Tờ "Người cùng khổ" - tờ báo Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập năm 1922
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam. Người đã vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như những kinh nghiệm quý báu của nhân dân các dân tộc trên thế giới vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta làm lên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám và chiến thắng lừng lẫy địa cầu Điện Biên Phủ, chuẩn bị các điều kiện tiền đề về tư tưởng, tinh thần và vật chất cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng, của dân tộc ta. Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lỗi lạc của nhân loại trong thế kỷ XX theo nghĩa đầy đủ nhất của những danh hiệu cao quý đó. Người còn là nhà báo cách mạng số một, Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu kể từ bài báo đầu tiên vấn đề dân bản xứ đăng trên tờ ngày 02/8/1919, thì trong suốt 60 năm vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo các loại, 276 bài thơ cả bằng chữ Việt và chữ hán, gần 500 trang truyện và ký. Không chỉ viết, Hồ Chí Minh cũng là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng trong những thời kỳ khác nhau.
Sau đây Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc khái quát về hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tiểu phẩm báo chí tiêu biểu của Người để thấy được sự đặc sắc trong tiểu phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phản ánh thái độ phê phán nghiêm khắc đối với kẻ thù dân tộc, cái nhìn sâu sắc, tinh tế đối với hiện thực xã hội mà còn thể hiện một phương pháp tư duy sắc sảo, một ngòi bút tài hoa và điêu luyện.
Phần I: Khái quát về hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có thể chia hoạt động sáng tạo báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành bốn thời kỳ chủ yếu, phù hợp với những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam.
1. Thời kỳ thứ nhất, từ 1919 đến 1930
Đây là thời kỳ người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đang bôn ba khắp đất chân trời Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á quan sát, nghiên cứu lần tìm trong những kinh nghiệm, những học thuyết đương thời một con đường cứu nước, cứu dân. Từ thực tiễn sinh động của thời đại, Người đã đi đến một kết luận là: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Từ đây bắt đầu nỗ lực phi thường của Người nhằm truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị tiến tới thành lập một Đảng cách mạng kiểu mới để lãnh đạo nhân dân vùng lên phá ách nô lệ, giành độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc, cho đất nước. Trong suốt thời kỳ này, Người lấy tên gọi đồng thời là bút danh chính thức Nguyễn Ái Quốc, tức là Người yêu nước.
Trong thời kỳ thứ nhất, hoạt động sáng tạo báo chí của Nguyễn Ái Quốc tập trung vào hai chủ đề là tố cáo, lên án sự thối nát, bất công, vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ thống trị của chúng đối với các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam: Tuyên truyền giới thiệu tư tưởng Mác–Lênin, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tập hợp tổ chức, lực lượng chuẩn bị cho cuộc cách mạng trong tương lai. Các tác phẩm báo chí thuộc chủ đề thứ nhất chủ yếu đã được đăng tải trên các tờ báo “Le Paria” “L’Humanité”, “La Vie Ouvriére”, tập san “Imprekor” và một số ấn phẩm khác trong khoảng thời gian Người hoạt động ở Pháp, Liên Xô và Trung Quốc. Cuốn sách nổi tiếng: “Bản án chế độ thực dân Pháp” được viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lầu đầu tiên tại Pa-ri năm 1925. Tác phẩm được viết dựa trên những tư liệu và bài viết của Hồ Chí Minh đã đăng trên các tờ báo “Le Paria” “L’Humanité”, “La Vie Ouvriére”. Một số bài viết hay nhiều đoạn trong các bài viết đã đăng trên báo Le Paria được đưa nguyên văn vào sách. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Hồ Chí Minh thực sự là một cáo trạng đanh thép, vạch mặt, lên án chế độ cai trị độc ác, dã man đẫm máu và nước mắt của thực dân Pháp tại Đông Dương. Hơn thế nữa “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã thể hiện nhận thức chín muồi của Người về điều kiện cần thiết và con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là sự “hợp tác” giữa lao động ở các thuộc địa với “giai cấp vô sản phương Tây” và liên minh gữa các dân tộc thuộc địa “để tạo thành một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”.
Cuốn sách nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này là “Đường kách mệnh”. Cuốn sách này tập hợp các bài giảng của Người cho các lớp học chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc trong thời gian từ 1925-1927. “Đường kách mệnh” là sự nối tiếp, phát triển hợp logic những tư tưởng, quan điểm của “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Đây là những bài học về cách mạng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về con đường giải phóng dân tộc, con đường xây dựng đất nước đi tới độc lập, tự do, phồn vinh và hạnh phúc đã được Người diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu, có sức thu phục lòng người. “Đường kách mệnh” được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành sách vào đầu năm 1927.
Không chỉ viết báo, Hồ Chí Minh còn trực tiếp tổ chức, sáng lập các tờ báo “Le Paria” ở Pháp, “Thanh niên”, “Công nông”, “Lính kách mệnh” ở Trung Quốc… Năm 1928, sau khi đến Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đổi tên tờ “Đồng thanh” thành “Thân ái” và trực tiếp chủ đạo việc ra báo. Tờ báo này là diễn đàn chi nhánh Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Thái Lan. Năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đến Hương Cảng để chuẩn bị cho việc thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người đã trực tiếp chỉ đạo tờ báo “Đỏ” – cơ quan của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại Trung Quốc. Ở những tờ báo này, Người vừa làm Tổng Biên tập hay trực tiếp chỉ đạo, vừa tổ chức bài vở, in ấn, phát hành các tờ báo với mục đích rõ ràng là truyền bá những tư tưởng cách mạng vào trong nước, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong nhân dân, chuẩn bị hàng ngũ đấu tranh nhằm thực hiện lý tưởng cứu nước, cứu nhà.
Báo “Thanh niên” là tờ báo có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Nó không chỉ là điểm mốc mở đầu cho nền báo chí cách mạng mà còn là sản phẩm báo chí đầu tiên được sử dụng với ý nghĩa đầy đủ phương tiện truyền bá chủ nghĩa Mác–Lênin vào Việt Nam, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân cần lao và cũng là cơ quan liên lạc, tổ chức, chuẩn bị lực lượng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo “Thanh niên” ra số 1 vào ngày 21-6-1925. Thời kỳ đầu báo được in ở Quảng Châu, Trung Quốc rồi được chuyển về trong nước theo các đường dây liên lạc bí mật. Báo ra vào Chủ nhật hàng tuần, mỗi số thông thường có 4 trang, khổ giấy 13x19. Mỗi số báo cũng chỉ nhân ra vài trăm bản. Trên mặt báo có các mục như: Xã luận, bình luận, phụ nữ đàm, vấn đáp, thơ ca, phê bình, trả lời bạn đọc… Cùng tham gia viết trên báo “Thanh niên” còn có các cây bút như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh….
Tờ "Thanh Niên" - tờ báo cách mạng đầu tiên ở Việt Nam.
Trong hơn 200 số báo “Thanh niên”, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo 88 số đầu, tức là trong khoảng thời gian từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927. Khi Công xã Quảng Châu bùng nổ vào tháng 4-1925, chính quyền Tưởng Giới Thạch đàn áp phong trào, lùng bắt các nhà cách mạng Trung Quốc và cả những nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại đây. Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời Quảng Châu đi Liên Xô và những người đồng chí, học trò của Người ở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tiếp tục xuất bản báo “Thanh niên” cho đến tháng 5-1929. Về 88 số báo “Thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, Giám đốc Sở Mật thám Đông Dương lúc đó là Louis Marty đã nhận xét trong bản báo cáo gửi Bộ Thuộc địa Pháp: “Những tờ báo “Thanh niên” đầu tiên nhấn mạnh về sự đoàn kết nội bộ, nhờ đó mà đoàn kết nội bộ, nhờ đó mà đoàn thể có sức mạnh và những cá nhân trong đoàn thể làm việc có kết quả hơn. Đồng thời, báo cũng cổ vũ tinh thần độc lập dân tộc, lòng yêu nước mà người Việt Nam lúc bấy giờ đang háo hức chờ dịp để thi thố. Sau đó tờ báo giúp bạn đọc nhận định về tình hình thế giới, đặc biệt là những biến chuyển vừa xảy ra trong lịch sử các cường quốc… Tờ báo hướng dẫn từ từ cho mọi người hiểu rằng hiện nay trên thế giới đã có nước Nga theo chế độ Xô-viết, dân ở nước Xô-viết ấy sống tự do, hạnh phúc. Nguyễn Ái Quốc người chủ biên tờ báo “Thanh niên”, tỏ ra kiên nhẫn, suốt trong 60 số báo đầu để cho bạn đọc chuẩn bị tinh thần và tình cảm rồi sau cùng mới bày tỏ công khai chủ trương của mình: Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể đem lại hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam”.
Với việc sáng lập, tổ chức hoạt động báo “Thanh niên” và sau đó là việc xuất bản một số tờ báo cách mạng khác, Nguyễn Ái Quốc đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí này trong suốt tiến trình cách mạng của đất nước sau này.
2. Thời kỳ thứ hai: Từ năm 1930 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Đây là thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự tổ chức và chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp tổ chức, vận động cách mạng trong nước, giương cao ngọn cờ cách mạng vô sản, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh, vượt qua những gian nan, thoái trào, kiên quyết chống thực dân, phong kiến, giành tự do, độc lập cho dân tộc, đất nước. Đây cũng là thời kỳ hoạt động đầy gian nan và nguy hiểm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, trong đó có một năm từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943, Người bị giam cầm, đày ải trong các nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc.
Trong thời kỳ này chỉ có những năm 1936-1939 khi mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Pháp không khí chính trị ở Đông Dương phần nào được cởi mở, Đảng có điều kiện tranh thủ cử cán bộ ra báo công khai. Suốt thời gian còn lại, chế độ thực dân Pháp bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, đàn áp, khủng bố gắt gao mọi hoạt động của Đảng Cộng sản. Các báo chương của Đảng đều phải xuất bản và phát hành bí mật. Để tránh nguy hiểm, các tác giả không đề tên dưới các bài viết đăng trên các báo và tạp chí. Vì thế, việc xác định các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên các báo, tạp chí bí mật của Đảng là rất khó khăn. Ví dụ, thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã xuất bản tạp chí “Đỏ”. Tạp chí được xuất bản tại Trung Quốc, số ra đầu tiên ngày 5-8-1930. Căn cứ vào cách dùng chữ cái trong các bài đánh máy như “c” thay bằng “k”, “ph” thay bằng “f”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thành nhận định: “Rất có thể là tạp chí này đặt dưới sự chỉ đạo, biên tập của Nguyễn Ái Quốc”.
Tháng 12-1938 đến tháng 7-1939 trên báo “Notre voix” (Tiếng nói của chúng ta), xuất hiện một số bài báo dưới đề mục chung: “Thư từ Trung Quốc”, ký tên là Line. Đó chính là những bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc. Những bài báo này hình thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 5 bài báo nói về những hành động dã man của quân xâm lược Nhật và tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Trung Quốc chống lại chúng. Một trong số 5 bài báo này (bài người Nhật Bản muốn khai hóa Trung Quốc như thế nào?) đã được báo “Dân chúng” dịch và đăng toàn văn trong 3 số báo 46,47 và 48 ra vào các ngày 21,24 và 28-01-1939 dưới đầu đề “Những sự hung tàn của đế quốc Nhật”. Nhóm thứ hai gồm ba bài phản ánh tình hình hoạt động của những phần tử Tơ-rốt-x-kít tại Trung Quốc.
Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc viết một loạt 10 bài báo đăng trên tờ “Cứu vong nhật báo” của Trung Quốc với bút danh Bình Sơn. Đây là những tiểu phẩm ngắn gọn, với cái nhìn sắc sảo, cách viết châm biếm về các sự kiện liên quan đến cục diện của các quốc gia đế quốc, thực dân vào thời điểm mà phát xít Đức bắt đầu phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai. Những tiểu phẩm này thể hiện phong cách nhất quán với các tiểu phẩm của Người đã viết trong thời kỳ hoạt động tại Pháp trước năm 1930 cũng như các tiểu phẩm báo chí của Người công bố sau năm 1945. Đó là cách tiếp cận các vấn đề, sự kiện một cách sắc sảo, bất ngờ, sự lý luận giản dị mà thông minh, sự châm biếm dí dỏm mà sâu cay.
Dấu ấn nổi bật trong hoạt động sáng tạo báo chí thời kỳ này của Hồ Chí Minh là việc thành lập, tổ chức hoạt động tờ "Việt Nam độc lập". Sự ra đời của tờ báo "Việt Nam độc lập" gắn liền với việc đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước, phát triển cơ sở cách mạng ở Cao Bằng và triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 5-1941 nhằm hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, phát động phong trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ. Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 4 năm 1959, trong câu chuyện kể về làm báo "Việt Nam độc lập", Người nói: “Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lê-nin là: Tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Ngày 01-4-1941 báo "Việt Nam độc lập" do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên đánh số 101 với ý nghĩa là sự tiếp nối của những tờ báo cách mạng trước đó. Lúc đầu, bảo là cơ quan của tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Từ sau số 186 (tức là số 086) "Việt Nam độc lập" trở thành cơ quan của Liên tỉnh bộ Việt Minh 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Sau khi Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc tháng 8 năm 1942, đồng chí Phạm Văn Đồng ở lại phụ trách cho đến tháng 4 năm 1945. Nguyễn Ái Quốc không chỉ tổ chức, chỉ đạo mà còn trực tiếp viết bài, sửa bài, Tham gia trình bày, in và phát hành tờ báo. Ngoài những bài thông tin, chính luận, Người còn viết và đăng trên "Việt Nam độc lập" nhiều tác phẩm thơ, diễn ca, trong đó có một loạt bài theo thể lục bát, động viên cổ vũ các tầng lớp, lứa tuổi nhân dân đứng lên đoàn kết đấu tranh, cứu nước, cứu nhà.
3. Thời kỳ thứ ba từ tháng 8 năm 1945 đến năm 1954
Đây là thời kỳ mà hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp từ năm 1946 đến 1954. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta lại bước vào thử thách mới. Quân đội Tàu - Tưởng tràn vào phía Bắc kéo theo bọn tay sai gây rối, phá hoại với mưu đồ giành quyền lãnh đạo. Phía Nam, Quân đội Pháp núp sau quân đội Anh kéo vào gây hấn hòng thiết lập lại nền thống trị đã mất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc dũng cảm đứng lên một lần nữa, bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, vượt qua những khốc liệt và hy sinh để đi tới Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong thời kỳ này, sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phong phú. Tác phẩm của Người vừa nhiều, đa dạng, nhiều loại hình, thể loại khác nhau, vừa bám sát từng ngày, từng giờ thực tế sinh động, hào hùng của cuộc kháng chiến của dân tộc. Bắt đầu từ năm 1947, Người đều đặn có thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước. Mỗi bài thơ Tết của Người như phương châm, quyết sách của cả năm, như mệnh lệnh chiến đấu, như hồi kèn xung trận thúc giục, động viên quân và dân ta tiến lên trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Nhằm kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân trong đấu tranh cách mạng và lao động, sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một số tập sách như: “Sửa đổi lề lối làm việc” (1947), “Cần kiệm liêm chính” (1949), “Thường thức chính trị” (1953)…. Những tập sách này đều được thể hiện bằng văn phong giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với nhân dân lao động.
Do trách nhiệm công tác nặng nề cũng như sự phát triển của tổ chức kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh không trực tiếp lãnh đạo các tòa soạn báo mà chỉ viết bài đăng trên các báo: “Sự thật”, “Cứu quốc”, “Nhân dân”, “Vệ quốc quân”, “Tập san Sinh hoạt nội bộ”… Chiếm vị trí nổi bật trong các tác phẩm báo chí thời kỳ này là hàng trăm bài báo của Người thể hiện quan điểm chỉ đạo kịp thời đối với những vấn đề thời sự, những lĩnh vực quan trọng của công cuộc kháng chiến, kiến quốc như: “Chiến lược của quân ta và quân Pháp” (Cứu quốc, 13-12-1946), “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” (Sự thật, 26-6-1947), “Giữ bí mật” (Sự thật, 30-7-1948), “Dân vận” (Sự thật, 15-10-1949), “Tự phê bình” (Nhân dân, 20-5-1951), “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta” (Nhân dân, 5-7-1951), “Tổ quốc độc lập tôn giáo mới tự do” (Nhân dân, 6-12-1951), “Chống quan liêu, tham ô, lãnh phí” (Nhân dân, 31-7-1952), “Phóng tay phát động quần chúng” (Nhân dân, 01-3-1953), “Công tác cầu đường” (Nhân dân, 21-6-1953), “Ra sức giữ đê phòng lụt” (Nhân dân, 16-7-1953), “Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan” (Nhân dân, 6-4-1954), “Mấy khuyết điểm của báo chí ta” (Nhân dân, 01-5-1954)… Ngòi bút của Người bao quát rộng lớn những vấn đề có ý quan trọng đang đặt ra, phân tích một cách sắc sảo, cụ thể, đánh giá rõ ràng, xác đáng, đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho việc giải quyết.
Nhiều bài báo trong số này trở thành kinh điển, có tác dụng chỉ đạo đối với những lĩnh vực công tác của Đảng, chính quyền, đoàn thể, có ý nghĩa thời sự nóng hổi ngay cả ở thời điểm hiện nay.
“Dân vận” (Báo Sự thật, 15-10-1949) là một ví dụ tiêu biểu. Đây là một bài báo ngắn xấp xỉ khoảng 700 từ, được chia thành bốn mục rất rõ ràng, chặt chẽ về logic: I- Nước ta là nước dân chủ, II- Dân vận là gì?, III- Ai phụ trách dân vận?, IV- Dân vận phải thế nào? Tất cả những vấn đề quan trọng, căn bản, từ bản chất chế độ nhà nước, khái niệm, yêu cầu của công tác dân vận đến những người chịu trách nhiệm thực hiện công tác dân vận và thực hiện như thế nào, đều được Hồ Chí Minh trình bày rõ ràng, cô đọng, dễ hiểu và đặc biệt chính xác, tiết kiệm ngôn từ, Người viết:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.”
Rõ ràng, đây là những vấn đề bản chất và mang tính nguyên tắc của nhà nước dân chủ nhân dân. Sự khẳng định rõ ràng, chắc chắn những bản chất và nguyên tắc ấy là cơ sở để Người đi tới sự cần thiết và thực chất của công tác dân vận là một lộ trình gồm tất cả các khâu: “Giải thích, làm rõ từng việc; bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; đặt kế hoạch thiết thực; động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành; theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích và cuối cùng là khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Do tính chất đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nên Hồ Chí Minh đòi hỏi tất cả mọi người cán bộ trong tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể đều phải làm công tác này theo tác phong “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Người đi đến kết luận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực tiễn trong những năm đổi mới xây dựng và phát triển đất nước vừa qua đã thêm một lần nữa chứng minh cho tính đúng đắn của những luận điểm trong bài báo Dân vận. Ở nơi nào, đội ngũ cán bộ gương mẫu, sống hòa nhập với nhân dân, làm tốt công tác dân vận, ở đó tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Ngược lại, ở đâu cán bộ tiêu cực, xa dân, không động viên được sức dân, không tạo được niềm tin của dân, ở đó kinh tế - xã hội chậm phát triển, chính trị - xã hội bất ổn định. Vì thế, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên ý nghĩa chỉ đạo và tính chất thời sự nóng hổi.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, với bút danh Q.Th, Hồ Chí Minh cho đăng trên báo Cứu quốc tám bài viết dưới đề mục chung “Binh pháp Tôn Tử” và hàng chục bài báo khác về nghệ thuật và phương pháp tiến hành các hoạt động quân sự. Nếu tập hợp những bài viết này lại sẽ thành một cuốn giáo trình quân sự với khả đầy đủ các nội dung cần thiết như: “Hình thức chiến tranh ngày nay, kế hoạch phát triển, chiến lược, chiến thuật, phương pháp tác chiến, phương pháp dùng gián điệp, vấn đề quân nhu và lương thực, các thứ binh khí của lục quân, phương pháp đánh giữ và tiến thoái, địa hình, địa thế, phương pháp hành quân trên các địa hình...”. Với việc viết và cho đăng những bài báo này có thể thấy rằng Hồ Chí Minh đã có dự đoán về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra và Người đã chủ động thông qua tờ báo để bồi dưỡng những hiểu biết về quân sự cho cán bộ và nhân dân.
Ngay trong điều kiện kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, tác phong, chống những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ. Ngày 19-9-1945, tức là sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội mới tròn một tháng, Người viết bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên báo Cứu quốc. Nội dung bài báo khẳng định tính chất ưu việt của Chính phủ nhân dân và các ủy ban nhân dân, chỉ ra một cách hết sức cụ thể những việc nó không làm được như: Tự ý tiêu tiền vào những việc xa sỉ như ăn uống, lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc với mình… bài báo không chỉ có ý nghĩa giáo dục đối với nhân dân, mà còn có tác dụng như một sự định hướng, cảnh báo đối với những cán bộ từ tất cả các vị trí trong bộ máy nhà nước nhân dân. Trong những năm kháng chiến sau đó, Người đã có hàng chục bài báo chống lại bệnh quan liêu như: “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” (Sự thật, 02-9-1950), “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh…” (Nhân dân, 02-9-1952), “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” (31-7-1952), “Phải chống bệnh quan liêu” (Nhân dân, 06-6-1953)…
Một loạt các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh cũng xuất hiện trong thời kỳ này trong đó châm biếm, mỉa mai, lên án những hành động tàn ác, những thất bại thảm hại của thực dân xâm lược Pháp và bè lũ tay sai bán nước cũng như các thế lực đế quốc phản động trên thế giới. Những tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh đều ngắn gọn, văn phong giản dị, lập luận sắc sảo và bám sát những sự kiện thời sự nóng hổi. Có thời gian Người viết khá nhiều - năm 1952 có 28 tiểu phẩm đăng trên các báo Nhân dân, Cứu quốc. Chỉ riêng tháng 7 năm 1952, Người viết 8 tiểu phẩm. Có những bài viết của Người thực sự trở thành mẫu mực của thể loại tiểu phẩm báo chí. Ví dụ tiểu phẩm Tu-ma đầu bò, tác phẩm được bắt đầu bằng một câu giao tiếp thật giản dị và gần gũi: Nhiều bạn đọc bảo: D.X nói chính trị nhiều rồi, hôm nay hãy nói một chuyện gì hay hay, tức cười cho bà con nghe. Và sau đó đúng là một câu chuyện hay hay, tức cười. Chuyện kể về hai người lính một lính Nga, một là lính Mỹ cùng đứng gác ở hai bên đường phân giới Đông và Tây Berlin. Họ cùng khoe và chứng minh về sự tự do, dân chủ ở nước mình. Người lính Mỹ khoe rằng anh ta có thể nói với Tổng thống Tu-ma rằng ông ta là “đầu bò”. Người lính Nga khoe rằng, anh ta có thể về nước nói với đồng chí Xít-ta-lin rằng “Tu-ma là đầu bò” mà vẫn không bị phạt. Logic vận động của tiểu phẩm đơn giản đến bất ngờ và chính sự đơn giản đến bất ngờ ấy tạo nên sự dí dỏm và đặc sắc của nó. Tiểu phẩm thật ngắn gọn và cô đọng với 183 âm tiết. Cách viết tự nhiên, nhẹ nhàng, không một chút làm duyên nhưng lại tạo ra sự gần gũi, đồng cảm với người đọc, từ đó làm lên sức cuốn hút của tác phẩm. Có thể coi đây là một trong những tiểu phẩm báo chí mẫu mực của Hồ Chí Minh.
Ngay từ đầu năm 1949, trong tiểu phẩm “Thêu gấm và cho than”, Hồ Chí Minh đã lên án thói tráo trở của nhà cầm quyền nước Mỹ trong quan hệ với chính quyền Tưởng Giới Thạch. Từ năm 1951 trở đi, Người đã viết và đăng trên báo Nhân dân một loạt tiểu phẩm, trực tiếp vạch mặt, châm biếm những biểu hiện xấu xa của xã hội Mỹ, những hoạt động gây chiến tranh của các thế lực phản động Mỹ, cảnh báo và lên án những âm mưu của đế quốc Mỹ chống lại cách mạng Việt Nam. Điều ấy cho thấy nhãn quan chính trị sắc bén, tinh tường, ý thức cảnh giác cách mạng cao của Người.
4. Thời kỳ thứ tư từ cuối năm 1954 đến năm 1969
Lịch sử thời kỳ này đặt dân tộc chúng ta trước những thử thách khắc nghiệt chưa từng thấy. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ tiếp tay che chở cho bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại hiệp định Giơnevơ, thực hiện dã tâm chia cắt đất nước, phục vụ cho mưu đồ, tham vọng của Mỹ - biến miền Nam Việt Nam thành cứ điểm ngăn chặn dòng thác cách mạng tràn xuống phía Nam bán cầu. Những màu sắc tươi mới vừa thành hình sau 10 năm xây dựng và phát triển miền Bắc thì đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ (05-8-1964), phát động cuộc chiến tranh bắn phá bằng không quân và hải quân với ý đồ mang sức mạnh vũ khí đè bẹp ý chí đấu tranh của nhân dân ta. Việt Nam trở thành nơi đối đầu lịch sử giữa cách mạng và phản cách mạng. Cả nước trở thành một chiến trường, hai miền cùng bước vào cuộc chiến đấu ác liệt một mất, một còn chống lại tên đế quốc đầu sỏ cùng một lũ lâu la tay sai theo đóm ăn tàn, tâng công quan thầy. Càng trong thử thách khốc liệt, tinh thần quật cường của dân tộc càng bùng lên sáng chói hơn bao giờ hết. Việt Nam trở thành lương tâm của nhân loại. Tinh thần chiến đấu ngoan cường của Việt nam trở thành tấm gương cổ vũ nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng dậy đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do và hòa bình.
Trong thời kỳ này, Hồ Chí Minh viết hàng trăm bài báo đăng trên các báo, tạp chí trong nước (chủ yếu là báo Nhân dân và nước ngoài). Bút danh được Người sử dụng nhiều nhất là Trần Lực, T.L, Chiến sỹ. Người chỉ ghi bút danh Hồ Chí Minh trong một số bài viết cho các báo, tạp chí nước ngoài. Vẫn tập trung vào hai chủ đề chính là xây dựng đất nước và đấu tranh giải phóng dân tộc, tuy nhiên ngòi bút của Người bao quát rộng lớn những vấn đề, sự kiện rất phong phú, có tính thời sự nóng hổi. Ở chủ đề thứ nhất, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt cho những vấn đề cấp thiết trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tháng 3-1960, Người có loạt bài đăng trên báo Nhân dân về phương châm phát triển sản xuất: Nhiều (03-3-1960), Nhanh (05-3-1960), Tốt (09-3-1960), Rẻ (11-3-1960). Trong mỗi bài, Người đều giải thích nội dung thực chất và cách thức làm thế nào để thực hiện được phương châm đó. Trong bài “Tốt”, Người giải thích rất đơn giản, cụ thể mối quan hệ giữa nhiều, nhanh với tốt, rẻ và tác hại của việc không thực hiện đầy đủ thống nhất các yêu cầu đó. Cuối cùng, Người đi đến kết luận:
“Làm nhanh mà không tốt,
Có gì là vẻ vang?
Đã là người làm chủ,
Tính toán phải đàng hoàng:
Nhiều, nhanh, tốt, rẻ rõ ràng
Lợi dận, lợi nước đôi đàng vẹn đôi”.
Lời kết luận tác phẩm bằng thơ là cho vấn để trở nên nhẹ nhàng, dễ thu hút sự quan tâm của người đọc, làm cho người đọc dễ tiếp nhận, dễ nhớ. Chỉ riêng việc trồng cây, Hồ Chí Minh đã có sáu bài báo: Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở (Nhân dân, 30-5-1959); Tết trồng cây (Nhân dân, 28-11-1959); Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây (Nhân dân, 23-5-1960); Tết trồng cây (Nhân dân, 28-01-1961); Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây (Nhân dân, 01-01-1965); Tết trồng cây (Nhân dân, 05-2-1969). Có những bài viết của Người đề cập những vấn đề rất cụ thể hoặc có tính thời vụ: Phải thi đua chống hạn; Diệt sâu, để vụ mùa thắng lợi; Chống mổ bò bừa bãi; Mừng Tết Nguyên đán như thế nào; Cần phải tổ chức ngay đội thuỷ lợi; Phải sẵn sàng phòng chống bão lụt; Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán; Phải cấy chiêm xong trước Tết; Cần phải chăm sóc tốt trâu bò trong vụ rét sắp tới... Đó là những bài báo có ý nghĩa chỉ đạo đối với cơ sở, vừa động viên nhân dân trong việc giải quyết những yêu cầu cụ thể, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp 100 trong sản xuất nông nghiệp và tổ chức đời sống xã hội.
Một lĩnh vực được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân và giáo dục cán bộ, đảng viên. Một loạt bài báo của Hồ Chí Minh đề cập những vấn đề có tính nguyên tắc về Đảng, chính quyền nhân dân, về yêu cầu giáo dục, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, biểu dương những tấm gương tốt, những biểu hiện tích cực, phê phán những sai lầm, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân. Tác phẩm đạo đức cách mạng tạp chí học tập, số 12 năm 1958 có vị trí đặc biệt trong loạt bài này. Đây là một bài viết có tính tổng kết lý luận, trình bày các khía cạnh nội dung, biểu hiện của vấn đề đạo đức cách mạng một cách có hệ thống. Trong bài báo, Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức cách mạng là yêu cầu tất yếu của người cách mạng. Không có đạo đức cách mạng, người cách mạng không thể hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề của một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sau khi phân tích, làm rõ nội dung và những biểu hiện của đạo đức cách mạng, chỉ ra những điều kiện, phương pháp tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, Người nhấn mạnh: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có thể nói, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền cũng là một vấn đề được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngay từ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, qua các bài báo của mình, Người đã cảnh cáo về tệ quan liêu, tham ô, lãng phí trong đội ngũ cán bộ và yêu cầu: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc” (Chống quan liêu, tham ô, lãng phí – Nhân dân, 31-7-1952). Trong thời kỳ 1955 - 1969, Người tiếp tục mối quan tâm này với nhiều bài báo trong đó yêu cầu đẩy mạnh phê bình và tự phê bình thực hành dân chủ, coi đó là giải pháp để khắc phục tệ quan liêu tham ô, lãng phí (Tự phê bình, phê bình, sửa chữa; Phải xem trọng ý kiến của quần chúng; Chiếc chìa khóa vạn năng). Trong tác phẩm Chiếc chìa khóa vạn năng Hồ Chí Minh khẳng định: Thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn… quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô.
Chủ đề lớn thứ hai đấu tranh chống Mỹ cứu nước, được Hồ Chí Minh thể hiện chủ yếu bằng thể loại tiểu phẩm. Các tiểu phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ này bám sát từng bước đi, từng thất bại của đế quốc Mỹ trên con đường tăm tối chống phá các lực lượng cách mạng dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Ngòi bút sắc sảo, cái nhìn tinh tường của Người luôn phát hiện được những sự kiện, hiện tượng thể hiện đúng bản chất, dã tâm của kẻ thù để ra đòn với tiếng cười châm biếm, tố cáo, vạch mặt chúng. Một loạt các tiểu phẩm đặc sắc của Người được đăng trên các báo, chủ yếu là báo Nhân dân như: Một tin tức lạ; Trong trần ai, ai cũng ghét ai; Đạo đức Mỹ; Đốp! đốp! Hòa Bình kiểu Mỹ tức là binh hỏa; Quân Mỹ nhăn răng cười; Tin mừng cho lính Mỹ; Đại bại tướng vét mỡ lợn cút về nước mẹ Hoa Kỳ… Ngoài các tiểu phẩm chống kẻ thù, Người cũng có viết một số tiểu phẩm phê bình những thói hư, tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ nhân dân, cán bộ ta. Cùng là cái cười châm biếm, xong trong các tác phẩm này sự phê phán của Người lại mang tính bao dung, xây dựng, khuyến khích sửa chữa khắc phục. Đó là các tác phẩm: Làm thế nào cho lạc thêm vui; Lễ cưới… Các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh đều rất ngắn gọn, diễn đạt bằng văn phong dung dị, dí dỏm một cách bất ngờ trong dùng từ, chơi chữ. Hầu hết các tiểu phẩm đều được kết luận bằng mấy câu thơ, thường là thơ lục bát, càng làm cho sự giao tiếp giữa tác giả với người đọc thêm gần gũi, dễ chấp nhận. Có thể loại, những tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh thời kỳ này nằm trong dòng chảy chung, thể hiện một phong cách nhất quán trong quá trình 60 năm viết báo của một cây bút viết tiểu phẩm đặc sắc, đầy tài hoa.
Đặc biệt, trong thời kỳ này, Hồ Chủ tịch viết một số tác phẩm theo đơn đặt hàng của một số báo, tạp chí nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô như: Tình hữu nghị vô sản thắng lợi (Báo Tin tức Liên Xô, 07-1-1959); Ba mươi năm hoạt động của Đảng (Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội, 2-1960); Chào mừng kỷ niệm lần thứ 44 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại (Báo Sự thật, Liên Xô, 07-11-1961), Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam (viết cho báo Sự thật, kỷ niệm lần thứ 92 Ngày sinh V.I.Lê-nin, đăng lại trên Nhân dân, 22-4-1962), 45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang (viết cho báo Sự thật, Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 45 năm Cách mạng Tháng Mười đăng lại trên Nhân dân, 7-11-1962); Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc (viết cho báo Sự thật, Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười đăng lại trên Nhân dân, 1-11-1967). Đây là những bài viết có tính tổng kết khái quát lại những vấn đề lý luận chung về chủ nghĩa xã hội, về con đường cách mạng giải phóng dân tộc, về công cuộc cách mạng mà Đảng ta, dân tộc ta đang tiến hành, cũng như những đánh giá quan trọng về tính chất của thời đại. Nội dung những bài viết này không chỉ thể hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn phản ánh những quan điểm, thái độ chung của Đảng và Nhà nước ta trước những vấn đề đang đặt ra.
Bài báo cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên Tailor đăng trên báo Nhân dân ngày 1 tháng 6 năm 1969, nhân đề: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”. Người đánh giá cao sự phấn đấu trong học tập, lao động và tham gia chiến đấu của thiếu niên, nhi đồng. Người dành cho thế hệ trẻ của đất nước những tình cảm sâu sắc, thái độ trách nhiệm cao. Người viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16 tháng 4 năm 1959, Hồ Chủ tịch coi mình là người có duyên nợ với báo chí, duyên nợ ấy chính là làm báo nhằm mục đích chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nói khác đi, Người làm báo là để làm cách mạng, đấu tranh mang lại độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kính yêu của dân tộc và nhà báo lớn Hồ Chí Minh là thống nhất, hòa quyện, gắn kết với nhau trong một nhân cách lớn - Hồ Chí Minh. Với 60 năm hoạt động sáng tạo không ngừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản báo chí vô cùng phong phú và to lớn, trong đó thể hiện sinh động những quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về nhân dân, về kinh tế, về chính trị, văn hóa và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Di sản đó cũng thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của ngòi bút, tài năng và sức sáng tạo của một nhân cách lớn, nhà báo cách mạng lớn Hồ Chí Minh.
Đức Hiếu (Tổng hợp)