Chỉ mục bài viết

 6. Phát biểu tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản

Các thuộc địa Pháp chiếm một diện tích rộng 10.211.510 km2 với số dân là 55.571.000 người ở rải khắp bốn lục địa. Dù có sự khác nhau về chủng tộc, khí hậu, tập quán, truyền thống, về trình độ phát triển kinh tế và xã hội, song có hai điểm chung làm cho các nước thuộc địa giống nhau và sau này có thể đi tới thống nhất để cùng đấu tranh:

1. Tình hình kinh tế: Trong tất cả các thuộc địa Pháp, công nghiệp và thương nghiệp phát triển rất yếu ớt và nhân dân hầu hết làm nghề nông, 95% số dân bản xứ là nông dân.

Ở tất cả các nước thuộc địa, nhân dân bản xứ đều bị tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp bóc lột không ngừng. Tôi không có thì giờ phân tích kỹ lưỡng về tình hình nông dân từng nước thuộc địa. Vì vậy, tôi chỉ lấy một vài thí dụ điển hình để chúng ta có một ý niệm về tình cảnh nông dân các nước thuộc địa.

Tôi xin bắt đầu từ nước tôi, Đông Dương là nước tôi biết rõ hơn cả.

Khi Pháp đánh chiếm thuộc địa này, chiến tranh đã làm cho nông dân phải rời bỏ làng mạc của họ. Sau đó, khi họ trở về thì đã thấy ruộng đất của họ bị bọn chủ đồn điền, theo sau quân đội chiến thắng, chiếm mất. Thậm chí chúng đã chia nhau cả những đất đai mà nông dân bản xứ đã cày cấy từ bao đời nay. Như vậy là nông dân An Nam đã biến thành nông nô và buộc phải cày cấy ruộng đất của chính mình cho bọn chủ nước ngoài. Nhiều người trong những người xấu số này vì không chịu sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt do những kẻ chiếm đoạt đưa ra, nên đã bỏ ruộng đất của mình và lang thang nay đây mai đó khắp nước; người Pháp gọi họ là "giặc cướp" và tìm đủ mọi cách truy nã họ.

Ruộng đất cướp được bằng cách ấy đã được đem chia cho bọn chủ đồn điền. Chỉ cần xin một tiếng là bọn chúng có thể được hưởng những khoảnh đất có khi trên 2 vạn và 2,5 vạn ha. Những tên chủ đồn điền này không những chiếm không ruộng đất mà còn chiếm không cả mọi thứ cần thiết để khai thác số ruộng đất đó, kể cả sức lao động. Chính quyền cho phép chúng sử dụng một số tù khổ sai làm không công, hoặc bắt các xã phải cung cấp nhân lực cho các chủ đồn điền.

Bên cạnh chính quyền lang sói đó, cần phải nói tới nhà chung. Chỉ riêng giáo hội Thiên Chúa đã chiếm 1/4 diện tích cày cấy ở Nam Kỳ. Để chiếm số ruộng đất đó, nhà chung đã dùng những phương pháp không thể tưởng tượng được là mua chuộc, lừa đảo và cưỡng bức. Đây là một vài thí dụ. Lợi dụng lúc mất mùa, nhà chung cho nông dân vay tiền nhưng bắt buộc họ phải cầm ruộng. Tiền lãi quá cao làm cho nông dân không sao trả hết nợ, nên buộc phải bán đứt số ruộng cầm trước cho nhà chung. Bằng mọi thủ đoạn tàn ác, nhà chung cố tìm ra đủ mọi thứ tài liệu mật có thể gây nguy hại cho những nhà cầm quyền. Lợi dụng những giấy tờ đó làm công cụ đe doạ, nhà chung đạt được tất cả những gì họ muốn. Nhà chung lập hội với bọn tư bản lớn để khai khẩn những đồn điền chiếm không và những ruộng đất cướp được của nông dân. Bọn tay chân của nhà chung giữ những chức cao trong chính phủ. Nhà chung cũng bóc lột "con chiên" một cách tàn nhẫn không kém chủ đồn điền. Một thủ đoạn khác của nhà chung là tập hợp những người ăn xin, bắt họ khai khẩn đất mới và hứa là sau khi khai khẩn xong sẽ chia cho họ. Nhưng khi ruộng đất mới vừa khai khẩn xong và sắp được gặt, thì nhà chung tuyên bố là ruộng đất này thuộc về nhà chung và đuổi những người đã dùng sức lao động của mình làm cho ruộng đất ấy được phì nhiêu. Bị những kẻ "bảo hộ" họ (ở trong tôn giáo hay ở ngoài tôn giáo) cướp bóc, nông dân An Nam thậm chí không thể yên ổn làm ăn trên phần ruộng đất ít ỏi còn lại của mình. Người ta bắt những người đo đạc phải đo ruộng đất của nông dân không đúng để bắt họ phải đóng thuế khống. Thuế ruộng đất mỗi năm một tăng. Mới đây, khi chiếm hàng nghìn hécta của người An Nam ở miền ngược để giao cho bọn đầu cơ, các nhà cầm quyền đã phái máy bay đến để những nạn nhân bị cướp bóc ở đấy không dám nghĩ đến nổi loạn.

Những người nông dân bị cướp bóc, phá sản và bị đuổi đi nơi khác lại tìm cách khai khẩn đất để làm ruộng. Nhưng khi đất mới vừa khai khẩn xong thì chính quyền lại chiếm lấy và buộc nông dân phải mua lại theo giá do chính quyền định. Ai không đủ sức mua thì bị đuổi đi một cách tàn nhẫn.

Năm ngoái, mặc dù đất nước bị nạn lụt tàn phá, thế mà thuế ruộng đất vẫn tăng ngay một lúc lên 30%.

Ngoài những thứ thuế bất công làm cho nông dân bị phá sản, nông dân còn phải đi phu, đóng thuế thân, thuế muối, đóng công trái cưỡng bức, lạc quyên và v.v..

Chủ nghĩa tư bản Pháp cũng thực hiện chính sách ăn cướp và bóc lột như vậy ở Angiêri, Tuynidi, Marốc. Tất cả những ruộng đất tốt và được tưới nước thì phải để cho bọn thực dân di cư tới chiếm. Dân bản xứ bị đuổi đi, họ phải tìm nơi nương tựa ở những vùng ven núi hay những nơi ruộng đất khó làm ăn. Các công ty tài chính, bọn đầu cơ và quan lại cao cấp chia nhau ruộng đất của các thuộc địa.

Do những hoạt động trực tiếp và gián tiếp, các ngân hàng Angiêri và Tuynidi năm 1914 đã thu được 12.258.000 phrăng tiền lời với số vốn là 25 triệu phrăng. Ngân hàng Marốc với số vốn là 15.400.000 phrăng, năm 1921 đã thu được 1.753.000 phrăng tiền lời. Công ty Pháp - Angiêri chiếm 324.000 ha ruộng đất tốt nhất. Tổng công ty Angiêri chiếm 10 vạn ha. Một công ty tư nhân đã chiếm khoảng 5 vạn hécta rừng, còn công ty phốt phát và đường sắt Cápde thì đã chiếm 5 vạn hécta có nhiều mỏ quặng và lại có quyền ưu tiên đối với 2 vạn ha chung quanh khu vực này.

Một cựu nghị sĩ Pháp đã chiếm một đồn điền 1.125 ha có quặng mỏ, trị giá là 10 triệu phrăng, thu nhập hằng năm là 4 triệu phrăng. Dân bản xứ, người chủ của những mỏ quặng này, mỗi năm chỉ thu hoạch được 1% phrăng mỗi hécta.

Chính sách thực dân của Pháp đã thủ tiêu quyền chiếm hữu công cộng và thay thế bằng quyền chiếm hữu tư nhân. Nó cũng thủ tiêu quyền chiếm hữu nhỏ, làm lợi cho quyền chiếm hữu đồn điền lớn. Nó đã làm cho nông dân bản xứ mất hơn 5 triệu ha ruộng đất tốt nhất.

Trong 15 năm, nông dân ở Cabili bị cướp mất 192.090 ha. Từ năm 1913, mỗi năm nông dân Marốc bị cướp mất 12.500 ha ruộng đất cày cấy. Từ khi Pháp thắng trong cuộc chiến tranh "vì công lý", con số đó tăng lên tới 14.540 ha.

Hiện nay ở Marốc chỉ có 1.070 người Pháp mà chiếm tới 500.000 ha ruộng đất. Cũng như những người anh em của họ là nông dân An Nam, nông dân châu Phi phải chịu cảnh cơ cực không thể chịu nổi, phải lao dịch liên miên và phải gánh những thứ thuế má nặng nề. Sự cùng khổ của họ không sao tả xiết. Thiếu lương thực nên họ phải ăn những thứ rau cỏ dại hay thóc gạo mục nát, vì thế mà bệnh sốt, thương hàn, bệnh lao hoành hành trong nhân dân. Ngay những năm được mùa cũng thấy có nông dân đi bới những đống rác ở thành thị, tranh thức ăn thừa với chó. Còn khi mất mùa thì xác chết nông dân ngổn ngang ngoài đồng và trên đường.

Tình cảnh của nông dân ở miền Tây châu Phi và châu Phi xích đạo thuộc Pháp còn khủng khiếp hơn nữa. Gần 40 công ty chiếm những thuộc địa này. Họ chiếm tất cả: Ruộng đất, tài nguyên thiên nhiên, cả sinh mạng của dân bản xứ nữa. Nhân dân bản xứ thậm chí không có quyền làm việc cho mình. Họ buộc phải làm việc cho các công ty, bao giờ cũng thế và chỉ được làm việc cho các công ty mà thôi. Để bắt họ phải làm không công, các công ty đã dùng thủ đoạn cưỡng bức vượt quá sức tưởng tượng. Tất cả ruộng đất đều bị tịch thu hết. Chỉ có người nào chịu làm công việc do các công ty ấy đòi hỏi thì mới được một phần ruộng nhỏ. Ăn uống thiếu thốn đã làm cho họ mắc đủ thứ bệnh tật và chết rất nhiều, nhất là trẻ con.

Một phương pháp khác là bắt ông già, phụ nữ và trẻ con làm con tin. Chúng giữ những người này trong những căn nhà chật chội, đối xử tàn tệ, hành hạ họ, bắt nhịn đói và nhiều khi giết họ nữa. Ở một vài địa phương, số người bị bắt làm con tin thường xuyên lại nhiều bằng số người làm việc để đề phòng mọi mưu toan của những người làm việc tìm cách chạy trốn. Để công việc ở các đồn điền khỏi bị đình trệ, người ta cấm dân bản xứ không được cày cấy ruộng của mình kịp thời. Do đó, nạn đói và bệnh dịch thường xảy ra, tàn phá các thuộc địa.

Nếu một vài bộ lạc trốn vào rừng và tránh được ách bóc lột của bọn chủ đồn điền thì họ phải sống chẳng khác gì thú vật, họ ăn rễ củ và lá cây, chết vì sốt rét, vì khí hậu. Trong lúc ấy thì bọn chủ da trắng tàn phá đồng ruộng và làng mạc của họ để khủng bố. Sau đây là một đoạn trong cuốn sổ tay công vụ của một sĩ quan tả một cách vắn tắt, rõ ràng và thê thảm sự đàn áp nông dân bản xứ: Hành binh càn quét làng Côevan. Hành binh càn quét làng Phanốp Cunô, làng và vườn trại bị tàn phá. Hành binh càn quét làng Bêcannixơ, làng bị đốt trụi, 3.000 cây chuối bị chặt. Hành binh càn quét làng Cua, làng bị phá, vườn trại hoàn toàn bị phá trụi. Hành binh càn quét làng Abimaphan, tất cả nhà cửa đều bị đốt, vườn trại bị phá. Hành binh càn quét làng Examphami, làng bị phá. Các làng ven sông Bôm đều bị đốt.

Tại những miền châu Phi thuộc Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bồ Đào Nha cũng có một chế độ cướp bóc, làm phá sản, giết chóc và tàn phá một cách khủng khiếp như vậy. Ở Cônggô thuộc Bỉ, năm 1891 dân số là 25 triệu, thế mà đến năm 1911 chỉ còn có 8,5 triệu. Những bộ lạc Hererô và Cama ở thuộc địa cũ của Đức tại châu Phi đã hoàn toàn bị tiêu diệt, 8 vạn người bị giết trong thời gian Đức chiếm đóng và 15.000 người bị giết trong thời kỳ "bình định" năm 1914. Cônggô thuộc Pháp năm 1894 có 20.000 dân, thế mà đến 1911 chỉ còn có 9.700 người. Trong một vùng, năm 1910 có 10.000 dân, sau đó 8 năm chỉ còn được 1.080 người. Trong một vùng khác với 4 vạn dân da đen, chỉ trong 2 năm đã có 2 vạn người bị giết, nửa năm sau 6.000 người nữa lại bị giết và bị thương tật. Những vùng ven sông trù phú và đông đúc dân cư, chỉ sau 15 năm đã biến thành những miền hoang vu. Những mảnh xương tàn đã rải rác trắng khắp các ốc đảo và làng mạc bị tàn phá.

Tình cảnh những người còn sống sót thật khủng khiếp: Nông dân bị cướp mất phần ruộng bé nhỏ "để dành" của mình, thợ thủ công mất nghề, còn người chăn nuôi thì mất súc vật. Dân Matabêle là dân chăn nuôi nhiều súc vật trước khi người Anh đến, họ có tới 20 vạn súc vật có sừng. Hai năm sau chỉ còn 40.900 con. Dân Hererô có 9 vạn súc vật, trong vòng 12 năm bọn thực dân Đức đã cướp mất một nửa. Những trường hợp tương tự như vậy, xảy ra rất nhiều trong tất cả các nước da đen đã tiếp xúc với văn minh của người da trắng.

Để kết luận, tôi xin lấy một dẫn chứng của một người da đen là Rơnê Marăng, tác giả cuốn Batuala. Ông ta nói: "Châu Phi vùng xích đạo là nơi dân cư đông đúc, giàu cao su, ở đây có đủ các loại vườn trại trồng cây, gà và dê rất nhiều. Chỉ sau 7 năm mọi cái đều bị phá hoại. Làng mạc tan tành, vườn trại hoang tàn, gà và dê bị giết. Nhân dân bản xứ kiệt sức vì phải làm việc nặng nhọc liên miên và không công nên không đủ sức và không còn thời gian, dù là rất ít, để cày cấy ruộng đất. Bệnh tật phát sinh, nạn đói hoành hành, số người chết càng nhiều...

Nên biết rằng họ là con cháu của một bộ lạc khoẻ mạnh, thiện chiến, dẻo dai và đã được tôi luyện. Ở đây, nền văn minh đã tiêu tan...". Để bổ sung bức tranh bi thảm này, tôi xin thêm một điểm là chủ nghĩa tư bản Pháp không hề ngần ngại đẩy cả một khu vực vào cảnh đói kém, nếu việc đó có lợi cho nó. Trong nhiều nước thuộc địa, ví dụ như Rêuyniông, Angiêri, Mađagátxca, v.v., người ta không trồng ngũ cốc nữa, mà lại phải trồng những thứ khác cần cho nền công nghiệp của Pháp. Những thứ này có lợi hơn cho chủ đồn điền. Điều đó làm cho đời sống ở thuộc địa rất đắt đỏ và luôn luôn xảy ra nạn đói.

Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.

(Trích trong cuốn Đại hội toàn thế giới lần thứ V Quốc tế Cộng sản)

7. Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất

(Trích)

1. Trách nhiệm của cán bộ cung cấp thế nào?

Mỗi người cán bộ cung cấp nói riêng và Tổng cục cung cấp nói chung, phải phụ trách trước bộ đội, trước nhân dân, trước Đảng, trước Chính phủ. Nhân dân thi đua đóng góp cho Chính phủ, Chính phủ lo ngày lo đêm giao cho các chú cung cấp cho bộ đội. Bộ đội mong chờ các chú. Các chú làm tròn trách nhiệm là tốt. Các chú làm không tròn là có lỗi với Đảng, với Chính phủ, với bộ đội, với nhân dân. Muốn làm tròn nhiệm vụ, cán bộ cung cấp trước hết phải có tinh thần trách nhiệm, cố gắng vượt mọi khó khăn làm cho bộ đội no ấm, đủ súng đạn, đủ sức khỏe để đánh giặc.

2. Tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội.

Trước hết nói về tăng gia sản xuất. Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tăng gia. Bộ đội đánh thắng giặc thu được nhiều chiến lợi phẩm, đấy cũng là tăng gia.

Các chú đã hiểu rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, muốn thắng lợi phải trường kỳ gian khổ, muốn trường kỳ phải tự lực cánh sinh. Tăng gia là một bộ phận trong chính sách tự lực cánh sinh.

Nói chung tiết kiệm cái gì? Tiết kiệm sức người như dân công, tiết kiệm tiền, tiết kiệm của. Mọi thứ đều phải tiết kiệm, tăng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia thì lấy gì mà tiết kiệm? Mục đích tiết kiệm không phải là bớt ăn, mà là thêm ăn, làm cho bộ đội no. Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức.

Để giúp cho việc tăng gia và tiết kiệm thành công, việc chi thu phải đúng mức, đi đến thu nhiều chi ít, nhưng chúng ta phải đi dần dần, bây giờ phải chi thu đúng mức. Làm việc gì phải làm cho kết quả, trong phạm vi số tiền đã định, nếu làm tròn việc ấy mà không hết số tiền đã định là các chú có công. Khoản nào phải để vào khoản ấy, không được đem khoản nọ tiêu nhằng sang khoản kia...

(Trích trong cuốn Những bài viết và nói về quân sự)

8. Kế hoạch gia đình

Chính phủ và Đảng mở phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nền tảng sản xuất và tiết kiệm là gia đình, (và đơn vị bộ đội). Các địa phương, như Liên khu Việt Bắc, đã huấn luyện hơn 187.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và đồng bào về việc lập kế hoạch gia đình. Như thế là tốt. Nhưng ...

Từ trước đến nay, gia đình nào cũng có kế hoạch thô sơ, như: Chăn nuôi thứ gì, mùa nào trồng gì, mấy sào mấy mẫu, v.v.. Nơi nào cán bộ hiểu biết tình hình, chịu khó giải thích cho đồng bào rõ, thiết thực giúp đồng bào sắp xếp kế hoạch thô sơ ấy cho có ngăn nắp hơn, để đồng bào tự giác tự động thực hành, và cán bộ luôn luôn theo dõi, khuyến khích, thì đều thu được kết quả tốt.

Nhưng có nhiều nơi cán bộ không biết làm như vậy. Họ không sát thực tế, không giải thích kỹ lưỡng. Họ dùng cách quan liêu, mệnh lệnh ép buộc đồng bào học tập chương trình sản xuất và tiết kiệm. Họ bao biện việc lập kế hoạch gia đình.

Họ máy móc, như giúp một gia đình ở nông thôn làm kế hoạch mà họ bắt kê thu và chi rất tỉ mỉ, dài hàng sải, rất phiền phức, như kế hoạch của một hãng buôn lớn. Họ chủ quan, tưởng như thế là thành công rồi. Sự thực thì kế hoạch ấy, đồng bào không hiểu, không thực hiện được. Đó là một kế hoạch "hữu danh vô thực". Thậm chí có nơi, có đồng bào còn tưởng lầm rằng: Sản xuất nhiều, Chính phủ sẽ đánh thuế nhiều! Hoặc: Chính phủ đánh thuế nông nghiệp hai lần! Thế mà những cán bộ kia cũng không biết giải thích cho ra lẽ để đồng bào rõ.

Nói tóm lại: Kế hoạch gia đình là một điều rất hay, rất tốt, ích nước lợi dân. Nhưng cán bộ phải biết chuẩn bị, giải thích, đánh thông tư tưởng giúp đồng bào tự giác tự động làm, tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, biết theo dõi, đôn đốc, thì mới chắc chắn thành công.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 71, ngày 21-8-1952)

9. Điện gửi Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp định thử bom nguyên tử ở Xahala

Kính gửi: Ban Thư ký thường trực Hội đồng đoàn kết nhân dân Á - Phi, Lơ Ke.

Nhân dịp khai mạc Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp dự định thử bom nguyên tử ở Xahara, tôi xin gửi đến Hội nghị lời ủng hộ nhiệt liệt.

Việc Chính phủ Pháp sắp thử vũ khí nguyên tử ở Xahara sẽ đe dọa nghiêm trọng đời sống của hàng trăm triệu nhân dân Châu Phi, và đi ngược lại nguyện vọng thiết tha với hòa bình của toàn thể loài người. Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa triệt để ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Châu Phi nhằm buộc Chính phủ Pháp phải bỏ việc thử vũ khí nguyên tử ở Xahara, phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc châu Phi được sống yên ổn và tôn trọng nền hòa bình thế giới.

Tôi chúc Hội nghị thành công.

(Đăng Báo Nhân Dân, số 2000, ngày 07-9-1959)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: