1. Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân
Thưa các đồng chí,
Tất cả các đồng chí đều đã nói về tình hình của nông dân trong đất nước các đồng chí. Tôi sẽ không làm tròn bổn phậncủa tôi nếu có được quyền đến đây với các đồng chí mà tôi lại không nói một đôi lời về tình cảnh của nông dân tại đất nước tôi.
Để minh họa với các đồng chí tình cảnh của nông dân Đông Dương, tôi phải đưa ra một sự so sánh: Một bên là người nông dân Nga và một bên nữa là người nông dân Đông Dương. Nông dân Nga giống như một người ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành, còn nông dân An Nam lại giống như một người bị trói vào một chiếc cột, đầu ngược xuống đất. Nói thế không phải là nói phóng đại đâu, sau đây các đồng chí sẽ thấy rõ. Khi các đồng chí đi qua Hồng trường, các đồng chí thấy có khắc một dòng chữ "Nhà thờ là thuốc phiện của thế giới"; nhưng chúng tôi, nhờ nền văn minh phương Tây mà chúng tôi có cả nhà thờ lẫn thuốc phiện.
Về thuốc phiện, tôi sẽ xin chỉ kể lại với các đồng chí rằng mỗi năm chính quyền Pháp ở thuộc địa đã bán cho dân An Nam gồm 20 triệu người, trên 400 triệu đôla thuốc phiện. Và mặt khác, người ta đã tính ra rằng cứ 1.000 ty bán rượu và thuốc phiện thì không có được lấy 10 trường học. Đấy là những sự thật.
Bây giờ, tôi xin nói vắn tắt với các đồng chí về chuyện nhà thờ.
Tôi đã nói với các đồng chí rằng những tên thực dân đã tước đoạt người An Nam như thế nào. Bây giờ, tôi xin nói để các đồng chí biết nhà thờ Kitô đã tước đoạt nông dân như thế nào.
Trong cuộc xâm chiếm Đông Dương thì chính những nhà truyền đạo Thiên chúa đã đi do thám để báo cho đội quân chiếm đóng biết những kế hoạch phòng thủ của nước chúng tôi. Cũng chính những nhà truyền đạo đã dẫn đường những đội quân tấn công, cũng chính lại là những nhà truyền đạo đã lợi dụng tình trạng lộn xộn của đất nước để ăn cắp những văn bản chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân này nọ hay của một làng nào đó. Khi hòa bình được lập lại, nông dân trở về thì tất cả ruộng đất đều đã bị các nhà truyền đạo nắm được các văn bản nói trên, chiếm mất. Chính bằng cách đó, mà ở Nam Kỳ những nhà truyền đạo Thiên chúa có được trên một phần tư những đất đai cày cấy được. Ở Campuchia, các nhà truyền đạo nắm trên một phần ba ruộng đất; ở Bắc Kỳ, chỉ riêng ở thủ phủ, trong thành phố Hà Nội, các nhà truyền đạo có những bất động sản rộng bao la.
Họ có được của cải và chiếm hữu ruộng đất của nông dân không phải chỉ bằng cách đó. Các đồng chí đều biết rằng trong các nước ven biển, nhất là trong những nước ở Viễn Đông, thường xảy ra giông bão và lụt lội làm cho mùa màng thất bát; các nhà truyền đạo lợi dụng những dịp đó để ứng trước tiền cho nông dân với những tỷ suất lãi rất nặng và một thời hạn rất ngắn. Biết rõ ràng làm như vậy thì nông dân không bao giờ có thể trả nợ được, nên các nhà truyền đạo đòi nông dân phải đem ruộng đất ra bảo đảm. Thế là khi đến thời hạn trả nợ, thì toàn bộ ruộng đất của nông dân đều rơi vào tay các nhà truyền đạo.
Các đồng chí đã thấy bọn thực dân bóc lột nông dân như thế nào và các giáo sĩ tước đoạt nông dân như thế nào.
Bây giờ, còn có những kẻ bóc lột khác nữa, chẳng hạn như nhà nước. Dù mùa màng có xấu đến mức nào đi nữa, nông dân An Nam vẫn cứ phải đóng thuế; để đóng được thuế, nông dân phải bán mùa màng của mình đi; để khỏi bị bỏ tù (hễ đóng thuế chậm là họ bị bỏ tù), họ phải bán non mùa màng của họ, nghĩa là bán trước khi gặt; họ bán cho bọn lái buôn theo cách ước lượng bằng mắt. Bằng cách đó bọn lái buôn mua được lúa trước khi gặt bằng một giá rất rẻ và sau đó đem bán lại rất đắt. Như vậy là người nông dân An Nam không phải chỉ bị trói vào một chiếc cột như tôi đã trình bày với các đồng chí, mà họ bị đóng đinh câu rút bởi bốn thế lực liên hợp là: Nhà nước, tên thực dân, nhà thờ và tên lái buôn.
Chắc là các đồng chí sẽ hỏi rằng tại sao nông dân An Nam không tổ chức nhau lại, không làm như các đồng chí là thành lập hợp tác xã. Chỉ là vì họ không có thể làm như vậy được.
Tôi phải nói với các đồng chí rằng chúng tôi bị cai trị bởi một chế độ nô lệ. Chúng tôi không được quyền xuất bản báo. Chúng tôi không được quyền tự do đi lại; chẳng hạn như chúng tôi không thể đi từ Mátxcơva đến Pêtơrôgrát được, chúng tôi phải xin được một tờ giấy thông hành, nếu không họ sẽ bắt giữ và ném chúng tôi vào tù. Cũng vậy, chúng tôi không được quyền hội họp nghĩa là chúng tôi không được quyền họp với nhau trên 4 hoặc 5 người nếu không có một giấy phép đặc biệt của cơ quan cai trị Pháp.
Tôi cũng xin nhắc lại rằng các đồng chí đã lên tiếng chống chiến tranh, đòi hòa bình; các đồng chí đã nói đến một chính quyền vô sản và việc lật đổ chủ nghĩa tư bản. Nhưng tất cả những điều các đồng chí nói ở đây sẽ trở thành vô ích, nếu các đồng chí quên mất cái yếu tố quân phiệt thực dân. Các đồng chí đều biết những sự kiện. Trong chiến tranh thế giới, chỉ riêng ở nước Pháp, người ta đã đưa từ các thuộc địa về gần một triệu người bản xứ để tham gia chiến tranh. Trong những năm 1916 - 1917, người ta đã chở về 2 tỷ tấn ngũ cốc, trong khi những dân bản xứ ở châu Phi và ở Đông Dương đang chết đói.
Thưa các đồng chí, để kết thúc, tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa lànhững người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí (vỗ tay).
(Phát biểu chiều 13-10-1923, bản chụp lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).
2. Chuẩn bị Thu đông cho nhân dân và bộ đội
...
3. Phải tiết kiệm gạo
Mùa lúa vừa rồi hơi kém. Năm nay lại hai tháng 7. Ngô, khoai, sắn năm nay cũng không nhiều. Thế là lương thực sẽ eo hẹp.
Vậy chúng ta phải tiết kiệm, để nhân dân và bộ đội đủ ăn đến mùa sau.
Nếu ta ăn tiêu bừa bãi, thì chắc thiếu.
Nếu nhân dân thiếu ăn, thì không làm việc được, bộ đội thiếu ăn thì không đánh giặc được.
4. Tiết kiệm thế nào?
- Không phí phạm một hột gạo, hột ngô. Không phí phạm một củ khoai, củ sắn.
- Phải ăn một phần cơm, một phần ngô, khoai, sắn. Hoặc vài bữa cơm, một bữa ngô, khoai.
- Chớ nấu rượu bằng gạo. Chớ đám tiệc ăn chơi. Cất giấu phải cẩn thận, chớ để hư hỏng.
- Mỗi nhà phải tự hạn chế việc ăn tiêu. Nếu cần thì ăn bữa cơm, bữa cháo.
Trung du có chiến sự, thì nhân dân Việt Bắc lại phải tiết kiệm hơn nữa.
5. Lo làm mùa sau
Ngay bây giờ phải lo làm mùa sau cho đủ ăn.
Việt Bắc đất rộng, nhưng vì làm ít, cho nên thu hoạch không được nhiều. Vậy chúng ta phải thi đua làm nhiều hơn để cho nhân dân và bộ đội đủ ăn. Bao nhiêu ruộng, rẫy, vườn, phải làm hết, chớ bỏ hoang đất nào.
- Trai, gái, già, trẻ đều phải làm. Chớ ngồi ăn không.
- Phải tổ chức cách đổi công, làm chung. Cách ấy đã lợi công, lại được việc hơn.
- Phải cố gắng chăn nuôi gà vịt, lợn, bò.
- Làm chỗ nào, làm cái gì, thì phải làm thật kỹ, phải săn sóc luôn luôn.
6. Không để một hột gạo cho giặc
Ta đã thiếu thốn, nếu lại để mất một hột gạo cho giặc, tức là có tội với đồng bào, với bộ đội.
Vậy ở vùng tạm bị giặc chiếm, nhân dân ta phải:
- Làm vườn không nhà trống hẳn hoi.
Lương thực phải cất giấu rất kín đáo, rất bí mật. Nếu cần, thì gửi Chính phủ cất giữ giùm.
- Cấm bán lương thực cho giặc, cho bọn buôn lậu.
Vùng gần mặt trận, thì phải chuẩn bị sẵn sàng làm vườn không nhà trống. Chỉ để trong nhà vừa ăn hàng ngày thôi.
Vùng ở xa mặt trận, cũng phải chuẩn bị làm vườn không nhà trống, vì giặc có thể nhảy dù bất thình lình.
Đó là những điều phải làm ngay để cho nhân dân và bộ đội đủ ăn trong mùa thu đông sau này.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5)
3. Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm
Năm 1951, Chính phủ đã nêu cao công tác kinh tế tài chính, đặc biệt là công tác thuế nông nghiệp, coi đó là công tác trung tâm của Chính phủ. Nhờ đó mà năm nay, Chính phủ đặt được kế hoạch sản xuất và tiết kiệm.
Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi. Cho nên, ở vùng tự do, thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là công tác trung tâm của nhân dân, của Chính phủ và của Đoàn thể. Ở vùng du kích và căn cứ du kích, đó là một công tác rất quan trọng.
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, chúng ta phải gây một phong trào quần chúng sâu rộng và bền bỉ. Phải tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân hăng hái tham gia công việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi gia đình đều nên ký giao kèo thi đua thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm riêng của mình để hoàn thành kế hoạch chung của Chính phủ.
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, các cơ quan, bộ đội, nhà máy, trường học, v.v.. phải chống nạn tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của, sức lực và thời giờ của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí.
Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, để làm cho dân giàu, nước mạnh. Có như thế nhân dân mới càng thấy Chính phủ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, Chính phủ là Chính phủ của nhân dân. Như thế, nhân dân sẽ càng hăng hái đoàn kết và kháng chiến.
Cán bộ kinh tế và tài chính, cán bộ nông hội và công đoàn là những chiến sĩ phải xung phong trên mặt trận sản xuất và tiết kiệm. Cán bộ các ngành khác cần phối hợp chặt chẽ công tác của mình với công tác sản xuất và tiết kiệm.
Khẩu hiệu chung của chúng ta là:
- Bộ đội thi đua diệt giặc lập công,
- Nhân dân thi đua sản xuất, tiết kiệm.
Bộ đội ta đã liên tiếp chiến đấu bền bỉ suốt 3 tháng ở chiến trường Hòa Bình và khắp nơi, và đã thắng to. Đồng bào và cán bộ ta phải thi đua với bộ đội, phải ra sức thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm để bồi dưỡng và tích trữ lực lượng cho quân và dân ta đánh thắng hơn nữa, đánh thắng hơn mãi, cho đến ngày kháng chiến thắng lợi hoàn toàn.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 50, ngày 20-3-1952).
4. Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt
Hỡi đồng bào yêu quý,
Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói "thủy, hỏa, đạo, tặc". Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm. Chính phủ đã cố gắng săn sóc đê điều. Như thế cũng chưa đủ. Toàn thể đồng bào phải hăng hái giúp Chính phủ trong công việc hộ đê cũng như đang giúp Chính phủ trong công việc kháng chiến.
Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình.
"Lụt thì lút cả làng,
Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo".
Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê.
Hễ chỗ nào sạt thì phải dồn tất cả lực lượng đến đó mà sửa chữa ngay. Làng này phải giúp làng khác. Vùng này phải giúp vùng khác.
Mỗi nhà lại cần đan thuyền và bắc sàn ngay. Chớ để nước đến chân mới nhảy.
Các bộ đội, dân quân, tự vệ phải cố gắng giúp đồng bào những công việc đó. Các Ủy ban Kháng chiến, Ủy ban Hành chính, các đoàn thể phải phụ trách tuyên truyền, cổ động, khuyên bảo, nhắc nhủ đồng bào làm những công việc đó.
Các anh em nhân viên Công chánh phải hăng hái chịu khó, thiết thực hợp tác với các cơ quan, các đoàn thể để bày vẽ và kiểm soát những công việc đó. Nơi nào làm những việc đó xong trước hết, chu đáo hơn hết, thì các cơ quan địa phương phải lập tức báo cáo lên, Chính phủ sẽ có khen thưởng.
Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5)
5. 6 điều không nên và 6 điều nên làm
Nước lấy dân làm gốc.
Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân, vậy tất cả anh chị em các bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể, trong khi tiếp xúc hoặc sống chung với nhân dân, ai ai cũng phải nhớ và thực hành 12 điều sau đây:
6 điều không nên:
1. Không nên làm điều gì có thể thiệt đến nương vườn, hoa màu, hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân.
2. Không nên năn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn.
3. Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược.
4. Không bao giờ sai lời hứa.
5. Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà).
6. Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ.
6 điều nên làm:
1. Giúp công việc thực tế hàng ngày cho đồng bào (như việc gặt hái, lấy củi, nước, vá may, v.v.).
2. Tùy khả năng mà mua giùm những đồ cần dùng cho những người ở xa chợ búa (như dao, muối, kim, chỉ, bút, giấy, v.v.).
3. Nhân những lúc rảnh, kể cho đồng bào nghe những chuyện vui ngắn, giản dị có ích lợi cho tinh thần kháng chiến mà không lộ bí mật.
4. Dạy dân chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức.
5. Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín.
6. Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật.
Bài thơ cổ động
Mười hai điều trên,
Ai làm chả được.
Hễ người yêu nước,
Nhất quyết không quên.
Tập thành thói quen,
Muôn người như một.
Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5)
Tâm Trang (tổng hợp)
6. Phát biểu tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản
Các thuộc địa Pháp chiếm một diện tích rộng 10.211.510 km2 với số dân là 55.571.000 người ở rải khắp bốn lục địa. Dù có sự khác nhau về chủng tộc, khí hậu, tập quán, truyền thống, về trình độ phát triển kinh tế và xã hội, song có hai điểm chung làm cho các nước thuộc địa giống nhau và sau này có thể đi tới thống nhất để cùng đấu tranh:
1. Tình hình kinh tế: Trong tất cả các thuộc địa Pháp, công nghiệp và thương nghiệp phát triển rất yếu ớt và nhân dân hầu hết làm nghề nông, 95% số dân bản xứ là nông dân.
Ở tất cả các nước thuộc địa, nhân dân bản xứ đều bị tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp bóc lột không ngừng. Tôi không có thì giờ phân tích kỹ lưỡng về tình hình nông dân từng nước thuộc địa. Vì vậy, tôi chỉ lấy một vài thí dụ điển hình để chúng ta có một ý niệm về tình cảnh nông dân các nước thuộc địa.
Tôi xin bắt đầu từ nước tôi, Đông Dương là nước tôi biết rõ hơn cả.
Khi Pháp đánh chiếm thuộc địa này, chiến tranh đã làm cho nông dân phải rời bỏ làng mạc của họ. Sau đó, khi họ trở về thì đã thấy ruộng đất của họ bị bọn chủ đồn điền, theo sau quân đội chiến thắng, chiếm mất. Thậm chí chúng đã chia nhau cả những đất đai mà nông dân bản xứ đã cày cấy từ bao đời nay. Như vậy là nông dân An Nam đã biến thành nông nô và buộc phải cày cấy ruộng đất của chính mình cho bọn chủ nước ngoài. Nhiều người trong những người xấu số này vì không chịu sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt do những kẻ chiếm đoạt đưa ra, nên đã bỏ ruộng đất của mình và lang thang nay đây mai đó khắp nước; người Pháp gọi họ là "giặc cướp" và tìm đủ mọi cách truy nã họ.
Ruộng đất cướp được bằng cách ấy đã được đem chia cho bọn chủ đồn điền. Chỉ cần xin một tiếng là bọn chúng có thể được hưởng những khoảnh đất có khi trên 2 vạn và 2,5 vạn ha. Những tên chủ đồn điền này không những chiếm không ruộng đất mà còn chiếm không cả mọi thứ cần thiết để khai thác số ruộng đất đó, kể cả sức lao động. Chính quyền cho phép chúng sử dụng một số tù khổ sai làm không công, hoặc bắt các xã phải cung cấp nhân lực cho các chủ đồn điền.
Bên cạnh chính quyền lang sói đó, cần phải nói tới nhà chung. Chỉ riêng giáo hội Thiên Chúa đã chiếm 1/4 diện tích cày cấy ở Nam Kỳ. Để chiếm số ruộng đất đó, nhà chung đã dùng những phương pháp không thể tưởng tượng được là mua chuộc, lừa đảo và cưỡng bức. Đây là một vài thí dụ. Lợi dụng lúc mất mùa, nhà chung cho nông dân vay tiền nhưng bắt buộc họ phải cầm ruộng. Tiền lãi quá cao làm cho nông dân không sao trả hết nợ, nên buộc phải bán đứt số ruộng cầm trước cho nhà chung. Bằng mọi thủ đoạn tàn ác, nhà chung cố tìm ra đủ mọi thứ tài liệu mật có thể gây nguy hại cho những nhà cầm quyền. Lợi dụng những giấy tờ đó làm công cụ đe doạ, nhà chung đạt được tất cả những gì họ muốn. Nhà chung lập hội với bọn tư bản lớn để khai khẩn những đồn điền chiếm không và những ruộng đất cướp được của nông dân. Bọn tay chân của nhà chung giữ những chức cao trong chính phủ. Nhà chung cũng bóc lột "con chiên" một cách tàn nhẫn không kém chủ đồn điền. Một thủ đoạn khác của nhà chung là tập hợp những người ăn xin, bắt họ khai khẩn đất mới và hứa là sau khi khai khẩn xong sẽ chia cho họ. Nhưng khi ruộng đất mới vừa khai khẩn xong và sắp được gặt, thì nhà chung tuyên bố là ruộng đất này thuộc về nhà chung và đuổi những người đã dùng sức lao động của mình làm cho ruộng đất ấy được phì nhiêu. Bị những kẻ "bảo hộ" họ (ở trong tôn giáo hay ở ngoài tôn giáo) cướp bóc, nông dân An Nam thậm chí không thể yên ổn làm ăn trên phần ruộng đất ít ỏi còn lại của mình. Người ta bắt những người đo đạc phải đo ruộng đất của nông dân không đúng để bắt họ phải đóng thuế khống. Thuế ruộng đất mỗi năm một tăng. Mới đây, khi chiếm hàng nghìn hécta của người An Nam ở miền ngược để giao cho bọn đầu cơ, các nhà cầm quyền đã phái máy bay đến để những nạn nhân bị cướp bóc ở đấy không dám nghĩ đến nổi loạn.
Những người nông dân bị cướp bóc, phá sản và bị đuổi đi nơi khác lại tìm cách khai khẩn đất để làm ruộng. Nhưng khi đất mới vừa khai khẩn xong thì chính quyền lại chiếm lấy và buộc nông dân phải mua lại theo giá do chính quyền định. Ai không đủ sức mua thì bị đuổi đi một cách tàn nhẫn.
Năm ngoái, mặc dù đất nước bị nạn lụt tàn phá, thế mà thuế ruộng đất vẫn tăng ngay một lúc lên 30%.
Ngoài những thứ thuế bất công làm cho nông dân bị phá sản, nông dân còn phải đi phu, đóng thuế thân, thuế muối, đóng công trái cưỡng bức, lạc quyên và v.v..
Chủ nghĩa tư bản Pháp cũng thực hiện chính sách ăn cướp và bóc lột như vậy ở Angiêri, Tuynidi, Marốc. Tất cả những ruộng đất tốt và được tưới nước thì phải để cho bọn thực dân di cư tới chiếm. Dân bản xứ bị đuổi đi, họ phải tìm nơi nương tựa ở những vùng ven núi hay những nơi ruộng đất khó làm ăn. Các công ty tài chính, bọn đầu cơ và quan lại cao cấp chia nhau ruộng đất của các thuộc địa.
Do những hoạt động trực tiếp và gián tiếp, các ngân hàng Angiêri và Tuynidi năm 1914 đã thu được 12.258.000 phrăng tiền lời với số vốn là 25 triệu phrăng. Ngân hàng Marốc với số vốn là 15.400.000 phrăng, năm 1921 đã thu được 1.753.000 phrăng tiền lời. Công ty Pháp - Angiêri chiếm 324.000 ha ruộng đất tốt nhất. Tổng công ty Angiêri chiếm 10 vạn ha. Một công ty tư nhân đã chiếm khoảng 5 vạn hécta rừng, còn công ty phốt phát và đường sắt Cápde thì đã chiếm 5 vạn hécta có nhiều mỏ quặng và lại có quyền ưu tiên đối với 2 vạn ha chung quanh khu vực này.
Một cựu nghị sĩ Pháp đã chiếm một đồn điền 1.125 ha có quặng mỏ, trị giá là 10 triệu phrăng, thu nhập hằng năm là 4 triệu phrăng. Dân bản xứ, người chủ của những mỏ quặng này, mỗi năm chỉ thu hoạch được 1% phrăng mỗi hécta.
Chính sách thực dân của Pháp đã thủ tiêu quyền chiếm hữu công cộng và thay thế bằng quyền chiếm hữu tư nhân. Nó cũng thủ tiêu quyền chiếm hữu nhỏ, làm lợi cho quyền chiếm hữu đồn điền lớn. Nó đã làm cho nông dân bản xứ mất hơn 5 triệu ha ruộng đất tốt nhất.
Trong 15 năm, nông dân ở Cabili bị cướp mất 192.090 ha. Từ năm 1913, mỗi năm nông dân Marốc bị cướp mất 12.500 ha ruộng đất cày cấy. Từ khi Pháp thắng trong cuộc chiến tranh "vì công lý", con số đó tăng lên tới 14.540 ha.
Hiện nay ở Marốc chỉ có 1.070 người Pháp mà chiếm tới 500.000 ha ruộng đất. Cũng như những người anh em của họ là nông dân An Nam, nông dân châu Phi phải chịu cảnh cơ cực không thể chịu nổi, phải lao dịch liên miên và phải gánh những thứ thuế má nặng nề. Sự cùng khổ của họ không sao tả xiết. Thiếu lương thực nên họ phải ăn những thứ rau cỏ dại hay thóc gạo mục nát, vì thế mà bệnh sốt, thương hàn, bệnh lao hoành hành trong nhân dân. Ngay những năm được mùa cũng thấy có nông dân đi bới những đống rác ở thành thị, tranh thức ăn thừa với chó. Còn khi mất mùa thì xác chết nông dân ngổn ngang ngoài đồng và trên đường.
Tình cảnh của nông dân ở miền Tây châu Phi và châu Phi xích đạo thuộc Pháp còn khủng khiếp hơn nữa. Gần 40 công ty chiếm những thuộc địa này. Họ chiếm tất cả: Ruộng đất, tài nguyên thiên nhiên, cả sinh mạng của dân bản xứ nữa. Nhân dân bản xứ thậm chí không có quyền làm việc cho mình. Họ buộc phải làm việc cho các công ty, bao giờ cũng thế và chỉ được làm việc cho các công ty mà thôi. Để bắt họ phải làm không công, các công ty đã dùng thủ đoạn cưỡng bức vượt quá sức tưởng tượng. Tất cả ruộng đất đều bị tịch thu hết. Chỉ có người nào chịu làm công việc do các công ty ấy đòi hỏi thì mới được một phần ruộng nhỏ. Ăn uống thiếu thốn đã làm cho họ mắc đủ thứ bệnh tật và chết rất nhiều, nhất là trẻ con.
Một phương pháp khác là bắt ông già, phụ nữ và trẻ con làm con tin. Chúng giữ những người này trong những căn nhà chật chội, đối xử tàn tệ, hành hạ họ, bắt nhịn đói và nhiều khi giết họ nữa. Ở một vài địa phương, số người bị bắt làm con tin thường xuyên lại nhiều bằng số người làm việc để đề phòng mọi mưu toan của những người làm việc tìm cách chạy trốn. Để công việc ở các đồn điền khỏi bị đình trệ, người ta cấm dân bản xứ không được cày cấy ruộng của mình kịp thời. Do đó, nạn đói và bệnh dịch thường xảy ra, tàn phá các thuộc địa.
Nếu một vài bộ lạc trốn vào rừng và tránh được ách bóc lột của bọn chủ đồn điền thì họ phải sống chẳng khác gì thú vật, họ ăn rễ củ và lá cây, chết vì sốt rét, vì khí hậu. Trong lúc ấy thì bọn chủ da trắng tàn phá đồng ruộng và làng mạc của họ để khủng bố. Sau đây là một đoạn trong cuốn sổ tay công vụ của một sĩ quan tả một cách vắn tắt, rõ ràng và thê thảm sự đàn áp nông dân bản xứ: Hành binh càn quét làng Côevan. Hành binh càn quét làng Phanốp Cunô, làng và vườn trại bị tàn phá. Hành binh càn quét làng Bêcannixơ, làng bị đốt trụi, 3.000 cây chuối bị chặt. Hành binh càn quét làng Cua, làng bị phá, vườn trại hoàn toàn bị phá trụi. Hành binh càn quét làng Abimaphan, tất cả nhà cửa đều bị đốt, vườn trại bị phá. Hành binh càn quét làng Examphami, làng bị phá. Các làng ven sông Bôm đều bị đốt.
Tại những miền châu Phi thuộc Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bồ Đào Nha cũng có một chế độ cướp bóc, làm phá sản, giết chóc và tàn phá một cách khủng khiếp như vậy. Ở Cônggô thuộc Bỉ, năm 1891 dân số là 25 triệu, thế mà đến năm 1911 chỉ còn có 8,5 triệu. Những bộ lạc Hererô và Cama ở thuộc địa cũ của Đức tại châu Phi đã hoàn toàn bị tiêu diệt, 8 vạn người bị giết trong thời gian Đức chiếm đóng và 15.000 người bị giết trong thời kỳ "bình định" năm 1914. Cônggô thuộc Pháp năm 1894 có 20.000 dân, thế mà đến 1911 chỉ còn có 9.700 người. Trong một vùng, năm 1910 có 10.000 dân, sau đó 8 năm chỉ còn được 1.080 người. Trong một vùng khác với 4 vạn dân da đen, chỉ trong 2 năm đã có 2 vạn người bị giết, nửa năm sau 6.000 người nữa lại bị giết và bị thương tật. Những vùng ven sông trù phú và đông đúc dân cư, chỉ sau 15 năm đã biến thành những miền hoang vu. Những mảnh xương tàn đã rải rác trắng khắp các ốc đảo và làng mạc bị tàn phá.
Tình cảnh những người còn sống sót thật khủng khiếp: Nông dân bị cướp mất phần ruộng bé nhỏ "để dành" của mình, thợ thủ công mất nghề, còn người chăn nuôi thì mất súc vật. Dân Matabêle là dân chăn nuôi nhiều súc vật trước khi người Anh đến, họ có tới 20 vạn súc vật có sừng. Hai năm sau chỉ còn 40.900 con. Dân Hererô có 9 vạn súc vật, trong vòng 12 năm bọn thực dân Đức đã cướp mất một nửa. Những trường hợp tương tự như vậy, xảy ra rất nhiều trong tất cả các nước da đen đã tiếp xúc với văn minh của người da trắng.
Để kết luận, tôi xin lấy một dẫn chứng của một người da đen là Rơnê Marăng, tác giả cuốn Batuala. Ông ta nói: "Châu Phi vùng xích đạo là nơi dân cư đông đúc, giàu cao su, ở đây có đủ các loại vườn trại trồng cây, gà và dê rất nhiều. Chỉ sau 7 năm mọi cái đều bị phá hoại. Làng mạc tan tành, vườn trại hoang tàn, gà và dê bị giết. Nhân dân bản xứ kiệt sức vì phải làm việc nặng nhọc liên miên và không công nên không đủ sức và không còn thời gian, dù là rất ít, để cày cấy ruộng đất. Bệnh tật phát sinh, nạn đói hoành hành, số người chết càng nhiều...
Nên biết rằng họ là con cháu của một bộ lạc khoẻ mạnh, thiện chiến, dẻo dai và đã được tôi luyện. Ở đây, nền văn minh đã tiêu tan...". Để bổ sung bức tranh bi thảm này, tôi xin thêm một điểm là chủ nghĩa tư bản Pháp không hề ngần ngại đẩy cả một khu vực vào cảnh đói kém, nếu việc đó có lợi cho nó. Trong nhiều nước thuộc địa, ví dụ như Rêuyniông, Angiêri, Mađagátxca, v.v., người ta không trồng ngũ cốc nữa, mà lại phải trồng những thứ khác cần cho nền công nghiệp của Pháp. Những thứ này có lợi hơn cho chủ đồn điền. Điều đó làm cho đời sống ở thuộc địa rất đắt đỏ và luôn luôn xảy ra nạn đói.
Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.
(Trích trong cuốn Đại hội toàn thế giới lần thứ V Quốc tế Cộng sản)
7. Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất
(Trích)
1. Trách nhiệm của cán bộ cung cấp thế nào?
Mỗi người cán bộ cung cấp nói riêng và Tổng cục cung cấp nói chung, phải phụ trách trước bộ đội, trước nhân dân, trước Đảng, trước Chính phủ. Nhân dân thi đua đóng góp cho Chính phủ, Chính phủ lo ngày lo đêm giao cho các chú cung cấp cho bộ đội. Bộ đội mong chờ các chú. Các chú làm tròn trách nhiệm là tốt. Các chú làm không tròn là có lỗi với Đảng, với Chính phủ, với bộ đội, với nhân dân. Muốn làm tròn nhiệm vụ, cán bộ cung cấp trước hết phải có tinh thần trách nhiệm, cố gắng vượt mọi khó khăn làm cho bộ đội no ấm, đủ súng đạn, đủ sức khỏe để đánh giặc.
2. Tăng gia sản xuất và tiết kiệm.
Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội.
Trước hết nói về tăng gia sản xuất. Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tăng gia. Bộ đội đánh thắng giặc thu được nhiều chiến lợi phẩm, đấy cũng là tăng gia.
Các chú đã hiểu rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, muốn thắng lợi phải trường kỳ gian khổ, muốn trường kỳ phải tự lực cánh sinh. Tăng gia là một bộ phận trong chính sách tự lực cánh sinh.
Nói chung tiết kiệm cái gì? Tiết kiệm sức người như dân công, tiết kiệm tiền, tiết kiệm của. Mọi thứ đều phải tiết kiệm, tăng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia thì lấy gì mà tiết kiệm? Mục đích tiết kiệm không phải là bớt ăn, mà là thêm ăn, làm cho bộ đội no. Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức.
Để giúp cho việc tăng gia và tiết kiệm thành công, việc chi thu phải đúng mức, đi đến thu nhiều chi ít, nhưng chúng ta phải đi dần dần, bây giờ phải chi thu đúng mức. Làm việc gì phải làm cho kết quả, trong phạm vi số tiền đã định, nếu làm tròn việc ấy mà không hết số tiền đã định là các chú có công. Khoản nào phải để vào khoản ấy, không được đem khoản nọ tiêu nhằng sang khoản kia...
(Trích trong cuốn Những bài viết và nói về quân sự)
8. Kế hoạch gia đình
Chính phủ và Đảng mở phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nền tảng sản xuất và tiết kiệm là gia đình, (và đơn vị bộ đội). Các địa phương, như Liên khu Việt Bắc, đã huấn luyện hơn 187.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và đồng bào về việc lập kế hoạch gia đình. Như thế là tốt. Nhưng ...
Từ trước đến nay, gia đình nào cũng có kế hoạch thô sơ, như: Chăn nuôi thứ gì, mùa nào trồng gì, mấy sào mấy mẫu, v.v.. Nơi nào cán bộ hiểu biết tình hình, chịu khó giải thích cho đồng bào rõ, thiết thực giúp đồng bào sắp xếp kế hoạch thô sơ ấy cho có ngăn nắp hơn, để đồng bào tự giác tự động thực hành, và cán bộ luôn luôn theo dõi, khuyến khích, thì đều thu được kết quả tốt.
Nhưng có nhiều nơi cán bộ không biết làm như vậy. Họ không sát thực tế, không giải thích kỹ lưỡng. Họ dùng cách quan liêu, mệnh lệnh ép buộc đồng bào học tập chương trình sản xuất và tiết kiệm. Họ bao biện việc lập kế hoạch gia đình.
Họ máy móc, như giúp một gia đình ở nông thôn làm kế hoạch mà họ bắt kê thu và chi rất tỉ mỉ, dài hàng sải, rất phiền phức, như kế hoạch của một hãng buôn lớn. Họ chủ quan, tưởng như thế là thành công rồi. Sự thực thì kế hoạch ấy, đồng bào không hiểu, không thực hiện được. Đó là một kế hoạch "hữu danh vô thực". Thậm chí có nơi, có đồng bào còn tưởng lầm rằng: Sản xuất nhiều, Chính phủ sẽ đánh thuế nhiều! Hoặc: Chính phủ đánh thuế nông nghiệp hai lần! Thế mà những cán bộ kia cũng không biết giải thích cho ra lẽ để đồng bào rõ.
Nói tóm lại: Kế hoạch gia đình là một điều rất hay, rất tốt, ích nước lợi dân. Nhưng cán bộ phải biết chuẩn bị, giải thích, đánh thông tư tưởng giúp đồng bào tự giác tự động làm, tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, biết theo dõi, đôn đốc, thì mới chắc chắn thành công.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 71, ngày 21-8-1952)
9. Điện gửi Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp định thử bom nguyên tử ở Xahala
Kính gửi: Ban Thư ký thường trực Hội đồng đoàn kết nhân dân Á - Phi, Lơ Ke.
Nhân dịp khai mạc Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp dự định thử bom nguyên tử ở Xahara, tôi xin gửi đến Hội nghị lời ủng hộ nhiệt liệt.
Việc Chính phủ Pháp sắp thử vũ khí nguyên tử ở Xahara sẽ đe dọa nghiêm trọng đời sống của hàng trăm triệu nhân dân Châu Phi, và đi ngược lại nguyện vọng thiết tha với hòa bình của toàn thể loài người. Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa triệt để ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Châu Phi nhằm buộc Chính phủ Pháp phải bỏ việc thử vũ khí nguyên tử ở Xahara, phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc châu Phi được sống yên ổn và tôn trọng nền hòa bình thế giới.
Tôi chúc Hội nghị thành công.
(Đăng Báo Nhân Dân, số 2000, ngày 07-9-1959)
Tâm Trang (tổng hợp)
10. Toàn dân kháng chiến
(Trích)
...
Cho nên trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến cả tính mạng cũng không tiếc.
Hơn nữa, còn phải làm thế nào cho tất cả các tầng lớp nhân dân đều chung đúc tâm trí vào lợi ích của dân tộc mà phấn đấu.
Dù đau khổ đến đâu mặc lòng, ai cũng phải trổ hết tài năng, làm hết nhiệm vụ để sáng tạo tất cả cái gì có thể giúp ích cho sự kháng chiến, để làm cho mọi việc đều được tăng tiến.
Đó là động viên tinh thần, còn động viên kinh tế là làm cho nước được giàu thêm, dân được no ấm. Chúng ta tuy tranh thủ được độc lập, nhưng lại hưởng thụ một cái gia tài hầu như đổ nát. Ruộng đất, vì giặc Pháp, Nhật vơ vét hết thóc gạo để gây thành nạn đói, nên bị bỏ hoang rất nhiều. Lại cái nạn lụt gần đây đã ngâm mấy vạn mẫu dưới làn nước đỏ. Tưởng ngày mùa này, phong đăng hòa cốc có thể đền bù vào chỗ thiếu gạo. Nào ngờ ngày mùa đã đến, đồng lúa sạch không vì lụt, vì hạn. Giặc đói sắp theo gót giặc Pháp để chôn vùi dân ta.
Về công thương nghiệp, một trạng thái điêu linh đương bày ra trước mắt. Xưởng thợ, nhà máy, hầm mỏ vì chiến tranh làm thiếu nguyên liệu và khí cụ, nên phải đình đốn. Đường giao thông và khí cụ giao thông bị phá hủy la liệt, làm cho nghề buôn bán bị ngừng trệ.
Về tài chính lại càng khốn quẫn nữa. Bao nhiêu vàng bạc bị giặc Pháp, Nhật cướp đi mất cả. Giặc người, giặc đói đương đày đọa chúng ta. Ở tiền phương, đồng bào Nam Bộ gian lao kháng chiến. Nào lương thực, nào quân nhu sao cho có đủ để duy trì sức kháng chiến. Ở hậu phương, dân đói đương chờ thần chết lôi đi. Vậy cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, giao thông, tài chính. Bao nhiêu trai tráng phải chịu huấn luyện vũ trang để chờ đưa ra mặt trận. Còn bao nhiêu ở lại phải gắng công, gắng sức ở đồng ruộng cũng như ở nhà máy để sản xuất ra thật nhiều thóc gạo, quân nhu, đồ dùng giúp cho chiến sĩ ngoài tiền phương, và cứu dân nghèo đói ở hậu phương...
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 83 ngày 05-11-1945)
11. Thư gửi Chính phủ Pháp, Nghị viện Pháp, nhân dân Pháp, các nước dân chủ trên thế giới
Hơn 80 năm về trước, thực dân Pháp dùng vũ lực chiếm lĩnh nước Việt Nam. Trong 80 năm, thực dân Pháp bắt ép dân Việt Nam uống rượu cồn, hút thuốc phiện và sống dưới ách nô lệ vô cùng thảm khốc.
Trong thời kỳ thế giới đại chiến, thực dân Pháp bán Việt Nam cho Nhật để làm căn cứ địa đánh lại Đồng minh. Đồng thời chúng thẳng tay áp bức một cách dã man dân Việt Nam, vì dân Việt Nam đứng về phe Đồng minh mà kháng Nhật.
Tuy vậy, dân Việt Nam muốn hòa bình, muốn cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Vì lẽ đó Việt Nam đã ký với Pháp Hiệp định ngày 06-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, và quyết tâm thi hành đúng những bản ký kết đó.
Chúng tôi chắc nhân dân nước Pháp cũng muốn thực thà thi hành những hiệp định mà Chính phủ Pháp đã ký với Việt Nam.
Song bọn thực dân phản động Pháp cố ý phá hoại hòa bình, cố ý phá hoại những hiệp ước đó. Chúng muốn cướp nước Việt Nam một lần nữa, bắt dân Việt Nam làm nô lệ một lần nữa. Vì vậy ở Nam Bộ, chúng đặt ra "Nam Kỳ quốc" để chia sẻ nước Việt Nam, chúng vẫn tiếp tục tiến công và giết hại nhân dân ở Nam Bộ và Trung Bộ. Nhân lúc hoàn cảnh chính trị ở Pháp chưa ổn định, chúng tiến công vào cả Bắc Bộ. Lạng Sơn, Hải Phòng còn đương ở trong vòng bom đạn, nhân dân Việt Nam bị giết hơn 3.000, thì thực dân Pháp tại Hà Nội lại thình lình tấn công vào vị trí Việt Nam.
Mặc dầu trước ngày phát sinh chiến tranh, tôi đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp. Mặc dầu Chủ tịch Lêông Blum đã biểu thị chính sách thân thiện cộng tác với Việt Nam, nhưng bọn thực dân phản động cứ thực hành chính sách vũ lực của chúng.
Trước bạo lực của thực dân phản động Pháp, chúng tôi cần phải tự vệ. Nhưng đối với nhân dân Pháp, chúng tôi vẫn giữ chính sách cộng tác thật thà.
Chúng tôi chỉ muốn độc lập và thống nhất. Chúng tôi chỉ muốn hòa bình.
Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng.
Chúng tôi quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa.
Mong Chính phủ, Nghị viện và nhân dân Pháp hiểu cho.
Mong các nước dân chủ trên thế giới hiểu cho.
(Trích trong cuốn Lời Hồ Chủ tịch)
12. Điện mừng kỷ niệm lần thứ 10 của Hội nghị Băngđung
(Trích)
...
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, Mỹ đã ráo riết can thiệp vào miền Nam Việt Nam và sự can thiệp đó đã biến thành một cuộc chiến tranh thực dân xâm lược chống lại các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam. Bị sa lầy trong cuộc "chiến tranh đặc biệt" và để tìm cách tránh một sự thất bại hiển nhiên, bọn đế quốc Mỹ đang tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng đưa vào đây các tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, quân lính của bọn bù nhìn Nam Triều Tiên và các chư hầu khác; chúng sử dụng ở đây những phương tiện chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan và hơi độc, để tàn sát thường dân không phân biệt một ai. Đồng thời, chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, bằng những cuộc ném bom hầu như ngày nào cũng có. Chính sách chiến tranh của bọn đế quốc Mỹ là một nguy cơ đang đe dọa hòa bình và an ninh của các dân tộc ở Đông Dương và Đông - Nam Á...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4034 ngày 19-4-1965)
13. Động viên kinh tế
I. Ý NGHĨA
Chúng ta phải đương đầu với bọn thực dân phản động Pháp trong một cuộc kháng chiến lâu dài để giữ vững chủ quyền của đất nước. Vì thế, chúng ta không thể không chú ý đến vấn đề động viên kinh tế. Chúng ta phải thu góp tất cả lực lượng của toàn quốc, khiến cho người có sức giúp sức, có tiền giúp tiền, có của giúp của. Những vật nhu cầu cho cuộc kháng chiến, chúng ta phải hết sức tăng gia sản xuất. Những việc tiêu xài vô ích, chúng ta phải cố gắng tinh giảm. Tóm lại, chúng ta phải tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến của ta mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng.
II. MỤC ĐÍCH
Động viên kinh tế nhằm 3 mục đích sau đây:
Làm cho nước giàu, dân mạnh - Nền thực nghiệp nước ta vốn lạc hậu. Chúng ta đặt kế hoạch cụ thể để phát triển nền thực nghiệp ấy mới có thể cung cấp đủ quân nhu, lương thực cho cuộc kháng chiến lâu dài. Để đạt mục đích này, một mặt Chính phủ, một mặt tư nhân đều bỏ vốn ra mở mang ở vùng xa thành thị nghề làm ruộng, nghề tiểu công nghệ, nghề làm mỏ, v.v.. Có như thế, dân và quân đội mới có đủ lương ăn, vật dùng để cầm cự với quân địch lâu dài. Lương ăn đủ, vật dùng thừa, kháng chiến nhất định thắng lợi.
1. Tích cực tiết kiệm và tăng gia sản xuất. - Kháng chiến lâu dài cần nhiều lương thực và quân nhu. Nếu không tích cực tăng gia sản xuất, không đủ cung cấp cho dân chúng ở hậu phương và quân đội ở tiền tuyến. Tăng gia sản xuất đã vậy, lại còn phải tiết kiệm để có đủ mà cống hiến cho cuộc kháng chiến.
2. Tập trung nhân lực và vật lực - Về quân sự cần rất nhiều sức người. Nào đâu là thanh niên trai tráng sung quân ra trận, nào đâu là nhân tài chuyên môn cùng nhân viên kỹ thuật tham dự các ngành hoạt động kinh tế, tài chính, văn hóa. Thu dụng đủ hạng người như trên có nghĩa là tập trung nhân lực. Còn Chính phủ cần vật dùng về quân sự như tiền bạc, thóc gạo, vải sợi, đồ dùng, nhà cửa, ruộng đất, xe cộ, Chính phủ sẽ trưng dụng của dân chúng, đó là tập trung vật lực.
III. PHƯƠNG PHÁP
Phương pháp tiến hành động viên kinh tế có 6 hạng như sau đây:
1. Động viên lao động - Ngoài việc lấy lính ra mặt trận, phải trưng mộ và phân phối nhân công trong các ngành sinh sản cho thích hợp, nhất là trong những ngành vận tải, ngành chế tạo quân nhu và ngành thông tin. Phải trưng dụng những nhân viên chuyên môn dự bị để huấn luyện họ. Tổ chức những đội quân lao động, đội dân binh để sung vào việc vận tải, xây đắp và những việc khẩn cấp khác. Nên lấy những thợ ít tuổi, thợ đàn bà thay cho trai tráng ra mặt trận. Lợi dụng sức lao động thế nào cho khỏi phí một giọt mồ hôi, một giọt máu, mà tăng thêm được lực lượng cho cuộc kháng chiến.
2. Động viên giao thông - Trong lúc kháng chiến, việc vận tải giao thông để chắp mối liên lạc là rất quan trọng. Làm sao cho xe cộ được đầy đủ, đường thủy lục tiện lợi, giao thông và thông tin nhanh chóng. Nếu cần, phải mở thêm đường thay cho những đường bị phá, bị nghẽn. Nên dùng thêm cả lừa, ngựa, trâu, bò vào việc vận tải.
3. Động viên công nghệ - Mở nhiều những công nghệ sản xuất những nhu cầu cho cuộc kháng chiến. Giúp cho công nghệ ấy của tư nhân được phát triển dễ dàng. Thiên di những xưởng công nghệ cần thiết về các vùng hẻo lánh. Chú ý nhất về việc cung cấp nguyên liệu.
4. Động viên nông nghiệp - Mục đích động viên nông nghiệp là cung cấp nhiều lương thực. Như vậy, phải khuyến khích cho nông dân mở mang nông nghiệp, tăng thêm diện tích cày cấy, khai khẩn đất hoang, cải lương nông cụ.
5. Động viên tài chính - Hoãn kỳ trả những món nợ công tư, cấm ngặt việc buôn bán vàng bạc, kiểm tra ráo riết việc đổi chác và việc buôn bán với người ngoài, phát hành công trái, tập trung các loại kim khí do dân tích trữ, thu những thuế về chi dụng xa xỉ và đảm phụ quốc phòng.
6. Tiết kiệm - Đặt ra ủy ban xem xét việc cung cấp và tiêu dùng lương thực, nhất là phải định giá cả để tránh nạn buôn chợ đen trục lợi. Điều tra số thóc hiện có và định mỗi người được ăn là bao nhiêu. Lúc cần, phải trưng thu những số thóc thừa rồi trả bằng tiền.
Hạn chế những nghề nghiệp phải dùng đến thóc gạo như nghề nấu rượu. Khuyến khích giồng nhiều những thức ăn thay cho gạo như ngô, khoai, đậu, sắn, v.v.. Cấm ngặt những sự chi tiêu xa xỉ và vô ích. Ngoài việc tiết kiệm tiền bạc, lương thực, chúng ta còn phải tiết kiệm những thứ cần về quân sự mà phải mua ở ngoài như étxăng, các chất hóa học, v.v.. Việc tiết kiệm cũng có tính chất quan trọng như tăng gia sản xuất. Vậy chúng ta không thể quên được.
Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 434 ngày 13-12-1946)
14. Bài nói tại Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc
(Trích)
Nước ta phải đi đến dân chủ thực sự. Dân chủ thực sự là chống phong kiến địa chủ và chống đế quốc.
Sau 80 năm nô lệ, nhân dân ta nổi lên đánh đổ đế quốc giành lại độc lập. Bọn phong kiến địa chủ lại mưu bán nước.
Trong chính phủ bù nhìn là những ai? Bảo Đại và những tên đầu sỏ khác đều là bọn đại địa chủ phong kiến. Đế quốc lợi dụng phong kiến địa chủ để cướp nước ta. Phong kiến địa chủ bám vào đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta. Vì thế, muốn kháng chiến thắng lợi không những phải đánh đổ đế quốc mà còn đánh đổ cả phong kiến địa chủ.
Các nước dân chủ mới như Trung Quốc, Triều Tiên và các nước dân chủ Đông Âu đều chia ruộng đất cho dân cày. Nội dung cách mạng dân chủ căn bản là giải phóng cho nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Nội dung cách mạng dân tộc cũng là giải phóng cho nông dân. Bao giờ ở nông thôn nông dân thật sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới là dân chủ thực sự. Vì nước ta ở trong hoàn cảnh đặc biệt, cách mạng vừa thành công thì phải kháng chiến ngay, cho nên từ đó đến nay Đảng và Chính phủ áp dụng chính sách giảm tô, giảm tức hợp với điều kiện nước ta, như thế là đúng, nhưng có chỗ giảm chưa đúng, có chỗ chưa giảm, chính sách giảm tô chưa được thi hành triệt để. Chính sách của Đảng và của Chính phủ là đúng, vì sao mà không thi hành được triệt để?
Vì cán bộ không nắm chính sách, lập trường không vững, muốn được lòng nông dân mà cũng muốn được lòng địa chủ, có khi muốn được lòng địa chủ hơn, cán bộ tự tư tự lợi; mình tuy ở trong Đảng nhưng còn cái đuôi phong kiến địa chủ thò ra. Chưa gột rửa sạch tư tưởng phong kiến địa chủ, xui nông dân xung phong mà mình không xung phong; thậm chí tham ô, lãng phí, cán bộ từ khu, tỉnh, huyện, xã hoặc nhiều hoặc ít đều mắc khuyết điểm trên. Nói tóm lại, trong đầu óc cán bộ còn rất nặng những tư tưởng địa chủ. Các cô các chú cần phải gột rửa cho sạch tư tưởng phong kiến địa chủ.
Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng, nước ta cũng như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí, đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết, cam tâm chịu tù đày. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ nhưng lập trường và tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân.
Chắc các cô các chú có nghe nói chuyện đồng chí Bành Bái ở Trung Quốc, gia đình đồng chí ấy là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ phong kiến.
Vấn đề xuất thân có quan hệ thật nhưng nếu xuất thân là địa chủ nhưng đứng hẳn về phía nông dân, thì không phải là địa chủ nữa. Trung Quốc gọi những địa chủ hoan nghênh cải cách ruộng đất là "thân sĩ khai minh". Cho nên, nếu kiên quyết rửa sạch tư tưởng địa chủ, thì dù xuất thân là địa chủ vẫn tham gia được cách mạng.
Nói tóm lại: Lập trường phải cho vững, tư tưởng phải dứt khoát. Lập trường không vững vàng, tư tưởng không dứt khoát, thì nghiên cứu gì cũng không thực hành được cách mạng ruộng đất.
Vì giảm tô chưa thực hiện được triệt để, cho nên năm nay Đảng và Chính phủ phải chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô. Từ năm 1949 đã có sắc lệnh giảm tô, đến nay đã 4 năm mà vẫn chưa thực hiện triệt để. Xem đó thì biết rằng giảm tô không phải là một vấn đề giản đơn, nó là một bộ phận của giai cấp đấu tranh, giai cấp nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ. Đây cũng là một chiến dịch, nhưng chiến dịch này to và rộng hơn chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, vì nó mở ra khắp cả nước. Nó càng khó hơn đánh giặc, vì đánh giặc thì đưa vũ khí ra mà đánh, trong chiến dịch này nông dân không đưa súng đạn ra đánh với địch, nhưng phải dùng một thứ vũ khí mạnh hơn, tức là lực lượng tổ chức và lực lượng đoàn kết của hàng triệu nông dân...
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 8, t.49)
Tâm Trang (tổng hợp)
15. Thư trả lời Giáo sư Mỹ Lainớt Pôlinh
(Trích)
Kính gửi giáo sư Lainớt Pôlinh,
Tôi xin chân thành cảm ơn giáo sư đã có nhã ý chuyển đến tôi bản tuyên bố về vấn đề Việt Nam của tám vị được giải thưởng Nôben về hòa bình.
Dân tộc Việt Nam chúng tôi vốn yêu chuộng tự do và hòa bình. Nguyện vọng tha thiết của nhân dân nước chúng tôi là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Nhân dân nước chúng tôi ở miền Bắc cũng như ở miền Nam đã ra sức đấu tranh cho Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam được thực hiện đầy đủ. Nhưng đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định đó, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ hòng khống chế vùng Đông - Nam Á và chuẩn bị chiến tranh thế giới mới.
Chúng đã phá hoại sự nghiệp hòa bình thống nhất nước Việt Nam, dựng lên ở miền Nam Việt Nam một chế độ phát xít cực kỳ tàn bạo, ở đó hàng chục vạn người bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, giết hại, hàng triệu người bị dồn vào các trại tập trung dưới những hình thức khác nhau. Đế quốc Mỹ đã dùng miền Nam Việt Nam làm bàn đạp gây chiến tranh ở Lào và thường xuyên khiêu khích Vương quốc Campuchia. Từ năm 1961, chúng đã phát động cái gọi là "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam. Nhưng đồng bào miền Nam chúng tôi không chịu khuất phục, đã và đang đấu tranh anh dũng chống bọn xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai và giành được thắng lợi ngày càng to lớn.
Bị thiệt hại nặng nề trong cuộc "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ đã đưa vào Nam Việt Nam 20 vạn lính Mỹ và lính chư hầu, chưa kể 60 vạn lính ngụy, nhằm mở rộng chiến tranh xâm lược, uy hiếp nghiêm trọng nền an ninh của các dân tộc ở Đông
- Nam Á và hòa bình thế giới. Chúng dùng xương máu của đồng bào chúng tôi ở miền Nam để thí nghiệm một cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới với những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại để rồi đem dùng ở các nơi khác trên thế giới hòng đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và làm bá chủ thế giới.
Hiện nay, bọn xâm lược Mỹ đang dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ dã man để giết hại đồng bào miền Nam nước chúng tôi, như bom napan, bom lân tinh, chất độc hoá học, hơi độc, v.v.. Chúng cho hạm đội thứ 7 và máy bay chiến lược B.52 ném bom, bắn phá, triệt hạ xóm làng.
Đồng thời, bất chấp cả dư luận của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, chúng không ngừng thực hiện chính sách "leo thang" đối với miền Bắc Việt Nam, hằng ngày chúng dùng máy bay điên cuồng ném bom bắn phá các cầu, đường, đập nước, nông trường, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà thờ, v.v..
Nhân dân Việt Nam chúng tôi phải kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược để tự vệ, để bảo vệ những quyền dân tộc thiêng liêng nhất của mình, đồng thời góp phần giữ gìn hòa bình ở Châu Á và thế giới...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4248 ngày 21-11-1965).
16. Thư gửi các vị đứng đầu một số nước
(Trích)
...
Nhân dân Việt Nam quyết không bao giờ khuất phục trước sự đe dọa của đế quốc Mỹ.
Trong lúc Chính phủ Mỹ đưa ra cái gọi là "cố gắng hòa bình" mới, thì họ ráo riết tăng quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Họ đẩy mạnh các cuộc càn quét, dùng chính sách "tiêu thổ" đốt sạch, phá sạch, giết sạch, dùng bom napan, hơi độc và chất độc hóa học để đốt phá làng mạc, tàn sát thường dân trong những vùng rộng lớn ở miền Nam Việt Nam.
Tôi cực lực phản đối những thủ đoạn chiến tranh cực kỳ man rợ ấy của Mỹ. Tôi khẩn thiết kêu gọi các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới hãy kiên quyết chặn tay bọn tội phạm chiến tranh Mỹ...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4316, ngày 29-1-1966).
17. Không có gì quý hơn độc lập, tự do
(Trích)
Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước!
Đế quốc Mỹ dã man, gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn cướp nước ta, nhưng chúng đang thua to.
Chúng ồ ạt mang gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước. Chúng dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như chất độc hóa học, bom napan, v.v.. Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta.
Nhưng dưới sự lãnh đạo kiên quyết và khôn khéo của Mặt trận dân tộc giải phóng, quân và dân miền Nam ta đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, đã thắng lợi vẻ vang và quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn, để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà...
(Đăng trê Báo Nhân Dân, số 4484, ngày 17-7-1966).
18. Thư trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn
(Trích)
Gửi Ngài L.B. Giônxơn, Tổng thống nước Mỹ,
Thưa Ngài,
Ngày 10 tháng 2 năm 1967, tôi đã nhận được thư của Ngài.
Đây là thư trả lời của tôi.
Nước Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ. Nhưng, trái với lời cam kết của đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, Chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào Việt Nam, gây ra và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Từ hơn hai năm nay, Chính phủ Mỹ còn dùng không quân và hải quân đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước độc lập, có chủ quyền.
Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hòa bình và chống lại loài người. Ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hóa học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc. Ở miền Bắc Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hoại các thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, đê đập, tàn phá cả nhà thờ, đình chùa, nhà thương, trường học. Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình cực kỳ nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân Việt Nam là một sự thách thức đối với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến tranh đó là một sự đe dọa đối với phong trào độc lập của các dân tộc; đồng thời uy hiếp nghiêm trọng hòa bình ở Châu Á và thế giới...
Chào Ngài
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4730, ngày 22-3-1967).
19. Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu
(Trích)
Các đồng chí,
Chương trình công tác của Chính phủ, của Đoàn thể ta năm nay vẫn gồm trong tám chữ "Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh".
Để thực hiện đúng chương trình đó, Chính phủ và Đoàn thể nêu ra mấy điểm chính, là:
- Thi đua giết giặc, thi đua tăng gia, thi đua tiết kiệm, và
- Chống nạn tham ô,
- Chống nạn lãng phí,
- Chống bệnh quan liêu.
Về phong trào Thi đua giết giặc lập công, Bộ Tổng tư lệnh có kế hoạch đầy đủ đưa xuống tận các cán bộ và các chiến sĩ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích để mọi người học tập, thấm nhuần và thực hiện.
Về phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thì Chính phủ có kế hoạch chung đầy đủ. Các ngành, các địa phương và mọi gia đình dựa theo đó mà đặt kế hoạch riêng cho thiết thực, cho ăn khớp với nhau, để thực hiện cho kỳ được.
Các đồng chí phụ trách sẽ nói chuyện rõ ràng về hai việc ấy. Đây tôi chỉ nói về vấn đề thi đua tiết kiệm, và chống nạn tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.
I- TIẾT KIỆM
Trước hết, chúng ta hãy đặt mấy câu hỏi:
- Tiết kiệm là gì?
- Vì sao phải tiết kiệm?
- Tiết kiệm những gì?
- Ai cần phải tiết kiệm?
1. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là "xem đồng tiền to bằng cái nống", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.
2. Trong 80 năm, nước ta bị đế quốc Pháp rồi đến đế quốc Nhật vơ vét hết, vì vậy mà kinh tế của ta nghèo nàn, lạc hậu. Nay chúng ta cần phải có một nền kinh tế khá, để kháng chiến và kiến quốc. Muốn xây dựng kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn, thì các nước tư bản dùng 3 cách: Vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân.
Những cách đó chúng ta đều không thể làm được. Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta.
3. Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được. Chúng ta phải tiết kiệm thời giờ. Việc gì trước kia phải làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm xong trong 1 ngày.
Chúng ta phải tiết kiệm tiền của. Việc gì trước phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ, phải tốn 2 vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu, cho nên chỉ tốn 1 vạn là đủ.
Nói tóm lại: Chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để 1 người có thể làm việc như 2 người, 1 ngày có thể làm việc của 2 ngày, 1 đồng có thể dùng bằng 2 đồng.
4. Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp.
Có người nói: Bộ đội chỉ lo thi đua giết giặc lập công, bộ đội không phải là cơ quan sản xuất, thì tiết kiệm thế nào?
Trong quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải, v.v. là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sĩ cũng cần tiết kiệm và cũng có thể tiết kiệm. Thí dụ: Trước kia tính đổ đồng mỗi chiến sĩ bắn 50 viên đạn mới hạ 1 tên địch. Nay vì tập luyện siêng năng, bắn khá, tính đổ đồng mỗi chiến sĩ chỉ bắn 10 viên đạn thì hạ được 1 tên địch. Thế là chiến sĩ tiết kiệm được 80% đạn. Do đó mà quân giới tiết kiệm được nguyên liệu và nhân công đúc đạn, để chế tạo những vũ khí khác. Trước kia Cục vận tải phải chở 100 xe đạn, nay chỉ cần chở 20 xe, tiết kiệm được xe cộ và dầu mỡ. Xe chạy ít, thì đường sá phải chữa ít, thế là tiết kiệm được dân công, v.v..
Trong các chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm (thuốc, đạn, lương thực, súng ống, v.v.), bộ đội biết quý trọng nó, tiết kiệm nó để dùng nó mà đánh giặc. Như thế cũng là tăng gia sản xuất.
Có người nói: Các cơ quan (thí dụ cơ quan tư pháp) ngoài việc tăng gia để tự túc, thì có gì mà tiết kiệm?
Cơ quan nào cũng cần và cũng có thể tiết kiệm. Một thí dụ: Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng 2, 3 lần, thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy...
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t7, tr. 351-354)
20. Tổ đổi công kiểu mẫu
Chính phủ định ra luật lệ cải cách ruộng đất, Đảng phái cán bộ về xã giúp đồng bào nông dân đấu tranh thực hiện người cày có ruộng. Đó là bước đầu.
Đã có ruộng, nông dân cần phải ra sức tăng gia sản xuất, để đảm bảo đời sống ấm no.
Muốn sản xuất được tăng gia, thì cần có những tổ đổi công để giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Ý nghĩa tổ đổi công là "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây tụ hợp thành hòn núi cao".
Muốn tổ đổi công có kết quả thật tốt, thì phải khéo tổ chức, theo nguyên tắc tự giác tự nguyện. Phải khéo lãnh đạo, làm cho các tổ viên ai cũng hăng hái làm việc, ai cũng được hưởng lợi công bằng.
Thí dụ: Tổ đổi công của chị Vậy (xã Tây Sơn, Yên Bái) có kế hoạch định công, phân công, ghi công. Có chương trình làm việc rõ ràng, cứ 3 ngày kiểm điểm lại 1 lần. Nhờ vậy, tổ đã cày ải, bừa kỹ, bắt hết sâu, làm sạch cỏ, bón nhiều phân, đắp thêm phai chống hạn...
Kết quả về vật chất - Sản xuất tăng nhiều. Trước kia nhà nào cũng thiếu ăn 2, 3 tháng; nay nhà nào cũng đủ ăn và còn thừa ít nhiều để giúp bà con khác. Đối với thuế nông nghiệp, cả tổ đã khai đúng, nộp nhanh, nộp tốt.
Về tinh thần: - Bà con trong tổ đều đoàn kết, vui vẻ, thi đua làm, thi đua học. Các tổ viên có kế hoạch giúp đỡ những gia đình neo người, gia đình bộ đội.
Thành tích ấy làm cho những người trước kia nghi ngờ tổ đổi công, nay cũng xin vào tổ.
Tỉnh nào cũng có những tổ kiểu mẫu như vậy: Tổ của anh Sinh ở Thái Nguyên, tổ của chị Lượng ở Sơn Tây, tổ của chị Ruyện ở Cao Bằng, vân vân.
Các liên khu và các tỉnh nên có những cuộc hội nghị cán bộ các tổ đổi công, (trước khi họp phải chuẩn bị đầy đủ), để trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Làm được như vậy, thì phong trào tăng gia sản xuất chắc sẽ phát triển thiết thực, mạnh mẽ và rộng khắp hơn nữa.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 407, ngày 13-4-1955).
Tâm Trang (tổng hợp)
21. Đường cách mệnh
(Trích)
...
TỔ CHỨC DÂN CÀY
1. Vì sao phải tổ chức dân cày?
Nước ta kinh tế chưa phát đạt, trong 100 người thì đến 90 người là dân cày. Mà dân cày ta rất là cực khổ, nghề không có mà làm, đất không đủ mà cày, đến nỗi cơm không đủ ăn, áo không có mặc.
Xem như Trung Kỳ, tất cả chừng 5.730.000 người dân mà chỉ có chừng 148.015 mẫu ruộng. Trước năm 1926, Tây đồn điền đã chiếm mất 62.000 mẫu. Từ năm 1926, 175 thằng Tây đồn điền lại chiếm hết:
1.982 mẫu ở Thanh Hóa,
35.426 mẫu ở Nghệ An,
17.076 mẫu ở Nha Trang,
13.474 mẫu ở Phan Thiết,
92.000 mẫu ở Kon Tum,
67.000 mẫu ở Đồng Nai.
Như thế thì dân ta còn ruộng đâu nữa mà cày!
2. Tây đồn điền choán ruộng cách thế nào?
Chúng nó dùng nhiều cách. Như tháng 6 năm 19221, 20 thằng Tây rủ nhau xin Chính phủ Tây mỗi thằng 3.0002 mẫu trong lục tỉnh. Xin được rồi nhóm cả lại thành ra 60.000 mẫu, 19 thằng bán lại cho 1 thằng.
Tháng 8 năm 1926, nhà ngân hàng Đông - Pháp xin 30.000 mẫu, trong đám đất ấy đã có 6 làng An Nam ở. Khi nhà ngân hàng xin được rồi thì nó đuổi dân ta đi.
Nam Kỳ bị Tây đồn điền chiếm mất 150.000 mẫu ruộng tốt. Phần thì Tây đồn điền cướp, phần thì các nhà thờ đạo chiếm. Các cố đạo chờ năm nào mất mùa, đem tiền cho dân cày vay. Chúng nó bắt dân đem văn khế ruộng cầm cho nó và ăn lời thiệt nặng. Vì lời nặng quá, đến mùa sau trả không nổi, thì các cố xiết ruộng ấy đem làm ruộng nhà thờ.
3. Chính phủ Pháp đãi dân cày An Nam thế nào?
Tư bản Tây và nhà thờ đạo đã choán gần hết đất ruộng, còn giữ được miếng nào thì Chính phủ lại đánh thuế thiệt nặng, mỗi năm mỗi tăng. Như mỗi mẫu ruộng tốt mỗi năm tất cả hoa lợi được chừng 25 đồng, Tây nó đã lấy mất 2 đồng 5 hào thuế, nghĩa là 10 phần nó lấy mất một.
Nếu tính tiền thuê trâu bò, mua phân tro, mướn làm, tiền ăn uống, thì mỗi mẫu mỗi năm đã hết chừng 30 đồng. Nghĩa là dân cày đã lỗ mất 5 đồng, mà Chính phủ lại còn kẹp lấy cho được 2 đồng rưỡi.
Chẳng thế mà thôi. Dân ta cày ra lúa mà không được ăn. Đến mùa thuế thì bán đổ bán tháo để nộp thuế. Tây nó biết vậy thì nó mua rẻ để nó chở đi bán các xứ, mỗi năm nó chở hết 150 vạn tấn. Nó chở đi chừng nào, thì gạo kém chừng ấy, thì dân ta chết đói nhiều chừng ấy.
4. Bây giờ nên làm thế nào?
Sự cực khổ dân cày An Nam là:
1. Ruộng bị Tây choán hết, không đủ mà cày.
2. Gạo bị nó chở hết, không đủ mà ăn.
3. Làm nhiều, được ít, thuế nặng.
4. Lại thêm nước lụt, đại hạn, vỡ đê, mất mùa.
5. Đến nỗi chết đói, hoặc bán vợ đợ con, hoặc đem thân làm nô lệ như những người nó chở đi Tân thế giới.
6. Nào là chính trị áp bức (thử hỏi dân cày ta có quyền chính trị gì?), văn hóa áp bức (dân cày ta được mấy người biết chữ, trong làng được mấy trường học?).
Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng.
5. Cách tổ chức dân cày thế nào?
Cách tổ chức đại khái như sau:
1. Bất kỳ đàn ông đàn bà, từ những người tiểu điền chủ cho đến những dân cày thuê cày rẽ, từ 18 tuổi trở lên thì được vào. (Những người đại địa chủ, mật thám, cố đạo, say mê rượu chè, cờ bạc và a phiến thì chớ cho vào hội).
2. Ai vào phải tình nguyện giữ quy tắc hội, và phải có hội viên cũ giới thiệu.
3. Làng nào đã có 3 người tình nguyện vào hội thì tổ chức được một hội làng, 3 làng có hội thì tổ chức hội tổng, 3 tổng có hội thì tổ chức hội huyện, 3 huyện có hội thì tổ chức hội tỉnh, 3 tỉnh có hội thì tổ chức hội nước.
4. Còn cách khai hội, tổ chức các bộ làm việc, tuyển cử, đề nghị, giải quyết, báo cáo thì cũng như công hội...
(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.308)
22. Thường thức chính trị
(Trích)
...
Hơn 80 năm trước, đế quốc Pháp thấy nước ta người đông, của nhiều, bèn dùng vũ lực sang cướp nước ta. Giai cấp phong kiến Việt Nam (vua, quan, đại địa chủ) thì hủ bại đê hèn, chỉ biết bán nước, không dám chống giặc.
Khi đã cướp được nước ta, đế quốc Pháp liền mở nhà máy và hầm mỏ, để thu hút nguyên liệu của ta và bóc lột công nhân ta. Chúng lập ra ngân hàng để khống chế kinh tế của ta. Chúng mở xe lửa và tầu thuỷ để chuyên chở hàng hoá của chúng và vận tải quân đội của chúng đặng đàn áp nhân dân ta. Chúng mở một ít trường học, để nhồi sọ thanh niên ta, biến họ thành những người nô lệ dễ sai khiến.
Thế là đế quốc Pháp cướp hết quyền kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của nước ta và thu hút hết mồ hôi nước mắt của nhân dân ta. Đế quốc Pháp ra sức duy trì chế độ phong kiến Việt Nam để làm tay sai cho chúng, vì thế lực phong kiến rải khắp cả nước và thống trị đại đa số nhân dân là nông dân. Giai cấp phong kiến thì dựa vào thế lực đế quốc mà sống còn.
Từ đó, nhân dân Việt Nam vừa bị đế quốc vừa bị phong kiến áp bức bóc lột...
(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.206)
23. Hai mươi năm đấu tranh thắng lợi của cách mạng Việt Nam
(Trích)
...
Hơn 10 năm nay, đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng đã dùng tất cả những thủ đoạn dã man nhất, cả những bom napan, chất độc hóa học để tàn phá làng mạc và giết hại đồng bào miền Nam chúng tôi. Chúng lầm tưởng sức tàn bạo có thể khuất phục được nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhưng đồng bào miền Nam chúng tôi rất anh dũng đã đứng lên chiến đấu vô cùng oanh liệt chống bọn cướp nước và lũ bán nước.
Giương cao ngọn cờ vẻ vang của Mặt trận dân tộc giải phóng, nhân dân miền Nam Việt Nam đã tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã giải phóng hơn ba phần tư dân số với bốn phần năm đất đai và đang tiến công dồn dập, giành chủ động trên các chiến trường. Tất cả các kế hoạch xâm lược của đế quốc Mỹ đều bị phá sản. Rõ ràng đế quốc Mỹ đã bị sa lầy đến tận cổ ở miền Nam Việt Nam. Chúng càng đánh càng thua, càng thua càng bí...
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr 492)
24. Nói chuyện với các đại biểu công nhân và cán bộ ngành Than
(Trích)
Các đồng chí,
Bác rất hoan nghênh các cô, các chú công nhân và cán bộ ngành Than đã cử đại biểu đến báo cáo những cố gắng và kết quả bước đầu của ngành than với Bác và các đồng chí Trung ương có mặt tại đây.
Người ta thường gọi than là "vàng đen". Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống của nhân dân.
Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội càng cần rất nhiều than.
Ở nước ta có nhiều mỏ than, công nhân ta thì cần cù và anh dũng, lại có các nước anh em giúp ta về thiết bị, kỹ thuật, cho nên ta có thể sản xuất than nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nhưng tình hình sản xuất than hiện nay lại không như thế.
Năm 1965 đã sản xuất được ngót 4 triệu 30 vạn tấn, nhưng mấy năm gần đây thì sản lượng giảm sút. Sự giảm sút đó, một phần do tình hình chiến tranh. Nhưng nguyên nhân chính là do quản lý kém và tổ chức kém. Chỉ lấy một ví dụ: Toàn ngành mỏ có hàng vạn người, nhưng số người làm các việc hành chính, quản trị, gián tiếp sản xuất quá nhiều. Cần giảm bớt số người gián tiếp đó để thêm vào số người trực tiếp sản xuất.
Trong Hội nghị của ngành than ngày 10-10-1968, đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí khác, cả cán bộ và công nhân đã phát biểu ý kiến một cách dân chủ, thẳng thắn và góp nhiều đề nghị rất tốt nhằm đẩy mạnh việc sản xuất than.
Hôm nay, Bác chỉ nói thêm mấy điểm, để nhắc nhở các cô, các chú cố gắng thi đua làm cho tốt hơn nữa.
1. Trong Hội nghị của ngành than, các đồng chí Bộ trưởng, Giám đốc, cán bộ và công nhân đã phê bình và tự phê bình, thật thà nêu rõ những sai lầm, thiếu sót trong ngành và mạnh dạn đề ra cách sửa chữa. Đó là một điều tốt. Vì vậy, Hội nghị xong, trong cán bộ và công nhân đã có một không khí phấn khởi, tin tưởng, mức sản xuất than đã bắt đầu nâng lên so với trước.
Theo báo cáo, trước Hội nghị, chỉ có mỏ Cọc 6 đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước thời hạn 4 tháng. Sau Hội nghị, mỏ Hà Tu, mỏ Đèo Nai, mỏ Thống Nhất... đều đã cố gắng hoàn thành kế hoạch cả năm và đã nhận sản xuất thêm mấy vạn tấn than ngoài kế hoạch. Xí nghiệp ô tô Hòn Gai mới đây cũng đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn.
Thế là khi tư tưởng đã chuyển biến thì việc làm cũng tiến bộ, mức sản xuất được nâng cao. Nhưng đó chỉ mới là chuyển biến bước đầu. Các cô, các chú phải luôn luôn cố gắng hơn nữa để mức sản xuất than tăng nhanh và vững chắc.
2. Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ Nhà nước, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc.
Như thế mới thật xứng đáng với đồng bào và chiến sĩ miền
Nam đang anh dũng chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 5331, ngày 17-11-1968)
25. Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu, Sơn La
(Trích)
...
Bác được biết ở đây nhiều chỗ ruộng thiếu nước. Nếu có đủ nước làm được 2 mùa, thiếu nước chỉ làm được một mùa thôi. Làm thế nào cho có nước? Mỗi năm mưa xuống rất nhiều nước. Khi mưa xuống nước nhiều bị ngập, khi nắng lên thì lại bị cạn. Muốn làm cho được 2 mùa phải giữ nước. Muốn giữ nước phải làm thủy lợi. Đồng bào có nghe thấy đồng bào Điện Biên làm thủy lợi không? Đồng bào Điện Biên làm thủy lợi rất tốt, mà đồng bào tự làm lấy. Đồng bào Điện Biên làm được thì đồng bào Yên Châu cũng làm được, muốn làm được như Điện Biên phải có tổ đổi công, phải có hợp tác xã.
Ví dụ: Đào một cái mương dài 1 cây số, một gia đình không làm được. Hai nhà cũng không đào được. Hai mươi nhà, bốn mươi nhà tổ chức nhau lại mới làm được. Có đúng thế không? Vì vậy đồng bào phải tổ chức nhau lại làm tổ đổi công, hợp tác xã. Đồng bào phải tổ chức tổ đổi công cho tốt, hợp tác xã cho tốt, làm mương phải tốt để có nhiều nước làm được 2 mùa. Chúng ta có mương, có nước rồi, lúa có tốt không? Người ta chỉ uống nước thôi mà không ăn cơm có sống được không?
Lúa chỉ có nước, không có ăn cũng không tốt. Ngô, lúa, khoai, sắn, mía nó ăn gì? Nó ăn phân. Lúa ăn phân nhiều lúa càng tốt. Ví dụ: Ở đây bây giờ 1 mẫu chỉ được 100 gánh vì ít phân, ở dưới xuôi có tổ đổi công, hợp tác xã nhiều nơi đã thu hoạch hơn thế nhiều vì có nhiều phân.
Cần phải có nhiều phân. Muốn làm phân nhiều, nhưng từng nhà, mỗi nhà làm một đống có tốt không? Không. Ví dụ: Mỗi nhà làm một đống phân hao tốn nhiều, hợp tác xã làm lên một đống phân ở gần ruộng không hao tốn. Vì vậy, muốn làm mương phai tốt, phân nhiều, phải tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã cho tốt.
Đồng bào ở đây cày cuốc quen làm lối cũ từ những đời trước. Làm như thế rất tốn công mà không tốt. Bác đã đi qua thấy phụ nữ lấy cây tre chọc đất để giồng lúa nương. Như thế rất tốn công mà không tốt. Muốn cho lúa, ngô, khoai, sắn tốt, phải cày sâu bừa kỹ. Ở đây Bác thấy cái cày, cái cuốc bé tẹo thế này không thể cày sâu được. Ở các nước anh em như Liên Xô cày bằng máy hết.
Bây giờ ta chưa có máy, nhưng sau này ta sẽ có. Có khi độ 5 năm, 10 năm nữa mới có. Trong thời gian đó cần phải cải tiến kỹ thuật, không thể cứ làm theo lối cũ để ngồi chờ 5 năm, 10 năm được. Muốn cải tiến phải tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã, từng nhà riêng không làm được.
Đồng bào đã biết tổ đổi công, hợp tác xã là tốt. Vậy phải có quyết tâm làm tổ đổi công, hợp tác xã. Tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào.
Ví dụ: Mấy gia đình này vào hợp tác xã, tổ đổi công, thu hoạch 200 gánh, mấy nhà kia làm riêng lẻ thu hoạch 100 gánh thôi. Như thế những nhà làm riêng lẻ sẽ muốn xin vào. Như thế để người ta tự xin vào. Người ta thấy tổ đổi công, hợp tác xã làm tốt, người ta sẽ tự xin vào, không phải nắm cổ người ta kéo vào.
Một điều nữa, Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông. Có đúng không? Sau này đường sá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của của đồng bào đấy. Chừng 150 cây gỗ hay 200 cây gỗ chúng ta đưa ra nước ngoài bán, đổi được máy cày, cày được cả vùng này. Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1884 ngày 13-5-1959)
Tâm Trang (tổng hợp)
25. Hòa bình kiểu Mỹ tức là binh họa
(Trích)
...
Nam Việt Nam, Thái Lan, Goantanamô (Cuba) và những nơi khác... Phải chăng đó là để đấu tranh cho hòa bình?
Mỗi năm, Mỹ tốn hàng chục tỉ đôla để chế tạo hàng loạt bom hạt nhân (chính ông đã thú nhận rằng sức phá hoại của một quả bom này cũng to bằng tất cả số bom cộng lại của các nước Đồng minh đã thả trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai). Phải chăng đó là để chuẩn bị một cuộc "hòa bình lâu dài, đời đời kiếp kiếp"?
Một vạn rưỡi "cố vấn" Mỹ, hàng trăm chó ngao Mỹ, hàng chục tướng tá Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Phải chăng đó không phải là can thiệp đến nước khác? Tàu bay Mỹ dội napan và thuốc độc đốt cháy làng mạc, phá hoại mùa màng, giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam. Phải chăng đó là để cho nhân dân miền Nam "tự chọn lấy tiền đồ của họ"?
Những rừng cây trơ trụi và cột nhà cháy sém bởi bom napan, hàng nghìn cái thây còng queo của đàn bà và trẻ con chết bởi thuốc độc Mỹ - đang giơ lên như những cánh tay thù hằn chỉ vào mặt nạ ông, nghiêm khắc tố cáo tội ác của ông và thét lên: Kennơđi, chàng nói láo!...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3380, ngày 29-6-1963)
26. Mỹ hoạt động hòa bình giả để mở rộng chiến tranh thật
(Trích)
Dạo này đế quốc Mỹ rất nhộn nhịp với cái món hoạt động "hòa bình". Chúng hòng dùng nó như một cái màn khói để che giấu âm mưu của chúng mở rộng chiến tranh. Nhưng sự thật đã lật tẩy mưu gian của chúng. Sự thật có nhiều, sau đây là vài ví dụ:
Tháng 3-1965, ở miền Nam có độ 31.600 tên lính Mỹ. Từ tháng 4-1965, Tổng Giôn bắt đầu quảng cáo cái món "đàm phán không điều kiện" thì số quân đội Mỹ sang miền Nam ồ ạt tăng thêm:
Tháng 5 - 48.580 tên.
Tháng 7 - 79.600 tên.
Tháng 10 - 148.000 tên.
Tháng 12 - 184.000 tên.
Cách tìm hòa bình kiểu Mỹ là như thế đó.
Tổng Giôn yêu chuộng "hòa bình". Tối nào y cũng đọc kinh cầu nguyện cho hòa bình. Nhưng đọc kinh xong, y liền trắng trợn tuyên bố: "Mỹ quyết không rời khỏi Nam Việt Nam" (tháng 4-1965); "Mỹ quyết theo đuổi những cố gắng chiến tranh ở Nam Việt Nam. Cần thêm bao nhiêu lính Mỹ, sẽ có bấy nhiêu" (8-12-1965).
Những tên tai to mặt lớn trong Chính phủ Mỹ đều nói theo kiểu đó.
Văn thần như Phó Tổng thống Hâmphrây, đại sứ Hariman, cố vấn Bânđi, đặc phái viên Gônbớc, v.v. được phái đi gặp Chính phủ nhiều nước ở năm châu để bày tỏ "thiện ý" của Mỹ sẵn sàng "đàm phán hòa bình".
Cũng trong lúc đó, thì các võ tướng đầu sỏ và cuồng chiến như: Bộ trưởng lục quân Rido, Bộ trưởng không quân Brao, Tham mưu trưởng lục quân Giônxơn, Chủ tịch Hội đồng tham mưu Uylơ, v.v.. kéo nhau đến miền Nam để chuẩn bị kế hoạch mở rộng chiến tranh. Uylơ còn đe dọa dùng máy bay B.52 ném bom miền Bắc.
Hôm 28-12-1965, chúng đưa thêm vào 4.000 lính bộ binh Mỹ chiếm đóng Plâycu.
Chúng dùng máy bay phun thuốc độc với quy mô lớn để giết hại nhân dân, phá hoại mùa màng miền Nam...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4296, ngày 8-1-1966).
27. Bài phát biểu tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
(Trích)
...
Bị thua to ở miền Nam ta, giặc Mỹ liều mạng ném vào chiến trường đó 25 vạn quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu, để cùng quân ngụy điên cuồng đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược.
Chúng mở những cuộc càn quét quy mô lớn. Chúng đi đến đâu là "đốt sạch, giết sạch, phá sạch". Chúng dùng bom napan, hơi độc và chất độc hoá học để giết hại đồng bào ta, tàn phá làng mạc ta. Chúng lầm tưởng sức mạnh tàn bạo của vũ khí có thể làm cho đồng bào miền Nam ta khuất phục. Nhưng đồng bào miền Nam anh hùng vẫn không hề mảy may nao núng và sẽ không bao giờ nao núng! Như đổ thêm dầu vào lửa, những tội ác cực kỳ man rợ của giặc Mỹ và bọn tay sai chỉ làm sục sôi thêm chí căm thù của nhân dân ta trong cả nước...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4403, ngày 26-4-1966).
28. Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956
(Trích)
…..
Cùng đồng bào và cán bộ các địa phương,
Hồi đầu năm, Đảng và Chính phủ đã kêu gọi nhân dân thi đua sản xuất và tiết kiệm. Đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tích: Vụ chiêm và vụ mùa thu hoạch khá, hoa màu, chăn nuôi được đẩy mạnh hơn; làm rừng, đánh cá, làm muối được chú ý hơn và đã thu được những kết quả bước đầu; công việc chống lụt, chống hạn, trừ sâu, chống bão kết quả cũng khá. Thành tích đó là nền tảng tốt cho chúng ta thực hiện kế hoạch sản xuất năm 1956.
Để đẩy mạnh việc củng cố miền Bắc, làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Chính phủ sẽ thi hành kế hoạch khôi phục kinh tế năm 1956 bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải; nhưng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Yêu cầu của sản xuất nông nghiệp năm 1956 là bước đầu giải quyết vấn đề lương thực, cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài.
Để đạt yêu cầu trên, toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua:
- Trồng thêm lúa và hoa màu. Tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng trọt, trồng thêm vụ, cấy hết ruộng hoang và khai thêm ruộng đất hoang khác.
- Khôi phục cây công nghệ, chủ yếu là bông, mía, cà phê và các cây công nghệ và cây ăn quả khác.
- Chăn nuôi nhiều gia súc để đủ trâu bò cày ruộng; nuôi nhiều lợn, gà để cung cấp thịt ăn cho nhân dân.
- Nghề đánh cá và làm muối đều phải đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ.
- Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ở bờ biển.
Muốn làm được những việc đó, chúng ta phải:
- Hoàn thành cải cách ruộng đất tốt và sớm.
- Đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật như thuỷ lợi, phân bón, giống và nông cụ.
- Ra sức bảo vệ sản xuất, đề phòng thiên tai, đề phòng địch phá hoại.
Để làm những việc trên, chúng ta phải động viên lòng hăng hái sản xuất của nhân dân, củng cố và mở rộng phong trào tổ đổi công.
Làm được những việc đó tức là thực hiện được phần chủ yếu của kế hoạch khôi phục kinh tế. Do đó mà cải thiện được đời sống của nhân dân, để tiến đến dân giàu nước mạnh...
Chào thân ái và thắng lợi
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 656, ngày 19-12-1955).
29. Nói chuyện với Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Nghệ An
(Trích)
...
Tiến lên chủ nghĩa xã hội chóng hay chậm là do cố gắng bản thân của mỗi người chúng ta, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Nếu bản thân ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đồng thời khuyến khích, lãnh đạo nhân dân cũng tăng gia và tiết kiệm thì chúng ta sẽ đi mau lên chủ nghĩa xã hội, phải tiết kiệm và bảo vệ của công (ví dụ chặt phá rừng phi lao là rất sai), tham ô lãng phí là không tốt. Tăng gia sản xuất về nông nghiệp là chủ yếu.
Muốn làm được tốt, nhất định phải có tổ đổi công; tổ đổi công thực sự chứ không phải tổ đổi công trên giấy, tổ đổi công theo đường lối dân chủ, tự nguyện, tự giác, thực sự có ích cho mọi người trong tổ, thực sự tiến bộ. Nếu không có tổ đổi công tốt thì khó tăng gia sản xuất nông nghiệp.
Các cô, các chú về địa phương, về đơn vị phải làm và phải ra sức khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ đồng bào, làm sao vụ mùa này cho tốt.
Bởi vì dân lấy ăn làm gốc, có thực mới vực được đạo. Nếu bụng đói thì các cô các chú nói gì hay mấy cũng không ai nghe.
Vì vậy trước hết phải quyết tâm làm vụ mùa này cho tốt. Làm ruộng thì phải ra sức bón phân, chăm lo này khác, đồng thời phải chống với thiên nhiên, chống lụt, chống bão, sâu, v.v..
Năm nay có thể có bão lụt to, vì vậy về các địa phương các cô các chú phải cố gắng ra sức khắc phục mọi khó khăn, giải thích cho đồng bào nông dân biết, động viên tổ chức chuẩn bị sẵn sàng chống bão, chống lụt, đó là điều cần thiết và rất quan trọng trước mắt. Nói chung lại phải hòan thành tốt kế hoạch Nhà nước năm nay. Kế hoạch ấy Đảng, Chính phủ giao cho các cô các chú, tin vào các cô các chú, có quyết tâm thì làm được.
Về thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp. Trong các cô, các chú có người làm thuế nông nghiệp, công thương nghiệp, có người thiếu thuế, chây thuế, lại có người vay tiền ngân hàng, nhưng bây giờ chưa chịu nạp, chịu trả. Các cô, các chú đều tán thành tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải xây dựng công nghiệp, nhà máy. Về nông nghiệp thì phải xây dựng công trình thuỷ lợi, v.v.. Lấy gì mà xây dựng? Phải có tiền. Tiền lấy ở đâu? Có thu được thuế mới xây dựng được, mặt khác để những đồng bào lao động túng thiếu vay mua trâu bò nông cụ để sản xuất. Người này vay, người khác cũng muốn vay. Người này có trả lại thì Chính phủ mới còn mà cho người khác vay. Nếu một lớp người vay rồi không trả thì lấy đâu cho người khác vay. Vì vậy, khuyên các cô các chú cán bộ đảng viên phải sòng phẳng, không mong các cô, các chú hy sinh gì hơn, nợ bao nhiêu trả bấy nhiêu.
Một điểm nữa là muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải xây dựng, bây giờ ta tuy có các nước bạn giúp đỡ khá nhiều, ta cũng cố gắng khá nhiều. Nhưng ngoài ra, có những việc chúng ta phải làm như mua hàng hoá, máy móc ở ngoài vào và phải ổn định vật giá. Bây giờ vật giá chưa ổn định như thế ảnh hưởng không tốt đến đời sống của tất cả mọi người. Vì vậy, chúng ta phải ổn định. Các cô, các chú đã tán thành thì phải làm thế nào để ổn định vật giá và làm thế nào để mua máy móc. Thế là chúng ta phải có những thứ đưa bán ra ngoài để mua máy móc, nguyên liệu về, có thứ điều hòa bên trong như bông ta đưa vào nhà máy làm sợi rồi bán sợi cho những đồng bào thủ công dệt.
Các cô, các chú phải giúp Đảng, giúp Chính phủ về việc ấy, phải tự tay làm và khuyến khích đồng bào nông dân bán nông sản cho Chính phủ, bán cho mậu dịch. Nếu nông dân không bán nông sản cho Chính phủ thì ảnh hưởng rất lớn đến ổn định vật giá. Muốn nông dân bán nông sản cho Chính phủ thì cán bộ và đảng viên phải bán trước, phải gương mẫu...
(Theo Ban Tuyên giáo Nghệ An)
30. Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê
Năm nay, đồng bào phải đặc biệt chú ý trong việc bảo vệ đê điều, kinh nghiệm năm ngoái đã dạy cho ta phải chăm lo chống lụt.
Trong mỗi địa phương, đồng bào sẽ đặt kế hoạch giữ đê cho thật sát với tình hình quân sự và kinh tế, sẽ cố gắng thực hành kế hoạch cho kỳ được, để giữ gìn kho người và kho thóc của ta.
Năm năm vừa qua, nhờ sự nỗ lực của toàn thể đồng bào trong các vùng có đê, và của cán bộ chính quyền, chuyên môn, quân sự và đoàn thể, chúng ta đã thắng luôn giặc lụt.
Năm nay chúng ta cũng phải cố gắng và cũng phải thắng. Muốn vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị kịp thời và đầy đủ, đề phòng ráo riết, tích cực hoạt động, để thi hành triệt để chương trình hộ đê của Chính phủ.
Công việc sẽ nặng nề, nhưng chúng ta chắc làm được.
Cán bộ sẽ xung phong, mọi người đều thi đua lập công. Tôi sẽ theo dõi công việc của đồng bào, và sẽ khen thưởng những thành tích xứng đáng.
Chào thân ái và quyết thắng
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 1818, ngày 15-5-1951)
31. Điện mừng Hội nghị thế giới lần thứ 11 chống bom nguyên tử và khinh khí
Thay mặt nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi đến Hội nghị lời chào mừng nhiệt liệt.
Nhân dân Việt Nam hoàn toàn đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nhật Bản anh em đòi triệt để cấm vũ khí hạt nhân, đòi huỷ bỏ các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật Bản, đòi trả lại Ôkinaoa và Ôgaxaoara cho Nhật Bản.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự ủng hộ tận tình của Hội đồng chống bom nguyên tử và khinh khí Nhật Bản, của các tầng lớp nhân dân, các đảng phái và các đoàn thể dân chủ tiến bộ Nhật Bản đang ra sức ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi tin chắc rằng Hội nghị sẽ góp phần động viên nhân dân Nhật Bản, nhân dân Châu Á và nhân dân thế giới đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, để bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình thế giới.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4131, ngày 26-7-1965).
Tâm Trang (tổng hợp)
33. Chế độ thực dân
Không phải chỉ có những người cộng sản mới nổi lên chống lại sự bóc lột thuộc địa một cách quá mức. Báo chí và các diễn giả tư sản cũng phản đối sự khắc nghiệt mà người bản xứ phải chịu đựng; phản đối sự vô sỉ luôn bao trùm bộ máy cai trị thuộc địa; phản đối tình trạng thiếu hẳn một chính sách thuộc địa nghiêm chỉnh. Vì vậy, chúng tôi đã gặp gỡ các địch thủ giai cấp của chúng tôi để đưa ra những phản đối tương tự. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẽ chia tay họ ngay khi đề cập đến cách giải quyết vấn đề.
Những người cộng sản đòi hỏi chấm dứt bóc lột thuộc địa, một bộ phận của bóc lột tư bản nói chung. Các nhà tư sản thì chỉ nghĩ đến việc tăng cường hệ thống thuộc địa để khai thác lợi nhuận cao hơn, để tăng cường sự cưỡng đoạt. Dĩ nhiên chính quyền lợi của họ, hoặc là một thứ tình cảm nhân đạo mập mờ nào đó đôi khi đã thúc đẩy họ lên tiếng yêu cầu làm dịu bớt số phận người bản xứ. Nhà bình luận của tờ Oeuvre lấy làm tiếc là người ta chỉ nhìn nhận những người da đen như một thứ nhân lực mà họ yêu cầu phải tước đoạt sạch những gì họ tìm thấy ở những con người này? Nhưng người ta không hề kết luận là phải từ bỏ chủ nghĩa thực dân. Người ta chỉ sợ những người bị bóc lột nổi dậy. Người ta yêu cầu nên nghiên cứu cách đàn áp những biến loạn có thể xảy ra, hoặc tốt hơn nên cần có những biện pháp làm dịu để ngừa trước hậu quả của những biện pháp tàn nhẫn quá hung bạo.
Vấn đề vẫn chỉ là buộc các thuộc địa phải làm ra nhiều hơn, vì lợi nhuận tối đa của các công ty tư bản.
Những người cộng sản vui sướng tìm được ở đối thủ tiếng vọng hưởng ấy lời phản đối của mình. Nhưng những người cộng sản đấu tranh cho sự giải phóng dân tộc và kinh tế của các thuộc địa, chứ không phải cho những biện pháp tạo điều kiện dễ dàng cho sự cướp bóc.
Sau đây, chúng tôi thông báo tóm tắt những hành động xấu xa của chính sách thuộc địa. Nhưng chúng tôi lưu ý một lần nữa là đối với những người cộng sản, vấn đề không phải là cải thiện hệ thống thuộc địa mà phải bãi bỏ nó.
*
* *
Những hy sinh xương máu và tiền bạc, những cuộc xâm chiếm đất đai rộng mênh mông, nguồn của cải không bao giờ cạn, địa hạt vô biên dành cho hoạt động của con người là để làm gì? Chi phí cho việc chiếm đóng tiếp tục làm thâm thủng ngân sách, còn các thuộc địa bị ảnh hưởng của cơn khủng hoảng đang giết chết đất nước này. Người Pháp ít di cư, vài ngành công nghiệp đang phồn thịnh mà nước Pháp nâng đỡ thì lại nằm trong tay người nước ngoài.
Lẽ ra cần phải xây dựng một chương trình hợp lý chứ không phải chiếm đoạt tài sản, của cải để bóc lột một cách ngấu nghiến. Người ta đã hoàn toàn truất quyền sở hữu của người bản xứ. Vì thế, sự phát triển của các thuộc địa thật là khó khăn: Thuộc địa là những khách hàng yếu ớt của nền công nghiệp chính quốc cũng đang bị tổn thất; thuộc địa là những người cung ứng nhỏ nhoi do những sai lầm trong khai thác.
Ngày nay, những người bóc lột nghĩ tới việc tổ chức lại theo kiểu hiện đại. Nước Angiêri cần 1.000 triệu; Tây Phi thuộc Pháp muốn 1.200 triệu mà lẽ ra các nước nói trên phải là những trợ lực quý báu cho chính quốc. Tình hình tài chính ở những nước này thật thảm hại. Việc kinh doanh ở đó thật khó khăn chính là do tính tham lam vô lương tâm của một số người cai trị. Sự bóc lột ích kỷ đó chỉ có thể thực hiện bằng cách tước đi mọi quyền độc lập của các thuộc địa. Tài nguyên thiên nhiên của các thuộc địa đủ để họ thế chấp các khoản vay nợ; các thuộc địa có thể giúp nước Pháp, nhưng thực tế họ lại là nạn nhân của sự thiếu hụt tài chính. Thật là thảm hại khi phải ghi nhận là mặc dù phải gánh chịu các vùng còn bị tàn phá cái khoản trợ cấp cho người góa bụa do chiến tranh họ lại phải giúp đỡ những tổ chức đang chết trên đống của.
Vì sao chính phủ lại phung phí hàng tỷ bạc vào Xyri? Nó không dám thú nhận điều đó. Vậy đến bao giờ người ta mới biết được sự thật về những vụ bê bối ở Nigiê?
Người ta không bao giờ muốn nói xâm chiếm thuộc địa là việc đốt nhà, tàn sát hay cướp bóc; và cũng không muốn nói đó là việc làm cho kiệt quệ một đất nước chỉ mong muốn được phát triển. Mà đó là triệt hạ sự sống của cả một vùng khi đặt nó vào tay một vài ông lớn chứ không phải để cho dân chúng canh tác trên mảnh đất đó.
Dân tộc Pháp được lợi lộc gì từ các thuộc địa của họ?
Chẳng qua một vài đội quân đi làm dịu những xung đột giữa tư bản và lao động. Vì vậy, cần bắt buộc tất cả các ứng cử viên phải có chương trình về thuộc địa trong các cuộc bầu cử sắp tới.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.149).
34. Thư cảm ơn Ủy ban Mếchxích đoàn kết với Việt Nam
Kính gửi Ủy ban Mếchxích đoàn kết với Việt Nam,
Các bạn thân mến,
Tôi chân thành cảm ơn Ủy ban đã tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam chúng tôi chống Mỹ, cứu nước.
Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, độc lập và tự do. Nhưng đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác. Chúng đã thực hiện chính sách "giết sạch, đốt sạch, phá sạch". Ở một số vùng, chúng đã dùng những phương tiện chiến tranh hết sức dã man, như bom napan, chất độc hóa học và hơi độc để giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng đã trắng trợn cho máy bay ném bom, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng thường rêu rao luận điệu "thương lượng hòa bình" nhưng chỉ là để che giấu việc chúng leo thang chiến tranh. Vì độc lập của Tổ quốc chúng tôi, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống đế quốc Mỹ, chúng tôi không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Chào thân ái
Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1967
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4745, ngày 06-4-1967).
35. Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường cho các dân tộc
(Trích)
...
Nhân dân miền Nam Việt Nam đã đánh thắng cuộc "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và đang đánh thắng cuộc "chiến tranh cục bộ" của chúng, một cuộc chiến tranh xâm lược vô cùng tàn bạo, với hơn một triệu quân gồm có gần 50 vạn quân viễn chinh Mỹ và hơn nửa triệu quân ngụy và quân chư hầu, với hàng nghìn máy bay, hàng trăm tàu chiến, hàng triệu tấn vũ khí hiện đại và những phương tiện chiến tranh dã man nhất: Những chất độc hóa học, hơi độc, những bom napan, bom bi, v.v.. Dã man hơn cả bọn phát xít Hítle trước kia, chúng thi hành khắp nơi chính sách đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Hòng gỡ thế bị sa lầy ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay và tàu chiến ngày càng ác liệt đối với miền Bắc chúng tôi. Chúng bắn phá các đường giao thông, các khu công nghiệp, các vùng đông dân cư ở thành thị và nông thôn, các nhà thương, trường học, nhà thờ, đền chùa, đê đập, v.v.. Bằng bom đạn, chúng lầm tưởng có thể làm nhụt lòng yêu nước và phá hoại tinh thần đoàn kết chiến đấu thiêng liêng của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền. Nhưng vì độc lập và tự do của Tổ quốc mình, 31 triệu nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4952, ngày 01-11-1967).
36. Báo cáo chính trị trước Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II
(Trích)
...
2. Phát động quần chúng năm nay triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức để tiến đến cải cách ruộng đất
Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám mới thắng lợi, chính quyền nhân dân thành lập, Chính phủ đã ra lệnh giảm tô. Nhưng cho đến nay, nơi thì giảm không đúng mức, nơi thì chưa giảm. Thành thử đồng bào nông dân không được hưởng quyền lợi chính đáng của họ. Như thế thì cứ nói "bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến" cũng chỉ là nói suông. Năm nay, chúng ta phải kiên quyết thực hiện triệt để giảm tô.
Muốn vậy phải ra sức phát động quần chúng nông dân, làm cho quần chúng tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và giành lấy ưu thế chính trị ở nông thôn. Đảng và Chính phủ phải lãnh đạo, tổ chức, giúp đỡ, kiểm tra.
Sau khi giảm tô, giảm tức, quần chúng đã được phát động, tổ chức đã vững chắc, lực lượng đã đầy đủ, ưu thế chính trị đã về tay nông dân lao động, đa số nông dân đã yêu cầu thì sẽ thực hiện cải cách ruộng đất.
Cải cách ruộng đất.
Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc.
Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc.
Hoàn cảnh nước ta hiện nay, bên địch thì giặc Pháp dựa vào địa chủ phong kiến phản động do bù nhìn Bảo Đại đứng đầu để phá hoại kháng chiến, bên ta thì vào bộ đội, sản xuất lương thực, đi dân công nhiều hơn hết là nông dân.
Mấy năm trước, vì hoàn cảnh đặc biệt mà ta chỉ thi hành giảm tô, giảm tức, như thế là đúng. Nhưng ngày nay, kháng chiến đã 7 năm, đồng bào nông dân hy sinh cho Tổ quốc, đóng góp cho kháng chiến đã nhiều và vẫn sẵn sàng hy sinh, đóng góp nữa. Song họ vẫn là lớp người nghèo khổ hơn hết, vì thiếu ruộng hoặc không có ruộng cày. Đó là một điều rất không hợp lý.
Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân.
Cải cách ruộng đất sẽ giúp ta giải quyết nhiều vấn đề:
Về quân sự, nông dân sẽ càng hăng hái tham gia bộ đội, để giữ làng giữ nước, giữ ruộng đất của mình. Đồng thời cải cách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng to lớn giúp làm tan rã nguỵ quân.
Về kinh tế - tài chính, nông dân đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào.
Về chính trị, khi nông dân đã nắm ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn.
Về văn hóa, "có thực mới vực được đạo", kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: Khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân phát triển rất nhanh. Còn những vấn đề khác, như công an nhân dân, thương binh bệnh binh, vệ sinh nhân dân, v.v. đều dựa vào lực lượng quần chúng nông dân mà dễ dàng giải quyết.
Về Mặt trận Liên - Việt, sau khi cải cách ruộng đất, Mặt trận sẽ được mở rộng hơn, củng cố hơn, vì đoàn kết được tất cả nông dân, tức là đoàn kết tối đại đa số đồng bào ta; cơ sở của Mặt trận là công nông liên minh sẽ được vững chắc hơn. Phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức năm nay là một việc rất to lớn và quan trọng. Nó sẽ làm đà cho công việc cải cách ruộng đất sau này. Đảng phải định phương châm, chính sách, phải có kế hoạch, phải có tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra. Trước nhất là phải đánh thông tư tưởng trong Đảng, từ trên xuống dưới, phải đánh thông tư tưởng các tầng lớp nhân dân, trước hết là nông dân. Trung ương phải có chỉ thị rõ ràng về việc này. Mong các đồng chí nghiên cứu thật kỹ và thêm ý kiến đầy đủ.
Kinh tế - tài chính.
Về kinh tế - tài chính, sẽ có báo cáo riêng. Ở đây tôi chỉ nhắc lại rằng: Ta có tiến bộ nhưng tiến bộ ít.
Thuế nông nghiệp vẫn thu chậm và không đúng mức. Chính sách của Chính phủ rất đúng, đồng bào rất hăng hái đóng góp, vì sao mà thu chậm và không đúng mức? Vì nhiều cán bộ nhất là ở cấp dưới, thành phần xã hội không thuần khiết, hoặc không nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, không đi đúng đường lối quần chúng, không gương mẫu, kết quả là không làm tròn nhiệm vụ.
Thuế nông nghiệp như vậy, thuế công thương nghiệp, mậu dịch, dân công, cũng đều như vậy. Năm nay, cán bộ các cơ quan và các địa phương nhất định phải quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm đó để thực hiện thăng bằng thu và chi, bình ổn vật giá, phát triển giao thông, tăng gia sản xuất. Chúng ta phải ra sức bảo vệ và phát triển việc sản xuất, phải thực hành tiết kiệm, phải nhằm vào giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân và cải thiện đời sống của nhân dân. Phải triệt để chấp hành chính sách thuế nông nghiệp và các thứ thuế khác và chính sách mậu dịch trong nước và mậu dịch với ngoài, thực hiện triệt để chế độ thống nhất quản lý tài chính, chấp hành kỷ luật tài chính một cách nghiêm chỉnh và tăng cường công tác đấu tranh kinh tế với địch...
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.15).
37. Lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa Xuân
Cùng đồng bào và cán bộ các địa phương,
Trong những năm kháng chiến, nhân dân ta đã cố gắng thi đua tăng gia sản xuất; nhờ vậy mà mặc dầu có thiên tai, địch họa, chúng ta đã khỏi thiếu thốn. Đó là một thành tích to.
Nay hòa bình trở lại. Nhiều nơi đang vận động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.
Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều: Hạn, lụt, sâu bọ có thể làm hại mùa màng; một số ruộng hoang chưa cày cấy hết; công trình thủy lợi chưa sửa chữa được hoàn toàn. Vì vậy chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc cấy lúa, trồng màu, thì vụ giáp hạt tháng 3, tháng 8 mới khỏi gay go.
Hiện nay, nhiệm vụ vẻ vang của đồng bào là phải ra sức thi đua khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho đồng bào nông dân ấm no, để cung cấp cho quân đội, để đảm bảo tiếp tế cho các thành thị, để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế nước nhà.
Trong mùa xuân này, toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua:
- Cấy nhiều lúa, trồng nhiều màu,
- Cày sâu cuốc bẫm, làm cỏ bỏ phân,
- Chống hạn, phòng lụt, diệt sâu bọ,
- Khai phá ruộng hoang,
- Chăn nuôi nhiều gia súc,
- Tiết kiệm về mọi mặt.
Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Tôi kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này. Thế là đồng bào góp phần vào công cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.
Năm mới, tôi chúc đồng bào và cán bộ địa phương thu nhiều thành tích tốt đẹp trong cuộc thi đua tăng gia sản xuất.
Chính phủ sẽ khen thưởng những đồng bào, cán bộ và đơn vị có thành tích xuất sắc trong vụ xuân này.
Chào thân ái và thắng lợi
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 340, ngày 05-02-1955).
Tâm Trang (tổng hợp)
38. Điện trả lời Giáo hoàng Pôluýt 6
Kính gửi Giáo hoàng Pôluýt 6,
Tòa thánh Vaticăng,
Tôi cảm ơn Ngài đã gửi cho tôi bức điện ngày 08 tháng 02 năm 1967. Trong bức điện đó, Ngài tỏ ý mong muốn sớm có giải pháp hòa bình về vấn đề Việt Nam. Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, để xây dựng đất nước trong độc lập và tự do. Nhưng đế quốc Mỹ đã đưa hơn nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu cùng hơn 60 vạn quân ngụy tiến hành cuộc chiến tranh chống lại nhân dân chúng tôi. Chúng đã phạm những tội ác tày trời. Chúng dùng những vũ khí man rợ nhất như bom napan, chất độc, hơi độc để giết hại đồng bào chúng tôi và đốt phá xóm làng, chùa chiền, nhà thờ, nhà thương, trường học.
Hành động xâm lược của chúng chà đạp thô bạo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, uy hiếp nghiêm trọng hòa bình ở Châu Á và thế giới. Để bảo vệ độc lập và hòa bình, nhân dân Việt Nam kiên quyết chống xâm lược và tin chắc rằng chính nghĩa nhất định thắng.
Đế quốc Mỹ phải chấm dứt xâm lược Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút hết quân đội Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình. Có như thế thì hòa bình chân chính ở Việt Nam mới được lập lại.
Tôi mong Ngài vì nhân đạo và công bằng, hãy dùng ảnh hưởng của mình, đòi nhà cầm quyền Mỹ tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã xác nhận.
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4694, ngày 14-2-1967).
39. Thư cảm ơn Ủy ban Mếchxích đoàn kết Việt Nam
Kính gửi Ủy ban Mếchxích đoàn kết với Việt Nam,
Các bạn thân mến,
Tôi chân thành cảm ơn Ủy ban đã tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam chúng tôi chống Mỹ, cứu nước.
Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, độc lập và tự do. Nhưng đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác. Chúng đã thực hiện chính sách "giết sạch, đốt sạch, phá sạch".
Ở một số vùng, chúng đã dùng những phương tiện chiến tranh hết sức dã man, như bom napan, chất độc hóa học và hơi độc để giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng đã trắng trợn cho máy bay ném bom, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng thường rêu rao luận điệu "thương lượng hòa bình" nhưng chỉ là để che giấu việc chúng leo thang chiến tranh.
Vì độc lập của Tổ quốc chúng tôi, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống đế quốc Mỹ, chúng tôi không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Chào thân ái
Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1967
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4745, ngày 6-4-1967).
40. "Nhân định, thắng thiên"
Đại ý nghĩa là: người mạnh hơn trời. Đây là một thí dụ: Vùng Hoa Bắc (Trung Quốc) sống nhờ ruộng đất. Nhưng trời lại hay phũ phàng, cứ 10 năm thì 9 năm hạn hán. Vùng nào tránh được hạn thì bị lụt. Sau lụt và hạn, lại thường bị sâu. Hạn, lụt, sâu là ba kẻ địch hung ác của nông dân. Vì thế, trước ngày giải phóng, đất tuy tốt mà dân lại thường bị nạn đói.
Từ ngày giải phóng, một mặt do Đảng và Chính phủ lãnh đạo, một mặt do nông dân hăng hái xung phong, nên đã đánh bại được ba kẻ địch ấy.
Để chống giặc hạn, nông dân đã thi đua đào giếng, khơi mương, và cày bừa sớm. Khi có hạn hán, họ ra sức gánh nước tưới đất.
Để chống giặc lụt, họ thi đua đắp đê, sửa đê, giữ đê, và giữ rừng.
Để chống giặc sâu, họ tổ chức thi đua giết sâu.
Mùa vừa rồi, ruộng bông ở Hoa Bắc bị nạn sâu. Thế mà bông vẫn được mùa. Vì hơn 6 triệu nông dân, già trẻ gái trai, đã xuất hơn 80 triệu ngày công, để giết sâu cho 4.154 vạn mẫu bông. Do đó, họ đặt câu hát: "Ra sức thi đua, thì mùa chắc được".
Chắc rằng: Việc gì anh em nông dân Trung Quốc làm được, thì đồng bào nông dân Việt Nam ta cũng làm được.
C.B.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 37, ngày 19-12-1951).
41. Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê
Mùa nước lũ sắp đến.
Đồng bào trung châu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã bắt đầu đắp đê và chuẩn bị hộ đê.
Đồng bào làm những việc ấy đồng thời với việc tăng gia sản xuất và đánh giặc.
Đánh giặc để giữ làng, giữ nước.
Đắp đê, hộ đê để bảo vệ mùa màng.
Mấy năm qua, đồng bào đã thắng lợi trong việc giữ đê. Năm nay đồng bào phải ra sức cố gắng hơn nữa để đánh thắng giặc lụt.
Đồng bào nên tỉnh táo, đề phòng âm mưu của địch phá đê.
Tôi kêu gọi đồng bào và bộ đội ra sức giữ vững đê điều:
- Đặt kế hoạch cho sát với tình hình của mỗi địa phương;
- Động viên mọi người thi đua thực hiện đầy đủ kế hoạch ấy;
- Phải phối hợp chặt chẽ giữa quân, dân, chính để thống nhất hành động và lãnh đạo cương quyết;
- Bình tĩnh trong mọi trường hợp.
Mấy năm trước, chúng ta đã thắng giặc lụt. Năm nay chúng ta cũng quyết thắng giặc lụt.
Tôi mong rằng đến dịp tổng kết thi đua năm nay, sẽ nêu lên nhiều chiến sĩ, cá nhân và tập đoàn có thành tích đắp đê, hộ đê. Chính phủ sẽ khen thưởng những nơi và những chiến sĩ có thành tích lớn.
Chào thân ái và quyết thắng
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 2090, ngày 02-6-1952).
42. "Tết trồng cây"
Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp, v.v. đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi.
Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta yêu kính Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt là thế này: Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.
Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho "Tết trồng cây" . Ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v..
Như vậy mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta.
Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 2082, ngày 28-11-1959).
43. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng
(Trích)
...
2. CẦN KIỆM XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ
Muốn no cơm, ấm áo thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Nông dân phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cho tốt, cho vững. Muốn hợp tác xã phát triển tốt và vững thì:
a) Cán bộ, ban quản trị phải công bằng, dân chủ. Mọi việc phải bàn bạc với xã viên, sổ sách, tiền của phải rõ ràng minh bạch.
b) Xã viên phải đoàn kết chặt chẽ, vui vẻ sản xuất, coi công việc hợp tác xã như công việc nhà mình. Để sản xuất tốt, tăng gia thu nhập cho cả hợp tác xã và cho mỗi xã viên, cần phải thực hiện những điều sau đây:
1. Đủ nước,
2. Nhiều phân,
3. Cày sâu, bừa kỹ,
4. Giống tốt, mạ tốt,
5. Trừ sâu, diệt thú rừng,
6. Cải tiến nông cụ,
7. Săn sóc ruộng rẫy.
Hợp tác xã cần phải đẩy mạnh chăn nuôi. Phải tổ chức nghề phụ để thêm thu nhập cho xã viên.
Trong tỉnh ta, lâm thổ sản là một nguồn thu nhập lớn, cần tích cực khai thác có kế hoạch và ra sức trồng cây, bảo vệ rừng.
Hiện nay, ở tỉnh ta ở vùng thấp 80% nông hộ đã vào hợp tác xã, trong đó có 90 hợp tác xã cấp cao, như thế là khá. Nhưng dần dần phải họp mấy hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã loại vừa và loại to thì người nhiều, sức đủ, làm ăn tốt hơn. Ở vùng cao mới có 18% nông hộ vào hợp tác xã, như thế là ít. Phải theo đúng nguyên tắc tự nguyện mà giúp đồng bào vùng cao đẩy mạnh phong trào hợp tác xã hơn nữa. Xây dựng hợp tác xã nào phải làm cho hợp tác xã ấy tốt và vững...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 2531, ngày 23-2-1961).
44. Bài nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An
(Trích)
...
Ở đây trồng cây gây rừng thế nào? Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy. Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch. Ví dụ như nhãn 5 năm có quả, các thứ cây ăn quả khác như bưởi, nếu chiết được thì nhanh thôi, dừa thì 7 năm. Cây thầu đâu 3 năm có thể làm cột được. Lấy trung bình cây 7 năm, cây 5 năm, cây 2 năm ta cho là 5 năm. Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to: cây thì làm gỗ được, cây thì ăn quả được. Không biết các cô, các chú có thấy không. Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì. Có phải thế không? Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng.
Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì?
Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu? Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón. Năm nay Nghệ An định trồng mấy triệu cây? Các chú cứ làm sao năm nay trồng được 15 triệu cây cho tốt. Trồng cây nào sống cây ấy, chứ 19 triệu mà chết hết nửa thì vô ích. Năm nào cũng trồng, nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy.
Ở Vĩnh Phúc có một xã kiểu mẫu về trồng cây, có những người gương mẫu về trồng cây. Không biết ở đây có không? Như xã Bác đến thăm, hợp tác xã trích ra hai người chỉ lo về trồng cây. Cố nhiên, ai cũng trồng, nhưng kế hoạch trồng, tiền giống, chăm nom là do hai người ấy lo. Hợp tác xã trả công điểm cho họ trội hơn công điểm các xã viên khác. Nhờ thế, bây giờ xã này cây cối rất um tùm, mặc dù lúc kháng chiến đã bị phá trụi. Cái ấy các cô, các chú cũng nên chú ý. Ví dụ: năm nay trồng 19 triệu cây, sang năm trồng 19 triệu cây nữa, trong 5 năm thành hàng triệu. Cứ trồng tiếp tục năm này qua năm khác, chứ không phải làm ồ ạt một vài năm rồi thôi. Nếu mỗi năm trồng 19 triệu cây, cứ tiếp tục trong 5 năm, 10 năm thì trồng cả vào trong nhà nữa chứ không phải chỉ ngoài trời. Kế hoạch của Trung ương đề ra cho Nghệ An bao nhiêu? Nếu các chú làm được 10 triệu cho tốt thì cũng vừa.
Hôm nay Bác chỉ nói chuyện qua và nhằm vào mấy điểm như thế. Mấy điểm ấy có thể là điểm chính. Còn có những vấn đề gì nữa, ngày mai Bác sẽ nói thêm.
(Trích trong cuốn Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh)
Tâm Trang (tổng hợp)
45. Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê
Mấy năm liền, ta đã tránh được nạn lụt, do đó mà tránh khỏi nạn đói.
Thành công đó là nhờ sự cố gắng chung của toàn thể đồng bào. Nhờ các cụ phụ lão, các đoàn thể, các cơ quan hành chính, chuyên môn, các bộ đội và toàn dân đồng tâm hợp lực, xuất của xuất công.
Năm nay, mực nước có thể to hơn.
Năm nay, trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, ta càng phải cố gắng hơn nữa.
Mấy năm trước, ta đã thắng giặc lụt. Năm nay, ta cũng quyết thắng.
Đồng bào hãy xung phong thi đua góp công, góp của, đắp đê, giữ đê.
Tôi hứa dành một giải thưởng đặc biệt cho tỉnh nào giỏi nhất.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 5 năm 1949
HỒ CHÍ MINH
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.600).
46. Cần, kiêm, liêm, chính
Vì sao Hồ Chủ tịch đề ra khẩu hiệu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính?
Vì Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người.
Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nền Dân chủ Cộng hòa, cho đến mấy năm kháng chiến, dân ta nhờ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, mà đánh thắng được giặc lụt, giặc dốt, giặc thực dân và giặc đói.
Tuy vậy, đồng bào ta có người đã hiểu rõ, có người chưa hiểu rõ. Có người thực hành nhiều, có người thực hành ít. Cho nên cần phải giải thích rõ ràng, để cho mọi người hiểu rõ, mọi người đều thực hành.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.631).
47. Thư khen các nhân viên và cơ quan quân, dân, chính đã đánh thắng giặc lụt
Bốn năm nay, mặc dầu hoàn cảnh khó khăn do giặc Pháp gây ra, ta đã giữ vững đê điều, đã đánh thắng giặc lụt.
Đó là một thắng lợi bộ phận trong thắng lợi chung của toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.
Có thắng lợi ấy là nhờ sự hăng hái, cố gắng, đồng tâm, và sự phối hợp chặt chẽ giữa hành chính, chuyên môn, bộ đội, đoàn thể và nhân dân.
Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi:
Các Ủy ban kháng chiến hành chính,
Các nhân viên chuyên môn,
Các bộ đội,
Các đoàn thể nhân dân, đã có công trong việc sửa đê, hộ đê năm nay.
Tôi mong rằng mọi người và mọi cơ quan cứ theo đà ấy, cố gắng thi đua, tẩy bỏ những khuyết điểm còn sót lại, phát triển những ưu điểm đã sẵn có, sao cho đê điều năm sau sẽ được sửa chữa và gìn giữ sớm hơn nữa.
Với sức đoàn kết và thi đua, chúng ta đã đánh thắng giặc lụt, thì cũng với sức đoàn kết và thi đua, chúng ta quyết đánh tan giặc thực dân.
Chào thân ái và quyết thắng
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 1393, ngày 10-11-1949).
48. Nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác nông lâm ngư nghiệp năm 1956
(Trích)
Năm ngoái cán bộ nông lâm ngư nghiệp đã cố gắng đạt được một số thành tích. Năm nay cần cố gắng hơn nữa.
Tục ngữ ta nói: "Có thực mới vực được đạo". Muốn "thực" thì phải có lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. do nông dân làm ra. Nếu nông dân cung cấp không đủ, thì công nhân, công chức, học sinh, quân đội, nhân dân thành thị sẽ bị đói.
Muốn cung cấp đầy đủ thì nông dân phải tăng gia sản xuất. Ai hướng dẫn nông dân tăng gia? Cán bộ sản xuất, cán bộ nông lâm phải hướng dẫn.
Vì vậy, nhiệm vụ cán bộ nông lâm rất quan trọng.
Nghề nông phải đấu tranh chống những tai nạn của thiên nhiên: Hạn, lụt, sâu bọ, chim, chuột, dịch, v.v. lại còn phải đấu tranh với các tập quán bảo thủ lạc hậu.
Muốn thực hiện được nhiệm vụ, thì cán bộ phải tuyên truyền, giải thích, làm cho nông dân hiểu và làm, không thể gò ép, mệnh lệnh. Công tác của cán bộ nông lâm có khó khăn nhưng rất vẻ vang. Cần thấy được khó khăn để khắc phục, chứ không phải để lùi bước. Vì thế phải cố gắng nhiều.
Năm ngoái, có nơi vì quan liêu, thiếu cụ thể, thiếu thiết thực, thiếu thống nhất ý kiến, cho nên lãng phí của và sức của dân. Ý kiến không thống nhất vì thiếu đoàn kết. Phải đoàn kết nhất trí giữa cán bộ chuyên môn với cán bộ chính trị, cán bộ mới với cán bộ cũ, cơ quan này với cơ quan khác. Phải thật thà xem trọng lợi ích của nhân dân, luôn luôn chú ý đến đời sống của nhân dân...
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.152).
49. Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu (Sơn La)
(Trích)
...
Đồng bào đã biết tổ đổi công, hợp tác xã là tốt. Vậy phải có quyết tâm làm tổ đổi công, hợp tác xã. Tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào. Ví dụ: Mấy gia đình này vào hợp tác xã, tổ đổi công, thu hoạch 200 gánh, mấy nhà kia làm riêng lẻ thu hoạch 100 gánh thôi. Như thế những nhà làm riêng lẻ sẽ muốn xin vào. Như thế để người ta tự xin vào. Người ta thấy tổ đổi công, hợp tác xã làm tốt, người ta sẽ tự xin vào, không phải nắm cổ người ta kéo vào.
Một điều nữa, Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông. Có đúng không? Sau này đường sá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của của đồng bào đấy. Chừng 150 cây gỗ hay 200 cây gỗ chúng ta đưa ra nước ngoài bán, đổi được máy cày, cày được cả vùng này. Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả.
Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hoà bình rồi, cũng phải anh dũng. Anh dũng là anh dũng mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc; bây giờ anh dũng sản xuất, xóa nạn mù chữ. Về bình dân học vụ ở miền Bắc, nhiều xã, nhiều thị trấn đã xóa xong nạn mù chữ. Nhưng châu nhà chưa xóa xong nạn mù chữ. Như thế là còn kém, đúng thế không? Bây giờ phải cố gắng. Hết năm nay nữa, năm sau phải xóa cho xong nạn mù chữ. Đối với công việc này, thanh niên và nhi đồng phải góp nhiều vào đấy. Đối với những xã, những châu đã xóa xong nạn mù chữ, Chính phủ có thưởng Huân chương, đồng bào ở đây có muốn được thưởng Huân chương không?
Một điều nữa, ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khoẻ để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ. Công việc ấy, cán bộ châu phải đôn đốc đồng bào mà đồng bào phải tích cực làm...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1884, ngày 13-5-1959).
50. Bài nói tại Hội nghị toàn Đảng bộ khu Việt Bắc
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Khu Việt Bắc hiện nay là hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ. Khi tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, cần coi trọng chất lượng của phong trào. Xây dựng hợp tác xã nào phải làm tốt hợp tác xã ấy. Các hợp tác xã xây dựng tốt, quản lý tốt sẽ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Ruộng của hợp tác xã tốt, thu nhập của xã viên tăng, đó là cách tốt nhất để tuyên truyền vận động bà con nông dân vào hợp tác xã.
Các nơi phải nắm vững khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã, tránh tình trạng ăn uống lãng phí như một số hợp tác xã lập xong đã mổ bò, giết lợn liên hoan.
Các hợp tác xã hãy cố gắng làm vụ mùa này thắng lợi to lớn hơn vụ chiêm năm nay và vụ mùa năm ngoái. Muốn vậy, cần chú ý làm công tác thuỷ lợi theo phương châm giữ nước là chính, làm thuỷ lợi nhỏ là chính, nhân dân tự làm là chính, bón nhiều phân và cải tiến kỹ thuật.
Việt Bắc là nơi "rừng vàng, núi bạc". Rừng vàng vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa. Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng. Núi bạc, vì núi non Việt Bắc có nhiều quặng có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế. Hiện nay, ta đang chuẩn bị xây dựng khu gang thép Thái Nguyên; Việt Bắc cần tích cực góp phần xứng đáng vào việc xây dựng đó.
Về công tác văn hóa xã hội, cần tích cực xóa nạn mù chữ, thực hiện vệ sinh, phòng bệnh trong các dân tộc, vì có văn hóa, có sức khỏe thì có thêm điều kiện tốt để quản lý hợp tác xã, xây dựng công nghiệp, mở rộng sản xuất.
Các cấp bộ Đảng phải thi hành đúng chính sách dân tộc, thực hiện sự đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc.
Đời sống đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng cao còn có nhiều khó khăn. Khu Việt Bắc đã chú ý đến công tác vùng cao, nhưng chưa chú ý đúng mức. Từ nay các đảng viên, cán bộ trong Khu cần thật sự chú ý vận động, giúp đỡ đồng bào về các công tác sản xuất, văn hóa, vệ sinh, phòng bệnh để đồng bào vùng cao cải thiện dần đời sống của mình.
Để đẩy mạnh các công tác trên, cần phải củng cố và phát triển Đảng, cần phải có quyết tâm củng cố Đảng, củng cố chi bộ, tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghiệp vụ cho các đảng viên, cán bộ. Cần chú ý kết nạp thêm đảng viên các dân tộc và nữ đảng viên để mở rộng hàng ngũ Đảng, đồng thời chú ý củng cố và phát triển Đoàn Thanh niên Lao động. Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong việc đoàn kết, học tập, công tác.
Mọi người phải ra sức trau dồi đạo đức xã hội chủ nghĩa. Cải tạo xã hội cũ xấu xa trở thành xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp là một sự nghiệp rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Muốn làm được sự nghiệp ấy, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần có ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa cao, một lòng một dạ phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội. Để tu dưỡng đạo đức xã hội chủ nghĩa, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Phải luôn luôn tự phê bình một cách thật thà, tự phê bình từ trên xuống dưới. Bác mong rằng các cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong Khu kiên quyết thực hiện những nhiệm vụ của Đảng giao cho, góp phần đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
(Trích trong Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđ d, t.9, tr.456).
51. Điện gửi Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình
Kính gửi giáo sư Giôn Bécnan,
(Nhờ chuyển Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình Mátxcơva)
Thay mặt nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi kính gửi Đại hội và giáo sư lời chào mừng nhiệt liệt nhất.
Trong lúc bọn đế quốc thực dân đang ra sức chạy đua vũ trang, chuẩn bị một cuộc chiến tranh thế giới mới, một cuộc chiến tranh hạt nhân, Đại hội họp để đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình là một trong những sự kiện quan trọng nhất của thời đại chúng ta.
Chỉ có sự đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hòa bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kẻ gây chiến.
Thắng lợi của sự đoàn kết chống nguy cơ chiến tranh và bảo vệ hòa bình thế giới là do sự đồng tâm nhất trí của Đại hội.
Hiện nay, ở miền Nam nước Việt Nam chúng tôi, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng đang tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu, hòng biến miền Nam nước chúng tôi thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ nhằm gây chiến tranh ở Đông Dương và Đông - Nam Á.
Việc giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình sẽ giúp rất nhiều cho phong trào giải phóng dân tộc thắng lợi.
Nhân dân Việt Nam chúng tôi hứa sẽ ra sức ủng hộ và thi hành những nghị quyết mà Đại hội sẽ thông qua.
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Hòa bình thế giới muôn năm!
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3036, ngày 17-7-1962).
Tâm Trang (tổng hợp)
52. Bài nói chuyện ở Hội nghị đổi công toàn quốc
Nguyện vọng của đồng bào nông dân là: Khi chưa có ruộng đất thì muốn có ruộng đất; khi đã có ruộng đất rồi thì muốn sản xuất nhiều để được ấm no.
Muốn tăng gia sản xuất được nhiều thì cần làm tập thể. Nhưng vì từ trước đến nay nông dân ta quen làm ăn riêng rẽ từng nhà, không quen tập thể, không quen tổ chức. Để tiến bộ mãi, thì đường đi của nông dân phải có mấy bước: bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước.
Ví dụ như ở Liên Xô, nông dân đã tổ chức thành nông trường tập thể, ruộng đất góp lại làm chung, cấy, cày, gặt hái đều bằng máy. Ở các nông trường có trường học 8 năm, 10 năm, có thư viện, có nhà thương, chỗ giữ trẻ, sân thể thao, rạp chiếu bóng... Nói tóm lại, không khác gì thành phố.
Nghe nói nông dân Liên Xô tiến bộ và sung sướng như thế, chắc các cô, các chú thích lắm? Nhưng ta chưa làm ngay như vậy được đâu. Liên Xô cải cách ruộng đất hơn 30 năm nay. Ở ta cải cách ruộng đất chưa hoàn toàn xong. Song nếu chúng ta ra sức phấn đấu thì cái gì Liên Xô đã có ngày nay, mai sau chúng ta cũng sẽ có. Lúc công nông Liên Xô làm cách mạng, không có ai trực tiếp giúp đỡ. Nay chúng ta có Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác giúp, có Đảng và Chính phủ lãnh đạo. Nếu các cô, các chú cố gắng thì nhất định tiến bộ mau chóng. Trung Quốc, cách mạng thành công mới 5 năm, cải cách ruộng đất xong đã ba năm. Lúc đầu cũng tổ chức tổ đổi công, dần dần tiến lên hợp tác xã. Hiện nay, ở nông thôn ta thì cần phát triển rộng khắp tổ đổi công, nó là hình thức thấp nhất, giản đơn nhất. Thế là tổ chức của nông dân Trung Quốc (hợp tác xã) cao hơn tổ chức của nông dân ta (tổ đổi công). Tổ chức của nông dân Liên Xô (nông trường tập thể) thì cao hơn của nông dân Trung Quốc; mà nông dân Liên Xô cũng sẽ tiến nữa.
Các cô, các chú phần lớn ở các xã đã cải cách ruộng đất, đã thấy lúc đầu giảm tô, cải cách ruộng đất không phải dễ dàng. Bây giờ tổ chức đổi công cũng không phải dễ dàng. Ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại. Tổ chức tổ đổi công phải có phương châm, có nguyên tắc, có phương pháp.
Phương châm hiện nay là: Cần phát triển cho nhiều tổ đổi công từng vụ, từng việc, làm sao cho tất cả các nơi đã giảm tô và cải cách ruộng đất đều có những tổ đổi công như thế. Nơi nào trình độ quần chúng, trình độ cán bộ khá, thì tổ chức tổ đổi công thường xuyên, đổi công mùa này sang mùa khác. Chỗ nào đã có tổ đổi công thường xuyên thì phải củng cố cho vững thêm, tốt thêm.
Sau này, tổ đổi công thường xuyên đã rộng khắp và có nền nếp rồi, mới tiến lên làm hợp tác xã. Chớ sốt ruột, tham mau, vội tổ chức hợp tác xã ngay.
Nguyên tắc tổ đổi công:
- Một là không được cưỡng ép ai hết. Phải tuyên truyền, giải thích cho nông dân thấy lợi ích tổ đổi công; ai muốn vào thì vào, tuyệt đối không được ép buộc ai.
- Hai là làm sao cho những gia đình trong tổ đổi công đều có lợi. Có lợi thì người ta mới vui lòng vào. Tuyên truyền cho người ta vào tổ đổi công là một việc khó. Nhưng khi người ta vào tổ rồi cũng chưa phải đã thành công. Vì nông dân có nhiều vấn đề phức tạp.
Ví dụ: trong một tổ có gia đình nhiều người, gia đình ít người; có người làm khoẻ, người làm yếu; gia đình này có trâu bò, gia đình kia không có. Trâu bò cũng có con khỏe con yếu. Ruộng đất thì có ruộng xa ruộng gần. Lúa chín cùng một lúc thì ai cũng muốn gặt trước... Nếu không khéo giải quyết, để cho ai cũng đều có lợi, thì sẽ sinh ra thắc mắc, tị nạnh lẫn nhau, sẽ thất bại.
- Ba là tổ đổi công thì phải có tổ trưởng hoặc ban quản trị. Quản trị phải dân chủ. Việc làm phải bàn bạc với nhau. Mọi người đều hiểu mới vui lòng làm. Có người chưa hiểu, chưa vừa lòng, mà bắt họ làm thì hỏng việc.
Phương pháp tổ chức:
- Một là chớ ham làm mau, ham rầm rộ. Làm ít mà chắc chắn hơn làm nhiều, làm rầm rộ mà không chắc chắn. Đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy, cứ tiến tới dần dần.
- Hai là phải thiết thực. Đã tổ chức là phải làm việc thiết thực, chứ không phải tổ chức cho có tên mà không có thực tế.
- Ba là phải làm từ nhỏ đến lớn, từ 5, 7 gia đình đến 9, 10 gia đình, không nên tổ chức quá to, vì quá to thì khó nắm, sẽ chệch choạc, dễ thất bại.
Ngoài ra, còn có mấy điều phải chú ý: Phải rút kinh nghiệm tốt để theo, kinh nghiệm xấu để tránh. Phải cải tiến cách cày bừa, làm ăn.
Phải tổ chức thi đua. Bất cứ việc nhỏ việc to, có thi đua thì mọi người mới cố gắng. Phải làm cho mọi người hiểu thi đua là ích nước lợi nhà. Lợi nhà: như khi chưa vào tổ đổi công, chưa thi đua, thì làm một mẫu thu được 30 nồi; khi đã vào tổ đổi công và thi đua, thì một mẫu được 32, 35 nồi hoặc nhiều hơn nữa. Ích nước: ngoài phần thóc nộp thuế cho Chính phủ, phần thóc ăn, còn thóc thừa bán cho Chính phủ. Chính phủ mua thóc để nuôi cán bộ, bộ đội, làm các việc ích chung. Tăng gia nhiều, thừa thóc nhiều, thì bán thóc cho Chính phủ càng nhiều hơn.
Nếu tăng gia nhiều nhất trong địa phương, thì Chính phủ còn khen thưởng nữa. Thế là đã được lợi, lại được danh. Tổ đổi công phải rất đoàn kết. Không những đoàn kết trong tổ với nhau, mà nếu trong xóm có gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội thì cố giúp cho các gia đình đó. Liệt sĩ hy sinh vì đồng bào, bộ đội đánh giặc giữ nước, bảo vệ nhân dân, họ có công với đồng bào, cho nên đồng bào phải cố giúp gia đình họ. Trong xóm có người đau ốm hoặc không có sức làm, thì cũng nên giúp đỡ họ. Làm như thế là cách tuyên truyền rất tốt để kéo họ vào tổ đổi công.
Về lãnh đạo:
Việc gì cũng phải có lãnh đạo thì mới thành công. Ai lãnh đạo tổ đổi công? Trực tiếp là tổ trưởng tổ đổi công. Nếu tổ trưởng công bằng, vô tư, khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, được bà con tin phục và yêu mến, thì việc của tổ sẽ thành công.
Một thí dụ: Mọi người trong tổ hưởng lợi bằng nhau cả, nhưng khi lúa chín thì để gặt cho bà con trước, gặt cho nhà mình sau. Công việc thì tổ trưởng đi đầu làm trước, lợi ích thì hưởng sau. Người tổ trưởng như vậy, thì tổ chức nhất định thành công.
Đảng viên phải gương mẫu trong công việc tổ đổi công. Chi bộ trong xã phải thiết thực lãnh đạo, giúp đỡ tổ đổi công. Tổ đổi công tốt hay xấu, chi bộ phải phụ trách một phần lớn. Lúc chưa cải cách ruộng đất, nhiều chi bộ xã bị địa chủ, cường hào chui vào và lợi dụng, chi bộ thành chi bộ làm quan, dân công không đi, thuế nông nghiệp trốn tránh, kiêu ngạo với đồng bào. Những nơi đã cải cách ruộng đất, nhiều chi bộ được chỉnh đốn, nhưng chưa thật hoàn toàn. Nếu các cô, các chú thiếu cảnh giác, chúng sẽ mò trở lại tìm cách phá hoại. Từ nay, những xã cải cách ruộng đất nào mà chưa có tổ đổi công, thì trách nhiệm của chi bộ là phải xây dựng tổ đổi công. Có tổ đổi công rồi mà chưa vững chắc, thì trách nhiệm của chi bộ là phải làm cho nó vững chắc.
Nông hội phải giáo dục, khuyến khích, giúp đỡ, đưa nông dân vào tổ đổi công. Như thế trực tiếp lãnh đạo tổ đổi công là tổ trưởng, chi bộ và nông hội. Thanh niên thì phải làm nòng cốt trong tổ đổi công. Chỗ nào đã có Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam thì Đoàn phải đẩy mạnh công tác tổ đổi công. Các cấp đảng huyện, tỉnh và khu phải thiết thực kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các tổ đổi công.
Đảng và Chính phủ cũng sẽ giúp thêm, như thu mua lâm sản và thổ sản cho nông dân, giúp thêm cán bộ, cho vay vốn... Nhưng các cô, các chú chớ có ỷ lại, phải cố gắng tự lực cánh sinh là chính, việc giúp đỡ là phụ.
Nói tóm lại, Bác nêu ra những khó khăn của tổ đổi công để các cô, các chú thấy rõ mà khắc phục, chứ không phải thấy khó khăn mà nản lòng. Các cô, các chú có tinh thần thi đua, đoàn kết, cố gắng, thì nhất định sẽ khắc phục được khó khăn và phong trào tổ đổi công nhất định phát triển và thắng lợi.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 434, ngày 11-5-1955).
53. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định
Gần đây cán bộ và đồng bào Nam Định đã cố gắng chống hạn, giải quyết được 4 vạn mẫu, nhưng cũng còn hơn 2 vạn mẫu bị hạn, cần phải tranh thủ, cố gắng giải quyết cho hết. Nam Định có khuyết điểm là không biết giữ nước (như Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc). Ở ta, tuy nông nghiệp lạc hậu nhưng nhân dân nói chung, các cụ già nói riêng có rất nhiều kinh nghiệm giữ nước. Vì cán bộ không nhìn xa, không gần gũi, học hỏi kinh nghiệm quần chúng nên không biết giữ nước.
Còn vì sao Nam Định dân đông, nguồn nước nhiều mà diện tích hạn rộng thế?
Đó là vì tư tưởng chưa thông, sợ khó, sợ khổ. Vì sợ khó, sợ khổ nên đào mương, vét kênh, tát nước, gánh nước tưới kém.
Ở Nam Định, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã kém quyết tâm. Gần đây có quyết tâm, nhưng còn phải bền bỉ biến quyết tâm ấy thành quyết tâm của tất cả cán bộ và quần chúng.
Do thiếu quyết tâm ấy mà nảy ra bệnh ỷ lại vào cấp trên, ỷ lại vào bộ đội giúp, ỷ lại vào máy bơm, ỷ lại vào trời. Trời đã làm ra hạn, lụt, sâu bọ, bệnh tật. Vì vậy ta không ỷ lại vào trời mà phải chống lại trời. Mùa trước đây nhân dân đã "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" thì nay phải tiếp tục thực hiện.
Vì khuyết điểm như thế cho nên Nam Định còn hơn 2 vạn mẫu bị hạn. Bây giờ cứ tính trung bình với cố gắng đã làm được, mỗi mẫu tây là 2 tấn 500 thôi, thì nếu để mất 23.000 mẫu tức là mất 57.500 tấn thóc.
Một khuyết điểm nữa là hoa màu ở đây năm nay cũng kém. Lúa và hoa màu hai cái phải đi đôi với nhau, cái nọ giúp cho cái kia. Nếu hoa màu, cây công nghiệp không có, kém thì rồi cũng ảnh hưởng đến lúa. Lúa kém ảnh hưởng đến hoa màu. Hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi phải rất chú ý.
Giờ đây phải tập trung lực lượng lại, tìm nguồn nước, khơi mương rãnh mà tát, phải có kế hoạch giữ nước và trong lúc chống hạn, phòng hạn thì phải có kế hoạch phòng úng.
Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng sợ khó, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm, quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi.
Ngoài những việc trên, nhân dân ta phải phòng sâu và diệt sâu, phòng chống bệnh cúm. Việc phòng và chống bệnh cúm là nhiệm vụ của mọi cán bộ và nhân dân không phải chỉ riêng ngành Y tế. Đồng thời với các nhiệm vụ trên, cần củng cố các tổ đổi công, các hợp tác xã, làm cho tổ đổi công, hợp tác xã đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ những đồng bào còn làm riêng lẻ. Đặc biệt là phải cố gắng thi đua bảo đảm cấy hết diện tích, tương trợ giúp đỡ nhau cả về vật chất và tinh thần, nhất là đối với một số đồng bào hiện nay còn thiếu thốn để bảo đảm sản xuất, bảo đảm vụ Đông - Xuân thắng lợi.
Nhân dịp này Bác trao lại cho tỉnh 12 huy hiệu của Bác để làm giải thưởng cho đơn vị, cá nhân nào có thành tích chống hạn khá.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.377).
54. Nguyên tử và nguyên tử
Mỹ chuyên dùng nguyên tử vào việc chuẩn bị chiến tranh. Cho đến tháng 3 năm nay, Mỹ đã thử những thứ bom A và bom H36 lần. Theo tin các báo, quả bom thử cuối cùng ánh sáng đã đến cách chỗ thử 1.600 cây số, những nhà cửa cách xa 600 cây số cũng rung động. Gió thổi bụi hơi độc đã bay xa đến 2.400 cây số.
2 tuần lễ sau đó, có những trận bão to và khí hậu biến đổi bất thình lình. Do đó nhân dân Mỹ rất hoang mang và tự hỏi: Làm thế nào để tránh khỏi những sự khủng khiếp từ trên trời rơi xuống?
Các báo Mỹ khuyên nhân dân đào hầm trú ẩn dưới nhà họ ở và tích trữ lương thực ở dưới hầm. Nhưng ở Mỹ có những ngôi nhà 30, 40 tầng thì đào hầm vào đâu? Còn muốn sơ tán một thành phố hơn 8 triệu người như Nữu Ước thì phải mất mấy tiếng đồng hồ. Không nghĩ ra cách gì khác để tránh bom và để ổn định lòng dân, viên giám đốc sở "phòng không" chỉ khuyên dân tụng kinh cầu trời phù hộ.
Thế là nguyên tử của Mỹ chưa đe dọa được ai, mà đã đe doạ và làm cho nhân dân Mỹ khiếp vía.
Liên Xô thì dùng sức nguyên tử vào việc xây dựng hòa bình. Như nhà máy điện chạy bằng nguyên tử. Dùng nguyên tử phá núi để đắp đường xe lửa.
Dùng nguyên tử vào công nghiệp, như chế biến gang, thép và các thứ ngũ kim khác. Hiện nay đang thử dùng nguyên tử thay dầu xăng: 1 chiếc xe hơi chạy 100.000 cây số phải tốn 11 tấn xăng, nhưng chỉ cần vài phân nguyên tử (uranium) là đủ. Dùng nguyên tử để chữa bệnh, như các bệnh thiếu máu, ung thư, v.v..
Dùng nguyên tử vào nông nghiệp: chiếu nguyên tử vào thì các thứ cây chóng mọc, chóng tốt hơn, cây có quả và rau có củ sớm hơn, to hơn và ngọt hơn. Liên Xô lại sẵn sàng giúp các nước khác dùng nguyên tử vào công việc hoà bình.
Vì vậy, hiện nay khắp thế giới có phong trào sôi nổi phản đối nguyên tử Mỹ và ủng hộ nguyên tử Xô. Hội nghị Á - Phi vừa rồi cũng có quyết nghị như vậy.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 433, ngày 10-5-1955).
55. Cần ra sức củng cố các Tổ đổi công
Vụ chiêm qua, đồng bào nông dân chống được hạn, sâu, nước úng, và thu hoạch rất khá. Kết quả ấy một phần là nhờ các tổ đổi công cố gắng nhiều.
Hiện nay, các nơi tổ đổi công phát triển khá mạnh. Cả miền Bắc có hơn 19 vạn tổ, bao gồm hơn 58% gia đình nông dân. Đó là một điều tốt. Số tổ tuy nhiều, nhưng tổ thường xuyên còn ít, cả miền Bắc mới có hơn 2 vạn tổ. Đó là vì:
- Sau cải cách ruộng đất, nông dân hăng hái sản xuất, sẵn sàng vào tổ đổi công. Tuy vậy đại đa số tổ viên còn thói quen và tư tưởng làm ăn riêng. Tư tưởng tập thể và tư tưởng cá nhân đang đấu tranh với nhau và cuộc đấu tranh ấy không dễ hoàn toàn giải quyết trong một thời gian ngắn.
- Một số cán bộ chưa biết lãnh đạo. Họ còn ham chuộng hình thức; còn dùng cách mệnh lệnh, gò ép. Khi phân công cũng gò ép; khi khai hội, khi học tập cũng gò ép. Vì vậy, nhiều nông dân e ngại vào tổ đổi công thường xuyên.
Cán bộ ta cần hiểu thấu và nhớ kỹ rằng: Tổ đổi công phải theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện. Lãnh đạo tổ đổi công cần phải dân chủ.
Dân chủ nghĩa là: Việc to thì phải bàn bạc với các tổ viên mà quyết định. Việc nhỏ thì cán bộ bàn bạc với nhau mà làm.
Quyết không nên độc đoán, bao biện, gò ép. Phải tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh. Phải khéo khuyến khích tự phê bình và phê bình trong tổ.
Đối với các tổ viên, cán bộ cần phải chịu khó tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, giáo dục. Phải nâng cao dần giác ngộ chính trị của mỗi tổ viên. Phải nhớ rằng "công tác chính trị là mạch sống của mọi công tác kinh tế".
Cán bộ huyện và tỉnh cần phải đến tận nơi mà hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra một cách thiết thực; không thể chỉ thỏa mãn với những báo cáo và những con số trên mặt giấy.
Cán bộ làm được như vậy (và phải làm như vậy), thì các tổ đổi công thường xuyên sẽ phát triển vững vàng và vụ mùa sắp tới sẽ chắc thắng lợi.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 858, ngày 10-7-1956).
Tâm Trang (tổng hợp)
56. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa
(Trích)
...
Để sửa chữa những khuyết điểm nói trên và đưa các hợp tác xã tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, cán bộ và xã viên cần phải nghiên cứu kỹ càng và quyết tâm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Trung ương Đảng về kế hoạch 5 năm phát triển nông nghiệp.
Nhiệm vụ trước mắt của đồng bào nông dân là:
- Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thủy lợi. Phải ra sức làm nhiều phân cho vụ chiêm và chống thói cấy chay. Bảo đảm cấy kịp thời vụ, quyết tâm tranh thủ một vụ Đông - Xuân thắng lợi và toàn diện.
Hiện nay tỉnh ta có ngót 4 vạn đồng bào đang hăng hái làm thủy lợi. Bác gửi lời thân ái hỏi thăm và mong các đồng bào đó ra sức thi đua giành cho được lá cờ thưởng luân lưu của Bác.
Xã Cát Sơn (Tĩnh Gia) đã đào được một con mương dài 17 cây số và đắp được 19 cái cống. Như thế là tốt.
- Phải tiết kiệm lương thực. Khi được mùa phải phòng khi mất mùa. Không nên dùng thóc gạo nấu rượu.
- Thực hiện gọn và tốt công tác nộp thuế, trả nợ và bán lương thực thừa cho Nhà nước. Đồng bào cần biết rằng năm nay Nhà nước đang làm 22 công trình thủy lợi hạng to và 480 hạng vừa. Nhà nước cần có gạo, có tiền để làm những công việc đó cho nông dân...
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t5, tr69-70)
57. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng
(Trích)
...
- CẦN KIỆM XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ
Muốn no cơm, ấm áo thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Nông dân phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cho tốt, cho vững. Muốn hợp tác xã phát triển tốt và vững thì:
a) Cán bộ, ban quản trị phải công bằng, dân chủ. Mọi việc phải bàn bạc với xã viên, sổ sách, tiền của phải rõ ràng minh bạch.
b) Xã viên phải đoàn kết chặt chẽ, vui vẻ sản xuất, coi công việc hợp tác xã như công việc nhà mình. Để sản xuất tốt, tăng gia thu nhập cho cả hợp tác xã và cho mỗi xã viên, cần phải thực hiện những điều sau đây:
1. Đủ nước,
2. Nhiều phân,
3. Cày sâu, bừa kỹ,
4. Giống tốt, mạ tốt,
5. rừ sâu, diệt thú rừng,
6. Cải tiến nông cụ,
7. Săn sóc ruộng rẫy.
Hợp tác xã cần phải đẩy mạnh chăn nuôi. Phải tổ chức nghề phụ để thêm thu nhập cho xã viên.
Trong tỉnh ta, lâm thổ sản là một nguồn thu nhập lớn, cần tích cực khai thác có kế hoạch và ra sức trồng cây, bảo vệ rừng. Hiện nay, ở tỉnh ta ở vùng thấp 80% nông hộ đã vào hợp tác xã, trong đó có 90 hợp tác xã cấp cao, như thế là khá. Nhưng dần dần phải họp mấy hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã loại vừa và loại to thì người nhiều, sức đủ, làm ăn tốt hơn. Ở vùng cao mới có 18% nông hộ vào hợp tác xã, như thế là ít. Phải theo đúng nguyên tắc tự nguyện mà giúp đồng bào vùng cao đẩy mạnh phong trào hợp tác xã hơn nữa. Xây dựng hợp tác xã nào phải làm cho hợp tác xã ấy tốt và vững...
(Đăng trên Báo Nhân Dân số 2531 ngày 23-2-1961).
57. Đời sống mới
(Trích)
...
HỎI: Sao gọi là đời sống mới?
ĐÁP: Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới.
III
HỎI: Đời sống mới việc đầu tiên là gì?
ĐÁP: Bất kỳ ai, muốn sống thì phải có bốn điều ăn, mặc, ở, đi lại.
Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi, thì phải làm. Từ trước đến giờ, ta vẫn có làm, vẫn có cơm, áo, nhà, đường sá. Nhưng vì làm chưa hợp lý cho nên số đông dân ta ăn đói, mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá gập ghềnh.
Người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít. Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì.
Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm.
IV
HỎI: Những người giàu, đã sẵn sung sướng không cần làm đời sống mới. Những người nghèo, không tiền, không của, thì làm đời sống mới thế nào?
ĐÁP: Không phải như vậy, càng giàu có, càng cần làm đời sống mới. Nếu một mình no ấm, mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, đến khi giặc cướp lung tung, thì dù giàu cũng không hưởng được. Lại thí dụ: Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống.
Nghèo mà làm đời sống mới thì có ngày trở nên đầy đủ. Tục ngữ nói: "Tay siêng làm, thì hàm có nhai". Siêng làm là một trong bốn điều đời sống mới.
Vì có làm thì nhất định có ăn. Tục ngữ lại nói: "Đói cho sạch, rách cho thơm", mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới.
HỎI: Khẩu hiệu đời sống mới ra một năm nay đã có kết quả chưa?
ĐÁP: Đã có kết quả. Trong nhiều làng, các cụ phụ lão đã giảm bớt việc cúng tế; đem tiền đó hoặc giúp bình dân học vụ, hoặc làm việc ích chung. Dân ta phải biết ơn các cụ đã hăng hái làm gương như thế.
Nhiều nơi, chị em phụ nữ đã sửa đổi cách ăn mặc gọn gàng, đã biết chung nhau nuôi gà, nuôi lợn. Nhiều nơi, thói cờ bạc, say sưa, hút xách, trộm cắp giảm bớt rất nhiều.
Đó là những kết quả đầu. Tuy vậy kết quả như thế chưa đủ. Còn thiếu nhiều lắm. Mỗi đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, giàu nghèo, cần phải cố gắng, làm cho đời sống mới lan khắp cả nước. Lúc đó mới có thể nói rằng: Chúng ta đã thực hành đời sống mới.
VI
HỎI: Đời sống mới có mấy thứ?
ĐÁP: Nói chung, thì đời sống mới có thể chia làm hai thứ. Một là đời sống mới riêng, từng người. Hai là đời sống mới chung, từng nhóm người, như các bộ đội, các nhà máy, các trường học, các công sở, v.v..
Mỗi người, mỗi đoàn thể lại phải theo công việc, nghề nghiệp của mình, mà làm đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh. Nhưng bất kỳ người nào, đoàn thể nào, cũng không ngoài năm việc là: Ăn, mặc, ở, đi, làm.
Lúc đến trường, thì siêng học, giữ kỷ luật, biết tiết kiệm giấy bút, yêu anh em. Lúc ra đường thì biết giúp đỡ gia đình các chiến sĩ, an ủi đồng bào tản cư, biết giữ bí mật, biết chú ý những kẻ lạ mặt, đề phòng Việt gian. Những việc đó không có gì là khó, em bé nào cũng có thể làm. Mà đó tức là đời sống mới của các em nhi đồng.
…
VIII
HỎI: Đời sống mới với việc tăng gia sản xuất, quan hệ với nhau thế nào?
ĐÁP: Việc tăng gia sản xuất cũng như mọi việc khác, đều rất quan hệ với đời sống mới.
Tăng gia sản xuất tức là một bộ phận trong đời sống mới. Có tinh thần đời sống mới, thì tăng gia sản xuất mới chóng thành công. Mà tăng gia sản xuất có thành công, thì đời sống mới dễ thực hiện. Muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau.
IX
HỎI: Riêng một người mà nói, thì đời sống mới là thế nào?
ĐÁP: Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường.
Bây giờ lấy một người chung mà nói, nghĩa là một người quốc dân Việt Nam, không kỳ giàu hay nghèo, già hay trẻ, gái hay trai, thì đời sống mới đại khái gồm mấy điểm sau này:
Về tinh thần, một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh. Hai là sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Thí dụ: Thấy một nhành gai nằm giữa đường, ta lấy vất đi, cho người khác khỏi dẫm phải. Thế cũng là công ích. Hy sinh tài sản giúp kháng chiến, đồng bào tản cư, di cư, cũng là công ích.
Ba là mình hơn người thì chớ kiêu căng. Người hơn mình, thì chớ nịnh hót. Thấy của người thì chớ tham lam. Đối của mình thì chớ bủn xỉn. Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, loè loẹt. Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối. Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ. Biết ham học. Trước hết là học chữ, học làm tính. Biết chữ, biết tính, thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù nửa quáng. Biết rồi, ta học thêm.
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ.
Đó là đời sống mới của một người. Thử hỏi có gì cao xa, khó khăn không? Không có gì là khó. Không cần thông minh tài trí, miễn là mình muốn làm, có chí làm thì nhất định làm được. Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh.
XI
HỎI: Đời sống mới trong một làng nên thế nào?
ĐÁP: Trong một làng, nhà thì có nhà giàu, nhà vừa, nhà nghèo. Người thì có người tốt, người vừa, người kém. Học thì có kẻ thông, kẻ vừa, kẻ dốt. Hai hạng trên phải tìm cách giúp đỡ, cảm hóa hạng thứ ba.
Công việc làm ăn thì có nghề làm ruộng, nghề thủ công và nghề buôn bán. Phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tốt nhất là tổ chức hợp tác xã, thì nghề nào cũng dễ tăng gia sản xuất. Vì nhiều người đông sức, thì tốn thì giờ ít, mà kết quả nhanh hơn, nhiều hơn.
Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân.
Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ".
Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt.
Trong lúc kháng chiến, làng mình có tiểu đội du kích, phải ra sức giúp việc phá hoại để ngăn địch. Phải cẩn thận đề phòng Việt gian, giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ đồng bào tản cư, di cư. Phải tổ chức những hội quần chúng, những hội Cứu quốc, hội Liên hiệp quốc dân.
Nói tóm lại, về tổ chức, về sản xuất, về vệ sinh, về văn hóa, về kháng chiến, việc gì làng mình cũng có thể làm kiểu mẫu cho các làng xung quanh.
Muốn như thế, một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy, ai cũng hăng hái. Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế.
…
XV
HỎI: Trong một xưởng máy có thể làm đời sống mới không?
ĐÁP: Có lắm chứ! Trong một xưởng máy, một bên là chủ, một bên là thợ. Từ trước đến nay, chủ bao giờ cũng muốn lời nhiều, mà trả công ít. Thợ thì muốn làm việc ít mà được tiền công nhiều. Vì thế sinh xích mích, không lợi cho cả hai bên.
Nếu làm theo đời sống mới thì lợi cho cả chủ lẫn thợ. Chủ phải hiểu rằng: nếu công nhân đủ ăn, đủ mặc, thì họ mới đủ sức; đủ sức thì làm được việc. Một con ngựa ăn no mới chạy nhanh. Một cái máy đủ dầu mỡ mới quay đều. Người ta cũng thế.
Nếu công nhân biết rằng: họ chẳng những làm lợi cho chủ, mà họ cũng có một phần lợi, thì họ sẽ hăng hái làm. Vì vậy, chủ muốn được việc, thì đối với lương bổng, nhà ở, vệ sinh và cách đối đãi công nhân, cần phải rộng rãi tử tế. Lại nên có những lớp học cho thợ, và con thợ. Thợ học cho tinh xảo hơn. Con thợ học sẽ dễ thế cho những người thợ già về hưu. Nên mở hợp tác xã cho công nhân mua các thứ cần dùng được rẻ hơn. Phí tổn làm những việc đó, không mất mát đi đâu.
Thợ vui vẻ làm việc thì chủ sẽ lợi gấp 5 gấp 10 số phí tổn đó. Một khi chủ đã cư xử như thế, thì thợ phải cố gắng làm. Làm nhanh hơn, khéo hơn. Tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm vật liệu. Vì lợi cho chủ tức là lợi cho mình một phần. Chủ và thợ hợp tác chặt chẽ, thì hai bên đều có lợi. Vì hợp tác chặt chẽ, mới thực hiện được tăng gia sản xuất và tăng gia sản xuất càng có kết quả thì chủ và thợ càng được lợi. Chủ và thợ đều phải nhớ rằng: tăng gia sản xuất chẳng những lợi riêng cho chủ và thợ, mà còn lợi chung cho nền kinh tế của Tổ quốc, lợi chung cho toàn thể đồng bào. Bởi vậy, các nhà máy cần phải làm theo đời sống mới...
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5 (1947-1949), tr.94)
Tâm Trang (tổng hợp)
58. Phóng tay phát động quần chúng
Năm nay, Chính phủ, Đảng và Mặt trận quyết định phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức. Đó là một việc rất công bằng và rất hợp lý. Vì sao?
Vì tối đại đa số nhân dân ta là nông dân. Trong Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tối đại đa số chiến sĩ là nông dân. Đi dân công giúp việc Chính phủ và bộ đội, tối đại đa số là nông dân. Đóng thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội và cán bộ, nông dân cũng hăng hái nhất. Thi đua tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt cho toàn dân, nông dân cũng hăng hái nhất. Nói tóm lại: trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, công lao nhiều nhất. Thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lãi quá cao.
Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần nào cho công lao của nông dân. Triệt để giảm tô có lợi cho mọi từng lớp nhân dân như thế nào?
Có lợi cho nông dân, là sự đã đành.
Có lợi cho những nhà công nghệ, tiểu công nghệ và thương nghiệp, vì nông dân sinh hoạt khá, thì sẽ mua nhiều hàng, công nghệ và thương nghiệp sẽ càng phát triển.
Có lợi cho những người trí thức, nhà văn hóa. Vì nông dân "bụng no thì lo học", và văn hóa nhân dân ngày thêm phong phú.
Có lợi cho quân đội ta. Vì nông dân "thực túc", thì "binh cường", và nông dân thanh niên sẽ càng hăng hái tòng quân.
Có lợi cho Mặt trận. Vì sẽ đoàn kết được chặt chẽ đại đa số nông dân, và củng cố thêm công nông liên minh là nền tảng của Mặt trận.
Và cũng có lợi cho những địa chủ yêu nước. Vì đó là một dịp để họ thực hành việc "sẻ áo nhường cơm". Triệt để giảm tô là việc có lợi chung cho cả nước, thì vì sao cần phải phóng tay phát động quần chúng?
Vì bất kỳ việc gì, nếu không phát động quần chúng, thì không làm được triệt để. Chính phủ ra sắc lệnh giảm tô đã mấy năm rồi, nhưng đến nay nơi thì chưa giảm, nơi thì giảm chưa triệt để. Đó là vì quần chúng chưa được phát động.
Muốn giảm tô triệt để, thì trước nhất phải phát động quần chúng nông dân, làm cho nông dân tự giác tự động, đoàn kết chặt chẽ, tổ chức vững chắc, đấu tranh hăng hái, để tranh cho kỳ được quyền lợi chính đáng của mình. Phải phát động những từng lớp nhân dân khác, làm cho ai cũng hiểu rõ rằng triệt để giảm tô thì họ có lợi, để mọi người đồng tình và ủng hộ nông dân.
Cũng cần giải thích cho những người địa chủ thấy rõ lợi hại đôi đường.
Để phóng tay phát động quần chúng, thì tất cả cán bộ của chính quyền và đoàn thể đều phải được đánh thông tư tưởng, phải giữ vững lập trường, thấm nhuần chính sách của Đảng, Chính phủ và Mặt trận, theo đúng đường lối quần chúng. Phải chí công vô tư, toàn tâm toàn lực phục vụ lợi ích của quần chúng nông dân (trước hết là cố nông, bần nông và trung nông).
Như thế, thì việc phát động quần chúng để triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức nhất định thành công tốt đẹp. Muốn thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và ngày thống nhất Việt Minh - Liên Việt năm nay, cán bộ và đảng viên cần tích cực chuẩn bị mọi mặt, quyết triệt để hoàn thành công tác phát động quần chúng.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 97, từ ngày 01 đến ngày 05-3-1953)
59. Báo cáo trước Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I, kỳ họp thứ ba
(Trích)
...
Chỉ có thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến, mới có thể chấm dứt tình trạng bần cùng và lạc hậu của nông dân, mới có thể phát động mạnh mẽ lực lượng to lớn của nông dân để phát triển sản xuất và đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Mục đích cải cách ruộng đất là: tiêu diệt chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.
Đường lối chính sách chung là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến từng bước và có phân biệt, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.
Để thích hợp với đặc điểm của kháng chiến và của Mặt trận Dân tộc thống nhất là vừa thoả mãn yêu cầu của nông dân về ruộng đất, vừa củng cố và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất; lợi cho kháng chiến và lợi cho sản xuất; trong khi thực hiện cải cách ruộng đất, phải phân biệt đối đãi với các địa chủ tùy thái độ chính trị của mỗi người. Nghĩa là dùng chính sách phân biệt: tịch thu, trưng thu, trưng mua; mà không dùng chính sách tịch thu cả loạt hay trưng thu cả loạt. Phương châm cải cách ruộng đất là: Phóng tay phát động quần chúng nông dân, dựa vào quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, tổ chức, giáo dục và lãnh đạo quần chúng nông dân đấu tranh một cách có kế hoạch, làm từng bước, có trật tự, có lãnh đạo chặt chẽ.
Ruộng đất mà địa chủ đã phân tán từ ngày có Sắc lệnh giảm tô (14-7-1949) đều là không chính đáng (trừ những tình hình đặc biệt đã nói trong thông tư của Thủ tướng phủ ngày 01-6-1953).
Những ruộng đất tịch thu, trưng thu, trưng mua đều chia hẳn cho những nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất. Nông dân có quyền sở hữu ruộng đất đó.
Nguyên tắc chia ruộng đất là: lấy xã làm đơn vị, trên cơ sở nguyên canh, theo số lượng, chất lượng, vị trí gần hay xa của ruộng đất, dùng cách điều chỉnh nhiều bù ít, tốt bù xấu, gần bù xa mà chia; cần chiếu cố những nông dân trước đã cày những ruộng đất ấy.
Những bọn ngoan cố kiên quyết phá hoại việc cải cách ruộng đất và những bọn Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì những tên nào bị án tù trên 5 năm, sẽ không được hưởng phần ruộng đất...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 156, từ ngày 26 đến ngày 31-12-1953).
60. Nói chuyện với đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình
Vừa qua tình hình chống hạn tuy có khá hơn nhưng vẫn chưa đủ. Đào đất để chống hạn còn ít. Mức bình quân của Ninh Bình mới trên hai thước khối, của Nam Định mới có một thước khối. Có hạn là do không biết giữ nước như Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn (Ninh Bình), Vụ Bản, Ý Yên (Nam Định). Còn hạn là do lãnh đạo tuy có cố gắng nhưng thiếu quyết tâm bền bỉ, thiếu liên tục, từ xã đến huyện, tỉnh, thiếu kế hoạch chung nên tốn công nhiều mà ít kết quả. Khuyết điểm nữa là không chú ý đúng mức đến hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi.
Cán bộ phải có quyết tâm chống hạn và quyết tâm phải liên tục, bền bỉ. Biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các xóm, các xã, các huyện, các tỉnh. Quyết tâm và đoàn kết để chống hạn và đẩy mạnh vụ sản xuất Đông - Xuân. Muốn chống hạn tốt, phải tùy từng địa phương mà làm các việc đào mương, đào giếng, tát nước, giữ nước. Mỗi xã phải có kế hoạch nhỏ của xã mình; huyện, tỉnh phải có kế hoạch chung để điều hòa, phối hợp.
Trong khi chống hạn, phải đồng thời có kế hoạch phòng hạn, phòng úng. Cán bộ và nhân dân phải chống những tư tưởng bảo thủ, sợ khó, sợ khổ, ỷ lại. Ruộng có đủ nước, còn cần phải đủ phân thì lúa mới tốt. Mức bình quân 3,6 tấn phân một mẫu tây, như Ninh Bình là còn ít quá. Phải cố gắng bón nhiều phân hơn nữa. Phải chăm bón tốt và phải phòng sâu, trừ sâu và phòng cúm nữa.
Toàn thể đảng viên, đoàn viên thanh niên phải gương mẫu, tất cả các hợp tác xã và tổ đổi công cũng phải gương mẫu làm đầu tàu, giúp đỡ những người còn làm ăn riêng lẻ. Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán, bão lụt, v.v. để sản xuất càng ngày càng được nhiều, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1828, ngày 17-3-1959).
61. Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê
Mùa lụt sắp đến, giữa lúc đồng bào đang tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Giữ vững đê điều để chống giặc lụt cũng là một việc chuẩn bị. Việc ấy năm nay khó khăn hơn mấy năm trước. Đồng bào sẽ quyết tâm vượt qua những khó khăn ấy dù phải hy sinh cũng vui lòng.
Trong vùng tự do cũng như trong vùng tạm bị chiếm, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, đồng bào sẽ huy động nhân lực, vật lực để giữ vững đê điều.
Tôi hứa sẽ dành những phần thưởng xứng đáng cho những xã, những huyện, những tỉnh có công nhất trong việc chống nạn lụt năm nay.
Chính quyền, chuyên môn, bộ đội, dân quân sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân để thực hiện cho bằng được kế hoạch của Chính phủ.
Mấy năm nay, ta đã thắng luôn giặc lụt. Năm nay, ta cũng phải thắng, vì toàn thể đồng bào, từ các cụ phụ lão cho đến các cháu nhi đồng đều kiên quyết chống giặc lụt, cũng như kiên quyết chống giặc ngoại xâm. Đồng bào hãy cố gắng lên.
Chào thân ái và quyết thắng
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Sự thật, số 135, ngày 15-6-1950).
62. Lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa Xuân
Cùng đồng bào và cán bộ các địa phương,
Trong những năm kháng chiến, nhân dân ta đã cố gắng thi đua tăng gia sản xuất; nhờ vậy mà mặc dầu có thiên tai, địch họa, chúng ta đã khỏi thiếu thốn. Đó là một thành tích to.
Nay hòa bình trở lại. Nhiều nơi đang vận động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.
Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều: hạn, lụt, sâu bọ có thể làm hại mùa màng; một số ruộng hoang chưa cày cấy hết; công trình thủy lợi chưa sửa chữa được hoàn toàn. Vì vậy chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc cấy lúa, trồng màu, thì vụ giáp hạt tháng 3, tháng 8 mới khỏi gay go.
Hiện nay, nhiệm vụ vẻ vang của đồng bào là phải ra sức thi đua khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho đồng bào nông dân ấm no, để cung cấp cho quân đội, để đảm bảo tiếp tế cho các thành thị, để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế nước nhà.
Trong mùa xuân này, toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua:
- Cấy nhiều lúa, trồng nhiều màu,
- Cày sâu cuốc bẫm, làm cỏ bỏ phân,
- Chống hạn, phòng lụt, diệt sâu bọ,
- Khai phá ruộng hoang,
- Chăn nuôi nhiều gia súc,
- Tiết kiệm về mọi mặt.
Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Tôi kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này. Thế là đồng bào góp phần vào công cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.
Năm mới, tôi chúc đồng bào và cán bộ địa phương thu nhiều thành tích tốt đẹp trong cuộc thi đua tăng gia sản xuất.
Chính phủ sẽ khen thưởng những đồng bào, cán bộ và đơn vị có thành tích xuất sắc trong vụ xuân này.
Chào thân ái và thắng lợi
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 340, ngày 5-2-1955).
63. Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão
Gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ,
Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân, bộ đội và cán bộ, đặc biệt là ở các tỉnh có đê sông và đê biển.
Nhất là năm nay, phải đề phòng lụt to, bão lớn, vì thời tiết biến đổi khác mọi năm thường.
Chúng ta ra sức phòng trước và chống giữ cẩn thận, thì mới bảo vệ được tính mạng và tài sản của đồng bào, thực hiện được vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình thế. Tổ chức lực lượng phải chặt chẽ. Chỉ huy phải tỉnh táo đề phòng mọi âm mưu phá hoại của bọn phản động. Đồng bào cần phải đoàn kết nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai.
Nông hội và thanh niên phải xung phong làm gương mẫu. Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân.
Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân. Nhân dân và cán bộ phải kết hợp công việc phòng lụt, phòng bão, chống lụt, chống bão với công việc hoàn thành tốt sửa sai, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa và thu thuế nông nghiệp tốt. Khi bão lụt, thì việc chống bão, chống lụt phải đặt lên trên hết.
Trong việc chống bão, chống lụt những năm qua, chúng ta đã thắng lợi vì chúng ta đã cố gắng. Năm nay, chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để thắng lợi.
Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những đơn vị và những cá nhân có thành tích xuất sắc. Mong đồng bào, bộ đội và cán bộ thi đua làm tròn nhiệm vụ.
Chào thân ái
Ngày 10 tháng 6 năm 1957
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1193, ngày 14-6-1957).
Tâm Trang (tổng hợp)
104. Nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác nông lâm ngư nghiệp
(Trích)
…
Năm ngoái cán bộ nông lâm ngư nghiệp đã cố gắng đạt được một số thành tích.
Năm nay cần cố gắng hơn nữa. Tục ngữ ta nói: "Có thực mới vực được đạo". Muốn "thực" thì phải có lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. do nông dân làm ra. Nếu nông dân cung cấp không đủ, thì công nhân, công chức, học sinh, quân đội, nhân dân thành thị sẽ bị đói. Muốn cung cấp đầy đủ thì nông dân phải tăng gia sản xuất. Ai hướng dẫn nông dân tăng gia? Cán bộ sản xuất, cán bộ nông lâm phải hướng dẫn.
Vì vậy, nhiệm vụ cán bộ nông lâm rất quan trọng. Nghề nông phải đấu tranh chống những tai nạn của thiên nhiên: Hạn, lụt, sâu bọ, chim, chuột, dịch, v.v. lại còn phải đấu tranh với các tập quán bảo thủ lạc hậu.
Muốn thực hiện được nhiệm vụ, thì cán bộ phải tuyên truyền, giải thích, làm cho nông dân hiểu và làm, không thể gò ép, mệnh lệnh. Công tác của cán bộ nông lâm có khó khăn nhưng rất vẻ vang. Cần thấy được khó khăn để khắc phục, chứ không phải để lùi bước. Vì thế phải cố gắng nhiều.
Năm ngoái, có nơi vì quan liêu, thiếu cụ thể, thiếu thiết thực, thiếu thống nhất ý kiến, cho nên lãng phí của và sức của dân. Ý kiến không thống nhất vì thiếu đoàn kết. Phải đoàn kết nhất trí giữa cán bộ chuyên môn với cán bộ chính trị, cán bộ mới với cán bộ cũ, cơ quan này với cơ quan khác. Phải thật thà xem trọng lợi ích của nhân dân, luôn luôn chú ý đến đời sống của nhân dân...
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.152).
105. Thư gửi toàn thể đồng bào và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão
Gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ,
Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân, bộ đội và cán bộ, đặc biệt là ở các tỉnh có đê sông và đê biển.
Nhất là năm nay, phải đề phòng lụt to, bão lớn, vì thời tiết biến đổi khác mọi năm thường.
Chúng ta ra sức phòng trước và chống giữ cẩn thận, thì mới bảo vệ được tính mạng và tài sản của đồng bào, thực hiện được vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.
Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình thế. Tổ chức lực lượng phải chặt chẽ. Chỉ huy phải tỉnh táo đề phòng mọi âm mưu phá hoại của bọn phản động. Đồng bào cần phải đoàn kết nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai.
Nông hội và thanh niên phải xung phong làm gương mẫu. Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân. Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân. Nhân dân và cán bộ phải kết hợp công việc phòng lụt, phòng bão, chống lụt, chống bão với công việc hoàn thành tốt sửa sai, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa và thu thuế nông nghiệp tốt. Khi bão lụt, thì việc chống bão, chống lụt phải đặt lên trên hết.
Trong việc chống bão, chống lụt những năm qua, chúng ta đã thắng lợi vì chúng ta đã cố gắng. Năm nay chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để thắng lợi.
Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những đơn vị và những cá nhân có thành tích xuất sắc. Mong đồng bào, bộ đội và cán bộ thi đua làm tròn nhiệm vụ.
Chào thân ái
Ngày 10 tháng 6 năm 1957
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1193, ngày 14-6-1957).
106. Vệ sinh yêu nước
(Phong trào diệt ruồi, muỗi)
Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết.
Đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột nhân dân, chúng ta đã làm cách mạng và kháng chiến để đánh đổ chúng. Hạn hán, lụt lội làm cho nhân dân đói nghèo, chúng ta ra sức xây dựng thuỷ lợi để chống lụt, chống hạn.
Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Có người nói: "Đối với thứ ruồi muỗi nhỏ nhen như vậy, cần gì làm ra to chuyện quá". Nói như vậy là sai! Chính vì bé nhỏ mà nó làm cho người ta chủ quan khinh địch. Bé nhỏ nhưng nó độc ác và hàng triệu cái hại nhỏ cộng lại thành cái hại to. Nếu tính lại mỗi năm Chính phủ và nhân dân ta tốn bao nhiêu tiền thuốc men, mất bao nhiêu ngày lao động, thì sẽ thấy ruồi muỗi đã gây nên một số tổn thất khổng lồ.
Phòng bệnh hơn trị bệnh. Chịu khó tiêu diệt ruồi muỗi, hơn là để ruồi muỗi gây ra ốm đau rồi phải uống thuốc. Cũng như mọi phong trào khác, muốn thắng lợi thì việc tiêu diệt ruồi muỗi phải:
- Đánh thông tư tưởng của quần chúng bằng mọi cách tuyên truyền giáo dục rộng khắp, làm cho già, trẻ, gái trai ai cũng hiểu rằng ruồi muỗi rất có hại đến sức khoẻ của mình, của gia đình mình; và mọi người đều tham gia một cách thiết thực và bền bỉ thì nhất định tiêu diệt được ruồi muỗi.
- Phải phát động quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng.
- Phải lãnh đạo chặt chẽ, đôn đốc và kiểm tra thường xuyên.
- Phải có quân chủ lực. Mọi người đều phải tham gia, nhưng thanh niên và nhi đồng là quân chủ lực, làm đầu tàu. Phải có trọng điểm như nhà thương, trường học, doanh trại, nhà máy, hàng quán, chợ búa, những nơi đông người ...
- Phải kết hợp việc tiêu diệt ruồi muỗi với những công tác vệ sinh khác như diệt chuột, quét dọn nhà cửa, đường sá, lấp các vũng nước bẩn, v.v..
Không nên chủ quan, cho việc diệt ruồi muỗi là một việc nhỏ, dễ làm, chỉ quan hệ đến vệ sinh mà thôi. Nó có ý nghĩa chính trị nữa, có quan hệ đến kinh tế và văn hoá. Chắc bà con còn nhớ trước đây bọn thực dân Pháp gọi chúng ta là "nòi giống bẩn thỉu". Nhân dân ta đã đuổi được thực dân Pháp, thì phải tiếp tục phấn đấu để tiêu diệt nốt cả bạn đồng minh của chúng là ruồi muỗi.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1572, ngày 2-7-1958).
107. Bài nói chuyện tại cuộc mít tinh ở Thuận Châu (Sơn La)
(Trích)
...
Thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, gặt cho tốt vụ chiêm, chuẩn bị tốt vụ mùa. Đồng thời phải ra sức bảo vệ rừng cho tốt. Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự giác. Ra sức cải tiến kỹ thuật, làm mương phai cho tốt, làm phân bón cho nhiều, cày bừa cho kỹ, đề phòng sâu bọ, thú rừng. Phát triển bình dân học vụ khắp nơi, làm thêm nhà trường cho con em có chỗ học. Chăm lo vệ sinh, phòng bệnh, làm cho bản mường sạch sẽ, đồng bào mạnh khoẻ, sửa sang và giữ gìn đường sá để đi lại cho dễ dàng, củng cố các tổ chức dân quân và tự vệ, làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự. Trong mọi công việc, phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao.
Làm tốt những việc đó, thì kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá năm nay nhất định sẽ hoàn thành, đời sống của đồng bào các dân tộc ở khu ta nhất định càng no ấm, vui tươi hơn. Bộ đội phải làm cho được những việc sau đây: nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Tiến hành tốt công tác chỉnh huấn chính trị và huấn luyện quân sự. Thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chú ý cải thiện đời sống, ra sức xây dựng nông trường gương mẫu, dần dần phát triển công nghiệp địa phương. Ra sức giúp đỡ và tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt tổ đổi công và hợp tác xã, làm tốt công tác dân quân và nghĩa vụ quân sự...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1880, ngày 9-5-1959).
108. Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu (Sơn La)
(Trích)
...
Đồng bào đã biết tổ đổi công, hợp tác xã là tốt. Vậy phải có quyết tâm làm tổ đổi công, hợp tác xã. Tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào. Ví dụ: Mấy gia đình này vào hợp tác xã, tổ đổi công, thu hoạch 200 gánh, mấy nhà kia làm riêng lẻ thu hoạch 100 gánh thôi. Như thế những nhà làm riêng lẻ sẽ muốn xin vào. Như thế để người ta tự xin vào. Người ta thấy tổ đổi công, hợp tác xã làm tốt, người ta sẽ tự xin vào, không phải nắm cổ người ta kéo vào.
Một điều nữa, Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông. Có đúng không? Sau này đường sá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của của đồng bào đấy. Chừng 150 cây gỗ hay 200 cây gỗ chúng ta đưa ra nước ngoài bán, đổi được máy cày, cày được cả vùng này. Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả.
Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hoà bình rồi, cũng phải anh dũng. Anh dũng là anh dũng mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc; bây giờ anh dũng sản xuất, xoá nạn mù chữ. Về bình dân học vụ ở miền Bắc, nhiều xã, nhiều thị trấn đã xoá xong nạn mù chữ. Nhưng châu nhà chưa xoá xong nạn mù chữ. Như thế là còn kém, đúng thế không? Bây giờ phải cố gắng. Hết năm nay nữa, năm sau phải mxoá cho xong nạn mù chữ. Đối với công việc này, thanh niên và nhi đồng phải góp nhiều vào đấy. Đối với những xã, những châu đã xoá xong nạn mù chữ, Chính phủ có thưởng huân chương, đồng bào ở đây có muốn được thưởng huân chương không?
Một điều nữa, ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khoẻ để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ. Công việc ấy, cán bộ châu phải đôn đốc đồng bào mà đồng bào phải tích cực làm...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1884, ngày 13-5-1959).
109. “Tết trồng cây”
Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp, v.v. đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi.
Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta yêu kính Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt là thế này:
Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.
Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây.
Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho "Tết trồng cây" . Ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Uỷ ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v.. Như vậy mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta.
Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 2082, ngày 28-11-1959).
110. Điện gửi Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hòa bình
Kính gửi giáo sư Giôn Bécnan,
(Nhờ chuyển Đại hội thế giới đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình Mátxcơva)
Thay mặt nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi kính gửi Đại hội và giáo sư lời chào mừng nhiệt liệt nhất.
Trong lúc bọn đế quốc thực dân đang ra sức chạy đua vũ trang, chuẩn bị một cuộc chiến tranh thế giới mới, một cuộc chiến tranh hạt nhân, Đại hội họp để đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình là một trong những sự kiện quan trọng nhất của thời đại chúng ta.
Chỉ có sự đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hoà bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kẻ gây chiến.
Thắng lợi của sự đoàn kết chống nguy cơ chiến tranh và bảo vệ hoà bình thế giới là do sự đồng tâm nhất trí của Đại hội.
Hiện nay, ở miền Nam nước Việt Nam chúng tôi, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng đang tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu, hòng biến miền Nam nước chúng tôi thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ nhằm gây chiến tranh ở Đông Dương và Đông - Nam Á.
Việc giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình sẽ giúp rất nhiều cho phong trào giải phóng dân tộc thắng lợi.
Nhân dân Việt Nam chúng tôi hứa sẽ ra sức ủng hộ và thi hành những nghị quyết mà Đại hội sẽ thông qua.
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Hoà bình thế giới muôn năm!
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3036, ngày 17-7-1962).
Tâm Trang (tổng hợp)
111. Bài nói chuyện tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi
(Trích)
...
Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều. Ta thường nói: “rừng vàng biển bạc". Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3453, ngày 11-9-1963).
112. Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa
Thưa ngài,
Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ rằng, đối với dân bản xứ ở thuộc địa nói chung và đối với dân An Nam nói riêng, lòng thương yêu của ngài thật là bao la rộng rãi.
Dưới quyền cai trị của ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời.
Hành động nhân ái ấy đủ để chúng tôi không cần nhắc lại tất cả những hành động khác như: bắt lính và bắt mua công trái, đàn áp đẫm máu, truất ngôi và đày biệt xứ một ông vua, xâm phạm và làm ô uế những nơi linh thiêng, v.v..
Thật đúng như câu thơ chữ Hán đã tả: Gió âu yếm thổi chiều quạt phẩy, mưa nghĩa nhân đón vết xe lăn. Được nắm quyền tối cao cai quản các thuộc địa, danh vọng của ngài càng cao bao nhiêu thì sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với những người Đông Dương càng tăng lên bấy nhiêu. Ngài đã cho thiết lập ngay ở Pari một cơ quan đặc trách để theo dõi những người bản xứ cư trú trên đất Pháp, đặc biệt là theo dõi những người Đông Dương, như một tờ báo thuộc địa đã nói rõ.
Nhưng chỉ "theo dõi" không thôi thì thấy hình như chưa xứng với tấm lòng thương yêu của ngài như bậc cha mẹ, nên ngài còn muốn gia ơn hơn nữa. Vì vậy mà gần đây, ngài đã ban cho mỗi người An Nam - người An Nam yêu quý, như ngài thường nói - nhiều người "hầu cận" đặc biệt. Tuy những người này còn ấu trĩ trong nghệ thuật của Sêlốc Hôm, nhưng họ cũng đã tỏ ra rất tận tụy và rất đáng yêu. Chúng tôi chỉ còn biết khen ngợi họ và ca tụng người cầm đầu họ là ngài.
Chúng tôi thành thật lấy làm cảm động được ngài dành cho vinh dự đó, và chúng tôi có lẽ sẽ tiếp nhận vinh dự đó với tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất, nếu vinh dự ấy đối với chúng tôi xét ra không phải là có hơi thừa, và không gây ra những sự ghen tị và suy bì.
Trong lúc nghị viện đang tìm cách tiết kiệm chi tiêu, hạn chế số nhân viên các cơ quan hành chính; trong lúc ngân sách bị thâm hụt nhiều, nông nghiệp và công nghiệp thiếu nhân công; trong lúc phải hạn chế tiền lương của người lao động và trong lúc việc phục hồi dân số đòi hỏi phải sử dụng mọi năng lực vào việc sản xuất, - trong lúc như thế, chúng tôi lại cứ tiếp nhận những đặc ân riêng cho cá nhân mình, gây ra lãng phí sức lực của những người công dân bị đày vào cảnh vô công rồi nghề như những người "hầu cận" nói trên, và gây ra sự tiêu phí tiền bạc mà giai cấp vô sản đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm ra được, - thì quả là không yêu nước tý nào.
Vì vậy, tuy rằng vẫn là kẻ đội ơn ngài, chúng tôi cũng trân trọng xin ngài miễn cho cái đặc ân ấy, đối với chúng tôi thì nó quý hóa thật, nhưng đối với nước nhà thì lại là quá lãng phí.
Nếu ngài nhất thiết cần biết hằng ngày chúng tôi làm gì thì rất dễ thôi: Cứ mỗi buổi sáng chúng tôi sẽ phát hành một bản tin về sự đi lại của chúng tôi và ngài chỉ việc đọc là biết. Vả lại, thời khóa biểu của chúng tôi rất giản đơn và hầu như cố định. Sáng: Từ 8 đến 12 giờ ở xưởng máy. Chiều: Ở phòng báo chí (dĩ nhiên là báo của phái tả), hoặc ở thư viện. Tối: Ở nhà riêng, hoặc dự những buổi nói chuyện bổ ích. Chủ nhật và ngày lễ: Thăm nhà bảo tàng hay những nơi bổ ích khác. Chỉ có thế thôi!
Hy vọng rằng cách này vừa tiện, vừa hợp lý có thể làm ngài hài lòng được, chúng tôi xin kính gửi ngài, v.v..
NGUYỄN ÁI QUỐC
(Đăng trên Báo L'Humanité, ngày 25-7-1922).
113. Bộ sưu tập động vật
Thật chúng tôi đã nghĩ đến nát cả bộ óc người da vàng của chúng tôi ra, cũng không tài nào tìm thấy cái lẽ vì sao mấy ông bà người Pháp lại thành lập một tổ chức kỳ cục là Hội bảo trợ loài vật. Trước hết, chúng tôi sở dĩ không sao tìm ra được nguyên nhân đó, vì chúng tôi thấy hiện nay còn có biết bao nhiêu là con người cùng khổ đang đòi hỏi được người ta săn sóc đến họ một chút mà cũng chẳng được. Sau nữa vì những con vật đó không đáng được thương yêu đến thế, mà chúng nó cũng có khổ sở gì cho cam. Trừ con sư tử đen là có ích cho những người có thói quen xỏ chân vào giày da thú, còn hầu hết những con vật đó đều độc ác, rất độc ác.
Cái con chó ngắn mõm chẳng đã chạy đến nhe bộ răng khả ố của nó ra mà xé toạc cả cơ cấu của Hội nghị Pari đó sao? Thành thử con khỉ Phlamăng và con gà sống Gôloa phải một mình đương đầu với con phượng hoàng Giécmanh ở miền Ruya.
Trong khi hãy còn bị xích cổ, thế mà con hổ chẳng đã nhá nghiến mất nhiều bộ của nước cộng hòa đó sao? Người ta chẳng đã phí hàng mấy triệu, mấy tỷ để nhờ hai ông bạn vinh quang của chúng ta là Cônsắc và Vranghen mua hộ da con gấu Mátxcơva, là con vật ngày nay hơn bao giờ hết, nó không thích để cho người ta tùy ý muốn làm gì thì làm đó sao? (Chao! con vật mới quái chứ).
Trong số các bạn hữu ở chính quốc của chúng ta, ai là người không phải phàn nàn về tai hại do loài diều hâu gây ra? Loài quạ mà lại chẳng phải là những kẻ phá hoại tai hại trong địa hạt tinh thần à? Còn những con mọt già thì có làm được việc gì ngoài cái việc chỉ chuyên tìm cách lợi dụng những sự bất hòa và những chuyện xích mích trong xã hội? Lại còn con vật nào đó chẳng đã vô sỉ đến nỗi muốn cho phép tất cả các chàng rể láo xược cứ việc dùng tên nó để gọi mẹ vợ họ đó sao? Bọn mèo quý phái há chẳng thật sự là những kẻ đã dập tắt cả hạnh phúc gia đình của nhiều nhà đó ư? Và những con chuột cống ở khách sạn chẳng đã là những kẻ thù muôn thuở của tất cả những người đi du lịch đó sao?
Chưa kể đến chó sói lúc nào cũng là kẻ có lẽ phải vì đó là kẻ mạnh hơn, và những con chiên ghẻ là một mối tai họa cho cả một xã hội trung thực, chúng tôi... Nhưng trước khi kết thúc, ta hãy nói một chút về những con vật ở thuộc địa.
Đúng giữa lúc ông Ghinan chuẩn bị để nhờ ông Mănggianh chuyển lên Viện hàn lâm khoa học một bài nghiên cứu về việc sử dụng da cá mập, thì ông Anbe Xarô lên đường đi Đảo Chó đọc một bài diễn văn bộ trưởng của ông tại xưởng ướp cá thu Xanh Pie và Micơlông, còn về phần ông Xitơrôen thì ông cho "con Sâu" khai hóa của ông bò xuyên qua Xahara. Hai cuộc đi công cán này - việc công và việc nửa công nửa tư - chắc hẳn thế nào cũng sẽ thu được kết quả tốt đẹp mà người ta có quyền chờ đợi: Tức là làm cho con chuột nhắt đẻ ra những quả núi và củng cố địa vị của những con cá mập thực dân.
Người ta thường quên tưởng rằng các nhà bảo hộ của chúng ta lúc nào cũng thi hành cái chính sách của loài đà điểu. Nhưng lầm to rồi các bạn ạ! Chả phải thế đâu, này nhé: Chỉ có nhận lời mời của chú cá nục ở hải cảng cũ thôi mà chính phủ thuộc địa đã không ngần ngại một chút nào mà không chi tiêu:
1- Đông Dương 13.190.846 phrăng
2- Tây Phi thuộc Pháp 5.150.000 -
3- Châu Phi xích đạo thuộc Pháp 348.750 -
4- Camơrun 390.000 -
5- Mađagátxca 1.837.600 -
6- Máctiních 108.000 -
7- Guyađơlúp 55.000 -
8- Guyan 62.500 -
9- Tân Caliđôni 75.000 -
10- Tân Hêbrít 60.000 -
11- Châu Đại Dương 65.000 -
12- Ấn Độ 135.000 -
13- Xômali 97.000 -
14- Đảo Rêuyniông 85.000 -
15- Xanh Pie và Micơlông 14.000 - để đưa vài con lạc đà, vài con bò cái và vài con cá sấu từ các thuộc địa về thành phố Mácxây.
Lại cũng phải nhận rằng các nhà đi khai hóa của chúng ta đã không từ một sự cố gắng nào để cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ - rất dễ bảo và rất ngoan ngoãn - vài cái lông công làm cho chúng trở thành những con vẹt hay những con chó giữ nhà.
Và nếu nhân dân châu Phi và châu Á mà được "hòa bình" và "thịnh vượng" đến như thế này, thì chính những "vị đi gieo rắc dân chủ" không biết mỏi mệt đó là con nhặng đánh xe chứ còn ai vào đó nữa?
Nói tóm lại, số phận của tất cả những con vật ấy tương đối đã dễ chịu. Vậy, nếu các hội viên của cái hội cao cả là Hội bảo trợ các loài vật cần phải giết thì giờ, thì nên chăm sóc đến những con khỉ bị bác sĩ Vôrônốp làm cho đau đớn và đến những con cừu dân bản xứ khốn khổ kia luôn luôn bị hớt trụi lông, đó có lẽ lại là một việc ích lợi hơn.
NGUYỄN ÁI QUỐC
(Đăng trên Báo Le Paria, số 11, ngày 1-2-1923).
114. Chế độ thực dân
Không phải chỉ có những người cộng sản mới nổi lên chống lại sự bóc lột thuộc địa một cách quá mức. Báo chí và các diễn giả tư sản cũng phản đối sự khắc nghiệt mà người bản xứ phải chịu đựng; phản đối sự vô sỉ luôn bao trùm bộ máy cai trị thuộc địa; phản đối tình trạng thiếu hẳn một chính sách thuộc địa nghiêm chỉnh. Vì vậy, chúng tôi đã gặp gỡ các địch thủ giai cấp của chúng tôi để đưa ra những phản đối tương tự. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẽ chia tay họ ngay khi đề cập đến cách giải quyết vấn đề.
Những người cộng sản đòi hỏi chấm dứt bóc lột thuộc địa, một bộ phận của bóc lột tư bản nói chung. Các nhà tư sản thì chỉ nghĩ đến việc tăng cường hệ thống thuộc địa để khai thác lợi nhuận cao hơn, để tăng cường sự cưỡng đoạt. Dĩ nhiên chính quyền lợi của họ, hoặc là một thứ tình cảm nhân đạo mập mờ nào đó đôi khi đã thúc đẩy họ lên tiếng yêu cầu làm dịu bớt số phận người bản xứ. Nhà bình luận của tờ Oeuvre lấy làm tiếc là người ta chỉ nhìn nhận những người da đen như một thứ nhân lực mà họ yêu cầu phải tước đoạt sạch những gì họ tìm thấy ở những con người này?
Nhưng người ta không hề kết luận là phải từ bỏ chủ nghĩa thực dân. Người ta chỉ sợ những người bị bóc lột nổi dậy. Người ta yêu cầu nên nghiên cứu cách đàn áp những biến loạn có thể xảy ra, hoặc tốt hơn nên cần có những biện pháp làm dịu để ngừa trước hậu quả của những biện pháp tàn nhẫn quá hung bạo. Vấn đề vẫn chỉ là buộc các thuộc địa phải làm ra nhiều hơn, vì lợi nhuận tối đa của các công ty tư bản.
Những người cộng sản vui sướng tìm được ở đối thủ tiếng vọng hưởng ấy lời phản đối của mình. Nhưng những người cộng sản đấu tranh cho sự giải phóng dân tộc và kinh tế của các thuộc địa, chứ không phải cho những biện pháp tạo điều kiện dễ dàng cho sự cướp bóc.
Sau đây, chúng tôi thông báo tóm tắt những hành động xấu xa của chính sách thuộc địa. Nhưng chúng tôi lưu ý một lần nữa là đối với những người cộng sản, vấn đề không phải là cải thiện hệ thống thuộc địa mà phải bãi bỏ nó.
*
* *
Những hy sinh xương máu và tiền bạc, những cuộc xâm chiếm đất đai rộng mênh mông, nguồn của cải không bao giờ cạn, địa hạt vô biên dành cho hoạt động của con người là để làm gì? Chi phí cho việc chiếm đóng tiếp tục làm thâm thủng ngân sách, còn các thuộc địa bị ảnh hưởng của cơn khủng hoảng đang giết chết đất nước này. Người Pháp ít di cư, vài ngành công nghiệp đang phồn thịnh mà nước Pháp nâng đỡ thì lại nằm trong tay người nước ngoài.
Lẽ ra cần phải xây dựng một chương trình hợp lý chứ không phải chiếm đoạt tài sản, của cải để bóc lột một cách ngấu nghiến. Người ta đã hoàn toàn truất quyền sở hữu của người bản xứ. Vì thế, sự phát triển của các thuộc địa thật là khó khăn: Thuộc địa là những khách hàng yếu ớt của nền công nghiệp chính quốc cũng đang bị tổn thất; thuộc địa là những người cung ứng nhỏ nhoi do những sai lầm trong khai thác.
Ngày nay, những người bóc lột nghĩ tới việc tổ chức lại theo kiểu hiện đại. Nước Angiêri cần 1.000 triệu; Tây Phi thuộc Pháp muốn 1.200 triệu mà lẽ ra các nước nói trên phải là những trợ lực quý báu cho chính quốc. Tình hình tài chính ở những nước này thật thảm hại. Việc kinh doanh ở đó thật khó khăn chính là do tính tham lam vô lương tâm của một số người cai trị. Sự bóc lột ích kỷ đó chỉ có thể thực hiện bằng cách tước đi mọi quyền độc lập của các thuộc địa. Tài nguyên thiên nhiên của các thuộc địa đủ để họ thế chấp các khoản vay nợ; các thuộc địa có thể giúp nước Pháp, nhưng thực tế họ lại là nạn nhân của sự thiếu hụt tài chính. Thật là thảm hại khi phải ghi nhận là mặc dù phải gánh chịu các vùng còn bị tàn phá cái khoản trợ cấp cho người góa bụa do chiến tranh họ lại phải giúp đỡ những tổ chức đang chết trên đống của.
Vì sao chính phủ lại phung phí hàng tỷ bạc vào Xyri? Nó không dám thú nhận điều đó. Vậy đến bao giờ người ta mới biết được sự thật về những vụ bê bối ở Nigiê? Người ta không bao giờ muốn nói xâm chiếm thuộc địa là việc đốt nhà, tàn sát hay cướp bóc; và cũng không muốn nói đó là việc làm cho kiệt quệ một đất nước chỉ mong muốn được phát triển. Mà đó là triệt hạ sự sống của cả một vùng khi đặt nó vào tay một vài ông lớn chứ không phải để cho dân chúng canh tác trên mảnh đất đó.
Dân tộc Pháp được lợi lộc gì từ các thuộc địa của họ?
Chẳng qua một vài đội quân đi làm dịu những xung đột giữa tư bản và lao động. Vì vậy, cần bắt buộc tất cả các ứng cử viên phải có chương trình về thuộc địa trong các cuộc bầu cử sắp tới.
NGUYỄN ÁI QUỐC
(Đăng trên Báo L' Humanité, ngày 05-02-1923).
115. Thư gửi nhân dân và cán bộ các tỉnh có đê
Thân ái gửi đồng bào và cán bộ những tỉnh có đê,
Mùa mưa sắp đến. Lâu ngày hạn hán, năm nay có thể lụt to. Chúng ta phải tỉnh táo đề phòng mọi bất trắc, quyết không được chủ quan.
Chúng ta phải ra sức đắp đê và giữ đê, phòng lụt và chống lụt, để bảo vệ mùa màng và tài sản của nhân dân.
Lụt năm ngoái đã gây cho ta nhiều khó khăn. Chúng ta phải nhớ bài học đau xót ấy! Tôi thiết tha kêu gọi đồng bào và cán bộ: Ra sức đắp đê cho thật vững chắc.
Đến nay, có tỉnh đắp đê đã gần xong. Nhưng có tỉnh đắp rất chậm. Chúng ta nhất định phải hoàn thành việc đắp đê vững chắc và kịp thời. Quyết tâm chống lụt trong suốt mùa mưa.
Dù nước to đến đâu, đê đập vẫn phải giữ vững. Khi cần, phải động viên mọi lực lượng để chống lụt.
Phòng lụt, chống lụt là như một chiến dịch lớn, trên một mặt trận dài, trong một thời gian khá lâu. Toàn thể đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm, vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ đắp đê và giữ đê, phòng lụt và chống lụt. Chính phủ sẽ khen thưởng những tỉnh nào, đơn vị và cá nhân nào có nhiều thành tích xuất sắc trong việc đắp đê và chống lụt năm nay.
Chào thân ái và quyết tâm
Ngày 01 tháng 6 năm 1955
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 457, ngày 03-6-1955).
Tâm Trang (tổng hợp)
116. Ra sức giữ đê phòng lụt
Ngày 20-4-53, Chính phủ đã có lời đôn đốc đồng bào về việc đắp đê, hộ đê (Báo Nhân dân, ngày 20-5-1953). Mỗi năm, mùa mưa đến, thì giặc lụt lại uy hiếp.
GIẶC LỤT là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta. Đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch. Vì nếu "Lụt thì lút cả làng", cho nên cần phải động viên tất cả đồng bào ở vùng có đê, hăng hái tham gia chiến dịch đắp đê giữ đê.
Trong việc đắp đê giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất.
Cán bộ quân, dân, chính, đảng, những vùng ấy phải xem việc đắp đê giữ đê là việc chính. Phối hợp phải thật chặt chẽ. Chỉ đạo phải thật thiết thực. Tổ chức phải thật đầy đủ. Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh.
Đối với đồng bào dân công, phải giải thích, tuyên truyền, cổ động, tổ chức đến nơi đến chốn. Phải làm cho mọi người hiểu rõ: Đắp đê giữ đê là lợi ích chung của địa phương, mà cũng là lợi ích thiết thân của mỗi người. Phải chú ý bồi dưỡng tinh thần và vật chất cho dân công. Phải hết sức tránh lãng phí ngày giờ, nhân lực và vật lực của đồng bào.
Việc thi đua phải tổ chức chu đáo và bền bỉ; phải báo cáo tên những chiến sĩ hoặc những nhóm có thành tích đặc biệt, để Hồ Chủ tịch và Chính phủ khen thưởng. Đắp đê giữ đê là công việc chính. Nhưng đồng thời, phải xếp đặt các công việc khác cho ăn khớp, chứ không phải vì việc chính mà bỏ trôi những công việc khác.
Lời kêu gọi của Chính phủ nói: "Công tác chống lụt năm nay phải đặt dưới khẩu hiệu: "Đề phòng và đấu tranh"". Nghĩa là phải tỉnh táo đề phòng và đấu tranh chống âm mưu địch phá hoại. Đề phòng năm nay nước có thể to hơn mấy năm trước.
Tục ngữ nói: "Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn". Từ kháng chiến đến nay, chúng ta đã thắng giặc lụt, đã thắng giặc ngoại xâm, vì quân và dân ta đoàn kết một lòng. Năm nay, ở những vùng có đê, cán bộ và đồng bào ta nhất định phải đoàn kết một lòng, đưa toàn tâm toàn lực vào việc đắp đê giữ đê thì chúng ta nhất định thắng lợi.
C.B.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 124, từ ngày 16 đến ngày 20-7-1953).
117. Đê điều
Xứ ta từ tháng 6 trở đi thường có lụt.
Giặc lụt là đồng minh của giặc đói.
Muốn chống đói thì phải chống lụt.
Muốn chống lụt, thì phải kịp thời đắp đê, giữ đê.
Muốn đắp đê, giữ đê thì cấp khu, cấp tỉnh nhất định phải thiết thực phụ trách công việc ấy.
Cấp khu, cấp tỉnh cần phải giúp đỡ và hướng dẫn cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu và chuẩn bị kế hoạch thật đầy đủ, động viên nhân dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân. Phải luôn luôn đi sát với nhân dân từ lúc khởi công đến ngày hoàn thành.
Đồng bào ta rất tốt. Cán bộ ta khéo giải thích, khéo tổ chức và lãnh đạo, thì việc đắp đê nhất định thành công tốt đẹp.
Đối với nhân dân, đối với Đảng và Chính phủ, các khu ủy và tỉnh ủy phải kiên quyết đảm bảo việc đắp đê năm nay nhanh, tốt và tiết kiệm.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7 (1953-1955), tr.532).
118. Phong trào cách mạng ở Đông Dương
(Trích)
Tình hình kinh tế. Xứ Đông Dương bị Ngân hàng Đông Dương, thành lập năm 1875, thống trị về mặt kinh tế. Đến năm 1924, vốn của ngân hàng là 64.400.000 phrăng. Cũng trong thời kỳ này, doanh số lên tới 4.503.000.000 phrăng và thu được 34.000.000 phrăng tiền lãi. Chính Ngân hàng Đông Dương đã chỉ huy tín dụng công nghiệp, thương nghiệp ở Đông Dương, Công ty mỏ than Bắc Kỳ (công ty này hằng năm xuất cảng 1.400.000 tấn than trị giá 12.000.000 đồng hay 201.000.000 phrăng) và Công ty hỏa xa Vân Nam.
Về thương nghiệp nói chung, ở Đông Dương, doanh số hơn 4 tỷ phrăng. Bán thuốc phiện thu được 215.000.000 phrăng và bán rượu thu được khoảng 1 tỷ phrăng tiền lãi. Trong số 1 tỷ phrăng này, Chính phủ thu 200.000.000 phrăng, số còn lại vào túi bọn tư bản độc quyền. Như vậy là chỉ có đầu độc dân bản xứ mà đế quốc Pháp đã thu được 415.000.000 phrăng! Ngân sách toàn Đông Dương là 1.327.000.000 phrăng. Người ta xuất cảng 1.500.000 tấn gạo trị giá 252.000.000 phrăng và 80.000 tạ cao su.
Đông Dương thịnh vượng như vậy. Nhưng sự thịnh vượng ấy chỉ làm lợi riêng cho người Pháp mà thiệt hại cho người An Nam. Mỗi ngày, đàn ông chỉ kiếm được 32 xu, đàn bà 28 xu, trẻ con 16 xu. Hơn nữa, họ không được trả lương đều đặn và không phải bao giờ cũng nhận bằng tiền mặt. Công ty mỏ than tổ chức ra những cửa hàng bán thực phẩm và các vật dụng khác. Thợ bắt buộc phải mua hàng ở đấy, giá đắt hơn thị trường 10%. Thường thì người ta trả lương bằng hàng hóa lấy ở các cửa hàng đó, người thợ chỉ được lĩnh một ít tiền mặt và mãi 15 ngày hay một tháng sau mới được lĩnh; chính bằng cách này mà công ty ngăn được thợ thuyền bỏ trốn.
Theo lời thú nhận của toàn quyền Đông Dương thì đời sống của thợ mỏ quá khổ cực và công việc của họ quá nặng nề nên trong số 15.907 thợ mỏ thống kê được vào năm 1906, không ai sống đến 60 tuổi. Và bọn tư bản thuộc địa cũng lại viện cớ đó để từ chối không tổ chức quỹ hưu bổng cho thợ thuyền bản xứ!
Đời sống nông dân cũng chẳng hơn gì. Đất thì xấu, phương pháp canh tác thì lạc hậu, do đó năng suất rất thấp kém. Sản lượng một hécta ở châu Âu là 4.670 kilô thóc, ở Nhật Bản 3.320 kilô, ở Nam Dương 2.150 kilô, còn ở Đông Dương sản lượng chỉ có 1.210 kilô.
Người bản xứ đo ruộng đất bằng "mẫu", chứ không đo bằng hécta. Một mẫu đất tốt sản xuất khoảng 50 thùng thóc trị giá 24đ75. Trong số tiền này, Chính phủ đã trích thu 2đ10, khoảng 10%. Nhưng cày cấy mỗi mẫu ruộng, người nông dân đã phải chi hết 28đ50 về tát nước, phân bón, giống má, thuê trâu bò, nhân công, v.v.. Như vậy là lỗ vốn mất 3đ75. Người ta sẽ hỏi: "Thế thì người nông dân sống thế nào được và lấy gì mà đóng thuế?". Có thể trả lời đơn giản như thế này: Sống thế nào cũng được, nhưng người nông dân vẫn phải sống và phải đóng góp. Một câu tục ngữ An Nam có nói: "Không làm cũng chết, mà làm cũng chết". Tập quán nghìn xưa cũng như sức mạnh của trăm ngàn mối quan hệ khác đã trói chặt người nông dân với ruộng đất. Nếu biết nơi nào thoát thân được thì họ cũng đã rứt bỏ ra đi. Suốt năm, phần lớn những người nông dân phải ăn rau ăn khoai. Rất ít khi họ ăn cơm, chỉ trong những ngày giỗ tết chẳng hạn, thì họ mới dám động tới hạt cơm quý giá ấy.
Ngoài thuế má nặng nề, tăng lên 550% trong khoảng mười năm, người dân bản xứ còn bị khổ sở với trăm nghìn thứ hạch sách. Tờ báo "Khai hóa" của người bản xứ ở Bắc Kỳ mới đây có viết: "Biết bao người đã bị bắt trái phép. Họ bị giam cầm hàng tháng trời... Lính tráng bắt họ đóng tiền này tiền kia, rồi còn hành hạ họ nữa... Có người bị đánh đập tàn nhẫn đến nỗi phải vào nhà thương. Tóm lại, nếu người nào vô phúc bị bắt mà nghèo đói thì đành cam phận, còn kẻ hơi khá giả thì phải bán vợ đợ con để nộp tiền phạt dù có bị bắt oan cũng vậy".
Còn có những trường hợp nghiêm trọng hơn nhiều. Như một tên công sứ ở Cao Miên đã bòn rút tiền thuế của những người dân cùng khổ để xây dựng một lâu đài nghỉ mát tốn 57.600.000 phrăng, tên ấy còn bắt dân đắp thêm một con đường từ nhà ở đến lầu nghỉ mát. Hơn 1.900 người đã thiệt mạng trên con đường này!...
(Đăng trên Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 91, ngày 14-8-1926).
119. Cây xanh bốn mùa
Bác Hồ rất thông cảm với sự vất vả của nhân dân. Tìm hiểu cụ thể đời sống của nhân dân, của những người lao động là một nếp làm việc quen thuộc của Bác. Một hôm, Bác gọi đồng chí phục vụ đến và nói:
- Có những đêm nằm nghỉ nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng mùa đông, các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm. Chú thử tìm cách điều tra cụ thể rồi nói lại cho Bác biết.
Vâng lời Bác, một đêm nọ, đồng chí phục vụ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng và rất vất vả.
Câu chuyện công việc của người công nhân quét đường trong đêm đông được báo cáo lại với Bác rất tỉ mỉ.
Nghe đồng chí phục vụ nói, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:
- Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô, các chú ấy, nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề vất vả này.
Thời gian trôi qua...
Lần ấy, Bác có việc đi sang nước bạn. Nước bạn đang mùa đông lạnh giá, hầu hết cây cối đều trụi lá. Người bỗng phát hiện ra một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ địa phương, được biết đúng là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi.
Người quyết định xin giống cây ấy mang về Việt Nam. Về nước, Bác trao giống cây đó cho người làm vườn và nói:
- Đây là loại cây mà mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường.
Trong Phủ Chủ tịch, gần nhà sàn của Bác, hiện vẫn còn loại cây trên, không rõ tên khoa học của loài cây ấy là gì, anh chị em vẫn thường gọi là “Cây xanh bốn mùa”.
Nhìn cây xanh bốn mùa ghi nhớ tấm lòng thương yêu nhân dân của Bác. Là Chủ tịch nước Người bận trăm công, nghìn việc lớn. Thế nhưng những việc thường ngày xảy ra chung quanh Bác cũng không bỏ qua. Người quan tâm một cách cụ thể và thiết thực đến điều kiện làm việc của những người công nhân. Việc làm của Bác luôn nhắc nhở chúng ta hãy biết quan tâm chia sẻ với những khó khăn vất vả của người khác, những người cán bộ lãnh đạo càng phải ghi nhớ điều này.
(Trích trong cuốn Bao la nhân ái Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994).
120. Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt (6-1947)
Hỡi đồng bào yêu quý,
Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thuỷ, hỏa, đạo, tặc”.
Chúng ta phải ra sức ngǎn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm. Chính phủ đã cố gắng săn sóc đê điều. Như thế cũng chưa đủ. Toàn thể đồng bào phải hăng hái giúp Chính phủ trong công việc hộ đê cũng như đang giúp Chính phủ trong công việc kháng chiến.
Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình.
“Lụt thì lút cả làng,
Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo”.
Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê.
Hễ chỗ nào sạt thì phải dồn tất cả lực lượng đến đó mà sửa chữa ngay. Làng này phải giúp làng khác. Vùng này phải giúp vùng khác.
Mỗi nhà lại cần đan thuyền và bắc sàn ngay. Chớ để nước đến chân mới nhảy.
Các bộ đội, dân quân, tự vệ phải cố gắng giúp đồng bào những công việc đó. Các Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính, các đoàn thể phải phụ trách tuyên truyền, cổ động, khuyên bảo, nhắc nhủ đồng bào làm những công việc đó.
Các anh em nhân viên Công chánh phải hăng hái chịu khó, thiết thực hợp tác với các cơ quan, các đoàn thể để bày vẽ và kiểm soát những công việc đó. Nơi nào làm những việc đó xong trước hết, chu đáo hơn hết, thì các cơ quan địa phương phải lập tức báo cáo lên, Chính phủ sẽ có khen thưởng.
Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức.
Tháng 6 năm 1947
HỒ CHÍ MINH
(Trích trong cuốn Lời Hồ Chủ tịch)
121. Phải sẵn sàng phòng, chống bão lụt
Vừa qua, trên thế giới nhiều nơi đã bị nạn bão lụt. Ví dụ:
Ở Mỹ, vào đầu tháng 7 vì mưa to, nước sông Mítxuri dâng lên mau chóng và dữ tợn.
Ở vùng gần sông nhiều ruộng vườn bị ngập lụt, nhiều nhà cửa và người đã bị nước cuốn đi.
Ở nước Đại Hồi, lụt đã gây ra nhiều tổn thất về nhà cửa, mùa màng và súc vật.
Ở Nam Tư, tại vùng sông Đanuýp, lụt đã tràn đến cả miền Trung, miền Đông và miền Nam, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập lụt.
Hơn 30.000 hécta cây lương thực bị mất sạch, v.v..
Ở nước ta, vừa rồi cũng bị hai cơn bão số 3 và số 4 đe dọa, cũng may là khi vào đến bờ nước ta, hai cơn bão đều lắng xuống, không gây thiệt hại gì. Nhưng tiếp sau cơn bão số 4 thì có mưa to. Trên nhiều con sông, nước đã lên cao nhanh chóng. Theo dự đoán, thì mùa thu này sẽ có những trận bão lụt đột ngột.
Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng mọi việc để phòng bão, chống lụt. Các ủy ban phòng và chống bão lụt ở trung ương, tỉnh, huyện và xã phải có kế hoạch thật chu đáo, phân công thật rõ ràng, kiểm tra thật kỹ lưỡng.
Nhân dân các địa phương phải tập dượt cho thành thạo việc chống lụt, phải canh gác cẩn thận đê điều.
Các hợp tác xã và các nông hộ cần phải chuẩn bị sẵn sàng các thứ cần thiết, nhất là thuyền, bè.
Người xưa có câu "Thủy, hỏa, đạo, tặc". Nghĩa là phải đề phòng lụt như đề phòng giặc. Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng, thì dù bão lụt to mấy cũng không sợ.
Tuyệt đối không nên chờ "nước đến chân mới nhảy". Các chi bộ đảng và chi đoàn thanh niên có nhiệm vụ là phải làm tốt việc đôn đốc và giúp đỡ thực hiện chuẩn bị phòng và chống bão lụt ở thôn xóm mình.
T.L.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4133, ngày 28-7-1965).
Tâm Trang (tổng hợp)
122. Sắc lệnh số 70/SL, thành lập tại Bắc Bộ “Ủy ban Trung ương hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều"
"Chiểu theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông công chính, Bộ Tư pháp và Bộ Xã hội,
Sau khi Hội đồng Chính phủ thỏa thuận,
RA SẮC LỆNH
Điều thứ 1: Nay lập tại Bắc bộ một Ủy ban Trung ương Hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều.
Ủy ban sẽ do Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ hoặc người đại diện chủ toạ, và gồm những nhà chuyên môn hoặc dư kinh nghiệm do Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ cử ra.
Điều thứ 2: Để khuyến khích và đốc suất công việc hộ đê cho có hiệu quả, nay ấn định những thể lệ đặc biệt để thưởng những người có công và phạt những người phạm lỗi trong công việc đó. Những thể lệ này chỉ thi hành ở Bắc bộ, trong thời kỳ hộ đê, mỗi năm từ 15 tháng 6 đến 15 tháng 10 dương lịch. Thời kỳ ấy có thể kéo dài, hoặc rút ngắn hơn, tùy theo thời tiết, do Ủy ban Hành chính Bắc bộ quyết định, thỏa thuận với ban chỉ huy trung ương hộ đê.
Điều thứ 3:
a) Những đoàn thể hoặc tư gia đã sẵn lòng giúp tiền, gạo, vật liệu, hay bằng cách gì khác một cách xứng đáng vào trong công cuộc hộ đê, sẽ được Chính phủ tặng khen hoặc cấp một dạo tưởng lục.
b) Các ủy viên hành chính và công chức cử ra coi đê, nếu xét ra tân tâm và mân can, cũng có thể được cấp một dạo tưởng lục.
c) Khi một công chức bất cứ ở cấp nào, có những công to rõ rệt trong việc hộ đê, Chính phủ sẽ đặc cách thăng thưởng lên một hoặc hai trật, tùy theo đề nghị của ban chỉ huy trung ương hộ đê.
d) Những công nhân nào hết sức tận tụy với công việc, có thể được thưởng bằng tiền, hoặc bằng tưởng lục. Nếu thưởng bằng tiền thì ban chỉ huy Trung ương hộ đê có quyền quyết định, mỗi người sẽ được từ 50% đến 100%, tùy theo tình hình của quỹ hộ đê.
Điều thứ 4.
a) Các ủy viên hành chính cấp phủ, huyện, xã và các cán bộ cử ra coi một quãng đê, các quán điếm và các người canh điếm đê đều phải làm hết phận sự mình theo chỉ thị cấp trên. Ai phạm lỗi, vì không tuân hành đúng chỉ thị ấy sẽ tùy theo tội nặng nhẹ, bị phạt tù từ 6 ngày đến 3 tháng. Nếu tự ý bỏ quãng đê mình trông coi mà đi trước khi được phép cấp trên hoặc không đợi người đến thay thế, thì hình phạt kể trên sẽ tăng lên từ 1 tháng đến 1 năm.
b) Các viên chức phạm lỗi trong việc hộ đê bất cứ ở trật nào, sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật và trừng phạt theo thể lệ hiện hành. Các viên chức ấy lại còn có thể bị phạt tù, như các hạng người khác.
c) Trong lúc nguy cấp, Ủy ban Hành chính tỉnh hoặc người thay mặt, và viên chức công chính chỉ huy trên quãng đê bị nguy, đều có quyền phạt lệnh trưng thu, trưng dụng và trưng tập. Các chủ có đất cát, hoặc vật liệu, dụng cụ, cần dùng cho sự hộ đê như: Tre, nứa, cuốc, xẻng, vân .. vân... sau khi đã nhận được lệnh trưng thu hoặc trưng dụng của nhân viên thay mặt Ủy ban Hành chính tỉnh tại đê, mà từ chối không cho sử dụng các vật liệu ấy, hoặc tìm cách làm cho hư hỏng không dùng được, sẽ bị trừng phạt theo điều thứ 12 sắc lệnh số 68 ngày 30 tháng 11 năm 1945, định lệ trưng dụng, trưng thu và trưng tập.
d) Các nam nữ từ 18 đến 55 đều có thể bị trưng tập để hộ đê trong lúc nguy cấp. Nếu người bị trưng tập không tuân hành mệnh lệnh, thì cũng bị trừng phạt theo Sắc lệnh số 68 nói trên.
Điều thứ 5:
Các việc thưởng sẽ do Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị lên Ban chỉ huy Trung ương hộ đê. Ban này xét đề nghị và tư lên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ hoặc, trong một vai trường hợp đặc biệt, lên Chủ tịch Chính phủ quyết định.
Riêng về trừng phạt, mỗi khi nhân viên thay mặt Ủy ban Hành chính tỉnh tại đê gặp một trường hợp phạm pháp thì phải cùng lập ngay biên bản. Biên bản ấy sẽ để lên Ủy ban Hành chính tỉnh, Ủy ban Hành chính tỉnh phê bình rồi đưa cho tòa án đệ nhị cấp truy tố và xét xử.
Điều thứ 6:
Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông công chính và Bộ Xã hội chiểu Sắc lệnh thi hành.
Hồ Chí Minh"
(Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).
123. Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão (10-6-1957)
Gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ,
Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân, bộ đội và cán bộ, đặc biệt là ở các tỉnh có đê sông và đê biển.
Nhất là năm nay, phải đề phòng lụt to, bão lớn, vì thời tiết biến đổi khác mọi năm thường.
Chúng ta ra sức phòng trước và chống giữ cẩn thận, thì mới bảo vệ được tính mạng và tài sản của đồng bào, thực hiện được vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.
Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình thế. Tổ chức lực lượng phải chặt chẽ. Chỉ huy phải tỉnh táo đề phòng mọi âm mưu phá hoại của bọn phản động.
Đồng bào cần phải đoàn kết nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai.
Nông hội và thanh niên phải xung phong làm gương mẫu.
Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân.
Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân. Nhân dân và cán bộ phải kết hợp công việc phòng lụt, phòng bão, chống lụt, chống bão với công việc hoàn thành tốt sửa sai, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa và thu thuế nông nghiệp tốt.
Khi bão lụt, thì việc chống bão, chống lụt phải đặt lên trên hết.
Trong việc chống bão, chống lụt những năm qua, chúng ta đã thắng lợi vì chúng ta đã cố gắng. Năm nay chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để thắng lợi.
Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những đơn vị và những cá nhân có thành tích xuất sắc. Mong đồng bào, bộ đội và cán bộ thi đua làm tròn nhiệm vụ.
Chào thân ái
Ngày 10 tháng 6 năm 1957
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1193, ngày 14-6-1957).
124. Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh
Các đồng chí cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng,
Các đồng chí đoàn viên, tất cả các đồng chí bộ đội,
Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các đồng chí lời chào thân ái.
Nhân dịp này, Bác có mấy điều nêu lên để các đồng chí ghi nhớ và cố gắng thực hành. Trong đó, Bác có nói những ưu điểm, có phê bình những khuyết điểm của các đồng chí. Sau cùng, nêu lên những nhiệm vụ trước mắt. Nêu lên ưu điểm để cố gắng phát huy.
…
- Đảng ta, Chính phủ ta, ngoài lợi ích của nhân dân, không có lợi ích nào khác, nên đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp. Nhưng còn có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi nước mắt của đồng bào. Ví dụ: Như cán bộ mậu dịch vừa để mất 7 triệu đồng hoặc bỏ trôi mất 2.000 thước khối gỗ, đó là mới nói sơ bộ. Số đó là của nhân dân gửi cho Chính phủ để làm lợi cho nhân dân. Để mất là lãng phí, ảnh hưởng đến việc khôi phục và phát triển kinh tế, làm chậm bước cải thiện sinh hoạt của cán bộ, bộ đội và nhân dân. Như thế là có tội với Chính phủ và nhân dân. Cần phải sửa chữa, phải chống tham ô lãng phí. Muốn sửa không phải do trên ra mệnh lệnh mà phải tự nguyện, tự giác chống lại tham ô lãng phí.
- Thiếu nhận thức đúng về lao động, nhất là lao động chân tay. Không hiểu lao động là vẻ vang. Có khi miệng nói là vẻ vang, nhưng ra làm thì không thấy. Không hiểu lao động là bất kỳ làm việc gì có ích cho nhân dân, cho xã hội là vẻ vang, dầu mệt nhọc bẩn thỉu. Như người lấy phân xia chẳng hạn, nếu ở thành thị, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, v.v. không có những người đó làm việc tốt thì cũng có ảnh hưởng. Các cô, các chú xem báo đã biết có một cô làm việc ấy tốt cũng được bầu là chiến sĩ. Không hiểu thế nên một số cán bộ, nhất là cán bộ ở nông thôn muốn thoát ly. Đó là chưa nhận thức đúng lao động là vẻ vang, nhất là lao động chân tay. Cố nhiên lao động trí óc cũng cần thiết và quan trọng. Nói lao động chân tay là nói đến công nhân và nông dân. Không có công nhân và nông dân thì không làm được cách mạng và chúng ta không sống được. Đã nhận là vẻ vang thì phải yêu lao động, giữ kỷ luật lao động.
- Còn một điểm khác thì đảng viên, cán bộ ở Nghệ An cũng như Hà Tĩnh, một số có óc công thần, cho rằng "choa" đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xôviết, v.v. nên tự kiêu, tự đại, không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn. Cái nhìn của người cách mạng phải rộng rãi, thái độ phải khiêm tốn. Các đảng viên Nghệ An và Hà Tĩnh có truyền thống đóng góp khá vào cách mạng. Đó là vẻ vang. Có thể là nhờ cố gắng, quyết tâm, chịu khó, chịu khổ. Muốn giữ vững truyền thống ấy, phải phát huy cái tốt và cố gắng, quyết tâm, không sợ khó, sợ khổ và phải khiêm tốn. Nếu không thấy thế thì lỗ mũi sẽ sỉnh ra như cái "đình" che mắt không thấy rừng. Cán bộ Nghệ - Tĩnh có công lao một phần, nhưng nếu không có công lao của đảng viên, cán bộ toàn quốc, không có công lao giai cấp vô sản thế giới thì mình có làm được gì không? Công lao của mỗi chúng ta với Mác - Lênin ai to hơn? Thế thì ta đã nên sỉnh mũi chưa? Càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác, chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì.
Bây giờ Bác nói nhiệm vụ trước mắt:
1. Phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn. Gọn mà không tốt sẽ bây ra đằng sau, tốt mà không gọn cũng ảnh hưởng. Các nơi khác đã làm được gọn, tốt rồi thì các cô, các chú ở Hà Tĩnh cũng làm được, chỉ cần sắp xếp tổ chức, phổ biến kinh nghiệm khéo thì nhất định làm được.
2. Phải rất chú ý tăng gia sản xuất. Các cô, các chú có khi vì công tác, vì điều kiện, vì trình độ một phần nên chưa nghiên cứu được về chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác chỉ nói một điểm rất giản đơn "có thực mới vực được đạo" đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước mắt là chăm lo vụ bát, vụ mười cho tốt. Chăm lo tốt chưa đủ. Nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ, bỏ phân, cày bừa kỹ; đấu tranh với trời là chống thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp chậm. Vì sao đắp chậm? Vì coi nhẹ nên khi động viên nhân dân đi đắp đê thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên nằm ở nhà. Đê đắp không tốt thì "lụt lút cả làng", nhân dân bị thiệt, cán bộ, đảng viên cũng bị thiệt, chẳng những bị thiệt rồi mà còn bị nhân dân mắng chửi. Không chú ý động viên làm, đến khi bị nhân dân chửi như thế có đúng không? Đúng! Vì Đảng ta không phải là đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho nhân dân, trước mắt là sản xuất. Giữ gìn sản xuất, chủ yếu là đắp đê.
Anh em bộ đội thì phải hết sức giúp dân, vì nhân dân đói thì bộ đội không no. Bộ đội là con của nhân dân. Con phải giúp đỡ cha mẹ. Nhưng nhân dân đừng ỷ lại, bộ đội làm phần của bộ đội, dân làm nhiệm vụ của dân. Nhân dân làm là chính.
3. Các cô, các chú có muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội không?
Muốn tiến lên thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng một số khá nhiều xí nghiệp. Trong nông nghiệp cũng đang làm các công trình thủy nông. Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở nhân dân tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt. Muốn xây dựng mà tiếc tiền, muốn kiến thiết mà ỳ ra, không nộp thuế kịp thời, đầy đủ thì không được, "không bột thì không gột nên hồ". Tiền của nhân dân trở lại làm lợi cho nhân dân. Không tiền thì chịu. Còn nói về nợ, thì ai nợ ai? Nhân dân đưa tiền cho Chính phủ, Chính phủ tổ chức ngân hàng. Nông dân muốn sắm trâu bò, nông cụ không có tiền thì đến ngân hàng cho vay. Chính phủ làm thế là tốt. Nhưng có vay thì phải có trả. Có trả, mới có để cho người khác vay. Đằng này khi vay thì nói ngon, nói ngọt: "Em vay về tăng gia sản xuất, em sẽ trả ngay". Nhưng khi vay được rồi thì không chịu trả. Cho rằng Chính phủ là của nhân dân, thương nhân dân, Chính phủ không bỏ tù đâu, rồi ỳ ra không trả. Như thế chẳng những có hại cho Chính phủ mà còn ảnh hưởng không tốt đến toàn dân nữa.
4. Trong việc xây dựng ta cố gắng, các nước bạn hết lòng giúp đỡ, ta còn phải mua hàng của các nước khác. Muốn buôn bán với các nước ấy, ta chưa có máy móc, đồ kỹ nghệ, ta chỉ có nông, hải sản. Cán bộ, đảng viên ta phải giúp Chính phủ mua và xung phong bán. Mua của người khác mà mình không xung phong bán là không tốt. Cán bộ mậu dịch phải mật thiết với cán bộ địa phương, thông qua họ mà thu mua. Giá cả quy định là phải chăng, vừa lợi cho nhân dân, vừa lợi cho Chính phủ. Những việc ấy phải kết hợp làm cho khéo, đừng làm việc này, bỏ việc khác. Trung ương cảm thông với những khó khăn của cán bộ xã; nhưng phải cố gắng. Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ phê bình, tự phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí.
Cuối cùng Bác nhắc lại: Phải đoàn kết. Cái đó là gốc. Trước cách mạng, sức ta, người ta, đảng viên ta rất ít, chỉ xấp xỉ 4.000 đảng viên cả Trung, Nam, Bắc. Lúc ấy, hai tay không, chưa có chính quyền, quân đội, Mặt trận, lực lượng đế quốc còn mạnh, mà đã lãnh đạo cách mạng thành công cả nước. Bây giờ, riêng một tỉnh Hà Tĩnh đã có đến 33.000 đảng viên, một số đông đoàn viên, một số cán bộ ngoài Đảng gắn bó với Đảng, ta lại có chính quyền, có quân đội, có Mặt trận rộng rãi. Với lực lượng ấy, xây dựng một tỉnh Hà Tĩnh tốt về mọi mặt, so với công việc cả nước trước đây thì vẫn dễ hơn. Các cô, các chú có hứa làm được không? ("Có ạ!" - Cả hội nghị đồng thanh trả lời). Có chắc không? ("Dạ làm được ạ!"). Làm được thì vẻ vang, không làm được thì xấu hổ. Muốn làm được, trước hết là phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, mỗi người phải tin chắc làm được. Lúc kháng chiến, địch mạnh ta yếu, Đảng đề khẩu hiệu "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi". Đây là lòng tin của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Vì lòng tin mà chúng ta quyết tâm vượt khó khăn đi đến thắng lợi. Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được.
Bác khuyên các cô, các chú làm đúng tiêu chuẩn đảng viên. Đoàn viên là cánh tay của Đảng. Đảng viên cố gắng thì đoàn viên cũng phải cố gắng, không yêu cầu làm trăm phần trăm như đảng viên, nhưng cố gắng được chừng nào tốt chừng ấy. Cán bộ ngoài Đảng cũng yêu cầu phải cố gắng. Nếu tất cả quyết tâm thì lời hứa của các cô, các chú sẽ làm cho Hà Tĩnh tiến bộ mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Như thế, nhân dân Hà Tĩnh, trước hết là cán bộ, đảng viên đã thực tế góp phần vào củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam, đấu tranh buộc bọn Mỹ - Diệm phải thực hiện thống nhất để xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Cuối cùng, Bác gửi lời hỏi thăm tới cán bộ, đảng viên, đồng bào ở nhà, khi các cô, các chú về địa phương. Khi Bác nêu ưu điểm, yêu cầu các cô, các chú phát huy, nêu khuyết điểm là yêu cầu sửa chữa, nêu nhiệm vụ là quyết tâm làm tròn.
Để khuyến khích, Bác có 100 Huy hiệu làm giải thưởng. Qua dân chủ bình bầu, các cô, các chú ai đúng tiêu chuẩn thì được. Các cô, các chú có muốn được thưởng không? ("Có ạ!" - Cả hội nghị đồng thanh đáp).
Huy hiệu chỉ có 100 mà ở đây đã hơn 2.000 người và tất cả cán bộ, đảng viên ở nhà cũng đều muốn được thưởng. Nếu cần thêm 15 cái nữa, Bác cũng sẵn sàng.
(Trích trong cuốn Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, tr.59-69).
Tâm Trang (tổng hợp)
125. Nói chuyện với nông dân và điền chủ Hưng Yên
Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê. Chúng ta cần phải chăm lo việc đắp đê để đề phòng nạn lụt.
Nước ta hồi Pháp thuộc, bọn thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới.
Số thóc góp để đắp đê không phải là một thứ thuế mà chỉ là một thứ lạc quyên thôi, không có gì là cưỡng bách cả. Đê vỡ, ruộng mất, dân nghèo lo đói, điền chủ mất thóc mà thương gia cũng ít phát tài. Cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp dân vào việc đắp đê. Bằng không thì còn lụt, còn đói, còn chết nữa. Khi chưa ốm, ta phải uống thuốc phòng bệnh thì hơn là đợi ốm rồi mới uống thuốc. Vậy các nhà thân hào phải hăng hái giúp đỡ những đồng bào khác đi đắp đê, phải giúp cho họ ăn, phải góp tiền, thóc nuôi họ. Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa.
Thấy anh chị em và các cháu quần tụ vui vẻ ở đây, tôi rất lấy làm sung sướng. Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói. Đồng bào ta bất kỳ là già trẻ, trai gái, lương giáo ai cũng đồng tâm hiệp lực, nhớn giúp bé, trẻ giúp già, mạnh giúp yếu thì chắc chắn thế nào cũng giành được độc lập hoàn toàn, được tự do hạnh phúc. Chúng ta nỗ lực phấn đấu thì ngày thành công cũng không xa gì.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 140, ngày 12-1-1946)
126. Ngày 14/6/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 96/SL, sửa đổi bản “Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp”
"Điều 1
Để giảm nhẹ một phần sự đóng góp của đồng bào nhà nông, và để khuyến khích tăng gia sản xuất, nay sửa đổi các điều sau này trong Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp:
"Điều 12 mới: Nếu số thu hoạch thường năm bình quân mỗi nhân khẩu được chia 71 kilô thì nông hộ được miễn thuế."
"Điều 13 mới: Thuế biểu thuế nông nghiệp là một thuế biểu luỹ tiến toàn ngạch ấn định như sau:
Bậc Hoa lợi bình quân của một nhân khẩu Thực xuất
1. Từ 71 kilô đến 95 kilô 5%
2 - 96 - - 115 - 6%
3 - 116 - - 135 - 7%
4 - 136 - - 155 - 8%
5 - 156 - - 175 - 9%
6 - 176 - - 205 - 10%
7 - 206 - - 235 - 11%
8 - 236 - - 265 - 12%
9 - 266 - - 295 - 13%
10 - 296 - - 325 - 14%
11 - 326 - - 355 - 15%
12 - 356 - - 385 - 16%
13 - 386 - - 425 - 17%
14 - 426 - - 465 - 18%
15 - 466 - - 505 - 19%
16 - 506 - - 545 - 20%
17 - 546 - - 585 - 21%
18 - 586 - - 625 - 22%
19 - 626 - - 665 - 23%
20 - 666 - - 705 - 24%
21 - 706 - - 755 - 25%
22 - 756 - - 805 - 26%
23 - 806 - - 855 - 27%
24 - 856 - - 905 - 28%
25 - 906 - - 955 - 29%
26 - 956 - - 1005 - 30%
27 - 1006 - - 1055 - 31%
28 - 1056 - - 1105 - 32%
29 - 1106 - - 1155 - 33%
30 - 1156 - - 1215 - 34%
31 - 1216 - - 1275 - 35%
32 - 1276 - - 1335 - 36%
33 - 1336 - - 1395 - 37%
34 - 1396 - - 1455 - 38%
35 - 1456 - - 1515 - 39%
36 - 1516 - - 1575 - 40%
37 - 1576 - - 1635 - 41%
38 - 1636 - - 1695 - 42%
39 - 1696 - - 1755 - 43%
40 - 1756 - - 1815 - 44%
41 - 1816 - - trở lên 45%
Thuế biểu này chỉ áp dụng ở các Liên khu Việt Bắc, 3, 4 và miền Trung Nam bộ.
Thuế biểu áp dụng cho Nam bộ sẽ định sau".
Điều 2
Điều 19 bản điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp, nay thêm một đoạn như sau:
"Đối với những người khi ở nhà vẫn trực tiếp cày cấy nhưng nay vì đi công tác (vào bộ đội, tham gia công tác chính quyền hay đoàn thể) một cách liên tục mà phải phát canh vì thiếu nhân công, thì hoa lợi phát canh thu 100 kilô vẫn chịu thuế 100 kilô; mà người lĩnh canh ruộng ấy vẫn chịu thuế 100 kilô như 75 kilô."
Điều 3
Điều 28 bản điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp nay sửa đổi như sau:
"Điều 28 mới: Thuế nông nghiệp có thể được giảm hoặc miễn nếu mất mùa vì lụt, hạn, sâu bọ hoặc hư hỏng vì chiến sự. Việc giảm hay miễn thuế do UBKCHC Liên khu đề nghị lên Chính phủ quyết định.
UBKCHC Liên khu được Chính phủ ủy quyền quyết định về các việc xin giảm hoặc miễn thuế trong phạm vi một huyện; sau khi quyết định phải báo cáo lên Chính phủ.
Thuế được giảm căn cứ vào sự thiệt hại so với tổng số thu hoạch theo các tỷ lệ sau đây:
- Thiệt hại không tới 20% tổng số thu hoạch: Không được giảm thuế.
- Thiệt hại từ 20% đến 30%: được giảm 20%
- Thiệt hại từ trên 30% đến 40%: --------- 30%
- ----------------- 40% đến 50%: --------- 40%
- ----------------- 50% đến 60%: --------- 70%
- ----------------- 60% đến 70%: --------- 80%
- Thiệt hại trên 70% được miễn thuế.
Tỷ lệ thiệt hại của mỗi nông hộ sẽ do nhân dân xã bình nghị, do UBKCHC xã xét lại và trình lên UBKCHC tỉnh xét và nhận thực."
Điều 4
Những điều sửa đổi trên đây sẽ thi hành từ vụ thuế năm 1952.
Điều 5
Bộ trưởng Bộ Tài chính chiểu sắc lệnh thi hành".
(Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)
127. Thư gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam
Thân ái gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam,
Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời.
Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng.
Hội chữ thập đỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn bị gửi tặng đồng bào bị nạn một số gạo, vải và thuốc gọi là no đói có nhau, sẻ cơm nhường áo.
Đồng bào ta sẵn có truyền thống anh hùng, không vì tai họa mà nản chí. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, anh dũng vượt mọi khó khăn, mau chóng hàn gắn vết thương do bão lụt vừa qua gây nên, ổn định đời sống. Đồng thời đồng bào sẽ ra sức cùng toàn thể nhân dân miền Nam kề vai sát cánh tiếp tục cuộc đấu tranh gian khổ và tất thắng để giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3883, ngày 17-11-1964).
128. Bài nói chuyện tại Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Thái Bình
Bác thay mặt Chính phủ, Trung ương Đảng về thăm đồng bào, cán bộ, các cụ và các cháu tỉnh nhà.
Trong kháng chiến, đồng bào, bộ đội và cán bộ Thái Bình đã anh dũng đánh giặc. Hòa bình lập lại, đã cố gắng và có thành tích trong công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa. Như về bình dân học vụ, thị xã Thái Bình và 17 xã 4 huyện đã thanh toán nạn mù chữ nhưng mới làm xong về căn bản, còn phải cố gắng nữa. Phong trào vệ sinh phòng bệnh cũng khá, cần chú ý đảm bảo sức khỏe cho dân, có khỏe mạnh mới sản xuất tốt. Về sản xuất, do cố gắng của đồng bào và cán bộ, vụ mùa năm nay tốt hơn năm ngoái. Tổ đổi công và hợp tác xã có phát triển, cán bộ thì tham gia lao động sản xuất và lãnh đạo sát hơn, lại có sáng kiến như “sạch làng tốt ruộng”, như thế là tốt. Nhưng chớ chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, chú ý diệt chuột trừ sâu, phòng bão. Phải chuẩn bị gặt nhanh, gặt tốt, gặt kỹ chớ để thóc lúa rơi vãi.
Trên là những ưu điểm, còn những khuyết điểm sau đây cần sửa chữa:
- Lãnh đạo thiếu liên tục, thiếu toàn diện, lúc đầu kém tích cực, không kịp thời tổng kết và phổ biến kinh nghiệm.
- Có một số đồng bào, cán bộ còn bảo thủ, sợ khó, còn một số ruộng cấy chay, muốn nhiều thóc lại cấy chay thì không ăn thua.
- Tổ đổi công phát triển nhiều nhưng chất lượng kém, việc đào sông chống hạn còn ỷ lại chờ trời, muốn Chính phủ giúp mới chịu làm.
- Thấy vụ mùa tốt, một số đồng bào chủ quan, có thừa thì ăn tiêu không tiết kiệm.
Vụ Đông - Xuân này phải thi đua làm tốt hơn vụ mùa, chú trọng lúa nhưng phải chú ý làm tốt hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi.
Bây giờ chúng ta ra sức làm sao vụ chiêm này khá hơn vụ mùa, vụ mùa sau khá hơn vụ chiêm. Để nắm chắc vụ Đông - Xuân thắng lợi, cần chú ý 7 điểm:
1. Ra sức giữ nước cho ruộng.
2. Chọn giống tốt.
3. Cày sâu, bừa kỹ.
4. Bón phân nhiều (Tỉnh nhà có tiến bộ, trước bón phân ít, nay đã bón nhiều: 125 gánh một mẫu ta, nhưng chưa nhiều, như thế là còn ít...).
5. Cấy dày.
6. Cải tiến kỹ thuật.
7. Ra sức chống thiên tai như hạn hán, sâu chuột. Để làm tốt những việc đó cần phải thực hiện 6 điểm:
1. Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã. Phát triển đến đâu củng cố tốt đến đấy. Xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã cũng như bện cái dây thừng, thừng càng nhiều sợi chắp lại càng mạnh, càng bền, càng tốt, kéo gì cũng nổi. Hiện nay Thái Bình có tổ có 5 hộ, có tổ 15 hộ, như vậy còn nhỏ.
Xây dựng tổ đổi công phải theo nguyên tắc tự nguyện tự giác không gò ép. Các tổ nhỏ thoả thuận với nhau hợp thành tổ vừa, tổ vừa cũng theo nguyên tắc tự nguyện hợp lại thành tổ lớn, tiến dần lên hợp tác xã.
Cán bộ các ngành của Chính phủ và Đảng (tuyên truyền, văn hóa, giáo dục, mậu dịch, ngân hàng, v.v.) đều phải làm tròn nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp, muốn phục vụ tốt phải đi sát xuống nông thôn.
2. Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người phải quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được.
3. Cán bộ lãnh đạo phải nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân. Mọi người phải có quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được, quyết tâm ví như nhựa trong cây, nếu nhựa đi từ trong cây ra cành cây thì cây xanh tốt, cành cây nào không có nhựa sẽ bị khô héo, không có lá, có quả. Cán bộ cần làm ruộng thí nghiệm, có rút kinh nghiệm mới thấy cái tốt cái xấu; cái tốt đồng bào sẽ làm theo. Cán bộ tỉnh huyện cần sắp xếp có thời giờ tham gia sản xuất với đồng bào, phải đi sâu đi sát thực tế, tránh quan liêu tự mãn.
4. Tất cả đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, anh em bộ đội phục viên, chiến sĩ lao động, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng phải làm gương mẫu, làm đầu tàu. Các cụ phụ lão thì ra sức đôn đốc con cháu thi đua.
5. Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết chặt chẽ thành một khối ra sức thi đua.
Trong kháng chiến, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là đánh giặc thực dân, nhờ có đoàn kết nhất trí chúng ta đã thắng. Hiện nay nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hai cái đó phải đi đôi, nếu không thì làm được chừng nào xài hết chừng ấy. Đồng bào Thái Bình tăng gia thì khá nhưng còn tiết kiệm thì phải đánh dấu hỏi. Đồng bào đã tiết kiệm chưa? Phải tiết kiệm nhiều cái nhỏ thành cái to, như thế là trực tiếp góp phần xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc, có làm được không?
Tất cả đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải vào tổ đổi công, hợp tác xã, nay còn trên 6.000 đảng viên chưa vào, như vậy là chưa làm tròn nhiệm vụ. Bác tin đồng bào, cán bộ có thể làm được những điều hứa với Bác.
Trong vụ mùa này và vụ chiêm tới, đơn vị nào khá nhất huyện, huyện nào khá nhất tỉnh, sẽ có giải thưởng.
Bác gửi lời thăm đồng bào và cán bộ các địa phương.
(Trích trong trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch)
Tâm Trang (tổng hợp)
128. Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ
Thưa các cụ, các vị và toàn thể đồng bào,
Hôm nay tôi rất vui sướng thấy có mặt ở đây các đại biểu của anh chị em công nhân, của đồng bào nông dân, của đồng bào đánh cá, đại biểu của bộ đội, của cán bộ các ngành, của đồng bào thành phố, của đồng bào thiểu số, có các chiến sĩ thi đua, có những đồng bào đã tham gia kháng chiến, có đại biểu các tôn giáo, các cụ phụ lão, các chị em phụ nữ, các cháu thanh niên và nhi đồng và các bạn Hoa kiều.
Đây là tỏ rằng đồng bào Hồng Quảng, các tầng lớp đoàn kết chặt chẽ, như thế là rất tốt. Tôi thay mặt Chính phủ và Trung ương Đảng gửi tới đồng bào lời chào thân ái. Đồng thời tôi gửi đồng bào có mặt ở đây chuyển tới đồng bào không có mặt ở đây lời chào của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của tôi. Tôi thay mặt Chính phủ, Đảng và nhân dân ta cảm ơn các đồng chí chuyên gia các nước anh em đến giúp đỡ ta khôi phục và phát triển kinh tế, đó là tinh thần quốc tế cao cả mà chúng ta phải học.
…
Nói đến Hồng Quảng chủ yếu là nói đến xí nghiệp, là mỏ than, là giai cấp công nhân, cho nên trước hết tôi nói với anh chị em công nhân.
Trước ngày giải phóng miền Bắc anh chị em công nhân ta là những người nô lệ, mình làm cực khổ nhưng bọn đế quốc và tư bản hưởng lợi, bây giờ công nhân làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp của mình, nhưng mà chưa chắc tất cả đã hiểu như thế.
Muốn làm người chủ xứng đáng, phải có tinh thần phụ trách tốt. Tôi xem báo thấy nói ngày 27, 28, 29-9 ở Cẩm Phả cũng như ở Hà Lầm sản xuất rất hăng, đó là tượng trưng mình làm chủ, nhưng không phải tất cả như thế, còn nhiều anh em vì chưa hiểu mình là chủ nên chưa biết tiếc của mình, không biết tôn trọng của Nhà nước tức là của mình. Tôi chỉ nêu một vài ví dụ: ngay số xe do công nhân các nước anh em hy sinh phấn đấu làm ra để cho chúng ta dùng. Đảng, Chính phủ và nhân dân ta hết sức coi trọng sự giúp đỡ của các nước anh em, nhưng giao cho các ông chủ, bà chủ quản lý các xe đó thì hỏng đến 80, 90%. Giá một chiếc xe là hơn 150 triệu đồng, công nhân các nước anh em dùng hơn 2 vạn cây số mới phải sửa lại mà đưa về mình có chiếc xe chỉ dùng được 1.500 đến 2.500 cây số là hỏng, 11 chiếc xe to hỏng 9; 45 chiếc xe vừa hỏng 36; 82 chiếc xe Tiệp thì hỏng 30. Các cô, các chú có đau lòng không? Còn các lãng phí khác như than vương vãi và đất đá lẫn nhiều, v.v..
Các cô, các chú muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công.
…
Bây giờ nói đến đồng bào nông dân. Đồng bào nông dân rất cố gắng chống hạn, chống bão, gìn giữ đê điều, rửa chua, cạo mặn, v.v.. Nói tóm lại đồng bào nông dân cần cù, cho nên đã thu được ba vụ tốt. Nhưng mà đồng bào nông dân cũng có khuyết điểm là được ba mùa rồi thì chủ quan, coi nhẹ chăm bón lúa mùa, hoa màu kém hơn năm ngoái. Đồng bào nông dân ta cần hiểu rằng ruộng đất rất tốt, nhưng phải có sự chăm chỉ, cần cù thì mới đem lại hoa màu, thóc lúa, nghĩa là “muốn có ăn thì phải lăn vào ruộng”. Một điểm nữa, đồng bào nông dân có khuyết điểm là không bảo vệ rừng, không giữ rừng được tốt, làm rừng bừa bãi. Rừng là của Nhà nước. Nhà nước giao cho nông dân quản lý. Cố nhiên đồng bào nông dân có khuyết điểm, nhưng một phần cán bộ chưa tuyên truyền giải thích kỹ, đồng bào nông dân nếu biết rõ thì quyết tâm làm đúng. Chúng ta bảo vệ được rừng tốt, là bảo vệ quyền lợi cho đồng bào nông dân, nói chung là bảo vệ quyền lợi cho cả nước.
Đồng bào nông dân muốn làm ăn tốt hơn trước, phải có tổ chức, phải đoàn kết. Đồng bào nông dân có biết vì sao nông dân Liên Xô được sung sướng không? Vì nông dân Liên Xô tổ chức nông trường hàng vạn mẫu, họ làm chung hưởng chung. Nông dân Trung Quốc hay nông dân Triều Tiên chưa được như nông dân Liên Xô nhưng cũng hơn ta vì họ có tổ chức hợp tác xã. Bây giờ đồng bào ta chưa làm được như thế, nhưng muốn làm ăn tiến bộ thì phải tổ chức tổ đổi công cho tốt.
Qua báo cáo thì huyện Hoành Bồ đã tổ chức tổ đổi công khá, đấy là gương mẫu, các nơi khác cần học tập để làm cho tốt. Các cụ ta xưa có câu:
Một cây làm chẳng nên non,
Nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao.
Đồng bào muốn làm hòn núi cao thì phải tổ chức tổ đổi công. Ở đây còn có đồng bào đánh cá rất cần cù, rất khó nhọc, rất tiết kiệm, thế là tốt. Nhưng có một điều là cần phải cố gắng hơn nữa trong việc tổ chức đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Còn đồng bào công thương cũng cố gắng, có ưu điểm, nhưng cũng có khuyết điểm. Khuyết điểm chính là chưa biết giúp đỡ nhân dân và chính quyền chống đầu cơ tích trữ và ổn định vật giá. Vì đầu cơ tích trữ chẳng những hại cho nhân dân mà trước hết cho bà con buôn bán thực thà.
Thuế là một nhiệm vụ mọi người góp phần vào để xây dựng nước nhà, bà con ai chẳng muốn có trường học, có nhà thương; muốn thế thì phải có tiền, phải có sự đóng góp của nhân dân.
Nhưng cũng còn một số người chưa đóng sòng phẳng, những người đó không thể đánh lừa Chính phủ được mãi. Nếu đồng bào công thương biết phát triển ưu điểm và khắc phục khuyết điểm của mình thì sẽ góp phần đóng góp khá quan trọng vào việc xây dựng đất nước và xây dựng kinh tế…
(Trích trong cuốn Bác Hồ với công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh)
129. Bài nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An
Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta, cụ thể ở Nghệ An hiện giờ là gì? Là sản xuất. Muốn sản xuất thì phải làm thế nào? Phải củng cố hợp tác xã. Muốn củng cố hợp tác xã cho tốt thì phải làm thế nào? Phải giáo dục. Giáo dục ai? Giáo dục xã viên hợp tác xã. Ai giáo dục họ? Nói Đảng cũng rộng đấy. Nhưng trước hết là ai? Chi bộ. Hễ chi bộ tốt thì hợp tác xã tốt, chi bộ kém thì hợp tác xã kém. Đó là kinh nghiệm chung.
Nói giáo dục chủ nghĩa xã hội thì rộng quá, mà phải nói giáo dục tinh thần làm chủ. Trước hết là chi bộ, rồi thứ hai là đoàn thanh niên. Chi bộ tốt, đoàn thanh niên tốt thì tự nhiên giáo dục xã viên tốt. Muốn chi bộ tốt, chi đoàn tốt, đảng ủy, chi ủy địa phương tốt thì Tỉnh ủy phải tốt. Nghệ An cũng có chỗ tốt, cũng có chỗ vừa; đại khái hợp tác xã tốt, vừa là chừng bao nhiêu phần trăm? Tốt mấy phần trăm? Vừa mấy phần trăm? Kém mấy phần trăm? Các chú lấy cái gì để biết? Ai thống kê? Họ nêu lên thế thì các chú cứ tin như thế phải không?
Nói hợp tác xã nông nghiệp mấy phần trăm tốt, mấy phần trăm vừa, mấy phần trăm kém, lấy cái gì mà biết? Các cô, các chú nói lấy chi bộ để biết như thế là đúng cả đấy. Chi bộ nào tốt là hợp tác xã đó tốt, bởi vì chi bộ lãnh đạo hợp tác xã. Hợp tác xã tốt là hợp tác xã đó làm ăn phát triển. Làm sao mà biết hợp tác xã làm ăn phát triển? Phải căn cứ vào đời sống của nông dân, thu nhập của xã viên càng ngày càng tiến lên. Hợp tác xã tốt là thế nào nữa?
Chẳng những phát triển kinh tế hợp tác xã, đời sống và thu nhập của xã viên tăng lên, mà hợp tác xã đó lại làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Thí dụ: Từ việc nạp thuế, trả nợ, bán thóc cho Nhà nước, đến công tác làm thủy lợi, vừa làm nhanh, vừa làm tốt. Thủy lợi ở Nghệ An còn kém lắm. Trong Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp ở Hưng Yên, nếu nói về cái kém thì Nghệ An rồi đến Thanh Hóa. Các chú, các cô có nhận thấy thế không? Nếu nói 40% hợp tác xã tốt thì nó sẽ ảnh hưởng, nó sẽ kéo 45% hợp tác xã vừa lên, như thế thủy lợi càng tốt. Nhưng thủy lợi còn kém vì hợp tác xã kém.
Hợp tác xã kém thế nào? Vì chi bộ kém. Mà chi bộ kém, truy nguyên là vì lãnh đạo của Tỉnh ủy. Có phải thế không? Lúc kháng chiến chúng ta lấy cái gì để biết tỉnh, huyện, xã, các đảng ủy lãnh đạo tốt? Lấy việc tham gia kháng chiến tốt, giết giặc nhiều hay ít, thắng hay bại. Có thể nói: Bây giờ chúng ta cũng đang kháng chiến. Trước là kháng chiến chống giặc Pháp, giặc Nhật; nay là chống thiên tai, chống nghèo đói, chống lạc hậu.
Muốn chống thiên tai, về mặt kinh tế nói chung thì phải làm tốt thủy lợi để chống hạn, chống úng, tranh thủ được mùa, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng tiến lên. Cho nên muốn biết đảng địa phương của mình mạnh hay yếu, khá hay kém hãy nhìn vào sự lãnh đạo của cấp ủy. Các cô, các chú có đồng ý thế không? Cố nhiên là cấp ủy đảng từ xã đến huyện đều có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm chính là đội tham mưu của tỉnh, là Tỉnh ủy.
Đây là nói về nông nghiệp. Còn về công nghiệp, về các ngành và tất cả những gì có quan hệ đến quốc kế dân sinh trong tỉnh thì ai chỉ đạo? Tỉnh ủy. Thương nghiệp không tốt, Tỉnh ủy phải phụ trách. Công nghiệp phát triển tốt, đó là công của Tỉnh ủy, mà phát triển không tốt là Tỉnh ủy phụ trách không đầy đủ. Mình nói nhiều về nông nghiệp, bởi vì bây giờ phải đẩy mạnh nông nghiệp. Muốn đẩy mạnh nông nghiệp thì phải phát triển và củng cố tốt hợp tác xã. Muốn phát triển, củng cố hợp tác xã thì các chi bộ và chi đoàn phải tốt. Muốn chi bộ, chi đoàn tốt thì Tỉnh ủy phải hết sức nắm vững và gương mẫu trong mọi việc. Bây giờ các cô, các chú phải xem lại những việc mà Tỉnh ủy phụ trách, tức là về công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, mậu dịch, văn hóa, v.v.. Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc gì?
Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ.
Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Muốn làm tốt việc ấy, còn phải gì nữa? Phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác.
Nếu các cô, các chú làm tốt việc ấy thì phải làm sao cho nhân dân họ biết, họ hiểu, họ thực hiện mình là người chủ của nước nhà, là người chủ của hợp tác xã. Mọi người dân đều phải hiểu như thế. Hiểu được cái đó rồi thì phải cần kiệm xây dựng nước nhà, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bộ đội là cần kiệm xây dựng quân đội. Ở các xí nghiệp là cần kiệm xây dựng xí nghiệp. ở nông thôn là cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Đấy là đường đi của nó.
Năm nay, so với năm kia Bác về thăm, thấy tỉnh nhà có tiến bộ. Cán bộ và nhân dân đều có cố gắng. Nhưng mà chưa tiến bộ, chưa cố gắng đến mức bây giờ mình đòi hỏi.
Bác xem báo cáo có hợp tác xã làm khá lắm. Vĩnh Thành thì khá đều. Còn có mấy cái nữa thì có mặt này tốt, có mặt kia tốt, có xã chăn nuôi tốt, có xã cải tiến nông cụ tốt, có xã làm thủy lợi tốt, có xã khai hoang tốt... Cần phải làm thế nào học tập kinh nghiệm của mỗi xã, rồi phổ biến những kinh nghiệm tốt ấy cho các xã khác. Cái đó hình như ở đây làm chưa được tốt lắm. Có phải thế không? Có cái trước mắt, vì sao mà không học? Cần lấy kinh nghiệm trong tỉnh mình, tổng kết kinh nghiệm ấy rồi phổ biến cho các hợp tác xã khác học. Nếu làm được như thế thì tiến bộ mau hơn.
Thí dụ: Nói Vĩnh Thành tốt thì đưa Bác đến thăm Vĩnh Thành. Đồng chí Trung ương nào đến đây thì cứ xách lên Vĩnh Thành, cái đó cũng là cái hay. Nhưng phải làm sao cho các xã khác cũng học được Vĩnh Thành. Học tập kinh nghiệm lẫn nhau mà làm cho tốt. ở đây có 39 đồng chí thì mấy đồng chí phụ trách về hợp tác xã?
Phụ trách là phụ trách trực tiếp, đi đến nơi xem xét, giúp đỡ, chứ không phải xem trên giấy tờ. Có mấy đồng chí? Hay là ai cũng phụ trách mà không ai phụ trách? Các đồng chí nói có 4, thế thì chỉ có một phần mười đồng chí trong Tỉnh ủy phụ trách. Bác nêu như thế thôi. Các cô, các chú tính toán mà bố trí lại công tác, làm sao có mấy đồng chí, càng nhiều càng tốt, trực tiếp nắm về nông nghiệp, tức là nắm hợp tác xã.
Bây giờ, các cô, các chú phải làm thế nào mà tự túc được lương thực trong tỉnh. Lâu nay, một năm Trung ương phải thêm cho bao nhiêu? Nói 10 ngàn tấn, năm ít nhất cũng đến 6 ngàn tấn. Nông nghiệp ở Nghệ An có thể làm thêm được 6 ngàn tấn, 10 ngàn tấn không? Các cô, các chú nghiên cứu lại xem. Bác cũng có chủ quan chừng nào nhưng cũng có thực tế chừng nào. Nếu đẩy mạnh hợp tác xã lên, không phải chỉ 45% hợp tác xã tốt, mà làm sao chừng 50% hợp tác xã tốt, còn những cái kia vừa, không có hợp tác xã kém thì có thể tự túc được lương thực. Cái đó rất cần. Cố nhiên, những công tác khác như công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành khác cũng phải chú ý. Nhưng nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là làm sao có đủ lương thực. Cái đó không dễ đâu. Một mẫu tây sản xuất mỗi năm có thể 6 tấn, có thể 5 tấn, có thể 4 tấn. Mỗi mẫu được 4 tấn thì 10 mẫu có 40 tấn, 100 mẫu có 400 tấn, 1 ngàn mẫu có 4 ngàn tấn. Muốn có 6 ngàn tấn thì phải có hơn 1 ngàn 5 trăm mẫu. Thế thì Nghệ An có thể bằng cách này hay cách khác, vừa vỡ hoang, vừa tăng vụ, vừa làm xen thế này thế khác, có thể thêm 1 ngàn 5 trăm mẫu được không? Muốn có 9 ngàn tấn thóc thì phải có 2 ngàn mẫu tây. Ở Nghệ An có thể tìm ra được 2 ngàn mẫu tây không? Các cô, các chú cũng đồng ý có thể là tìm ra được 2 ngàn mẫu tây.
Lao động trong nông thôn của ta, tính ra đang còn thừa nhiều, lãng phí nhiều. Muốn có gạo, có thóc thì cốt cái gì? Trước hết là cốt có đất, hai là sức người. Đất mình có, sức người mình có thì không có lý gì không làm được. Tất nhiên còn có lãnh đạo, có kế hoạch, có cái này cái khác nữa. Như ở ngoài Bắc, tỉnh Hưng Yên họ đảm bảo khai hoang 6 vạn mẫu tây trong 5 năm. Không nói đâu xa, ngay ở Nghệ An có tất cả bao nhiêu cây số vuông? Có 17 vạn. Bao nhiêu dân? Có một triệu ba. Thế là người mình có, đất mình có, chỉ có cách nào mà dùng được đất ấy, dùng được người ấy, dùng được sức lao động ấy là được. Làm những cái ấy tốt tức là tự túc được lương thực. Các cô, các chú nghĩ thế nào? Làm được, có quyết tâm thì làm được. Mình biết cái ấy không dễ đâu. Đó là cái khó, nhưng quyết tâm thì làm được.
Nói tóm lại, từ nay về sau, các cô, các chú làm sao tìm mọi biện pháp dùng đất, dùng lao động ấy cho tốt để đi đến tự túc lương thực. Đó là trách nhiệm bức thiết của chúng mình ở Nghệ An. Khó mấy chúng ta cũng phải cố mà làm. Các cô, các chú đồng ý không? Cố nhiên, lúc đưa ra bàn, có người nói: Năm 1962 thì làm được ngay tất cả. Cái đó cũng quá đáng. Nhưng nói làm khó thế này, thế khác, thì đó cũng là thụt lùi. Phải có quyết tâm, nhưng cũng phải có kế hoạch tiến dần. Thí dụ: Bây giờ Trung ương phải cấp thêm cho Nghệ An 6.000 tấn, năm 1962 bớt được 2.000 tấn, rồi năm sau bớt 2.000 tấn nữa là 4.000 tấn, rồi năm sau nữa..., như thế là được rồi, chứ không phải cái đó làm ngay hôm nay được đâu. Nếu năm sau, ở đây trang trải lấy, không phải nhờ Trung ương nữa thì tỉnh sẽ được giải thưởng. Thế là bớt được 2 năm. Các cô, các chú làm được như thế thì tốt lắm.
Trung ương thường nói nông nghiệp phải toàn diện. Mình không những cốt gạo, ngô, khoai, sắn, bông, mà còn cốt các thứ khác nữa. Cho nên phải toàn diện. Tăng diện tích mà không tăng sản lượng là vô ích, mất công. Nhưng tăng sản lượng cũng phải toàn diện. Lúa là chính, nhưng ngô, khoai, sắn, cũng phải có, cũng phải chú trọng. Nếu chỉ chú trọng lúa mà không chăm nom ngô, khoai, sắn, cũng không được. Hoặc chỉ chăm về cây lương thực mà không chăm về cây công nghiệp cũng là khuyết điểm.
Đây một năm sản xuất bao nhiêu bông? 2.000 mẫu tây được bao nhiêu tấn? 1.000 tấn bông tuy là ít, nhưng nếu chú trọng lương thực mà không có bông thì tức là có ăn chứ chưa có mặc. Mình có cần mặc không? Cần. Nếu không toàn diện, tức là chú trọng cái ăn chứ chưa chú trọng cái mặc. Thế cho nên, vừa phải chú trọng cái ăn, vừa phải chú trọng cả cái mặc. Ở đây trồng cây gây rừng thế nào? Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy. Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch.
Thí dụ như nhãn 5 năm có quả, các thứ cây ăn quả khác như bưởi, nếu chiết được thì nhanh thôi, dừa thì 7 năm. Cây thầu đâu 3 năm có thể làm cột được. Lấy trung bình cây 7 năm, cây 5 năm, cây 2 năm ta cho là 5 năm. Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to: Cây thì làm gỗ được, cây thì ăn quả được. Không biết các cô, các chú có thấy không? Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì. Có phải thế không? Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu? Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón. Năm nay Nghệ An định trồng mấy triệu cây? Các chú cứ làm sao năm nay trồng được 15 triệu cây cho tốt. Trồng cây nào sống cây ấy, chứ 19 triệu mà chết hết nửa thì vô ích. Năm nào cũng trồng, nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy. Ở Vĩnh Phúc có một xã kiểu mẫu về trồng cây, có những người gương mẫu về trồng cây. Không biết ở đây có không? Như xã Bác đến thăm, hợp tác xã trích ra hai người chỉ lo về trồng cây. Cố nhiên, ai cũng trồng, nhưng kế hoạch trồng, tiền giống, chăm nom là do hai người ấy lo. Hợp tác xã trả công điểm cho họ trội hơn công điểm các xã viên khác. Nhờ thế, bây giờ xã này cây cối rất um tùm, mặc dù lúc kháng chiến đã bị phá trụi. Cái ấy các cô, các chú cũng nên chú ý. Thí dụ: Năm nay trồng 19 triệu cây, sang năm trồng 19 triệu cây nữa, trong 5 năm thành hàng triệu. Cứ trồng tiếp tục năm này qua năm khác, chứ không phải làm ồ ạt một vài năm rồi thôi. Nếu mỗi năm trồng 19 triệu cây, cứ tiếp tục trong 5 năm, 10 năm thì trồng cả vào trong nhà nữa chứ không phải chỉ ngoài trời. Kế hoạch của Trung ương đề ra cho Nghệ An bao nhiêu? Nếu các chú làm được 10 triệu cho tốt thì cũng vừa.
Hôm nay Bác chỉ nói chuyện qua và nhằm vào mấy điểm như thế. Mấy điểm ấy có thể là điểm chính. Còn có những vấn đề gì nữa, ngày mai Bác sẽ nói thêm.
(Trích trong cuốn Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh)
Tâm Trang (tổng hợp)