8. Bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 5 Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam
Các đồng chí tốt nghiệp!
Đáng lẽ tôi phải thường đến thăm các đồng chí mới phải, nhưng công việc của tôi nhiều, thành thử tôi chỉ đến được hôm đầu khi khai giảng và bây giờ làm lễ tốt nghiệp thôi. Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm. Tôi không có thể ở lại lâu chờ cử hành lễ tốt nghiệp được, vậy tôi có mấy lời nói chuyện với các anh em.
Tôi nghe nói anh em học tập rất chăm chỉ và rất tiến bộ, tôi mừng. Một tháng giời học tập của anh em là ít quá phải không? Nhưng cái ít đó cũng tạm đủ để giúp cho anh em sau này học thêm, kinh nghiệm thêm. Anh em sẽ còn học mãi khi ra làm việc. Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng sẽ xét xem tại sao thất bại để mà tránh đi.
Tôi lấy một thí dụ: Các anh em cần đi Sài Gòn, người chỉ đường cho anh em nói phải đi về phương Nam và đi qua những tỉnh Thanh Hóa, Vinh, Huế, Nha Trang chẳng hạn. Người chỉ đường chỉ có thể chỉ cho anh em được thế thôi. Đã có phương hướng sẵn, anh em cứ theo đó mà đi, đến tỉnh nào phải qua những con sông nào, những hòn núi gì, anh em sẽ tìm hỏi sau. Miễn là anh em biết theo phương Nam mà tiến chứ không lầm đường đi ngược lên Bắc rồi hóa đi tới Bắc Kinh là được. Trường huấn luyện đã giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi. Như vậy anh em học ít nhưng bổ ích nhiều. Tôi nhắc lại: Anh em học bấy lâu nay được chừng ấy là quý rồi; rồi sau anh em còn phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc.
Bây giờ đây nước mình có hai việc rất quan hệ phải làm và phải tuyên truyền cổ động cho nhiều người làm: Phải kháng chiến và phải cứu đói. Chúng ta phải quyết kháng chiến đến cùng. Trung Bộ và Bắc Bộ tuy chưa bị trực tiếp xâm lăng, nhưng phải giúp cho cuộc kháng chiến Nam Bộ. Ngoài những mệnh lệnh của Chính phủ, của Đoàn thể phải gắng sức thi hành cho đúng, ta cần phải có sáng kiến, phải nghĩ hết cách giúp vào cuộc giữ gìn đất nước.
Ở Bắc Bộ ta lúc này bị đói. Từ tháng Giêng đến tháng Bảy, tháng Tám vừa qua, dân ta chết đói hơn hai triệu người, chết gấp bội số đồng bào tử trận tại Nam Bộ. Nạn đói còn nguy hại hơn giặc Pháp nữa. Nhiệm vụ cứu đói của chúng ta rất nặng nề, công việc cứu đói cũng gấp rút như công việc kháng chiến.
Ngoài hai điều kể trên, điều thứ ba là anh em phải hết sức nghe mệnh lệnh Chính phủ, vì Chính phủ ngày nay là Chính phủ của nhân dân mà anh em là cán bộ của Chính phủ, anh em phải hết sức thận trọng, phải hết sức giữ gìn chớ đi quá tả mà cũng đừng quá hữu.
Điều thứ tư là anh em phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết.
Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ.
Điều thứ năm là mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái.
Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được? Miệng nói tay phải làm mới được.
Nói tóm lại, anh em phải siêng năng, tiết kiệm, phải có thái độ khiêm nhường, chớ kiêu ngạo. Nếu anh em nhớ được tất cả những điều đó thì không lo gì không tiến bộ được dễ dàng và các công việc của Chính phủ và Đoàn thể giao cho anh em sẽ làm thành công được rực rỡ. Mong anh em nhớ lời tôi dặn lúc sắp chia tay này.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 92, ngày 15-11-1945)
9. Bài nói chuyện tại Trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh
Lúc này, chúng ta không cần nói nhiều, mà phải làm cho thật nhiều. Nếu không bị uy hiếp, chúng ta không cần có tự vệ. Tự vệ là vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình. Ta phải ngăn ngừa mọi sự uy hiếp. Về quân sự, Pháp có thể đánh vào thành phố ta. Về xã hội, có thể phát sinh ra trộm cướp.
Về chính trị, có thể có những kẻ phản động phao đồn những tin nhảm để làm náo động lòng dân.
Các đồng chí đến đây theo lớp huấn luyện là học tập cách trị an về vật chất và tinh thần. Những kẻ mưu sự phá hoại đất nước chúng ta, có thể tuyên truyền, đồn phao để chia rẽ sự đoàn kết.
Chúng hủ hóa chúng ta về vật chất, về sinh hoạt, văn hóa, chính trị. Bởi thế, các đồng chí phải học tập thành cán bộ để đi trước sự bảo vệ: Bảo vệ nền độc lập tự do của mình. Không những thế, các đồng chí còn chỉ huy những anh em đi sau. Tóm lại, không những phải học cho biết kỹ thuật, mà còn phải học lý luận về đạo đức, tinh thần nữa.
Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào.
Lãnh đạo về kỹ thuật chưa đủ. Còn phải lãnh đạo về tinh thần. Phải là người tuyên truyền. Phải là những người nói cho dân hiểu. Có phao đồn gì, phải giải thích cho dân. Có mệnh lệnh của Chính phủ, phải giải thích cho dân biết rõ tại sao Chính phủ đã ban bố mệnh lệnh đó.
Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công.
Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 136, ngày 08-01-1946).
10. Lời khuyên anh em viên chức
Anh em viên chức hiện giờ đang gặp nhiều nỗi khó khăn vì giá sinh hoạt đắt đỏ. Nhưng ta chớ nên quên rằng nước nhà đang ở thời kỳ kháng chiến. Anh em viên chức, cũng như toàn thể quốc dân, muốn qua được bước khó khăn hiện tại, phải biết hy sinh một chút về tinh thần để tham dự vào công cuộc kiến quốc. Có chịu kham khổ bây giờ, mai sau mới được hưởng nhiều quyền lợi. Vậy để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có bốn đức tính là: Cần, kiệm, liêm, chính. Cần, anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người. Và phải tôn trọng kỷ luật. Anh em phải theo nguyên tắc là có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm. Kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở. Rút bớt hết những sự gì không cần thiết, chớ phao phí giấy má và các thứ của công. Phao phí những thứ đó tức là phao phí mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng.
Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra. Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được. Anh em viên chức phải gột bỏ hẳn những ý nghĩ trái với 4 nguyên tắc trên do chính sách của bọn thực dân gây nên trong đám công chức thời Pháp và Nhật thuộc.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 146, ngày 19-01-1946).
11. Nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa
A- Cán bộ là gì?
Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.
B- Vậy cán bộ phải có đức tính thế nào?
1. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm.
2. Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: Một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói.
3. Đối với công việc phải thế nào? Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh. Thí dụ: đối với tù binh Pháp nếu mình giết đi thì thấy dân chúng hoan nghênh, nhưng thế giới sẽ cho mình dã man, bất lợi ngoại giao. Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào?
Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do dự.
4. Đối với nhân dân: Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết.
5. Đối với Đoàn thể: Trước lúc mình vào đoàn thể nào phải hiểu rõ đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân vì nước. Khi vào Đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi nguy hiểm phải hy sinh vì Đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể.
Muốn giữ danh giá của Đoàn thể phải giữ danh giá mình. Không được báo cáo láo như: Làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi.
Một Đoàn thể mạnh thì cái tốt càng ngày càng phát triển, cái dở càng ngày càng bớt đi. Một điều tốt phải đưa ra tất cả mọi người cùng học, một điều xấu phải đưa ra tất cả mọi người cùng biết mà tránh.
KHÁNG CHIẾN
Hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn cùng vỡ, hai cái trứng cùng chọi nhau thì hai cái cùng vỡ. Phải một cái cứng, một cái mềm thì khi chọi nhau một cái mới còn. Nên hai bên cùng dùng mưu trí. Pháp có xe tăng, đại bác, thì ta phá đường. Pháp có máy bay thì ta đào hầm.
Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng!
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.68-69)
12. Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ
Cùng các đồng chí Bắc Bộ,
Tôi không có thì giờ gặp các đồng chí để phê bình, kiểm thảo và bàn bạc công việc chung. Tiếc vì hoàn cảnh không tiện. Vậy tôi có mấy lời dặn các đồng chí như sau, mong các đồng chí chú ý:
1. Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước thống nhất và độc lập. Vì vậy mỗi một đồng chí và toàn cả đoàn thể phải: sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí.
2. Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ tối cao. Trong lúc này tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau đây:
a) Địa phương chủ nghĩa.
Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung. Thí dụ, muốn lấy tất cả cán bộ và vật liệu cho địa phương mình, không bằng lòng để cấp trên điều động cán bộ và vật liệu đến những nơi cần thiết.
b) Óc bè phái
Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe.
Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm.
c) Óc quân phiệt quan liêu.
Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc "ông tướng, bà tướng" ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân.
d) Óc hẹp hòi.
Chúng ta phải nhớ rằng: Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được.
Tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi không thể phát triển.
e) Ham chuộng hình thức.
Việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai. Thí dụ, ngày nay tập quân sự, cốt là biết bắn súng, dùng dao, ném lựu đạn, dùng địa thế, khéo mò đêm, khéo trinh thám, nói tóm lại: Cốt tập cho mọi người biết đánh du kích. Thế mà có nhiều nơi chỉ để thì giờ tập "một hai, một hai". Thế thì khác gì tập lễ nhạc để đi chữa cháy.
Nhiều nơi, những hình thức tuyên truyền cổ động chỉ biết kẻ khẩu hiệu, trưng cờ biển và trang hoàng nhà thông tin tuyên truyền cho đẹp, lập chòi diễn thuyết chỉ làm vì, còn hàng ngày không chịu gần gũi quần chúng để giải thích cho họ hiểu chu đáo những chủ trương của đoàn thể.
f) Làm việc lối bàn giấy.
Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn.
g) Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm.
Trong những vùng chiến tranh lan đến, một số đồng chí đã tự tiện bỏ địa phương mình chạy sang vùng khác làm việc mà không hề có sự quyết định của đoàn thể, của cấp trên. Như vậy các đồng chí không những đã biểu lộ tinh thần kém cỏi, việc nào dễ hay ưa thích thì làm, việc nào khó khăn không ưa thích thì bỏ, mà các đồng chí lại còn tỏ ra khinh thường kỷ luật của đoàn thể làm rối loạn hàng ngũ của đoàn thể.
Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc.
Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta.
h) Ích kỷ, hủ hóa.
Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh cho được uỷ viên này, chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc.
Có những đồng chí hay có tính kiêu ngạo, tự mãn, cho mình là cựu chính trị phạm, là người của Mặt trận thì giỏi hơn ai hết, ai cũng không bằng mình. Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là một đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn rằng ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay, người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận là giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận đó là vô tài vô dụng cả sao?
Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta: "Phải học, học thêm, học mãi". Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm. Có những đồng chí còn giữ thói "một người làm quan cả họ được nhờ", đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được.
Vẫn biết các đồng chí nói chung có nhiều ưu điểm như: Nhẫn nại, chịu khó, tháo vát, nhiều sáng kiến. Đó là những tính rất quý báu. Nó làm căn bản cho những tính tốt khác phát triển. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ có những ưu điểm ấy mà thôi, cũng chưa đủ. Các đồng chí cần phải đem căn bản tốt đó mà kiên quyết khắc phục những khuyết điểm vừa kể trên thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi.
3. Các đồng chí phải cố làm sao cho được những điều này:
a) Đoàn thể phải quân sự hóa, tư tưởng và hành động phải tuyệt đối nhất trí. Đoàn thể là đạo quân tiên phong. Nếu lúc xung phong mà người nói thế này, kẻ nói thế kia, kèn thổi ngược, trống đánh xuôi thì còn mong gì thắng trận. Chẳng những đoàn thể ta phải nhất trí mà quân, dân, chính cũng phải nhất trí.
b) Trong các cơ quan chỉ huy chọn người phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh, phải liên lạc mật thiết, hợp tác chặt chẽ, phải tuyệt đối tránh cái tệ lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện và suy tỵ không phụ trách.
Lúc này, vấn đề cơ quan chỉ huy rất quan trọng. Cử người vào đó phải cẩn thận, nhưng khi đã cử rồi, thì phải tuyệt đối phục tùng, cấp dưới phải nghe cấp trên, có thế công việc mới chạy.
c) Phải giữ vững giao thông liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung Bộ với Nam Bộ và Bắc Bộ.
Giao thông là mạch máu của mọi việc, giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng.
Mong các đồng chí mang toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục các khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái kháng chiến để đi đến thắng lợi vẻ vang.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr.149-153).
Tâm Trang (tổng hợp)