Chỉ mục bài viết

 

Đội thuyền 128 Đường dây tình báo trên biển - Hà Phương

Cả nước đã biết đến Đoàn tàu Không số huyền thoại được xác lập từ năm 1961 nhưng ít người biết, trước đó 5 năm (1956), với tầm nhìn chiến lược, Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã bí mật chỉ đạo việc thiết lập một đường dây tình báo trên biển, với tên gọi Đội thuyền 128. Trên mặt trận thầm lặng, Đội thuyền 128 đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần tạo nên sự huyền thoại của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Khai thông bế tắc liên lạc.

Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Chính phủ Pháp buộc phải công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Nhưng với bản chất hiếu chiến và xâm lược, đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào miền Nam nước ta, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Cuối năm 1955, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” vô cùng thâm độc, đánh phá ác liệt và kiểm soát gắt gao vùng giới tuyến. Đặc biệt, công tác giao thông tình báo của ta gặp vô vàn khó khăn.

P 6 anh 1 Duong HCM tren bien
Cán bộ, chiến sĩ Đội thuyền 128 anh hùng

Trước sự thúc bách của nhiệm vụ, trong bối cảnh cách mạng miền Nam yêu cầu bức thiết sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; sự chi viện kịp thời của miền Bắc… đòi hỏi giao thông phải mở đường đi trước. Nhiệm vụ đó thôi thúc ngành Tình báo phải khẩn trương, tích cực đẩy mạnh công tác giao thông. Đầu năm 1956, lãnh đạo, chỉ huy Nha Liên Lạc (Cục Quân báo, Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục 2) đã xác định nhiệm vụ: “Trước tiên cần tập trung lực lượng giải quyết về tổ chức giao thông và duy trì được thông suốt”. Một phương án đặt ra là: Bằng mọi cách, tình báo phải mở đường trên biển nhằm khai thông bế tắc liên lạc, đáp ứng yêu cầu của trên và nhiệm vụ tình báo đặt ra lúc này.

Tháng 3/1956, hai tổ thuyền đầu tiên được thành lập, đó là tổ thuyền Thống Nhất và tổ thuyền Trung Hòa. Chi bộ các tổ thuyền xác định: Cho dù địch đánh phá, có thể bị bắt, có thể hy sinh, nhưng nhiệm vụ Đảng giao bằng mọi giá phải hoàn thành. Và với những chiếc thuyền nan thuở ban đầu, các chiến sĩ giao liên tình báo dũng cảm vượt qua giới tuyến vào Huế, Đà Nẵng… trước sự kiểm soát gắt gao của địch để nối thông đường giao thông.

Tuy nhiên, để có được thắng lợi bước đầu đó, phải kể đến công sức của đội ngũ cán bộ tình báo hoạt động ở Liên khu 5. Theo đó, từ những năm 1954, 1955, đội ngũ cán bộ tình báo này đã có sáng kiến xây dựng trước một cơ sở giao thông thủy; đồng thời tổ chức đầu tư tiền bạc lo phương tiện và điều kiện nhằm sẵn sàng phục vụ tình báo mở đường trên biển ra Bắc. Đầu năm 1956, Nha Liên lạc phái cán bộ trực tiếp vào trạm đầu cầu ở Vĩnh Linh để nắm tình hình, tiếp cận địa bàn; nghiên cứu, tổ chức những chuyến đi thử và xác định hành trình cơ động; điều kiện và khả năng của từng bến, bãi… Theo chỉ đạo của Trung ương, tháng 3/1956, Trạm Vĩnh Linh tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đi kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình địa bàn vùng Thanh Khê, Xuân Hà, Đà Nẵng và thu thập các loại mẫu giấy tờ, con dấu cần thiết để trang bị hợp thức hóa cho đội thuyền ở Vĩnh Linh. Đó là những chuyến thuyền khai phá mở đường trên biển ra Bắc đầu tiên của ngành tình báo, góp phần mở ra ý tưởng táo bạo hình thành những con tàu “không số” vượt đại dương, tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Đường dây tình báo trên biển

Từ hai tổ thuyền ban đầu, ngành tình báo đã phát triển thành đội thuyền mang phiên hiệu Đội thuyền 128, gồm 26 tổ thuyền với lực lượng 183 đồng chí, có nhiệm vụ: Bảo đảm thông tin liên lạc tình báo từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc; tổ chức thực hiện các việc phái khiển cán bộ cơ động đi theo kế hoạch của cấp trên.

Đội thuyền hoạt động theo nguyên tắc bí mật, cự ly, đơn tuyến. Mỗi thuyền được hợp thức hóa về người, phương tiện, giấy tờ theo từng địa phương như thẻ ngư phủ, thẻ căn cước do chính quyền ngụy cấp; có câu chuyện ngụy trang phù hợp theo từng vùng. Bằng hình thức đột nhập qua ranh giới, hướng thẳng Biển Đông, xuôi dần vào Nam, nhằm thẳng địa điểm đến, sẵn sàng đột nhập lên bờ vào ban đêm, rồi nhanh chóng lui ra để đến điểm đỗ khác, tránh sự theo dõi của địch. Khi thấy tình hình giới tuyến có biến động thì tổ chức vượt ở điểm khác, hoặc cho đội thuyền tiến thẳng ra hải phân quốc tế, sau đó chờ thời cơ cập bến ở địa điểm khác.

Do yêu cầu công tác nắm địch ngày càng khẩn trương, các chuyến liên lạc tăng, đội thuyền phát triển lên nhiều tổ thuyền, đường đi dài hơn, từ cửa biển biên giới phía Bắc đến tận cửa biển Nha Trang, Phan Thiết… thuộc vùng địch kiểm soát. Mặt khác, yêu cầu bảo đảm nhịp độ giao thông ngày càng tăng và thời gian mỗi chuyến liên lạc Bắc - Nam ngày càng rút ngắn, lại hoạt động trong điều kiện Mỹ - Ngụy kiểm soát gắt gao đòi hỏi bản lĩnh, khả năng sáng tạo trong xử lý tình huống của từng người, từng tổ. Phương tiện đi biển của mỗi thuyền chỉ vẻn vẹn một chiếc la bàn cũ, nhiều khi cán bộ, giao liên của ta phải nhìn trăng, sao để xác định hướng đi. Mỗi chuyến đi gặp biết bao khó khăn nguy hiểm, hải quân ngụy tuần tiễu kiểm soát gắt gao, có chuyến địch kiểm tra tới 31 lần. Có lần, để đảm bảo bí mật đường dây liên lạc, cán bộ, giao liên của tổ buộc phải hủy thuyền rồi bơi vào bờ. Có chuyến gặp bão biển liên tiếp, thuyền phải neo cả tuần ở đảo vắng, hoặc kẹt ở bến cảng của địch hàng tháng trời. Nhưng với tinh thần mưu trí, các chiến sĩ giao thông tình báo đã bình tĩnh đối phó với địch, bảo đảm an toàn tài liệu, phương tiện và người.

Từ khi thành lập đến tháng 4/1975, Đội thuyền 128 đã tổ chức thành công 263 chuyến đưa đón cán bộ, chuyển nhận tài liệu, vũ khí… Nhiều tổ thuyền lập được chiến công xuất sắc, trong đó phải kể đến tổ thuyền Tiền Phong đã thực hiện 46 chuyến đưa cán bộ vào chiến trường, cán bộ về miền Bắc; liên lạc với cán bộ địch hậu 23 lần, giao nhận tài liệu và đưa cán bộ, tiếp tế tài chính xây dựng căn cứ B41 tại Ninh Thuận (mật khu 19), căn cứ B44 tại Phú Yên, sau đó chuyển đến Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đặc biệt, đồng chí Trần Tấn Mới, phụ trách tổ thuyền được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 1973. Có lần, tổ thuyền của đồng chí Trần Tấn Mới đi bằng thuyền chủ công rất vất vả, có chuyến gặp bão lớn 12 ngày liền phải neo thuyền ở đảo trống thuộc vùng địch kiểm soát. Có chuyến do gặp khó khăn thuyền phải nằm lại bến bãi của địch hơn hai tháng, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết, Trần Tấn Mới cùng anh em tổ thuyền đã vượt qua. Có chuyến 11 lần gặp địch; có lần đồng chí bị địch vây tới 7 ngày, nhưng vẫn bình tĩnh tìm cách thoát khỏi vòng vây, làm tròn nhiệm vụ đưa đón cán bộ và tài liệu ra vào an toàn.

Không chỉ là một thuyền trưởng giỏi, đồng chí Trần Tấn Mới còn là một giao thông viên có kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch, có năm đồng chí đi 5 chuyến liên tục Bắc - Nam bảo đảm an toàn bí mật. 17 năm liền đảm nhiệm công tác bằng đường biển, đồng chí Trần Tấn Mới đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong quá trình hoạt động mưu trí, dũng cảm bằng những chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả, giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù, Đội thuyền 128 luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, khí tiết của người chiến sĩ tình báo; lấy trí tuệ và lòng trung thành với Đảng để chiến thắng địch, chiến thắng thời tiết, vượt qua những điều kiện khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đội có 43 đồng chí bị địch bắt, tù đày, 10 đồng chí anh dũng hy sinh để con đường giao thông tình báo trên Biển Đông luôn thông suốt, hiệu quả. Ngày 25/8/1970, Đội giao thông tình báo trên biển 128 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Di tích và điểm đến của những con tàu Không số

Có thể trong bài viết này chưa nêu được đầy đủ những nơi, những bến mà tàu Không số đã chở vũ khí cập bến, nhưng với những địa danh và di tích được giới thiệu sau đây cũng phần nào cho ta thấy địa bàn hoạt động hết sức rộng và phức tạp cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ chiến sỹ Đoàn tàu Không số nhằm chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc.

P 6 anh 2 Duong HCM tren bien
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (trái) tham dự buổi Lễ đặt viên đá khởi công dự án
 Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển (ngày 17/10/2010)

*Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển Tại Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã xây dựng công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển.

Dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển có tổng diện tích 635 ha, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng (trong đó 30% từ ngân sách nhà nước, phần còn lại từ sự ủng hộ của các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế) gồm 3 khu chính.

Khu A gồm các dịch vụ du lịch, tái định cư, làng nghề truyền thống Nam bộ, trường học, chợ ven sông…

Khu B1 (khu trung tâm) sẽ thể hiện sa bàn nước Việt Nam và bờ biển Việt Nam thu nhỏ, tái tạo lịch sử, các giá trị văn hóa Việt Nam.

Khu B2 (khu vực biển Đông) là khu đặt các đài tưởng niệm lớn, bảo tàng dưới nước đường Hồ Chí Minh trên biển, các bến tàu.

Khu C tái tạo các đầu cầu tiếp nhận vũ khí, hầm chứa vũ khí và cuộc sống người dân Nam bộ trong 2 cuộc kháng chiến.

Theo số liệu của Đoàn 125 Hải quân, tính đến năm 1970, đã có 23 chuyến tàu chở vũ khí Bắc - Nam vận chuyển 1.440 tấn vũ khí cặp vào các bến tại xã biển Thạnh Phong gồm: vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn,… chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau năm 1975, tỉnh Bến Tre đã xây dựng khu lưu niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển tại ngã 3 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải.

Lữ đoàn 125 Hải quân cũng đã xây dựng Đài tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển - bến Thạnh Phong tại đầu vàm Khâu Băng (Thạnh Phong).

Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ có những ngôi mộ có hài cốt và không có hài cốt nhằm ghi nhớ công ơn của những liệt sĩ hi sinh ở đường Hồ Chí Minh trên biển, trong đó có hơn 100 người đã nằm lại dưới đáy đại dương.

* Di tích Tàu Không số

Tại thung lũng Xanh dưới chân núi Vạn Hoa thuộc bán đảo Đồ Sơn có một nơi mà từ nửa thế kỷ trước, những con tàu Không số đầu tiên và những tàu tiếp theo đã xuất phát để chở vũ khí vượt biển chi viện cho miền Nam. Đó chính là Bến K15 - quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng; nơi đây chính là điểm đầu - km số 0 của tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cụ thể: Đêm 11/10/1962, chiếc thuyền gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn an toàn. Ngày 16/10/1962, đội tàu số 2 cũng xuất phát từ đây để về tới Cà Mau một cách an toàn. Ngày 14/11/1962, chuyến tàu thứ 3 cũng xuất phát tại đây. Một tháng sau, chuyến thứ 4 lên đường. Tất cả những chuyến đó đều vào bến Cà Mau. Bốn chuyến vận chuyển trong 2 tháng đã đưa được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn. Ngày 17/3/1963 chiếc tàu sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường đã vào bến an toàn. Sau đó nhiều chiếc tàu sắt được hạ thủy và lên đường.

Tại đây đã dựng Bia di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là công trình văn hóa - lịch sử được đặt đúng điểm xuất phát của những con tàu không số năm xưa, ngay trong khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Công trình được thiết kế với qui mô lớn, phù hợp với không gian địa điểm xây dựng và ý nghĩa quan trọng của tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp, gần khách sạn 4 sao, gần bãi tắm và là một trong những điểm du lịch thú vị hấp dẫn du khách bốn phương.

P 6 anh 3 Duong HCM tren bien

 

* Bãi Chùa

Nằm bên trong vịnh Vũng Rô, được núi Đá Bia bao bọc ba mặt Bắc – Tây -Nam, diện tích tự nhiên khoảng 14 ha, từ biển Đông nhìn vào Bãi Chùa trông tựa vầng trăng khuyết được tô điểm bởi một rừng dừa xanh mát trải dọc bờ biển. Nơi đây còn bảo tồn con tàu Không Số - một di tích gắn liền với lịch sử về đường Hồ Chí Minh trên biển đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

* Cồn lợi

Cồn trên sông Hàm Luông, thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm ở phía Nam cửa Hàm Luông. Trước đây, cồn nằm cách bờ khoảng 3 km, nay đã được nối dính vào đất liền. Đây là nơi xuất phát và là điểm tiếp nhận của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Hiện trên cồn có bia lưu niệm ghi lại sự kiện này.

Theo nội dung được ghi lại, cuối tháng 03/1946, một đoàn cán bộ của tỉnh Bến Tre do bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu xuất phát từ Cồn Lợi đã vượt biển ra Hà Nội để báo cáo tình hình với Trung ương và xin chi viện cho chiến trường khu 8, Nam Bộ. Tháng 07-1961, chuyến vượt biển lần thứ hai với yêu cầu tương tự như lần trước cũng xuất phát từ Cồn Lợi.

* Rừng ngập mặn Khâu Băng

Đây là khu rừng ngập mặn ven biển tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đầu tháng 03-1963, nơi đây đã đón chuyến tàu chi viện vũ khí đầu tiên cho chiến trường miền Nam, sau đó trở thành đầu cầu tiếp nhận vũ khí và hàng hóa chi viện từ miền Bắc vào theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển của Đoàn vận tải A100 hậu cần miền Nam.

Tại Khâu Băng, ngày 25-02-1969, lực lượng biệt kích SEAL của quân đội Mỹ, do Bob Kerrey chỉ huy, đã giết hại 21 thường dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em trong khi truy tìm một cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Cửa Khâu Băng đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia theo Quyết định ngày 23-12-1995.

Ngày nay, Khâu Băng được đầu tư xây dựng thành khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng của tỉnh Bến Tre. Với khoảng 1.000 ha các loại cây đước, mắm, rừng ngập mặn, Khâu Băng có giá trị rất lớn về sinh thái và bảo vệ bờ biển, làm trong sạch môi trường, gia tăng nguồn lợi thủy sản. Đồng thời trong tương lai đây sẽ là điểm du lịch sinh thái và trung tâm nghiên cứu của tỉnh.

* Di tích Bến Cồn Tàu

Di tích lịch sử nằm trong khuôn viên Khu du lịch Ba Động, thuộc xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Đây là một trong những điểm tiếp nhận vũ khí của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm chiến tranh. Bến Cồn Tàu đã tiếp nhận hàng chục chuyến tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào cập bến Trà Vinh trong những năm kháng chiến.

P 6 anh 4 Duong HCM tren bien
Bến Cồn Tàu là một mắt xích quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển giúp miền Bắc vận chuyển vũ khí vào Nam. Ảnh Thiên Phước

Năm 1992, Khu Di tích được chỉnh trang, sửa chữa. Năm 2004, Bộ Văn hoá - Thông tin ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Khu Di tích hiện đang được quy hoạch và từng bước khôi phục lại trên diện tích hơn 8.000 m2. Theo kế hoạch, công trình phục chế bao gồm các hạng mục: San lấp mặt bằng, dựng tượng đài, xây nhà truyền thống (gồm cả giếng khoan), dựng hàng rào - cổng, xây nhà bảo vệ, làm đường nội bộ....

* Sông Gianh

Sông Gianh là một trong năm con sông lớn nhất ở Quảng Bình. Sông bắt nguồn từ núi Mụ Giạ ở Trường Sơn, dài hơn 150 km, chảy vắt ngang từ Tây sang Đông, được hội tụ từ bốn nguồn chính: nguồn Nậy, nguồn Trổ, nguồn Nan và nguồn Son, đổ ra biển ở cửa Gianh rộng 800m. Tên chữ là Linh Giang, gọi tắt sông Thọ Linh, tên nôm là Rào Nậy.

Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, sông Gianh là đầu mối của những mũi giao thông thủy bộ lợi hại: Một ngả qua sông Son lên phà Xuân Sơn tiếp xúc với đường Trường Sơn, một ngả ra biển Đông theo con đường Hồ Chí Minh trên biển, một ngả đường bộ vào Nam theo quốc lộ 1A... cảng sông Gianh trở thành “tọa độ lửa” - trọng điểm địch tập trung bắn phá, còn với ta là nơi tập kết lực lượng, hàng hóa trước khi ra chiến trường, cần được bảo vệ bằng mọi giá.

* Bến Vàm Lũng (Cà Mau)

Đây là nơi chuyến tàu gỗ đầu tiên xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) chở 30 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam cập bến (tháng 10/1962). Sau đó, 3 chuyến tàu chở vũ khí tiếp theo cũng đã cập bến an toàn tại đây.

Ngày nay, tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà trưng bày truyền thống lịch sử đã được xây dựng ngay Bến Vàm Lũng, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống cho các thế hệ sau.

P 6 anh 5 Duong HCM tren bien
Tượng đài Đoàn tàu Không số tại bến Vàm Lũng. Ảnh: Cà Mau Online

* Bến Trà Vinh

Tháng 3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở hơn 40 tấn vũ khí đã cập bến Trà Vinh an toàn…Phát huy những thắng lợi bước đầu ấy, nhiều chuyến tàu sau đó đã chở vũ khí thẳng vào miền Đông Nam Bộ, góp phần to lớn vào chiến công của quân và dân ta ở miền Đông đánh thắng Mỹ - Ngụy.

* Bến Bà Rịa

Ngay từ cuối tháng 9/1963, tàu gỗ mang mật số 41 do Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy chở vũ khí chi viện cho khu VII dự kiến cập bến Bà Rịa, đã được thực hiện. Nhưng khi vào bến, tàu bị mắc cạn ở sát đồn Phước Hải và khi chúng đang thực hiện càn quét nên để đảm bảo bí mật, anh em đã phải phá hủy tàu khi còn chưa bị lộ.

* Bến Lộ Diêu

Đầu tháng 11/1964, tàu mang mật số 401 chỏ vũ khí vào Khu V cập bến Lộ Diêu, do bị mắc cạn nên phải mạo hiểm tổ chức bốc dỡ hàng ban ngày.

Sau đó, tàu bị hỏng nặng, không thể khắc phục nên anh em phải phá tàu để xóa dấu vết. Sau đó khi được nghe báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị không đưa hàng vào bến Lộ Diêu nữa mà tìm bến khác ở Phú Yên. Bến Vũng Rô là nơi được chọn sau đó.

P 6 anh 6 Duong HCM tren bien
Các cựu chiến binh bên Khu Di tích Tàu Không số ở Lộ Diêu. Ảnh: Hồng Vân

THÀNH TÍCH CHIẾN ĐẤU VÀ PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU CỦA ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ - LỮ ĐOÀN 125 HẢI QUÂN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Thành tích 10 năm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (Tháng 4 - 1962 đến tháng 4 - 1972)

- Đ i 168 chuyến, trong đó có 6 chuyến đi trinh sát.

- Vận chuyển vào 19 bến của 9 tỉnh.

- Vận chuyển được 6.105 tấn vũ khí.

- C hở hàng ngàn lượt người vào chiến trường.

Thành tích vận chuyển gián tiếp chi viện miền Nam trong chiến dịch VT. 5 (Từ 3/11/1968 đến 29/6/1969)

- Đợt I (Từ tháng 11- 1968 đến tháng 1 - 1969):

+ Huy động 364 lượt tàu

+ Vận chuyển 21.737 tấn hàng.

- Đợt II ( Từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1969):

+ Huy động 178 lượt tàu

+ Vận chuyển 10.887 tấn vũ khí

P 6 anh 7 Duong HCM tren bien

THÀNH TÍCH THAM GIA CHIẾN DỊCH TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1975 GI ẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC

- Đ ã có 143 lần chiếc tàu ra khơi, chuyên chở 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 cán bộ chiến sỹ vào chiến trường, vượt 65.721 hải lý.

- Đánh chìm một tàu PCF, đánh bị thương ba tàu khác, gọi hàng một tàu địch, bắt sống 42 tù binh.

- Tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa).

- Tham gia giải phóng Cù Lao Thu.

- Tham gia giải phóng một số đảo ở vùng biển Tây Nam: Phú Quốc, Thổ Chu, Pô Lô Vai.

- Chở hơn 1000 chiến sỹ bị địch giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền.

- Tham gia tiếp quản một số quân cảng.

(Theo Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải Quân)

Kim Yến (st)
Còn nữa

Bài viết khác: