Chỉ mục bài viết

128. Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ

Thưa các cụ, các vị và toàn thể đồng bào,

Hôm nay tôi rất vui sướng thấy có mặt ở đây các đại biểu của anh chị em công nhân, của đồng bào nông dân, của đồng bào đánh cá, đại biểu của bộ đội, của cán bộ các ngành, của đồng bào thành phố, của đồng bào thiểu số, có các chiến sĩ thi đua, có những đồng bào đã tham gia kháng chiến, có đại biểu các tôn giáo, các cụ phụ lão, các chị em phụ nữ, các cháu thanh niên và nhi đồng và các bạn Hoa kiều.

Đây là tỏ rằng đồng bào Hồng Quảng, các tầng lớp đoàn kết chặt chẽ, như thế là rất tốt. Tôi thay mặt Chính phủ và Trung ương Đảng gửi tới đồng bào lời chào thân ái. Đồng thời tôi gửi đồng bào có mặt ở đây chuyển tới đồng bào không có mặt ở đây lời chào của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của tôi. Tôi thay mặt Chính phủ, Đảng và nhân dân ta cảm ơn các đồng chí chuyên gia các nước anh em đến giúp đỡ ta khôi phục và phát triển kinh tế, đó là tinh thần quốc tế cao cả mà chúng ta phải học.

Nói đến Hồng Quảng chủ yếu là nói đến xí nghiệp, là mỏ than, là giai cấp công nhân, cho nên trước hết tôi nói với anh chị em công nhân.

Trước ngày giải phóng miền Bắc anh chị em công nhân ta là những người nô lệ, mình làm cực khổ nhưng bọn đế quốc và tư bản hưởng lợi, bây giờ công nhân làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp của mình, nhưng mà chưa chắc tất cả đã hiểu như thế.

Muốn làm người chủ xứng đáng, phải có tinh thần phụ trách tốt. Tôi xem báo thấy nói ngày 27, 28, 29-9 ở Cẩm Phả cũng như ở Hà Lầm sản xuất rất hăng, đó là tượng trưng mình làm chủ, nhưng không phải tất cả như thế, còn nhiều anh em vì chưa hiểu mình là chủ nên chưa biết tiếc của mình, không biết tôn trọng của Nhà nước tức là của mình. Tôi chỉ nêu một vài ví dụ: ngay số xe do công nhân các nước anh em hy sinh phấn đấu làm ra để cho chúng ta dùng. Đảng, Chính phủ và nhân dân ta hết sức coi trọng sự giúp đỡ của các nước anh em, nhưng giao cho các ông chủ, bà chủ quản lý các xe đó thì hỏng đến 80, 90%. Giá một chiếc xe là hơn 150 triệu đồng, công nhân các nước anh em dùng hơn 2 vạn cây số mới phải sửa lại mà đưa về mình có chiếc xe chỉ dùng được 1.500 đến 2.500 cây số là hỏng, 11 chiếc xe to hỏng 9; 45 chiếc xe vừa hỏng 36; 82 chiếc xe Tiệp thì hỏng 30. Các cô, các chú có đau lòng không? Còn các lãng phí khác như than vương vãi và đất đá lẫn nhiều, v.v..

Các cô, các chú muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công.

Bây giờ nói đến đồng bào nông dân. Đồng bào nông dân rất cố gắng chống hạn, chống bão, gìn giữ đê điều, rửa chua, cạo mặn, v.v.. Nói tóm lại đồng bào nông dân cần cù, cho nên đã thu được ba vụ tốt. Nhưng mà đồng bào nông dân cũng có khuyết điểm là được ba mùa rồi thì chủ quan, coi nhẹ chăm bón lúa mùa, hoa màu kém hơn năm ngoái. Đồng bào nông dân ta cần hiểu rằng ruộng đất rất tốt, nhưng phải có sự chăm chỉ, cần cù thì mới đem lại hoa màu, thóc lúa, nghĩa là “muốn có ăn thì phải lăn vào ruộng”. Một điểm nữa, đồng bào nông dân có khuyết điểm là không bảo vệ rừng, không giữ rừng được tốt, làm rừng bừa bãi. Rừng là của Nhà nước. Nhà nước giao cho nông dân quản lý. Cố nhiên đồng bào nông dân có khuyết điểm, nhưng một phần cán bộ chưa tuyên truyền giải thích kỹ, đồng bào nông dân nếu biết rõ thì quyết tâm làm đúng. Chúng ta bảo vệ được rừng tốt, là bảo vệ quyền lợi cho đồng bào nông dân, nói chung là bảo vệ quyền lợi cho cả nước.

Đồng bào nông dân muốn làm ăn tốt hơn trước, phải có tổ chức, phải đoàn kết. Đồng bào nông dân có biết vì sao nông dân Liên Xô được sung sướng không? Vì nông dân Liên Xô tổ chức nông trường hàng vạn mẫu, họ làm chung hưởng chung. Nông dân Trung Quốc hay nông dân Triều Tiên chưa được như nông dân Liên Xô nhưng cũng hơn ta vì họ có tổ chức hợp tác xã. Bây giờ đồng bào ta chưa làm được như thế, nhưng muốn làm ăn tiến bộ thì phải tổ chức tổ đổi công cho tốt.

Qua báo cáo thì huyện Hoành Bồ đã tổ chức tổ đổi công khá, đấy là gương mẫu, các nơi khác cần học tập để làm cho tốt. Các cụ ta xưa có câu:

Một cây làm chẳng nên non,

Nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao.

Đồng bào muốn làm hòn núi cao thì phải tổ chức tổ đổi công. Ở đây còn có đồng bào đánh cá rất cần cù, rất khó nhọc, rất tiết kiệm, thế là tốt. Nhưng có một điều là cần phải cố gắng hơn nữa trong việc tổ chức đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Còn đồng bào công thương cũng cố gắng, có ưu điểm, nhưng cũng có khuyết điểm. Khuyết điểm chính là chưa biết giúp đỡ nhân dân và chính quyền chống đầu cơ tích trữ và ổn định vật giá. Vì đầu cơ tích trữ chẳng những hại cho nhân dân mà trước hết cho bà con buôn bán thực thà.

Thuế là một nhiệm vụ mọi người góp phần vào để xây dựng nước nhà, bà con ai chẳng muốn có trường học, có nhà thương; muốn thế thì phải có tiền, phải có sự đóng góp của nhân dân.

Nhưng cũng còn một số người chưa đóng sòng phẳng, những người đó không thể đánh lừa Chính phủ được mãi. Nếu đồng bào công thương biết phát triển ưu điểm và khắc phục khuyết điểm của mình thì sẽ góp phần đóng góp khá quan trọng vào việc xây dựng đất nước và xây dựng kinh tế… 

(Trích trong cuốn Bác Hồ với công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh)

129. Bài nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta, cụ thể ở Nghệ An hiện giờ là gì? Là sản xuất. Muốn sản xuất thì phải làm thế nào? Phải củng cố hợp tác xã. Muốn củng cố hợp tác xã cho tốt thì phải làm thế nào? Phải giáo dục. Giáo dục ai? Giáo dục xã viên hợp tác xã. Ai giáo dục họ? Nói Đảng cũng rộng đấy. Nhưng trước hết là ai? Chi bộ. Hễ chi bộ tốt thì hợp tác xã tốt, chi bộ kém thì hợp tác xã kém. Đó là kinh nghiệm chung.

Nói giáo dục chủ nghĩa xã hội thì rộng quá, mà phải nói giáo dục tinh thần làm chủ. Trước hết là chi bộ, rồi thứ hai là đoàn thanh niên. Chi bộ tốt, đoàn thanh niên tốt thì tự nhiên giáo dục xã viên tốt. Muốn chi bộ tốt, chi đoàn tốt, đảng ủy, chi ủy địa phương tốt thì Tỉnh ủy phải tốt. Nghệ An cũng có chỗ tốt, cũng có chỗ vừa; đại khái hợp tác xã tốt, vừa là chừng bao nhiêu phần trăm? Tốt mấy phần trăm? Vừa mấy phần trăm? Kém mấy phần trăm? Các chú lấy cái gì để biết? Ai thống kê? Họ nêu lên thế thì các chú cứ tin như thế phải không?

Nói hợp tác xã nông nghiệp mấy phần trăm tốt, mấy phần trăm vừa, mấy phần trăm kém, lấy cái gì mà biết? Các cô, các chú nói lấy chi bộ để biết như thế là đúng cả đấy. Chi bộ nào tốt là hợp tác xã đó tốt, bởi vì chi bộ lãnh đạo hợp tác xã. Hợp tác xã tốt là hợp tác xã đó làm ăn phát triển. Làm sao mà biết hợp tác xã làm ăn phát triển? Phải căn cứ vào đời sống của nông dân, thu nhập của xã viên càng ngày càng tiến lên. Hợp tác xã tốt là thế nào nữa?

Chẳng những phát triển kinh tế hợp tác xã, đời sống và thu nhập của xã viên tăng lên, mà hợp tác xã đó lại làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Thí dụ: Từ việc nạp thuế, trả nợ, bán thóc cho Nhà nước, đến công tác làm thủy lợi, vừa làm nhanh, vừa làm tốt. Thủy lợi ở Nghệ An còn kém lắm. Trong Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp ở Hưng Yên, nếu nói về cái kém thì Nghệ An rồi đến Thanh Hóa. Các chú, các cô có nhận thấy thế không? Nếu nói 40% hợp tác xã tốt thì nó sẽ ảnh hưởng, nó sẽ kéo 45% hợp tác xã vừa lên, như thế thủy lợi càng tốt. Nhưng thủy lợi còn kém vì hợp tác xã kém.

Hợp tác xã kém thế nào? Vì chi bộ kém. Mà chi bộ kém, truy nguyên là vì lãnh đạo của Tỉnh ủy. Có phải thế không? Lúc kháng chiến chúng ta lấy cái gì để biết tỉnh, huyện, xã, các đảng ủy lãnh đạo tốt? Lấy việc tham gia kháng chiến tốt, giết giặc nhiều hay ít, thắng hay bại. Có thể nói: Bây giờ chúng ta cũng đang kháng chiến. Trước là kháng chiến chống giặc Pháp, giặc Nhật; nay là chống thiên tai, chống nghèo đói, chống lạc hậu.

Muốn chống thiên tai, về mặt kinh tế nói chung thì phải làm tốt thủy lợi để chống hạn, chống úng, tranh thủ được mùa, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng tiến lên. Cho nên muốn biết đảng địa phương của mình mạnh hay yếu, khá hay kém hãy nhìn vào sự lãnh đạo của cấp ủy. Các cô, các chú có đồng ý thế không? Cố nhiên là cấp ủy đảng từ xã đến huyện đều có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm chính là đội tham mưu của tỉnh, là Tỉnh ủy.

Đây là nói về nông nghiệp. Còn về công nghiệp, về các ngành và tất cả những gì có quan hệ đến quốc kế dân sinh trong tỉnh thì ai chỉ đạo? Tỉnh ủy. Thương nghiệp không tốt, Tỉnh ủy phải phụ trách. Công nghiệp phát triển tốt, đó là công của Tỉnh ủy, mà phát triển không tốt là Tỉnh ủy phụ trách không đầy đủ. Mình nói nhiều về nông nghiệp, bởi vì bây giờ phải đẩy mạnh nông nghiệp. Muốn đẩy mạnh nông nghiệp thì phải phát triển và củng cố tốt hợp tác xã. Muốn phát triển, củng cố hợp tác xã thì các chi bộ và chi đoàn phải tốt. Muốn chi bộ, chi đoàn tốt thì Tỉnh ủy phải hết sức nắm vững và gương mẫu trong mọi việc. Bây giờ các cô, các chú phải xem lại những việc mà Tỉnh ủy phụ trách, tức là về công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, mậu dịch, văn hóa, v.v.. Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc gì?

Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ.

Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Muốn làm tốt việc ấy, còn phải gì nữa? Phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác.

Nếu các cô, các chú làm tốt việc ấy thì phải làm sao cho nhân dân họ biết, họ hiểu, họ thực hiện mình là người chủ của nước nhà, là người chủ của hợp tác xã. Mọi người dân đều phải hiểu như thế. Hiểu được cái đó rồi thì phải cần kiệm xây dựng nước nhà, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bộ đội là cần kiệm xây dựng quân đội. Ở các xí nghiệp là cần kiệm xây dựng xí nghiệp. ở nông thôn là cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Đấy là đường đi của nó.

Năm nay, so với năm kia Bác về thăm, thấy tỉnh nhà có tiến bộ. Cán bộ và nhân dân đều có cố gắng. Nhưng mà chưa tiến bộ, chưa cố gắng đến mức bây giờ mình đòi hỏi.

Bác xem báo cáo có hợp tác xã làm khá lắm. Vĩnh Thành thì khá đều. Còn có mấy cái nữa thì có mặt này tốt, có mặt kia tốt, có xã chăn nuôi tốt, có xã cải tiến nông cụ tốt, có xã làm thủy lợi tốt, có xã khai hoang tốt... Cần phải làm thế nào học tập kinh nghiệm của mỗi xã, rồi phổ biến những kinh nghiệm tốt ấy cho các xã khác. Cái đó hình như ở đây làm chưa được tốt lắm. Có phải thế không? Có cái trước mắt, vì sao mà không học? Cần lấy kinh nghiệm trong tỉnh mình, tổng kết kinh nghiệm ấy rồi phổ biến cho các hợp tác xã khác học. Nếu làm được như thế thì tiến bộ mau hơn.

Thí dụ: Nói Vĩnh Thành tốt thì đưa Bác đến thăm Vĩnh Thành. Đồng chí Trung ương nào đến đây thì cứ xách lên Vĩnh Thành, cái đó cũng là cái hay. Nhưng phải làm sao cho các xã khác cũng học được Vĩnh Thành. Học tập kinh nghiệm lẫn nhau mà làm cho tốt. ở đây có 39 đồng chí thì mấy đồng chí phụ trách về hợp tác xã?

Phụ trách là phụ trách trực tiếp, đi đến nơi xem xét, giúp đỡ, chứ không phải xem trên giấy tờ. Có mấy đồng chí? Hay là ai cũng phụ trách mà không ai phụ trách? Các đồng chí nói có 4, thế thì chỉ có một phần mười đồng chí trong Tỉnh ủy phụ trách. Bác nêu như thế thôi. Các cô, các chú tính toán mà bố trí lại công tác, làm sao có mấy đồng chí, càng nhiều càng tốt, trực tiếp nắm về nông nghiệp, tức là nắm hợp tác xã.

Bây giờ, các cô, các chú phải làm thế nào mà tự túc được lương thực trong tỉnh. Lâu nay, một năm Trung ương phải thêm cho bao nhiêu? Nói 10 ngàn tấn, năm ít nhất cũng đến 6 ngàn tấn. Nông nghiệp ở Nghệ An có thể làm thêm được 6 ngàn tấn, 10 ngàn tấn không? Các cô, các chú nghiên cứu lại xem. Bác cũng có chủ quan chừng nào nhưng cũng có thực tế chừng nào. Nếu đẩy mạnh hợp tác xã lên, không phải chỉ 45% hợp tác xã tốt, mà làm sao chừng 50% hợp tác xã tốt, còn những cái kia vừa, không có hợp tác xã kém thì có thể tự túc được lương thực. Cái đó rất cần. Cố nhiên, những công tác khác như công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành khác cũng phải chú ý. Nhưng nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là làm sao có đủ lương thực. Cái đó không dễ đâu. Một mẫu tây sản xuất mỗi năm có thể 6 tấn, có thể 5 tấn, có thể 4 tấn. Mỗi mẫu được 4 tấn thì 10 mẫu có 40 tấn, 100 mẫu có 400 tấn, 1 ngàn mẫu có 4 ngàn tấn. Muốn có 6 ngàn tấn thì phải có hơn 1 ngàn 5 trăm mẫu. Thế thì Nghệ An có thể bằng cách này hay cách khác, vừa vỡ hoang, vừa tăng vụ, vừa làm xen thế này thế khác, có thể thêm 1 ngàn 5 trăm mẫu được không? Muốn có 9 ngàn tấn thóc thì phải có 2 ngàn mẫu tây. Ở Nghệ An có thể tìm ra được 2 ngàn mẫu tây không? Các cô, các chú cũng đồng ý có thể là tìm ra được 2 ngàn mẫu tây.

Lao động trong nông thôn của ta, tính ra đang còn thừa nhiều, lãng phí nhiều. Muốn có gạo, có thóc thì cốt cái gì? Trước hết là cốt có đất, hai là sức người. Đất mình có, sức người mình có thì không có lý gì không làm được. Tất nhiên còn có lãnh đạo, có kế hoạch, có cái này cái khác nữa. Như ở ngoài Bắc, tỉnh Hưng Yên họ đảm bảo khai hoang 6 vạn mẫu tây trong 5 năm. Không nói đâu xa, ngay ở Nghệ An có tất cả bao nhiêu cây số vuông? Có 17 vạn. Bao nhiêu dân? Có một triệu ba. Thế là người mình có, đất mình có, chỉ có cách nào mà dùng được đất ấy, dùng được người ấy, dùng được sức lao động ấy là được. Làm những cái ấy tốt tức là tự túc được lương thực. Các cô, các chú nghĩ thế nào? Làm được, có quyết tâm thì làm được. Mình biết cái ấy không dễ đâu. Đó là cái khó, nhưng quyết tâm thì làm được.

Nói tóm lại, từ nay về sau, các cô, các chú làm sao tìm mọi biện pháp dùng đất, dùng lao động ấy cho tốt để đi đến tự túc lương thực. Đó là trách nhiệm bức thiết của chúng mình ở Nghệ An. Khó mấy chúng ta cũng phải cố mà làm. Các cô, các chú đồng ý không? Cố nhiên, lúc đưa ra bàn, có người nói: Năm 1962 thì làm được ngay tất cả. Cái đó cũng quá đáng. Nhưng nói làm khó thế này, thế khác, thì đó cũng là thụt lùi. Phải có quyết tâm, nhưng cũng phải có kế hoạch tiến dần. Thí dụ: Bây giờ Trung ương phải cấp thêm cho Nghệ An 6.000 tấn, năm 1962 bớt được 2.000 tấn, rồi năm sau bớt 2.000 tấn nữa là 4.000 tấn, rồi năm sau nữa..., như thế là được rồi, chứ không phải cái đó làm ngay hôm nay được đâu. Nếu năm sau, ở đây trang trải lấy, không phải nhờ Trung ương nữa thì tỉnh sẽ được giải thưởng. Thế là bớt được 2 năm. Các cô, các chú làm được như thế thì tốt lắm.

Trung ương thường nói nông nghiệp phải toàn diện. Mình không những cốt gạo, ngô, khoai, sắn, bông, mà còn cốt các thứ khác nữa. Cho nên phải toàn diện. Tăng diện tích mà không tăng sản lượng là vô ích, mất công. Nhưng tăng sản lượng cũng phải toàn diện. Lúa là chính, nhưng ngô, khoai, sắn, cũng phải có, cũng phải chú trọng. Nếu chỉ chú trọng lúa mà không chăm nom ngô, khoai, sắn, cũng không được. Hoặc chỉ chăm về cây lương thực mà không chăm về cây công nghiệp cũng là khuyết điểm.

Đây một năm sản xuất bao nhiêu bông? 2.000 mẫu tây được bao nhiêu tấn? 1.000 tấn bông tuy là ít, nhưng nếu chú trọng lương thực mà không có bông thì tức là có ăn chứ chưa có mặc. Mình có cần mặc không? Cần. Nếu không toàn diện, tức là chú trọng cái ăn chứ chưa chú trọng cái mặc. Thế cho nên, vừa phải chú trọng cái ăn, vừa phải chú trọng cả cái mặc. Ở đây trồng cây gây rừng thế nào? Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy. Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch.

Thí dụ như nhãn 5 năm có quả, các thứ cây ăn quả khác như bưởi, nếu chiết được thì nhanh thôi, dừa thì 7 năm. Cây thầu đâu 3 năm có thể làm cột được. Lấy trung bình cây 7 năm, cây 5 năm, cây 2 năm ta cho là 5 năm. Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to: Cây thì làm gỗ được, cây thì ăn quả được. Không biết các cô, các chú có thấy không? Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì. Có phải thế không? Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu? Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón. Năm nay Nghệ An định trồng mấy triệu cây? Các chú cứ làm sao năm nay trồng được 15 triệu cây cho tốt. Trồng cây nào sống cây ấy, chứ 19 triệu mà chết hết nửa thì vô ích. Năm nào cũng trồng, nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy. Ở Vĩnh Phúc có một xã kiểu mẫu về trồng cây, có những người gương mẫu về trồng cây. Không biết ở đây có không? Như xã Bác đến thăm, hợp tác xã trích ra hai người chỉ lo về trồng cây. Cố nhiên, ai cũng trồng, nhưng kế hoạch trồng, tiền giống, chăm nom là do hai người ấy lo. Hợp tác xã trả công điểm cho họ trội hơn công điểm các xã viên khác. Nhờ thế, bây giờ xã này cây cối rất um tùm, mặc dù lúc kháng chiến đã bị phá trụi. Cái ấy các cô, các chú cũng nên chú ý. Thí dụ: Năm nay trồng 19 triệu cây, sang năm trồng 19 triệu cây nữa, trong 5 năm thành hàng triệu. Cứ trồng tiếp tục năm này qua năm khác, chứ không phải làm ồ ạt một vài năm rồi thôi. Nếu mỗi năm trồng 19 triệu cây, cứ tiếp tục trong 5 năm, 10 năm thì trồng cả vào trong nhà nữa chứ không phải chỉ ngoài trời. Kế hoạch của Trung ương đề ra cho Nghệ An bao nhiêu? Nếu các chú làm được 10 triệu cho tốt thì cũng vừa.

Hôm nay Bác chỉ nói chuyện qua và nhằm vào mấy điểm như thế. Mấy điểm ấy có thể là điểm chính. Còn có những vấn đề gì nữa, ngày mai Bác sẽ nói thêm.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: