Chỉ mục bài viết

 33. Chế độ thực dân

Không phải chỉ có những người cộng sản mới nổi lên chống lại sự bóc lột thuộc địa một cách quá mức. Báo chí và các diễn giả tư sản cũng phản đối sự khắc nghiệt mà người bản xứ phải chịu đựng; phản đối sự vô sỉ luôn bao trùm bộ máy cai trị thuộc địa; phản đối tình trạng thiếu hẳn một chính sách thuộc địa nghiêm chỉnh. Vì vậy, chúng tôi đã gặp gỡ các địch thủ giai cấp của chúng tôi để đưa ra những phản đối tương tự. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẽ chia tay họ ngay khi đề cập đến cách giải quyết vấn đề.

Những người cộng sản đòi hỏi chấm dứt bóc lột thuộc địa, một bộ phận của bóc lột tư bản nói chung. Các nhà tư sản thì chỉ nghĩ đến việc tăng cường hệ thống thuộc địa để khai thác lợi nhuận cao hơn, để tăng cường sự cưỡng đoạt. Dĩ nhiên chính quyền lợi của họ, hoặc là một thứ tình cảm nhân đạo mập mờ nào đó đôi khi đã thúc đẩy họ lên tiếng yêu cầu làm dịu bớt số phận người bản xứ. Nhà bình luận của tờ Oeuvre lấy làm tiếc là người ta chỉ nhìn nhận những người da đen như một thứ nhân lực mà họ yêu cầu phải tước đoạt sạch những gì họ tìm thấy ở những con người này? Nhưng người ta không hề kết luận là phải từ bỏ chủ nghĩa thực dân. Người ta chỉ sợ những người bị bóc lột nổi dậy. Người ta yêu cầu nên nghiên cứu cách đàn áp những biến loạn có thể xảy ra, hoặc tốt hơn nên cần có những biện pháp làm dịu để ngừa trước hậu quả của những biện pháp tàn nhẫn quá hung bạo.

Vấn đề vẫn chỉ là buộc các thuộc địa phải làm ra nhiều hơn, vì lợi nhuận tối đa của các công ty tư bản.

Những người cộng sản vui sướng tìm được ở đối thủ tiếng vọng hưởng ấy lời phản đối của mình. Nhưng những người cộng sản đấu tranh cho sự giải phóng dân tộc và kinh tế của các thuộc địa, chứ không phải cho những biện pháp tạo điều kiện dễ dàng cho sự cướp bóc.

Sau đây, chúng tôi thông báo tóm tắt những hành động xấu xa của chính sách thuộc địa. Nhưng chúng tôi lưu ý một lần nữa là đối với những người cộng sản, vấn đề không phải là cải thiện hệ thống thuộc địa mà phải bãi bỏ nó.

*

* *

Những hy sinh xương máu và tiền bạc, những cuộc xâm chiếm đất đai rộng mênh mông, nguồn của cải không bao giờ cạn, địa hạt vô biên dành cho hoạt động của con người là để làm gì? Chi phí cho việc chiếm đóng tiếp tục làm thâm thủng ngân sách, còn các thuộc địa bị ảnh hưởng của cơn khủng hoảng đang giết chết đất nước này. Người Pháp ít di cư, vài ngành công nghiệp đang phồn thịnh mà nước Pháp nâng đỡ thì lại nằm trong tay người nước ngoài.

Lẽ ra cần phải xây dựng một chương trình hợp lý chứ không phải chiếm đoạt tài sản, của cải để bóc lột một cách ngấu nghiến. Người ta đã hoàn toàn truất quyền sở hữu của người bản xứ. Vì thế, sự phát triển của các thuộc địa thật là khó khăn: Thuộc địa là những khách hàng yếu ớt của nền công nghiệp chính quốc cũng đang bị tổn thất; thuộc địa là những người cung ứng nhỏ nhoi do những sai lầm trong khai thác.

Ngày nay, những người bóc lột nghĩ tới việc tổ chức lại theo kiểu hiện đại. Nước Angiêri cần 1.000 triệu; Tây Phi thuộc Pháp muốn 1.200 triệu mà lẽ ra các nước nói trên phải là những trợ lực quý báu cho chính quốc. Tình hình tài chính ở những nước này thật thảm hại. Việc kinh doanh ở đó thật khó khăn chính là do tính tham lam vô lương tâm của một số người cai trị. Sự bóc lột ích kỷ đó chỉ có thể thực hiện bằng cách tước đi mọi quyền độc lập của các thuộc địa. Tài nguyên thiên nhiên của các thuộc địa đủ để họ thế chấp các khoản vay nợ; các thuộc địa có thể giúp nước Pháp, nhưng thực tế họ lại là nạn nhân của sự thiếu hụt tài chính. Thật là thảm hại khi phải ghi nhận là mặc dù phải gánh chịu các vùng còn bị tàn phá cái khoản trợ cấp cho người góa bụa do chiến tranh họ lại phải giúp đỡ những tổ chức đang chết trên đống của.

Vì sao chính phủ lại phung phí hàng tỷ bạc vào Xyri? Nó không dám thú nhận điều đó. Vậy đến bao giờ người ta mới biết được sự thật về những vụ bê bối ở Nigiê?

Người ta không bao giờ muốn nói xâm chiếm thuộc địa là việc đốt nhà, tàn sát hay cướp bóc; và cũng không muốn nói đó là việc làm cho kiệt quệ một đất nước chỉ mong muốn được phát triển. Mà đó là triệt hạ sự sống của cả một vùng khi đặt nó vào tay một vài ông lớn chứ không phải để cho dân chúng canh tác trên mảnh đất đó.

Dân tộc Pháp được lợi lộc gì từ các thuộc địa của họ?

Chẳng qua một vài đội quân đi làm dịu những xung đột giữa tư bản và lao động. Vì vậy, cần bắt buộc tất cả các ứng cử viên phải có chương trình về thuộc địa trong các cuộc bầu cử sắp tới.

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.149).

34. Thư cảm ơn Ủy ban Mếchxích đoàn kết với Việt Nam

Kính gửi Ủy ban Mếchxích đoàn kết với Việt Nam,

Các bạn thân mến,

Tôi chân thành cảm ơn Ủy ban đã tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam chúng tôi chống Mỹ, cứu nước.

Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, độc lập và tự do. Nhưng đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác. Chúng đã thực hiện chính sách "giết sạch, đốt sạch, phá sạch". Ở một số vùng, chúng đã dùng những phương tiện chiến tranh hết sức dã man, như bom napan, chất độc hóa học và hơi độc để giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng đã trắng trợn cho máy bay ném bom, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng thường rêu rao luận điệu "thương lượng hòa bình" nhưng chỉ là để che giấu việc chúng leo thang chiến tranh. Vì độc lập của Tổ quốc chúng tôi, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống đế quốc Mỹ, chúng tôi không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Chào thân ái

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1967

HỒ CHÍ MINH

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4745, ngày 06-4-1967).

35. Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường cho các dân tộc

 (Trích)

...

Nhân dân miền Nam Việt Nam đã đánh thắng cuộc "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và đang đánh thắng cuộc "chiến tranh cục bộ" của chúng, một cuộc chiến tranh xâm lược vô cùng tàn bạo, với hơn một triệu quân gồm có gần 50 vạn quân viễn chinh Mỹ và hơn nửa triệu quân ngụy và quân chư hầu, với hàng nghìn máy bay, hàng trăm tàu chiến, hàng triệu tấn vũ khí hiện đại và những phương tiện chiến tranh dã man nhất: Những chất độc hóa học, hơi độc, những bom napan, bom bi, v.v.. Dã man hơn cả bọn phát xít Hítle trước kia, chúng thi hành khắp nơi chính sách đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Hòng gỡ thế bị sa lầy ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay và tàu chiến ngày càng ác liệt đối với miền Bắc chúng tôi. Chúng bắn phá các đường giao thông, các khu công nghiệp, các vùng đông dân cư ở thành thị và nông thôn, các nhà thương, trường học, nhà thờ, đền chùa, đê đập, v.v.. Bằng bom đạn, chúng lầm tưởng có thể làm nhụt lòng yêu nước và phá hoại tinh thần đoàn kết chiến đấu thiêng liêng của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền. Nhưng vì độc lập và tự do của Tổ quốc mình, 31 triệu nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...

HỒ CHÍ MINH

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4952, ngày 01-11-1967).

36. Báo cáo chính trị trước Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II

(Trích)

...

2. Phát động quần chúng năm nay triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức để tiến đến cải cách ruộng đất

Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám mới thắng lợi, chính quyền nhân dân thành lập, Chính phủ đã ra lệnh giảm tô. Nhưng cho đến nay, nơi thì giảm không đúng mức, nơi thì chưa giảm. Thành thử đồng bào nông dân không được hưởng quyền lợi chính đáng của họ. Như thế thì cứ nói "bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến" cũng chỉ là nói suông. Năm nay, chúng ta phải kiên quyết thực hiện triệt để giảm tô.

Muốn vậy phải ra sức phát động quần chúng nông dân, làm cho quần chúng tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và giành lấy ưu thế chính trị ở nông thôn. Đảng và Chính phủ phải lãnh đạo, tổ chức, giúp đỡ, kiểm tra.

Sau khi giảm tô, giảm tức, quần chúng đã được phát động, tổ chức đã vững chắc, lực lượng đã đầy đủ, ưu thế chính trị đã về tay nông dân lao động, đa số nông dân đã yêu cầu thì sẽ thực hiện cải cách ruộng đất.

Cải cách ruộng đất.

Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc.

Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc.

Hoàn cảnh nước ta hiện nay, bên địch thì giặc Pháp dựa vào địa chủ phong kiến phản động do bù nhìn Bảo Đại đứng đầu để phá hoại kháng chiến, bên ta thì vào bộ đội, sản xuất lương thực, đi dân công nhiều hơn hết là nông dân.

Mấy năm trước, vì hoàn cảnh đặc biệt mà ta chỉ thi hành giảm tô, giảm tức, như thế là đúng. Nhưng ngày nay, kháng chiến đã 7 năm, đồng bào nông dân hy sinh cho Tổ quốc, đóng góp cho kháng chiến đã nhiều và vẫn sẵn sàng hy sinh, đóng góp nữa. Song họ vẫn là lớp người nghèo khổ hơn hết, vì thiếu ruộng hoặc không có ruộng cày. Đó là một điều rất không hợp lý.

Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân.

Cải cách ruộng đất sẽ giúp ta giải quyết nhiều vấn đề:

Về quân sự, nông dân sẽ càng hăng hái tham gia bộ đội, để giữ làng giữ nước, giữ ruộng đất của mình. Đồng thời cải cách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng to lớn giúp làm tan rã nguỵ quân.

Về kinh tế - tài chính, nông dân đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào.

Về chính trị, khi nông dân đã nắm ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn.

Về văn hóa, "có thực mới vực được đạo", kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: Khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân phát triển rất nhanh. Còn những vấn đề khác, như công an nhân dân, thương binh bệnh binh, vệ sinh nhân dân, v.v. đều dựa vào lực lượng quần chúng nông dân mà dễ dàng giải quyết.

Về Mặt trận Liên - Việt, sau khi cải cách ruộng đất, Mặt trận sẽ được mở rộng hơn, củng cố hơn, vì đoàn kết được tất cả nông dân, tức là đoàn kết tối đại đa số đồng bào ta; cơ sở của Mặt trận là công nông liên minh sẽ được vững chắc hơn. Phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức năm nay là một việc rất to lớn và quan trọng. Nó sẽ làm đà cho công việc cải cách ruộng đất sau này. Đảng phải định phương châm, chính sách, phải có kế hoạch, phải có tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra. Trước nhất là phải đánh thông tư tưởng trong Đảng, từ trên xuống dưới, phải đánh thông tư tưởng các tầng lớp nhân dân, trước hết là nông dân. Trung ương phải có chỉ thị rõ ràng về việc này. Mong các đồng chí nghiên cứu thật kỹ và thêm ý kiến đầy đủ.

Kinh tế - tài chính.

Về kinh tế - tài chính, sẽ có báo cáo riêng. Ở đây tôi chỉ nhắc lại rằng: Ta có tiến bộ nhưng tiến bộ ít.

Thuế nông nghiệp vẫn thu chậm và không đúng mức. Chính sách của Chính phủ rất đúng, đồng bào rất hăng hái đóng góp, vì sao mà thu chậm và không đúng mức? Vì nhiều cán bộ nhất là ở cấp dưới, thành phần xã hội không thuần khiết, hoặc không nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, không đi đúng đường lối quần chúng, không gương mẫu, kết quả là không làm tròn nhiệm vụ.

Thuế nông nghiệp như vậy, thuế công thương nghiệp, mậu dịch, dân công, cũng đều như vậy. Năm nay, cán bộ các cơ quan và các địa phương nhất định phải quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm đó để thực hiện thăng bằng thu và chi, bình ổn vật giá, phát triển giao thông, tăng gia sản xuất. Chúng ta phải ra sức bảo vệ và phát triển việc sản xuất, phải thực hành tiết kiệm, phải nhằm vào giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân và cải thiện đời sống của nhân dân. Phải triệt để chấp hành chính sách thuế nông nghiệp và các thứ thuế khác và chính sách mậu dịch trong nước và mậu dịch với ngoài, thực hiện triệt để chế độ thống nhất quản lý tài chính, chấp hành kỷ luật tài chính một cách nghiêm chỉnh và tăng cường công tác đấu tranh kinh tế với địch...

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.15).

37. Lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa Xuân

Cùng đồng bào và cán bộ các địa phương,

Trong những năm kháng chiến, nhân dân ta đã cố gắng thi đua tăng gia sản xuất; nhờ vậy mà mặc dầu có thiên tai, địch họa, chúng ta đã khỏi thiếu thốn. Đó là một thành tích to.

Nay hòa bình trở lại. Nhiều nơi đang vận động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.

Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều: Hạn, lụt, sâu bọ có thể làm hại mùa màng; một số ruộng hoang chưa cày cấy hết; công trình thủy lợi chưa sửa chữa được hoàn toàn. Vì vậy chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc cấy lúa, trồng màu, thì vụ giáp hạt tháng 3, tháng 8 mới khỏi gay go.

Hiện nay, nhiệm vụ vẻ vang của đồng bào là phải ra sức thi đua khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho đồng bào nông dân ấm no, để cung cấp cho quân đội, để đảm bảo tiếp tế cho các thành thị, để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế nước nhà.

Trong mùa xuân này, toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua:

- Cấy nhiều lúa, trồng nhiều màu,

- Cày sâu cuốc bẫm, làm cỏ bỏ phân,

- Chống hạn, phòng lụt, diệt sâu bọ,

- Khai phá ruộng hoang,

- Chăn nuôi nhiều gia súc,

- Tiết kiệm về mọi mặt.

Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Tôi kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này. Thế là đồng bào góp phần vào công cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.

Năm mới, tôi chúc đồng bào và cán bộ địa phương thu nhiều thành tích tốt đẹp trong cuộc thi đua tăng gia sản xuất.

Chính phủ sẽ khen thưởng những đồng bào, cán bộ và đơn vị có thành tích xuất sắc trong vụ xuân này.

Chào thân ái và thắng lợi

HỒ CHÍ MINH

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 340, ngày 05-02-1955).

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: