Chỉ mục bài viết

 52. Bài nói chuyện ở Hội nghị đổi công toàn quốc

Nguyện vọng của đồng bào nông dân là: Khi chưa có ruộng đất thì muốn có ruộng đất; khi đã có ruộng đất rồi thì muốn sản xuất nhiều để được ấm no.

Muốn tăng gia sản xuất được nhiều thì cần làm tập thể. Nhưng vì từ trước đến nay nông dân ta quen làm ăn riêng rẽ từng nhà, không quen tập thể, không quen tổ chức. Để tiến bộ mãi, thì đường đi của nông dân phải có mấy bước: bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước.

Ví dụ như ở Liên Xô, nông dân đã tổ chức thành nông trường tập thể, ruộng đất góp lại làm chung, cấy, cày, gặt hái đều bằng máy. Ở các nông trường có trường học 8 năm, 10 năm, có thư viện, có nhà thương, chỗ giữ trẻ, sân thể thao, rạp chiếu bóng... Nói tóm lại, không khác gì thành phố.

Nghe nói nông dân Liên Xô tiến bộ và sung sướng như thế, chắc các cô, các chú thích lắm? Nhưng ta chưa làm ngay như vậy được đâu. Liên Xô cải cách ruộng đất hơn 30 năm nay. Ở ta cải cách ruộng đất chưa hoàn toàn xong. Song nếu chúng ta ra sức phấn đấu thì cái gì Liên Xô đã có ngày nay, mai sau chúng ta cũng sẽ có. Lúc công nông Liên Xô làm cách mạng, không có ai trực tiếp giúp đỡ. Nay chúng ta có Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác giúp, có Đảng và Chính phủ lãnh đạo. Nếu các cô, các chú cố gắng thì nhất định tiến bộ mau chóng. Trung Quốc, cách mạng thành công mới 5 năm, cải cách ruộng đất xong đã ba năm. Lúc đầu cũng tổ chức tổ đổi công, dần dần tiến lên hợp tác xã. Hiện nay, ở nông thôn ta thì cần phát triển rộng khắp tổ đổi công, nó là hình thức thấp nhất, giản đơn nhất. Thế là tổ chức của nông dân Trung Quốc (hợp tác xã) cao hơn tổ chức của nông dân ta (tổ đổi công). Tổ chức của nông dân Liên Xô (nông trường tập thể) thì cao hơn của nông dân Trung Quốc; mà nông dân Liên Xô cũng sẽ tiến nữa.

Các cô, các chú phần lớn ở các xã đã cải cách ruộng đất, đã thấy lúc đầu giảm tô, cải cách ruộng đất không phải dễ dàng. Bây giờ tổ chức đổi công cũng không phải dễ dàng. Ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại. Tổ chức tổ đổi công phải có phương châm, có nguyên tắc, có phương pháp.

Phương châm hiện nay là: Cần phát triển cho nhiều tổ đổi công từng vụ, từng việc, làm sao cho tất cả các nơi đã giảm tô và cải cách ruộng đất đều có những tổ đổi công như thế. Nơi nào trình độ quần chúng, trình độ cán bộ khá, thì tổ chức tổ đổi công thường xuyên, đổi công mùa này sang mùa khác. Chỗ nào đã có tổ đổi công thường xuyên thì phải củng cố cho vững thêm, tốt thêm.

Sau này, tổ đổi công thường xuyên đã rộng khắp và có nền nếp rồi, mới tiến lên làm hợp tác xã. Chớ sốt ruột, tham mau, vội tổ chức hợp tác xã ngay.

Nguyên tắc tổ đổi công:

- Một là không được cưỡng ép ai hết. Phải tuyên truyền, giải thích cho nông dân thấy lợi ích tổ đổi công; ai muốn vào thì vào, tuyệt đối không được ép buộc ai.

- Hai là làm sao cho những gia đình trong tổ đổi công đều có lợi. Có lợi thì người ta mới vui lòng vào. Tuyên truyền cho người ta vào tổ đổi công là một việc khó. Nhưng khi người ta vào tổ rồi cũng chưa phải đã thành công. Vì nông dân có nhiều vấn đề phức tạp.

Ví dụ: trong một tổ có gia đình nhiều người, gia đình ít người; có người làm khoẻ, người làm yếu; gia đình này có trâu bò, gia đình kia không có. Trâu bò cũng có con khỏe con yếu. Ruộng đất thì có ruộng xa ruộng gần. Lúa chín cùng một lúc thì ai cũng muốn gặt trước... Nếu không khéo giải quyết, để cho ai cũng đều có lợi, thì sẽ sinh ra thắc mắc, tị nạnh lẫn nhau, sẽ thất bại.

- Ba là tổ đổi công thì phải có tổ trưởng hoặc ban quản trị. Quản trị phải dân chủ. Việc làm phải bàn bạc với nhau. Mọi người đều hiểu mới vui lòng làm. Có người chưa hiểu, chưa vừa lòng, mà bắt họ làm thì hỏng việc.

Phương pháp tổ chức:

- Một là chớ ham làm mau, ham rầm rộ. Làm ít mà chắc chắn hơn làm nhiều, làm rầm rộ mà không chắc chắn. Đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy, cứ tiến tới dần dần.

- Hai là phải thiết thực. Đã tổ chức là phải làm việc thiết thực, chứ không phải tổ chức cho có tên mà không có thực tế.

- Ba là phải làm từ nhỏ đến lớn, từ 5, 7 gia đình đến 9, 10 gia đình, không nên tổ chức quá to, vì quá to thì khó nắm, sẽ chệch choạc, dễ thất bại.

Ngoài ra, còn có mấy điều phải chú ý: Phải rút kinh nghiệm tốt để theo, kinh nghiệm xấu để tránh. Phải cải tiến cách cày bừa, làm ăn.

Phải tổ chức thi đua. Bất cứ việc nhỏ việc to, có thi đua thì mọi người mới cố gắng. Phải làm cho mọi người hiểu thi đua là ích nước lợi nhà. Lợi nhà: như khi chưa vào tổ đổi công, chưa thi đua, thì làm một mẫu thu được 30 nồi; khi đã vào tổ đổi công và thi đua, thì một mẫu được 32, 35 nồi hoặc nhiều hơn nữa. Ích nước: ngoài phần thóc nộp thuế cho Chính phủ, phần thóc ăn, còn thóc thừa bán cho Chính phủ. Chính phủ mua thóc để nuôi cán bộ, bộ đội, làm các việc ích chung. Tăng gia nhiều, thừa thóc nhiều, thì bán thóc cho Chính phủ càng nhiều hơn.

Nếu tăng gia nhiều nhất trong địa phương, thì Chính phủ còn khen thưởng nữa. Thế là đã được lợi, lại được danh. Tổ đổi công phải rất đoàn kết. Không những đoàn kết trong tổ với nhau, mà nếu trong xóm có gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội thì cố giúp cho các gia đình đó. Liệt sĩ hy sinh vì đồng bào, bộ đội đánh giặc giữ nước, bảo vệ nhân dân, họ có công với đồng bào, cho nên đồng bào phải cố giúp gia đình họ. Trong xóm có người đau ốm hoặc không có sức làm, thì cũng nên giúp đỡ họ. Làm như thế là cách tuyên truyền rất tốt để kéo họ vào tổ đổi công.

Về lãnh đạo:

Việc gì cũng phải có lãnh đạo thì mới thành công. Ai lãnh đạo tổ đổi công? Trực tiếp là tổ trưởng tổ đổi công. Nếu tổ trưởng công bằng, vô tư, khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, được bà con tin phục và yêu mến, thì việc của tổ sẽ thành công.

Một thí dụ: Mọi người trong tổ hưởng lợi bằng nhau cả, nhưng khi lúa chín thì để gặt cho bà con trước, gặt cho nhà mình sau. Công việc thì tổ trưởng đi đầu làm trước, lợi ích thì hưởng sau. Người tổ trưởng như vậy, thì tổ chức nhất định thành công.

Đảng viên phải gương mẫu trong công việc tổ đổi công. Chi bộ trong xã phải thiết thực lãnh đạo, giúp đỡ tổ đổi công. Tổ đổi công tốt hay xấu, chi bộ phải phụ trách một phần lớn. Lúc chưa cải cách ruộng đất, nhiều chi bộ xã bị địa chủ, cường hào chui vào và lợi dụng, chi bộ thành chi bộ làm quan, dân công không đi, thuế nông nghiệp trốn tránh, kiêu ngạo với đồng bào. Những nơi đã cải cách ruộng đất, nhiều chi bộ được chỉnh đốn, nhưng chưa thật hoàn toàn. Nếu các cô, các chú thiếu cảnh giác, chúng sẽ mò trở lại tìm cách phá hoại. Từ nay, những xã cải cách ruộng đất nào mà chưa có tổ đổi công, thì trách nhiệm của chi bộ là phải xây dựng tổ đổi công. Có tổ đổi công rồi mà chưa vững chắc, thì trách nhiệm của chi bộ là phải làm cho nó vững chắc.

Nông hội phải giáo dục, khuyến khích, giúp đỡ, đưa nông dân vào tổ đổi công. Như thế trực tiếp lãnh đạo tổ đổi công là tổ trưởng, chi bộ và nông hội. Thanh niên thì phải làm nòng cốt trong tổ đổi công. Chỗ nào đã có Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam thì Đoàn phải đẩy mạnh công tác tổ đổi công. Các cấp đảng huyện, tỉnh và khu phải thiết thực kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các tổ đổi công.

Đảng và Chính phủ cũng sẽ giúp thêm, như thu mua lâm sản và thổ sản cho nông dân, giúp thêm cán bộ, cho vay vốn... Nhưng các cô, các chú chớ có ỷ lại, phải cố gắng tự lực cánh sinh là chính, việc giúp đỡ là phụ.

Nói tóm lại, Bác nêu ra những khó khăn của tổ đổi công để các cô, các chú thấy rõ mà khắc phục, chứ không phải thấy khó khăn mà nản lòng. Các cô, các chú có tinh thần thi đua, đoàn kết, cố gắng, thì nhất định sẽ khắc phục được khó khăn và phong trào tổ đổi công nhất định phát triển và thắng lợi.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 434, ngày 11-5-1955).

53. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định

Gần đây cán bộ và đồng bào Nam Định đã cố gắng chống hạn, giải quyết được 4 vạn mẫu, nhưng cũng còn hơn 2 vạn mẫu bị hạn, cần phải tranh thủ, cố gắng giải quyết cho hết. Nam Định có khuyết điểm là không biết giữ nước (như Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc). Ở ta, tuy nông nghiệp lạc hậu nhưng nhân dân nói chung, các cụ già nói riêng có rất nhiều kinh nghiệm giữ nước. Vì cán bộ không nhìn xa, không gần gũi, học hỏi kinh nghiệm quần chúng nên không biết giữ nước.

Còn vì sao Nam Định dân đông, nguồn nước nhiều mà diện tích hạn rộng thế?

Đó là vì tư tưởng chưa thông, sợ khó, sợ khổ. Vì sợ khó, sợ khổ nên đào mương, vét kênh, tát nước, gánh nước tưới kém.

Ở Nam Định, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã kém quyết tâm. Gần đây có quyết tâm, nhưng còn phải bền bỉ biến quyết tâm ấy thành quyết tâm của tất cả cán bộ và quần chúng.

Do thiếu quyết tâm ấy mà nảy ra bệnh ỷ lại vào cấp trên, ỷ lại vào bộ đội giúp, ỷ lại vào máy bơm, ỷ lại vào trời. Trời đã làm ra hạn, lụt, sâu bọ, bệnh tật. Vì vậy ta không ỷ lại vào trời mà phải chống lại trời. Mùa trước đây nhân dân đã "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" thì nay phải tiếp tục thực hiện.

Vì khuyết điểm như thế cho nên Nam Định còn hơn 2 vạn mẫu bị hạn. Bây giờ cứ tính trung bình với cố gắng đã làm được, mỗi mẫu tây là 2 tấn 500 thôi, thì nếu để mất 23.000 mẫu tức là mất 57.500 tấn thóc.

Một khuyết điểm nữa là hoa màu ở đây năm nay cũng kém. Lúa và hoa màu hai cái phải đi đôi với nhau, cái nọ giúp cho cái kia. Nếu hoa màu, cây công nghiệp không có, kém thì rồi cũng ảnh hưởng đến lúa. Lúa kém ảnh hưởng đến hoa màu. Hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi phải rất chú ý.

Giờ đây phải tập trung lực lượng lại, tìm nguồn nước, khơi mương rãnh mà tát, phải có kế hoạch giữ nước và trong lúc chống hạn, phòng hạn thì phải có kế hoạch phòng úng.

Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng sợ khó, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm, quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi.

Ngoài những việc trên, nhân dân ta phải phòng sâu và diệt sâu, phòng chống bệnh cúm. Việc phòng và chống bệnh cúm là nhiệm vụ của mọi cán bộ và nhân dân không phải chỉ riêng ngành Y tế. Đồng thời với các nhiệm vụ trên, cần củng cố các tổ đổi công, các hợp tác xã, làm cho tổ đổi công, hợp tác xã đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ những đồng bào còn làm riêng lẻ. Đặc biệt là phải cố gắng thi đua bảo đảm cấy hết diện tích, tương trợ giúp đỡ nhau cả về vật chất và tinh thần, nhất là đối với một số đồng bào hiện nay còn thiếu thốn để bảo đảm sản xuất, bảo đảm vụ Đông - Xuân thắng lợi.

Nhân dịp này Bác trao lại cho tỉnh 12 huy hiệu của Bác để làm giải thưởng cho đơn vị, cá nhân nào có thành tích chống hạn khá.

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.377).

54. Nguyên tử và nguyên tử

Mỹ chuyên dùng nguyên tử vào việc chuẩn bị chiến tranh. Cho đến tháng 3 năm nay, Mỹ đã thử những thứ bom A và bom H36 lần. Theo tin các báo, quả bom thử cuối cùng ánh sáng đã đến cách chỗ thử 1.600 cây số, những nhà cửa cách xa 600 cây số cũng rung động. Gió thổi bụi hơi độc đã bay xa đến 2.400 cây số.

2 tuần lễ sau đó, có những trận bão to và khí hậu biến đổi bất thình lình. Do đó nhân dân Mỹ rất hoang mang và tự hỏi: Làm thế nào để tránh khỏi những sự khủng khiếp từ trên trời rơi xuống?

Các báo Mỹ khuyên nhân dân đào hầm trú ẩn dưới nhà họ ở và tích trữ lương thực ở dưới hầm. Nhưng ở Mỹ có những ngôi nhà 30, 40 tầng thì đào hầm vào đâu? Còn muốn sơ tán một thành phố hơn 8 triệu người như Nữu Ước thì phải mất mấy tiếng đồng hồ. Không nghĩ ra cách gì khác để tránh bom và để ổn định lòng dân, viên giám đốc sở "phòng không" chỉ khuyên dân tụng kinh cầu trời phù hộ.

Thế là nguyên tử của Mỹ chưa đe dọa được ai, mà đã đe doạ và làm cho nhân dân Mỹ khiếp vía.

Liên Xô thì dùng sức nguyên tử vào việc xây dựng hòa bình. Như nhà máy điện chạy bằng nguyên tử. Dùng nguyên tử phá núi để đắp đường xe lửa.

Dùng nguyên tử vào công nghiệp, như chế biến gang, thép và các thứ ngũ kim khác. Hiện nay đang thử dùng nguyên tử thay dầu xăng: 1 chiếc xe hơi chạy 100.000 cây số phải tốn 11 tấn xăng, nhưng chỉ cần vài phân nguyên tử (uranium) là đủ. Dùng nguyên tử để chữa bệnh, như các bệnh thiếu máu, ung thư, v.v..

Dùng nguyên tử vào nông nghiệp: chiếu nguyên tử vào thì các thứ cây chóng mọc, chóng tốt hơn, cây có quả và rau có củ sớm hơn, to hơn và ngọt hơn. Liên Xô lại sẵn sàng giúp các nước khác dùng nguyên tử vào công việc hoà bình.

Vì vậy, hiện nay khắp thế giới có phong trào sôi nổi phản đối nguyên tử Mỹ và ủng hộ nguyên tử Xô. Hội nghị Á - Phi vừa rồi cũng có quyết nghị như vậy.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 433, ngày 10-5-1955).

55. Cần ra sức củng cố các Tổ đổi công

Vụ chiêm qua, đồng bào nông dân chống được hạn, sâu, nước úng, và thu hoạch rất khá. Kết quả ấy một phần là nhờ các tổ đổi công cố gắng nhiều.

Hiện nay, các nơi tổ đổi công phát triển khá mạnh. Cả miền Bắc có hơn 19 vạn tổ, bao gồm hơn 58% gia đình nông dân. Đó là một điều tốt. Số tổ tuy nhiều, nhưng tổ thường xuyên còn ít, cả miền Bắc mới có hơn 2 vạn tổ. Đó là vì:

- Sau cải cách ruộng đất, nông dân hăng hái sản xuất, sẵn sàng vào tổ đổi công. Tuy vậy đại đa số tổ viên còn thói quen và tư tưởng làm ăn riêng. Tư tưởng tập thể và tư tưởng cá nhân đang đấu tranh với nhau và cuộc đấu tranh ấy không dễ hoàn toàn giải quyết trong một thời gian ngắn.

- Một số cán bộ chưa biết lãnh đạo. Họ còn ham chuộng hình thức; còn dùng cách mệnh lệnh, gò ép. Khi phân công cũng gò ép; khi khai hội, khi học tập cũng gò ép. Vì vậy, nhiều nông dân e ngại vào tổ đổi công thường xuyên.

Cán bộ ta cần hiểu thấu và nhớ kỹ rằng: Tổ đổi công phải theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện. Lãnh đạo tổ đổi công cần phải dân chủ.

Dân chủ nghĩa là: Việc to thì phải bàn bạc với các tổ viên mà quyết định. Việc nhỏ thì cán bộ bàn bạc với nhau mà làm.

Quyết không nên độc đoán, bao biện, gò ép. Phải tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh. Phải khéo khuyến khích tự phê bình và phê bình trong tổ.

Đối với các tổ viên, cán bộ cần phải chịu khó tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, giáo dục. Phải nâng cao dần giác ngộ chính trị của mỗi tổ viên. Phải nhớ rằng "công tác chính trị là mạch sống của mọi công tác kinh tế".

Cán bộ huyện và tỉnh cần phải đến tận nơi mà hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra một cách thiết thực; không thể chỉ thỏa mãn với những báo cáo và những con số trên mặt giấy.

Cán bộ làm được như vậy (và phải làm như vậy), thì các tổ đổi công thường xuyên sẽ phát triển vững vàng và vụ mùa sắp tới sẽ chắc thắng lợi.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 858, ngày 10-7-1956).

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: