Chỉ mục bài viết

 122. Sắc lệnh số 70/SL, thành lập tại Bắc Bộ “Ủy ban Trung ương hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều"

"Chiểu theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông công chính, Bộ Tư pháp và Bộ Xã hội,

Sau khi Hội đồng Chính phủ thỏa thuận,

RA SẮC LỆNH

Điều thứ 1: Nay lập tại Bắc bộ một Ủy ban Trung ương Hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều.

Ủy ban sẽ do Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ hoặc người đại diện chủ toạ, và gồm những nhà chuyên môn hoặc dư kinh nghiệm do Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ cử ra.

Điều thứ 2: Để khuyến khích và đốc suất công việc hộ đê cho có hiệu quả, nay ấn định những thể lệ đặc biệt để thưởng những người có công và phạt những người phạm lỗi trong công việc đó. Những thể lệ này chỉ thi hành ở Bắc bộ, trong thời kỳ hộ đê, mỗi năm từ 15 tháng 6 đến 15 tháng 10 dương lịch. Thời kỳ ấy có thể kéo dài, hoặc rút ngắn hơn, tùy theo thời tiết, do Ủy ban Hành chính Bắc bộ quyết định, thỏa thuận với ban chỉ huy trung ương hộ đê.

Điều thứ 3:

a) Những đoàn thể hoặc tư gia đã sẵn lòng giúp tiền, gạo, vật liệu, hay bằng cách gì khác một cách xứng đáng vào trong công cuộc hộ đê, sẽ được Chính phủ tặng khen hoặc cấp một dạo tưởng lục.

b) Các ủy viên hành chính và công chức cử ra coi đê, nếu xét ra tân tâm và mân can, cũng có thể được cấp một dạo tưởng lục.

c) Khi một công chức bất cứ ở cấp nào, có những công to rõ rệt trong việc hộ đê, Chính phủ sẽ đặc cách thăng thưởng lên một hoặc hai trật, tùy theo đề nghị của ban chỉ huy trung ương hộ đê.

d) Những công nhân nào hết sức tận tụy với công việc, có thể được thưởng bằng tiền, hoặc bằng tưởng lục. Nếu thưởng bằng tiền thì ban chỉ huy Trung ương hộ đê có quyền quyết định, mỗi người sẽ được từ 50% đến 100%, tùy theo tình hình của quỹ hộ đê.

Điều thứ 4.

a) Các ủy viên hành chính cấp phủ, huyện, xã và các cán bộ cử ra coi một quãng đê, các quán điếm và các người canh điếm đê đều phải làm hết phận sự mình theo chỉ thị cấp trên. Ai phạm lỗi, vì không tuân hành đúng chỉ thị ấy sẽ tùy theo tội nặng nhẹ, bị phạt tù từ 6 ngày đến 3 tháng. Nếu tự ý bỏ quãng đê mình trông coi mà đi trước khi được phép cấp trên hoặc không đợi người đến thay thế, thì hình phạt kể trên sẽ tăng lên từ 1 tháng đến 1 năm.

b) Các viên chức phạm lỗi trong việc hộ đê bất cứ ở trật nào, sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật và trừng phạt theo thể lệ hiện hành. Các viên chức ấy lại còn có thể bị phạt tù, như các hạng người khác.

c) Trong lúc nguy cấp, Ủy ban Hành chính tỉnh hoặc người thay mặt, và viên chức công chính chỉ huy trên quãng đê bị nguy, đều có quyền phạt lệnh trưng thu, trưng dụng và trưng tập. Các chủ có đất cát, hoặc vật liệu, dụng cụ, cần dùng cho sự hộ đê như: Tre, nứa, cuốc, xẻng, vân .. vân... sau khi đã nhận được lệnh trưng thu hoặc trưng dụng của nhân viên thay mặt Ủy ban Hành chính tỉnh tại đê, mà từ chối không cho sử dụng các vật liệu ấy, hoặc tìm cách làm cho hư hỏng không dùng được, sẽ bị trừng phạt theo điều thứ 12 sắc lệnh số 68 ngày 30 tháng 11 năm 1945, định lệ trưng dụng, trưng thu và trưng tập.

d) Các nam nữ từ 18 đến 55 đều có thể bị trưng tập để hộ đê trong lúc nguy cấp. Nếu người bị trưng tập không tuân hành mệnh lệnh, thì cũng bị trừng phạt theo Sắc lệnh số 68 nói trên.

Điều thứ 5:

Các việc thưởng sẽ do Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị lên Ban chỉ huy Trung ương hộ đê. Ban này xét đề nghị và tư lên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ hoặc, trong một vai trường hợp đặc biệt, lên Chủ tịch Chính phủ quyết định.

Riêng về trừng phạt, mỗi khi nhân viên thay mặt Ủy ban Hành chính tỉnh tại đê gặp một trường hợp phạm pháp thì phải cùng lập ngay biên bản. Biên bản ấy sẽ để lên Ủy ban Hành chính tỉnh, Ủy ban Hành chính tỉnh phê bình rồi đưa cho tòa án đệ nhị cấp truy tố và xét xử.

Điều thứ 6:

Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông công chính và Bộ Xã hội chiểu Sắc lệnh thi hành.

Hồ Chí Minh"

(Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).

123. Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão (10-6-1957)

Gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ,

Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân, bộ đội và cán bộ, đặc biệt là ở các tỉnh có đê sông và đê biển.

Nhất là năm nay, phải đề phòng lụt to, bão lớn, vì thời tiết biến đổi khác mọi năm thường.

Chúng ta ra sức phòng trước và chống giữ cẩn thận, thì mới bảo vệ được tính mạng và tài sản của đồng bào, thực hiện được vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình thế. Tổ chức lực lượng phải chặt chẽ. Chỉ huy phải tỉnh táo đề phòng mọi âm mưu phá hoại của bọn phản động.

Đồng bào cần phải đoàn kết nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai.

Nông hội và thanh niên phải xung phong làm gương mẫu.

Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân.

Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân. Nhân dân và cán bộ phải kết hợp công việc phòng lụt, phòng bão, chống lụt, chống bão với công việc hoàn thành tốt sửa sai, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa và thu thuế nông nghiệp tốt.

Khi bão lụt, thì việc chống bão, chống lụt phải đặt lên trên hết.

Trong việc chống bão, chống lụt những năm qua, chúng ta đã thắng lợi vì chúng ta đã cố gắng. Năm nay chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để thắng lợi.

Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những đơn vị và những cá nhân có thành tích xuất sắc. Mong đồng bào, bộ đội và cán bộ thi đua làm tròn nhiệm vụ.

Chào thân ái

Ngày 10 tháng 6 năm 1957

HỒ CHÍ MINH

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1193, ngày 14-6-1957).

124. Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh

Các đồng chí cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng,

Các đồng chí đoàn viên, tất cả các đồng chí bộ đội,

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các đồng chí lời chào thân ái.

Nhân dịp này, Bác có mấy điều nêu lên để các đồng chí ghi nhớ và cố gắng thực hành. Trong đó, Bác có nói những ưu điểm, có phê bình những khuyết điểm của các đồng chí. Sau cùng, nêu lên những nhiệm vụ trước mắt. Nêu lên ưu điểm để cố gắng phát huy.

- Đảng ta, Chính phủ ta, ngoài lợi ích của nhân dân, không có lợi ích nào khác, nên đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp. Nhưng còn có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi nước mắt của đồng bào. Ví dụ: Như cán bộ mậu dịch vừa để mất 7 triệu đồng hoặc bỏ trôi mất 2.000 thước khối gỗ, đó là mới nói sơ bộ. Số đó là của nhân dân gửi cho Chính phủ để làm lợi cho nhân dân. Để mất là lãng phí, ảnh hưởng đến việc khôi phục và phát triển kinh tế, làm chậm bước cải thiện sinh hoạt của cán bộ, bộ đội và nhân dân. Như thế là có tội với Chính phủ và nhân dân. Cần phải sửa chữa, phải chống tham ô lãng phí. Muốn sửa không phải do trên ra mệnh lệnh mà phải tự nguyện, tự giác chống lại tham ô lãng phí.

- Thiếu nhận thức đúng về lao động, nhất là lao động chân tay. Không hiểu lao động là vẻ vang. Có khi miệng nói là vẻ vang, nhưng ra làm thì không thấy. Không hiểu lao động là bất kỳ làm việc gì có ích cho nhân dân, cho xã hội là vẻ vang, dầu mệt nhọc bẩn thỉu. Như người lấy phân xia chẳng hạn, nếu ở thành thị, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, v.v. không có những người đó làm việc tốt thì cũng có ảnh hưởng. Các cô, các chú xem báo đã biết có một cô làm việc ấy tốt cũng được bầu là chiến sĩ. Không hiểu thế nên một số cán bộ, nhất là cán bộ ở nông thôn muốn thoát ly. Đó là chưa nhận thức đúng lao động là vẻ vang, nhất là lao động chân tay. Cố nhiên lao động trí óc cũng cần thiết và quan trọng. Nói lao động chân tay là nói đến công nhân và nông dân. Không có công nhân và nông dân thì không làm được cách mạng và chúng ta không sống được. Đã nhận là vẻ vang thì phải yêu lao động, giữ kỷ luật lao động.

- Còn một điểm khác thì đảng viên, cán bộ ở Nghệ An cũng như Hà Tĩnh, một số có óc công thần, cho rằng "choa" đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xôviết, v.v. nên tự kiêu, tự đại, không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn. Cái nhìn của người cách mạng phải rộng rãi, thái độ phải khiêm tốn. Các đảng viên Nghệ An và Hà Tĩnh có truyền thống đóng góp khá vào cách mạng. Đó là vẻ vang. Có thể là nhờ cố gắng, quyết tâm, chịu khó, chịu khổ. Muốn giữ vững truyền thống ấy, phải phát huy cái tốt và cố gắng, quyết tâm, không sợ khó, sợ khổ và phải khiêm tốn. Nếu không thấy thế thì lỗ mũi sẽ sỉnh ra như cái "đình" che mắt không thấy rừng. Cán bộ Nghệ - Tĩnh có công lao một phần, nhưng nếu không có công lao của đảng viên, cán bộ toàn quốc, không có công lao giai cấp vô sản thế giới thì mình có làm được gì không? Công lao của mỗi chúng ta với Mác - Lênin ai to hơn? Thế thì ta đã nên sỉnh mũi chưa? Càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác, chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì.

Bây giờ Bác nói nhiệm vụ trước mắt:

1. Phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn. Gọn mà không tốt sẽ bây ra đằng sau, tốt mà không gọn cũng ảnh hưởng. Các nơi khác đã làm được gọn, tốt rồi thì các cô, các chú ở Hà Tĩnh cũng làm được, chỉ cần sắp xếp tổ chức, phổ biến kinh nghiệm khéo thì nhất định làm được.

2. Phải rất chú ý tăng gia sản xuất. Các cô, các chú có khi vì công tác, vì điều kiện, vì trình độ một phần nên chưa nghiên cứu được về chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác chỉ nói một điểm rất giản đơn "có thực mới vực được đạo" đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước mắt là chăm lo vụ bát, vụ mười cho tốt. Chăm lo tốt chưa đủ. Nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ, bỏ phân, cày bừa kỹ; đấu tranh với trời là chống thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp chậm. Vì sao đắp chậm? Vì coi nhẹ nên khi động viên nhân dân đi đắp đê thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên nằm ở nhà. Đê đắp không tốt thì "lụt lút cả làng", nhân dân bị thiệt, cán bộ, đảng viên cũng bị thiệt, chẳng những bị thiệt rồi mà còn bị nhân dân mắng chửi. Không chú ý động viên làm, đến khi bị nhân dân chửi như thế có đúng không? Đúng! Vì Đảng ta không phải là đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho nhân dân, trước mắt là sản xuất. Giữ gìn sản xuất, chủ yếu là đắp đê.

Anh em bộ đội thì phải hết sức giúp dân, vì nhân dân đói thì bộ đội không no. Bộ đội là con của nhân dân. Con phải giúp đỡ cha mẹ. Nhưng nhân dân đừng ỷ lại, bộ đội làm phần của bộ đội, dân làm nhiệm vụ của dân. Nhân dân làm là chính.

3. Các cô, các chú có muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội không?

Muốn tiến lên thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng một số khá nhiều xí nghiệp. Trong nông nghiệp cũng đang làm các công trình thủy nông. Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở nhân dân tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt. Muốn xây dựng mà tiếc tiền, muốn kiến thiết mà ỳ ra, không nộp thuế kịp thời, đầy đủ thì không được, "không bột thì không gột nên hồ". Tiền của nhân dân trở lại làm lợi cho nhân dân. Không tiền thì chịu. Còn nói về nợ, thì ai nợ ai? Nhân dân đưa tiền cho Chính phủ, Chính phủ tổ chức ngân hàng. Nông dân muốn sắm trâu bò, nông cụ không có tiền thì đến ngân hàng cho vay. Chính phủ làm thế là tốt. Nhưng có vay thì phải có trả. Có trả, mới có để cho người khác vay. Đằng này khi vay thì nói ngon, nói ngọt: "Em vay về tăng gia sản xuất, em sẽ trả ngay". Nhưng khi vay được rồi thì không chịu trả. Cho rằng Chính phủ là của nhân dân, thương nhân dân, Chính phủ không bỏ tù đâu, rồi ỳ ra không trả. Như thế chẳng những có hại cho Chính phủ mà còn ảnh hưởng không tốt đến toàn dân nữa.

4. Trong việc xây dựng ta cố gắng, các nước bạn hết lòng giúp đỡ, ta còn phải mua hàng của các nước khác. Muốn buôn bán với các nước ấy, ta chưa có máy móc, đồ kỹ nghệ, ta chỉ có nông, hải sản. Cán bộ, đảng viên ta phải giúp Chính phủ mua và xung phong bán. Mua của người khác mà mình không xung phong bán là không tốt. Cán bộ mậu dịch phải mật thiết với cán bộ địa phương, thông qua họ mà thu mua. Giá cả quy định là phải chăng, vừa lợi cho nhân dân, vừa lợi cho Chính phủ. Những việc ấy phải kết hợp làm cho khéo, đừng làm việc này, bỏ việc khác. Trung ương cảm thông với những khó khăn của cán bộ xã; nhưng phải cố gắng. Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ phê bình, tự phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí.

Cuối cùng Bác nhắc lại: Phải đoàn kết. Cái đó là gốc. Trước cách mạng, sức ta, người ta, đảng viên ta rất ít, chỉ xấp xỉ 4.000 đảng viên cả Trung, Nam, Bắc. Lúc ấy, hai tay không, chưa có chính quyền, quân đội, Mặt trận, lực lượng đế quốc còn mạnh, mà đã lãnh đạo cách mạng thành công cả nước. Bây giờ, riêng một tỉnh Hà Tĩnh đã có đến 33.000 đảng viên, một số đông đoàn viên, một số cán bộ ngoài Đảng gắn bó với Đảng, ta lại có chính quyền, có quân đội, có Mặt trận rộng rãi. Với lực lượng ấy, xây dựng một tỉnh Hà Tĩnh tốt về mọi mặt, so với công việc cả nước trước đây thì vẫn dễ hơn. Các cô, các chú có hứa làm được không? ("Có ạ!" - Cả hội nghị đồng thanh trả lời). Có chắc không? ("Dạ làm được ạ!"). Làm được thì vẻ vang, không làm được thì xấu hổ. Muốn làm được, trước hết là phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, mỗi người phải tin chắc làm được. Lúc kháng chiến, địch mạnh ta yếu, Đảng đề khẩu hiệu "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi". Đây là lòng tin của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Vì lòng tin mà chúng ta quyết tâm vượt khó khăn đi đến thắng lợi. Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được.

Bác khuyên các cô, các chú làm đúng tiêu chuẩn đảng viên. Đoàn viên là cánh tay của Đảng. Đảng viên cố gắng thì đoàn viên cũng phải cố gắng, không yêu cầu làm trăm phần trăm như đảng viên, nhưng cố gắng được chừng nào tốt chừng ấy. Cán bộ ngoài Đảng cũng yêu cầu phải cố gắng. Nếu tất cả quyết tâm thì lời hứa của các cô, các chú sẽ làm cho Hà Tĩnh tiến bộ mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Như thế, nhân dân Hà Tĩnh, trước hết là cán bộ, đảng viên đã thực tế góp phần vào củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam, đấu tranh buộc bọn Mỹ - Diệm phải thực hiện thống nhất để xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Cuối cùng, Bác gửi lời hỏi thăm tới cán bộ, đảng viên, đồng bào ở nhà, khi các cô, các chú về địa phương. Khi Bác nêu ưu điểm, yêu cầu các cô, các chú phát huy, nêu khuyết điểm là yêu cầu sửa chữa, nêu nhiệm vụ là quyết tâm làm tròn.

Để khuyến khích, Bác có 100 Huy hiệu làm giải thưởng. Qua dân chủ bình bầu, các cô, các chú ai đúng tiêu chuẩn thì được. Các cô, các chú có muốn được thưởng không? ("Có ạ!" - Cả hội nghị đồng thanh đáp).

Huy hiệu chỉ có 100 mà ở đây đã hơn 2.000 người và tất cả cán bộ, đảng viên ở nhà cũng đều muốn được thưởng. Nếu cần thêm 15 cái nữa, Bác cũng sẵn sàng.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, tr.59-69).

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: