Chỉ mục bài viết

 125. Nói chuyện với nông dân và điền chủ Hưng Yên

Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê. Chúng ta cần phải chăm lo việc đắp đê để đề phòng nạn lụt.

Nước ta hồi Pháp thuộc, bọn thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới.

Số thóc góp để đắp đê không phải là một thứ thuế mà chỉ là một thứ lạc quyên thôi, không có gì là cưỡng bách cả. Đê vỡ, ruộng mất, dân nghèo lo đói, điền chủ mất thóc mà thương gia cũng ít phát tài. Cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp dân vào việc đắp đê. Bằng không thì còn lụt, còn đói, còn chết nữa. Khi chưa ốm, ta phải uống thuốc phòng bệnh thì hơn là đợi ốm rồi mới uống thuốc. Vậy các nhà thân hào phải hăng hái giúp đỡ những đồng bào khác đi đắp đê, phải giúp cho họ ăn, phải góp tiền, thóc nuôi họ. Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa.

Thấy anh chị em và các cháu quần tụ vui vẻ ở đây, tôi rất lấy làm sung sướng. Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói. Đồng bào ta bất kỳ là già trẻ, trai gái, lương giáo ai cũng đồng tâm hiệp lực, nhớn giúp bé, trẻ giúp già, mạnh giúp yếu thì chắc chắn thế nào cũng giành được độc lập hoàn toàn, được tự do hạnh phúc. Chúng ta nỗ lực phấn đấu thì ngày thành công cũng không xa gì.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 140, ngày 12-1-1946)

126. Ngày 14/6/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 96/SL, sửa đổi bản “Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp”

"Điều 1

Để giảm nhẹ một phần sự đóng góp của đồng bào nhà nông, và để khuyến khích tăng gia sản xuất, nay sửa đổi các điều sau này trong Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp:

"Điều 12 mới: Nếu số thu hoạch thường năm bình quân mỗi nhân khẩu được chia 71 kilô thì nông hộ được miễn thuế."

"Điều 13 mới: Thuế biểu thuế nông nghiệp là một thuế biểu luỹ tiến toàn ngạch ấn định như sau:

Bậc Hoa lợi bình quân của một nhân khẩu Thực xuất

1. Từ 71 kilô đến 95 kilô 5%

2 - 96 - - 115 - 6%

3 - 116 - - 135 - 7%

4 - 136 - - 155 - 8%

5 - 156 - - 175 - 9%

6 - 176 - - 205 - 10%

7 - 206 - - 235 - 11%

8 - 236 - - 265 - 12%

9 - 266 - - 295 - 13%

10 - 296 - - 325 - 14%

11 - 326 - - 355 - 15%

12 - 356 - - 385 - 16%

13 - 386 - - 425 - 17%

14 - 426 - - 465 - 18%

15 - 466 - - 505 - 19%

16 - 506 - - 545 - 20%

17 - 546 - - 585 - 21%

18 - 586 - - 625 - 22%

19 - 626 - - 665 - 23%

20 - 666 - - 705 - 24%

21 - 706 - - 755 - 25%

22 - 756 - - 805 - 26%

23 - 806 - - 855 - 27%

24 - 856 - - 905 - 28%

25 - 906 - - 955 - 29%

26 - 956 - - 1005 - 30%

27 - 1006 - - 1055 - 31%

28 - 1056 - - 1105 - 32%

29 - 1106 - - 1155 - 33%

30 - 1156 - - 1215 - 34%

31 - 1216 - - 1275 - 35%

32 - 1276 - - 1335 - 36%

33 - 1336 - - 1395 - 37%

34 - 1396 - - 1455 - 38%

35 - 1456 - - 1515 - 39%

36 - 1516 - - 1575 - 40%

37 - 1576 - - 1635 - 41%

38 - 1636 - - 1695 - 42%

39 - 1696 - - 1755 - 43%

40 - 1756 - - 1815 - 44%

41 - 1816 - - trở lên 45%

Thuế biểu này chỉ áp dụng ở các Liên khu Việt Bắc, 3, 4 và miền Trung Nam bộ.

Thuế biểu áp dụng cho Nam bộ sẽ định sau".

Điều 2

Điều 19 bản điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp, nay thêm một đoạn như sau:

"Đối với những người khi ở nhà vẫn trực tiếp cày cấy nhưng nay vì đi công tác (vào bộ đội, tham gia công tác chính quyền hay đoàn thể) một cách liên tục mà phải phát canh vì thiếu nhân công, thì hoa lợi phát canh thu 100 kilô vẫn chịu thuế 100 kilô; mà người lĩnh canh ruộng ấy vẫn chịu thuế 100 kilô như 75 kilô."

Điều 3

Điều 28 bản điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp nay sửa đổi như sau:

"Điều 28 mới: Thuế nông nghiệp có thể được giảm hoặc miễn nếu mất mùa vì lụt, hạn, sâu bọ hoặc hư hỏng vì chiến sự. Việc giảm hay miễn thuế do UBKCHC Liên khu đề nghị lên Chính phủ quyết định.

UBKCHC Liên khu được Chính phủ ủy quyền quyết định về các việc xin giảm hoặc miễn thuế trong phạm vi một huyện; sau khi quyết định phải báo cáo lên Chính phủ.

Thuế được giảm căn cứ vào sự thiệt hại so với tổng số thu hoạch theo các tỷ lệ sau đây:

- Thiệt hại không tới 20% tổng số thu hoạch: Không được giảm thuế.

- Thiệt hại từ 20% đến 30%: được giảm 20%

- Thiệt hại từ trên 30% đến 40%: --------- 30%

- ----------------- 40% đến 50%: --------- 40%

- ----------------- 50% đến 60%: --------- 70%

- ----------------- 60% đến 70%: --------- 80%

- Thiệt hại trên 70% được miễn thuế.

Tỷ lệ thiệt hại của mỗi nông hộ sẽ do nhân dân xã bình nghị, do UBKCHC xã xét lại và trình lên UBKCHC tỉnh xét và nhận thực."

Điều 4

Những điều sửa đổi trên đây sẽ thi hành từ vụ thuế năm 1952.

Điều 5

Bộ trưởng Bộ Tài chính chiểu sắc lệnh thi hành".

(Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)

127. Thư gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam

Thân ái gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam,

Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời.

Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng.

Hội chữ thập đỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn bị gửi tặng đồng bào bị nạn một số gạo, vải và thuốc gọi là no đói có nhau, sẻ cơm nhường áo.

Đồng bào ta sẵn có truyền thống anh hùng, không vì tai họa mà nản chí. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, anh dũng vượt mọi khó khăn, mau chóng hàn gắn vết thương do bão lụt vừa qua gây nên, ổn định đời sống. Đồng thời đồng bào sẽ ra sức cùng toàn thể nhân dân miền Nam kề vai sát cánh tiếp tục cuộc đấu tranh gian khổ và tất thắng để giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3883, ngày 17-11-1964).

128. Bài nói chuyện tại Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Thái Bình

Bác thay mặt Chính phủ, Trung ương Đảng về thăm đồng bào, cán bộ, các cụ và các cháu tỉnh nhà.

Trong kháng chiến, đồng bào, bộ đội và cán bộ Thái Bình đã anh dũng đánh giặc. Hòa bình lập lại, đã cố gắng và có thành tích trong công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa. Như về bình dân học vụ, thị xã Thái Bình và 17 xã 4 huyện đã thanh toán nạn mù chữ nhưng mới làm xong về căn bản, còn phải cố gắng nữa. Phong trào vệ sinh phòng bệnh cũng khá, cần chú ý đảm bảo sức khỏe cho dân, có khỏe mạnh mới sản xuất tốt. Về sản xuất, do cố gắng của đồng bào và cán bộ, vụ mùa năm nay tốt hơn năm ngoái. Tổ đổi công và hợp tác xã có phát triển, cán bộ thì tham gia lao động sản xuất và lãnh đạo sát hơn, lại có sáng kiến như “sạch làng tốt ruộng”, như thế là tốt. Nhưng chớ chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, chú ý diệt chuột trừ sâu, phòng bão. Phải chuẩn bị gặt nhanh, gặt tốt, gặt kỹ chớ để thóc lúa rơi vãi.

Trên là những ưu điểm, còn những khuyết điểm sau đây cần sửa chữa:

- Lãnh đạo thiếu liên tục, thiếu toàn diện, lúc đầu kém tích cực, không kịp thời tổng kết và phổ biến kinh nghiệm.

- Có một số đồng bào, cán bộ còn bảo thủ, sợ khó, còn một số ruộng cấy chay, muốn nhiều thóc lại cấy chay thì không ăn thua.

- Tổ đổi công phát triển nhiều nhưng chất lượng kém, việc đào sông chống hạn còn ỷ lại chờ trời, muốn Chính phủ giúp mới chịu làm.

- Thấy vụ mùa tốt, một số đồng bào chủ quan, có thừa thì ăn tiêu không tiết kiệm.

Vụ Đông - Xuân này phải thi đua làm tốt hơn vụ mùa, chú trọng lúa nhưng phải chú ý làm tốt hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi.

Bây giờ chúng ta ra sức làm sao vụ chiêm này khá hơn vụ mùa, vụ mùa sau khá hơn vụ chiêm. Để nắm chắc vụ Đông - Xuân thắng lợi, cần chú ý 7 điểm:

1. Ra sức giữ nước cho ruộng.

2. Chọn giống tốt.

3. Cày sâu, bừa kỹ.

4. Bón phân nhiều (Tỉnh nhà có tiến bộ, trước bón phân ít, nay đã bón nhiều: 125 gánh một mẫu ta, nhưng chưa nhiều, như thế là còn ít...).

5. Cấy dày.

6. Cải tiến kỹ thuật.

7. Ra sức chống thiên tai như hạn hán, sâu chuột. Để làm tốt những việc đó cần phải thực hiện 6 điểm:

1.  Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã. Phát triển đến đâu củng cố tốt đến đấy. Xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã cũng như bện cái dây thừng, thừng càng nhiều sợi chắp lại càng mạnh, càng bền, càng tốt, kéo gì cũng nổi. Hiện nay Thái Bình có tổ có 5 hộ, có tổ 15 hộ, như vậy còn nhỏ.

Xây dựng tổ đổi công phải theo nguyên tắc tự nguyện tự giác không gò ép. Các tổ nhỏ thoả thuận với nhau hợp thành tổ vừa, tổ vừa cũng theo nguyên tắc tự nguyện hợp lại thành tổ lớn, tiến dần lên hợp tác xã.

Cán bộ các ngành của Chính phủ và Đảng (tuyên truyền, văn hóa, giáo dục, mậu dịch, ngân hàng, v.v.) đều phải làm tròn nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp, muốn phục vụ tốt phải đi sát xuống nông thôn.

2. Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người phải quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được.

3. Cán bộ lãnh đạo phải nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân. Mọi người phải có quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được, quyết tâm ví như nhựa trong cây, nếu nhựa đi từ trong cây ra cành cây thì cây xanh tốt, cành cây nào không có nhựa sẽ bị khô héo, không có lá, có quả. Cán bộ cần làm ruộng thí nghiệm, có rút kinh nghiệm mới thấy cái tốt cái xấu; cái tốt đồng bào sẽ làm theo. Cán bộ tỉnh huyện cần sắp xếp có thời giờ tham gia sản xuất với đồng bào, phải đi sâu đi sát thực tế, tránh quan liêu tự mãn.

4. Tất cả đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, anh em bộ đội phục viên, chiến sĩ lao động, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng phải làm gương mẫu, làm đầu tàu. Các cụ phụ lão thì ra sức đôn đốc con cháu thi đua.

5. Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết chặt chẽ thành một khối ra sức thi đua.

Trong kháng chiến, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là đánh giặc thực dân, nhờ có đoàn kết nhất trí chúng ta đã thắng. Hiện nay nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hai cái đó phải đi đôi, nếu không thì làm được chừng nào xài hết chừng ấy. Đồng bào Thái Bình tăng gia thì khá nhưng còn tiết kiệm thì phải đánh dấu hỏi. Đồng bào đã tiết kiệm chưa? Phải tiết kiệm nhiều cái nhỏ thành cái to, như thế là trực tiếp góp phần xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc, có làm được không?

Tất cả đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải vào tổ đổi công, hợp tác xã, nay còn trên 6.000 đảng viên chưa vào, như vậy là chưa làm tròn nhiệm vụ. Bác tin đồng bào, cán bộ có thể làm được những điều hứa với Bác.

Trong vụ mùa này và vụ chiêm tới, đơn vị nào khá nhất huyện, huyện nào khá nhất tỉnh, sẽ có giải thưởng.

Bác gửi lời thăm đồng bào và cán bộ các địa phương.

(Trích trong trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: