15. Thư trả lời Giáo sư Mỹ Lainớt Pôlinh
(Trích)
Kính gửi giáo sư Lainớt Pôlinh,
Tôi xin chân thành cảm ơn giáo sư đã có nhã ý chuyển đến tôi bản tuyên bố về vấn đề Việt Nam của tám vị được giải thưởng Nôben về hòa bình.
Dân tộc Việt Nam chúng tôi vốn yêu chuộng tự do và hòa bình. Nguyện vọng tha thiết của nhân dân nước chúng tôi là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Nhân dân nước chúng tôi ở miền Bắc cũng như ở miền Nam đã ra sức đấu tranh cho Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam được thực hiện đầy đủ. Nhưng đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định đó, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ hòng khống chế vùng Đông - Nam Á và chuẩn bị chiến tranh thế giới mới.
Chúng đã phá hoại sự nghiệp hòa bình thống nhất nước Việt Nam, dựng lên ở miền Nam Việt Nam một chế độ phát xít cực kỳ tàn bạo, ở đó hàng chục vạn người bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, giết hại, hàng triệu người bị dồn vào các trại tập trung dưới những hình thức khác nhau. Đế quốc Mỹ đã dùng miền Nam Việt Nam làm bàn đạp gây chiến tranh ở Lào và thường xuyên khiêu khích Vương quốc Campuchia. Từ năm 1961, chúng đã phát động cái gọi là "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam. Nhưng đồng bào miền Nam chúng tôi không chịu khuất phục, đã và đang đấu tranh anh dũng chống bọn xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai và giành được thắng lợi ngày càng to lớn.
Bị thiệt hại nặng nề trong cuộc "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ đã đưa vào Nam Việt Nam 20 vạn lính Mỹ và lính chư hầu, chưa kể 60 vạn lính ngụy, nhằm mở rộng chiến tranh xâm lược, uy hiếp nghiêm trọng nền an ninh của các dân tộc ở Đông
- Nam Á và hòa bình thế giới. Chúng dùng xương máu của đồng bào chúng tôi ở miền Nam để thí nghiệm một cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới với những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại để rồi đem dùng ở các nơi khác trên thế giới hòng đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và làm bá chủ thế giới.
Hiện nay, bọn xâm lược Mỹ đang dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ dã man để giết hại đồng bào miền Nam nước chúng tôi, như bom napan, bom lân tinh, chất độc hoá học, hơi độc, v.v.. Chúng cho hạm đội thứ 7 và máy bay chiến lược B.52 ném bom, bắn phá, triệt hạ xóm làng.
Đồng thời, bất chấp cả dư luận của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, chúng không ngừng thực hiện chính sách "leo thang" đối với miền Bắc Việt Nam, hằng ngày chúng dùng máy bay điên cuồng ném bom bắn phá các cầu, đường, đập nước, nông trường, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà thờ, v.v..
Nhân dân Việt Nam chúng tôi phải kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược để tự vệ, để bảo vệ những quyền dân tộc thiêng liêng nhất của mình, đồng thời góp phần giữ gìn hòa bình ở Châu Á và thế giới...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4248 ngày 21-11-1965).
16. Thư gửi các vị đứng đầu một số nước
(Trích)
...
Nhân dân Việt Nam quyết không bao giờ khuất phục trước sự đe dọa của đế quốc Mỹ.
Trong lúc Chính phủ Mỹ đưa ra cái gọi là "cố gắng hòa bình" mới, thì họ ráo riết tăng quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Họ đẩy mạnh các cuộc càn quét, dùng chính sách "tiêu thổ" đốt sạch, phá sạch, giết sạch, dùng bom napan, hơi độc và chất độc hóa học để đốt phá làng mạc, tàn sát thường dân trong những vùng rộng lớn ở miền Nam Việt Nam.
Tôi cực lực phản đối những thủ đoạn chiến tranh cực kỳ man rợ ấy của Mỹ. Tôi khẩn thiết kêu gọi các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới hãy kiên quyết chặn tay bọn tội phạm chiến tranh Mỹ...
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4316, ngày 29-1-1966).
17. Không có gì quý hơn độc lập, tự do
(Trích)
Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước!
Đế quốc Mỹ dã man, gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn cướp nước ta, nhưng chúng đang thua to.
Chúng ồ ạt mang gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước. Chúng dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như chất độc hóa học, bom napan, v.v.. Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta.
Nhưng dưới sự lãnh đạo kiên quyết và khôn khéo của Mặt trận dân tộc giải phóng, quân và dân miền Nam ta đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, đã thắng lợi vẻ vang và quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn, để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà...
(Đăng trê Báo Nhân Dân, số 4484, ngày 17-7-1966).
18. Thư trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn
(Trích)
Gửi Ngài L.B. Giônxơn, Tổng thống nước Mỹ,
Thưa Ngài,
Ngày 10 tháng 2 năm 1967, tôi đã nhận được thư của Ngài.
Đây là thư trả lời của tôi.
Nước Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ. Nhưng, trái với lời cam kết của đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, Chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào Việt Nam, gây ra và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Từ hơn hai năm nay, Chính phủ Mỹ còn dùng không quân và hải quân đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước độc lập, có chủ quyền.
Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hòa bình và chống lại loài người. Ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hóa học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc. Ở miền Bắc Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hoại các thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, đê đập, tàn phá cả nhà thờ, đình chùa, nhà thương, trường học. Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình cực kỳ nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân Việt Nam là một sự thách thức đối với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến tranh đó là một sự đe dọa đối với phong trào độc lập của các dân tộc; đồng thời uy hiếp nghiêm trọng hòa bình ở Châu Á và thế giới...
Chào Ngài
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4730, ngày 22-3-1967).
19. Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu
(Trích)
Các đồng chí,
Chương trình công tác của Chính phủ, của Đoàn thể ta năm nay vẫn gồm trong tám chữ "Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh".
Để thực hiện đúng chương trình đó, Chính phủ và Đoàn thể nêu ra mấy điểm chính, là:
- Thi đua giết giặc, thi đua tăng gia, thi đua tiết kiệm, và
- Chống nạn tham ô,
- Chống nạn lãng phí,
- Chống bệnh quan liêu.
Về phong trào Thi đua giết giặc lập công, Bộ Tổng tư lệnh có kế hoạch đầy đủ đưa xuống tận các cán bộ và các chiến sĩ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích để mọi người học tập, thấm nhuần và thực hiện.
Về phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thì Chính phủ có kế hoạch chung đầy đủ. Các ngành, các địa phương và mọi gia đình dựa theo đó mà đặt kế hoạch riêng cho thiết thực, cho ăn khớp với nhau, để thực hiện cho kỳ được.
Các đồng chí phụ trách sẽ nói chuyện rõ ràng về hai việc ấy. Đây tôi chỉ nói về vấn đề thi đua tiết kiệm, và chống nạn tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.
I- TIẾT KIỆM
Trước hết, chúng ta hãy đặt mấy câu hỏi:
- Tiết kiệm là gì?
- Vì sao phải tiết kiệm?
- Tiết kiệm những gì?
- Ai cần phải tiết kiệm?
1. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là "xem đồng tiền to bằng cái nống", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.
2. Trong 80 năm, nước ta bị đế quốc Pháp rồi đến đế quốc Nhật vơ vét hết, vì vậy mà kinh tế của ta nghèo nàn, lạc hậu. Nay chúng ta cần phải có một nền kinh tế khá, để kháng chiến và kiến quốc. Muốn xây dựng kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn, thì các nước tư bản dùng 3 cách: Vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân.
Những cách đó chúng ta đều không thể làm được. Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta.
3. Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được. Chúng ta phải tiết kiệm thời giờ. Việc gì trước kia phải làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm xong trong 1 ngày.
Chúng ta phải tiết kiệm tiền của. Việc gì trước phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ, phải tốn 2 vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu, cho nên chỉ tốn 1 vạn là đủ.
Nói tóm lại: Chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để 1 người có thể làm việc như 2 người, 1 ngày có thể làm việc của 2 ngày, 1 đồng có thể dùng bằng 2 đồng.
4. Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp.
Có người nói: Bộ đội chỉ lo thi đua giết giặc lập công, bộ đội không phải là cơ quan sản xuất, thì tiết kiệm thế nào?
Trong quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải, v.v. là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sĩ cũng cần tiết kiệm và cũng có thể tiết kiệm. Thí dụ: Trước kia tính đổ đồng mỗi chiến sĩ bắn 50 viên đạn mới hạ 1 tên địch. Nay vì tập luyện siêng năng, bắn khá, tính đổ đồng mỗi chiến sĩ chỉ bắn 10 viên đạn thì hạ được 1 tên địch. Thế là chiến sĩ tiết kiệm được 80% đạn. Do đó mà quân giới tiết kiệm được nguyên liệu và nhân công đúc đạn, để chế tạo những vũ khí khác. Trước kia Cục vận tải phải chở 100 xe đạn, nay chỉ cần chở 20 xe, tiết kiệm được xe cộ và dầu mỡ. Xe chạy ít, thì đường sá phải chữa ít, thế là tiết kiệm được dân công, v.v..
Trong các chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm (thuốc, đạn, lương thực, súng ống, v.v.), bộ đội biết quý trọng nó, tiết kiệm nó để dùng nó mà đánh giặc. Như thế cũng là tăng gia sản xuất.
Có người nói: Các cơ quan (thí dụ cơ quan tư pháp) ngoài việc tăng gia để tự túc, thì có gì mà tiết kiệm?
Cơ quan nào cũng cần và cũng có thể tiết kiệm. Một thí dụ: Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng 2, 3 lần, thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy...
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t7, tr. 351-354)
20. Tổ đổi công kiểu mẫu
Chính phủ định ra luật lệ cải cách ruộng đất, Đảng phái cán bộ về xã giúp đồng bào nông dân đấu tranh thực hiện người cày có ruộng. Đó là bước đầu.
Đã có ruộng, nông dân cần phải ra sức tăng gia sản xuất, để đảm bảo đời sống ấm no.
Muốn sản xuất được tăng gia, thì cần có những tổ đổi công để giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Ý nghĩa tổ đổi công là "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây tụ hợp thành hòn núi cao".
Muốn tổ đổi công có kết quả thật tốt, thì phải khéo tổ chức, theo nguyên tắc tự giác tự nguyện. Phải khéo lãnh đạo, làm cho các tổ viên ai cũng hăng hái làm việc, ai cũng được hưởng lợi công bằng.
Thí dụ: Tổ đổi công của chị Vậy (xã Tây Sơn, Yên Bái) có kế hoạch định công, phân công, ghi công. Có chương trình làm việc rõ ràng, cứ 3 ngày kiểm điểm lại 1 lần. Nhờ vậy, tổ đã cày ải, bừa kỹ, bắt hết sâu, làm sạch cỏ, bón nhiều phân, đắp thêm phai chống hạn...
Kết quả về vật chất - Sản xuất tăng nhiều. Trước kia nhà nào cũng thiếu ăn 2, 3 tháng; nay nhà nào cũng đủ ăn và còn thừa ít nhiều để giúp bà con khác. Đối với thuế nông nghiệp, cả tổ đã khai đúng, nộp nhanh, nộp tốt.
Về tinh thần: - Bà con trong tổ đều đoàn kết, vui vẻ, thi đua làm, thi đua học. Các tổ viên có kế hoạch giúp đỡ những gia đình neo người, gia đình bộ đội.
Thành tích ấy làm cho những người trước kia nghi ngờ tổ đổi công, nay cũng xin vào tổ.
Tỉnh nào cũng có những tổ kiểu mẫu như vậy: Tổ của anh Sinh ở Thái Nguyên, tổ của chị Lượng ở Sơn Tây, tổ của chị Ruyện ở Cao Bằng, vân vân.
Các liên khu và các tỉnh nên có những cuộc hội nghị cán bộ các tổ đổi công, (trước khi họp phải chuẩn bị đầy đủ), để trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Làm được như vậy, thì phong trào tăng gia sản xuất chắc sẽ phát triển thiết thực, mạnh mẽ và rộng khắp hơn nữa.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 407, ngày 13-4-1955).
Tâm Trang (tổng hợp)