Phần IV: Đầu đề và các thủ pháp liên kết văn bản trong tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh
1. Đầu đề tiểu phẩm Hồ Chí Minh: Lượng thông tin tối đa – lượng từ tối thiểu
Đối với tất cả các văn bản có đầu đề thì đầu đề là thông tin trước hết, là yếu tố đầu tiên trong mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng giao tiếp. Vì thế, đầu đề có vị trí rất quan trọng trong việc gây ấn tượng, tạo sự quan tâm của đối tượng giao tiếp. Trong báo chí, yêu cầu đầu tiên của đầu đề là lượng thông tin cao. Đầu đề phải thể hiện được thông tin cơ bản nhất, quan trọng nhất của toàn bộ tác phẩm báo chí. Nhất là trong loại tác phẩm thông tấn báo chí, có khi người đọc chỉ đọc lướt qua các đầu đề trên một tờ báo cũng có thể nắm được một cách khái quát những vấn đề, sự kiện thời sự mà tờ báo đó phản ánh.
Trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, đầu đề luôn có lượng thông tin tối đa, có giá trị biểu cảm cao, thu hút sự quan tâm, chú ý của người đọc. Về mặt nội dung, phần lớn các đầu đề, tiểu phẩm của Hồ Chí Minh có tính khái quát ở những mức độ khác nhau. Trong số này, có loại đầu đề nêu vấn đề chung khái quát, có sắc thái biểu cảm trung tính về mặt hình thức như: “Đời sống ở Mỹ”, “Công lý của Mỹ”, “Xã hội và văn hóa Mỹ”, “Văn minh Mỹ”, “Đạo đức chính trị Mỹ”, “Đạo đức Mỹ”, “Sách trắng Mỹ”, “Tinh thần binh sỹ Mỹ”… Sắc thái biểu cảm của loại đầu đề này hình thành trong mối quan hệ với nội dung tác phẩm. Đọc xong tiểu phẩm, người đọc mới nhận thấy hết sự mỉa mai của vấn đề đặt ra ở đầu đề.
Một loạt đầu đề khác trong đó nội dung có tính khái quát nhưng vẫn mang sắc thái biểu cảm, chứa đựng sự mỉa mai như: “Văn minh kiểu Mỹ”, “Bình đẳng, bác ái kiểu Mỹ”, “Mỹ mà không đẹp”, “Mỹ mà sợ hòa bình”, “Mỹ tính toán”, “Đế quốc Mỹ bi và bí”, “Tình hình bi đát của binh sỹ Hoa Kỳ”… Loại đầu đề này mang sắc thái mỉa mai, giễu cợt do sử dụng các loại từ có nghĩa tốt đặt trong ngoặc kép hoặc sử dụng những từ mà bản thân nó đã bộc lộ thái độ chê bai, châm biếm.
Trong một số tiểu phẩm Hồ Chí Minh dùng loại đầu đề trong đó có sự đối lập giữa cái tốt và cái xấu, cái hay và cái dở, giữa ta và kẻ thù: “Mỹ - Diệm sẽ thua, nhân dân ta sẽ thắng”, “Kẻ cướp nói chuyện hòa bình”, “Chó Mỹ da trắng cắn Mỹ da đen”, “Đen, trắng”…
Sự đối lập ngữ nghĩa trong các đầu đề này phản ánh sinh động những mâu thuẫn đang tồn tại đồng thời làm cho đầu đề hài hòa, cân đối, tạo ấn tượng quan tâm từ đầu cho người đọc.
Một số đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra vấn đề mà trực tiếp, giải quyết, kết luận vấn đề. Loại đầu đề này ngay từ đầu đã định hướng cho người đọc về tính chất của sự kiện, vấn đề viết trong tiểu phẩm. Ví dụ: “Mỹ mà: Phong không thuần, tục không Mỹ”, “Mỹ sợ hòa bình”, “Sư và xứ Mỹ đều xpay”, “Mỹ - Diệm là lũ qủy khát máu điên cuồng”, “Mỹ lại thất bại”…
Trong một số đầu đề Hồ Chí Minh sử dụng những số liệu cụ thể rút ra từ sự kiện mà tiểu phẩm đề cập đến. Những con số, tư liệu trong các đầu đề này cũng bao hàm một mâu thuẫn, một yêu cầu cần giải đáp, làm cho đầu đề thu hút sự chú ý của người đọc. Đó là các đầu đề kiểu: “Giết 9 người lấy 65 đồng bạc”, “24 đô la, 19 mạng người”, “9 triệu người điên”, “Một em bé Mỹ bị người Mỹ giết”, “Tổng Giôn và vụ giết chết nghị sỹ R.Ken-nơ-đi”….
Một kiểu đầu đề khác trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh là dạng câu hỏi như: “Ai âm mưu gây chiến”, “Ai dã man? Ai văn minh?”, “Ai mạnh hơn”… Kiểu đầu đề là câu hỏi này làm cho người đọc quan tâm đến tác phẩm, tìm câu trả lời trong nội dung tác phẩm.
Hồ Chí Minh thường rất quan tâm đến việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật làm cho đầu đề tác phẩm báo chí có giá trị biểu cảm cao, gây ấn tượng mạnh thu hút sự chú ý của người đọc. Các thủ pháp nghệ thuật ngôn ngữ trong đầu đề tiểu phẩm của Người rất phong phú, đa dạng nhưng cũng rất giản dị, gần gũi với lời nói hàng ngày của nhân dân. Phần lớn đầu đề tiểu phẩm của Người đã tạo nên cái cười hoặc chuẩn bị đầu đề cho cái cười trong nội dung tiểu phẩm. Đọc đến các đầu đề đó, người đọc đã mỉm cười thú vị.
Ở cấp độ từ, Hồ Chí Minh cũng sử dụng chọn lọc vốn từ thông tục, dùng từ với nghĩa trái đặt trong ngoặc kép, chơi chữ qua phiên âm tiếng nước ngoài và hiện tượng đồng âm tiếng Việt, để tạo nên những đầu đề hay, có lượng thông tin cao, sức biểu cảm lớn. Đó là những đầu đề như: “Mỹ là xấu”, “Một gia đình gương mẫu của Mỹ”, “Tên là đội hòa bình, thực là đội họa binh”, “Đại bại tướng Vét-mỡ-lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ”… Trong một số đầu đề Hồ Chí Minh cũng sử dụng thành ngữ, tục ngữ để nâng cao sức biểu đạt nghĩa như: “Mồ cha không khóc, khóc mồ mối”, “Chưa chắc có tiền mua tiên cũng được”…
Đặc biệt một số đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh được diễn đạt bằng hình ảnh độc đáo, có giá trị biểu cảm lớn như: “Đa - lét phun nọc độc ở miền Nam Việt Nam”, “Đại bợm Giôn miệng nói hòa bình tay vung binh hỏa”, “Mỹ xuống dốc”, “Đế quốc Mỹ tiến đến gần miệng hố”, “Tổng Ken rúc vào hầm tối”, “Đế quốc Mỹ rúc xuống hầm”… Những hình ảnh trong đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh cụ thể hóa vấn đề, vừa dễ hiểu, vừa có sức hấp dẫn lớn mà không cầu kỳ kiểu cách.
Một đặc điểm chung rất rõ nét trong các đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh là ngắn gọn và lượng thông tin cao nhất, số lượng từ ít nhất. Nói chung, phần lớn các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh đều có đầu đề ngắn gọn trong khoảng 2 đến 8 âm tiết.
Để có những đầu đề cô đọng lượng thông tin cao, chủ yếu là Hồ Chí Minh lựa chọn từ và kết cấu ngữ pháp thích hợp, phản ánh đúng bản chất của vấn đề và sự kiện. Mỗi từ đều có vị trí, ý nghĩa nhất định, gắn bó trong kết cấu của cả đầu đề, không thừa, không thiếu. Kết cấu cú pháp trong các đầu đề cũng rất phong phú, linh động, không câu nệ, không nghiêng về một loại kết cấu riêng nào. Vấn đề dùng từ và kết cấu cú pháp trong các đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Thí dụ, trong các đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh có hai kiểu kết cấu cú pháp khá phổ biến. Kiểu thứ nhất “Văn minh kiểu Mỹ”, “Đạo đức của Mỹ”, “Hòa bình kiểu Mỹ”, “Sách trắng của Mỹ”... Đây là một kiểu kết cấu một trung tâm tạo nên đơn vị định danh. Tuy loại kết cấu này có mang sắc thái trìu tượng nhưng nó lại nhấn mạnh, đưa lên hàng đầu cái mà người đọc cần chú ý.
Kiểu thứ hai, Hồ Chí Minh lược bỏ “kiểu” hoặc “của” đi để hình thành các đầu đề: “Văn minh Mỹ đạo đức Mỹ”, “Đạo đức chính trị Mỹ”, “Lại chuyện chó Mỹ”...
Trong kiểu kết cấu này danh từ Mỹ trở thành tính từ, biểu thị một thứ tính chất không tốt nào đó, làm cho đầu đề có sắc thái mỉa mai.
Trong các đầu đề đủ thành phần của một câu hoàn chỉnh, chỉ có rất ít đầu đề trong đó Hồ Chí Minh dùng loại câu bị động. Đó là: “Một em bé Mỹ bị người Mỹ giết”, “Mỹ bị thêm mấy vố”, “Đế quốc Mỹ bị bắt quả tang”... Còn lại, tất cả các trường hợp khác, Hồ Chí Minh đều dùng lại câu chủ động hoặc câu phán đoán, ví dụ: “Chó Mỹ da trắng cắn Mỹ da đen”, “Mỹ tính toán”, “Đa-let phun nọc độc ở miền Nam Việt Nam”, “Tổng Ken rúc vào hầm tối hoặc Mỹ là xấu”, “Sư và sứ Mỹ đều xplay”, “Hoà bình kiểu Mỹ tức là binh hoạ”... Đây là những loại câu quen dùng và dễ hiểu đối với công chúng rộng rãi.
Một đặc điểm khác trong đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh là tính hài hòa, cân đối, có nhịp điệu. Tính chất này làm cho đầu đề tiểu phẩm của Người không chỉ dễ hiểu, mà còn dễ nhớ, tạo ra sự ưa thích chú ý của người đọc. Nó phù hợp với tâm lý chung của nhân dân là ưa dùng cách diễn đạt có vần điệu. Qua khảo sát, có gần 30 % đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh chỉ bao gồm bốn âm tiết. Theo một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì người ta thường đọc, tiếp nhận thông tin của từng nhóm bốn âm tiết liên tục. Như vậy, các đầu đề có nhóm âm tiết tối ưu cho việc tiếp nhận thông tin chiếm tỷ lệ khá cao trong đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh.
Trong các đầu đề có số lượng âm tiết lớn hơn, Hồ Chí Minh thường chọn cách diễn đạt có vần điệu. Đó là các đầu đề: “Mấy lời thành thật ngỏ cùng tổng Ai”, “Mồ cha không khóc, khóc tổ mối”, “Mỹ mà: Phong không thuần tục không Mỹ”… Có những đầu đề 6 âm tiết đọc lên như 6 câu 6 trong thơ lục bát như ai: “Ai dã man? Ai văn minh?”, “Kẻ cướp nói chuyện hòa bình”, “Tay lo rồi chân cũng lo”…
Một số đầu đề vừa có nhịp điệu vừa cân đối hài hòa như đôi câu đối. Về mặt nội dung, các đầu đề này cũng phản ánh một mâu thuẫn, một sự so sánh, đối lập. Thí dụ: “Tên là đội hòa bình, thực là đội binh họa”, “Mỹ hoạt động hòa bình ra để mở rộng chiến tranh thật”, “Mỹ - Diệm sẽ thua, nhân dân sẽ thắng” “Ta thắng lớn, Mỹ thua to”, “Ta nhất định thắng, địch nhất định chua”, “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười”…
Đầu đề tiểu phẩm của Hồ Chí Minh không chỉ gắn bó với tác phẩm về mặt nội dung. Có những tiểu phẩm trong đó đầu đề không đứng riêng mà gắn bó chặt chẽ với phần đầu của tiểu phẩm, như một bộ phận không tách rời về kết cấu ngôn ngữ và ngữ nghĩa. Đây là một thủ pháp độc đáo của Hồ Chí Minh và hầu như không có trong tác phẩm của các tác giả khác.
Ví dụ Hồ Chí Minh viết:
“LUYCH”
Đọc là “Lin-sơ”, là một cách hung ác nhất khi người Mỹ da trắng giết người da đen.
Hay Người viết:
“SÁCH TRẮNG” CỦA MỸ
Là một văn kiện đen tối nhất, xấu xa và dơ bẩn nhất trong lịch sử.
Trong hai trường hợp trên, đầu đề thực chất không tách rời kết cấu của Pháp và chính là chủ ngữ của câu mở đầu tác phẩm.
Ở trường hợp khác, đầu đề là một câu, một thông báo trọn vẹn, nhưng lại gắn liền với phần mở đầu tác phẩm trong một ngữ cảnh thống nhất.
Ví dụ:
“TỔNG THỐNG KEN RÚC VÀO HẦM TỐI
Thật đấy! Không phải nói ngoa đâu!”
Hay:
“MỸ ĐANG THẤT BẠI”
Đó là câu nói thẳng thắn của một khán giả đăng trên tờ báo người Mỹ xuất bản ở Hương Cảng (7.8.64)
Hồ Chí Minh viết trong tiểu phẩm khác:
“MỸ NHẤT ĐỊNH THUA”
Nhiều người Mỹ nói như vậy. Có người thì nói trắng ra. Có người thì nói một cách kín đáo. Nhưng đều kết luận rằng Mỹ sẽ thua.
Với sự gắn bó trong một ngữ cảnh giữa đầu đề và tác phẩm coi như liền mạch làm cho người đọc tiếp thu nhanh, dễ hiểu. Mặt khác nó làm cho người đọc sớm tập trung chú ý vào tác phẩm tiếp nhận thông tin một cách thoải mái. Và do đó hiệu quả thông tin của tác phẩm cũng tăng lên.
2. Các thủ pháp liên kết văn bản: Chặt chẽ và hiệu quả
Về mặt kết cấu, logic phát triển trong các tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh rất chặt chẽ, thống nhất. Để có sự thống nhất chặt chẽ đó, Hồ Chí Minh sử dụng nhiều phương tiện thủ pháp gắn bó với nội dung vấn đề trong mỗi tác phẩm.
Các liên từ được sử dụng phổ biến nhất để liên kết các bộ phận, ngữ đoạn trong các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh. Đó là các từ: “Nhưng, còn, tuy, song, đủ, để, cũng”... Những liên từ này cũng biểu đạt ở nhiều trạng thái khác nhau mối liên hệ về mặt ngữ nghĩa giữa các ngữ đoạn.
Ví dụ, Người viết:
“Ai cũng biết rằng: Sau cuộc nội chiến bốn năm (1861-1865) Hiến pháp Mỹ đã tuyên bố giải phóng nô lệ, dân Mỹ da trắng và da đen đều bình đẳng với nhau.
Nhưng hiện nay ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ở những bang như là A-la-ba-ma, nạn phân biệt chủng tộc rất dữ dội…”
Ở đây, “nhưng” liên kết hai ngữ đoạn với nhau, biểu thị sự đối lập về ngữ nghĩa. Hầu hết trong các trường hợp, “nhưng” được sử dụng để biểu đạt mối liên hệ này. Xong cũng có trường hợp, “nhưng” được dùng trong liên kết với nghĩa là sự gia tăng về ngữ nghĩa.
Ví dụ, trong tiểu phẩm “Đế quốc Mỹ bi và bí”, sau khi phân tích sự thất bại, lúng túng của Mỹ ở trong nước và khắp các khu vực trên thế giới, Hồ Chí Minh viết:
“Nhưng rắc rối nhất vẫn là cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh mà Ra-xcơ đã gọi là chiến tranh bẩn thỉu, xấu xa và thất vọng”.
Từ “còn” thường được Hồ Chí Minh dùng các liên kết biểu đạt sự bổ sung về ngữ nghĩa. Ví dụ, ở tiểu phẩm “Mỹ mà: Phong không thuần, tục không Mỹ”. Sau khi trình bày về tình hình trật tự xã hội ở thành phố Phê-rít, Người viết:
“Phê-rít là một thành phố nhỏ, còn những thành phố to thì thế nào? Nữu Ước là một thành phố to nhất nước Mỹ”.
Tiếp theo, Người mô tả tình hình tội phạm, trộm cắp, tống tiền ở Nữu Ước. “Còn” trở thành trung gian liên kết tình hình mất ổn định về trật tự xã hội ở hai thành phố tiêu biểu về tầm cỡ nhỏ và lớn của nước Mỹ. Ngữ nghĩa của hai đoạn này bổ sung cho nhau tạo lên cái chung tiêu biểu của cả nước Mỹ.
Từ “song” được dùng trong những liên kết so sánh hoặc gia tăng về ngữ nghĩa. Ví dụ, trong tiểu phẩm “Đạo đức Mỹ” Hồ Chí Minh đưa ra một loạt tài liệu về tội phạm hình sự ở nước Mỹ như: Một nửa phút có một vụ trộm, 34 phút có một vụ hiếp dâm, 50 phút có một vụ giết người… Sau đó Người viết: Song những tội phạm ấy chỉ là “hạng tôm tép”. Và tiếp theo, Hồ Chí Minh viết về những tội ác lớn hơn của bọn tư bản phản động Hoa Kỳ trong việc bóc lột nhân dân lao động, dung túng cho bọn trộm cắp, cờ bạc, mua chuộc, sử dụng bọn cảnh sát, quan tòa làm tay sai…
Hồ Chí Minh dùng các từ: Vì, do, do đó, vì vậy, vì lẽ đó… để liên kết những có quan hệ nhân quả về mặt ngữ nghĩa. Thí dụ, trong tiểu phẩm “Tay lo rồi chân cũng lo”. Người viết:
“… Chúng đã hao phí 4.000 triệu đô la của nhân dân Mỹ. Trong số gần 3 vạn cố vấn Mỹ sang miền Nam, hơn 2000 tên đã chết và bị thương. Đế quốc Mỹ đã sa lầy. Nhân dân khắp thế giới kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ đều lên án chúng. Nói tóm lại là chúng đã thất bại.
Vì thất bại mà Mỹ phải cầu cứu với xâm lược Đông Nam Á và khối Bắc Đại Tây Dương…
Vì thất bại mà Mỹ đã giết anh em Diệm…”
Trong một trường hợp khác, Người dùng từ “để”!
“Các công ty to thầu các thứ trang bị, được lãi rất nhiều. Trong 5 năm qua (không kể số tiền khổng lồ họ thu được do việc bán vũ khí cho các nước), họ đã lãi hơn 30.500 triệu đô la. Viên Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay cũng là chủ một công ty to do thầu hàng quân sự.
Để xoay các khoản thu, gần 2000 đại biểu các công ty vào làm việc trong các cơ quan Chính phủ…”
Các trường hợp dùng các từ: “Để”, “do”, “vì” độc lập thì sau các từ ấy, nguyên nhân được nhắc lại như: “Thất bại”, “xay các khoản thầu”.
Khi dùng “do đó”, “vì vậy”, “vì lẽ đó”, “thì đó”, “vậy”, “lẽ đó” thay thế cho nguyên nhân được viết trong ngữ đoạn trước.
Ví dụ:
“Từ đầu năm nay, giặc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ở miền Nam, leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc. Đồng thời ở Mỹ, chúng bắt thêm nhiều thanh niên đi làm bia đỡ đạn, bắt nhân dân nộp thêm sưu thuế để chi phí vào chiến tranh.
Do đó, nhân dân Mỹ thấy rõ ràng cuộc chiến tranh xâm lược không những làm hại cho Việt Nam mà cũng có hại cho bản thân họ. Họ thấy rằng nhân dân Việt Nam và họ cùng có một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và muốn giữ gìn quyền lợi chính đáng của họ thì cần phải ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Vì lẽ đó, về tinh thần, mặt trận thống nhất phản đế đã hình thành giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ. Và từ đó, ở Mỹ, phong trào chống xâm lược ngày càng lên cao”.
Ở đây ngữ đoạn thứ nhất là nguyên nhân của ngữ đoạn thứ hai và ngữ đoạn thứ hai là nguyên nhân của ngữ đoạn thứ ba.
Qua các nhóm từ “do đó” và “vì lẽ đó”, ba ngữ đoạn liên kết với nhau rất chặt chẽ, diễn đạt vấn đề rất dễ hiểu. Một số trường hợp, Hồ Chí Minh dùng các từ và nhóm từ: “Thậm chí”, “hơn nữa”, “tệ hại nhất”, “kỳ quái hơn nữa”…
Để liên kết các ngữ đoạn có sự gia tăng về ngữ nghĩa. Chính bản thân các từ và cụm từ đó cũng đã biểu thị sự phát triển cao hơn về ngữ nghĩa.
Ví dụ, trong tiểu phẩm “Đế quốc Mỹ tiến gần miệng hố”, Hồ Chí Minh viết:
“Ở miền Nam Việt Nam, đi đôi với mục đích biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự Mỹ, chính sách Mỹ - Diệm đã làm cho nông dân miền Nam bần cùng, làm cho công thương nghiệp và thủ công nghiệp miền Nam phá sản để Mỹ có thể bán lương thực thừa và hàng hóa thừa của chúng.
Thậm chí, báo chí của phe Diệm cũng viết:
“Động cơ bác ái của viện trợ Mỹ chỉ là nhỏ bé, xen lẫn với nhiều động cơ khác: Chính trị, kinh tế, binh sĩ… “viện trợ Mỹ” nhằm những mục tiêu vị kỷ…” (Báo Tự do, 03-11-1959).
Độc ác hơn nữa là với giáo dục kiểu Mỹ chúng đang hủy hoại cả thế hệ con cháu miền Nam. Báo Tự do cũng phải nhận rằng: Trong non năm đã có ngót 4.000 thiếu nhi phạm tội giết người, đốt nhà, cướp bóc, hãm hiếp!.
Trong trường hợp này, thậm chí vạch rõ hơn tính chất xảo trá, lá mặt lá trái của chính sách Mỹ ở miền Nam Việt Nam và độc ác hơn nữa chỉ ra rõ hơn tính chất phản động, vô nhân đạo của Mỹ - Diệm là hủy hoại đầu độc thanh niên, thiếu niên trong các vùng bị chúng chiếm đóng.
Hồ chí Minh lúc đó dùng các từ và các nhóm từ: “Đồng thời”, “trong lúc đó”, “trong lúc”, “cùng trong lúc đó”…
Để liên kết các ngữ đoạn diễn đạt những vấn đề, sự việc tài liệu xảy ra trong cùng thời gian hoặc cùng địa điểm.
Ví dụ, trong tiểu phẩm: “Văn Minh Mỹ”, sau khi tố cáo chính quyền Mỹ cấm đoán những sách báo tiến bộ đương thời và cả tiểu thuyết của các tác giả Sếch-xpia, Mô-pát-xăng, Hồ Chí Minh viết:
“Trong lúc đó những thứ tiểu thuyết đầy những chuyện dâm ô, trộm cướp, giết người thì được in và bán hàng chục triệu quyển”.
Trong trường hợp này, ngoài việc biểu thị hai sự việc diễn ra cùng thời gian ở nước Mỹ, còn mang bao hàm ý so sánh hai sự việc đó để thấy rõ tính chất vô đạo đức, phi văn minh của cái gọi là “văn minh Mỹ”.
Ở tiểu phẩm “Thủ đoạn tội ác của đế quốc Mỹ”, Hồ Chí Minh tố cáo một loạt hành động, thủ đoạn của đế quốc Mỹ chuẩn bị leo thang chiến tranh, bắn phá miền Bắc, trong đó có cả việc bịa đặt ra sự kiện vịnh Bắc bộ. Tiếp theo Người viết:
“Cùng trong lúc đó, tổng Giôn làm trò hề đã sắp xếp sẵn. Y vội vã họp quan văn, tướng võ và các lãnh tụ Quốc hội Mỹ vội vã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước nhân dân Hoa Kỳ, vội vã cho đại biểu Mỹ ở Liên hợp quốc, vu cho ta là kẻ “xâm lược”, vội vã phái Lốt cựu “đại sứ” ở Sài Gòn đi thuyết phục các nước đồng minh Mỹ”.
Sự việc trong ngữ đoạn sau liên kết với những sự việc trong ngữ đoạn trước thông qua nhóm từ cùng trong lúc đó, biểu thị so sánh của ngữ nghĩa của hai ngữ đoạn, chỉ ra bản chất xảo trá, giả dối của đế quốc Mỹ một cách khách quan, dễ hiểu.
Một thủ pháp được Hồ Chí Minh sử dụng phổ biến là liệt kê tài liệu để chứng minh cho một luận điểm, một ý kiến nào đó. Có trường hợp Người dùng cả biểu số thống kê. Thường khi nói về địch, Người dùng ngay những số liệu, lời nói của địch hoặc đồng minh của chúng, làm cho toàn tác phẩm mang tính khách quan cao, có sức thuyết phục lớn. Trong những trường hợp này, sự liên kết văn bản trong tác phẩm được hình thành do sự phát triển logic của ngữ nghĩa, ít khi cần đến sự hỗ trợ của các hình thức liên kết.
Ví dụ mở đầu tiểu phẩm “Mỹ mà không đẹp”, Hồ Chí Minh viết:
Chữ “Mỹ” nghĩa là tốt đẹp. Nhưng xã hội Mỹ thì không tốt đẹp chút nào. Chính các tổng thống Mỹ đã phải thú nhận điều đó.
Sau đó, người dẫn lời nói của các tổng thống Mỹ: Ken-nơ-đi, Giôn-xơn về tình hình nghèo khổ của nhân dân lao động Mỹ, tiếp theo là vài điều trích từ báo Hoa Kỳ để nói rõ thêm lời than phiền của các tổng thống Mỹ. Những điều trích dẫn đó viết về tình trạng nghèo khổ, thất nghiệp của công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, tình hình bệnh hoạn xã hội và những sự ngược đời nói về cuộc sống xa sỉ của bọn nhà giàu Mỹ. Cuối cùng tiểu phẩm đi đến kết luận: Bộ mặt thật của Mỹ là như vậy đó. Như vậy là những tài liệu khách quan, đã được liên kết chặt chẽ trong một logic chung, làm sáng tỏ cái mà đầu đề tác phẩm đã đặt ra: “Mỹ mà không đẹp”. Chỉ cần bằng các tài liệu, không cần đến sự bình luận mà Hồ Chí Minh đã vạch rõ bản chất, bộ mặt thật xấu xa của xã hội Mỹ. Trong tiểu phẩm Mỹ đi xuống dốc, sự liên kết được thực hiện bằng thủ pháp liệt kê tài liệu. Đầu tiên, Hồ Chí Minh nhận định bằng một sự so sánh: Trước kia một tay cầm bom nguyên tử để đe dọa, một tay cầm đồng đô la để mua chuộc, Mỹ nói gì là Chính phủ các nước ngoài phe xã hội chủ nghĩa đều phăng phắc vâng lời.
Nay thì trái lại: Từ Đông đến Tây, từ nhỏ đến lớn ở nhiều nước đã nổi lên phong trào chống Mỹ và cãi lại Mỹ.
Sau đó, Hồ Chí Minh chứng minh nhận định trên bằng tình hình chống lại Mỹ ở Phi-líp-pin, ở Cao Miên, ở Xây-lan, ở Ấn Độ, ở Ai Cập, ở Ai-xơ-len, ở Pháp, ở các nước khác. Cuối cùng Người viết:
Kết luận: Do những sự thật đó, nhiều chính khách, báo chí và hãng thông tấn Mỹ đã lo ngại. Như hãng UPI (30-3-1956) đã phải nhận rằng: “So với 10 năm trước thì ngày nay địa vị của Mỹ đang đi xuống dốc…”
Như vậy, đến cả lời kết luận, Bác cũng sử dụng tài liệu của kẻ địch. Ngữ nghĩa trong mỗi ngữ đoạn liên kết chặt chẽ với nhau trong chức năng làm sáng tỏ nhận định: “Mỹ đi xuống dốc”, làm cho toàn bộ tác phẩm ngắn gọn, chặt chẽ, dễ hiểu, khách quan, cụ thể, có sức thuyết phục. Trong một số tiểu phẩm khác, cũng là liệt kê tài liệu, nhưng Hồ Chí Minh liệt kê theo thời gian, thể hiện tính liên tục của vấn đề. Thí dụ trong các tiểu phẩm: “Tình hình tháng 1 năm 1965 ở miền Nam anh dũng”, “Đế quốc Mỹ rúc xuống hầm”. Người liệt kê sự thất bại của đế quốc Mỹ, sự thắng lợi của nhân dân ta theo tuần tự của các ngày trong tháng. Sự kế tiếp thời gian ấy chỉ ra rõ hơn sự thất bại của kẻ thù chung và thắng lợi của ta như một lẽ đương nhiên.
Trong nhiều tiểu phẩm, Hồ Chí Minh dùng câu hỏi làm phương tiện liên kết các ngữ đoạn, ngữ cảnh đẹp của toàn tác phẩm thành một thể thống nhất chặt chẽ. Thủ pháp này làm cho tác phẩm dễ hiểu, tập trung sự chú ý của người đọc vào vấn đề trung tâm mà tác phẩm đặt ra.
Ví dụ, trong tiểu phẩm “Chín triệu người điên”, Hồ Chí Minh trích dẫn tài liệu của Ủy ban Y tế Mỹ về người điên ở nước Mỹ. Sau đó, Người đặt câu hỏi: Vì sao ở Mỹ nhiều người mắc bệnh điên như vậy? Tiếp theo là trình bày các nguyên nhân của tình trạng quá nhiều người điên ở nước Mỹ. Tiểu phẩm này, Hồ Chí Minh không viết theo logic bình thường là nguyên nhân dẫn đến kết quả mà ngược lại. Cách viết này tạo cho người đọc sự chú ý ngay từ đầu do sự không bình thường về số lượng người điên ở một nước vẫn rêu rao là văn minh như Mỹ. Sự chú ý của người đọc càng cao trong những phần đầu thì hiệu quả của thông tin trong phần kết luận bất ngờ cũng càng cao. Người kết luận: Nhưng chính những người Mỹ điên thật những người tuyên truyền chiến tranh thì lại được quyền cao chức trọng mà không bị nhốt trong nhà thương điên.
Hiệu quả của thông tin tạo nên những mối tương quan giữa các bộ phận ngữ nghĩa của cả tiểu phẩm: “Chín triệu người điên”, chính là cái cười mỉa mai mà sâu cay đối với cái gọi là văn minh của xã hội nước Mỹ.
Một ví dụ khác, trong tiểu phẩm “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” Hồ Chí Minh viết:
“Bợm Giôn còn nói ý phải bảo vệ danh dự của Mỹ ở Việt Nam. Dùng bom na-pan và hơi độc để giết chết trẻ con và người bệnh Việt Nam, đốt phá làng mạc vào chùa chiền, bắn phá nhà thương và trường học… Phải chăng đó là danh dự của nước Mỹ? Không phải!
Trong trường hợp này, “phải chăng đó là danh dự của Mỹ?” Là một câu hỏi tu từ, nghi vấn nhưng thực chất là khẳng định. Mặt khác, câu hỏi đó có tác dụng liên kết các ngữ cảnh hẹp sau đó thành ngữ cảnh chung, cùng chứng minh cho sự dối trá, nham hiểm trong lời nói của Tổng thống Mỹ.
Nói chung, trong các tiểu phẩm báo chí, Hồ Chí Minh sử dụng một cách sinh động, phong phú nhiều phương tiện, thủ pháp để liên kết các thành phần trong tác phẩm. Với nghệ thuật viết điêu luyện mà giản dị, các tiểu phẩm báo chí của Người đều rất chặt chẽ, khúc chiết, dễ hiểu và hấp dẫn người đọc.
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa