Chỉ mục bài viết

 Anh 1 phan 7  Duong HCM tren bien

Chuyện kể về những chiến sỹ Đoàn tàu Không số

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng “Huyền thoại” về những con tàu Không số và những con người quả cảm trên đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn làm chúng ta xao xuyến và khâm phục, tự hào mỗi khi nhắc đến.

Huyền thoại ấy mãi mãi ngời sáng trong những trang sử hào hùng của dân tộc như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc ta, quân đội ta.

Làm nên những chiến công, kỳ tích ấy chính là những người chiến sỹ kiên trung, quả cảm của Đoàn tàu Không số năm xưa - Những con người “Bước lên tàu Không số là xác định hy sinh bất cứ lúc nào; thậm chí nhiều trường hợp phải chấp nhận cảm tử, lao thẳng vào tàu địch cho nổ. Vì vậy, tất cả các chiến sỹ trên tàu Không số đều có một tinh thần chiến đấu quên mình không lùi bước, chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình trên biển để đảm bảo bí mật cho cả tuyến đường vận chuyển cũng như an toàn cho số vũ khí trên tàu.” (Lời kể của ông Lê Văn Nhược - CCB Đoàn tàu Không số; hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển của TP Hà Nội).

Anh 2 phan 7  Duong HCM tren bien

Ông Trần Văn Hữu, một chiến sỹ Đoàn tàu Không số năm xưa, nay là Chủ tịch Hội truyền thống Đoàn tàu Không số toàn quốc, kể rằng: “Mỗi chuyến tàu xuất phát, đích đến chỉ có thuyền trưởng và chính trị viên được biết; còn chiến sỹ thì chỉ khi tàu đi được nửa đường hoặc tàu gần cập bến mới được phổ biến…Cho dù thế nào, tất cả đều nhất nhất chấp hành nhiệm vụ cấp trên giao. Nhờ vậy mà chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ trong những điều kiện vô cùng khó khăn với những thử thách ngặt nghèo”.

Trong suốt hơn 14 năm tồn tại của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đã có hàng nghìn chiến sỹ dấn thân cho “con đường”. Tuy hoàn cảnh không ai giống ai, nhưng họ đều chung một mục đích, một con đường, đó là hiến dâng tuổi trẻ của mình cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, mang lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân, độc lập cho dân tộc.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Bông Văn Dĩa - một cựu chiến binh Đoàn tàu Không số năm xưa, có thể coi ông là một trong những hiện thân sinh động của Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển; là một trong số ít những người chiến sỹ tham gia ngay từ buổi đầu thăm dò và mở tuyến đường vận tải quân sự trên biển theo quyết định của Trung ương. Ngay từ tháng 8 năm 1961, ông đã được giao nhiệm vụ rất quan trọng là tổ chức thăm dò tuyến đường biển từ Cà Mau ra miền Bắc để chở vũ khí vào Nam đánh giặc. Khi đó Bạc Liêu cử 2 thuyền trong đó một thuyền do ông làm Bí thư, trực tiếp lãnh đạo chuyến đi - Một chuyến đi đầy gian nan, nguy hiểm, nhưng ông và đồng đội đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chuyến đi lịch sử ấy, thuyền của ông dạt vào bờ biển Quảng Bình, bị dân quân ta bắt, tưởng là biệt kích ngụy, đánh cho một trận rồi giam chặt. Mặc dù vậy, ông nhất định không để lộ nhiệm vụ được giao; chỉ một mực đề nghị được giải về Trung ương và được gặp đồng chí Lê Duẩn. Cũng may lúc đó đồng chí Lê Duẩn đang có chuyến công tác ở Quảng Bình nên sau khi tỉnh báo cáo sự việc, đồng chí đã cho ông gặp ngay.

Anh 3 phan 7  Duong HCM tren bien
Các cựu chiến binh Đoàn tàu Không số dâng hương tại Khu Di tích Bến K15 (Đồ Sơn)

Ông Bông Văn Dĩa cũng lại chính là người được vinh dự giao nhiệm vụ chỉ huy thuyền “Bạc Liêu” đi chuyến trinh sát mở đường từ Bắc vào Nam, cập bến an toàn tại Vàm Lũng - Cà Mau đêm 18/4/1962… Đặc biệt, tại bến Đồ Sơn, đêm 11/10/1962 chiếc tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí do ông Lê Văn Một làm thuyền trưởng và ông làm chính trị viên đã rời bến lên đường vào Nam. Đây là chuyến đi rất quan trọng, là chuyến chở vũ khí đầu tiên vào Nam, là sự mở đường. Nhiệm vụ ấy vô cùng nặng nề. Cũng vì vậy mà các đồng chí lãnh đạo Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đã trực tiếp đến bến tàu Đồ Sơn giao nhiệm vụ và động viên đoàn. Đồng chí Phạm Hùng nói: “Các đồng chí là những người đầu tiên mở ra con đường biển Bắc - Nam này. Nó cũng giống như trên Trường Sơn kia, các đồng chí là những người tiên phong đi khai sơn phá thạch”. Chuyến đi thành công đã đánh dấu sự ra đời của con đường vận tải chiến lược trên biển Đông. Và, ông Bông Văn Dĩa trở thành một trong những người chiến sỹ đầu tiên có vinh dự mở đường Hồ Chí Minh trên biển…

Là một người con của miền Nam trên đất Bắc, ngay từ những ngày đầu có chủ trương thành lập Đoàn tàu Không số, ông Lê Văn Một đã được điều về Đoàn 759, chuẩn bị nhận nhiệm vụ đưa vũ khí vào Nam theo đường biển. Chính ông là một trong những người có vinh dự đi chuyến tàu đầu tiên (tàu gỗ), gọi là tàu “Phương Đông 1”, chở 30 tấn vũ khí vào Cà Mau. Ông làm thuyền trưởng và ông Bông Văn Dĩa là chính trị viên. Sau 9 ngày vượt bao sóng gió, tàu đã cập bến an toàn, đánh dấu sự mở đầu đầy ý nghĩa của Đoàn 759. Một năm sau, Lê Văn Một lại làm thuyền trưởng tàu 41 chở hàng đi miền Đông Nam bộ. Đây là một chuyến đi đầy gian khổ bởi tàu bị mắc cạn ngay gần đồn địch. Phải nhờ sự linh hoạt, mưu trí, thông minh của thuyền trưởng Lê Văn Một tàu mới đưa hàng đến bến an toàn.

Anh 4 phan 7  Duong HCM tren bien
Anh hùng LLVT Bông Văn Dĩa (bên trái) người chỉ huy chuyến tàu Bến Tre 1 ra Bắc xin vũ khí cùng các thành viên Đoàn tàu Không số

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến, đối với cán bộ, chiến sỹ  Đoàn tàu Không số, tàu 645 là một trong những niềm tự hào. Và, đối với cán bộ chiến sỹ của tàu 645 thì niềm tự hào của họ lại chính là hai người lãnh đạo cao nhất của tàu. Đó là Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và Thuyền trưởng Lê Hà.

Tham gia 14 chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam, Nguyễn Văn Hiệu là một trong những cán bộ chỉ huy tàu không số đi nhiều chuyến nhất. Trong đó, 13 chuyến đầu, mặc dù phải vượt qua vô vàn thử thách, gian nan, tàu 645 đều hoàn thành nhiệm vụ trở về an toàn. Đó cũng là một kỳ tích đáng tự hào. Nhưng thật đau buồn chuyến đi thứ 14 xuất phát ngày 12 tháng 4 năm 1972 lại là chuyến cuối cùng của tàu 645! Chiến tranh là vậy. Người chiến sỹ đã chấp nhận tất cả, kể cả sự hy sinh tính mạng của mình vì nhiệm vụ cao cả.

Anh 5 phan 7  Duong HCM tren bien
Gia đình Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Hiệu (Ảnh chụp năm 1964)

Trong chuyến đi “Định mệnh” ấy, tàu 645 chở hơn 70 tấn vũ khí chi viện cho Khu 9. Hai lần đầu gặp địch bám, tàu phải quay về để bảo toàn. Lần thứ ba khởi hành là vào ngày 12/4/1972. Đi đường vòng nên mãi ngày 23/4 tàu mới đến vùng biển Phú Quốc. Sau đó gặp tàu địch, chúng phát hiện ra tàu chở vũ khí của ta. Chúng vây kín tàu 645. Ban đầu chúng dùng loa dụ hàng và bắn uy hiếp. Càng về sau địch càng bắn tàu 645 ác liệt hơn. Một số chiến sỹ ta hy sinh, tàu bị trúng đạn nhiều chỗ thủng. Nguy hiểm nữa là tàu bị đạn bắn hỏng xích lái, không điều khiển được mà cứ quay tròn. Tình thế vô cùng khó khăn và khẩn cấp. Khi đó chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã nhanh chóng hội ý lãnh đạo tàu và thống nhất để thuyền trưởng Lê Hà chỉ huy những thủy thủ còn sống nhảy xuống biển bơi vào bờ để bảo toàn lực lượng.

Riêng anh ở lại tàu chiến đấu nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của địch, tạo điều kiện cho anh em thoát hiểm và sau đó anh sẽ hủy tàu để giữ bí mật… Nhưng do nhiều anh em bị thương, lại mệt nên phải dìu nhau, thời gian bơi ra xa tàu lâu hơn. Hiểu rõ điều đó và cũng để anh em không nên chờ đợi mình dễ nguy hiểm, Nguyễn Văn Hiệu ra hiệu và quát thật to:

“Các đồng chí khẩn trương rời xa tàu. Về báo cáo với Đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin gửi tới anh em lời chào chiến thắng”. Rồi sau đó, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu cho nổ tàu, chỉ còn lại mặt biển mênh mông và niềm tiếc thương vô hạn của đồng đội đối với anh và những chiến sỹ của tàu 645 đã anh dũng hy sinh.

Đối với cựu chiến binh Đồng Xuân Chế - nguyên thuyền trưởng của Đoàn tàu Không số, tuy đã ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, nhưng ông vẫn còn khỏe và đặc biệt những kỷ niệm thiêng liêng của một thời cống hiến, hy sinh cho những con tàu không số đến được với tiền tuyến lớn miền Nam thì không hề phai mờ trong ký ức của ông.

Sinh ra ở miền quê biển Thanh Hóa, từ nhỏ ông đã gần gũi với biển nên khi trở thành người lính của Đoàn tàu không số, ông là người dày dạn với sóng gió… Ông kể, có những chuyến đi vô cùng gian nan, nguy hiểm, gặp bão lớn mà tàu lại nhỏ, oằn mình chống chọi giữa biển khơi mênh mông. Đó là vào tháng 9/1970, tàu 54 do đồng chí Hai Đặng làm Thuyền trưởng, đồng chí Hai Hiệu làm Chính trị viên, ông (Đồng Xuân Chế) và đồng chí Chử Thái Bình làm Thuyền phó, chở 70 tấn vũ khí đi Rạch Gốc (Cà Mau). Do gặp bão lớn nên việc xác định vị trí tàu vô cùng khó khăn. Cán bộ, chiến sỹ nhịn ăn nên đều rất mệt, gần như kiệt sức chống chọi với bão. Trong lúc đó, 2 vây giảm lắc của tàu đã bị sóng bẻ gẫy nên con tàu càng tròng trành như muốn chìm xuống đáy đại dương… Tình thế vô cùng nguy hiểm. Chi ủy hội ý và điện về xin chỉ thị của cấp trên; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp trả lời: “Đây là thời cơ tốt, các đồng chí cố gắng vượt qua với tinh thần chỉ có tiến công”. Và, ý chí ngoan cường của người chiến sỹ đã chiến thắng hoàn cảnh ngặt nghèo.

Còn nhiều lắm những tình huống cam go, những chuyến đi đầy hiểm nguy mà ông và đồng đội phải đối mặt. Nhưng ông và đồng đội của mình đều dũng cảm vượt qua.

Trong đội ngũ của Đoàn tàu Không số, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm là một trong những tấm gương chói sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tàu 165 do ông làm Thuyền trưởng trong chuyến đi tháng 2/1968 là chuyến thứ 8 của ông, trên tàu có 18 cán bộ chiến sỹ. Sau khi đã vượt qua sóng to gió lớn và vòng phong tỏa của địch, đêm 29/2/1968, tàu đến vùng biển Cà Mau và chuẩn bị chuyển hướng. Nhưng không may tàu đã bị địch phát hiện. Chúng tập trung hàng chục tàu chiến và máy bay phong tỏa, bắn phá nhằm chiếm tàu ta. Dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương, các chiến sĩ trên tàu đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Và, để đảm bảo bí mật, không để tàu lọt vào tay giặc, tàu 165 đã hóa thân vào biển cả mênh mông không để lại dấu vết gì…Các anh đều xứng đáng là những anh hùng.

Riêng Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm, với thành tích 8 chuyến vượt biển chở hơn 600 tấn vũ khí chi viện chiến trường miền Nam trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, năm 2005, Nguyễn Chánh Tâm đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đúng như những câu thơ ai đó đã viết về các anh:

Những ánh lửa, những đường đạn vạch trời đêm

Một cột lửa bốc lên, một tiếng nổ trùm xuống mặt biển

Con tàu và các thủy thủ đã ra đi như thế

Biển xanh đón Anh, không hình hài, không mộ chí…

Anh 6 phan 7  Duong HCM tren bien
Ông Lê Văn Nhược (bên phải) và ông Huỳnh Phước Hải những cựu chiến binh
Đoàn tàu Không số xúc  động trong giờ phút gặp lại nhau

Ông Lê Văn Nhược cũng là một chiến sỹ của tàu Không số năm xưa, đã cùng đồng đội góp phần làm nên con đường huyền thoại trên biển…Sau chuyến đi đầu tiên của ông trên con tàu mang số hiệu 132, rời bến từ Hải Phòng và cập bến tại Trà Vinh an toàn, ông đã tham gia nhiều chuyến vượt biển khác nữa chở vũ khí chi viện cho miền Nam. Với Nguyễn Văn Nhược, nhiệm vụ được giao luôn được ông đặt lên hàng đầu. Ông nói rằng: “Bước lên tàu Không số là xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào, thậm chí phải chấp nhận cảm tử, lao thẳng vào tàu địch cho nổ khi cần thiết…”. Cho nên ông và đồng đội luôn sẵn sàng tất cả để làm tròn nhiệm vụ trên giao.

Chiến tranh có biết bao chuyện đau buồn, nhưng cũng thật nhiều chuyện cảm động vô cùng. Giờ đây khi đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Nhược vẫn muốn tổ chức một đám cưới với người vợ yêu quý của mình…Chả là ngày ấy, sau chuyến đi đầu tiên chở vũ khí vào Nam thành công, ông Nhược được cấp trên cho nghỉ phép ít ngày. Do đã yêu nhau trước đó nên ông và bà quyết định tổ chức kết hôn. Nhưng chiều 13/2/1965 hai người đăng ký kết hôn thì ngày 14/2/1965, ông có lệnh triệu tập về đơn vị gấp mà chưa kịp làm đám cưới. Phải 3 năm sau ông bà mới gặp lại nhau mà cũng chỉ một ngày... Cuộc chiến đấu đầy gian nan thử thách đã không cho ông có điều kiện để tổ chức đám cưới với người vợ yêu quý của mình.

Với Đại tá Phạm Duy Tam, một người đã 7 lần truy điệu sống trước mỗi chuyến đi trên con tàu Không số vận chuyển vũ khí vào Nam. Ông kể lại: “Thường mỗi chuyến đi, đội tàu phải chuẩn bị đủ 1 tháng lương thực, thực phẩm, dầu, nước…Có một điều không thể không thực hiện là lễ truy điệu sống cho tất cả nhưng người đi làm nhiệm vụ trên các chuyến tàu không số. Mọi người gọi chúng tôi là những cảm tử quân vì mỗi lần đi không ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Sự sống và cái chết quá mong manh vì thuyền thì nhỏ mà biển cả thì bao la, đặc biệt là kẻ thù luôn tìm cách để phong tỏa và đánh phá tàu của ta; nhưng không ai sờn lòng”.

Anh 7 phan 7  Duong HCM tren bien
Đại tá Phạm Duy Tam trên đảo Trường Sa

Một trong những chuyến đi đáng nhớ của ông Phạm Duy Tam là chuyến đi trên tàu mang số hiệu 42 vào giữa tháng 8/1969. Chuyến ấy, qua hơn 10 ngày đêm vượt hơn 4500 hải lý (vì tàu phải đi vòng qua bán đảo Lôi Châu, giữa đảo Hải Nam, đến quần đảo Hoàng Sa, rồi đến hải đăng Măng Kai thuộc quần đảo Natyna của Nam Dương…), tàu đã đến được khu vực đảo Phú Quốc, rồi đảo Thổ Chu. Tới đây tàu bị máy bay trinh sát và tàu chiến của Mỹ phát hiện và bám sát…Mọi người đều vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Vì tàu vẫn ở địa phận quốc tế nên chỉ huy tàu quyết định “đường ta, ta cứ đi”… Cuối cùng, lòng kiên trì, sự mưu trí của những chiến sỹ tàu 42 đã thắng để đưa tàu cập bến an toàn.

Khi nói về Đoàn tàu Không số, về những con người quả cảm, không thể không nhắc tới Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh - người anh hùng gắn liền với cuộc chiến đấu dũng cảm của tập thể tàu 235 trên vùng biển Hòn Hèo (Khánh Hòa) vào năm 1968.

Là người con ưu tú của mảnh đất Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam, Nguyễn Phan Vinh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha và một người anh trai của ông là liệt sỹ. Bản thân Phan Vinh cũng là người sống có lý tưởng, đó là lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.

Đứng trong đội hình của Đoàn tàu Không số, Nguyễn Phan Vinh hiểu rõ trách nhiệm và những hiểm nguy của nhiệm vụ được giao. Nhưng ông không hề nản chí. Ngày 27/02/1968, tàu 235 gồm 21 cán bộ chiến sỹ (nhưng do trước khi đi, có một chiến sỹ bị viêm phổi phải ở lại nên chỉ còn 20 người) do ông làm thuyền trưởng chở 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo.

Anh 8 phan 7  Duong HCM tren bien
Đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa) mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh

Tối 29/2, khi tàu đến vùng biển Nha Trang, chuyển hướng vào bờ thì bị  địch phát hiện. Chúng liền huy động 7 tàu các loại bao vây, uy hiếp với ý định bắt sống tàu 235. Thuyền trưởng Phan Vinh đã khôn khéo và dũng cảm chỉ huy tàu luồn lách vượt qua đội hình tàu địch đến được bến Ninh Phước. Ông quyết định cho thả hàng xuống biển để quân dân ta ở đó vớt sau. Nhưng sau đó tàu địch cũng khép chặt vòng vây. Thuyền trưởng Phan Vinh cho tàu chạy ra xa chỗ thả hàng để che  mắt địch. Địch đuổi theo nã đạn, còn gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc két dữ dội. Cán bộ, chiến sỹ tàu 235, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Phan Vinh, đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy một tàu địch… Nhưng do địch có ưu thế hơn hẳn về lực lượng nên tàu 235 phải vừa chiến đấu vừa tìm cách phá vòng vây. Nhưng giữa lúc đó tàu lại bị hỏng nên không thể điều khiển theo ý định được. Phan Vinh cố gắng di chuyển tàu vào gần bờ để tổ chức đưa những đồng đội đã hy sinh và bị thương vào bờ. Sau đó ra lệnh cài kíp nổ để hủy tàu, không để tàu rơi vào tay địch.

Sau khi rời tàu, Nguyễn Phan Vinh cùng những đồng chí còn sống tiếp tục chiến đấu vô cùng anh dũng, đến viên đạn cuối cùng, hơi thở cuối cùng. Nguyễn Phan Vinh đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức ấy. Cuối cùng chỉ còn 5 người, ai cũng thương tích đầy mình…

Năm 1970, Nguyễn Phan Vinh đã được Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã mang tên ông - Đảo Phan Vinh.

Ngày ấy, trên những con tàu Không số vượt biển vào Nam, có một người con của quê hương Nam Định vô cùng quả cảm, ngoan cường, được mệnh danh là La Văn Cầu trên biển. Đó là chiến sỹ Phan Hải Hồ.

Là một chiến sỹ báo vụ trên tàu Không số mang mật danh 69, Phan Hải Hồ đã tham gia 3 chuyến chở vũ khí vào Nam đến bờ, đến bến. Cho tới ngày 15/4/1966, tàu 69 thực hiện chuyến tiếp theo chở 72 tấn vũ khí đến Vàm Lũng (Cà Mau). Và, tối 23/4/1966 tàu đến bến, ai cũng đều vui mừng.

Sau khi bốc dỡ hàng xong thì phát hiện chân vịt của tàu bị hỏng nên tàu không thể rời bến ngay được. Mãi tới đêm 31/12/1966 tàu 69 mới rời bến để tiếp tục trở về Bắc. Nhưng khi tàu ra cách bờ khoảng 5km thì phát hiện có tàu cao tốc của địch đuổi theo. Bị lộ, không còn cách nào khác là phải chiến đấu. Ngay từ đầu các chiến sỹ tàu 69 đã bắn cháy chiếc tàu cao tốc đầu tiên của địch. Nhưng rồi địch huy động nhiều tàu chiến và máy bay đến truy đuổi tàu ta. Cuộc chiến đấu không cân sức và vô cùng ác liệt đã diễn ra. Không một ai chịu rời vị trí chiến đấu, tất cả đều bám tàu đến cùng…Cùng đồng đội chiến đấu vô cùng quyết liệt, Phan Hải Hồ bị thương, xương chân ông bị dập nát, chỉ còn lớp da dính ngoài, máu chảy lênh láng, nhưng ông vẫn ôm súng bắn trả địch… Thấy thuyền phó Nguyễn Hấn đi tới, anh nói luôn: “Anh giúp tôi chặt cái chân này, để vướng quá… Khó chiến đấu!”.

Trước đó ông cũng đã nhờ y tá Đỗ Duy Huyễn cắt chân, nhưng vì thương đồng đội nên anh Huyễn không nỡ làm. Nhưng trước đề nghị tha thiết của Phan Hải Hồ, thuyền trưởng đã phải quyết định cho cắt chân của ông và cuộc “phẫu thuật” ấy được thực hiện bằng một con dao làm bếp của tàu! Mặc dù vậy, Phan Hải Hồ vẫn cắn răng chịu đựng và vẫn tiếp tục chiến đấu.

Cảm phục người đồng đội của mình, chính trị viên tàu 69 Tăng Văn Huyễn đã nói rất lớn trước mọi người: “Nhân danh Bí thư Chi bộ, tôi tuyên bố từ giờ phút này, đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng. Các đồng chí, hãy bắn mạnh nữa trả thù cho đồng chí Dĩ (đã hy sinh trước đó); hãy chiến đấu dũng cảm như đồng chí Phan Hải Hồ!”.

Tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng của cán bộ chiến sỹ tàu 69, của Phan Hải Hồ, kỳ diệu thay, đã chiến thắng hỏa lực gấp bội của kẻ địch và đưa được con tàu vượt qua bão đạn của địch lọt vào cửa Vàm Lũng…Tới lúc đó, Phan Hải Hồ mới gục xuống trong vòng tay yêu thương và cảm phục của đồng đội vì bị mất nhiều máu và đã quá kiệt sức. Tấm gương chiến đấu quả cảm của Phan Hải Hồ là niềm tự hào của những cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu Không số năm xưa, để lại sự khâm phục cho mọi người chúng ta.

Bí thư Chi bộ Đặng Văn Thanh là một trong 2 người đầu tiên của Đoàn tàu không số được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông quê ở Cà Ná (Phan Thiết); hoạt động cách mạng từ rất sớm. Theo sự phân công của  tổ chức, ông đi đường bộ ra miền Bắc. Một thời gian sau ông được bổ sung về Đoàn 759, trực tiếp tham gia chở nhiều chuyến hàng vào miền Nam… Nhưng, đáng nhớ nhất là chuyến đi của tàu 41 mà với Đặng Văn Thanh, đó là chuyến thứ 9, xuất bến đêm 26/9/1963 từ cảng Bính Động (Thủy Nguyên - Hải Phòng), chở 18 tấn vũ khí vào Bà Rịa. Đây là chuyến đi rất quan trọng, vì có tính chất mở đường mới, vào bến mới. Đặng Văn Thanh là chính tri viên trên chuyến tàu này (Thuyền trưởng là ông Bông Văn Dĩa). Tổng số có 12 cán bộ chiến sỹ, đều được tuyển chọn kỹ càng…

Anh 9 phan 7  Duong HCM tren bien
Một tàu Không số trên đường chở vũ khí vào Nam

Do tầm quan trọng của chuyến đi nên để nghi binh, khi tàu ra khỏi phao số “O”, liền rẽ ngược lên phía Bắc như thể đi Trung Quốc lấy hàng. Đến Giáp Khẩu được 2 ngày thì có tin bão đến và tàu 41 liền nhổ neo, lợi dụng thời tiết xấu để tránh tàu địch…Chuyến đi vô cùng vất vả, đến nồi cháo cũng không nấu nổi để ăn. Mãi 30/9/1963 tàu mới tới ngang đảo Phú Quý, là nơi theo kế hoạch, tàu sẽ đi vào hải phận miền Nam. Đây là lúc quyết định nhất trong chuyến đi, phải tính toán sao cho kịp vào bến trước lúc trời sáng, tránh bị lộ…

Khi tàu vào gần đến bến, mặc dù đã có lực lượng chờ sẵn để bốc hàng, nhưng tàu đi được một đoạn thì bị mắc cạn do thủy triều rút. Phía trước mặt cách đó không xa lại là đồn địch, điện vẫn sáng trưng. Tình hình trở nên nguy hiểm vì đã mấy hôm rồi địch huy động lực lượng chuẩn bị càn trong vùng. Ban chỉ huy bến đề nghị cho nổ hủy tàu. Nếu vậy thì chuyến đi mở đường, mở bến vào Bà Rịa thất bại ? Lúc đó trời cũng sắp sáng rồi, Bí thư chi bộ Đặng Văn Thanh cho chi bộ họp khẩn cấp và sau khi bàn bạc đã quyết định không hủy tàu. Bởi tàu chưa bị lộ mà cho nổ tàu khác gì đánh động cho địch biết và như vậy thì con đường vào Bà Rịa khó có cơ thực hiện.

Ba giờ sáng tổ chức bốc hàng, gần sáng phải dừng lại mặc dù hàng vẫn còn. Anh em lên bờ hết để nếu địch có hành động gì sẽ phối hợp cùng địa phương chiến đấu. Chỉ còn Bí thư chi bộ Đặng Văn Thanh và thợ máy Huỳnh Văn Sao ở lại tàu để sẵn sàng hủy tàu khi cần thiết.

…Thời gian chậm chạp trôi đi. Gần trưa xuất hiện một máy bay trinh sát của địch. Tới chỗ con tàu mắc cạn, nó nghiêng cánh đảo một vòng… Mặc dù rất lo nếu bị lộ thì nhiệm vụ mở bến không hoàn thành, nhưng hai người vẫn bình tĩnh duy trì sinh hoạt bình thường như những người dân chài ở đó. Một lúc sau, chiếc trinh sát bay đi - Đặng Văn Thanh thở phào.

Nhưng rồi lại có tiếng máy bay. Hai chiếc khu trục lao tới, rồi cùng sà thấp xuống như định ném bom hay bắn phá tàu ? Nhưng vẫn chưa. Chắc là trò “Mèo vờn chuột” đây! Anh nghĩ vậy rồi nói với người thợ máy: “Chú cứ ngồi vá lưới bình thường. Đừng tỏ ra hốt hoảng”. Hai người cùng thi gan với địch.

Trong khi đó, người của bến lại ra giục hủy tàu vì cho là đã bị lộ. Nhưng Đặng Văn Thanh không đồng ý vì anh nghĩ nếu lộ thì địch đã hành động rồi… Lại thấp thỏm chờ đợi. Khoảng 13 giờ, thủy triều lên, tàu nổi dần. Thợ máy Huỳnh Văn Sao cho nổ máy, Đặng Văn Thanh điều khiển tàu dần ra khỏi bãi cạn và lẫn vào những con tàu đánh cá của đồng bào…Vậy là chuyến mở đường, mở bến của tàu 41 thành công. Chính trị viên Đặng Văn Thanh và thợ máy Huỳnh Văn Sao đã nêu một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sự bình tĩnh, mưu trí trong tình huống khó khăn, không chỉ giữ được tàu mà quan trọng hơn là mở được bến mới ở miền Đông Nam Bô.

Kể về những con người, những chiến sỹ Đoàn tàu Không số năm xưa quả thật không dễ mà nói cho đầy đủ được những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của họ. Mỗi người mỗi vẻ, nhưng họ đều giống nhau ở chỗ: sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ bí mật của tuyến đường. Phẩm chất cách mạng cao quý ấy là nhân tố làm nên Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chính trị viên Đoàn tàu Không số Hồ Đức Thắng thuộc lớp người đầu tiên tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ông là một trong 6 người đồng thời là thuyền trưởng của chiếc thuyền được tỉnh Trà Vinh cử ra Bắc liên lạc xin vũ khí (tháng 6 năm 1961 )…Qua bao gian khổ, vượt vô vàn sóng gió, chuyến tàu đã ra Bắc thành công.

Ông tham gia chở vũ khí vào Nam chuyến đầu tiên là vào đầu năm 1962 với chức vụ là Chính trị viên tàu mang số hiệu 55 trọng tải 55 tấn. Đến đầu năm 1966, Hồ Đức Thắng đã tham gia vận chuyển được 16 chuyến vào Nam. Trong đó có nhiều chuyến tàu của ông phải chiến đấu với tàu chiến và máy bay địch; thậm chí có chuyến phải hủy tàu để bảo vệ bí mật, còn người thì nhảy xuống biển tìm cách vào bờ, trở về đơn vị tiếp tục đi chuyến khác…

Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1967).

Nói đến Tàu Không số là nói đến ý chí, sự quả cảm, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của tập thể cán bộ chiến sỹ trên các con tàu. Mỗi chuyến đi, giữa biển cả mênh mông, lại thường xuyên phải đối mặt với sự phong tỏa gắt gao của địch, nhưng các chiến sỹ không hề nản chí, luôn sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Dịp Tết Mậu Thân -1968, cùng lúc có 4 tàu xuất bến chở vũ khí chi viện cho chiến trường; đó là tàu 43 do đồng chí Nguyễn Đắc Thắng làm Thuyền trưởng, đồng chí Trần Ngọc Tuấn làm Chính trị viên; tàu 165 do đồng chí Nguyễn Chánh Tâm làm Thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương làm Chính trị viên; tàu 235 do đồng chí Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Tương làm Chính trị viên và tàu 56 do đồng chí Nguyễn Văn Ba làm Thuyền trưởng và đồng chí Đỗ Văn Sạn làm Chính tri viên. Đợt đấy, cả 4 tàu đều bị địch tập trung vây ráp. Trong đó, 3 tàu phải chọn phương án hủy tàu rồi chiến đấu không cân sức với địch. Chỉ còn tàu 56 là không bị hủy và về được bến.

Ông Trần Ngọc Tuấn, nguyên là Chính trị viên tàu 43 trong chuyến đi vừa nói ở trên, đã kể về cuộc chiến đấu vô cùng quả cảm ấy của cán bộ, chiến sỹ trên tàu: Lần ấy, tàu 43 gồm 17 thủy thủ chở 37 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi). Tàu xuất bến ngày 27/2/1968. Trên đường vận chuyển, tàu 43 đã bị địch phát hiện và đêm 1/3/1968 khi tàu đã đến gần khu vực đổ hàng thì địch đã tập trung rất nhiều tàu chiến bao vây rồi chúng tập trung bắn phá vào tàu 43. Sau đó địch tập trung tới 8 tàu chiến dàn hàng ngang tấn công. Tình thế hết sức nguy hiểm, nhưng cán bộ chiến sỹ trên tàu vẫn bình tĩnh đối phó với địch. Chờ cho chúng vào thật gần, chỉ huy tàu 43 mới bất ngờ cho nổ súng và ngay loạt đạn đầu đã bắn chìm một tàu cao tốc của địch. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt hơn. Các chiến sỹ tàu 43 còn bắn cháy một máy bay trực thăng của địch. Nhưng do hỏa lực địch rất mạnh, áp đảo bằng số đông nên vừa ngoan cường chiến đấu, tàu ta vừa phải tìm cách di chuyển tàu vào gần bến. Đã có một số đồng chí hy sinh và bị thương… Cuối cùng, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn là người ở lại chỉ huy đánh bộc phá hủy tàu, còn các anh em khác bơi vào bờ để sẵn sàng tiếp tục chiến đấu. Và, khi đã kiểm tra từng vị trí điểm hỏa xong, tốp đánh bộc phá mới đồng loạt lao xuống biển bơi vào bờ.

Anh 10 phan 7  Duong HCM tren bien
Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn (thứ 4 từ trái sang, hàng đứng) cùng đồng đội trên tàu 43 trước lúc đi chiến dịch Ảnh: TL Mậu Thân 1968

Nhớ về chuyến đi lịch sử đó, ông Trần Ngọc Tuấn xúc động kể lại: Ba đồng chí đã anh dũng hy sinh. Mười bốn người còn lại đều bị thương nặng, nhưng vẫn cố dìu nhau bơi vào bờ và rồi đều ngất xỉu. Khi mọi người tỉnh lại thì đều đã được bà con ở xã Phổ Hiệp đưa vào các hầm bí mật chăm sóc, che chở. Đến ngày thứ ba, khi tình hình đã tạm yên, đồng bào mới đưa các chiến sỹ lên Bệnh xá Đức Phổ và được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng các cán bộ y tế tại đây hết lòng chăm sóc, chữa trị.

Đó cũng là những kỷ niệm mãi khắc ghi trong ký ức của những chiến sỹ Đoàn tàu Không số…

Gian nan, ác liệt và nguy hiểm như vậy, nhưng tất cả đều quyết tâm thực hiện nhiệm vụ lớn lao, vì miền Nam ruột thịt. Hơn ở đâu hết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã hiện hữu cụ thể, bằng hành động cụ thể, bằng xương, bằng thịt của mỗi chiến sỹ trong Đoàn tàu Không số năm nào.

Như đã nói ở trên, trong lần “ra quân” đáng nhớ của 4 chiếc tàu Không số chở vũ khí vào miền trung ấy, chỉ còn tàu 56 là không phải hủy tàu. Còn tàu 165 đã chiến đấu quyết liệt với hàng chục tàu địch đến người cuối cùng và hủy tàu không để rơi vào tay địch. Tàu 235 cũng vậy, đã chiến đấu vô cùng anh dũng, hy sinh 14 cán bộ chiến sỹ và cũng hủy tàu.

Ngay việc tàu 56 thoát ra khỏi sự bao vây, uy hiếp của địch cũng nhờ cán  bộ chiến sỹ trên tàu gan dạ, mưu trí và trên dưới một lòng, đặc biệt là ý chí ngoan cường và sự sáng suốt của chính trị viên Đỗ Văn Sạn. Mới đây, ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh 11 phan 7  Duong HCM tren bien

 

Trong số những thuyền trưởng đầu tiên của Hải quân nói chung và của Đoàn tàu Không số nói riêng, có Hồ Đắc Thạnh. Ông đã tham gia 12 chuyến chở vũ khí vào Nam cập các bến ở Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Quảng Ngãi và Phú Yên; đã cùng đồng đội vượt qua biết bao gian khổ, hiểm nguy để chi viện cho miền Nam.

Nhưng đối với Hồ Đắc Thạnh, hạnh phúc lớn nhất, kỷ niệm sâu sắc nhất chính là 3 chuyến trực tiếp tham gia chở vũ khí về quê hương Phú Yên của ông. Nhất là chuyến đi vào dịp tết Ất Tỵ - cuối 1964, đầu 1965. Khi đó, vào đúng đêm giao thừa, tàu 41 của ông cập bến Vũng Rô. Khỏi phải nói niềm vui hạnh phúc lớn như thế nào! Mọi người tổ chức liên hoan đón tết vui vẻ. Giữa lúc đó, cô gái dân quân Nguyễn Thị Tản nhẹ nhàng đến bên thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh trao một nắm đất được bọc trong một chiếc khăn mùi xoa còn mới và nói: “Em xin gửi một nắm đất Phú Yên theo tàu các anh đi ra Bắc. Xin hứa với các anh, với Đảng và Bác Hồ, dù mảnh đất này bom cày đạn xới nhiều lần, nhưng chúng em vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng vì đã có vũ khí của Đảng, của Bác từ miền Bắc chi viện”. Không chỉ ông Hồ Đắc Thạnh mà tất cả cán bộ chiến sỹ tàu 41 hôm đó đều vô cùng xúc động… Kỷ niệm đó đã theo suốt cuộc đời chiến sỹ của ông. Sau hòa bình, nhiều đồng đội, đồng chí từng chiến đấu cùng ông muốn làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng ông danh hiệu anh hùng, ông đã cảm ơn và nói rằng: Muốn dành danh hiệu đó để tặng các liệt sỹ đã hy sinh trên con đường huyền thoại…Nói đến đi biển là nói đến vất vả, gian nan và nguy hiểm. Bình thường đã vậy, đi biển trong điều kiện của các chiến sỹ tàu không số thì còn khó khăn, nguy hiểm gấp bội phần; bởi không chỉ các anh phải đi vào những lúc sóng to gió cả, mà còn thường xuyên phải đối phó với sự uy hiếp của địch, nhiều khi phải chiến đấu một mất một còn với chúng giữa biển khơi mênh mông mà sự sống thật mỏng manh.

Còn nhiều lắm những con người, những cán bộ, chiến sỹ của Đoàn tàu Không số mà “số phận” của họ đã gắn liền với những trang sử hào hùng của “Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc vốn là người gan dạ, không nề hà trong mọi việc. Có lần anh chỉ huy đưa tàu vào Bến Tre, gặp địch phong tỏa buộc các chiến sỹ phải chiến đấu. Anh chỉ huy anh em chiến đấu đến cùng. Đến lúc tình thế nguy nan, không để tàu rơi vào tay giặc, anh đã tự mình cài bộc phá hủy tàu. Trận đó, 10 chiến sỹ đã phải hy sinh, anh bị thương cụt mất một chân.

Rồi Chính trị viên Trần Quốc Tuấn, người có khá nhiều chuyến chở vũ khí vào Tây Nam Bộ, vào Quảng Ngãi…trên các tàu mang mật số khác nhau như tàu 43, tàu 56…Có lần gặp địch phải chiến đấu và hủy tàu, nhưng ý chí không lúc nào giảm sút. Trong những lần chở vũ khí vào Nam, chuyến đi phục vụ Tổng tấn công tết Mậu Thân của tàu 43 có lẽ là chuyến đi anh nhớ nhiều nhất. Tàu vào gần khu vực dỡ hàng ở Đức Phổ - Quảng Ngãi thì bị địch phát hiện và tấn công, chúng bắn như vãi đạn. Mặc dù tàu 43 đã khôn khéo chạy vào bến, nhưng do địch rất đông, nếu chần chừ sẽ tổn thất hơn và mất tàu vào tay địch. Vì vậy, các anh đã quyết định để thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đưa thương binh lên bờ, Anh ở lại tàu chỉ huy cài thuốc nổ phá tàu. Nhưng không chỉ có vậy, chờ cho một số tàu địch vào gần tàu ta, anh cho điểm hỏa - Một tiếng nổ lớn khiến con tàu biến mất và cả mấy chiếc hải thuyền của địch gần đó cũng tan luôn. Sau chuyến đó, các anh đã phải đi xuyên Trường Sơn ra Bắc về đơn vị.

…Trong phần viết này, Ban biên tập quả thật không dám tham vọng và có muốn cũng không dễ gì thực hiện được việc viết đầy đủ về các chiến sỹ anh hùng của Đoàn tàu Không số năm xưa. Một vài gương mặt kể trong trang sách trang trọng này chỉ là một số ít mang tính đại diện cho hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ của Đoàn đã chiến đấu, hy sinh và chiến thắng trên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Với họ, ai cũng xứng đáng là anh hùng!

Những chiến sỹ quả cảm của Đoàn tàu Không số năm xưa - cũng như Đoàn 25 sau này - đã để lại cho người đời, cho các thế hệ người Việt Nam sự biết ơn, niềm cảm phục và những bài học quý giá về ý chí, về khát vọng độc lập tự do và về phẩm giá con người.

 Kim Yến (st)
Còn nữa

Bài viết khác: