Chỉ mục bài viết

 

Duong HCM tren bien phan 5 anh 1
Tưởng niệm đồng đội tại Bia tưởng niệm các chiến sỹ tàu 235 hy sinh tại Hòn Hèo năm 1968

Duong HCM tren bien phan 5 anh 2
Các chiến sỹ tàu 235 sống sót trở về sau lần chở vũ khí vào Hòn Hèo

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đoàn 125 Hải quân, ngày 1 tháng 1 năm 1967 Đảng và Nhà nước đã phong tặng Đoàn danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong Bản tuyên dương công trạng Đoàn 125 có đoạn: Đoàn 125 đã “chiến đấu trên vùng biển của Tổ quốc, luôn luôn đương đầu với địch và vật lộn với sóng to gió lớn, càng gặp khó khăn nguy hiểm, cán bộ càng bình tĩnh,dũng cảm, mưu trí, chiến sỹ càng ngoan cường linh hoạt, trên dưới đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Năm 1967, bất chấp địch ra sức tăng cường phong tỏa, Đoàn 125 vẫn xác định nhiệm vụ chi viện cho chiến trường với nỗ lực cao nhất, đặc biệt là trong điều kiện chiến cuộc ở miền Nam đang đòi hỏi chuẩn bị cho những trận đánh lớn.

Từ những yêu cầu nhiệm vụ mới, năm 1967, Đoàn đã điều động 9 tàu vào công việc vận chuyển và chia thành 4 biên đội:

- Biên đội 1 có 2 tàu do đồng chí Lang chỉ huy.

- Biên đội 2 có 2 tàu do đồng chí Ba chỉ huy

- Biên đội 3 có 3 tàu do đồng chí Ấn chỉ huy.

- Biên đội 4 có 2 tàu do đồng chí Thao chỉ huy.

Trong năm, Đoàn đã tổ chức 5 chuyến vào Khu V, nhưng chỉ có 2 chuyến cập bến an toàn, còn 3 chuyến do gặp địch nên phải quay lại để bảo toàn lực lượng. Hai chuyến đến bến là tàu 43 và tàu 198. Cũng trong năm, đoàn còn nhận nhiệm vụ chở hàng từ Hải Phòng vào Cửa Hội trong 4 ngày địch vẫn cho tàu cập bến.

Duong HCM tren bien phan 5 anh 3
Nhiều tàu vận tải của Đoàn 125 đã cải dạng thành tàu nước ngoài để vận chuyển
vũ khí vào Nam

Đặc biệt trong cuộc Tổng tấn công của quân và dân ta Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam, Đoàn 125 đã được giao thực hiện một kế hoạch “Tuyệt mật”: Theo đó, Đoàn chuẩn bị 4 tàu, xuất phát ở 4 địa điểm khác nhau trong cùng một đêm… Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn đã chọn 4 tàu gồm tàu 165 do Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương chỉ huy, tàu 235 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy, tàu 56 do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba và Chính trị viên Đỗ Như Sạn chỉ huy, tàu 43 do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Trong đó, tàu 165 vào Vàm Lũng (Cà Mau), tàu 235 vào Hòn Hèo (Khánh Hòa), tàu 43 vào Đức Phổ (Quảng Ngãi) và tàu 56 vào Lộ Giao (Bình Định).

Trong chuyến đi đồng đội này, “Bốn con tàu ra đi, chỉ một tàu 56 trở lại. Cuộc chiến đấu của tàu 43, tàu 165 và tàu 235 đã nói lên sự khốc liệt, khó khăn của công tác vận tải chi viện cho chiến trường trên tuyến đường biển. Song, các con tàu của Đoàn 125 đã hành động vượt xa sức tưởng tượng bình thường, đã chiến đấu xuất sắc và giành thắng lợi. Điều đó nói lên ý chí và quyết tâm của những người lính vận tải biển, dù hoàn cảnh nào cũng gắng chi viện cho chiến trường. Đó là ý thức tất cả vì miền Nam ruột thịt, ý thức thống nhất nước nhà”. (Theo “Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân”).

Có thể nói, từ năm 1965 đến 1968 là giai đoạn vận chuyển cực kỳ ác liệt, gian truân đối với Đoàn 125. Trong hơn 3 năm đó, Đoàn đã tổ chức đi 28 chuyến, có những chuyến thành công, có những chuyến phải quay về, có những chuyến phải hủy tàu…Đã có 410 tấn vũ khí được chuyển vào chiến trường trong thời gian này. Chính trong những năm tháng vô cùng khó khăn ấy, ý chí ngoan cường và bản lĩnh anh hùng và những chiến công thầm lặng của cán bộ chiến sỹ Đoàn 125 đã được thể hiện sinh động hơn bao giờ hết. Họ đã góp phần xứng đáng viết nên những trang “Huyền thoại” về con đường vận chuyển trên biển Đông.

*

*       *

Từ đầu năm 1969, Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc. Theo chỉ thị của Trung ương, Đoàn 125 chuẩn bị lực lượng và phương tiện để tiến hành một đợt vận chuyển lớn mang tên VT .5. Đây là chiến dịch vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào Sông Gianh để từ cảng Gianh lại ngược dòng đi lên Xuân Sơn rồi từ đó theo con đường Trường Sơn vào chiến trường.

Duong HCM tren bien phan 5 anh 4
Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 đón lẵng hoa của Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng tặng
nhân dịp mừng xuân mới 1969

Chiến dịch VT .5 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tăng cường mạnh mẽ tiềm lực cho tiền tuyến.Vì vậy, Đoàn 125 xác định quyết tâm cao và ngay từ tháng 10 năm 1968, công tác hợp đồng, công tác tổ chức đã được tiến hành rất khẩn trương. Mở đầu là hai tàu 402 và 405 rời cảng Hải Phòng đi Sông Gianh vào ngày 3/11/1968. Cho đến cuối tháng 1 năm 1969, sau 3 tháng thực hiện chiến dịch VT .5, toàn đoàn đã huy động 364 lượt tàu và vận chuyển được 21.737 tấn hàng (đạt 217,37% kế hoạch trên giao).

Duong HCM tren bien phan 5 anh 5
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 125 vào một ngày đầu xuân 1969

Duong HCM tren bien phan 5 anh 6
Các chiến sĩ Đoàn tàu Không số vận chuyển vũ khí, trang bị xuống tàu chi viện cho chiến trường miền Nam

Từ tháng 2/1969, Đoàn 125 bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch VT .5, kết thúc vào ngày 24/6/1969. Trong đợt này, đã có 187 lượt tàu xuất bến, chuyên chở được 10.889 tấn hàng, vượt chỉ tiêu được giao 1000 tấn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch vận chuyển quan trọng VT .5.

Cũng từ quý II /1969, việc vận chuyển vũ khí cho chiến trường được tiếp tục theo tinh thần Nghị quyết của Đảng ủy Đoàn 125 là: “Động viên nỗ lực cao nhất của toàn đoàn, tập trung mọi khả năng vận chuyển để chi viện nhiều nhất vật chất cho miền Nam tiến lên giành thắng lợi trong bất cứ tình huống nào”.

Tàu 42 được cử đi trinh sát nhằm thăm dò tình hình địch phong tỏa trên biển để mở con đường mới, tìm bến mới cho phù hợp. Chuyến đi quan trọng này do đồng chí Đỗ Văn Bé làm Thuyền trưởng, đồng chí Trần Ngọc Ân làm Chính trị viên, đồng chí Phạm Nhậm làm Chính trị viên phó, đồng chí Nguyễn Trường Sơn làm Thuyền phó. Cùng đi với tàu 42 trong chuyến này còn có đồng chí Phó Tham mưu trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn và đồng chí trợ lý tham mưu Trần Phong. Thủy thủ trên tàu 42 có các đồng chí: Thôi Văn Nam, Nguyễn Đăng Năm, Bùi Văn Tư, Nguyễn Hữu Ký, Trương Ngọc Minh, Hồ Văn Hùng, Nguyễn Văn Thoa, Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Đức Hạc, Hà Văn Dấu và đồng chí Trặc. Vào lúc 1 giờ ngày 22   tháng 8 năm 1969 tàu 42 xuất phát, đi ngược lên phía Bắc, sang Trung Quốc rồi từ đó lại vòng xuống phía Nam nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của địch… Sau gần 20 ngày lênh đênh trên biển, ngày 11 tháng 9 năm 1969, tàu về tới cầu Đá Bạc (Quảng Ninh), hoàn thành chuyến trinh sát quan trọng.

Duong HCM tren bien phan 5 anh 7
Tay lái của tàu C41 chiếc tàu đã vận chuyển 11 chuyến vũ khí cập bến an toàn

Chuyến tàu vận chuyển đầu tiên sau chuyến trinh sát của tàu 42 là tàu 154 đi Bạc Liêu chở 58 tấn vũ khí, do Thuyền trưởng Đỗ Văn Bé và Chính trị viên Lê Văn Viễn chỉ huy, xuất phát tối 17/9/1969. Chuyến đi thành công. Tuy nhiên, trong thời gian này, Mỹ - ngụy vẫn tăng cường phong tỏa trên biển nên cũng không dễ dàng gì khi vượt biển chi viện vũ khí vào Nam. Tính khốc liệt ngày càng tăng lên.

Không những vậy, tình hình chiến trường thời kỳ này cũng gặp rất nhiều khó khăn, có thể đây là giai đoạn khó khăn nhất của ta trong cuộc chiến tranh.

Bởi sau tổng tấn công Mậu Thân - 1968, ta sơ hở vùng nông thôn, đồng  bằng, địch lợi dụng điều đó tiến hành phản công quyết liệt, đẩy lùi chủ lực của ta ra xa thị trấn, thành phố…Vũ khí cho chiến trường, nhất là đối với miền Trung và miền Tây Nam Bộ rất thiếu. Thực tế đó đặt ra cho Đoàn 125 nhiệm vụ rất nặng nề và khẩn trương.

Ngày 01 tháng 5 năm 1970, tàu 41 được lệnh xuất phát, chở 58 tấn vũ khí chi viện cho Khu 9. Tàu do Thuyền trưởng Nguyễn Hồng Lỳ và chính trị viên Trần Quốc Chấn chỉ huy. Chuyến đi cập bến Cà Mau an toàn đã giúp quân và dân Khu 9 tấn công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm phá sản chiến thuật “Hạm đội nổi trên sông” của địch. Riêng trong năm 1970, Đoàn 125 đã tổ chức 15 chuyến chi viện, nhưng chỉ có 5 chuyến đến bến được gồm các tàu 41, 56, 154, 121, 54; còn lại phải quay về do gặp địch phong tỏa.

Tàu 56 do Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch và Chính trị viên Đỗ Văn Sạn chỉ huy. Trên tàu còn có các đồng chí: Nguyễn Sơn, Võ Văn Quang, Nguyễn Xuân Cừ, Phan Sỹ Kiều, Phạm Ngọc Châu, Nguyễn Hồng Nghi, Trương Quang Việt, Trần Ngọc Tuyết, Lê Minh Lậm, Lê Văn Xang, Đỗ Xuân Sang, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Văn Nhật, Trần Như Cỏ, Bùi Đức Hợi và Tô Thanh Truyền. Tàu xuất phát 26/5/1970 và trở về 16/6/1970. (Sau này tàu 56 đổi phiên hiệu thành tàu 649 - khi đó có bổ sung và thay đổi một số thủy thủ, trong đó có ông Tống Hồng Quân, hiện đang sinh sống và công tác tại Hà Nội).

Tàu 154 rời bến lần thứ nhất ngày 15 tháng 5 năm 1970, nhưng do gặp địch nên quay lại. Ngày 24 tháng 8 tàu lại lên đường mang theo 58 tấn vũ khí vào Bạc Liêu, cập bến thành công. Chuyến đi đó của tàu 154 do thuyền trưởng La Minh Tốt và chính trị viên Phạm Văn Bát chỉ huy. Trên tàu còn có các thuyền viên: Nguyễn Xuân Quế, Phạm Văn Nổ, Phạm Xuân Hương, Huỳnh Văn Hậu, Nguyễn Xuân Ngọc, Trần Văn Tín, Vũ Trung Tính, Hà Quang Vi, Lê Đình Mong, Hoàng Đức Chén, Lê Công Mạc, Vũ Đình Đạp, Trần Minh Khơi, Nguyễn Văn Sửu và Nguyễn Văn Sinh.

Tàu 54 trong chuyến đi này do Thuyền trưởng Phùng Văn Đặng và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy. Các thủy thủ gồm: Phùng Văn Quyết, Phạm Ngọc Duệ, Lê quốc Tế, Tạ Ngọc Thuận, Lê Hồng Lâu, Nguyễn Chí Thông, Đồng Xuân Chế, Hoàng Đức Thắng, Vũ Thuyết Tâm, Nguyễn Văn Yển, Vũ Văn Toàn, Phạm Văn Biên, Nguyễn Văn Lương, Trần Hữu Điểu và Nguyễn Văn Chư. Tàu xuất phát lần một ngày 15/4, nhưng phải quay về. Ngày 11/10 đi tiếp và thành công với việc chở 56 tấn vũ khí cập bến ở Bạc Liêu.

Ngày 29/9/1970, tàu 121 do Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch và chính trị viên Nguyễn Kim Danh chỉ huy đưa vũ khí vào Bến Tre thành công. Trong chuyến đi này, có một sáng kiến rất đáng ghi nhận là dùng xuồng cao su bọc nẹp nhôm chuyển hàng từ tàu vào bến, khá thuận lợi.

Trong những chuyến vượt biển của Đoàn 125 những ngày này, không phải không có những chuyến mà các cán bộ chiến sỹ ta gặp địch, chiến đấu, hy sinh quyết bảo vệ bí mật của con đường. Tàu 176 cũng là một tấm gương như vậy.

Duong HCM tren bien phan 5 anh 8
Đồng chí Nguyễn Thị Định và Đoàn đại biểu miền Nam thăm Đoàn 125 Hải quân

Duong HCM tren bien phan 5 anh 9
Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát thăm Đoàn 125 (1970)

Rời bến ngày 11/11/1970 mang theo 60 tấn vũ khí vào Bến Tre, tàu 176 do thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc và chính trị viên Huỳnh Trung chỉ huy. Trên đường đi, địch phát hiện nên chúng đã điều nhiều tàu chiến tới vây tàu 176. Đó là vào ngày 21/11. Đêm hôm đó, trong khi tàu 176 tăng tốc vào bờ, tàu chiến của địch tăng cường vây hãm và bắn vào tàu ta. Các chiến sỹ tàu 176 vừa tranh thủ cho tàu vào gần bờ vừa dũng cảm chiến đấu đánh trả địch. Cuối cùng các chiến sỹ đã lên bờ và hủy tàu. Nhưng 10 cán bộ chiến sỹ đã phải hy sinh, một số người khác bị thương…Cuộc chiến đấu trên tuyến đường vận chuyển vũ khí vào Nam khốc liệt như vậy đó. Nhưng không gì ngăn được sự tồn tại và phát triển của tuyến đường trên biển.

Duong HCM tren bien phan 5 anh 10
Tàu Không số vận tải hàng vào miền Nam

Năm 1971 - 1972 là giai đoạn vận chuyển gian khổ hy sinh nhiều hơn đối với Đoàn 125 vì địch tiến hành phong tỏa, ngăn chặn quyết liệt hơn rất nhiều. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu 10 năm làm nhiệm vụ vận chuyển vô cùng oanh liệt của Đoàn tàu không số - Đoàn 125 anh hùng.

Chiến trường không thể không có vũ khí - Đó là mệnh lệnh!

Vì vậy, tháng 4 năm 1971, Quân ủy Trung ương đã triệu tập một cuộc họp quan trọng để bàn về công tác vận chuyển trên biển trong tình hình mới, nhằm tìm phương thức mới dưới sự chủ trì của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, cùng với việc cho đóng những thuyền mới theo dạng thuyền đánh cá miền Nam, nhưng làm 2 đáy để phía dưới cất giấu vũ khí, phía trên là dụng cụ đánh cá bình thường, để có thể hoạt động hợp pháp (sáng kiến do đồng chí Tư Mao đưa ra), Đoàn 125 cũng được bổ sung nhiều cán bộ chiến sỹ quê ở miền Nam thành thạo đi biển nhằm thực hiện nhiệm vụ mới một cách hiệu quả .

Chuyến đi thí điểm theo phương thức mới này được thực hiện ngày 6 tháng 7 năm 1971 do đồng chí Tư Mao phụ trách. Tàu 605 (là tàu 625 cũ được cải tạo) chịu trách nhiệm đi theo hộ tống tàu của đồng chí Tư Mao. Và, chuyến đi ấy vào khu 9 đã thành công.

Cũng ngay chuyến đi này, ngày 27 tháng 7 năm 1971, Quân khu 9 đã thành lập Đoàn vận tải bí mật mang mật hiệu S950 do đồng chí Tư Mao làm Trưởng đoàn, các đồng chí Bảy Cứng, Ba Thuận, Ba Cẩn làm Phó đoàn và đồng chí Năm Rẫy là Bí thư Đảng ủy. S950 sẽ phối hợp với Đoàn 125 về nhiều mặt nhằm thực hiện tốt hơn công tác vận chuyển cho miền Nam…Tính từ khi thành lập đến lúc bị lộ (do có kẻ phản bội), Đoàn của ông Tư Mao Đã có 31 lần chuyến ra Bắc, chở được 520 tấn vũ khí và đưa đón nhiều cán bộ ra - vào chiến trường.

Duong HCM tren bien phan 5 anh 11
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ II

Duong HCM tren bien phan 5 anh 12
Đoàn 125 Hải quân chở bộ đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)

Xin được nói về Đoàn trưởng Tư Mao một chút. Tên thật của ông là Phan Văn Nhờ - đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi thành lập Đoàn S950, có một bộ phận “ hợp pháp” do ông Tư Mao và ông Bảy Cứng phụ trách hoạt động công khai ngay trong vùng địch, tại vùng Rạch Giá, Rạch Sỏi…Nhưng sau vụ Ba Tam làm phản, cơ sở của ông Tư ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Long Hải bị vỡ. Khi đó ông Tư Mao đang ở miền Bắc. Việc đưa ông trở về miền Nam tiếp tục hoạt động một cách bình thường là điều vô cùng mạo hiểm, vì địch đang truy tìm ông, ảnh của ông được chúng thông báo khắp nơi. Vì vậy, để tiếp tục trở về hoạt động, chính ông Tư Mao đã đề xuất: Cải dạng khuôn mặt ông thành khuôn mặt khác! Sau khi nghiên cứu và tính toán kỹ càng, cấp trên đã chấp thuận đề nghị đó của ông.

Thế là ông Tư Mao sau đó được đưa vào Quân y viện 108 để thực hiện sự cải dạng đó; mà cũng phải trải qua 2 lần phẫu thuật với bao đau đớn, khuôn mặt ông mới khác được.

Ba tháng sau, với một khuôn mặt khác hẳn và với cái tên Sáu Thuận, ông Tư Mao theo đường bộ trở lại miền Nam tiếp tục nhiệm vụ cách mạng.

Duong HCM tren bien phan 5 anh 13
Ông Tư Mao trước khi phẫu thuật  
Duong HCM tren bien phan 5 anh 14
Ông Tư Mao sau khi phẫu thuật  

Duong HCM tren bien phan 5 anh 15
Đèn hành trình, ống nhòm và máy điện thoại P600 là những dụng cụ được dùng trên hành trình vượt biển của những tàu Không số chuyển vũ khí vào Nam

Hòa cùng khí thế của quân và dân cả nước, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 Hải quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác vận chuyển phục vụ chiến trường. Trong 2 năm 1973 - 1974, Đoàn đã huy động 380 lượt tàu xuất bến, chuyên chở hàng chục ngàn tấn hàng, đưa hơn 2000 lượt người từ hậu phương ra tiền tuyến, vượt gần 160.000 hải lý với biết bao gian khổ, khó khăn.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 lịch sử, Đoàn 125 đã tập trung thực hiện mục tiêu vận chuyển: Tất cả cho chiến trường, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến đấu. Trên tinh thần đó, chỉ riêng hai tháng 3 và 4 năm 1975, Đoàn 125 đã chở 17.473 cán bộ, chiến sỹ ra chiến trường, chở 40 xe tăng cùng 7.786 tấn vũ khí, nhiên liệu…phục vụ chiến dịch. Thành tích ấy của Đoàn 125 đã góp phần quan trọng vào chiến công chung của dân tộc trong mùa Xuân 1975 lịch sử.

Kim Yến (st)
Còn nữa 

Bài viết khác: