Chỉ mục bài viết

 

duong HCM tren bien  phan 2  anh 1
Đường Hồ Chí Minh trên biển

Huyền thoại một tuyến đường trên biển

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Cái vĩ đại trong đường lối chiến tranh cách mạng của dân tộc ta thể hiện ở đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là bài học lịch sử quan trọng. Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (tháng 7 năm 1954), không những không thi hành Hiệp định, Mỹ còn ngang nhiên tuyên bố: “Mỹ không bị hiệp định này ràng buộc”.

Với mưu đồ thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ ráo riết thực hiện hất cẳng thực dân Pháp  và dựng lên một chính quyền tay sai ở miền Nam… Như vậy, vừa mới hòa bình chưa được bao lâu, nước ta lại phải bắt đầu thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh.

Nhận rõ bản chất xâm lược và những mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ, ngay từ tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị đã họp và ra Nghị quyết quan trọng về “Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”; trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới tình hình cách mạng miền Nam.

Trong khi đó ở miền Nam, đồng bào ta một lòng hướng về cách mạng; tiếp tục đấu tranh kiên cường chống kẻ thù mới của dân tộc. Đặc biệt là trong những năm 1959 - 1960, phong trào đã dâng cao với cuộc đồng khởi rộng khắp ở miền Nam.

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, Mỹ - Diệm vứt bỏ mặt nạ “thực thi dân chủ” thẳng tay đàn áp, khủng bố… Nhân dân ta ở miền Nam không còn con đường nào khác hơn là phải vùng lên chống lại kẻ thù. Cuộc đấu tranh ngày càng phát triển sâu rộng và đặt ra những yêu cầu mới nhằm tiến tới phát triển phong trào đấu tranh vũ trang.

Thực tiễn nóng bỏng của cách mạng miền Nam trong những năm cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 của thế kỷ XX vừa là điều kiện, vừa đặt ra những yêu cầu bức bách đòi hỏi Đảng ta cần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tìm ra con đường đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Từ yêu cầu đó, ngày 13 tháng 01 năm 1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 đã xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và vạch ra đường lối tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch ra mục tiêu và phương pháp cách mạng cũng như mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam - Bắc nhằm tiến tới giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước…Trong nghị quyết, Đảng ta dự kiến: “Cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ giữa ta và địch. Đảng phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó với mọi tình thế”.

Nghị quyết 15 có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của đông đảo quần chúng và như một luồng gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng miền Nam vốn đang âm ỉ cháy. Tháng 01 – 1960, Bến Tre đồng khởi. Chỉ trong hơn một năm, phong trào Đồng khởi đã lan rộng từ Nam bộ ra Khu V, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Phong trào ngày càng chuyển mạnh sang thế tiến công: Từ 14 - 25/9/1960 tại 14 tỉnh Nam bộ, cao trào đồng khởi đã phát triển rộng khắp khiến cho kẻ địch vô cùng hoang mang, nhưng chúng cũng điên cuồng không từ một thủ đoạn tàn ác nào để đàn áp những người yêu nước.

Từ phong trào cách mạng sôi động ấy, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời tại Tây Ninh. Ngay sau đó, tháng 01/1960, Bộ Chính trị đã chỉ thị: “Tích cực tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên phạm vi ngày càng rộng lớn…; tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm”.

Trên miền Bắc, sau Nghị quyết 15, tháng 2/1959, Tổng Quân ủy (tức Đảng ủy Quân sự Trung ương sau này) đã họp Hội nghị mở rộng quán triệt Nghị quyết 15 và bàn về nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam và quyết định chuẩn bị đưa quân vào Nam chiến đấu. Chấp hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng chính quy và từng bước hiện đại, việc chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho miền Nam cũng được xúc tiến tích cực. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5/1959, Tổng Quân ủy quyết định lập một cơ quan nghiên cứu mở đường vận tải trên bộ để vận chuyển vũ khí, con người chi viện cho miền Nam. Tháng 7/1959, Tổng Quân ủy quyết định tổ chức đường vận tải trên biển.

Sau một thời gian nghiên cứu, ngày 19 tháng 5 năm 1959, Đoàn Vận tải quân sự 559 được thành lập. Lực lượng nòng cốt đầu tiên của Đoàn gồm 2 tiểu đoàn là Tiểu đoàn 301 và Tiểu đoàn Vận tải thủy 603. Trong đó, Tiểu đoàn 301 Vận tải đường bộ gồm 500 cán bộ chiến sỹ. Còn Tiểu đoàn 603 gồm 107 cán bộ chiến sỹ (lúc mới thành lập đóng quân ở thôn Thanh Khê, xã Thạch Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) với nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu và thực hiện ý đồ của Tổng Quân ủy Trung ương nhằm thực hiện chi viện cho chiến trường bằng đường biển. Song, để giữ bí mật, tiểu đoàn mang tên “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”.

Biên chế của Tiểu đoàn 603 gồm 2 đại đội: Đại đội 1do Trung úy Nguyễn Bất làm Đại Đội trưởng, Trung úy Đông Yên làm Chính trị viên; Đại đội 2 do Trung úy Lê Quang làm Đại Đội trưởng và Trung úy Trương Kia làm Chính trị viên. Tiểu đoàn bộ gồm các đồng chí: Thượng úy Nguyễn Long phụ trách công tác chính trị; đồng chí Đinh Trực phụ trách thuyền, buồm, dây, lưới; chuẩn úy Nguyễn Thái và Huỳnh Trác phụ trách đóng thuyền…

duong HCM tren bien  phan 2  anh 2
Bến sông Gianh ngày nay, nơi nửa thế kỷ trước chiếc thuyền đầu tiên của
Đoàn 603 xuất phát chở vũ khí vào Nam (1960) Ảnh: TL

Đồng chí Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch Nước, đánh giá: “Quân và dân ta trên Đường Hồ Chí Minh trên biển đã dũng cảm vượt qua Hạm đội 7 của Mỹ, lực lượng tuần duyên của ngụy trên biển và ven biển; vượt qua biết bao gian khổ, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển, chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn hàng vạn tấn vũ khí và hàng ngàn cán bộ để duy trì, phát triển đấu tranh cách mạng ở miền Nam chống Mỹ - Ngụy, góp phần quyết định vào thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể nói, công đầu của Bộ đội Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thuộc về những Đoàn tàu Không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển” và “Trong chiến tranh, Biển Đông giữ vị trí rất quan trọng đối với miền Nam và cả nước. Trong hòa bình, biển, đảo thuộc chủ quyền của ta là sự sống còn của cả dân tộc Việt Nam. Cho nên việc bảo vệ, xây dựng, khai thác biển thuộc chủ quyền của ta hiện nay càng quan trọng hơn bao giờ hết”.

Để chuẩn bị cho việc vận chuyển vũ khí vào Nam, Tiểu đoàn 603 đã khẩn trương cho đóng tàu thuyền. Những con tàu đầu tiên ấy được đóng ở HTX Trung Kiên (Nghi Lộc - Nghệ An). Trực tiếp về HTX Trung Kiên chỉ đạo việc đóng tàu khi đó là ông Trần Tấn Mới được Ủy ban Thống nhất Trung ương cử về. Theo ông Nguyễn Gia In, chủ nhiệm HTX Trung Kiên, thì HTX đã trực tiếp đóng 6 con tàu không số.

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, chuyến vượt biển đầu tiên được thực hiện vào đêm 27/01/1960; địa điểm cập bến dự kiến là bến Hố Chuối đèo Hải Vân. Trên thuyền có 5 tấn vũ khí và 6 cán bộ chiến sỹ, gồm: Đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, đồng chí Trần Mức làm thuyền phó cùng 4 chiến sỹ là Huỳnh Ba, Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn và Nguyễn Nữ.

Thế nhưng, do chuyến chở vũ khí đầu tiên bằng đường biển của Tiểu đoàn 603 (thực hiện vào đêm 27/01/1960) trên đường đi gặp gió to, sóng lớn thuyền bị chìm, các thủy thủ bị địch bắt (địch giam cầm mỗi người một nơi, sau đó 5 người lần lượt hy sinh hoặc mất do bệnh tật, chỉ còn đồng chí Huỳnh Ba là còn sống); chuyến đi không thành nên Tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động để tìm phương thức vận chuyển mới.

Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập lực lượng vận tải quân sự trên biển có mật danh là Đoàn 759 (tức tháng 7/1959) và ngày này đã trở thành ngày Truyền thống của Đoàn tàu Không số trước đây và Đoàn 125 sau này. Đoàn 759 trực tiếp đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và lấy nhà số 83 Lý Nam Đế (Hà Nội) làm trụ sở.

…Trên thực tế, số lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ít hơn nhiều so với vận chuyển trên bộ, nhưng có ý nghĩa rất lớn lao - Vận tải biển tuy gian nan, vất vả và nguy hiểm hơn đường bộ, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian. Nếu vận chuyển bằng đường bộ phải hàng tháng, thậm chí mấy tháng trời mới đến nơi thì vận tải đường biển chỉ hơn một tuần mà tỷ lệ tổn thất hàng hóa cũng rất thấp: Chỉ khoảng 7%, chi phí vận tải tính cho mỗi tấn hàng cũng thấp hơn nhiều - Chẳng hạn 100 tấn vũ khí chỉ cần 10 - 15 chiến sỹ đảm nhiệm, trong khi mang vác bằng đường bộ có khi cần tới cả sư đoàn, còn vận tải cơ giới đường bộ thì lượng xăng dầu cũng tốn gấp hàng trăm lần. Đó là chưa kể vận tải đường biển còn có sứ mệnh vận chuyển những hàng hóa bí mật và những loại vũ khí lớn, đặc chủng, những cán bộ cao cấp, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường…

Tuyến đường vận tải quân sự trên biển tồn tại suốt 14 năm ròng. Nó được tổ chức vô cùng bí mật và chặt chẽ, từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng, tàu vượt biển, đến bãi đỗ hàng, người bốc hàng…dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Trung ương cục miền Nam. Thực ra, nói là “Tàu Không số”, nhưng không có nghĩa là không có số cho mỗi con tàu. Tàu nào cũng mang một số hiệu riêng đăng ký tại Chỉ huy sở. Mặt khác, để đảm bảo bí mật, tránh bị địch nghi ngờ phát hiện, trong quá trình di chuyển từ Bắc vào Nam, tàu đến khu vực biển của tỉnh nào sẽ gắn số hiệu của tỉnh đó. Ngoài ra, cũng vì yếu tố bí mật nên tất cả các vật dụng trên tàu như xà phòng, thuốc lá… đều trắng tinh, không in ấn hay có bất cứ một ký hiệu gì. Đó là những lý do gọi là “Tàu Không số”.  

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Đường Hồ Chí Minh trên biển đã và sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với Bộ đội Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải, nơi tuyến đường đi qua. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự là một sáng tạo độc đáo về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương trong cuộc đấu trí, đấu lực với các âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức mạnh của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

duong HCM tren bien  phan 2  anh 3
Hồ Chủ tịch thăm và chụp ảnh lưu niệm
với cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 Hải quân (cuối năm 1960)

duong HCM tren bien  phan 2  anh 4
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm cán bộ chiến sỹ trên tàu của đoàn 125 (năm 1972)

…Trong khi chờ phương thức vận tải vũ khí từ miền Bắc vào, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, tổ chức cho thuyền ra Bắc thăm dò, mở đường, nghiên cứu phương tiện và phương thức vận chuyển, nếu thuận lợi thì sẽ cho chở vũ khí về Nam… Thực hiện chỉ thị ấy, chỉ trong thời gian ngắn, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút chọn người, tổ chức đội thuyền, mua ngư lưới cụ để vượt biển ra Bắc.

Tính từ ngày 01/6/1961 đến 27/2/1962, có 05 thuyền gỗ đầu tiên lần lượt xuất phát từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ vượt biển ra Bắc xin chi viện vũ khí, thuốc men…Bằng trái tim quả cảm và lòng yêu nước nồng nàn, 34 chiến sỹ trên những chiếc thuyền gỗ mỏng manh ngày ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa 5 con thuyền nhỏ về đích, góp phần mở ra một tuyến đường “ Huyền thoại” trên biển, góp phần tích cực chi viện cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam.

Để việc vận chuyển được tiến hành thuận lợi và hiệu quả cũng như đảm bảo chặt chẽ hơn, tháng 9/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao nhiệm vụ này cho Quân chủng Hải quân. Ngày 24/01/1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân.

duong HCM tren bien  phan 2  anh 5
Lấy hàng ở quân cảng chi viện cho chiến trường

Do yêu cầu của chiến trường, Đoàn 125 Hải quân tập trung đưa hàng vào Khu 9, Khu 8, Khu 7 và Khu Sài Gòn, Gia Định; đồng thời tiến hành mở thêm bến mới chi viện cho chiến trường Khu 5, Khu 6. Từ yêu cầu đó, đầu năm 1965, tàu 143 do ông Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng và ông Phan Văn Bảng làm chính trị viên cùng cán bộ thủy thủ chở 63 tấn hàng rời bến Hải Phòng vượt biển chi viện cho Khu 5 - vào Bến Lộ Giao (Bình Định). Nhưng khi đến nơi do nước thủy triều thấp nên tàu không vào bến cuối được, đành phải giao hàng tại Vũng Rô. Trong lúc neo đậu, tàu bị địch phát hiện.

Kể từ lần đó, con đường vận chuyển quân sự trên biển của ta đã bị lộ. Từ đó địch càng tập trung lực lượng kiểm soát và phong tỏa quyết liệt đường biển. Mỹ đưa hạm đội 7 vào phong tỏa Biển Đông, bố trí 3 tàu sân bay án ngữ cửa Vịnh Bắc Bộ, huy động hơn 20 tàu khu trục chốt chặn các tuyến giao thông trên biển…Ngoài ra, địch còn lập một tuyến tuần tiễu cách bờ 40 hải lý bằng các tàu lớn và máy bay nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí của ta chi viện cho miền Nam…

duong HCM tren bien  phan 2  anh 6
Những con tàu không số trên đường vào chiến trường

Nhưng không thủ đoạn nào của địch có thể ngăn cản được cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Các anh đã tìm bằng được cách đối phó với địch và quyết không lùi bước… Sự kiện Vũng Rô đã khiến cho việc vận chuyển vũ khí vào Nam thời gian sau đó càng trở nên vô cùng khó khăn, buộc ta phải tính toán lại một cách chi tiết và chắc chắn hơn nhằm tìm một con đường vận chuyển an toàn hơn.

Trên cơ sở xác định một con đường mới, cho tới tháng 10/1965, tàu 42 được cải trang thành tàu cá nước ngoài chở 60 tấn vũ khí, sau 8 ngày đêm vượt sóng to gió lớn, đã cập bến an toàn. Như vậy là đường Hồ Chí Minh trên biển, sau 8 tháng gián đoạn, đã được nối lại. Từ đây, hàng trăm chuyến tàu, hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa đã được vận chuyển vào miền Nam.

Từ năm 1966, địch càng kiểm soát gắt gao hơn; chúng tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116, 117, ken dầy tàu chiến chốt giữ các cửa sông nhằm ngăn chặn tàu chi viện của ta. Để đối phó, quân và dân ta thực hiện phương thức mới là thả hàng xuống biển đánh dấu để bến vớt lên dần ở bãi ngang trống trải.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đoàn 125 tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ giải phóng miền Nam, chi viện cho các lực lượng giải phóng Trường Sa và một số đảo khác; góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Kể từ khi thành lập cho đến ngày giải phóng miền Nam (1975), các chiến sỹ của Đoàn 759 và là Đoàn 125 Hải quân sau này đã thực hiện vận chuyển, bốc dỡ, cất giấu và phân phối 152.786 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, lương thực, thuốc men từ miền Bắc đưa vào các chiến trường miền Nam; đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sỹ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Quân đội vào Nam ra Bắc…, góp phần to lớn làm nên chiến thắng chung của dân tộc.

*

*          *

Nhắc tới Đoàn tàu Không số, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Đoàn nói riêng và trong quân đội nói chung, đều coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Linh hồn” của Đoàn tàu. Bởi ông là người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên cổ vũ cán bộ chiến sỹ Đoàn tàu Không số trong suốt những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ và vô cùng vẻ vang của Đoàn.

duong HCM tren bien  phan 2  anh 7
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ
tàu Không số trước khi nhổ neo tại Đồ Sơn, Hải Phòng

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người trực tiếp ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959. Theo đó, tháng 5/1959, ông đã chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603 mang tên “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam. Khi đó, Đại tướng đã nhắc nhở rất cụ thể rằng: “Việc mở đường không được ai biết… Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một vật chứng làm hỏng việc lớn…”.

Thực tiễn càng chứng tỏ lời căn dặn đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức cần thiết và quý báu; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đúng là chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể gây tai họa lớn.

Đặc biệt sau thất bại của chuyến tàu chở 5 tấn vũ khí đầu tiên của Tiểu  đoàn 603, Đại tướng trăn trở rất nhiều. Ông đã thay mặt Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu ngừng ngay hoạt động của “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” để nghiên cứu tìm phương thức hoạt động mới.

…Trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương họp thông qua nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Sau khi nghe một số đồng chí tướng lĩnh báo cáo, Đại tướng hỏi luôn: “Liệu có thể đảm bảo thành công 50% những chuyến đi không?”. Trung tướng Trần Văn Trà cho rằng, đạt 100% thì khó chứ  50% thì chắc là được. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng khẳng định: “Chỉ cần một nửa số chuyến đi vào được bến cũng đã là thắng lợi to rồi”… Thế là Nghị quyết được thông qua.

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên, còn gọi là “ Phương Đông 1” do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy chở 30 tấn vũ khí vào Cà Mau theo phương thức mới. Tàu chỉ mới đi được một ngày, Đại tướng đã hỏi: “Có tin gì chưa?”; rồi hôm sau ông lại sốt ruột hỏi: “Tàu đã đến nơi chưa ?”… Đến khi tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, nhận được tin báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mắt nhòe lệ, nói: “…Tính ra theo đường biển, tàu chở 30 tấn vũ khí đủ trang bị cho một tiểu đoàn, chỉ đi trong 9 ngày với một tiểu đội, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi cõng trên Trường Sơn A trong 5 tháng…”.

Cũng từ thực tiễn đó, Đại tướng khẳng định: “Đường biển là con đường duy nhất có thể chi viện cho Đồng bằng sông Cửu Long, nên phải giữ cho được bí mật con đường đó. Phải kiểm tra thật kỹ, nắm chắc từng chuyến đi vào Khu V. Không để một sai sót nhỏ khiến kẻ địch nghi ngờ…”. Mỗi chuyến đi của Đoàn tàu Không số, mỗi bến đỗ khi tàu vào, thành công hay chưa thành công…, đều được Đại tướng quan tâm và chỉ đạo sít sao, cụ thể và sáng suốt. Chẳng hạn, khi tàu 401 cập bến Lộ Giao đêm 31/10/1964, đúng lúc máy tàu bị hỏng, địa hình lại trống trải, tàu phải dỡ hàng ngay bờ cát… Mặc dù hàng đã được bốc dỡ an toàn, nhưng để giữ bí mật, anh em đã phải hủy tàu. Khi nghe báo cáo, Đại tướng đã chỉ thị, không sử dụng bến Lộ Giao nữa, đồng thời cho theo dõi động thái của địch ở khu vực này xem chúng có phát hiện được ý đồ của ta không và tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên. Cũng thời gian này, Đại tướng đã đồng ý cho tàu vào Vũng Rô, mở thêm một bến mới quan trọng chi viện cho chiến trường Khu V…

Đường Hồ Chí Minh trên biển làm nên Huyền thoại có những đóng góp quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: