Chỉ mục bài viết

 26. Bài nói chuyện nhân dịp Tết năm Nhâm Thìn

Cùng đồng bào và bộ đội,

Hôm nay nhân ngày Tết, tôi vui mừng nói chuyện với đồng bào và bộ đội.

Trước hết, tôi thay mặt Chính phủ và Đoàn thể, chúc đồng bào trong nước vùng tự do, vùng tạm bị chiếm và vùng du kích, và kiều bào ở nước ngoài,

Cán bộ và chiến sĩ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích,

Anh em thương binh, gia đình liệt sĩ, và các bà mẹ chiến sĩ,

Chúc cán bộ đoàn thể, chính quyền và chuyên môn,

Các cụ phụ lão và các vị thân sĩ,

Các chiến sĩ và anh hùng lao động,

Các cháu thanh niên và nhi đồng,

Năm mới mạnh khoẻ vui vẻ, và cố gắng thi đua về mọi mặt với tinh thần mới để tranh nhiều thắng lợi mới.

*

* *

Bây giờ, tôi nói tóm tắt tình hình thế giới gần đây cho bà con nghe. Phe đế quốc hung hăng, nhưng nội bộ chúng rất nhiều mâu thuẫn. Thí dụ: Vừa rồi, Thủ tướng Anh sang thương thuyết với Tổng thống Mỹ, kết quả chẳng có gì. Đại tướng Gioăng thay mặt đế quốc Pháp sang xin xỏ Mỹ cũng chẳng được gì.

Vì có mâu thuẫn mà Anh với Pháp phải bàn bạc và cầu cạnh Mỹ. Vì bàn bạc cầu cạnh không được gì, cho nên mâu thuẫn càng sâu sắc thêm. Tuy vậy, để xâm lược nước khác và chuẩn bị chiến tranh thế giới, chúng vẫn hùa theo đế quốc Mỹ.

Vì thất bại ở Triều Tiên mà uy tín Mỹ càng kém sút. Trong Đại hội Liên hợp quốc, đã có nhiều nước trước kia phục tùng Mỹ, mà nay đã tỏ ý không theo Mỹ. Báo chí phản động Mỹ cũng phải nhận rằng chính sách Mỹ đã thất bại. Còn Chính phủ Pháp thì liên tiếp đổ nhào. Nguyên nhân chính là vì cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam đã làm cho Pháp chết rất nhiều người, tốn mất nhiều của. Các thuộc địa Pháp ở châu Phi cũng nổi lên đòi độc lập. Nhân dân Pháp thì hăng hái chống vũ trang Tây Đức và chống chiến tranh ở Việt Nam. Do đó mà tình hình Pháp ngày càng rắc rối. Nói tóm lại, lực lượng phe đế quốc ngày càng chia rẽ và kém sút.

Lực lượng phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo ngày càng mạnh thêm. Các phái đoàn của ta đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên, đi dự Hội nghị công đoàn, Hội nghị hòa bình thế giới và Đại hội liên hoan thanh niên, lần lượt báo cáo cho đồng bào và bộ đội biết những thành tích to lớn của Liên Xô và các nước dân chủ mới.

Đây tôi chỉ nói tóm tắt rằng: Báo chí phản động các nước cũng phải nhận kinh tế Liên Xô và các nước dân chủ mới năm ngoái đã tiến bộ vượt bậc. ở Triều Tiên, quân đội nhân dân Triều Tiên và quân tình nguyện Trung Quốc đã đánh qụy quân đội 18 nước do Mỹ cầm đầu. Nhân dân Trung Quốc chỉ trong 6 tháng đã do tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà quyên cho Chính phủ hơn 3 nghìn chiếc máy bay.

Các nước ở Cận Đông và Trung Đông cũng nổi lên chống đế quốc chủ nghĩa.

Toàn thế giới đã có 600 triệu chiến sĩ ký tên, quyết tâm giữ gìn hòa bình.

Nói tóm lại, lực lượng dân chủ và hòa bình ngày càng lớn  mạnh. Lực lượng dân chủ hòa bình lớn mạnh tức là lực lượng ta lớn mạnh.

*

* *

Tình hình nước ta trong năm vừa qua cũng tiến bộ khá. Về kinh tế, ta đã lập Ngân hàng quốc gia, ta đã thống nhất quản lý kinh tế tài chính, ta đã thi đua tăng gia sản xuất có kết quả tốt. Ta đã định ra và thi hành thuế nông nghiệp. Nói đến đây, tôi cần nhắc cán bộ và đồng bào phải cố gắng hoàn thành kịp thời thuế nông nghiệp, để kịp thời sắp đặt và thi hành kế hoạch kinh tế năm 1952 của ta.

Về quân sự, sau cuộc thắng trận ở Biên giới40 tháng 10 năm 1950, bộ đội ta liên tiếp thắng lợi trong 5 chiến dịch, và đã tiêu diệt hơn 38.000 tên địch. Những thắng lợi đó là do sự dũng cảm của bộ đội ta và do đồng bào ta hết sức ủng hộ bộ đội.

Về các mặt khác, như văn hóa xã hội, v.v., chúng ta cũng có tiến bộ. Nhưng chúng ta cần tiến bộ hơn nữa, thắng lợi hơn nữa, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công.

*

* *

Chúng ta cần làm gì để tiến bộ nữa và để thắng lợi nhiều hơn nữa.

Để đạt mục đích ấy, chúng ta phải làm những việc sau này:

1) Chúng ta đã đoàn kết, nay phải đoàn kết chặt chẽ, thật thà và rộng rãi hơn nữa. Đoàn kết toàn dân. Đoàn kết với anh em Miên, Lào. Đoàn kết với các nước bạn. Đoàn kết với các dân tộc đang đấu tranh đòi độc lập tự do và hòa bình.

2) Toàn thể đồng bào phải thi đua tăng gia sản xuất để đủ ăn đủ mặc, tức là mọi người, mọi gia đình, mọi làng, mỗi huyện, mỗi tỉnh cho đến cả nước đủ ăn đủ mặc, nhân dân và bộ đội đủ ăn đủ mặc để kháng chiến lâu dài. Tăng gia sản xuất phải có kế hoạch thiết thực, từ Chính phủ trung ương đến mỗi một gia đình đều phải có kế hoạch. Kế hoạch riêng từng địa phương phải ăn khớp với kế hoạch chung của toàn quốc. Tôi khuyên đồng bào và cán bộ nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch của Chính phủ, và đặt kế hoạch địa phương và gia đình cho thiết thực, để làm cho kinh tế tài chính năm nay thành công.

Tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Phải tiết kiệm sức lao động, phải tiết kiệm thì giờ, phải tiết kiệm tiền của, để tăng gia. Tiết kiệm giúp cho tăng gia và tăng gia giúp cho tiết kiệm, để đi đến kết quả tốt.

3) Bộ đội phải thi đua diệt giặc lập công. Phong trào du kích phải được đẩy mạnh lên khắp nơi. Hễ lúc nào giặc hở là ta đánh.

Giặc mò ra đâu, ta đánh ở đó. Ta làm cho chúng hao mòn sứt mẻ, ta cộng thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to. Ta đánh cho chúng không kịp thở, cho đến lúc ta hoàn toàn tiêu diệt chúng.

Quân đội và nhân dân ta phải tìm đủ cách chống địch bắt lính và vận động những người lầm đường đi lính cho giặc quay về với Tổ quốc. Phải làm cho họ hiểu chính sách khoan hồng của Chính phủ và của nhân dân ta. Đối với đồng bào và thanh niên đang hăng hái chống giặc bắt lính, chúng ta phải ủng hộ. Đó cũng là một cách đánh phá địch.

4) Toàn thể quân đội và nhân dân ta phải phá tan âm mưu địch "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".

5) Chúng ta phải làm trọn những nhiệm vụ nói trên. Mà muốn làm trọn nhiệm vụ (nhất là nhiệm vụ kinh tế tài chính) thì chúng ta phải chống những cái gì trở ngại ta.

- Một là chống bệnh quan liêu. Bệnh quan liêu là bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của Đoàn thể.

- Hai là chống nạn tham ô. Tham ô là lấy của công làm của tư.  Là gian lận tham lam. Là không tôn trọng của công. Là không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra.

- Ba là chống nạn lãng phí. Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô.

Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra. Vì vậy, từ nay, toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sĩ, toàn thể cán bộ phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội có tội đã đành; người thấy những tội ấy mà không nêu ra, cũng như có tội. Vì vậy bộ đội, cơ quan, đoàn thể và nhân dân phải tổ chức một phong trào thật thà tự phê bình và phê bình từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên, toàn dân đều hăng hái tham gia, để giáo dục nhau, để cùng nhau tẩy trừ ba nạn kia, để dọn đường cho những thắng lợi mới.

Những công việc nói trên sẽ có những chỉ thị rõ ràng của Chính phủ và của Đoàn thể, đây tôi chỉ tóm tắt nêu những điểm chính. Khi nhận được những chỉ thị ấy, tôi mong rằng bộ đội, đồng bào và cán bộ nghiên cứu kỹ càng, đặt kế hoạch thiết thực để thực hiện, và hứa với tôi kiên quyết thực hiện cho kỳ được. Như thế thì năm Nhâm Thìn, chúng ta nhất định tranh được nhiều thắng lợi to lớn và vẻ vang hơn nữa. Chào thân ái và quyết thắng

(Theo Báo Nhân Dân, số 43,  ngày 27-01-1952).

27. Chống quan liêu, tham ô, lãng phí

Vì quan liêu, tham ô, lãng phí có hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho đoàn thể, cho kháng chiến và kiến quốc, nên mọi người có quyền và có nghĩa vụ phải chống. Bước đầu thì chống bằng cách kiểm thảo và phê bình. Còn những người, những cơ quan hoặc đoàn thể nào phạm những điều ấy, thì cần phải thật thà và công khai tự kiểm thảo và kiên quyết sửa đổi.

Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ "bưng mắt bắt chim", thái độ "giấu bệnh sợ thuốc", một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí.

Chúng ta nhiều công việc, ít kinh nghiệm, không tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, mà sợ không kiên quyết tự kiểm thảo và sửa chữa.

Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta.

(Theo Báo Nhân Dân, số 68, ngày 31-7-1952).

28. Bài nói tại Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc

Nước ta phải đi đến dân chủ thực sự. Dân chủ thực sự là chống phong kiến địa chủ và chống đế quốc.

Sau 80 năm nô lệ, nhân dân ta nổi lên đánh đổ đế quốc giành lại độc lập. Bọn phong kiến địa chủ lại mưu bán nước. Trong chính phủ bù nhìn là những ai? Bảo Đại và những tên đầu sỏ khác đều là bọn đại địa chủ phong kiến. Đế quốc lợi dụng phong kiến địa chủ để cướp nước ta. Phong kiến địa chủ bám vào đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta. Vì thế, muốn kháng chiến thắng lợi không những phải đánh đổ đế quốc mà còn đánh đổ cả phong kiến địa chủ.

Các nước dân chủ mới như Trung Quốc, Triều Tiên và các nước dân chủ Đông Âu đều chia ruộng đất cho dân cày. Nội dung cách mạng dân chủ căn bản là giải phóng cho nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Nội dung cách mạng dân tộc cũng là giải phóng cho nông dân. Bao giờ ở nông thôn nông dân thật sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới là dân chủ thực sự. Vì nước ta ở trong hoàn cảnh đặc biệt, cách mạng vừa thành công thì phải kháng chiến ngay, cho nên từ đó đến nay Đảng và Chính phủ áp dụng chính sách giảm tô, giảm tức hợp với điều kiện nước ta, như thế là đúng, nhưng có chỗ giảm chưa đúng, có chỗ chưa giảm, chính sách giảm tô chưa được thi hành triệt để.

Chính sách của Đảng và của Chính phủ là đúng, vì sao mà không thi hành được triệt để?

Vì cán bộ không nắm chính sách, lập trường không vững, muốn được lòng nông dân mà cũng muốn được lòng địa chủ, có khi muốn được lòng địa chủ hơn, cán bộ tự tư tự lợi; mình tuy ở trong Đảng nhưng còn cái đuôi phong kiến địa chủ thò ra. Chưa gột rửa sạch tư tưởng phong kiến địa chủ, xui nông dân xung phong mà mình không xung phong; thậm chí tham ô, lãng phí; cán bộ từ khu, tỉnh, huyện, xã hoặc nhiều hoặc ít đều mắc khuyết điểm trên. Nói tóm lại, trong đầu óc cán bộ còn rất nặng những tư tưởng địa chủ.

Các cô, các chú cần phải gột rửa cho sạch tư tưởng phong kiến địa chủ.

Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng, nước ta cũng như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết, cam tâm chịu tù đày. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ nhưng lập trường và tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân.

Chắc các cô, các chú có nghe nói chuyện đồng chí Bành Bái ở Trung Quốc, gia đình đồng chí ấy là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ phong kiến.

Vấn đề xuất thân có quan hệ thật nhưng nếu xuất thân là địa chủ nhưng đứng hẳn về phía nông dân, thì không phải là địa chủ nữa. Trung Quốc gọi những địa chủ hoan nghênh cải cách ruộng đất là “thân sĩ khai minh”. Cho nên, nếu kiên quyết rửa sạch tư tưởng địa chủ, thì dù xuất thân là địa chủ vẫn tham gia được cách mạng.

Nói tóm lại: Lập trường phải cho vững, tư tưởng phải dứt khoát. Lập trường không vững vàng, tư tưởng không dứt khoát, thì nghiên cứu gì cũng không thực hành được cách mạng ruộng đất.

Vì giảm tô chưa thực hiện được triệt để, cho nên năm nay Đảng và Chính phủ phải chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô. Từ năm 1949 đã có sắc lệnh giảm tô, đến nay đã 4 năm mà vẫn chưa thực hiện triệt để. Xem đó thì biết rằng giảm tô không phải là một vấn đề giản đơn, nó là một bộ phận của giai cấp đấu tranh, giai cấp nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ.

Đây cũng là một chiến dịch, nhưng chiến dịch này to và rộng hơn Chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, vì nó mở ra khắp cả nước. Nó càng khó hơn đánh giặc, vì đánh giặc thì đưa vũ khí ra mà đánh, trong chiến dịch này nông dân không đưa súng đạn ra đánh với địch, nhưng phải dùng một thứ vũ khí mạnh hơn, tức là lực lượng tổ chức và lực lượng đoàn kết của hàng triệu nông dân. Đảng và Chính phủ là Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu của cuộc đấu tranh này. Cũng như mọi chiến dịch khác, nó phải có chính sách rõ ràng, phương châm đúng đắn, kế hoạch đầy đủ, có tổ chức, có lãnh đạo, chứ không phải nói “phóng tay phát động” quần chúng là phóng tay lung tung. Khi thi hành không được “tả”, không được “hữu”. “Tả” và “hữu” đều thất bại. Phải theo đúng chính sách và phương châm. Cũng như đánh giặc, ta phải biết có thể làm được gì, chưa làm được gì, làm thế nào, bước đầu như thế nào, bước thứ hai, thứ ba thế nào? Muốn theo đúng chính sách, phương pháp, kế hoạch, muốn lãnh đạo đúng, thì lập trường phải vững, tư tưởng phải thông.

Tư tưởng và hành động phải nhất trí, lý luận và thực hành phải nhất trí, cán bộ trên dưới phải nhất trí, cán bộ và nông dân phải nhất trí, thì mới chắc thành công.

Một điểm nữa là phải tuyệt đối tránh chủ quan; không nắm trọng điểm mà cái gì cũng muốn nắm hết, làm hết, muốn cho mau, tưởng có phương châm, chính sách rồi thì cái gì cũng trôi chảy.

Kinh nghiệm chứng tỏ rằng giai cấp địa chủ rất nhiều mưu mẹo, rất xảo quyệt, rất hung ác. Nguyên tắc đấu tranh là: “Tri bỉ tri kỷ”, nghĩa là biết địch biết ta. Nếu chỉ biết mình mà không biết địch hay là chỉ biết địch mà không biết mình là chỉ biết một nửa và không thể thành công. Giai cấp địa chủ có trăm phương nghìn kế, từ mua chuộc cán bộ, mời cán bộ ăn, gả con cho cán bộ đi đến chỗ phá hoại mùa màng, tổ chức rối loạn, ám sát cán bộ và nông dân.

Địa chủ không từ âm mưu thâm độc nào, đối phó với chúng không phải là dễ. Chúng có kinh nghiệm từ mấy nghìn năm thống trị, nhiều mưu mẹo, nếu ta khinh địch thì sẽ thất bại.

Phát động quần chúng như thế nào? Phát động phải nhằm vào tổ chức. Bất cứ lực lượng nào nếu không tổ chức chặt chẽ thì không có hiệu quả. Khi tổ chức rồi phải giáo dục, làm cho quần chúng tự giác, tự động, biết sức lực của họ, biết quyền lợi của họ, làm cho họ mạnh dạn đấu tranh. Phát động quần chúng phải tránh bao biện, phải tránh quan liêu mệnh lệnh, ép buộc, cán bộ về địa phương là để giúp nông dân tổ chức, giúp nông dân giác ngộ, đoàn kết đấu tranh. Làm thế nào khi cán bộ rút đi rồi, phong trào vẫn cứ tiếp tục phát triển không xẹp xuống. Lúc cán bộ về làng thì phong trào lên, khi cán bộ rút đi thì phong trào xuống, đó là vì cán bộ quan liêu mệnh lệnh, không biết bồi dưỡng cốt cán.

Phát động quần chúng không phải như lửa rơm, đốt cháy bùng lên rồi tắt ngay. Phải làm cho quần chúng giác ngộ, làm cho phong trào ăn sâu trong địa phương, tự quần chúng nêu vấn đề, tự họ giải quyết vấn đề, tự họ tranh đấu. Không phải cán bộ học được gì rồi thì mang nói cho nông dân ngồi nghe. Vì thế, trước hết cần chú ý vấn đề tổ chức. Hiện nay có nông hội chỉ có tên không có thực, không có sinh hoạt, thiếu giáo dục, vì những phần tử xấu nắm quyền lãnh đạo. Vì thế phải chỉnh đốn tổ chức, nơi nào chưa có nông hội thì phải tổ chức, nơi nào đã có thì phải củng cố rồi phát triển.

Không phải tổ chức nông hội rồi là xong việc, vì vấn đề nông dân, vấn đề ruộng đất rất phức tạp, cho nên tổ chức nó cũng phức tạp và nhiều hình thức. Chỉ tổ chức nông hội để tranh đấu giảm tô mà thôi thì cũng chưa đủ. Khi tổ chức tranh đấu giảm tô đồng thời phải tổ chức tăng gia sản xuất. Nếu chỉ tổ chức tranh đấu giảm tô và tăng gia sản xuất mà thôi, cũng chưa đủ. Tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống của nhân dân, cung cấp cho bộ đội, nhưng còn phải tổ chức công an, dân quân địa phương để ngăn ngừa địa chủ phá hoại, để giữ gìn những kết quả đã tranh đấu được và tăng gia sản xuất được.

Tổ chức rồi phải giáo dục huấn luyện quần chúng. Phải lấy thực tế hành động tranh đấu hàng ngày để giáo dục, làm cho quần chúng thấy lực lượng của họ, phát huy sáng kiến, tự họ giải quyết vấn đề, tự họ nâng cao địa vị kinh tế, chính trị, văn hóa của họ.

Muốn thực hiện như thế, không phải mệnh lệnh bắt quần chúng phải theo, mà phải làm cho họ tự giác tự động. Cán bộ phải nắm vững chính sách của Đảng, của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng. Quần chúng rất nhiều sáng kiến, họ hiểu biết rất mau, nhất là những cái thuộc về quyền lợi của họ. Cán bộ phải tìm hiểu quần chúng, phải học hỏi quần chúng để lãnh đạo quần chúng.

Cán bộ phải kiên nhẫn, quyết tâm, phải chí công vô tư. Nếu tự tư tự lợi, lập trường không vững, tư tưởng không thông, thì tài giỏi gì cũng vô dụng, vì quần chúng rất thông minh. Ai ra sức phục vụ, ai tự tư tự lợi, họ biết ngay, không giấu được họ.

Phát động quần chúng triệt để giảm tô không phải là việc giản đơn dễ dàng. Nhưng có phải vì khó mà sợ không? Ta phải thấy rõ những phức tạp, khó khăn để chuẩn bị khắc phục nó. Muốn khắc phục nó thì phải tổ chức quần chúng, dựa vào quần chúng, học hỏi quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, việc gì cũng bàn bạc với quần chúng, thì dù vấn đề khó khăn mấy cũng sẽ giải quyết được hết.

Đó là một chiến dịch to lớn, phức tạp, khó khăn, phải thấy rõ sự thực như thế để quyết tâm khắc phục. Nhất định ta làm được, vì ta có Đảng, có chính quyền, có Mặt trận, có bộ đội, có kinh nghiệm quốc tế, đồng thời ta có hàng triệu chiến sĩ nông dân, khi đã giác ngộ thì họ là những chiến sĩ quyết chiến quyết thắng.

Với một Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu mạnh mẽ là Đảng, Chính phủ, với một bộ đội có hàng triệu người, với số cán bộ như các cô, các chú ở đây và hàng nghìn hàng vạn cán bộ khác thì kẻ địch nào ta cũng đánh tan được.

Bác nhắc mấy điều nữa.

Bác cảm thấy các cô, các chú ở địa phương đến đây mang một balô vấn đề muốn giải quyết cả ở đây. Như thế là không đúng. Các cô, các chú phải biết rằng khi về địa phương thì tình hình có thể biến đổi khác, cho nên chủ yếu là cán bộ nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ thì dù gặp thiên biến vạn hóa cũng giải quyết được. Vì vậy các cô, các chú cố gắng nắm vấn đề chính mà nghiên cứu cho sâu, mà đánh thông tư tưởng và tự nhắc nhủ mình dù khó khăn phức tạp mấy nhưng quyết tâm quyết chí thì nhất định làm tròn được. Điều nữa là phải hiểu: Đảng lãnh đạo nông dân, không phải nông dân lãnh đạo Đảng; các cô, các chú phải nhận rõ mình là giai cấp công nhân lãnh đạo nông dân. Cán bộ nào nói “mình thay mặt nông dân”... là nói sai. Mình là đảng viên phải phục vụ nông dân, lãnh đạo nông dân kháng chiến kiến quốc, nhưng không phải là mình đứng vào địa vị nông dân.

Mong các cô, các chú cố gắng làm cho Hội nghị thành công.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.8, tr.48-49)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: