh lệnh. Công tác của cán bộ nông lâm có khó khăn nhưng rất vẻ vang. Cần thấy được khó khăn để khắc phục, chứ không phải để lùi bước. Vì thế phải cố gắng nhiều.
Năm ngoái, có nơi vì quan liêu, thiếu cụ thể, thiếu thiết thực, thiếu thống nhất ý kiến, cho nên lãng phí của và sức của dân. ý kiến không thống nhất vì thiếu đoàn kết. Phải đoàn kết nhất trí giữa cán bộ chuyên môn với cán bộ chính trị, cán bộ mới với cán bộ cũ, cơ quan này với cơ quan khác. Phải thật thà xem trọng lợi ích của nhân dân, luôn luôn chú ý đến đời sống của nhân dân.
*
* *
Năm nay, diện tích lúa đã cấy kém không bằng năm ngoái.
Chăn nuôi trâu, bò, lợn cũng kém, ngày Tết đã giết lợn, bò nhiều, cho nên trâu bò lại thiếu thêm. Cây công nghệ như bông và các thứ khác cũng kém.
Vậy cần chú ý hướng dẫn nông dân làm cỏ bỏ phân, phòng bão, phòng lụt. Đê năm nay đắp chậm, vì tuyên truyền kém, cán bộ chủ quan. Ngoài việc đánh cá, phải chú ý nuôi cá.
Về trồng cây có cố gắng, nhưng cũng phải lo bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Trong việc này phải khéo vận động nhân dân.
Hiện nay, phạm vi hướng dẫn nhân dân thì rộng mà cán bộ lại thiếu. Muốn làm tốt, mỗi tỉnh phải làm những nơi kiểu mẫu tốt để cho nhân dân nơi khác bắt chước. Không nên tham nhiều. Đấy là một cách tuyên truyền tốt bằng sự thật, thấy kết quả tốt, nông dân sẽ tin tưởng noi theo để làm.
Đa số nông dân làm ăn riêng rẽ. Muốn sản xuất tốt, phải xây dựng tổ đổi công cho tốt. Cần tăng cường số lượng và nhất là củng cố chất lượng tổ đổi công. Tổ đổi công là một hình thức để tiến dần lên xã hội chủ nghĩa. Các tổ ấy sẽ giúp cán bộ trong công tác hướng dẫn sản xuất và cải tiến kỹ thuật.
Muốn bảo đảm kế hoạch, cán bộ cần phải kiên nhẫn, cố gắng và quyết tâm, cán bộ phải làm cho quyết tâm của mình biến thành quyết tâm của nhân dân, thì chắc chắn sẽ thành công.
*
* *
Có một số cán bộ chưa thật yên tâm công tác, như vậy không đúng. Làm cán bộ không phải là để thăng quan, phát tài. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Cán bộ làm công tác gì cũng vì dân vì nước. Nếu làm tròn nhiệm vụ là vẻ vang, là anh hùng. Không nên đứng núi này, trông núi nọ. Lấy một thí dụ, có một cây thông đang xanh tốt, nhưng cành lá than phiền: "Rễ được nằm yên dưới đất, còn chúng tôi cành lá thì phải chịu đựng gió sương". Rễ cũng phàn nàn: "Cành lá thì được thanh nhàn với giăng gió, tôi thì phải nằm mãi dưới đất, không ai dòm ngó đến". Hai bên đều không yên tâm và đòi đổi lẫn nhau. Kết quả, cây thông sẽ thế nào?
Cán bộ chúng ta mỗi người một việc, phải tích cực, phải có tinh thần trách nhiệm, không nên vì có thành tích mà chủ quan, hoặc có sai lầm mà bi quan. Chúng ta là cán bộ cách mạng, phải khắc phục khó khăn, không sợ khó sợ khổ. Nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Chúng ta đã vượt bao gian khổ mới giành lại được độc lập, sau 80 năm đất nước bị nô lệ, chúng ta đang xây dựng miền Bắc. Công cuộc xây dựng kinh tế không phải dễ dàng.
Nhưng chúng ta đồng tâm nhất trí và có sự giúp đỡ của các nước bạn, nhân dân ta lại cần cù, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.
Trong khi thực hiện công tác, cán bộ phải làm cho dân yêu, dân tin. Được như vậy thì sẽ vượt được mọi khó khăn và thu được nhiều kết quả tốt.
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr318-320)
41. Nói chuyện tại Lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác hỏi thăm sức khỏe các chú. Các chú ở đây có đủ các đơn vị, các ngành, các cơ quan, nhà trường, cán bộ miền Nam, miền Bắc, miền xuôi, miền ngược, trong Đảng và ngoài Đảng, già có, trẻ có, đó là hình ảnh đoàn kết nhất trí của Quân đội nhân dân ta.
Thời gian nghiên cứu vừa qua, các chú đã hoàn toàn nhất trí với Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 12, đó là điều rất tốt.
Trong Hội nghị, Tổng quân ủy đã tự phê bình thành khẩn, cán bộ phê bình tốt và tự phê bình bước đầu tốt. Các chú cũng biết Đảng ta, quân đội ta, chế độ ta nhờ có phê bình và tự phê bình nên ngày càng tiến. Phê bình và tự phê bình cũng ví như người đi hai chân. Hai chân cùng khoẻ thì tiến mau, nếu một chân dài, một chân ngắn thì tiến chậm.
Trong Hội nghị, các chú đã phê phán và phân biệt rõ cái gì sai, cái gì đúng, kiểm điểm ưu điểm, khuyết điểm trong một số công tác lớn, liên hệ thấy rõ những tư tưởng tốt và tư tưởng sai lệch của bản thân, hiểu rõ hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội. Do đó mà củng cố được lập trường tư tưởng, tăng cường đoàn kết nhất trí trên với dưới, dưới với trên. Đó là những thành tích mà các chú cần phát triển. Bây giờ có mấy điều Bác dặn, các chú nhớ lấy mà thực hiện:
Cần tiếp tục học tập nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Có nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa thì sau này mới tránh được nhiều sai lầm khác. Tiếp tục học tập nâng cao lập trường tư tưởng và trình độ kỹ thuật của mình. Kỹ thuật hiện nay càng ngày càng tiến, không gắng học tập thì sẽ lạc hậu. Phải cố gắng xây dựng được nền nếp chính quy trong đơn vị. Có người nói: "Trước ta chẳng chính quy gì cũng đánh thắng!". Không đúng. Tình thế ngày một tiến.
Trước là thời kỳ khác, nay là thời kỳ khác. Quân đội ta nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại.
Phải học để phát huy tư tưởng đúng, uốn nắn tư tưởng không đúng. Tư tưởng không đúng, cũng còn có nhiều. Nhưng có một tư tưởng mẹ: Đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là trái với chủ nghĩa tập thể. Do chủ nghĩa cá nhân mà đẻ ra các tư tưởng sai lệch khác. Trước hết là tư tưởng công thần. Do công thần sinh ra kiêu ngạo, kèn cựa, địa vị. Đảng và quân đội ta có truyền thống đấu tranh anh dũng; điều đó ta có quyền tự hào.
Nhưng tự hào để phát huy truyền thống tốt ấy lên, không phải để vỗ ngực khoe ta có công với kháng chiến, với cách mạng, với nhân dân. Ta nên biết rằng nếu chúng ta tách rời nhân dân, Đảng, quân đội thì chúng ta không tài nào lập được công trạng gì cả. Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn.
Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có.
Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra lo lắng tiền đồ bản thân. Cái này chẳng những trong quân đội mà trong dân, chính, đảng đều có. Muốn cho tiền đồ mình được sung sướng, vẻ vang là đúng. Nhưng muốn cho mình sung sướng vẻ vang thì trước hết phải làm cho nhân dân, bộ đội mình được sung sướng vẻ vang.
Tiền đồ cá nhân nằm trong tiền đồ tập thể. Không cố gắng làm cho tập thể sung sướng, vẻ vang thì cá nhân không thể sung sướng vẻ vang được. Ví dụ: Trong một chuyến xe lửa đang chạy (chuyến xe lửa là một tập thể), có người nghĩ rằng: "Cùng đi thế này chậm, ta nhảy xuống chạy chắc nhanh hơn". Thế là nguy hiểm.
Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ. Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức.
Vì vậy chúng ta phải cố gắng công tác sao cho dân tộc, nhân dân mình được ăn ngon, mặc đẹp thì bản thân sẽ được ăn ngon, mặc đẹp. Đảng và Chính phủ rất muốn cho mọi người được no ấm nên đã đề ra tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Chỉ trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm mới cải thiện sinh hoạt cho nhân dân, cán bộ, quân đội. Nhân dân Liên Xô ngày nay ai cũng được sung sướng. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, sau cách mạng thành công, nhân dân Liên Xô phải thắt lưng buộc bụng, gian khổ phấn đấu 18 năm trời, đời sống mới được cải thiện và sung sướng như ngày nay. Ta so với Liên Xô thì thế nào? Dân ta ít hơn, kinh tế lạc hậu, nước ta chưa thống nhất, hoà bình vừa mới ba năm; như vậy mà cứ yêu cầu hưởng thụ, tăng lương, cải thiện sinh hoạt nhanh là chủ quan.
Tóm lại, các chú cần tiếp tục học tập, uốn nắn tư tưởng sai lệch, nhất là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Mặt khác, phải đề cao trách nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng quân đội, trước mắt là hoàn thành tốt chỉnh huấn cán bộ sơ cấp và chiến sĩ, đồng thời cố gắng giúp Đảng và Chính phủ, quân đội giải quyết khó khăn, phát huy thuận lợi.
Bây giờ còn một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết. Đoàn kết trên dưới, cán bộ và chiến sĩ, miền Nam và miền Bắc, trong và ngoài Đảng, quân đội và nhân dân, đoàn kết rộng rãi với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Các chú đều biết, trong kháng chiến ta gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng địch mạnh hơn ta nhiều, nhưng nhờ đoàn kết mà ta đã thắng. Nay trong xây dựng hoà bình, ta cũng biết đoàn kết thì nhất định thành công. Không phải chỉ đoàn kết ngoài miệng mà phải thực sự, đoàn kết trong công tác, trong học tập. Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình, tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa, đó là một điểm rất quan trọng. Thực hiện đúng nhất định sẽ khắc phục được nhiều khó khăn, tranh thủ được miền Nam, xây dựng được nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh.
Chúc các chú vui vẻ, mạnh khỏe, cố gắng tranh lấy thành tích mới. Bác gửi lời hỏi thăm tất cả cán bộ và chiến sĩ ở đơn vị và đồng bào nơi các chú đóng quân.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Sđd,t.IV, tr.76-79).
42. Nói chuyện với Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Nghệ An
Các đồng chí cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng,
Các đồng chí bộ đội,
Các đồng chí trong Đoàn Thanh niên,
Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đưa đến cho các đồng chí lời chào thân ái.
Trong cuộc nói chuyện này Bác nêu lên ba điểm:
1. Nói về những ưu điểm của cán bộ, cán bộ trong Đảng, cán bộ ngoài Đảng, cán bộ và chiến sĩ trong quân đội và cán bộ đoàn viên thanh niên lao động:
a) Trong thời kỳ kháng chiến, các đồng chí đã đoàn kết được nhân dân và lãnh đạo nhân dân phục vụ kháng chiến đến thắng lợi. Đó là điểm tốt.
b) Đến lúc hoà bình lập lại, các đồng chí đã tích cực cùng với nhân dân công tác để thực hiện kế hoạch năm 1956 của Đảng và Chính phủ. Đó là một ưu điểm đáng kể.
c) Sau cải cách ruộng đất, thì các đồng chí đã cố gắng đoàn kết với nhân dân để sửa sai. Đó là một điểm tốt nữa. Nói chung là đại đa số các đồng chí đã chịu cực, chịu khổ, chịu khó, đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho. Đó là một điểm tốt đáng kể và đáng khen.
2. Về khuyết điểm:
- Khuyết điểm thứ nhất là trong Đảng về mặt đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa đảng viên mới và đảng viên cũ, đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa cán bộ trong Đảng và cán bộ ngoài Đảng, đoàn kết cấp trên cấp dưới và cấp dưới với cấp trên thì đang còn nhiều thiếu sót. Đây là một khuyết điểm quan trọng. Bởi vì đoàn kết chặt chẽ thì khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì to lớn chúng ta cũng làm xong. Vì vậy các đồng chí phải biết, phải nhớ và phải làm. Bây giờ về sau, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và mới, trong Đảng và ngoài Đảng, cấp trên và cấp dưới, nói ngược lại cấp dưới với cấp trên cũng phải đoàn kết chặt chẽ.
- Khuyết điểm thứ hai là suy bì đãi ngộ và địa vị.
Suy bì tức là so sánh, mà so sánh có nên không? Nên. Nhưng biết so sánh như thế nào cho tốt, so sánh như thế nào là không tốt. Đảng, Trung ương rất cảm thông với các đồng chí, nhất là các đồng chí ở xã gặp khó khăn nhiều, về sinh hoạt tinh thần cũng như vật chất. Nói về so sánh thì nên so sánh nhưng chúng ta cần phải so sánh với những đồng chí, những cán bộ có đạo đức cách mạng hơn mình, lập trường tư tưởng vững hơn mình, tác phong dân chủ và tinh thần trách nhiệm hơn mình. So sánh với những đồng chí như thế để mà học, để mà tiến bộ. Thế là nên so sánh. Còn so sánh về vật chất thì ngược lại nên so sánh với những đồng chí cố nông, bần nông, với những đồng bào thiểu số. Chắc các cô, các chú cũng biết bây giờ thì cải cách ruộng đất rồi nhưng đồng bào bần nông, cố nông và một số đồng bào thiểu số hãy còn thiếu thốn, so sánh như thế là mình cảm thông và gần gũi nhân dân, gần gũi quần chúng, chứ không phải cứ so sánh với người ăn no mặc ấm hơn mình.
Người cách mạng không ai so sánh như thế. Trong truyền thống cách mạng và giáo dục cách mạng không bao giờ có như thế. So sánh không đúng sinh ra kèn cựa địa vị, người cách mạng không phải như vậy. Cố nhiên là Đảng, Chính phủ trong lúc cân nhắc phải công bằng hợp lý, nhưng đảng viên ta, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng rất đông, có hàng mấy vạn người không phải luôn luôn xếp đặt hợp lý được. Cố nhiên phải tìm cách làm cho công bằng hợp lý, nhưng cũng khó hoàn toàn. Vì vậy kèn cựa địa vị là không nên, không tốt. Đây là một điểm.
- Một điểm nữa có cán bộ, đảng viên ngồi lo không biết tiền đồ mình thế nào. Như thế là chưa hiểu tiền đồ, tách riêng tiền đồ của mình ra khỏi tiền đồ của dân tộc, của giai cấp là không đúng, bởi vì tiền đồ của mỗi người, nhất là người cách mạng, là nằm trong tiền đồ của dân tộc, nằm trong tiền đồ của giai cấp, không thể tách riêng được. Ước ao tiền đồ mình vẻ vang sung sướng thì phải làm thế nào cho tiền đồ của dân mình, của giai cấp mình được vẻ vang sung sướng thì tự nhiên tiền đồ mình cũng vẻ vang sung sướng.
Nếu không lo công tác, cứ ngồi lo tiền đồ của mình thì không đi đến đâu. Thí dụ chuyến xe lửa, trong xe tất cả mọi người đều muốn đi mau. Tiền đồ mỗi một người trong xe lửa nằm trong tiền đồ chung của chuyến xe lửa. Nếu chuyến xe lửa đi nhanh thì tất cả mọi người được đi nhanh. Nếu chuyến xe lửa đi chậm thì tất cả mọi người phải đi chậm. Nếu một người muốn đi nhanh hơn mọi người rồi nhảy ra ngoài xe để chạy nhanh hơn xe thì người ấy sẽ như thế nào?
Một ví dụ khác rất rõ ràng, trước khi cách mạng thành công, trước khi kháng chiến thắng lợi thì cả dân ta là nô lệ. Trước cải cách ruộng đất, toàn thể nông dân lao động là nô lệ. Khi kháng chiến mọi người đều hết lòng hết sức tham gia kháng chiến thì kháng chiến mới thắng lợi, mà kháng chiến thắng lợi thì dân ta mới khỏi ách nô lệ, mọi người chúng ta mới khỏi nô lệ.
- Một điều nữa là sợ khó, làm việc gì cũng sợ khó, sửa sai cũng sợ khó, đi vận động tổ chức tổ đổi công cũng sợ khó. Nói tóm lại cái gì cũng sợ khó. Việc gì cũng khó, trong xã hội không có cái gì dễ, nhưng khó mà quyết tâm thì nhất định làm được.
Thử hỏi các cô, các chú, cách mạng có khó không? Kháng chiến có khó không? Có thắng lợi không? Vì sao chúng ta thắng lợi? Vì quyết tâm.
Hai việc ấy khó nhất trong hoạt động cách mạng của chúng ta, nhưng chúng ta đã thắng lợi. Tổ chức tổ đổi công cũng có khó nhưng không khó bằng kháng chiến. Kháng chiến ta làm được thì tổ đổi công ta cũng làm được. Nếu việc gì cũng dễ thì không cần đến Đảng, cũng không cần đến đảng viên, không cần đến cán bộ. Người cách mạng phải thấy khó, thấy khó để khắc phục, chứ không phải thấy khó mà nản lòng.
Chúng ta có truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiệm vụ sửa đổi xã hội. Đó là một điều chúng ta có quyền tự hào. Tự hào đây là để phát triển truyền thống cách mạng, để hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội, chứ không phải để mà lên mặt công thần. Lấy cá nhân chúng ta mà so với những anh hùng, liệt sĩ cách mạng, chưa nói trên quốc tế, chỉ nói trong nước ta, công trạng của chúng ta đã thấm vào đâu. Phải biết công trạng ấy là công trạng của toàn dân, của toàn Đảng chứ không phải công trạng một người.
Ai tự cho mình có công trạng mà tự kiêu tự đại là không đúng. Lòng của người cách mạng chân chính là phải rộng rãi như sông như bể, có như thế thì mới tiến bộ. Nếu có một chút công trạng gì mà tự cao tự đại, coi người ta không ra gì, thế là sai, thế là cái ruột nhỏ, ví như cái cốc, một gáo nước đổ vào thì tràn hết. Vậy các cô, các chú muốn độ lượng mình như sông như bể hay như cái cốc? Như sông như bể mới gọi là độ lượng của người cách mạng.
Nói một thí dụ khác nữa: Lúc người cách mạng đương hoạt động giống như người đi đường, phải cẩn thận, khiêm tốn, phải nhìn xuống chỗ bước của mình, đi bước nào vững bước ấy, nếu mới đi được một đoạn đã cho là vững rồi, đi giỏi rồi, rồi cứ đi mà mặt ngước lên trời không thấy hố, nên rơi xuống hố. Vì bệnh công thần nên sinh ra nhiều cái thiếu: Thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật. Nếu một đảng cách mạng thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật thì đảng ấy có thành đảng cách mạng không? Vì vậy, chúng ta phải chống lại bệnh cá nhân, bệnh công thần.
- Một điều nữa là ta có nêu lên khẩu hiệu "cần, kiệm, liêm, chính". Các cô, các chú đã thi hành được chưa? Còn có một số đảng viên, cán bộ đang còn xa xỉ, tham ô, lãng phí, không biết tiếc, biết tôn trọng của công, không biết thương tiếc của cải do mồ hôi nước mắt đồng bào làm ra. Do đó mà đẻ ra xa xỉ. Lương bổng Chính phủ cấp cho chúng ta có hạn mà ta xa xỉ thì lấy tiền đâu? Đã có cái áo rồi còn muốn hai ba cái như thế là lãng phí. Lại muốn mua thứ này thứ khác mà thiếu tiền sinh ra tham ô. Thiếu tinh thần lao động, thiếu kỷ luật lao động. Tinh thần lao động là thế nào? Cho rằng lao động trí óc sang hơn, vẻ vang hơn lao động chân tay, không biết rằng lao động trí óc là đáng quý, nhưng nếu bây giờ tất cả chúng ta đều lao động trí óc, không ai lao động bằng chân tay, không ai nấu cơm, cày ruộng, không ai dệt vải, làm nhà thì có thể sống được không?
Vì vậy lao động là vẻ vang, làm việc gì có ích cho loài người, cho xã hội, nhân dân thế là vẻ vang. Chắc các cô, các chú cũng thấy trong báo có những người phụ nữ làm công việc vệ sinh được bầu chiến sĩ thi đua. Có những người quét đường, vét hố cũng được bầu là chiến sĩ thi đua. Thế là thế nào? Công việc như thế là hôi, là bẩn nhưng bởi vì nó rất cần thiết cho mọi người. Nếu không có người làm việc đó thì những nơi nào ở tập trung, nhất là ở thành phố thì mất vệ sinh, mọi người sẽ đau ốm hết. Vì vậy, bản chất việc ấy là bẩn nhưng người làm việc ấy là rất cần thiết cho xã hội thì lao động ấy cũng vẻ vang, chứ không phải làm chủ tịch, chủ nhiệm, ông giám đốc vân vân, mới vẻ vang.
- Một điểm nữa: Mê tín. Có đảng viên cũng ngồi đồng, để bùa, có đảng viên cũng rước kiệu. Như thế có đúng không? Một đảng viên hay một người đoàn viên vào Đảng, vào Đoàn là tin tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tin tưởng chủ nghĩa duy vật... Nói duy vật mà làm duy tâm là sai. Nếu chỗ nào có như thế thì các cô, các chú phải giúp họ sửa…
((Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.608-609)
Tâm Trang (tổng hợp)