Phần IV: Một số tiểu phẩm báo chí đặc sắc của Hồ Chí Minh
NHỮNG KẺ ĐI KHAI HÓA
Dưới đầu đề "Bọn kẻ cướp ở thuộc địa", đồng chí Víchto Mêrích đã thuật lại cho chúng ta nghe sự độc ác không thể tưởng tượng được của một viên quan cai trị thuộc địa nọ đã đổ nhựa cao su vào bộ phận sinh dục của một người phụ nữ da đen khốn khổ. Sau đó, hắn bắt chị phải đội một tảng đá lớn đứng phơi nắng cho đến chết.
Tên công chức dâm bạo đó hiện đang tiếp tục những thành tích của hắn trong một tỉnh khác với chức vị cũ.
Khốn thay, những việc bỉ ổi như vậy lại không hiếm gì ở cái nơi mà báo chí của các nhà cầm quyền thường gọi là "nước Pháp hải ngoại".
Hồi tháng 3 năm 1922, một nhân viên nhà đoan Bà Rịa (Nam Kỳ) đã đánh gần chết một phụ nữ An Nam làm nghề gánh muối, lấy cớ rằng người này đã làm mất giấc ngủ trưa của hắn, vì làm ồn ào ngoài hiên nhà hắn ở.
Hay ho nữa là người đàn bà này còn bị doạ đuổi khỏi nơi làm việc nếu bà thưa kiện gì.
Hồi tháng 4, một nhân viên nhà đoan khác đến thay cũng thật xứng đáng với tên trước về những hành động tàn ác của hắn.
Một bà cụ người An Nam, cũng làm nghề gánh muối, vì bị khấu lương nên cãi nhau với mụ cai. Mụ cai đến thưa với viên đoan. Viên này chẳng xét xử gì cả, tát bà cụ thợ muối hai cái thật mạnh và khi bà cụ già đáng thương cúi xuống nhặt nón, thì nhà khai hoá ấy, chưa vừa lòng với trận đòn mà hắn vừa trừng phạt bà cụ, liền đá một cái rất mạnh vào bụng bà cụ khiến cho máu ộc ngay ra lênh láng.
Khi bà cụ người An Nam đáng thương bị ngã quay xuống đất, đáng lẽ phải cấp cứu cho bà, thì người cộng tác viên của ông Xarô ấy lại cho gọi lý trưởng đến và ra lệnh cho lý trưởng đem người bị thương đi nơi khác. Lý trưởng từ chối không làm. Viên đoan liền cho gọi chồng người bị nạn đến, - ông này bị mù, ra lệnh bắt ông phải đem vợ đi. Hiện nay, bà cụ già khốn khổ đó đang nằm nhà thương.
Bạn có muốn đánh cuộc rằng hai ông đoan của chúng ta ở Nam Kỳ, cũng như bạn đồng nghiệp của họ là vị quan cai trị nọ ở Châu Phi, có bị làm rầy rà gì không? Họ hẳn đã được thăng chức nữa kia đấy.
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 4, ngày 1-7-1922.
*
* *
THÙ GHÉT CHỦNG TỘC
Vì nói đến đấu tranh giai cấp và quyền bình đẳng giữa con người mà đồng chí Lu-dông của chúng ta đã bị kết án là đã tuyên truyền thù ghét chủng tộc. Vậy ta hãy xem tình yêu thương giữa các chủng tộc đã được quan niệm và thực hiện ở Đông Dương như thế nào trong thời gian gần đây.
Hôm nay, chúng ta sẽ không nói đến tội ác của chính quyền thực dân là dùng rượu và thuốc phiện để đầu độc quần chúng và làm cho họ ngu muội đi. Việc ấy các đồng chí chúng ta trong đảng đoàn nghị sĩ tất sẽ có ngày bàn đến.
Mọi người đều biết rõ những thành tích lớn lao của tên quan cai trị sát nhân Đác-lơ. Tuy nhiên đâu có phải chỉ mình hắn mới có những thủ đoạn tàn ác đối với người bản xứ như thế.
Một gã Puốc-xin-hông nào đó, đã hùng hổ nhảy ra đánh một người An Nam chỉ vì người này dám tò mò và cả gan nhìn ngôi nhà của người Âu trong mấy giây đồng hồ. Hắn đánh anh và cuối cùng giết anh bằng một phát súng lục bắn vào đầu.
Một nhân viên sở hoả xa, đã dùng roi mây đánh một người lý trưởng Bắc Kỳ.
Ông Béc đấm vỡ sọ người lái xe cho ông ta.
Ông thầu khoán Brét, sau khi cho chó cắn một người An Nam đã trói tay người này lại, đá cho đến chết.
Ông Đépphi, chủ sở thuế đã giết chết người đầy tớ An Nam của ông ta bằng một cái đá hết sức mạnh vào mạng mỡ.
Ông Hăngri, thợ máy ở Hải Phòng, nghe ngoài phố có tiếng ồn ào; cửa nhà ông vừa mở thì một người đàn bà An Nam chạy xộc vào, sau lưng có một người đàn ông đuổi theo. Hăng-ri tưởng là một người bản xứ đang đuổi một “Con gái”, liền vớ lấy khẩu súng săn nổ một phát. Người đàn ông ngã vật xuống chết ngay. Đó là một người Âu. Hỏi thì Hăng-ri trả lời: "Tôi tưởng đây là một thằng bản xứ".
Một người Pháp buộc ngựa của mình vào một cái chuồng trong đó đã có sẵn con ngựa cái của một người bản xứ. Con ngựa đực nhảy chồm lên, làm cho người Pháp tức điên ruột. Ông ta đánh người bản xứ hộc cả máu mồm, máu mũi, rồi đem trói lại treo lên cầu thang.
Một nhà truyền giáo (Vâng! một vị linh mục nhân từ) nghi một học sinh trường thầy dòng người bản xứ ăn cắp của mình 1.000 đồng, ông ta trói người học sinh này lại, treo lên xà nhà, tra khảo. Người học sinh đáng thương ấy ngất đi. Họ hạ anh xuống. Khi anh hồi tỉnh, họ lại treo lên tra khảo. Anh đã gần chết. Có lẽ hôm nay thì chết rồi.
Vân vân và vân vân.
Toà án có trừng phạt những tên đó, những con người đi khai hoá đó hay không ?
Có tên thì trắng án, có tên thì không ai đụng đến lông chân. Sự tình là như vậy. Ấy thế mà bây giờ thì:
- Bị cáo Lu-dông, đến lượt anh nói đi!
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 4, ngày 1-7-1922.
*
* *
KHAI HÓA GIẾT NGƯỜI
Cũng trên mục diễn đàn này, gần đây chúng tôi đã nêu lên một loạt những vụ giết người mà thủ phạm là những kẻ đi "khai hóa" của chúng ta, nhưng vẫn không bị trừng phạt. Than ôi! Quyển sổ đoạn trường ấy cứ mỗi ngày một dài thêm, thật là đau xót.
Lại mới đây thôi, một người An Nam, trạc 50 tuổi, làm công cho sở xe lửa Nam Kỳ đã 25 năm nay, bị một viên chức người da trắng giết. Sự việc như sau:
Anh Lê Văn Tài điều khiển bốn người An Nam khác làm việc dưới quyền mình. Phận sự của họ là đóng cầu mỗi khi có xe lửa đi qua và mở cầu cho tầu bè qua lại. Theo lệnh đã quy định thì phải đóng cầu 10 phút trước khi xe lửa đi qua.
Ngày 2 tháng 4, hồi 16 giờ 30, một người trong bọn họ mới đóng cầu và hạ tín hiệu xuống, vừa lúc một chiếc thuyền máy công đi đến, trên thuyền chở một viên chức xưởng đóng tàu của hải quân đi săn về. Chiếc thuyền máy kéo còi lên. Nhân viên người bản xứ liền ra đứng giữa cầu, phất cờ đỏ báo cho những người trên thuyền máy biết rằng xe lửa sắp chạy qua và do đó cầu đã đóng rồi. Và sau đây là câu chuyện đã xảy ra: Chiếc thuyền máy ghé sát vào trụ cầu. Người viên chức Pháp liền nhảy lên bờ và hầm hầm tiến về phía người An Nam. Anh này khôn ngoan, chạy trốn về phía nhà ông Tài là "xếp" của mình. Người viên chức kia đuổi theo, lấy đá ném anh ta. Nghe có tiếng ồn ào, Tài liền chạy ra đón vị đại diện của nền văn minh, viên này mắng ngay: "Đồ súc vật, tại sao mày không mở ra ?". Vốn không biết tiếng Pháp, Tài chỉ còn biết trả lời bằng cách trỏ vào cái tín hiệu đỏ. Cử chỉ đơn giản ấy làm cho ông cộng tác viên của Ngài Lông nổi xung lên. Không phân phải trái gì, ông ta nhảy xổ vào Tài và sau khi đã "khiền" cho một trận, còn đẩy anh vào một đống than hồng ở gần đó.
Người An Nam gác cầu ấy bị bỏng một cách rùng rợn, được chở đến nhà thương, và sau sáu hôm cực kỳ đau đớn anh đã chết tại nhà thương.
Người viên chức kia vẫn được vô sự không có gì phải lo lắng cả. Trong lúc ở Mác-xây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi Đấng chí tôn Khải Định và Cụ lớn Xa-rô?
T.B. - Trong khi tính mệnh của một người An Nam bị xem như thân con chó, không đáng giá một đồng trinh, thì Ngài Tổng thanh tra Rê-na, bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường. Ôi, bình đẳng! Bình đẳng quý hoá thay!
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922.
*
* *
"SỞ THÍCH ĐẶC BIỆT"
Từ khi đến Pari, Khải Định, Hoàng đế nước An Nam đã thành mục tiêu bao vây theo như thường lệ của một số bà buôn son bán phấn. Họ đã dâng lên Ngài Ngự nhiều bức thư nồng nàn tình tứ và nhiều tấm ảnh khêu gợi. Nhưng Khải Định vốn là bậc hiền triết, Ngài Ngự bèn truyền đem tất cả thư và ảnh ấy vứt vào sọt rác và ai hỏi, Ngài Ngự cũng đều từ chối không trả lời gì hết.
Ông Anbe Xarô đã trả lời một mỹ nhân hỏi về việc đó như sau:
- Ấy, Hoàng thượng Ngài có những sở thích rất đặc biệt.
Bà này rất đỗi ngạc nhiên và muốn hỏi cặn kẽ thêm, nhưng ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã đánh trống lảng:
- Hoàng thượng Ngài chỉ thích đọc sách thôi.
Bà ta lại hỏi:
- Thế hiện giờ Hoàng thượng đang đọc gì?
Ông An-be Xa-rô trả lời:
- Platông.
(Nghe Lỏm)
Bảo rằng Hoàng đế Khải Định là bậc hiền triết, điều đó ta không nghi ngờ gì cả. Nhưng hiền triết thì cũng không phải là không cần lễ độ và chúng tôi mạn phép kính tâu Hoàng thượng rằng cử chỉ của Ngài dù uy nghi đến đâu chăng nữa nhưng vẫn hoàn toàn thiếu lịch sự. Riêng chỉ nghĩ rằng những bà lịch sự kia, vì ham chuộng những cái của vua chúa mà bị khinh miệt một cách phũ phàng như thế ắt không khỏi sẽ trút tất cả mối căm thù ghê gớm của các bà vào những đề tài về Hoàng thượng, là người ta cũng đủ run lên rồi. Quan lớn Bộ trưởng vốn có tài ăn nói. Ông lại rất am hiểu chữ nghĩa của nước ông. Vậy mà câu ông trả lời mỹ nhân lại rất mập mờ. Ông dùng chữ "sở thích đặc biệt", thật ra là muốn nói gì nhỉ? Có phải ngẫu nhiên mà, mặc dầu vừa mới chân ướt chân ráo tới cái thành phố ánh sáng này, Đức Hoàng thượng rất ư thông thái và đầy tâm hồn nghệ sĩ đã làm quen được ngay với một nghệ sĩ nổi tiếng và một thi sĩ lừng danh rồi chăng? Đặt câu hỏi như thế, chính là đã trả lời rồi đó. Sau khi mỹ nhân muốn hỏi cặn kẽ thêm, và sau khi quan lớn Bộ trưởng đánh trống lảng, thì cái câu nói mập mờ rất hùng biện kia vẫn còn tiếp tục thêm rằng: Tuy trong chữ Théétète(1) có chữ Thé (như Víchto Huygô từng nói), chúng ta vẫn không tin rằng Hoàng thượng lại hạ cố đến những tác phẩm của người thầy học của Arixtốt, vì Hoàng thượng vẫn luôn luôn phải có người thông ngôn mới hiểu được tiếng Pháp (và cả tiếng Hy Lạp nữa) kia mà. Cho nên khi ông Bộ trưởng nói rằng Hoàng thượng hiện đang đọc Platông là ông chưa nói hết cái chữ mà ông định nói: Chắc là ông định nói chữ Platô...ních(2) đấy mà.
Amicus Plato, sed magis amica veritass(3)
Và chúng tôi xin trả lời:
"Ông bạn Platông ơi, Hoàng thượng chỉ thích xem thôi".
(1) Théétète, tên một bài đối thoại của Platông bàn về tri thức và cơ sở của triết học, viết vào khoảng năm 369 trước công nguyên. Tác giả viết câu này để nói ý rằng chữ Platông ở câu sau cũng còn dùng dở vần.
(2) Platonique nghĩa đen là theo học thuyết Platông: Thuần tuý lý tưởng. Nghĩa bóng là vô hiệu lực. Ở đây, muốn ám chỉ bệnh liệt dương của Khải Định.
(3) Nghĩa là tôi rất quý Platông nhưng đối với tôi, sự thật còn quý hơn nhiều. Đây là một câu châm ngôn rút trong tác phẩm của Amôniuyt, nhan đề là Cuộc đời của Arixtốt.
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922.
*
* *
DƯỚI SỰ BẢO HỘ
Khi làm công sứ tỉnh Thái Nguyên (Bắc Kỳ), vì mục đích tống tiền, Đác-lơ đã bắt bớ, giam cầm và kết án vô cớ người bản xứ. Hắn đã giáng những cú đấm và những trận đòn roi vào những người bản xứ bị gọi đi lính "tình nguyện". Hắn đối xử tàn ác với những người lính lệ bản xứ, nắm tóc họ lôi xềnh xệch, đập đầu họ vào tường nhà của hắn.
Hắn đâm lưỡi kiếm vào những người tù khiến họ bất tỉnh nhân sự.
Viên công sứ Đác-lơ đánh một người bản xứ bằng roi sắt và làm gãy hai ngón tay của người này. Hắn dùng roi đánh túi bụi một viên đội người bản xứ. Hắn chôn đến tận cổ những người lính lệ bản xứ nào không làm vừa lòng và chỉ cho đào họ lên khi họ đã gần chết. Hắn dùng gậy đâm lòi mắt một viên đội người bản xứ khác.
Cuối cùng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã bùng nổ chống lại sự tàn ác của hắn và máu người bản xứ lẫn máu người Pháp đã đổ. Bao nhiêu máu đã chảy, bao nhiêu nhà đã bị phá, và bao nhiêu người vô tội đã bị chặt đầu.
Để thưởng những công trạng đáng khen ấy của viên công sứ Đác-lơ, người ta phong hắn chức chánh giám khảo các trường lớn ở Hà Nội và bổ nhiệm hắn làm đổng lý văn phòng của viên thống sứ Bắc Kỳ.
Báo L’Humanité và Hội Nhân quyền và Dân quyền đã phản đối.
Nếu viên sĩ quan Đức Phôn Sephen bị tù 20 năm khổ sai vì đã tàn sát người ở Rông-cơ thì viên công sứ Đác-lơ đáng phải tù ít nhất là gấp ba lần 20 năm khổ sai vì tội ác của hắn.
Nhưng các bạn có biết số phận của hắn ta như thế nào không?
Hắn đã trở thành uỷ viên Hội đồng Thành phố Sài Gòn, nghĩa là người cộng tác trực tiếp của các ngài Xa-rô và U-tơ-rây và làm chủ vận mệnh những người nhà quê ở Sài Gòn!
Hạnh phúc thay xứ Nam Kỳ!!
Nguyễn Ái Quốc
*
* *
CHẾ ĐỘ NÔ LỆ "HIỆN ĐẠI HÓA"
Ở đồn điền của một chủ điền nọ, 6 người bản xứ đã bị bắt vì không nạp thuế.
Ra toà, những người bị cáo tuyên bố rằng, viên công sứ Đơ-la Rô-sơ khi thuê họ, đã hứa:
1. Trả một phần thuế cho họ,
2. Miễn công dịch cho họ, và
3. Trả cho họ 10 phrăng 30 ngày công.
Cần phải chú ý rằng, tên chủ đồn điền ấy đã thoả thuận với những người bản xứ: Họ sẽ chỉ làm việc cho hắn mỗi tuần một ngày thôi. Và người bản xứ đã ký giao kèo làm trong 30 tuần. Như thế nghĩa là bảy tháng rưỡi mới làm được 10 phrăng! Để kiếm kế sinh nhai, người bản xứ buộc phải làm thuê cho những người Mangát bên cạnh. Hơn nữa, viên công sứ Đơla Rôsơ không những không nộp thuế cho họ như hắn đã hứa, và còn chiếm mất số tiền mà những người bản xứ này chuyển cho hắn để nộp thuế.
Nhà chức trách địa phương mở một cuộc điều tra. Nhưng Nghiệp đoàn nhà nông ở Makhanôrô (có thể là Đơla Rôsơ là hội viên Nghiệp đoàn này) biết việc ấy, đã đánh điện cho viên toàn quyền phản đối cảnh binh không kịp thời đến đồn điền của công sứ Đơla Rôsơ, và đã yêu cầu trừng phạt trưởng đồn cảnh binh về tội đã vạch trần hành vi phi pháp của người Pháp.
Để ỉm "câu chuyện" ấy đi, viên toàn quyền đã nhanh chóng dập tắt dư luận.
Những người lao động ở thuộc địa được bảo hộ như thế đấy và chính sách hợp tác được thực hiện như thế đấy.
Nguyễn Ái Quốc
Báo LHumanité, ngày 26-10-1922.
In trong sách: Hồ Chí Minh, Những bài viết
và nói chọn lọc, tiếng Nga, Nxb. Chính trị
quốc gia, Mátxcơva, 1959, tr.31.
VỤ HÀNH HẠ AMĐUNI VÀ BEN BENKHIA
Trong cuộc chiến tranh vì công lý để bảo vệ chính nghĩa, văn minh, v.v… người ta đã động viên 10 vạn người Tuynidi đi lính, và 60% trong số đó đã không trở về nữa. Thời đó, người Tuynidi được vuốt ve và trìu mến. Người ta đã ca ngợi rất là thắm thiết tình anh em ruột thịt giữa Pháp và Tuynidi, "mối tình ruột thịt đã đời đời gắn chặt vào trong xương máu và quang vinh". Người ta đã thực hành cả một chế độ kiểm duyệt để cấm báo chí dù thế nào cũng không được làm phật ý người bản xứ.
Ngày nay, tình anh em đó đã thay hình đổi dạng. Nó không phải chỉ thể hiện bằng những cái vuốt ve hoặc những cử chỉ trìu mến mà thôi, nó còn thể hiện một cách hùng hồn hơn bằng những phát súng lục hoặc những trận roi da kia. Bằng chứng là những việc sau đây. Khi trông thấy ba người bản xứ cho cừu vào ăn cỏ ở vườn cây ôliu của mình, một vị thực dân Pháp liền bảo vợ đi lấy súng và đạn ra. Khi vợ mang súng đạn ra, thì vị đi khai hoá của chúng ta nấp vào một bụi cây, rồi: Đoàng! Đoàng! Đoàng! Ba phát bắn ra, thế là ba người bản xứ ngã xuống, bị thương gần chết.
Một vị thực dân Pháp khác có hai anh công nhân bản xứ giúp việc, tên là Amđuni và Ben Benkhia; hai anh này hình như đã có lấy trộm vài chùm nho. Vị thực dân kia liền cho gọi hai người bản xứ đến, rồi dùng roi gân bò mà vụt họ lia lịa cho đến lúc họ chết ngất. Khi hai người này tỉnh lại, quan lớn bảo hộ của chúng ta liền sai trói giật cánh khuỷu lại và treo họ lên. Dù hai người khốn khổ kia đã bất tỉnh nhân sự, thế mà cuộc hành hạ bỉ ổi đó vẫn cứ kéo dài đến bốn tiếng đồng hồ, mãi đến khi có một người ở cạnh nhà phản đối mới thôi.
Hai người đáng thương đó được khiêng đến nhà thương và mỗi người bị cắt mất một bàn tay, còn bàn tay nữa chẳng biết có thể cứu khỏi được không.
Tình r...u...ột thịt như thế đấy!
Chả là ông Luyxiêng Xanh đáng tôn kính, vì đã quá bận về việc trục xuất những người cộng sản và các nhà báo, nên không có thì giờ nghĩ đến đời sống của người bản xứ "được bảo hộ" của ông đấy mà.
Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 8, ngày 1-11-1922.
*
* *
SỰ CHĂM SÓC ÂN CẦN
Đây là một câu chuyện cũ, nó cũng cũ như chiến tranh. Trong khi hứa hẹn phẩm hàm cho những người Đông Dương tình nguyện(?) còn sống và vàng mã cho những người chết "vì mẫu quốc", viên Toàn quyền Đông Dương đã thốt ra những lời cảm động như sau:
Các anh gia nhập quân đội hàng loạt, không do dự rời quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Là lính trận, các anh đi tòng quân để hy sinh xương máu của mình; là lính thợ, các anh cống hiến hai bàn tay của mình" (1919).
Lịch sử chép như vậy đó!
Nếu người An Nam tỏ ra vui mừng khi người ta bắt họ đi lính thì tại sao người ta lại xích tay họ lùa đến các địa điểm tập trung? Tạo sao trong khi chờ đợi đưa xuống tàu, người ta lại nhốt họ trong Trường Trung học Sài Gòn, bên ngoài là lính cảnh vệ Pháp gác, lưỡi lê ở đầu súng, đạn đã lên nòng? Phải chăng những cuộc biểu tình đẫm máu ở Cao Miên, những cuộc nổi dậy ở Sài Gòn, Biên Hoà và ở nhiều địa phương khác là những cuộc biểu tình của "đám người" nôn nóng, muốn tòng quân "không do dự"?
Người ta ra sức đàn áp dã man các cuộc đảo ngũ (và có chừng 50% lính dự bị đảo ngũ). Do đó, các cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, nhưng bị bọn thực dân dìm trong bể máu. Những người An Nam ấy cũng bị chết trong thời chiến. Song người ta sẽ không cúng tế họ "sau khi chết", còn những người sống sót thì cũng chẳng được quan Toàn quyền khen thưởng.
Phải, quan Toàn quyền nói thêm rằng, dĩ nhiên muốn xứng đáng được hưởng "ân huệ" và "sự hậu đãi" của nhà nước thì các anh (những người lính Đông Dương) "phải có hạnh kiểm tốt, không mảy may tỏ ra thiếu thiện chí".
Hiện nay, khi họ dùng rượu và thuốc phiện do chính bàn tay Chính phủ bán thì có thể nào họ lại không phải là những người "dễ bảo"?
Nguyễn Ái Quốc
Báo LHumanité, ngày 2-11-1922.
*
* *
NHỮNG QUAN TÒA THUỘC ĐỊA TỐT BỤNG CỦA CHÚNG TA
Bằng chỉ thị ngày 10 tháng 10 năm 1922, chính phủ đã thi hành nghị định về bổ nhiệm người vào chức quan toà thuộc địa. Trong số những người đó, chúng ta thấy tên các ông Luycaxơ và ông Oabrăng.
Cần nhắc lại sơ lược lai lịch của hai vị quan toà này.
Ông Luycaxơ là cựu chưởng lý ở Tây Phi thuộc Pháp, đã được nói tới nhân vụ rắc rối vừa rồi ở Tôgô. Trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã buộc phải tuyên bố: "Cuộc điều tra đã xác định ông Luycaxơ có tham dự vào vụ việc, và điều đó đặt trách nhiệm rất nặng nề lên tổ chức quan toà".
Có lẽ để thưởng công về việc tham gia vụ bê bối, ông Luycaxơ đã được bổ nhiệm làm chủ toạ toà thượng thẩm ở Châu Phi xích đạo thuộc Pháp.
Còn về Oabrăng thì lai lịch của ông ta đơn giản hơn và ít nổi tiếng hơn. Năm 1920, một người Pháp họ là Đuyếcgri, nhân viên hãng Pâyruýtxắc ở Căngcan (Ghinê) đi săn. Ông ta bắn một con chim rơi xuống sông. Một em bé chạy ngang qua. Đuyếcgri túm em bé vứt xuống sông và ra lệnh tìm bằng được con chim. Sông sâu, nước chảy xiết, em bé không biết bơi, đã chết chìm. Cha mẹ nạn nhân kiện lên nhà đương cục. Đuyếcgri bị viên chỉ huy khu gọi đến. Y đồng ý trả 100 phrăng cho gia đình đau khổ để ỉm vụ này.
Người cha mẹ bất hạnh từ chối cách dàn xếp đê tiện ấy. Viên chỉ huy giận dữ đứng về phía người đồng bào giết người của mình và doạ bỏ tù hai vợ chồng nếu họ khăng khăng đòi trừng trị kẻ giết người, sau đó, nói chung đã ỉm vụ ấy đi.
Song có một bức thư nặc danh báo chuyện này cho tổng công tố viên ở Đắcca. Toà án tối cao giao cho công tố viên sở tại Oabrăng điều tra tại chỗ. Ông Oabrăng đến Căngcan, ngủ tối tại nhà ông trưởng ga. Ngày hôm sau, ông ở nhà Đơ Lavalie, trợ lý của viên chỉ huy khu, sau đó, đi về, thậm chí chưa hề bắt tay vào việc điều tra. Điều đó không ngăn cản ông Oabrăng kết luận rằng bức thư mang tính chất vu khống. Hội Liên hiệp thuộc địa báo sự việc này cho Hội Nhân quyền và Dân quyền (ngày 22 tháng 12 năm 1921), nhưng có lẽ Hội coi sự việc không lấy gì làm giật gân lắm, nên chẳng thèm quan tâm đến.
Sau chuyến viếng thăm Căngcan, ông Oabrăng trong khi chờ nâng cấp, vẫn yên ổn ở lại cương vị của mình, nhận những con gà mái tơ và những bao tải khoai tây từ người bạn của ông là ông Cudanh đơ Lavalie gửi biếu.
Như các bạn thấy đấy, ông Oabrăng quả là xứng đáng với... phần thưởng chính đáng của Chính phủ nước mình - được bổ nhiệm vào cương vị Tổng công tố viên của nước cộng hoà ở Đắcca.
Với sự có mặt của những Đáclơ, những Bôđoanh, những Oabrăng và những Luycaxơ, có thể nói rằng vận mệnh của nền văn minh tối cao, cũng như số phận của dân bản xứ ở các thuộc địa đều nằm trong những bàn tay đáng tin cậy.
Nguyễn Ái Quốc
Báo LHumanité, ngày 4-12-1922
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa