1. Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân
Thưa các đồng chí,
Tất cả các đồng chí đều đã nói về tình hình của nông dân trong đất nước các đồng chí. Tôi sẽ không làm tròn bổn phậncủa tôi nếu có được quyền đến đây với các đồng chí mà tôi lại không nói một đôi lời về tình cảnh của nông dân tại đất nước tôi.
Để minh họa với các đồng chí tình cảnh của nông dân Đông Dương, tôi phải đưa ra một sự so sánh: Một bên là người nông dân Nga và một bên nữa là người nông dân Đông Dương. Nông dân Nga giống như một người ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành, còn nông dân An Nam lại giống như một người bị trói vào một chiếc cột, đầu ngược xuống đất. Nói thế không phải là nói phóng đại đâu, sau đây các đồng chí sẽ thấy rõ. Khi các đồng chí đi qua Hồng trường, các đồng chí thấy có khắc một dòng chữ "Nhà thờ là thuốc phiện của thế giới"; nhưng chúng tôi, nhờ nền văn minh phương Tây mà chúng tôi có cả nhà thờ lẫn thuốc phiện.
Về thuốc phiện, tôi sẽ xin chỉ kể lại với các đồng chí rằng mỗi năm chính quyền Pháp ở thuộc địa đã bán cho dân An Nam gồm 20 triệu người, trên 400 triệu đôla thuốc phiện. Và mặt khác, người ta đã tính ra rằng cứ 1.000 ty bán rượu và thuốc phiện thì không có được lấy 10 trường học. Đấy là những sự thật.
Bây giờ, tôi xin nói vắn tắt với các đồng chí về chuyện nhà thờ.
Tôi đã nói với các đồng chí rằng những tên thực dân đã tước đoạt người An Nam như thế nào. Bây giờ, tôi xin nói để các đồng chí biết nhà thờ Kitô đã tước đoạt nông dân như thế nào.
Trong cuộc xâm chiếm Đông Dương thì chính những nhà truyền đạo Thiên chúa đã đi do thám để báo cho đội quân chiếm đóng biết những kế hoạch phòng thủ của nước chúng tôi. Cũng chính những nhà truyền đạo đã dẫn đường những đội quân tấn công, cũng chính lại là những nhà truyền đạo đã lợi dụng tình trạng lộn xộn của đất nước để ăn cắp những văn bản chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân này nọ hay của một làng nào đó. Khi hòa bình được lập lại, nông dân trở về thì tất cả ruộng đất đều đã bị các nhà truyền đạo nắm được các văn bản nói trên, chiếm mất. Chính bằng cách đó, mà ở Nam Kỳ những nhà truyền đạo Thiên chúa có được trên một phần tư những đất đai cày cấy được. Ở Campuchia, các nhà truyền đạo nắm trên một phần ba ruộng đất; ở Bắc Kỳ, chỉ riêng ở thủ phủ, trong thành phố Hà Nội, các nhà truyền đạo có những bất động sản rộng bao la.
Họ có được của cải và chiếm hữu ruộng đất của nông dân không phải chỉ bằng cách đó. Các đồng chí đều biết rằng trong các nước ven biển, nhất là trong những nước ở Viễn Đông, thường xảy ra giông bão và lụt lội làm cho mùa màng thất bát; các nhà truyền đạo lợi dụng những dịp đó để ứng trước tiền cho nông dân với những tỷ suất lãi rất nặng và một thời hạn rất ngắn. Biết rõ ràng làm như vậy thì nông dân không bao giờ có thể trả nợ được, nên các nhà truyền đạo đòi nông dân phải đem ruộng đất ra bảo đảm. Thế là khi đến thời hạn trả nợ, thì toàn bộ ruộng đất của nông dân đều rơi vào tay các nhà truyền đạo.
Các đồng chí đã thấy bọn thực dân bóc lột nông dân như thế nào và các giáo sĩ tước đoạt nông dân như thế nào.
Bây giờ, còn có những kẻ bóc lột khác nữa, chẳng hạn như nhà nước. Dù mùa màng có xấu đến mức nào đi nữa, nông dân An Nam vẫn cứ phải đóng thuế; để đóng được thuế, nông dân phải bán mùa màng của mình đi; để khỏi bị bỏ tù (hễ đóng thuế chậm là họ bị bỏ tù), họ phải bán non mùa màng của họ, nghĩa là bán trước khi gặt; họ bán cho bọn lái buôn theo cách ước lượng bằng mắt. Bằng cách đó bọn lái buôn mua được lúa trước khi gặt bằng một giá rất rẻ và sau đó đem bán lại rất đắt. Như vậy là người nông dân An Nam không phải chỉ bị trói vào một chiếc cột như tôi đã trình bày với các đồng chí, mà họ bị đóng đinh câu rút bởi bốn thế lực liên hợp là: Nhà nước, tên thực dân, nhà thờ và tên lái buôn.
Chắc là các đồng chí sẽ hỏi rằng tại sao nông dân An Nam không tổ chức nhau lại, không làm như các đồng chí là thành lập hợp tác xã. Chỉ là vì họ không có thể làm như vậy được.
Tôi phải nói với các đồng chí rằng chúng tôi bị cai trị bởi một chế độ nô lệ. Chúng tôi không được quyền xuất bản báo. Chúng tôi không được quyền tự do đi lại; chẳng hạn như chúng tôi không thể đi từ Mátxcơva đến Pêtơrôgrát được, chúng tôi phải xin được một tờ giấy thông hành, nếu không họ sẽ bắt giữ và ném chúng tôi vào tù. Cũng vậy, chúng tôi không được quyền hội họp nghĩa là chúng tôi không được quyền họp với nhau trên 4 hoặc 5 người nếu không có một giấy phép đặc biệt của cơ quan cai trị Pháp.
Tôi cũng xin nhắc lại rằng các đồng chí đã lên tiếng chống chiến tranh, đòi hòa bình; các đồng chí đã nói đến một chính quyền vô sản và việc lật đổ chủ nghĩa tư bản. Nhưng tất cả những điều các đồng chí nói ở đây sẽ trở thành vô ích, nếu các đồng chí quên mất cái yếu tố quân phiệt thực dân. Các đồng chí đều biết những sự kiện. Trong chiến tranh thế giới, chỉ riêng ở nước Pháp, người ta đã đưa từ các thuộc địa về gần một triệu người bản xứ để tham gia chiến tranh. Trong những năm 1916 - 1917, người ta đã chở về 2 tỷ tấn ngũ cốc, trong khi những dân bản xứ ở châu Phi và ở Đông Dương đang chết đói.
Thưa các đồng chí, để kết thúc, tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa lànhững người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí (vỗ tay).
(Phát biểu chiều 13-10-1923, bản chụp lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).
2. Chuẩn bị Thu đông cho nhân dân và bộ đội
...
3. Phải tiết kiệm gạo
Mùa lúa vừa rồi hơi kém. Năm nay lại hai tháng 7. Ngô, khoai, sắn năm nay cũng không nhiều. Thế là lương thực sẽ eo hẹp.
Vậy chúng ta phải tiết kiệm, để nhân dân và bộ đội đủ ăn đến mùa sau.
Nếu ta ăn tiêu bừa bãi, thì chắc thiếu.
Nếu nhân dân thiếu ăn, thì không làm việc được, bộ đội thiếu ăn thì không đánh giặc được.
4. Tiết kiệm thế nào?
- Không phí phạm một hột gạo, hột ngô. Không phí phạm một củ khoai, củ sắn.
- Phải ăn một phần cơm, một phần ngô, khoai, sắn. Hoặc vài bữa cơm, một bữa ngô, khoai.
- Chớ nấu rượu bằng gạo. Chớ đám tiệc ăn chơi. Cất giấu phải cẩn thận, chớ để hư hỏng.
- Mỗi nhà phải tự hạn chế việc ăn tiêu. Nếu cần thì ăn bữa cơm, bữa cháo.
Trung du có chiến sự, thì nhân dân Việt Bắc lại phải tiết kiệm hơn nữa.
5. Lo làm mùa sau
Ngay bây giờ phải lo làm mùa sau cho đủ ăn.
Việt Bắc đất rộng, nhưng vì làm ít, cho nên thu hoạch không được nhiều. Vậy chúng ta phải thi đua làm nhiều hơn để cho nhân dân và bộ đội đủ ăn. Bao nhiêu ruộng, rẫy, vườn, phải làm hết, chớ bỏ hoang đất nào.
- Trai, gái, già, trẻ đều phải làm. Chớ ngồi ăn không.
- Phải tổ chức cách đổi công, làm chung. Cách ấy đã lợi công, lại được việc hơn.
- Phải cố gắng chăn nuôi gà vịt, lợn, bò.
- Làm chỗ nào, làm cái gì, thì phải làm thật kỹ, phải săn sóc luôn luôn.
6. Không để một hột gạo cho giặc
Ta đã thiếu thốn, nếu lại để mất một hột gạo cho giặc, tức là có tội với đồng bào, với bộ đội.
Vậy ở vùng tạm bị giặc chiếm, nhân dân ta phải:
- Làm vườn không nhà trống hẳn hoi.
Lương thực phải cất giấu rất kín đáo, rất bí mật. Nếu cần, thì gửi Chính phủ cất giữ giùm.
- Cấm bán lương thực cho giặc, cho bọn buôn lậu.
Vùng gần mặt trận, thì phải chuẩn bị sẵn sàng làm vườn không nhà trống. Chỉ để trong nhà vừa ăn hàng ngày thôi.
Vùng ở xa mặt trận, cũng phải chuẩn bị làm vườn không nhà trống, vì giặc có thể nhảy dù bất thình lình.
Đó là những điều phải làm ngay để cho nhân dân và bộ đội đủ ăn trong mùa thu đông sau này.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5)
3. Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm
Năm 1951, Chính phủ đã nêu cao công tác kinh tế tài chính, đặc biệt là công tác thuế nông nghiệp, coi đó là công tác trung tâm của Chính phủ. Nhờ đó mà năm nay, Chính phủ đặt được kế hoạch sản xuất và tiết kiệm.
Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi. Cho nên, ở vùng tự do, thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là công tác trung tâm của nhân dân, của Chính phủ và của Đoàn thể. Ở vùng du kích và căn cứ du kích, đó là một công tác rất quan trọng.
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, chúng ta phải gây một phong trào quần chúng sâu rộng và bền bỉ. Phải tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân hăng hái tham gia công việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi gia đình đều nên ký giao kèo thi đua thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm riêng của mình để hoàn thành kế hoạch chung của Chính phủ.
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, các cơ quan, bộ đội, nhà máy, trường học, v.v.. phải chống nạn tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của, sức lực và thời giờ của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí.
Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, để làm cho dân giàu, nước mạnh. Có như thế nhân dân mới càng thấy Chính phủ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, Chính phủ là Chính phủ của nhân dân. Như thế, nhân dân sẽ càng hăng hái đoàn kết và kháng chiến.
Cán bộ kinh tế và tài chính, cán bộ nông hội và công đoàn là những chiến sĩ phải xung phong trên mặt trận sản xuất và tiết kiệm. Cán bộ các ngành khác cần phối hợp chặt chẽ công tác của mình với công tác sản xuất và tiết kiệm.
Khẩu hiệu chung của chúng ta là:
- Bộ đội thi đua diệt giặc lập công,
- Nhân dân thi đua sản xuất, tiết kiệm.
Bộ đội ta đã liên tiếp chiến đấu bền bỉ suốt 3 tháng ở chiến trường Hòa Bình và khắp nơi, và đã thắng to. Đồng bào và cán bộ ta phải thi đua với bộ đội, phải ra sức thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm để bồi dưỡng và tích trữ lực lượng cho quân và dân ta đánh thắng hơn nữa, đánh thắng hơn mãi, cho đến ngày kháng chiến thắng lợi hoàn toàn.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 50, ngày 20-3-1952).
4. Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt
Hỡi đồng bào yêu quý,
Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói "thủy, hỏa, đạo, tặc". Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm. Chính phủ đã cố gắng săn sóc đê điều. Như thế cũng chưa đủ. Toàn thể đồng bào phải hăng hái giúp Chính phủ trong công việc hộ đê cũng như đang giúp Chính phủ trong công việc kháng chiến.
Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình.
"Lụt thì lút cả làng,
Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo".
Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê.
Hễ chỗ nào sạt thì phải dồn tất cả lực lượng đến đó mà sửa chữa ngay. Làng này phải giúp làng khác. Vùng này phải giúp vùng khác.
Mỗi nhà lại cần đan thuyền và bắc sàn ngay. Chớ để nước đến chân mới nhảy.
Các bộ đội, dân quân, tự vệ phải cố gắng giúp đồng bào những công việc đó. Các Ủy ban Kháng chiến, Ủy ban Hành chính, các đoàn thể phải phụ trách tuyên truyền, cổ động, khuyên bảo, nhắc nhủ đồng bào làm những công việc đó.
Các anh em nhân viên Công chánh phải hăng hái chịu khó, thiết thực hợp tác với các cơ quan, các đoàn thể để bày vẽ và kiểm soát những công việc đó. Nơi nào làm những việc đó xong trước hết, chu đáo hơn hết, thì các cơ quan địa phương phải lập tức báo cáo lên, Chính phủ sẽ có khen thưởng.
Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5)
5. 6 điều không nên và 6 điều nên làm
Nước lấy dân làm gốc.
Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân, vậy tất cả anh chị em các bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể, trong khi tiếp xúc hoặc sống chung với nhân dân, ai ai cũng phải nhớ và thực hành 12 điều sau đây:
6 điều không nên:
1. Không nên làm điều gì có thể thiệt đến nương vườn, hoa màu, hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân.
2. Không nên năn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn.
3. Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược.
4. Không bao giờ sai lời hứa.
5. Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà).
6. Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ.
6 điều nên làm:
1. Giúp công việc thực tế hàng ngày cho đồng bào (như việc gặt hái, lấy củi, nước, vá may, v.v.).
2. Tùy khả năng mà mua giùm những đồ cần dùng cho những người ở xa chợ búa (như dao, muối, kim, chỉ, bút, giấy, v.v.).
3. Nhân những lúc rảnh, kể cho đồng bào nghe những chuyện vui ngắn, giản dị có ích lợi cho tinh thần kháng chiến mà không lộ bí mật.
4. Dạy dân chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức.
5. Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín.
6. Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật.
Bài thơ cổ động
Mười hai điều trên,
Ai làm chả được.
Hễ người yêu nước,
Nhất quyết không quên.
Tập thành thói quen,
Muôn người như một.
Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5)
Tâm Trang (tổng hợp)