58. Phóng tay phát động quần chúng
Năm nay, Chính phủ, Đảng và Mặt trận quyết định phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức. Đó là một việc rất công bằng và rất hợp lý. Vì sao?
Vì tối đại đa số nhân dân ta là nông dân. Trong Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tối đại đa số chiến sĩ là nông dân. Đi dân công giúp việc Chính phủ và bộ đội, tối đại đa số là nông dân. Đóng thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội và cán bộ, nông dân cũng hăng hái nhất. Thi đua tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt cho toàn dân, nông dân cũng hăng hái nhất. Nói tóm lại: trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, công lao nhiều nhất. Thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lãi quá cao.
Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần nào cho công lao của nông dân. Triệt để giảm tô có lợi cho mọi từng lớp nhân dân như thế nào?
Có lợi cho nông dân, là sự đã đành.
Có lợi cho những nhà công nghệ, tiểu công nghệ và thương nghiệp, vì nông dân sinh hoạt khá, thì sẽ mua nhiều hàng, công nghệ và thương nghiệp sẽ càng phát triển.
Có lợi cho những người trí thức, nhà văn hóa. Vì nông dân "bụng no thì lo học", và văn hóa nhân dân ngày thêm phong phú.
Có lợi cho quân đội ta. Vì nông dân "thực túc", thì "binh cường", và nông dân thanh niên sẽ càng hăng hái tòng quân.
Có lợi cho Mặt trận. Vì sẽ đoàn kết được chặt chẽ đại đa số nông dân, và củng cố thêm công nông liên minh là nền tảng của Mặt trận.
Và cũng có lợi cho những địa chủ yêu nước. Vì đó là một dịp để họ thực hành việc "sẻ áo nhường cơm". Triệt để giảm tô là việc có lợi chung cho cả nước, thì vì sao cần phải phóng tay phát động quần chúng?
Vì bất kỳ việc gì, nếu không phát động quần chúng, thì không làm được triệt để. Chính phủ ra sắc lệnh giảm tô đã mấy năm rồi, nhưng đến nay nơi thì chưa giảm, nơi thì giảm chưa triệt để. Đó là vì quần chúng chưa được phát động.
Muốn giảm tô triệt để, thì trước nhất phải phát động quần chúng nông dân, làm cho nông dân tự giác tự động, đoàn kết chặt chẽ, tổ chức vững chắc, đấu tranh hăng hái, để tranh cho kỳ được quyền lợi chính đáng của mình. Phải phát động những từng lớp nhân dân khác, làm cho ai cũng hiểu rõ rằng triệt để giảm tô thì họ có lợi, để mọi người đồng tình và ủng hộ nông dân.
Cũng cần giải thích cho những người địa chủ thấy rõ lợi hại đôi đường.
Để phóng tay phát động quần chúng, thì tất cả cán bộ của chính quyền và đoàn thể đều phải được đánh thông tư tưởng, phải giữ vững lập trường, thấm nhuần chính sách của Đảng, Chính phủ và Mặt trận, theo đúng đường lối quần chúng. Phải chí công vô tư, toàn tâm toàn lực phục vụ lợi ích của quần chúng nông dân (trước hết là cố nông, bần nông và trung nông).
Như thế, thì việc phát động quần chúng để triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức nhất định thành công tốt đẹp. Muốn thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và ngày thống nhất Việt Minh - Liên Việt năm nay, cán bộ và đảng viên cần tích cực chuẩn bị mọi mặt, quyết triệt để hoàn thành công tác phát động quần chúng.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 97, từ ngày 01 đến ngày 05-3-1953)
59. Báo cáo trước Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I, kỳ họp thứ ba
(Trích)
...
Chỉ có thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến, mới có thể chấm dứt tình trạng bần cùng và lạc hậu của nông dân, mới có thể phát động mạnh mẽ lực lượng to lớn của nông dân để phát triển sản xuất và đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Mục đích cải cách ruộng đất là: tiêu diệt chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.
Đường lối chính sách chung là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến từng bước và có phân biệt, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.
Để thích hợp với đặc điểm của kháng chiến và của Mặt trận Dân tộc thống nhất là vừa thoả mãn yêu cầu của nông dân về ruộng đất, vừa củng cố và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất; lợi cho kháng chiến và lợi cho sản xuất; trong khi thực hiện cải cách ruộng đất, phải phân biệt đối đãi với các địa chủ tùy thái độ chính trị của mỗi người. Nghĩa là dùng chính sách phân biệt: tịch thu, trưng thu, trưng mua; mà không dùng chính sách tịch thu cả loạt hay trưng thu cả loạt. Phương châm cải cách ruộng đất là: Phóng tay phát động quần chúng nông dân, dựa vào quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, tổ chức, giáo dục và lãnh đạo quần chúng nông dân đấu tranh một cách có kế hoạch, làm từng bước, có trật tự, có lãnh đạo chặt chẽ.
Ruộng đất mà địa chủ đã phân tán từ ngày có Sắc lệnh giảm tô (14-7-1949) đều là không chính đáng (trừ những tình hình đặc biệt đã nói trong thông tư của Thủ tướng phủ ngày 01-6-1953).
Những ruộng đất tịch thu, trưng thu, trưng mua đều chia hẳn cho những nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất. Nông dân có quyền sở hữu ruộng đất đó.
Nguyên tắc chia ruộng đất là: lấy xã làm đơn vị, trên cơ sở nguyên canh, theo số lượng, chất lượng, vị trí gần hay xa của ruộng đất, dùng cách điều chỉnh nhiều bù ít, tốt bù xấu, gần bù xa mà chia; cần chiếu cố những nông dân trước đã cày những ruộng đất ấy.
Những bọn ngoan cố kiên quyết phá hoại việc cải cách ruộng đất và những bọn Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì những tên nào bị án tù trên 5 năm, sẽ không được hưởng phần ruộng đất...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 156, từ ngày 26 đến ngày 31-12-1953).
60. Nói chuyện với đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình
Vừa qua tình hình chống hạn tuy có khá hơn nhưng vẫn chưa đủ. Đào đất để chống hạn còn ít. Mức bình quân của Ninh Bình mới trên hai thước khối, của Nam Định mới có một thước khối. Có hạn là do không biết giữ nước như Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn (Ninh Bình), Vụ Bản, Ý Yên (Nam Định). Còn hạn là do lãnh đạo tuy có cố gắng nhưng thiếu quyết tâm bền bỉ, thiếu liên tục, từ xã đến huyện, tỉnh, thiếu kế hoạch chung nên tốn công nhiều mà ít kết quả. Khuyết điểm nữa là không chú ý đúng mức đến hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi.
Cán bộ phải có quyết tâm chống hạn và quyết tâm phải liên tục, bền bỉ. Biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các xóm, các xã, các huyện, các tỉnh. Quyết tâm và đoàn kết để chống hạn và đẩy mạnh vụ sản xuất Đông - Xuân. Muốn chống hạn tốt, phải tùy từng địa phương mà làm các việc đào mương, đào giếng, tát nước, giữ nước. Mỗi xã phải có kế hoạch nhỏ của xã mình; huyện, tỉnh phải có kế hoạch chung để điều hòa, phối hợp.
Trong khi chống hạn, phải đồng thời có kế hoạch phòng hạn, phòng úng. Cán bộ và nhân dân phải chống những tư tưởng bảo thủ, sợ khó, sợ khổ, ỷ lại. Ruộng có đủ nước, còn cần phải đủ phân thì lúa mới tốt. Mức bình quân 3,6 tấn phân một mẫu tây, như Ninh Bình là còn ít quá. Phải cố gắng bón nhiều phân hơn nữa. Phải chăm bón tốt và phải phòng sâu, trừ sâu và phòng cúm nữa.
Toàn thể đảng viên, đoàn viên thanh niên phải gương mẫu, tất cả các hợp tác xã và tổ đổi công cũng phải gương mẫu làm đầu tàu, giúp đỡ những người còn làm ăn riêng lẻ. Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán, bão lụt, v.v. để sản xuất càng ngày càng được nhiều, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1828, ngày 17-3-1959).
61. Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê
Mùa lụt sắp đến, giữa lúc đồng bào đang tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Giữ vững đê điều để chống giặc lụt cũng là một việc chuẩn bị. Việc ấy năm nay khó khăn hơn mấy năm trước. Đồng bào sẽ quyết tâm vượt qua những khó khăn ấy dù phải hy sinh cũng vui lòng.
Trong vùng tự do cũng như trong vùng tạm bị chiếm, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, đồng bào sẽ huy động nhân lực, vật lực để giữ vững đê điều.
Tôi hứa sẽ dành những phần thưởng xứng đáng cho những xã, những huyện, những tỉnh có công nhất trong việc chống nạn lụt năm nay.
Chính quyền, chuyên môn, bộ đội, dân quân sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân để thực hiện cho bằng được kế hoạch của Chính phủ.
Mấy năm nay, ta đã thắng luôn giặc lụt. Năm nay, ta cũng phải thắng, vì toàn thể đồng bào, từ các cụ phụ lão cho đến các cháu nhi đồng đều kiên quyết chống giặc lụt, cũng như kiên quyết chống giặc ngoại xâm. Đồng bào hãy cố gắng lên.
Chào thân ái và quyết thắng
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Sự thật, số 135, ngày 15-6-1950).
62. Lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa Xuân
Cùng đồng bào và cán bộ các địa phương,
Trong những năm kháng chiến, nhân dân ta đã cố gắng thi đua tăng gia sản xuất; nhờ vậy mà mặc dầu có thiên tai, địch họa, chúng ta đã khỏi thiếu thốn. Đó là một thành tích to.
Nay hòa bình trở lại. Nhiều nơi đang vận động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.
Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều: hạn, lụt, sâu bọ có thể làm hại mùa màng; một số ruộng hoang chưa cày cấy hết; công trình thủy lợi chưa sửa chữa được hoàn toàn. Vì vậy chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc cấy lúa, trồng màu, thì vụ giáp hạt tháng 3, tháng 8 mới khỏi gay go.
Hiện nay, nhiệm vụ vẻ vang của đồng bào là phải ra sức thi đua khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho đồng bào nông dân ấm no, để cung cấp cho quân đội, để đảm bảo tiếp tế cho các thành thị, để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế nước nhà.
Trong mùa xuân này, toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua:
- Cấy nhiều lúa, trồng nhiều màu,
- Cày sâu cuốc bẫm, làm cỏ bỏ phân,
- Chống hạn, phòng lụt, diệt sâu bọ,
- Khai phá ruộng hoang,
- Chăn nuôi nhiều gia súc,
- Tiết kiệm về mọi mặt.
Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Tôi kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này. Thế là đồng bào góp phần vào công cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.
Năm mới, tôi chúc đồng bào và cán bộ địa phương thu nhiều thành tích tốt đẹp trong cuộc thi đua tăng gia sản xuất.
Chính phủ sẽ khen thưởng những đồng bào, cán bộ và đơn vị có thành tích xuất sắc trong vụ xuân này.
Chào thân ái và thắng lợi
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 340, ngày 5-2-1955).
63. Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão
Gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ,
Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân, bộ đội và cán bộ, đặc biệt là ở các tỉnh có đê sông và đê biển.
Nhất là năm nay, phải đề phòng lụt to, bão lớn, vì thời tiết biến đổi khác mọi năm thường.
Chúng ta ra sức phòng trước và chống giữ cẩn thận, thì mới bảo vệ được tính mạng và tài sản của đồng bào, thực hiện được vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình thế. Tổ chức lực lượng phải chặt chẽ. Chỉ huy phải tỉnh táo đề phòng mọi âm mưu phá hoại của bọn phản động. Đồng bào cần phải đoàn kết nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai.
Nông hội và thanh niên phải xung phong làm gương mẫu. Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân.
Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân. Nhân dân và cán bộ phải kết hợp công việc phòng lụt, phòng bão, chống lụt, chống bão với công việc hoàn thành tốt sửa sai, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa và thu thuế nông nghiệp tốt. Khi bão lụt, thì việc chống bão, chống lụt phải đặt lên trên hết.
Trong việc chống bão, chống lụt những năm qua, chúng ta đã thắng lợi vì chúng ta đã cố gắng. Năm nay, chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để thắng lợi.
Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những đơn vị và những cá nhân có thành tích xuất sắc. Mong đồng bào, bộ đội và cán bộ thi đua làm tròn nhiệm vụ.
Chào thân ái
Ngày 10 tháng 6 năm 1957
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1193, ngày 14-6-1957).
Tâm Trang (tổng hợp)