Chỉ mục bài viết

 43. Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh

Các đồng chí cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng,

Các đồng chí đoàn viên, tất cả các đồng chí bộ đội,

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các đồng chí lời chào thân ái.

Nhân dịp này, Bác có mấy điều nêu lên để các đồng chí ghi nhớ và cố gắng thực hành. Trong đó, Bác có nói những ưu điểm, có phê bình những khuyết điểm của các đồng chí. Sau cùng, nêu lên những nhiệm vụ trước mắt. Nêu lên ưu điểm để cố gắng phát huy. Nêu lên khuyết điểm để cố gắng khắc phục.

Về ưu điểm: Nói chung, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, các đoàn viên thanh niên lao động đã tích cực công tác. Đó là một điểm tốt.

Các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình. Đó là ưu điểm thứ hai.

Các đồng chí đã cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai; đã cố gắng kiện toàn tổ chức; cố gắng cùng nhân dân và lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất. Đó là một điều tốt nữa.

Trong những điều tốt ấy, Bác nêu vài gương tốt mà các đồng chí chúng ta đều nên học và bắt chước, có như thế thì mới làm cho dân mến, dân phục, dân tin.

Ví dụ: Đồng chí bí thư chi bộ Kỳ Hải trong lúc trời mưa rét nhưng vì đê đập nguy ngập, không sợ rét mướt, cả ngày lấy mình chắn nước cho nhân dân đắp đê. Đó là một đức tính tốt, biết hy sinh mình cho nhân dân. Các cô, các chú biết, trong lúc vận động cách mạng, đồng chí ta nhiều người đã dũng cảm hy sinh vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân. Trong kháng chiến, nhiều chiến sĩ đã hy sinh rất oanh liệt, thì trong hoà bình cũng cần có những đảng viên, cán bộ, chiến sĩ dám hy sinh mình cho lợi ích của Đảng, của nhân dân.

Một ví dụ nữa, nữ đồng chí Thiện dù nghèo, có bệnh, vẫn cố gắng xây dựng tổ đổi công trong những chỗ khó khăn (vùng đồng bào Công giáo), chịu khổ đi trước, làm trước. Đó là gương tốt. Chẳng những trong nữ giới mà nam giới cũng phải noi theo.

Nhắc lại trong thời kỳ kháng chiến, đảng viên, cán bộ đã tích cực lãnh đạo nhân dân, dân quân du kích, chống càn quét và sản xuất có nhiều thành tích. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta có quyền tự hào về những thành tích ấy. Cần phát huy những ưu điểm trên, làm cho đảng viên tiến bộ. Đảng tiến bộ thì giải quyết được những nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vẻ vang.

Qua điểm thứ hai, Bác phê bình khuyết điểm:

- Có hiện tượng: Cán bộ trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và mới, đảng viên cũ và mới, đoàn kết kém. Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa chữa cho kỳ được.

- Ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém. Các cô, các chú biết Đảng là một tổ chức tiên phong. Vì vậy, có những đường lối, chính sách đưa ra thực hành trong nhân dân, nếu kém ý thức tổ chức là làm cho lực lượng Đảng ta yếu đi một phần. Đảng ta gồm những người con ưu tú trong công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp khác; già có, trẻ có, trai có, gái có, có hàng chục vạn đảng viên. Muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật. Kỷ luật của Đảng là tự nguyện tự giác; đã tự nguyện tự giác là kỷ luật sắt, rất nghiêm, tất cả đảng viên già trẻ, trên dưới đều phải tuân theo. Nếu không giữ gìn nghiêm túc kỷ luật là giảm bớt lực lượng của Đảng, khó thực hiện được nhiệm vụ. Đảng có tổ chức, có kỷ luật, dù Đảng giao việc gì khó mấy cũng phải làm được.

Nếu sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng. Hiện giờ cán bộ, đảng viên tỉnh ta ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém, thậm chí một số tuy chỉ là số ít, muốn nghỉ, bỏ công việc, như thế có đúng không? Có xứng đáng người đảng viên không? Tiêu chuẩn của đảng viên, các cô, các chú có nhớ không? Có 6 điều. Một trong 6 điều là trọn đời phấn đấu cho Đảng, cho chủ nghĩa cộng sản. Muốn nghỉ, muốn bỏ việc thì không phải trọn đời mà chỉ làm một đoạn thôi, thế thì Đảng không ra Đảng, cách mạng không ra cách mạng.

- Suy bì so sánh cá nhân, thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc, do đó không yên tâm công tác. Các cô, các chú có biết đối với cách mạng, cái gì cao quý nhất? Được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và cách mạng là cao quý hơn cả. Không phải thấy người này chánh, người khác phó, bậc này cao, bậc kia thấp mà suy tỵ, kèn cựa.

Đảng có dạy thế không? So sánh là cần, nhưng phải biết so sánh về đạo đức, ý chí, lập trường cách mạng. Nên so sánh với những đồng chí lập trường vững chắc, tác phong tốt, ý chí hăng, xem mình đã được như thế chưa. So sánh để mà học, mà tiến bộ. Không nên so sánh cái áo này xấu, cái áo kia đẹp, lương nhiều, lương ít, v.v.. Đầu óc tư tưởng người đảng viên là đưa hết tinh thần, lực lượng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Thế nhưng, một nửa phục vụ nhân dân, một nửa lại suy tỵ, như thế là chưa toàn tâm, toàn lực, là chưa xứng đáng tư cách của người đảng viên.

- Cấp trên, cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết. Khuyết điểm này cả hai bên, cấp trên không dân chủ, xa quần chúng; cấp dưới thiếu phê bình xây dựng. Cấp trên phải tự phê bình, cấp dưới có quyền đòi hỏi dân chủ. Phê bình giúp cấp trên, đó là dân chủ đúng mức, không phải tự do quá trớn, tự do bừa bãi. Muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ là tự do bừa bãi, tự do tếu. Dân chủ phải thực hiện từ trên xuống dưới. Tự phê bình phải thật thà, phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu.

Chúng ta do đoàn kết mới có lực lượng. Muốn đoàn kết, lực lượng mạnh, phải có phê bình, tự phê bình. Phê bình, tự phê bình là để tăng thêm đoàn kết.

- Đảng ta, Chính phủ ta, ngoài lợi ích của nhân dân, không có lợi ích nào khác, nên đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp. Nhưng còn có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi nước mắt của đồng bào.

- Thiếu nhận thức đúng về lao động, nhất là lao động chân tay. Không hiểu lao động là vẻ vang. Có khi miệng nói là vẻ vang, nhưng ra làm thì không thấy. Không hiểu lao động là bất kỳ làm việc gì có ích cho nhân dân, cho xã hội là vẻ vang, dầu mệt nhọc bẩn thỉu. Như người lấy phân xia chẳng hạn, nếu ở thành thị, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, v.v. không có những người đó làm việc tốt thì cũng có ảnh hưởng. Các cô, các chú xem báo đã biết có một cô làm việc ấy tốt cũng được bầu là chiến sĩ. Không hiểu thế nên một số cán bộ, nhất là cán bộ ở nông thôn muốn thoát ly. Đó là chưa nhận thức đúng lao động là vẻ vang, nhất là lao động chân tay. Cố nhiên lao động trí óc cũng cần thiết và quan trọng. Nói lao động chân tay là nói đến công nhân và nông dân. Không có công nhân và nông dân thì không làm được cách mạng và chúng ta không sống được. Đã nhận là vẻ vang thì phải yêu lao động, giữ kỷ luật lao động.

- Còn một điểm khác thì đảng viên, cán bộ ở Nghệ An cũng như Hà Tĩnh, một số có óc công thần, cho rằng "choa" đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xôviết, v.v. nên tự kiêu, tự đại, không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn. Cái nhìn của người cách mạng phải rộng rãi, thái độ phải khiêm tốn. Các đảng viên Nghệ An và Hà Tĩnh có truyền thống đóng góp khá vào cách mạng. Đó là vẻ vang. Có thể là nhờ cố gắng, quyết tâm, chịu khó, chịu khổ. Muốn giữ vững truyền thống ấy, phải phát huy cái tốt và cố gắng, quyết tâm, không sợ khó, sợ khổ và phải khiêm tốn. Nếu không thấy thế thì lỗ mũi sẽ sỉnh ra như cái "đình" che mắt không thấy rừng. Cán bộ Nghệ - Tĩnh có công lao một phần, nhưng nếu không có công lao của đảng viên, cán bộ toàn quốc, không có công lao giai cấp vô sản thế giới thì mình có làm được gì không? Công lao của mỗi chúng ta với Mác - Lênin ai to hơn? Thế thì ta đã nên sỉnh mũi chưa? Càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác, chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì.

Bây giờ Bác nói nhiệm vụ trước mắt:

1. Phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn. Gọn mà không tốt sẽ bây ra đằng sau, tốt mà không gọn cũng ảnh hưởng. Các nơi khác đã làm được gọn, tốt rồi thì các cô, các chú ở Hà Tĩnh cũng làm được, chỉ cần sắp xếp tổ chức, phổ biến kinh nghiệm khéo thì nhất định làm được.

2. Phải rất chú ý tăng gia sản xuất. Các cô, các chú có khi vì công tác, vì điều kiện, vì trình độ một phần nên chưa nghiên cứu được về chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác chỉ nói một điểm rất giản đơn "có thực mới vực được đạo" đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước mắt là chăm lo vụ bát, vụ mười cho tốt. Chăm lo tốt chưa đủ. Nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ, bỏ phân, cày bừa kỹ; đấu tranh với trời là chống thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp chậm. Vì sao đắp chậm? Vì coi nhẹ nên khi động viên nhân dân đi đắp đê thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên nằm ở nhà. Đê đắp không tốt thì "lụt lút cả làng", nhân dân bị thiệt, cán bộ, đảng viên cũng bị thiệt, chẳng những bị thiệt rồi mà còn bị nhân dân mắng chửi. Không chú ý động viên làm, đến khi bị nhân dân chửi như thế có đúng không? Đúng! Vì Đảng ta không phải là đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho nhân dân, trước mắt là sản xuất. Giữ gìn sản xuất, chủ yếu là đắp đê.

Anh em bộ đội thì phải hết sức giúp dân, vì nhân dân đói thì bộ đội không no. Bộ đội là con của nhân dân. Con phải giúp đỡ cha mẹ. Nhưng nhân dân đừng ỷ lại, bộ đội làm phần của bộ đội, dân làm nhiệm vụ của dân. Nhân dân làm là chính.

3. Các cô, các chú có muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội không? Muốn tiến lên thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng một số khá nhiều xí nghiệp. Trong nông nghiệp cũng đang làm các công trình thủy nông. Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở nhân dân tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt. Muốn xây dựng mà tiếc tiền, muốn kiến thiết mà ỳ ra, không nộp thuế kịp thời, đầy đủ thì không được, "không bột thì không gột nên hồ". Tiền của nhân dân trở lại làm lợi cho nhân dân.

Không tiền thì chịu. Còn nói về nợ, thì ai nợ ai? Nhân dân đưa tiền cho Chính phủ, Chính phủ tổ chức ngân hàng. Nông dân muốn sắm trâu bò, nông cụ không có tiền thì đến ngân hàng cho vay. Chính phủ làm thế là tốt. Nhưng có vay thì phải có trả. Có trả, mới có để cho người khác vay. Đằng này khi vay thì nói ngon, nói ngọt: "Em vay về tăng gia sản xuất, em sẽ trả ngay". Nhưng khi vay được rồi thì không chịu trả. Cho rằng Chính phủ là của nhân dân, thương nhân dân, Chính phủ không bỏ tù đâu, rồi ỳ ra không trả. Như thế chẳng những có hại cho Chính phủ mà còn ảnh hưởng không tốt đến toàn dân nữa.

4. Trong việc xây dựng ta cố gắng, các nước bạn hết lòng giúp đỡ, ta còn phải mua hàng của các nước khác. Muốn buôn bán với các nước ấy, ta chưa có máy móc, đồ kỹ nghệ, ta chỉ có nông, hải sản. Cán bộ, đảng viên ta phải giúp Chính phủ mua và xung phong bán. Mua của người khác mà mình không xung phong bán là không tốt. Cán bộ mậu dịch phải mật thiết với cán bộ địa phương, thông qua họ mà thu mua. Giá cả quy định là phải chăng, vừa lợi cho nhân dân, vừa lợi cho Chính phủ.

Những việc ấy phải kết hợp làm cho khéo, đừng làm việc này, bỏ việc khác. Trung ương cảm thông với những khó khăn của cán bộ xã; nhưng phải cố gắng. Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ phê bình, tự phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí…

Bác khuyên các cô, các chú làm đúng tiêu chuẩn đảng viên. Đoàn viên là cánh tay của Đảng. Đảng viên cố gắng thì đoàn viên cũng phải cố gắng, không yêu cầu làm trăm phần trăm như đảng viên, nhưng cố gắng được chừng nào tốt chừng ấy. Cán bộ ngoài Đảng cũng yêu cầu phải cố gắng. Nếu tất cả quyết tâm thì lời hứa của các cô, các chú sẽ làm cho Hà Tĩnh tiến bộ mọi mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Như thế, nhân dân Hà Tĩnh, trước hết là cán bộ, đảng viên đã thực tế góp phần vào củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam, đấu tranh buộc bọn Mỹ - Diệm phải thực hiện thống nhất để xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Cuối cùng, Bác gửi lời hỏi thăm tới cán bộ, đảng viên, đồng bào ở nhà, khi các cô, các chú về địa phương. Khi Bác nêu ưu điểm, yêu cầu các cô, các chú phát huy, nêu khuyết điểm là yêu cầu sửa chữa, nêu nhiệm vụ là quyết tâm làm tròn.

Để khuyến khích, Bác có 100 huy hiệu làm giải thưởng. Qua dân chủ bình bầu, các cô, các chú ai đúng tiêu chuẩn thì được. Các cô, các chú có muốn được thưởng không? ("Có ạ!" - Cả hội nghị đồng thanh đáp).

Huy hiệu chỉ có 100 mà ở đây đã hơn 2.000 người và tất cả cán bộ, đảng viên ở nhà cũng đều muốn được thưởng. Nếu cần thêm 15 cái nữa, Bác cũng sẵn sàng.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, t.618-619)

44. Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I, trường Nguyễn Ái Quốc

Trên đây là nói sự quan trọng của việc học tập lý luận. Bây giờ nói đến vấn đề lý luận liên hệ với thực tế. Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế.

Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Vì vậy cho nên trong khi nhấn mạnh sự quan trọng của lý luận, đã nhiều lần đồng chí Lênin nhắc đi nhắc lại rằng lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi.

- Phải khiêm tốn, thật thà. Trong Đảng ta trình độ lý luận còn thấp kém, không ai có thể tự xưng mình là giỏi lý luận. Do đó phải nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà. Đào sâu suy nghĩ khi nghiên cứu các tác phẩm của Mác - Lênin, các bài giảng của các đồng chí giáo sư bạn, khiêm tốn học tập các đồng chí giáo sư bạn, cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập.

- Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập.

- Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn.

- Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa.

- Phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình, tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới trên cơ sở mới.

Các đồng chí phải dần dần xây dựng thái độ học tập đó thành một tác phong thường xuyên trong quá trình học tập. Có như thế thì mới đúng nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tế, làm cho việc học tập của chúng ta đạt được mục đích đào tạo những cán bộ biết vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể. Tôi phát biểu mấy ý kiến đó để giúp các đồng chí nghiên cứu.

Một lần nữa, chúc nhà trường thành công.

(In trong sách Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t.II, tr.67-78).

45. Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ

Các cô, các chú muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công.

Về kỷ luật lao động thì lỏng lẻo, không có một nước nào mà 15% công nhân vắng mặt trong buổi làm, như thế trước hết là ảnh hưởng đến anh chị em công nhân, ảnh hưởng ngân quỹ, ảnh hưởng tăng gia sản xuất, ảnh hưởng đến giá sinh hoạt, ảnh hưởng không tốt đến việc kiến thiết chủ nghĩa xã hội. Hay có người đương làm thì bỏ đi ngủ, thái độ như thế không phải là người chủ, cán bộ và công nhân ta phải biết đấu tranh chống thói xấu ấy.

Bây giờ nói đến đồng bào nông dân. Đồng bào nông dân rất cố gắng chống hạn, chống bão, gìn giữ đê điều, rửa chua, cạo mặn, v.v.. Nói tóm lại đồng bào nông dân cần cù, cho nên đã thu được ba vụ tốt. Nhưng mà đồng bào nông dân cũng có khuyết điểm là được ba mùa rồi thì chủ quan, coi nhẹ chăm bón lúa mùa, hoa màu kém hơn năm ngoái. Đồng bào nông dân ta cần hiểu rằng ruộng đất rất tốt, nhưng phải có sự chăm chỉ, cần cù thì mới đem lại hoa màu, thóc lúa, nghĩa là “muốn có ăn thì phải lăn vào ruộng”. Một điểm nữa, đồng bào nông dân có khuyết điểm là không bảo vệ rừng, không giữ rừng được tốt, làm rừng bừa bãi. Rừng là của Nhà nước. Nhà nước giao cho nông dân quản lý. Cố nhiên đồng bào nông dân có khuyết điểm, nhưng một phần cán bộ chưa tuyên truyền giải thích kỹ, đồng bào nông dân nếu biết rõ thì quyết tâm làm đúng. Chúng ta bảo vệ được rừng tốt, là bảo vệ quyền lợi cho đồng bào nông dân, nói chung là bảo vệ quyền lợi cho cả nước.

Đồng bào nông dân muốn làm ăn tốt hơn trước, phải có tổ chức, phải đoàn kết. Đồng bào nông dân có biết vì sao nông dân Liên Xô được sung sướng không? Vì nông dân Liên Xô tổ chức nông trường hàng vạn mẫu, họ làm chung hưởng chung. Nông dân Trung Quốc hay nông dân Triều Tiên chưa được như nông dân Liên Xô nhưng cũng hơn ta vì họ có tổ chức hợp tác xã. Bây giờ đồng bào ta chưa làm được như thế, nhưng muốn làm ăn tiến bộ thì phải tổ chức tổ đổi công cho tốt.

Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân.

Có một số cán bộ vì không hiểu mình là đày tớ của nhân dân, chỉ muốn ở thành phố để được gần hàng phở, gần người yêu... Nếu như thế thì không làm được nhiệm vụ mình là đày tớ của nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Liên Xô, tôi nêu một ví dụ: ở Liên Xô, cán bộ Đảng bảo đi đâu thì đi đấy, cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, thế cho nên có những dân tộc thiểu số trước đây rất lạc hậu, nay tiến bộ rất nhanh.

Không trách các cô, các chú ăn phở, gần người yêu, nhưng mà trước hết phải làm tròn nhiệm vụ phục vụ nhân dân.

Bây giờ tôi nói sang vấn đề tổ chức công đoàn, thanh niên và Đảng. Công đoàn là tổ chức công nhân, phải đoàn kết công nhân, giáo dục công nhân, làm cho công nhân hiểu rằng lao động là vẻ vang, hiểu rõ giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, chủ nhân nước nhà.

Vì vậy, công đoàn cần phải nhắc nhở, giúp đỡ, khuyến khích anh chị em công nhân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và phải xem xét đến đời sống vật chất, đời sống văn hóa của anh chị em công nhân. Đó là nhiệm vụ của công đoàn, cho nên công đoàn là một trường học để thực hiện cải tiến dần dần lên chủ nghĩa xã hội.

Bây giờ thử hỏi công đoàn ta ở đây sinh hoạt có thường xuyên hay không, có thiết thực hay không, có vui vẻ hay không? Tôi chắc cán bộ công đoàn khó trả lời, vì một chứng cớ rõ ràng là Quốc hội đã thông qua Luật công đoàn mà anh chị em đoàn viên chưa biết, đấy là tỏ ra sinh hoạt của đoàn viên không thường xuyên, không hoạt bát, không vui vẻ.

Nói về đoàn thanh niên cũng gần như công đoàn. Vì vậy muốn làm tròn nhiệm vụ của công đoàn, của đoàn thanh niên thì cán bộ công đoàn và đoàn thanh niên phải đoàn kết chặt chẽ, phải gương mẫu trong việc học tập, trong sản xuất, tiết kiệm, trong kỷ luật lao động, luôn luôn gần gũi công nhân, gần gũi thanh niên.

Thanh niên có một điểm đáng khen, nhưng không phải được khen mà tự kiêu, tự đại. Ví dụ như vận động phong trào làm đúng giờ, vận động học nghề, vận động tiết kiệm, thanh niên đã làm được một phần trong ba vấn đề đó, nhưng mới là bước đầu, còn phải cố gắng tiếp tục hơn nữa.

Cán bộ công đoàn và thanh niên phải gần gũi, gương mẫu, nhưng mà cán bộ công đoàn và thanh niên trực tiếp tham gia sản xuất còn ít, chỉ ngồi viết chỉ thị, không trực tiếp sản xuất thì làm sao gần gũi được công nhân, làm sao biết được công nhân muốn gì, lo gì, nghĩ gì? Thế là quan liêu.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, t.107-117)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: