Trung tướng, ThS. Đỗ Đức Tuệ, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng
Đường Hồ Chí Minh trên biển nơi tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước, quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc Việt Nam - Trung tướng, ThS. Đỗ Đức Tuệ, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, có hai con đường được ghi danh vào lịch sử vĩ đại của dân tộc, đó là đường Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển. Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích lớn lao của dân tộc, là biểu tượng sáng chói về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về ý chí kiên cường quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc. 50 năm trôi qua nhưng ký ức về con đường vẫn hiện rõ trong tâm khảm của từng cán bộ, chiến sĩ và trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Khi nhắc đến con đường này, chúng ta tự hào rằng: Quân đội ta, nhân dân ta, thông qua việc mở đường trên biển, đã chứng minh cho thế giới thấy được, trong cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, chủ nghĩa yêu nước tỏa sáng ở mọi lúc, mọi nơi trên đất Việt Nam, mà đường Hồ Chí Minh trên biển là một biểu tượng cao đẹp.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, đất nước bị tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam lại phải tiếp tục trường kỳ kháng chiến. Trong những ngày gian lao đó, đồng bào miền Nam ruột thịt thiếu thốn nhiều thứ, trong đó thứ thiếu nhất là vũ khí chiến đấu cho lực lượng vũ trang. Để giải quyết khó khăn này, ngày 23-10-1961, Đoàn 759 ra đời và gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho mở đường vận chuyển chiến lược trên biển nhằm cung cấp vũ khí cho Nam Bộ. Từ đó, đường vận tải chiến lược trên biển và cũng là đường Hồ chí Minh trên biển, được hình thành. Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Trường Sơn trên bộ là hai tuyến đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Con đường này đã tượng trưng cho ý chí sắt đá, lòng quả cảm và trí sáng tạo của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ, nhưng dám đương đầu với tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành, phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt khi đất nước bị kẻ thù xâm lược thì chủ nghĩa yêu nước như làn gió thổi bùng lên ngọn lửa kháng chiến của cả dân tộc. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chủ nghĩa yêu nước biểu hiện ở quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, quyết tâm kháng chiến giải phóng đất nước, cho dù đường đi có muôn vàn phong ba, bão tố và kẻ thù xâm lược giàu mạnh hơn ta rất nhiều; lòng kiên định của mỗi con người Việt Nam tự nguyện tham gia trên con đường đầy gian khổ nhưng vẫn lạc quan và tin tưởng vào tương lai sáng lạn và ngày toàn thắng của cả dân tộc; những bộ óc thông minh, sáng suốt của những cán bộ lãnh đạo của Đảng và quân đội ta ngày đêm trăn trở tìm phương thức mở đường vận tải chiến lược trên biển để phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Không những thế, lòng yêu nước còn thể hiện qua những người tham gia mở đường và vận chuyển trên chiến trường. Họ dám xả thân vì cuộc kháng chiến của dân tộc mà không đòi hỏi điều gì ngoài ước muốn đất nước được độc lập, thống nhất. Họ yêu nước bằng những đóng góp cụ thể của mình, âm thầm chấp nhận mọi thử thách, gian nguy cho con đường tồn tại với những chuyến hàng vào bến an toàn. Những hình ảnh tươi đẹp đó đã tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những biểu hiện chói ngời nhất.
Những ngày đầu tìm cách mở đường trên biển, ta gặp muôn vàn khó khăn: Không có người thạo nghề đi biển dài ngày, thiếu phương tiện chuyên chở và chưa có bến nhận hàng ở các tỉnh ven biển phía Nam là những thách thức lớn. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự quan tâm sâu sát của Bác Hồ với ý chí kiên cường của dân tộc có truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước nồng nàn và khát vọng giải phóng Tổ quốc khỏi ách ngoại xâm, Đảng ta, Quân đội ta đã và thực hiện thành công trong việc mở tuyến đường vận tải trên biển. Con đường đã hình thành và bắt đầu những chuyến đi thắng lợi cho dù kết quả vận chuyển những chuyến đầu còn khiêm tốn. Tập san Quốc phòng của quân đội Sài Gòn, số 18 năm 1968 có đoạn viết: “Việt Cộng chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín, không sao hiểu nổi”. Đô đốc Hải quân quân đội Sài Gòn là Nguyễn Hữu Chí viết: “Đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển”. Nhiều học giả trên thế giới, những tướng lĩnh nước ngoài có kinh nghiệm chuyên sâu về vận tải chiến lược trong chiến tranh và cả những khách tham quan du lịch đến Việt Nam, khi tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh trên biển, họ đều có chung cảm nhận kinh ngạc xen lẫn khâm phục chúng ta về con đường và những người làm nên con đường đó.
Trước hết, là sự quan tâm sâu sát của Bác Hồ về con đường và những người tham gia hoạch định mở đường. Cùng với Bác, các đồng chí trong Bộ Chính trị như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí khác trong Trung ương, đều dốc hết tâm sức để theo dõi, chỉ đạo sâu sát quá trình mở đường và duy trì các hoạt động của con đường suốt 12 năm. Tháng 10 năm 1962, khi những chuyến đi đầu tiên được khai thông, những tấn vũ khí đầu tiên đưa vào được Cà Mau, Bác Hồ rất vui mừng và Người đã gửi thư khen ngợi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Bức thư của Bác có đoạn viết: “...Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”.
Không chỉ có Bác và Trung ương Đảng, những cán bộ, chiến sĩ mở đường trong những ngày đầu và sau này trực tiếp hoạt động nhiều năm trên con đường đó cũng thể hiện lòng yêu nước thiết tha, chí căm thù giặc sâu sắc. Họ đã gạt bỏ mọi riêng tư, hết lòng hết sức vì sự tồn tại và phát triển của con đường mà họ hiểu rõ: có thể bị địch bắt hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ, nhưng vẫn quyết tâm sống chết vì con đường. Họ là những nhân chứng cụ thể về lòng yêu nước mà Bác Hồ và Đảng ta đã truyền cho họ. Nói đến những cán bộ, chiến sĩ của đường Hồ Chí Minh trên biển, ta không thể không nhắc đến các đồng chí Bông Văn Dĩa, Hai Tranh, Tư Phước, Bảy Cửu và nhiều đồng chí khác, là con em đồng bào miền Nam vượt biển ra Bắc để chuẩn bị cho những chuyến đi mở đường đầu tiên của Đoàn 759. Nhiều chuyến đi thành công trong những năm tháng sau này đều do các cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng, là con em đồng bào Nam Bộ và các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 759 - Đoàn 125 Hải quân đảm nhiệm. Những năm đầu đánh Mỹ, thông qua đường vận tải trên biển, ta đã đưa được hàng trăm tấn vũ khí vào miền Nam. Nhờ có vũ khí chuyển vào, ta mới có chiến thắng vang dội ở Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Vạn Tường, Dương Liễu, Bầu Bàng (1965)…, làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước, kẻ thù phải khiếp sợ, kinh hoàng. Thắng lợi trên con đường vận tải chiến lược đưa vũ khí vào Nam là kết quả của tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc của cán bộ và chiến sĩ ta, những người ưu tú nhất, đại diện cho ý chí và nghị lực người Việt Nam khi đất nước bị kẻ thù chia cắt. Trên con đường gian lao vất vả đó, đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Nhiều chiếc tàu “Không số” đã phải nằm lại biển khơi. Tên tuổi của những chiếc tàu và các anh hùng liệt sĩ như: Nguyễn Phan Vinh, Dương Văn Lộc, Trần Nhợ, Nguyễn Văn Hiệu và nhiều đồng chí khác sẽ mãi mãi sống cùng trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam mà các anh là những người đã góp xương máu của mình để viết nên trang sử đó. Những chuyến đi không thành công, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên tàu không trở về, sự mất mát rất lớn lao nhưng không nản lòng những con người trên đường vận tải. Trái lại, càng làm cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 tăng thêm quyết tâm, rèn dũa ý chí để tham gia những chuyến đi mạo hiểm hơn, trước sự kiểm soát chặt chẽ, gắt gao giữa biển khơi của địch. Trong gần 14 năm hoạt động liên tục và bền bỉ, trong đoàn chưa có cán bộ, chiến sĩ nào chùn bước, kể cả những người bị địch bắt cũng dũng cảm chấp nhận hy sinh, kiên quyết bảo vệ bí mật con đường. Thật cảm động trước hình ảnh những người chuẩn bị xuất bến trước mỗi chuyến đi giữa đêm tối mênh mông, đều giơ cao tay thề trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh vì những chuyến hàng. Những hình ảnh đó của cán bộ, chiến sĩ trên đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu hiện rực rỡ nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.
Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ thể hiện chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà còn là biểu tượng quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Đầu năm 1962, khi đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra Bắc được Bác Hồ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Bác hỏi: “Các chú ra đây có yêu cầu gì với Trung ương nào?”. Tất cả đều đồng thanh: “Thưa Bác, chúng cháu ra đây có một nguyện vọng là xin được thật nhiều vũ khí để về đánh giặc”. Câu trả lời đơn giản đó đã thể hiện quyết tâm đánh giặc, mong mỏi đất nước thống nhất của 14 triệu đồng bào miền Nam. Nếu không khát vọng thống nhất để Nam, Bắc một nhà thì làm sao những cán bộ của con em đồng bào Nam Bộ lại vượt hàng nghìn hải lý, qua bao giông tố của biển khơi, dưới mọi hiểm hoạ của kẻ thù để ra Bắc xin được cung cấp vũ khí mang về đánh giặc. Thậm chí, có những đồng chí như: Tư Quang hay Võ Tất Thành biết chuyến trở về trên tàu chưa có vũ khí, đã kiên quyết không chịu về tay không, xin được ở lại để khi có vũ khí mới quay về Nam Bộ. Những hình ảnh đẹp đẽ của đồng bào và cán bộ miền Nam kể trên, là tấm gương tiêu biểu, đại diện cho ý chí quyết tâm giải phóng, khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc.
Tình đoàn kết quân dân giữa cán bộ, chiến sĩ trên đường vận tải và sự che chở, đùm bọc của nhân dân các địa phương ven biển thật sâu sắc và cảm động. Từ những chuyến vượt biển đầu tiên của đội thuyền Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, đến khi thành lập “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” và sau đó là Đoàn 759 - Đoàn 125, con đường vận tải trên biển của ta vẫn nằm trong lòng dân, được nhân dân các địa phương đùm bọc, che chở. Nhân dân các tỉnh Nam Bộ,trực tiếp là cán bộ và nhân dân ở các bến mà tàu ta cập vào như: Vàm Lũng, Rạch Kiến Vàng, bến Cà Mau, Ba Làng An, Hòn Hèo, Vũng Rô, Ninh Phước v.v. Đã hết lòng vì cách mạng, không quản ngại hy sinh, chờ đợi ngày đêm để đón tàu vào bốc dỡ vũ khí. Thật cảm động trước tấm lòng của bà Mười Vinh (Vũng Tàu) đã bỏ tiền riêng để đóng tàu cho các chiến sĩ cùng với con trai của bà vượt biển ra Bắc. Những du kích ở Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre chia nhau từng thùng đạn, khẩu súng vừa nhận được giữa đêm tối để vận chuyển về nơi cất giữ an toàn. Họ nâng niu từng gói hàng, quý trọng từng khẩu súng, viên đạn của đồng bào miền Bắc chuyển vào, góp sức cùng miền Nam đánh giặc. Tấm gương chiến đấu, hy sinh của bộ đội địa phương Phú Yên cùng du kích trong nhiều ngày đêm (2.1965) bảo vệ và giải vây cho những chiến sĩ tàu 143 vào bến Vũng Rô bị lộ, phải huỷ tàu để rút lên bờ, sau đó hành quân ra Bắc an toàn. Biết bao nhiêu đồng bào và chiến sĩ không thể kể hết tên, đã thể hiện khí phách của người Việt Nam với quyết tâm đấu tranh thống nhất đất nước, đã đem nhiệt tình cách mạng của mình để bảo vệ và giữ vững con đường máu lửa mà cán bộ, chiến sĩ của ta đang hành quân trên đó.
Công tác hiệp đồng trong chuyên chở và bốc dỡ vũ khí giữa đầu cầu miền Bắc với miền Nam, giữa tàu với bến trong lúc vào, ra của những chuyến hàng cũng được tổ chức chặt chẽ. Mỗi khi tàu rời cảng vào Nam là bến nhận đã sẵn sàng cả về người và phương tiện để bốc dỡ nhanh, giải phóng tàu khẩn trương, giữ bí mật tuyệt đối cho con đường vận chuyển. Có những chuyến bến vào bị lộ, địa phương đã tìm mọi cách báo cho tàu biết để chuyển bến an toàn, giao hàng ở địa điểm khác, không để tàu và vũ khí rơi vào trận địa phục kích của kẻ thù. Những hoạt động đó là biểu hiện sinh động của tấm lòng Nam Bắc, của cán bộ và chiến sĩ trên con đường, cùng với nhân dân các tỉnh ven biển, nơi có tàu đi và đến, cùng chung ý chí quyết tâm: Thống nhất nước nhà.
Ở miền Bắc, hàng ngày hàng giờ, bằng những việc làm thực tế của mình, cán bộ và chiến sĩ cũng cố gắng hết mình để miền Nam được giải phóng. Từ việc lo cho cán bộ miền Nam chỗ ăn, nghỉ đến đi tham quan các địa danh nổi tiếng của miền Bắc; tham gia sửa chữa hoặc đóng mới những con tàu “Không số” sao cho thật nhanh và chất lượng để có phương tiện chở vũ khí vào Nam. Đó là hình ảnh cao đẹp của quân và dân miền Bắc, muốn kề vai sát cánh với đồng bào miền Nam ruột thịt mong mỏi chờ ngày thống nhất đến gần hơn.
Tham gia vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ có cán bộ miền Nam mà cả cán bộ, chiến sĩ là con em miền Bắc của Đoàn 125, kế tục truyền thống của những người đi trước, vận chuyển thành công những chuyến hàng vào Nam trên con đường mà những người đi trước đã mở. Khó có thể kể hết ra đây tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên biển hoặc bị địch bắt, bị tù đày cho đến ngày miền Nam giải phóng mới gặp lại. Những mất mát quả là lớn lao, nhưng với khát vọng tự do độc lập, quyết tâm thống nhất đất nước, những người con ưu tú của dân tộc ta đã tự nguyện nhận lấy mọi hy sinh, vất vả về mình. Họ trung kiên vì sự sống còn của con đường mang tên Bác để có ngày chiến thắng.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam, nơi tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước và quyết tâm thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Chỉ có Đảng ta, Quân đội ta, cùng nhân dân hai miền Nam, Bắc giàu lòng yêu nước, với ý chí và nghị lực phi thường mới mở được đường mòn trên biển. Nhìn lại lịch sử chiến tranh trên thế giới, chưa ở đâu lại có con đường vận tải chiến lược độc đáo như đường Hồ Chí Minh trên biển của Việt Nam. Con đường ấy, cùng với đường Trường Sơn trên bộ, đã tô đẹp thêm truyền thống kiên cường bất khuất của một dân tộc anh hùng.
Năm tháng qua đi, nhiều thế hệ tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển không còn nữa, nhưng ký ức về con đường trên biển vẫn không phai mờ đối với từng cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta và trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta mãi mãi không quên Đoàn 759 - Đoàn 125 ngày nay với những chuyến đi lịch sử trên biển mà con cháu chúng ta hiện giờ nghe kể lại, tưởng như câu chuyện thần thoại. Chặng đường lịch sử hào hùng của Đoàn 125 là niềm tự hào của Quân đội ta và dân tộc ta.
Từ việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã chứng minh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc ở mọi thời đại. Suy rộng ra, cả dân tộc ta trường kỳ kháng chiến cũng xuất phát từ lòng yêu nước có sẵn trong mỗi con người và trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước đã được tôi luyện và thử thách trong kháng chiến trước đây, đến nay vẫn tỏa sáng trên con đường đi tới của cả dân tộc – con đường xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh”. Tinh thần yêu nước ngày nay đã phát triển lên tầm cao mới, đó là yêu Đảng và Nhà nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu mến những thành quả cách mạng mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng và cả dân tộc ta nói chung đã hy sinh biết bao xương máu mới có được.
Thấm nhuần ý chí quyết tâm thống nhất đất nước trước đây, ngày nay ý chí đó vẫn tỏa sáng trong quân đội và các lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đang sống trong hoà bình, nhưng vẫn còn đó những thế lực nước ngoài âm mưu xâm lược hoặc lấn chiếm biển đảo của ta. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước để lại, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã nâng lên tầm cao mới, đó là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và nhân dân, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên biển, chủ quyền quốc, gia lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn của Tổ quốc. Những đảo, quần đảo và vùng biển của ta đang bị nước ngoài chiếm đóng, ta phải kiên quyết đấu tranh giành lại, như vậy mới giữ được toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tự hào với truyền thống, tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta cần phát huy vào hoạt động thực tiễn bảo vệ và xây dựng đất nước “làm chủ được biển của mình, vươn lên trở thành quốc gia mạnh về biển” theo tinh thần Nghị quyết 3 của Bộ Chính trị khóa VI đã vạch ra.
Nước ta có bờ biển dài khoảng 3.260km, diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2, cả nước đang hướng ra biển và phát triển kinh tế biển. Biết bao khó khăn đặt ra cho chúng ta, giống như con tàu nhỏ vươn ra biển lớn. Đất nước còn nghèo, cơ sở vật chất để phát triển kinh tế biển còn thiếu, kinh nghiệm quản lý và khai thác biển của ta còn ít, nhưng trước tiềm năng to lớn của biển Việt Nam, với tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của một dân tộc đã trải qua bao đau thương mất mát trong chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đổi mới, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo của Tổ quốc, đồng thời xây dựng đất nước mạnh lên, giàu lên từ biển giống như những quốc gia quanh ta đã làm.
Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta đã có ý thức giữ biển và làm chủ vùng biển, từ những Hải đội Hoàng Sa trước đây, đến những Đoàn tàu “Không số” trên biển trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và sự có mặt của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các địa phương ven biển, ngày đêm làm kinh tế trên các vùng biển xa để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thời đại nào cũng có người Việt Nam trên biển. Vì thế, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển ngày nay là nghĩa vụ và trách nhiệm của quân đội, của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước. Nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng với những mất mát, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng và đồng bào, chiến sĩ cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để có đất nước tươi đẹp như ngày hôm nay.
Tuyến vận tải chiến lược Hồ Chí Minh trên biển với chiến trường đồng bằng sông Cửu Long - Trung tướng Trần Phi Hổ, Tư lệnh Quân khu 9
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vị trí cực Nam của Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Mỹ thuộc địa bàn của Quân khu 8 và Quân khu 9, là vùng đồng bằng, sông rạch chằng chịt, xa sự chỉ đạo của Trung ương, xa sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc. Xuất phát từ đặc điểm đó, trong suốt 30 năm kháng chiến (1945 - 1975), và đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975), quân và dân đồng bằng sông Cửu Long luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần tự lực, tự cường thực hành chiến tranh nhân dân tại địa phương. Trong thử thách ác liệt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Quân ủy Miền, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế chiến trường, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để chiến thắng quân thù. Qua đó, tạo nên những nét đặc sắc, mang tính đặc thù của chiến trường đồng bằng nhiều sông rạch. Mà một trong những nét đặc sắc và nổi bật nhất là quyết tâm mở đường và đã mở đường thành công để vận chuyển, tiếp nhận vũ khí, hàng quân sự và các lực lượng của Trung ương chi viện cho chiến trường đồng bằng sông Cửu Long bằng đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9
Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm tiếp nhận, vận chuyển từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp(1) vào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trong điều kiện mở đường, tổ chức tiếp nhận, cất giữ đến vận chuyển đi các chiến trường trong điều kiện bị kẻ thù kiểm soát gắt gao, đánh phá ác liệt. Đây là cả một quá trình đấu trí, đấu lực giữa ta và địch, và ta đã chiến thắng. Đó là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam nói chung, của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Sau Hiệp nghị Giơnevơ (1954), ở miền Nam Việt Nam những năm 1954 -1959, quân và dân ta kiên trì tiến hành đấu tranh chính trị, buộc địch thi hành Hiệp nghị, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trong khi đó, địch lại ra sức củng cố lực lượng, xây dựng chính quyền tay sai, thẳng tay đàn áp dã man phong trào cách mạng của quần chúng. Địch tăng cường khủng bố, bắt bớ, giam cầm, bắn giết cán bộ, đảng viên, những người kháng chiến với nhiều hình thức độc ác nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta.
Trước tình thế đó, tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị đề ra phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Đây là một Hội nghị lịch sử, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng cách mạng, tạo nên sự chuyển biến căn bản cho phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam.
Để bảo đảm vũ khí, trang bị và lực lượng cho miền Nam chiến đấu, Bộ Chính trị quyết định mở đường vận tải chiến lược trên biển để nhanh chóng vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh và cán bộ vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ cho các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tàu thuyền và cử cán bộ đi bằng đường biển ra miền Bắc báo cáo với Bộ Chính trị về khả năng mở đường vận tải trên biển.
Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Cục giao, ngay trong tháng 8 năm 1961, các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và tỉnh Bà Rịa đã tổ chức ghe vượt biển xoi mở đường ra Bắc. Hành trình tuy gặp nhiều khó khăn, trắc trở, nhưng các tỉnh đều tổ chức những chuyến đi ra đến miền Bắc an toàn. Đây là những người con ưu tú đại diện cho quân và dân miền Nam anh dũng vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí, mang theo khát vọng và niềm tin của nhân dân miền Nam đến với Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng.
Trên cơ sở những thắng lợi đó, ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - Đoàn vận tải quân sự đường biển đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lực lượng chi viện miền Nam. Đoàn 759 ra đời, khẳng định quyết tâm của Đảng ta và đánh dấu bước phát triển mới trong công tác tổ chức vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Từ đây, các phương án vận chuyển táo bạo, bí mật, bất ngờ trên biển và công tác xây dựng bến bãi, kho trạm bí mật tại đồng bằng sông Cửu Long để tiếp nhận hàng chiến lược do Trung ương chi viện được xúc tiến khẩn trương.
Cũng từ thời điểm này, bắt đầu xuất hiện những chiếc tàu của Đoàn 759 vượt biển Đông, đưa các loại vũ khí, phương tiện, lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam, làm nên kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Ngày 16 tháng 10 năm 1962, chiếc tàu mang phiên hiệu “Phương Đông 1”, chở 30 tấn vũ khí cặp bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Đây là chuyến đi đầu tiên của “Đoàn tàu Không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển. Và bến Vàm Lũng (Cà Mau) đã đi vào lịch sử là bến đầu tiên, đón con tàu đầu tiên của tuyến đường vận tải huyền thoại - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tiếp theo tàu “Phương Đông 1” là các tàu Phương Đông 2, 3, 4 lần lượt cặp bến Cà Mau an toàn. Sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đến được chiến trường đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nên nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây càng vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Từ đây, vũ khí trang bị, khí tài quân sự và một số nhu cầu khác của chiến trường được giải quyết một bước cơ bản. Yêu cầu về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang được đáp ứng; hiệu suất chiến đấu của ba thứ quân được nâng cao và phong trào chiến tranh du kích được phát triển mạnh mẽ. Đây là một nhân tố bảo đảm quan trọng, giúp cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh tiến công quân sự, liên tục giành nhiều chiến thắng, đánh bại các “chiến thuật tân kỳ” của địch, góp phần cùng toàn Miền làm phá sản quốc sách ấp chiến lược, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy.
Từ giữa năm 1965 đến năm 1968, khi Mỹ - Ngụy thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, khó khăn lớn nhất đối với ta lúc này là địch biết được quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã có vũ khí, trang bị hiện đại của miền Bắc chi viện ngày càng lớn. Một mặt, chúng tăng cường lực lượng hải quân tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn, đánh phá đường Hồ Chí Minh trên biển và trên tuyến sông rạch. Mặt khác, chúng tung tình báo, gián điệp thu thập tin tức, đẩy mạnh hoạt động càn quét, đánh phá tìm diệt các căn cứ, kho trạm và các tuyến vận tải của ta. Địch sử dụng pháo đài bay B52 cùng nhiều loại máy bay khác, kết hợp với pháo binh ném bom, bắn phá dữ dội vào các vùng giải phóng của ta, trọng điểm là các căn cứ cách mạng ở Cà Mau, Rạch Giá, Long An, Kiến Tường, Mỹ Tho, Bến Tre... Kết hợp với đánh phá, địch còn dùng máy bay rải các loại chất độc hóa học hủy diệt màu xanh sự sống.
Về hướng biển, hải quân Mỹ và Sài Gòn tăng cường hoạt động, ra sức phong tỏa vùng biển miền Nam Việt Nam. Trong năm 1966, Mỹ tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116 để ngăn chặn hoạt động của Đoàn 125 (ngày 24 tháng 1 năm 1964, Đoàn 759 đổi tên thành Đoàn 125). Tiếp đó là lực lượng đặc nhiệm 117 ra đời chủ yếu hoạt động khu vực Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, nơi các tàu ta thường xuyên ra vào. Ngoài khơi, Hạm đội 7 của Mỹ tăng cường hoạt động.
Mỹ huy động 40% lực lượng của Hạm đội 7 vào “ngăn chặn thâm nhập bằng đường biển” từ miền Bắc vào miền Nam. Năm 1966, qua đường ngoại giao, Việt Nam đã được chính quyền nước bạn Vương quốc Campuchia đồng ý cho ta đưa hàng theo đường biển quốc tế vào cảng Kôngpôngsom (tên cũ là Xihamuc vin). Từ cảng Kôngpôngsom, hàng hóa được chuyển về PhnômPênh, rồi từ đó tiếp tục đưa về các kho đặt dọc biên giới. Từ các kho này, các Quân khu 7, 8, 9 tổ chức lực lượng và phương tiện vận chuyển về các địa điểm khác nhau trên khắp chiến trường. Riêng Quân khu 9 đã tổ chức vận tải đường biển bằng hình thức bán công khai, dưới chở vũ khí, trên nguỵ trang hàng hóa. Tuyến đường biển từ Kôngpôngsom (Campuchia) đi Hà Tiên về Cà Mau, An Biên (Rạch Giá) được tổ chức dưới hình thức công khai là tàu đánh cá, trên mang đồ nghề đánh cá, dưới chở 20 - 30 tấn vũ khí.
Như vậy, bằng nhiều phương pháp khác nhau, tuyến vận tải đường biển của ta vẫn vượt qua được sự kiểm soát, ngăn chặn của kẻ thù, đưa các loại vũ khí và hàng quân sự chi viện đắc lực cho cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam.
Tính từ tháng 4 năm 1962 đến tháng 4 năm 1972, Đoàn 125 đã tổ chức đi được 168 chuyến (trong đó có 6 chuyến trinh sát mở đường) vận chuyển vào 19 bến của 9 tỉnh miền Nam, chủ yếu là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chuyển được 6.106 tấn vũ khí và hàng ngàn lượt cán bộ tăng cường cho miền Nam.
Để tiếp nhận có hiệu quả vũ khí, hàng quân sự và cán bộ từ miền Bắc chi viện bằng đường biển vào đến chiến trường Nam Bộ thuận lợi, ngày 19 tháng 9 năm 1962, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Đoàn 962 (biên chế tương đương sư đoàn). Đoàn có nhiệm vụ xây dựng và mở rộng các bến tiếp nhận hàng dọc bờ biển từ Cà Mau đến Bà Rịa; đón nhận hàng do Đoàn 125 chuyển vào; tổ chức vận chuyển đi các chiến trường theo kế hoạch phân phối của Trung ương ...
Trong một thời gian ngắn, nhờ sự giúp đỡ tận tình của quân và dân, các cấp ủy địa phương, Đoàn 962 đã mở xong các bến tiếp nhận và kho chứa hàng trong những khu rừng ven biển. Các bến đón nhận hàng ở các khu vực, được gọi theo mật danh là “B” (còn gọi là “M”). B1: Khu vực bờ biển thuộc Cà Mau; B2: Bờ biển thuộc Trà Vinh; B3: Bờ biển thuộc Bến Tre và B4 bờ biển thuộc Bà Rịa. Tại mỗi B có: 1 tiểu đoàn (hoặc đại đội) cơ động đánh địch bảo vệ địa bàn; 1 tiểu đoàn (hoặc đại đội) kho; 1 tiểu đoàn (hoặc đại đội) vận tải và một số bộ phận chuyên môn khác. Để đón những con tàu của “Đoàn tàu Không số” đúng các điểm quy định, từng bến đã tổ chức các đội hoa tiêu. Mỗi bến thường có từ 2 đến 3 ghe biển, trang bị ngư cụ nhẹ như ghe thường dân đi đánh cá. Đêm đêm khi nhận được lệnh của trên, các đội hoa tiêu bí mật nổ máy cho ghe ra khơi, cách bờ từ 10 đến 15 km, dùng đèn bắt tín hiệu của nhau, tổ hoa tiêu dẫn những con tàu chở nặng vũ khí vào bến an toàn. Số hàng tiếp nhận được, theo chỉ đạo của trên, các bến tổ chức đưa vũ khí trang bị cho các địa phương và đơn vị. Bến Cà Mau đưa ra tỉnh Cà Mau và các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng; bến Trà Vinh đưa ra chiến trường Vĩnh - Trà; bến Bến Tre đưa ra các tỉnh thuộc Quân khu 8. Những lúc do điều kiện địa lý và tình hình địch, một số vùng bến tiếp nhận khó khăn, để điều hòa hàng hóa giữa các vùng bến, các đội vận tải trên sông, rạch cũng làm nhiệm vụ đưa hàng từ bến này sang bến khác và trực tiếp chuyển thẳng về miền Đông. Để đưa được vũ khí, hàng quân sự... đến tận chiến trường, phải tổ chức vận chuyển bằng nhiều hình thức, nhiều tuyến đường, nhiều điểm giao nhận hàng; phải luồn lách vượt qua nhiều đồn bốt và mọi sự ngăn chặn đánh phá của địch. Lực lượng dân công các địa phương đảm nhận công việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang, các đội vận tải quân sự đóng vai trò nòng cốt. Theo kế hoạch, đêm đêm từng đoàn người lặng lẽ dùng xuồng, xe trâu, xe bò hoặc mang vác bộ, đưa hàng đến các điểm quy định. Cứ như thế, những kiện vũ khí, hàng quân sự được giao tận các đơn vị trên khắp chiến trường đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Sau một thời gian hoạt động, khu vực Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa do địa thế không thuận lợi, nên tàu thường tập trung vào khu vực Cà Mau, vì nơi đây địa thế tốt, ra vào nhanh, dễ và an toàn. Từ Cà Mau, Đoàn 962 tổ chức vận chuyển nội bộ bằng hai đường: Một đường đi bằng xuồng trên kênh rạch trong đất liền, một đường đi bằng ghe máy trên biển qua Trà Vinh, phân phối cho chiến trường Vĩnh - Trà. Từ Trà Vinh tiếp tục tổ chức vận chuyển qua Bến Tre, phân phối cho chiến trường Khu 8. Sau đó, từ Bến Tre đưa tiếp lên Bà Rịa, qua Rừng Sác phân phối cho chiến trường miền Đông Nam Bộ và đưa về Miền.
Năm 1972, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị kết thúc quá trình vận chuyển bằng tàu vỏ sắt của Đoàn 125 vào các bến của Đoàn 962 để chuyển sang phương thức vận chuyển mới: Vận chuyển hợp pháp bằng tàu hai đáy. Qua nghiên cứu việc vận chuyển bằng xuồng, ghe hai đáy trong nội địa quân khu, được sự chấp thuận của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Đoàn 950 (sau gọi là Đoàn 371). Đoàn 950 hoạt động theo phương thức hợp pháp (các tàu vận chuyển), bất hợp pháp (các bến và kho). Lực lượng được điều động từ những cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Đoàn 962 và Đoàn 125. Đoàn 371 vừa đánh bắt cá, vừa chở hàng mướn trong vùng địch từ Cà Mau - Rạch Giá - Sài Gòn – Vũng Tàu - Phan Rang đến Đà Nẵng, vừa tổ chức mỗi chuyến từ 2 - 3 tàu ra vịnh Bắc Bộ nhận vũ khí đưa về quân khu. Đến tháng 11 năm 1973, Đoàn 371 đưa được 31 chuyến với 520 tấn vũ khí về các bến Cà Mau và Trà Vinh an toàn. Đoàn 371 hoạt động liên tục cho đến ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975. Tính từ khi thành lập (9/1962), đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đoàn 962 (sau là trung đoàn) và Đoàn 950 đã tiếp nhận, cất giữ và vận chuyển ra các chiến trường 6.545 tấn vũ khí, hàng quân sự; trực tiếp đưa đón các đồng chí Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt và hàng trăm đồng chí cán bộ trung cao cấp khác từ đồng bằng sông Cửu Long ra Trung ương và ngược lại.
Đầu năm 2011,Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9 (ngoài cùng bên phải)
và Thiếu tướng Phạm Hoàng Sâm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau thăm và tặng gạo cho bà con nghèo vùng căn cứ cách mạng cũ ở Đầm Dơi. Ảnh: CaMauonline
Quá trình thực hiện việc tổ chức mở đường, tiếp nhận, xây dựng bến bãi, kho tàng và vận chuyển vũ khí, hàng chi viện của Trung ương bằng đường biển ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long trong kháng chiến chống Mỹ là một mặt trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch. Trong tổ chức mở đường, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén, kịp thời thay đổi các phương thức: bí mật, công khai, hợp pháp, bán công khai... nắm vững quy luật hoạt động của địch mà hành động nhanh chóng, kịp thời. Khi chiến tranh diễn ra với quy mô ngày càng lớn, lực lượng vũ trang phát triển thì nhu cầu vật chất kỹ thuật càng lớn; yêu cầu về bảo đảm vũ khí trang bị, dự trữ bổ sung vật chất, lực lượng rất cao và rất khẩn trương... Lực lượng vũ trang không thể xây dựng, chiến đấu và giành được thắng lợi khi thiếu vũ khí, vật chất, trang bị kỹ thuật. Vì vậy, sự chi viện của Trung ương qua “Đường Hồ Chí Minh trên biển” có một ý nghĩa đặc biệt đối với quân và dân đồng bằng sông Cửu Long.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là thắng lợi vĩ đại, vẻ vang nhất của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là thắng lợi mang tính thời đại và nhân dân sâu sắc. Trong thử thách ác liệt của cuộc kháng chiến, cùng với tuyến vận tải quân sự chiến lược mang tên Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và những tuyến vận tải nội địa trên sông, rạch ở đồng bằng sông Cửu Long giữ một vai trò rất quan trọng, đó là một thành công lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, là biểu hiện của ý chí, sức mạnh, trí thông minh, lòng dũng cảm của nhân dân ta trong những năm đánh Mỹ. Bằng tinh thần tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, bảo đảm vừa vận chuyển cung ứng hậu cần tại chỗ vừa cùng toàn Miền tổ chức hành lang vận chuyển thông suốt; hoàn thành nhiệm vụ tổ chức mở đường, xây dựng bến bãi, tiếp nhận bảo quản và vận chuyển phân phối, sử dụng có hiệu quả các nguồn chi viện to lớn về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc, bảo đảm cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long chiến đấu và chiến thắng.
Chiến thắng đó chứng minh cho một chủ trương chiến lược đúng đắn của Đảng trong việc tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long bằng “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Chiến thắng đó cũng thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long trong việc tổ chức mở đường, mở bến tiếp nhận và vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh và lực lượng của Trung ương chi viện bằng nhiều hình thức, nhiều phương thức đến khắp các chiến trường, làm nên những chiến thắng vang dội, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
(1) Việc mở đường ra Bắc xin vũ khí đã được quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trước tình hình khó khăn về vũ khí, cuối tháng 3 năm 1946, Tỉnh ủy Bến Tre cử đồng chí Nguyễn Thị Định và phái đoàn ra miền Bắc báo cáo với Hồ Chủ tịch và Chính phủ để xin vũ khí chi viện cho miền Nam. Đến tháng 11 năm 1946, đồng chí Nguyễn Thị Định được giao nhiệm vụ trở về Nam bằng đường biển, trên con thuyền mang theo 10 tấn vũ khí của miền Bắc chi viện. Số vũ khí trên được đưa về đến xã Thạnh Phong (Thạnh Phú- Bến Tre) an toàn. Ở Trà Vinh, Tỉnh ủy cũng tổ chức tàu vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí. Khi đi chở theo lương thực, thực phẩm tiếp tế cho miền Trung, cặp bến ở các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi giao cho Ủy ban kháng chiến miền Nam. Sau đó, nhận vũ khí của Trung ương chi viện chở về chiến trường Nam Bộ. Đến tháng 11 năm 1946, đoàn Trà Vinh đưa về 10 chiếc, mỗi chiếc chở được 5 tấn vũ khí. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, có hàng chục chiếc tàu của hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre xuôi ngược Nam Bắc, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ. Đây là tiền đề, là kinh nghiệm để quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục mở đường ra Bắc xin vũ khí, góp phần làm nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Kim Yến (st)
Còn nữa