38. Điện trả lời Giáo hoàng Pôluýt 6
Kính gửi Giáo hoàng Pôluýt 6,
Tòa thánh Vaticăng,
Tôi cảm ơn Ngài đã gửi cho tôi bức điện ngày 08 tháng 02 năm 1967. Trong bức điện đó, Ngài tỏ ý mong muốn sớm có giải pháp hòa bình về vấn đề Việt Nam. Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, để xây dựng đất nước trong độc lập và tự do. Nhưng đế quốc Mỹ đã đưa hơn nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu cùng hơn 60 vạn quân ngụy tiến hành cuộc chiến tranh chống lại nhân dân chúng tôi. Chúng đã phạm những tội ác tày trời. Chúng dùng những vũ khí man rợ nhất như bom napan, chất độc, hơi độc để giết hại đồng bào chúng tôi và đốt phá xóm làng, chùa chiền, nhà thờ, nhà thương, trường học.
Hành động xâm lược của chúng chà đạp thô bạo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, uy hiếp nghiêm trọng hòa bình ở Châu Á và thế giới. Để bảo vệ độc lập và hòa bình, nhân dân Việt Nam kiên quyết chống xâm lược và tin chắc rằng chính nghĩa nhất định thắng.
Đế quốc Mỹ phải chấm dứt xâm lược Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút hết quân đội Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình. Có như thế thì hòa bình chân chính ở Việt Nam mới được lập lại.
Tôi mong Ngài vì nhân đạo và công bằng, hãy dùng ảnh hưởng của mình, đòi nhà cầm quyền Mỹ tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã xác nhận.
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4694, ngày 14-2-1967).
39. Thư cảm ơn Ủy ban Mếchxích đoàn kết Việt Nam
Kính gửi Ủy ban Mếchxích đoàn kết với Việt Nam,
Các bạn thân mến,
Tôi chân thành cảm ơn Ủy ban đã tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam chúng tôi chống Mỹ, cứu nước.
Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, độc lập và tự do. Nhưng đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác. Chúng đã thực hiện chính sách "giết sạch, đốt sạch, phá sạch".
Ở một số vùng, chúng đã dùng những phương tiện chiến tranh hết sức dã man, như bom napan, chất độc hóa học và hơi độc để giết hại nhân dân miền Nam Việt Nam, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng đã trắng trợn cho máy bay ném bom, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng thường rêu rao luận điệu "thương lượng hòa bình" nhưng chỉ là để che giấu việc chúng leo thang chiến tranh.
Vì độc lập của Tổ quốc chúng tôi, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống đế quốc Mỹ, chúng tôi không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Chào thân ái
Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1967
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4745, ngày 6-4-1967).
40. "Nhân định, thắng thiên"
Đại ý nghĩa là: người mạnh hơn trời. Đây là một thí dụ: Vùng Hoa Bắc (Trung Quốc) sống nhờ ruộng đất. Nhưng trời lại hay phũ phàng, cứ 10 năm thì 9 năm hạn hán. Vùng nào tránh được hạn thì bị lụt. Sau lụt và hạn, lại thường bị sâu. Hạn, lụt, sâu là ba kẻ địch hung ác của nông dân. Vì thế, trước ngày giải phóng, đất tuy tốt mà dân lại thường bị nạn đói.
Từ ngày giải phóng, một mặt do Đảng và Chính phủ lãnh đạo, một mặt do nông dân hăng hái xung phong, nên đã đánh bại được ba kẻ địch ấy.
Để chống giặc hạn, nông dân đã thi đua đào giếng, khơi mương, và cày bừa sớm. Khi có hạn hán, họ ra sức gánh nước tưới đất.
Để chống giặc lụt, họ thi đua đắp đê, sửa đê, giữ đê, và giữ rừng.
Để chống giặc sâu, họ tổ chức thi đua giết sâu.
Mùa vừa rồi, ruộng bông ở Hoa Bắc bị nạn sâu. Thế mà bông vẫn được mùa. Vì hơn 6 triệu nông dân, già trẻ gái trai, đã xuất hơn 80 triệu ngày công, để giết sâu cho 4.154 vạn mẫu bông. Do đó, họ đặt câu hát: "Ra sức thi đua, thì mùa chắc được".
Chắc rằng: Việc gì anh em nông dân Trung Quốc làm được, thì đồng bào nông dân Việt Nam ta cũng làm được.
C.B.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 37, ngày 19-12-1951).
41. Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê
Mùa nước lũ sắp đến.
Đồng bào trung châu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã bắt đầu đắp đê và chuẩn bị hộ đê.
Đồng bào làm những việc ấy đồng thời với việc tăng gia sản xuất và đánh giặc.
Đánh giặc để giữ làng, giữ nước.
Đắp đê, hộ đê để bảo vệ mùa màng.
Mấy năm qua, đồng bào đã thắng lợi trong việc giữ đê. Năm nay đồng bào phải ra sức cố gắng hơn nữa để đánh thắng giặc lụt.
Đồng bào nên tỉnh táo, đề phòng âm mưu của địch phá đê.
Tôi kêu gọi đồng bào và bộ đội ra sức giữ vững đê điều:
- Đặt kế hoạch cho sát với tình hình của mỗi địa phương;
- Động viên mọi người thi đua thực hiện đầy đủ kế hoạch ấy;
- Phải phối hợp chặt chẽ giữa quân, dân, chính để thống nhất hành động và lãnh đạo cương quyết;
- Bình tĩnh trong mọi trường hợp.
Mấy năm trước, chúng ta đã thắng giặc lụt. Năm nay chúng ta cũng quyết thắng giặc lụt.
Tôi mong rằng đến dịp tổng kết thi đua năm nay, sẽ nêu lên nhiều chiến sĩ, cá nhân và tập đoàn có thành tích đắp đê, hộ đê. Chính phủ sẽ khen thưởng những nơi và những chiến sĩ có thành tích lớn.
Chào thân ái và quyết thắng
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 2090, ngày 02-6-1952).
42. "Tết trồng cây"
Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp, v.v. đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi.
Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta yêu kính Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt là thế này: Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.
Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho "Tết trồng cây" . Ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v..
Như vậy mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta.
Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 2082, ngày 28-11-1959).
43. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng
(Trích)
...
2. CẦN KIỆM XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ
Muốn no cơm, ấm áo thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Nông dân phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cho tốt, cho vững. Muốn hợp tác xã phát triển tốt và vững thì:
a) Cán bộ, ban quản trị phải công bằng, dân chủ. Mọi việc phải bàn bạc với xã viên, sổ sách, tiền của phải rõ ràng minh bạch.
b) Xã viên phải đoàn kết chặt chẽ, vui vẻ sản xuất, coi công việc hợp tác xã như công việc nhà mình. Để sản xuất tốt, tăng gia thu nhập cho cả hợp tác xã và cho mỗi xã viên, cần phải thực hiện những điều sau đây:
1. Đủ nước,
2. Nhiều phân,
3. Cày sâu, bừa kỹ,
4. Giống tốt, mạ tốt,
5. Trừ sâu, diệt thú rừng,
6. Cải tiến nông cụ,
7. Săn sóc ruộng rẫy.
Hợp tác xã cần phải đẩy mạnh chăn nuôi. Phải tổ chức nghề phụ để thêm thu nhập cho xã viên.
Trong tỉnh ta, lâm thổ sản là một nguồn thu nhập lớn, cần tích cực khai thác có kế hoạch và ra sức trồng cây, bảo vệ rừng.
Hiện nay, ở tỉnh ta ở vùng thấp 80% nông hộ đã vào hợp tác xã, trong đó có 90 hợp tác xã cấp cao, như thế là khá. Nhưng dần dần phải họp mấy hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã loại vừa và loại to thì người nhiều, sức đủ, làm ăn tốt hơn. Ở vùng cao mới có 18% nông hộ vào hợp tác xã, như thế là ít. Phải theo đúng nguyên tắc tự nguyện mà giúp đồng bào vùng cao đẩy mạnh phong trào hợp tác xã hơn nữa. Xây dựng hợp tác xã nào phải làm cho hợp tác xã ấy tốt và vững...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 2531, ngày 23-2-1961).
44. Bài nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An
(Trích)
...
Ở đây trồng cây gây rừng thế nào? Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy. Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch. Ví dụ như nhãn 5 năm có quả, các thứ cây ăn quả khác như bưởi, nếu chiết được thì nhanh thôi, dừa thì 7 năm. Cây thầu đâu 3 năm có thể làm cột được. Lấy trung bình cây 7 năm, cây 5 năm, cây 2 năm ta cho là 5 năm. Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to: cây thì làm gỗ được, cây thì ăn quả được. Không biết các cô, các chú có thấy không. Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì. Có phải thế không? Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng.
Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì?
Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu? Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón. Năm nay Nghệ An định trồng mấy triệu cây? Các chú cứ làm sao năm nay trồng được 15 triệu cây cho tốt. Trồng cây nào sống cây ấy, chứ 19 triệu mà chết hết nửa thì vô ích. Năm nào cũng trồng, nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy.
Ở Vĩnh Phúc có một xã kiểu mẫu về trồng cây, có những người gương mẫu về trồng cây. Không biết ở đây có không? Như xã Bác đến thăm, hợp tác xã trích ra hai người chỉ lo về trồng cây. Cố nhiên, ai cũng trồng, nhưng kế hoạch trồng, tiền giống, chăm nom là do hai người ấy lo. Hợp tác xã trả công điểm cho họ trội hơn công điểm các xã viên khác. Nhờ thế, bây giờ xã này cây cối rất um tùm, mặc dù lúc kháng chiến đã bị phá trụi. Cái ấy các cô, các chú cũng nên chú ý. Ví dụ: năm nay trồng 19 triệu cây, sang năm trồng 19 triệu cây nữa, trong 5 năm thành hàng triệu. Cứ trồng tiếp tục năm này qua năm khác, chứ không phải làm ồ ạt một vài năm rồi thôi. Nếu mỗi năm trồng 19 triệu cây, cứ tiếp tục trong 5 năm, 10 năm thì trồng cả vào trong nhà nữa chứ không phải chỉ ngoài trời. Kế hoạch của Trung ương đề ra cho Nghệ An bao nhiêu? Nếu các chú làm được 10 triệu cho tốt thì cũng vừa.
Hôm nay Bác chỉ nói chuyện qua và nhằm vào mấy điểm như thế. Mấy điểm ấy có thể là điểm chính. Còn có những vấn đề gì nữa, ngày mai Bác sẽ nói thêm.
(Trích trong cuốn Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh)
Tâm Trang (tổng hợp)