Chỉ mục bài viết

 10. Toàn dân kháng chiến

(Trích)

...

Cho nên trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến cả tính mạng cũng không tiếc.

Hơn nữa, còn phải làm thế nào cho tất cả các tầng lớp nhân dân đều chung đúc tâm trí vào lợi ích của dân tộc mà phấn đấu.

Dù đau khổ đến đâu mặc lòng, ai cũng phải trổ hết tài năng, làm hết nhiệm vụ để sáng tạo tất cả cái gì có thể giúp ích cho sự kháng chiến, để làm cho mọi việc đều được tăng tiến.

Đó là động viên tinh thần, còn động viên kinh tế là làm cho nước được giàu thêm, dân được no ấm. Chúng ta tuy tranh thủ được độc lập, nhưng lại hưởng thụ một cái gia tài hầu như đổ nát. Ruộng đất, vì giặc Pháp, Nhật vơ vét hết thóc gạo để gây thành nạn đói, nên bị bỏ hoang rất nhiều. Lại cái nạn lụt gần đây đã ngâm mấy vạn mẫu dưới làn nước đỏ. Tưởng ngày mùa này, phong đăng hòa cốc có thể đền bù vào chỗ thiếu gạo. Nào ngờ ngày mùa đã đến, đồng lúa sạch không vì lụt, vì hạn. Giặc đói sắp theo gót giặc Pháp để chôn vùi dân ta.

Về công thương nghiệp, một trạng thái điêu linh đương bày ra trước mắt. Xưởng thợ, nhà máy, hầm mỏ vì chiến tranh làm thiếu nguyên liệu và khí cụ, nên phải đình đốn. Đường giao thông và khí cụ giao thông bị phá hủy la liệt, làm cho nghề buôn bán bị ngừng trệ.

Về tài chính lại càng khốn quẫn nữa. Bao nhiêu vàng bạc bị giặc Pháp, Nhật cướp đi mất cả. Giặc người, giặc đói đương đày đọa chúng ta. Ở tiền phương, đồng bào Nam Bộ gian lao kháng chiến. Nào lương thực, nào quân nhu sao cho có đủ để duy trì sức kháng chiến. Ở hậu phương, dân đói đương chờ thần chết lôi đi. Vậy cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, giao thông, tài chính. Bao nhiêu trai tráng phải chịu huấn luyện vũ trang để chờ đưa ra mặt trận. Còn bao nhiêu ở lại phải gắng công, gắng sức ở đồng ruộng cũng như ở nhà máy để sản xuất ra thật nhiều thóc gạo, quân nhu, đồ dùng giúp cho chiến sĩ ngoài tiền phương, và cứu dân nghèo đói ở hậu phương...

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 83 ngày 05-11-1945)

11. Thư gửi Chính phủ Pháp, Nghị viện Pháp, nhân dân Pháp, các nước dân chủ trên thế giới

Hơn 80 năm về trước, thực dân Pháp dùng vũ lực chiếm lĩnh nước Việt Nam. Trong 80 năm, thực dân Pháp bắt ép dân Việt Nam uống rượu cồn, hút thuốc phiện và sống dưới ách nô lệ vô cùng thảm khốc.

Trong thời kỳ thế giới đại chiến, thực dân Pháp bán Việt Nam cho Nhật để làm căn cứ địa đánh lại Đồng minh. Đồng thời chúng thẳng tay áp bức một cách dã man dân Việt Nam, vì dân Việt Nam đứng về phe Đồng minh mà kháng Nhật.

Tuy vậy, dân Việt Nam muốn hòa bình, muốn cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Vì lẽ đó Việt Nam đã ký với Pháp Hiệp định ngày 06-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, và quyết tâm thi hành đúng những bản ký kết đó.

Chúng tôi chắc nhân dân nước Pháp cũng muốn thực thà thi hành những hiệp định mà Chính phủ Pháp đã ký với Việt Nam.

Song bọn thực dân phản động Pháp cố ý phá hoại hòa bình, cố ý phá hoại những hiệp ước đó. Chúng muốn cướp nước Việt Nam một lần nữa, bắt dân Việt Nam làm nô lệ một lần nữa. Vì vậy ở Nam Bộ, chúng đặt ra "Nam Kỳ quốc" để chia sẻ nước Việt Nam, chúng vẫn tiếp tục tiến công và giết hại nhân dân ở Nam Bộ và Trung Bộ. Nhân lúc hoàn cảnh chính trị ở Pháp chưa ổn định, chúng tiến công vào cả Bắc Bộ. Lạng Sơn, Hải Phòng còn đương ở trong vòng bom đạn, nhân dân Việt Nam bị giết hơn 3.000, thì thực dân Pháp tại Hà Nội lại thình lình tấn công vào vị trí Việt Nam.

Mặc dầu trước ngày phát sinh chiến tranh, tôi đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp. Mặc dầu Chủ tịch Lêông Blum đã biểu thị chính sách thân thiện cộng tác với Việt Nam, nhưng bọn thực dân phản động cứ thực hành chính sách vũ lực của chúng.

Trước bạo lực của thực dân phản động Pháp, chúng tôi cần phải tự vệ. Nhưng đối với nhân dân Pháp, chúng tôi vẫn giữ chính sách cộng tác thật thà.

Chúng tôi chỉ muốn độc lập và thống nhất. Chúng tôi chỉ muốn hòa bình.

Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng.

Chúng tôi quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa.

Mong Chính phủ, Nghị viện và nhân dân Pháp hiểu cho.

Mong các nước dân chủ trên thế giới hiểu cho.

(Trích trong cuốn Lời Hồ Chủ tịch)

12. Điện mừng kỷ niệm lần thứ 10 của Hội nghị Băngđung

(Trích)

...

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, Mỹ đã ráo riết can thiệp vào miền Nam Việt Nam và sự can thiệp đó đã biến thành một cuộc chiến tranh thực dân xâm lược chống lại các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam. Bị sa lầy trong cuộc "chiến tranh đặc biệt" và để tìm cách tránh một sự thất bại hiển nhiên, bọn đế quốc Mỹ đang tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng đưa vào đây các tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, quân lính của bọn bù nhìn Nam Triều Tiên và các chư hầu khác; chúng sử dụng ở đây những phương tiện chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan và hơi độc, để tàn sát thường dân không phân biệt một ai. Đồng thời, chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, bằng những cuộc ném bom hầu như ngày nào cũng có. Chính sách chiến tranh của bọn đế quốc Mỹ là một nguy cơ đang đe dọa hòa bình và an ninh của các dân tộc ở Đông Dương và Đông - Nam Á...

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4034 ngày 19-4-1965)

13. Động viên kinh tế

I. Ý NGHĨA

Chúng ta phải đương đầu với bọn thực dân phản động Pháp trong một cuộc kháng chiến lâu dài để giữ vững chủ quyền của đất nước. Vì thế, chúng ta không thể không chú ý đến vấn đề động viên kinh tế. Chúng ta phải thu góp tất cả lực lượng của toàn quốc, khiến cho người có sức giúp sức, có tiền giúp tiền, có của giúp của. Những vật nhu cầu cho cuộc kháng chiến, chúng ta phải hết sức tăng gia sản xuất. Những việc tiêu xài vô ích, chúng ta phải cố gắng tinh giảm. Tóm lại, chúng ta phải tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến của ta mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng.

II. MỤC ĐÍCH

Động viên kinh tế nhằm 3 mục đích sau đây:

Làm cho nước giàu, dân mạnh - Nền thực nghiệp nước ta vốn lạc hậu. Chúng ta đặt kế hoạch cụ thể để phát triển nền thực nghiệp ấy mới có thể cung cấp đủ quân nhu, lương thực cho cuộc kháng chiến lâu dài. Để đạt mục đích này, một mặt Chính phủ, một mặt tư nhân đều bỏ vốn ra mở mang ở vùng xa thành thị nghề làm ruộng, nghề tiểu công nghệ, nghề làm mỏ, v.v.. Có như thế, dân và quân đội mới có đủ lương ăn, vật dùng để cầm cự với quân địch lâu dài. Lương ăn đủ, vật dùng thừa, kháng chiến nhất định thắng lợi.

1. Tích cực tiết kiệm và tăng gia sản xuất. - Kháng chiến lâu dài cần nhiều lương thực và quân nhu. Nếu không tích cực tăng gia sản xuất, không đủ cung cấp cho dân chúng ở hậu phương và quân đội ở tiền tuyến. Tăng gia sản xuất đã vậy, lại còn phải tiết kiệm để có đủ mà cống hiến cho cuộc kháng chiến.

2. Tập trung nhân lực và vật lực - Về quân sự cần rất nhiều sức người. Nào đâu là thanh niên trai tráng sung quân ra trận, nào đâu là nhân tài chuyên môn cùng nhân viên kỹ thuật tham dự các ngành hoạt động kinh tế, tài chính, văn hóa. Thu dụng đủ hạng người như trên có nghĩa là tập trung nhân lực. Còn Chính phủ cần vật dùng về quân sự như tiền bạc, thóc gạo, vải sợi, đồ dùng, nhà cửa, ruộng đất, xe cộ, Chính phủ sẽ trưng dụng của dân chúng, đó là tập trung vật lực.

III. PHƯƠNG PHÁP

Phương pháp tiến hành động viên kinh tế có 6 hạng như sau đây:

1. Động viên lao động - Ngoài việc lấy lính ra mặt trận, phải trưng mộ và phân phối nhân công trong các ngành sinh sản cho thích hợp, nhất là trong những ngành vận tải, ngành chế tạo quân nhu và ngành thông tin. Phải trưng dụng những nhân viên chuyên môn dự bị để huấn luyện họ. Tổ chức những đội quân lao động, đội dân binh để sung vào việc vận tải, xây đắp và những việc khẩn cấp khác. Nên lấy những thợ ít tuổi, thợ đàn bà thay cho trai tráng ra mặt trận. Lợi dụng sức lao động thế nào cho khỏi phí một giọt mồ hôi, một giọt máu, mà tăng thêm được lực lượng cho cuộc kháng chiến.

2. Động viên giao thông - Trong lúc kháng chiến, việc vận tải giao thông để chắp mối liên lạc là rất quan trọng. Làm sao cho xe cộ được đầy đủ, đường thủy lục tiện lợi, giao thông và thông tin nhanh chóng. Nếu cần, phải mở thêm đường thay cho những đường bị phá, bị nghẽn. Nên dùng thêm cả lừa, ngựa, trâu, bò vào việc vận tải.

3. Động viên công nghệ - Mở nhiều những công nghệ sản xuất những nhu cầu cho cuộc kháng chiến. Giúp cho công nghệ ấy của tư nhân được phát triển dễ dàng. Thiên di những xưởng công nghệ cần thiết về các vùng hẻo lánh. Chú ý nhất về việc cung cấp nguyên liệu.

4. Động viên nông nghiệp - Mục đích động viên nông nghiệp là cung cấp nhiều lương thực. Như vậy, phải khuyến khích cho nông dân mở mang nông nghiệp, tăng thêm diện tích cày cấy, khai khẩn đất hoang, cải lương nông cụ.

5. Động viên tài chính - Hoãn kỳ trả những món nợ công tư, cấm ngặt việc buôn bán vàng bạc, kiểm tra ráo riết việc đổi chác và việc buôn bán với người ngoài, phát hành công trái, tập trung các loại kim khí do dân tích trữ, thu những thuế về chi dụng xa xỉ và đảm phụ quốc phòng.

6. Tiết kiệm - Đặt ra ủy ban xem xét việc cung cấp và tiêu dùng lương thực, nhất là phải định giá cả để tránh nạn buôn chợ đen trục lợi. Điều tra số thóc hiện có và định mỗi người được ăn là bao nhiêu. Lúc cần, phải trưng thu những số thóc thừa rồi trả bằng tiền.

Hạn chế những nghề nghiệp phải dùng đến thóc gạo như nghề nấu rượu. Khuyến khích giồng nhiều những thức ăn thay cho gạo như ngô, khoai, đậu, sắn, v.v.. Cấm ngặt những sự chi tiêu xa xỉ và vô ích. Ngoài việc tiết kiệm tiền bạc, lương thực, chúng ta còn phải tiết kiệm những thứ cần về quân sự mà phải mua ở ngoài như étxăng, các chất hóa học, v.v.. Việc tiết kiệm cũng có tính chất quan trọng như tăng gia sản xuất. Vậy chúng ta không thể quên được.

Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 434 ngày 13-12-1946)

14. Bài nói tại Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc

(Trích)

Nước ta phải đi đến dân chủ thực sự. Dân chủ thực sự là chống phong kiến địa chủ và chống đế quốc.

Sau 80 năm nô lệ, nhân dân ta nổi lên đánh đổ đế quốc giành lại độc lập. Bọn phong kiến địa chủ lại mưu bán nước.

Trong chính phủ bù nhìn là những ai? Bảo Đại và những tên đầu sỏ khác đều là bọn đại địa chủ phong kiến. Đế quốc lợi dụng phong kiến địa chủ để cướp nước ta. Phong kiến địa chủ bám vào đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta. Vì thế, muốn kháng chiến thắng lợi không những phải đánh đổ đế quốc mà còn đánh đổ cả phong kiến địa chủ.

Các nước dân chủ mới như Trung Quốc, Triều Tiên và các nước dân chủ Đông Âu đều chia ruộng đất cho dân cày. Nội dung cách mạng dân chủ căn bản là giải phóng cho nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Nội dung cách mạng dân tộc cũng là giải phóng cho nông dân. Bao giờ ở nông thôn nông dân thật sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới là dân chủ thực sự. Vì nước ta ở trong hoàn cảnh đặc biệt, cách mạng vừa thành công thì phải kháng chiến ngay, cho nên từ đó đến nay Đảng và Chính phủ áp dụng chính sách giảm tô, giảm tức hợp với điều kiện nước ta, như thế là đúng, nhưng có chỗ giảm chưa đúng, có chỗ chưa giảm, chính sách giảm tô chưa được thi hành triệt để. Chính sách của Đảng và của Chính phủ là đúng, vì sao mà không thi hành được triệt để?

Vì cán bộ không nắm chính sách, lập trường không vững, muốn được lòng nông dân mà cũng muốn được lòng địa chủ, có khi muốn được lòng địa chủ hơn, cán bộ tự tư tự lợi; mình tuy ở trong Đảng nhưng còn cái đuôi phong kiến địa chủ thò ra. Chưa gột rửa sạch tư tưởng phong kiến địa chủ, xui nông dân xung phong mà mình không xung phong; thậm chí tham ô, lãng phí, cán bộ từ khu, tỉnh, huyện, xã hoặc nhiều hoặc ít đều mắc khuyết điểm trên. Nói tóm lại, trong đầu óc cán bộ còn rất nặng những tư tưởng địa chủ. Các cô các chú cần phải gột rửa cho sạch tư tưởng phong kiến địa chủ.

Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng, nước ta cũng như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí, đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết, cam tâm chịu tù đày. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ nhưng lập trường và tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân.

Chắc các cô các chú có nghe nói chuyện đồng chí Bành Bái ở Trung Quốc, gia đình đồng chí ấy là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ phong kiến.

Vấn đề xuất thân có quan hệ thật nhưng nếu xuất thân là địa chủ nhưng đứng hẳn về phía nông dân, thì không phải là địa chủ nữa. Trung Quốc gọi những địa chủ hoan nghênh cải cách ruộng đất là "thân sĩ khai minh". Cho nên, nếu kiên quyết rửa sạch tư tưởng địa chủ, thì dù xuất thân là địa chủ vẫn tham gia được cách mạng.

Nói tóm lại: Lập trường phải cho vững, tư tưởng phải dứt khoát. Lập trường không vững vàng, tư tưởng không dứt khoát, thì nghiên cứu gì cũng không thực hành được cách mạng ruộng đất.

Vì giảm tô chưa thực hiện được triệt để, cho nên năm nay Đảng và Chính phủ phải chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô. Từ năm 1949 đã có sắc lệnh giảm tô, đến nay đã 4 năm mà vẫn chưa thực hiện triệt để. Xem đó thì biết rằng giảm tô không phải là một vấn đề giản đơn, nó là một bộ phận của giai cấp đấu tranh, giai cấp nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ. Đây cũng là một chiến dịch, nhưng chiến dịch này to và rộng hơn chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, vì nó mở ra khắp cả nước. Nó càng khó hơn đánh giặc, vì đánh giặc thì đưa vũ khí ra mà đánh, trong chiến dịch này nông dân không đưa súng đạn ra đánh với địch, nhưng phải dùng một thứ vũ khí mạnh hơn, tức là lực lượng tổ chức và lực lượng đoàn kết của hàng triệu nông dân...

(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 8, t.49)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: