Chỉ mục bài viết

 21. Đường cách mệnh

(Trích)

...

TỔ CHỨC DÂN CÀY

1. Vì sao phải tổ chức dân cày?

Nước ta kinh tế chưa phát đạt, trong 100 người thì đến 90 người là dân cày. Mà dân cày ta rất là cực khổ, nghề không có mà làm, đất không đủ mà cày, đến nỗi cơm không đủ ăn, áo không có mặc.

Xem như Trung Kỳ, tất cả chừng 5.730.000 người dân mà chỉ có chừng 148.015 mẫu ruộng. Trước năm 1926, Tây đồn điền đã chiếm mất 62.000 mẫu. Từ năm 1926, 175 thằng Tây đồn điền lại chiếm hết:

1.982 mẫu ở Thanh Hóa,

35.426 mẫu ở Nghệ An,

17.076 mẫu ở Nha Trang,

13.474 mẫu ở Phan Thiết,

92.000 mẫu ở Kon Tum,

67.000 mẫu ở Đồng Nai.

Như thế thì dân ta còn ruộng đâu nữa mà cày!

2. Tây đồn điền choán ruộng cách thế nào?

Chúng nó dùng nhiều cách. Như tháng 6 năm 19221, 20 thằng Tây rủ nhau xin Chính phủ Tây mỗi thằng 3.0002 mẫu trong lục tỉnh. Xin được rồi nhóm cả lại thành ra 60.000 mẫu, 19 thằng bán lại cho 1 thằng.

Tháng 8 năm 1926, nhà ngân hàng Đông - Pháp xin 30.000 mẫu, trong đám đất ấy đã có 6 làng An Nam ở. Khi nhà ngân hàng xin được rồi thì nó đuổi dân ta đi.

Nam Kỳ bị Tây đồn điền chiếm mất 150.000 mẫu ruộng tốt. Phần thì Tây đồn điền cướp, phần thì các nhà thờ đạo chiếm. Các cố đạo chờ năm nào mất mùa, đem tiền cho dân cày vay. Chúng nó bắt dân đem văn khế ruộng cầm cho nó và ăn lời thiệt nặng. Vì lời nặng quá, đến mùa sau trả không nổi, thì các cố xiết ruộng ấy đem làm ruộng nhà thờ.

3. Chính phủ Pháp đãi dân cày An Nam thế nào?

Tư bản Tây và nhà thờ đạo đã choán gần hết đất ruộng, còn giữ được miếng nào thì Chính phủ lại đánh thuế thiệt nặng, mỗi năm mỗi tăng. Như mỗi mẫu ruộng tốt mỗi năm tất cả hoa lợi được chừng 25 đồng, Tây nó đã lấy mất 2 đồng 5 hào thuế, nghĩa là 10 phần nó lấy mất một.

Nếu tính tiền thuê trâu bò, mua phân tro, mướn làm, tiền ăn uống, thì mỗi mẫu mỗi năm đã hết chừng 30 đồng. Nghĩa là dân cày đã lỗ mất 5 đồng, mà Chính phủ lại còn kẹp lấy cho được 2 đồng rưỡi.

Chẳng thế mà thôi. Dân ta cày ra lúa mà không được ăn. Đến mùa thuế thì bán đổ bán tháo để nộp thuế. Tây nó biết vậy thì nó mua rẻ để nó chở đi bán các xứ, mỗi năm nó chở hết 150 vạn tấn. Nó chở đi chừng nào, thì gạo kém chừng ấy, thì dân ta chết đói nhiều chừng ấy.

4. Bây giờ nên làm thế nào?

Sự cực khổ dân cày An Nam là:

1. Ruộng bị Tây choán hết, không đủ mà cày.

2. Gạo bị nó chở hết, không đủ mà ăn.

3. Làm nhiều, được ít, thuế nặng.

4. Lại thêm nước lụt, đại hạn, vỡ đê, mất mùa.

5. Đến nỗi chết đói, hoặc bán vợ đợ con, hoặc đem thân làm nô lệ như những người nó chở đi Tân thế giới.

6. Nào là chính trị áp bức (thử hỏi dân cày ta có quyền chính trị gì?), văn hóa áp bức (dân cày ta được mấy người biết chữ, trong làng được mấy trường học?).

Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng.

5. Cách tổ chức dân cày thế nào?

Cách tổ chức đại khái như sau:

1. Bất kỳ đàn ông đàn bà, từ những người tiểu điền chủ cho đến những dân cày thuê cày rẽ, từ 18 tuổi trở lên thì được vào. (Những người đại địa chủ, mật thám, cố đạo, say mê rượu chè, cờ bạc và a phiến thì chớ cho vào hội).

2. Ai vào phải tình nguyện giữ quy tắc hội, và phải có hội viên cũ giới thiệu.

3. Làng nào đã có 3 người tình nguyện vào hội thì tổ chức được một hội làng, 3 làng có hội thì tổ chức hội tổng, 3 tổng có hội thì tổ chức hội huyện, 3 huyện có hội thì tổ chức hội tỉnh, 3 tỉnh có hội thì tổ chức hội nước.

4. Còn cách khai hội, tổ chức các bộ làm việc, tuyển cử, đề nghị, giải quyết, báo cáo thì cũng như công hội...

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.308)

22. Thường thức chính trị

(Trích)

...

Hơn 80 năm trước, đế quốc Pháp thấy nước ta người đông, của nhiều, bèn dùng vũ lực sang cướp nước ta. Giai cấp phong kiến Việt Nam (vua, quan, đại địa chủ) thì hủ bại đê hèn, chỉ biết bán nước, không dám chống giặc.

Khi đã cướp được nước ta, đế quốc Pháp liền mở nhà máy và hầm mỏ, để thu hút nguyên liệu của ta và bóc lột công nhân ta. Chúng lập ra ngân hàng để khống chế kinh tế của ta. Chúng mở xe lửa và tầu thuỷ để chuyên chở hàng hoá của chúng và vận tải quân đội của chúng đặng đàn áp nhân dân ta. Chúng mở một ít trường học, để nhồi sọ thanh niên ta, biến họ thành những người nô lệ dễ sai khiến.

Thế là đế quốc Pháp cướp hết quyền kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của nước ta và thu hút hết mồ hôi nước mắt của nhân dân ta. Đế quốc Pháp ra sức duy trì chế độ phong kiến Việt Nam để làm tay sai cho chúng, vì thế lực phong kiến rải khắp cả nước và thống trị đại đa số nhân dân là nông dân. Giai cấp phong kiến thì dựa vào thế lực đế quốc mà sống còn.

Từ đó, nhân dân Việt Nam vừa bị đế quốc vừa bị phong kiến áp bức bóc lột...

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.206)

23. Hai mươi năm đấu tranh thắng lợi của cách mạng Việt Nam

(Trích)

...

Hơn 10 năm nay, đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng đã dùng tất cả những thủ đoạn dã man nhất, cả những bom napan, chất độc hóa học để tàn phá làng mạc và giết hại đồng bào miền Nam chúng tôi. Chúng lầm tưởng sức tàn bạo có thể khuất phục được nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhưng đồng bào miền Nam chúng tôi rất anh dũng đã đứng lên chiến đấu vô cùng oanh liệt chống bọn cướp nước và lũ bán nước.

Giương cao ngọn cờ vẻ vang của Mặt trận dân tộc giải phóng, nhân dân miền Nam Việt Nam đã tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã giải phóng hơn ba phần tư dân số với bốn phần năm đất đai và đang tiến công dồn dập, giành chủ động trên các chiến trường. Tất cả các kế hoạch xâm lược của đế quốc Mỹ đều bị phá sản. Rõ ràng đế quốc Mỹ đã bị sa lầy đến tận cổ ở miền Nam Việt Nam. Chúng càng đánh càng thua, càng thua càng bí...

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t.11, tr 492)

24. Nói chuyện với các đại biểu công nhân và cán bộ ngành Than

(Trích)

Các đồng chí,

Bác rất hoan nghênh các cô, các chú công nhân và cán bộ ngành Than đã cử đại biểu đến báo cáo những cố gắng và kết quả bước đầu của ngành than với Bác và các đồng chí Trung ương có mặt tại đây.

Người ta thường gọi than là "vàng đen". Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống của nhân dân.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội càng cần rất nhiều than.

Ở nước ta có nhiều mỏ than, công nhân ta thì cần cù và anh dũng, lại có các nước anh em giúp ta về thiết bị, kỹ thuật, cho nên ta có thể sản xuất than nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nhưng tình hình sản xuất than hiện nay lại không như thế.

Năm 1965 đã sản xuất được ngót 4 triệu 30 vạn tấn, nhưng mấy năm gần đây thì sản lượng giảm sút. Sự giảm sút đó, một phần do tình hình chiến tranh. Nhưng nguyên nhân chính là do quản lý kém và tổ chức kém. Chỉ lấy một ví dụ: Toàn ngành mỏ có hàng vạn người, nhưng số người làm các việc hành chính, quản trị, gián tiếp sản xuất quá nhiều. Cần giảm bớt số người gián tiếp đó để thêm vào số người trực tiếp sản xuất.

Trong Hội nghị của ngành than ngày 10-10-1968, đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí khác, cả cán bộ và công nhân đã phát biểu ý kiến một cách dân chủ, thẳng thắn và góp nhiều đề nghị rất tốt nhằm đẩy mạnh việc sản xuất than.

Hôm nay, Bác chỉ nói thêm mấy điểm, để nhắc nhở các cô, các chú cố gắng thi đua làm cho tốt hơn nữa.

1. Trong Hội nghị của ngành than, các đồng chí Bộ trưởng, Giám đốc, cán bộ và công nhân đã phê bình và tự phê bình, thật thà nêu rõ những sai lầm, thiếu sót trong ngành và mạnh dạn đề ra cách sửa chữa. Đó là một điều tốt. Vì vậy, Hội nghị xong, trong cán bộ và công nhân đã có một không khí phấn khởi, tin tưởng, mức sản xuất than đã bắt đầu nâng lên so với trước.

Theo báo cáo, trước Hội nghị, chỉ có mỏ Cọc 6 đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước thời hạn 4 tháng. Sau Hội nghị, mỏ Hà Tu, mỏ Đèo Nai, mỏ Thống Nhất... đều đã cố gắng hoàn thành kế hoạch cả năm và đã nhận sản xuất thêm mấy vạn tấn than ngoài kế hoạch. Xí nghiệp ô tô Hòn Gai mới đây cũng đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn.

Thế là khi tư tưởng đã chuyển biến thì việc làm cũng tiến bộ, mức sản xuất được nâng cao. Nhưng đó chỉ mới là chuyển biến bước đầu. Các cô, các chú phải luôn luôn cố gắng hơn nữa để mức sản xuất than tăng nhanh và vững chắc.

2. Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ Nhà nước, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc.

Như thế mới thật xứng đáng với đồng bào và chiến sĩ miền

Nam đang anh dũng chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước...

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 5331, ngày 17-11-1968)

25. Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu, Sơn La

(Trích)

...

Bác được biết ở đây nhiều chỗ ruộng thiếu nước. Nếu có đủ nước làm được 2 mùa, thiếu nước chỉ làm được một mùa thôi. Làm thế nào cho có nước? Mỗi năm mưa xuống rất nhiều nước. Khi mưa xuống nước nhiều bị ngập, khi nắng lên thì lại bị cạn. Muốn làm cho được 2 mùa phải giữ nước. Muốn giữ nước phải làm thủy lợi. Đồng bào có nghe thấy đồng bào Điện Biên làm thủy lợi không? Đồng bào Điện Biên làm thủy lợi rất tốt, mà đồng bào tự làm lấy. Đồng bào Điện Biên làm được thì đồng bào Yên Châu cũng làm được, muốn làm được như Điện Biên phải có tổ đổi công, phải có hợp tác xã.

Ví dụ: Đào một cái mương dài 1 cây số, một gia đình không làm được. Hai nhà cũng không đào được. Hai mươi nhà, bốn mươi nhà tổ chức nhau lại mới làm được. Có đúng thế không? Vì vậy đồng bào phải tổ chức nhau lại làm tổ đổi công, hợp tác xã. Đồng bào phải tổ chức tổ đổi công cho tốt, hợp tác xã cho tốt, làm mương phải tốt để có nhiều nước làm được 2 mùa. Chúng ta có mương, có nước rồi, lúa có tốt không? Người ta chỉ uống nước thôi mà không ăn cơm có sống được không?

Lúa chỉ có nước, không có ăn cũng không tốt. Ngô, lúa, khoai, sắn, mía nó ăn gì? Nó ăn phân. Lúa ăn phân nhiều lúa càng tốt. Ví dụ: Ở đây bây giờ 1 mẫu chỉ được 100 gánh vì ít phân, ở dưới xuôi có tổ đổi công, hợp tác xã nhiều nơi đã thu hoạch hơn thế nhiều vì có nhiều phân.

Cần phải có nhiều phân. Muốn làm phân nhiều, nhưng từng nhà, mỗi nhà làm một đống có tốt không? Không. Ví dụ: Mỗi nhà làm một đống phân hao tốn nhiều, hợp tác xã làm lên một đống phân ở gần ruộng không hao tốn. Vì vậy, muốn làm mương phai tốt, phân nhiều, phải tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã cho tốt.

Đồng bào ở đây cày cuốc quen làm lối cũ từ những đời trước. Làm như thế rất tốn công mà không tốt. Bác đã đi qua thấy phụ nữ lấy cây tre chọc đất để giồng lúa nương. Như thế rất tốn công mà không tốt. Muốn cho lúa, ngô, khoai, sắn tốt, phải cày sâu bừa kỹ. Ở đây Bác thấy cái cày, cái cuốc bé tẹo thế này không thể cày sâu được. Ở các nước anh em như Liên Xô cày bằng máy hết.

Bây giờ ta chưa có máy, nhưng sau này ta sẽ có. Có khi độ 5 năm, 10 năm nữa mới có. Trong thời gian đó cần phải cải tiến kỹ thuật, không thể cứ làm theo lối cũ để ngồi chờ 5 năm, 10 năm được. Muốn cải tiến phải tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã, từng nhà riêng không làm được.

Đồng bào đã biết tổ đổi công, hợp tác xã là tốt. Vậy phải có quyết tâm làm tổ đổi công, hợp tác xã. Tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào.

Ví dụ: Mấy gia đình này vào hợp tác xã, tổ đổi công, thu hoạch 200 gánh, mấy nhà kia làm riêng lẻ thu hoạch 100 gánh thôi. Như thế những nhà làm riêng lẻ sẽ muốn xin vào. Như thế để người ta tự xin vào. Người ta thấy tổ đổi công, hợp tác xã làm tốt, người ta sẽ tự xin vào, không phải nắm cổ người ta kéo vào.

Một điều nữa, Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông. Có đúng không? Sau này đường sá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của của đồng bào đấy. Chừng 150 cây gỗ hay 200 cây gỗ chúng ta đưa ra nước ngoài bán, đổi được máy cày, cày được cả vùng này. Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả...

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1884 ngày 13-5-1959)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: