19. Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hiện ngay
…
KIỂM TRA
Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi.
Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh.
Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích.
Mục đích sự tổ chức công tác là: Động viên toàn thể nhân dân hăng hái thi hành chính sách đã định. Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ "dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn" và cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự động viên ấy và sự thực hành ấy đã đến mức nào, thì phải có kiểm tra.
Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà "đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị" mà công việc vẫn không chạy.
CÁCH KIỂM TRA
1. Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy.
Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn.
2. Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi.
3. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách.
NGƯỜI KIỂM TRA
Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín.
Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm.
Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra.
Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm.
(Đăng trên Báo Sự thật, số 103, ngày 30-11-1948).
20. Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ Sáu
Lần này, Hội nghị có đủ đại biểu Trung, Nam, Bắc và cán bộ cao cấp của Đảng trong chính quyền, quân sự, kinh tế, tài chính, đảng vụ, dân vận, kiểm tra, v.v. về dự, đó là một điểm tốt.
Những vấn đề thảo luận thì nhiều, nhưng đều hướng vào một đường đi: Kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Phương hướng đã định, ta nhằm vào phương hướng ấy mà đi, thế nào ta cũng đi tới đích.
Năm nay, những việc chúng ta phải làm là:
1. Đẩy tới quân sự, kháng chiến trên hết, quân sự trên hết. Mọi việc phải nhằm vào điểm làm cho kháng chiến thắng lợi.
2. Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành.
3. Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng. Đó là tất cả chính sách kinh tế, tài chính của ta.
4. Chỉnh đốn các đoàn thể quần chúng. Ta thắng lợi là nhờ dân mà hiện giờ nhiều đoàn thể dân chúng còn rất kém.
5. Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy đó mà làm. Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng.
Trong Đảng, có những việc khẩn yếu như:
a) Ta thiếu nhiều cán bộ quá: Phải đào tạo huấn luyện cho dần dần có đủ. Muốn có nhiều cán bộ, Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ tự học tập. Đảng đã giúp, cán bộ phải chịu khó học. Đồng chí ta nhiều người kinh nghiệm thực hành khá, nhưng về văn hóa thì i tờ.
Những đồng chí trí thức đọc nhiều nhưng không có kinh nghiệm công tác, chưa quen nền nếp làm việc của Đảng.
Vậy phải nâng cao lý luận cho cán bộ cũ và dạy cho cán bộ trí thức làm công tác quần chúng.
b) Lối làm việc trong Đảng hiện nay mắc hai khuyết điểm:
- Cán bộ cũ làm việc theo lối thủ công nghiệp.
- Cán bộ mới làm việc theo lối khoa học nhưng lại quá trớn, không hợp với hoàn cảnh kháng chiến.
Phải sửa chữa lối làm việc cho hợp lý, vừa với điều kiện của ta, đừng phạm vào hình thức, máy móc.
c) Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.
Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó.
Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên.
d) Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa. Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải dùng nó để càng ngày càng đoàn kết, tiến bộ.
đ) Giữ kỷ luật.
Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta cần phải ra sức giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng.
*
* *
Ta họp trong lúc phong trào cách mạng thế giới đương tiến triển rất mau, nhất là cuộc thắng lợi của nhân dân và Đảng Trung Quốc.
Ta là Đảng Đông Dương, nhưng còn có nhiệm vụ giúp sức vào công việc giải phóng Đông - Nam châu á nữa. Vì ở châu Á, về lực lượng thì sau Đảng Trung Quốc, Đảng ta là đảng mạnh; về thành tích, thì Đảng ta là Đảng đầu tiên ở Đông - Nam Á giành được chính quyền. Nói như thế không phải để tự cao, tự đại, mà để cố gắng làm tròn trách nhiệm.
Thế giới ngót 2.000 triệu người, số đảng viên cộng sản có trên 20 triệu, đổ đồng cứ 100 người dân là có một người cộng sản. Ở Đông Dương, theo số liệu hiện nay, cứ 112 người dân là có một người cộng sản. Đó là một điều đáng mừng. Nếu ai cũng làm được đầy đủ nhiệm vụ thì kháng chiến nhất định chóng thắng lợi, kiến quốc nhất định chóng thành công. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Cách mạng thế giới thành công muôn năm!
(In trong sách Hồ Chí Minh: Vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.83-85).
21. Nói chuyện tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập
1. Huấn luyện gì?
a) Lý luận: Phải dạy lý luận Mác - Lênin cho mọi người. Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích.
Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm.
Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng.
b) Công tác: Ngoài lý luận phải dạy công tác. Ví dụ: về các việc tổng động viên, thi đua ái quốc, thu thuế bằng thóc, v.v. phải giải thích thế nào cho dân hiểu, phải động viên thế nào, sắp đặt công việc thế nào. Việc thắng lợi ngoại giao vừa rồi, phải xem xét ảnh hưởng đối với ta thế nào, đối với địch thế nào, đối với trong nước thế nào, đối với quốc tế thế nào, làm thế nào để lợi dụng được hết ảnh hưởng của thắng lợi đó. Những việc như thế đều phải dạy cho cán bộ và đồng chí biết.
c) Văn hóa: Phải chú ý dạy văn hoá cho những đồng chí kém văn hóa để giúp cho họ tiến bộ về lý luận, công tác.
d) Chuyên môn: Mỗi người phải biết một nghề để sinh hoạt.
Riêng về cán bộ, ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy. Ví dụ: Những đồng chí lãnh đạo hỏa xa phải biết chuyên môn về hỏa xa, có thế lãnh đạo mới sát.
2. Huấn luyện thế nào?
a) Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều
Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: Có cách hiểu thấu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ. Trái lại cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được. Ví dụ: Muốn dạy cho người ta biết con voi là thế nào thì có thể nói tỉ mỉ bộ xương của nó ra sao, nó có mấy cái răng, nó sống thế nào, sống được mấy năm, v.v.. Nhưng nếu chưa thể dạy kỹ như thế được thì cũng có thể nói cho người ta biết bao quát hình thù của con voi như: Mình nó to bằng ba bốn con trâu, nó có chân lớn như cột nhà, hai tai to như hai cái quạt, một cái vòi và hai cái ngà ở đầu, v.v.. Như thế, người học không thể lầm con voi với con tôm, con mèo hay con bò được. Hơn nữa, khi nói đến chuyện săn voi hay bắt voi, người ta cũng không nghĩ lầm được rằng có thể dùng lưỡi câu mà móc hay dùng roi, dùng gậy mà đánh. Như thế là người học dùng được sự hiểu biết của mình vào việc làm một phần nào. Trái lại, nếu thì giờ ít, trình độ còn kém, mà cứ cặm cụi lo nghiên cứu tỉ mỉ cái ngà voi không chẳng hạn, thì khi trở về lại tưởng lầm con voi là cái ngà, không ích lợi gì cả.
b) Huấn luyện từ dưới lên trên
Các ban huấn luyện không nên ôm đồm. Phải lấy người ở cấp dưới lên huấn luyện rồi trở lại cấp dưới để họ huấn luyện cho cấp dưới nữa. Trung ương huấn luyện cán bộ cho các khu, các tỉnh, cán bộ ở khu và tỉnh phải huấn luyện cho cán bộ huyện, xã. Như thế đỡ tốn công, đỡ tốn thì giờ, và cán bộ huấn luyện cho cấp dưới gần mình lại sát hơn. Nhưng muốn huấn luyện theo lối này thì phải huấn luyện cho chu đáo. Đừng bôi bác, nếu ở trên bôi bác thì càng xuống dưới càng sai lệch.
c) Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế
Trung ương có những chỉ thị về chủ trương chính sách, Ban huấn luyện phải có những tài liệu dựa theo tình hình cụ thể, kinh nghiệm công tác để giải thích những chủ trương chính sách đó. Như thế thì lý luận mới khỏi bị tách rời thực tế.
d) Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu
Ban huấn luyện phải liên lạc mật thiết với các cơ quan tuyên truyền, dân vận, chính quyền. Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác: Đoàn thể, Mặt trận, Chính quyền, Quân đội. Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế.
đ) Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng
Huấn luyện thì phải hiểu rõ người học để nâng cao khả năng và tẩy rửa khuyết điểm cho họ. Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc. Ví dụ: Hiện nay, cán bộ ta có một khuyết điểm lớn là tự kiêu, tự mãn. Phải đập cho tan khuyết điểm ấy đi. Nếu còn tự kiêu, tự mãn thì học biết nhiều chỉ thêm hại. Do tự kiêu, tự mãn mà cán bộ có một khuyết điểm lớn nữa là óc địa vị. Ví dụ: Đang làm việc ở khu, mà Đoàn thể điều động về công tác ở tỉnh thì phàn nàn, chán nản cho rằng làm như thế là không xứng đáng tài mình, đáng lẽ là mình ở cấp trên kia! Phải gột sạch đầu óc địa vị đi.
Việc gì có lợi cho cách mạng, có lợi cho Đoàn thể là làm hết, không có việc gì sang, việc gì hèn cả.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, t.357-359)
22. Phải chữa cái bệnh cấp bậc
Nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy: hình trạng bệnh ấy đại khái như sau:
A làm ở cấp tỉnh, nay được phái đi làm cấp huyện, thì không khỏi hậm hực, tức bực. A tự hào rằng tài năng như mình, đáng được “thăng” chức, nay lại bị “giáng” chức. Thật rõ “trai hữu tài vô duyên”. Do đó, mà A đâm ra chán nản, tiêu cực.
B ở cấp huyện, nay được phái làm cấp tỉnh. Đối với những cán bộ cũ cấp tỉnh, thì B rụt rè, khúm núm, sợ lòi ra mình còn kém, sợ anh em cười, không dám bạo dạn nói bàn, làm việc.
Đối với những cán bộ cấp huyện, thì B tỏ vẻ tự kiêu, tự đại, ra vẻ “nay ta là cấp trên”.
Cũng vì bệnh cấp bậc mà mỗi người đối với B có một thái độ khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ sai lầm:
Cán bộ cũ ở tỉnh thì xem khinh B cho B là non nớt, chưa đủ tư cách.
Cán bộ huyện thì không trọng B vì rằng “hôm qua B chẳng hơn gì chúng tôi, hôm nay B lãnh đạo chúng tôi sao được”.
Lại cũng vì bệnh cấp bậc mà những cán bộ cùng một cấp được điều động đến cơ quan khác, công việc khác, thí dụ: C làm Chánh Văn phòng, D làm việc trong văn phòng. Thế là D có vẻ hậm hực, không muốn nghe mệnh lệnh C.
- Kết quả là vì bệnh cấp bậc mà cán bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy!
- Nguyên nhân bệnh cấp bậc là:
Vì cán bộ chưa gột sạch óc quan liêu, ngôi thứ.
Vì còn mang nặng chứng “quan cách mạng”.
Vì không hiểu rằng: trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Tất cả mọi ngành và tất cả mọi người phải đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ, như tay với chân, thì công việc mới dễ dàng thành công.
Một bộ máy là do nhiều thứ máy to nhỏ lắp lại. Các máy ấy đều ăn khớp với nhau, thì bộ máy tốt và sản xuất nhiều. Nếu chỉ một cái máy nhỏ không ăn khớp, thì cũng đã ảnh hưởng xấu đến toàn cả bộ máy.
Chính quyền và Đoàn thể cũng như những bộ máy gồm cả từ vị chủ tịch đến cán bộ các cấp cho đến anh em giao thông.
Nếu anh em giao thông đều siêng năng, chịu khó, cẩn thận đưa tài liệu tin tức nhanh chóng, thì chủ tịch ra chỉ thị kịp thời, cán bộ các cấp thi hành đúng dịp, mọi việc sẽ thành công tốt đẹp.
Trái lại, nếu giao thông không cố gắng, thì tin tức tài liệu đi đến chậm trễ. Kết quả công việc sẽ trễ nải, không kịp thời, mà có khi thất bại.
Một điểm nữa là: bất kỳ cán bộ cấp nào, khi đã được Chính phủ và Đoàn thể uỷ cho họ quyền lãnh đạo, thì cán bộ cấp dưới nhất định phải phục tùng họ. Đó là phục tùng Chính phủ và Đoàn thể, chứ không phải phục tùng cá nhân ai.
- Đã biết rõ kết quả không tốt của bệnh cấp bậc, thì từ nay mỗi người cán bộ phải gắng chữa cho hết bệnh ấy đi. Thang thuốc hay nhất là:
1. Dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân.
2. Đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Có chữa khỏi bệnh cấp bậc, mới xứng đáng là người cán bộ cách mạng. Mong anh chị em cán bộ cố gắng thành công.
(Đăng trên Báo Sự thật, số 136, ngày 15-7-1950).
Tâm Trang (tổng hợp)