56. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa
(Trích)
...
Để sửa chữa những khuyết điểm nói trên và đưa các hợp tác xã tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, cán bộ và xã viên cần phải nghiên cứu kỹ càng và quyết tâm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Trung ương Đảng về kế hoạch 5 năm phát triển nông nghiệp.
Nhiệm vụ trước mắt của đồng bào nông dân là:
- Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thủy lợi. Phải ra sức làm nhiều phân cho vụ chiêm và chống thói cấy chay. Bảo đảm cấy kịp thời vụ, quyết tâm tranh thủ một vụ Đông - Xuân thắng lợi và toàn diện.
Hiện nay tỉnh ta có ngót 4 vạn đồng bào đang hăng hái làm thủy lợi. Bác gửi lời thân ái hỏi thăm và mong các đồng bào đó ra sức thi đua giành cho được lá cờ thưởng luân lưu của Bác.
Xã Cát Sơn (Tĩnh Gia) đã đào được một con mương dài 17 cây số và đắp được 19 cái cống. Như thế là tốt.
- Phải tiết kiệm lương thực. Khi được mùa phải phòng khi mất mùa. Không nên dùng thóc gạo nấu rượu.
- Thực hiện gọn và tốt công tác nộp thuế, trả nợ và bán lương thực thừa cho Nhà nước. Đồng bào cần biết rằng năm nay Nhà nước đang làm 22 công trình thủy lợi hạng to và 480 hạng vừa. Nhà nước cần có gạo, có tiền để làm những công việc đó cho nông dân...
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t5, tr69-70)
57. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng
(Trích)
...
- CẦN KIỆM XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ
Muốn no cơm, ấm áo thì mọi người phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Nông dân phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cho tốt, cho vững. Muốn hợp tác xã phát triển tốt và vững thì:
a) Cán bộ, ban quản trị phải công bằng, dân chủ. Mọi việc phải bàn bạc với xã viên, sổ sách, tiền của phải rõ ràng minh bạch.
b) Xã viên phải đoàn kết chặt chẽ, vui vẻ sản xuất, coi công việc hợp tác xã như công việc nhà mình. Để sản xuất tốt, tăng gia thu nhập cho cả hợp tác xã và cho mỗi xã viên, cần phải thực hiện những điều sau đây:
1. Đủ nước,
2. Nhiều phân,
3. Cày sâu, bừa kỹ,
4. Giống tốt, mạ tốt,
5. rừ sâu, diệt thú rừng,
6. Cải tiến nông cụ,
7. Săn sóc ruộng rẫy.
Hợp tác xã cần phải đẩy mạnh chăn nuôi. Phải tổ chức nghề phụ để thêm thu nhập cho xã viên.
Trong tỉnh ta, lâm thổ sản là một nguồn thu nhập lớn, cần tích cực khai thác có kế hoạch và ra sức trồng cây, bảo vệ rừng. Hiện nay, ở tỉnh ta ở vùng thấp 80% nông hộ đã vào hợp tác xã, trong đó có 90 hợp tác xã cấp cao, như thế là khá. Nhưng dần dần phải họp mấy hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã loại vừa và loại to thì người nhiều, sức đủ, làm ăn tốt hơn. Ở vùng cao mới có 18% nông hộ vào hợp tác xã, như thế là ít. Phải theo đúng nguyên tắc tự nguyện mà giúp đồng bào vùng cao đẩy mạnh phong trào hợp tác xã hơn nữa. Xây dựng hợp tác xã nào phải làm cho hợp tác xã ấy tốt và vững...
(Đăng trên Báo Nhân Dân số 2531 ngày 23-2-1961).
57. Đời sống mới
(Trích)
...
HỎI: Sao gọi là đời sống mới?
ĐÁP: Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới.
III
HỎI: Đời sống mới việc đầu tiên là gì?
ĐÁP: Bất kỳ ai, muốn sống thì phải có bốn điều ăn, mặc, ở, đi lại.
Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi, thì phải làm. Từ trước đến giờ, ta vẫn có làm, vẫn có cơm, áo, nhà, đường sá. Nhưng vì làm chưa hợp lý cho nên số đông dân ta ăn đói, mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá gập ghềnh.
Người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít. Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì.
Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm.
IV
HỎI: Những người giàu, đã sẵn sung sướng không cần làm đời sống mới. Những người nghèo, không tiền, không của, thì làm đời sống mới thế nào?
ĐÁP: Không phải như vậy, càng giàu có, càng cần làm đời sống mới. Nếu một mình no ấm, mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, đến khi giặc cướp lung tung, thì dù giàu cũng không hưởng được. Lại thí dụ: Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống.
Nghèo mà làm đời sống mới thì có ngày trở nên đầy đủ. Tục ngữ nói: "Tay siêng làm, thì hàm có nhai". Siêng làm là một trong bốn điều đời sống mới.
Vì có làm thì nhất định có ăn. Tục ngữ lại nói: "Đói cho sạch, rách cho thơm", mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới.
HỎI: Khẩu hiệu đời sống mới ra một năm nay đã có kết quả chưa?
ĐÁP: Đã có kết quả. Trong nhiều làng, các cụ phụ lão đã giảm bớt việc cúng tế; đem tiền đó hoặc giúp bình dân học vụ, hoặc làm việc ích chung. Dân ta phải biết ơn các cụ đã hăng hái làm gương như thế.
Nhiều nơi, chị em phụ nữ đã sửa đổi cách ăn mặc gọn gàng, đã biết chung nhau nuôi gà, nuôi lợn. Nhiều nơi, thói cờ bạc, say sưa, hút xách, trộm cắp giảm bớt rất nhiều.
Đó là những kết quả đầu. Tuy vậy kết quả như thế chưa đủ. Còn thiếu nhiều lắm. Mỗi đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, giàu nghèo, cần phải cố gắng, làm cho đời sống mới lan khắp cả nước. Lúc đó mới có thể nói rằng: Chúng ta đã thực hành đời sống mới.
VI
HỎI: Đời sống mới có mấy thứ?
ĐÁP: Nói chung, thì đời sống mới có thể chia làm hai thứ. Một là đời sống mới riêng, từng người. Hai là đời sống mới chung, từng nhóm người, như các bộ đội, các nhà máy, các trường học, các công sở, v.v..
Mỗi người, mỗi đoàn thể lại phải theo công việc, nghề nghiệp của mình, mà làm đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh. Nhưng bất kỳ người nào, đoàn thể nào, cũng không ngoài năm việc là: Ăn, mặc, ở, đi, làm.
Lúc đến trường, thì siêng học, giữ kỷ luật, biết tiết kiệm giấy bút, yêu anh em. Lúc ra đường thì biết giúp đỡ gia đình các chiến sĩ, an ủi đồng bào tản cư, biết giữ bí mật, biết chú ý những kẻ lạ mặt, đề phòng Việt gian. Những việc đó không có gì là khó, em bé nào cũng có thể làm. Mà đó tức là đời sống mới của các em nhi đồng.
…
VIII
HỎI: Đời sống mới với việc tăng gia sản xuất, quan hệ với nhau thế nào?
ĐÁP: Việc tăng gia sản xuất cũng như mọi việc khác, đều rất quan hệ với đời sống mới.
Tăng gia sản xuất tức là một bộ phận trong đời sống mới. Có tinh thần đời sống mới, thì tăng gia sản xuất mới chóng thành công. Mà tăng gia sản xuất có thành công, thì đời sống mới dễ thực hiện. Muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau.
IX
HỎI: Riêng một người mà nói, thì đời sống mới là thế nào?
ĐÁP: Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường.
Bây giờ lấy một người chung mà nói, nghĩa là một người quốc dân Việt Nam, không kỳ giàu hay nghèo, già hay trẻ, gái hay trai, thì đời sống mới đại khái gồm mấy điểm sau này:
Về tinh thần, một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh. Hai là sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Thí dụ: Thấy một nhành gai nằm giữa đường, ta lấy vất đi, cho người khác khỏi dẫm phải. Thế cũng là công ích. Hy sinh tài sản giúp kháng chiến, đồng bào tản cư, di cư, cũng là công ích.
Ba là mình hơn người thì chớ kiêu căng. Người hơn mình, thì chớ nịnh hót. Thấy của người thì chớ tham lam. Đối của mình thì chớ bủn xỉn. Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, loè loẹt. Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối. Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ. Biết ham học. Trước hết là học chữ, học làm tính. Biết chữ, biết tính, thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù nửa quáng. Biết rồi, ta học thêm.
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ.
Đó là đời sống mới của một người. Thử hỏi có gì cao xa, khó khăn không? Không có gì là khó. Không cần thông minh tài trí, miễn là mình muốn làm, có chí làm thì nhất định làm được. Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh.
XI
HỎI: Đời sống mới trong một làng nên thế nào?
ĐÁP: Trong một làng, nhà thì có nhà giàu, nhà vừa, nhà nghèo. Người thì có người tốt, người vừa, người kém. Học thì có kẻ thông, kẻ vừa, kẻ dốt. Hai hạng trên phải tìm cách giúp đỡ, cảm hóa hạng thứ ba.
Công việc làm ăn thì có nghề làm ruộng, nghề thủ công và nghề buôn bán. Phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tốt nhất là tổ chức hợp tác xã, thì nghề nào cũng dễ tăng gia sản xuất. Vì nhiều người đông sức, thì tốn thì giờ ít, mà kết quả nhanh hơn, nhiều hơn.
Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân.
Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ".
Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt.
Trong lúc kháng chiến, làng mình có tiểu đội du kích, phải ra sức giúp việc phá hoại để ngăn địch. Phải cẩn thận đề phòng Việt gian, giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ đồng bào tản cư, di cư. Phải tổ chức những hội quần chúng, những hội Cứu quốc, hội Liên hiệp quốc dân.
Nói tóm lại, về tổ chức, về sản xuất, về vệ sinh, về văn hóa, về kháng chiến, việc gì làng mình cũng có thể làm kiểu mẫu cho các làng xung quanh.
Muốn như thế, một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy, ai cũng hăng hái. Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế.
…
XV
HỎI: Trong một xưởng máy có thể làm đời sống mới không?
ĐÁP: Có lắm chứ! Trong một xưởng máy, một bên là chủ, một bên là thợ. Từ trước đến nay, chủ bao giờ cũng muốn lời nhiều, mà trả công ít. Thợ thì muốn làm việc ít mà được tiền công nhiều. Vì thế sinh xích mích, không lợi cho cả hai bên.
Nếu làm theo đời sống mới thì lợi cho cả chủ lẫn thợ. Chủ phải hiểu rằng: nếu công nhân đủ ăn, đủ mặc, thì họ mới đủ sức; đủ sức thì làm được việc. Một con ngựa ăn no mới chạy nhanh. Một cái máy đủ dầu mỡ mới quay đều. Người ta cũng thế.
Nếu công nhân biết rằng: họ chẳng những làm lợi cho chủ, mà họ cũng có một phần lợi, thì họ sẽ hăng hái làm. Vì vậy, chủ muốn được việc, thì đối với lương bổng, nhà ở, vệ sinh và cách đối đãi công nhân, cần phải rộng rãi tử tế. Lại nên có những lớp học cho thợ, và con thợ. Thợ học cho tinh xảo hơn. Con thợ học sẽ dễ thế cho những người thợ già về hưu. Nên mở hợp tác xã cho công nhân mua các thứ cần dùng được rẻ hơn. Phí tổn làm những việc đó, không mất mát đi đâu.
Thợ vui vẻ làm việc thì chủ sẽ lợi gấp 5 gấp 10 số phí tổn đó. Một khi chủ đã cư xử như thế, thì thợ phải cố gắng làm. Làm nhanh hơn, khéo hơn. Tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm vật liệu. Vì lợi cho chủ tức là lợi cho mình một phần. Chủ và thợ hợp tác chặt chẽ, thì hai bên đều có lợi. Vì hợp tác chặt chẽ, mới thực hiện được tăng gia sản xuất và tăng gia sản xuất càng có kết quả thì chủ và thợ càng được lợi. Chủ và thợ đều phải nhớ rằng: tăng gia sản xuất chẳng những lợi riêng cho chủ và thợ, mà còn lợi chung cho nền kinh tế của Tổ quốc, lợi chung cho toàn thể đồng bào. Bởi vậy, các nhà máy cần phải làm theo đời sống mới...
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5 (1947-1949), tr.94)
Tâm Trang (tổng hợp)