Chủ nhật, 05/01/2025

Chỉ mục bài viết

 

TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Hiện nay, phong trào tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi. Đó là một bước tiến đáng mừng. Nhưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm.

Tinh thần trách nhiệm là gì?

Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công.

Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy…, là không có tinh thần trách nhiệm. Vài thí dụ:

Người đầu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà (có kế hoạch động viên anh em giúp). Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kĩ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm.

Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ.

Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích chung của nhân dân, đặt chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ. Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình… Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân.

Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm.

Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ.

Cuộc kháng chiến vĩ đại của ta đã tỏ rằng nhân dân và bộ đội ta rất tiến bộ. Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng mới, càng to, càng phức tạp. Cán bộ ta không khỏi vấp khuyết điểm trong tiến bộ. Nhưng với sự giáo dục của Đảng, của Chính phủ và của quần chúng, cùng với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm cũng như nhất định chiến thắng thực dân.

C. B.

Báo Nhân Dân, số 36 ngày 13/12/1951.

*

*          *

“NHÂN ĐỊNH, THẮNG THIÊN”

Đại ý nghĩa là: Người mạnh hơn trời. Đây là một thí dụ:

Vùng Hoa Bắc (Trung Quốc) sống nhờ ruộng đất. Nhưng trời lại hay phũ phàng, cứ 10 năm thì 9 năm hạn hán. Vùng nào tránh được hạn thì bị lụt. Sau lụt và hạn, lại thường bị sâu. Hạn, lụt, sâu là ba kẻ địch hung ác của nông dân. Vì thế, trước ngày giải phóng đất tuy tốt mà dân lại thường bị nạn đói.

Từ ngày giải phóng, một mặt do Đảng và Chính phủ lãnh đạo, một mặt do nông dân hăng hái xung phong, nên đã đánh bại được ba kẻ địch ấy.

Để chống giặc hạn, nông dân đã thi đua đào giếng, khơi mương và cày bừa sớm. Khi có hạn hán, họ ra sức gánh nước tưới đất.

Để chống giặc lụt, họ thi đua đắp đê, sửa đê, giữ đê và giữ rừng.

Để chống giặc sâu, họ tổ chức thi đua giết sâu.

Mùa vừa rồi, ruộng bông ở Hoa Bắc bị nạn sâu. Thế mà bông vẫn được mùa. Vì hơn 6 triệu nông dân, già trẻ gái trai, đã xuất hơn 80 triệu ngày công, để giết sâu cho 4.254 vạn mẫu bông. Do đó, họ đặt câu hát:

“Ra sức thi đua,

thì mùa chắc được”.

Chắc rằng: Việc gì anh em nông dân Trung Quốc làm được, thì đồng bào nông dân Việt Nam ta cũng làm được.

C. B.

Báo Nhân Dân, số 37 ngày 19/12/1951.

*

*          *

NHI ĐỒNG XÃ HIỆP HÒA (THÁI NGUYÊN)

Trong 4 ngày hồi tháng 10, các em nhi đồng Hiệp Hòa đã thi đua:

Làm giúp 11 gia đình thương binh, tử sĩ và 10 gia đình cán bộ neo người.

Quét 16 cái sân, dọn sạch 2 cái giếng.

Khơi 3 cái rãnh, sửa 95 thước đường đi.

Gánh 14 gánh rạ, 4 gánh lúa.

Gặt 2 mẫu 7 sào lúa, đập 400 lượm lúa, đánh 1 đống rơm, xay 2 thúng thóc, vân vân….

Tuy việc nhỏ, nhưng tinh thần to. Các em đã cố gắng làm đúng lời Bác Hồ dạy: Yêu lao động, yêu đồng bào.

Và nếu các em nhi đồng khắp nơi đều làm được như thế, thì những việc nhỏ ấy sẽ cộng thành một số lao động khá to.

Các em ở Hiệp Hòa làm được, thì chắc các em nơi khác cũng làm được, vì các em nhi đồng nào cũng có tinh thần hăng hái, ham làm.

Nếu được cán bộ, thanh niên và phụ nữ khéo tổ chức và hướng dẫn phong trào Trần Quốc Toản chắc sẽ lan rộng và lên cao.

Đ.X

Báo Cứu quốc số 1980, ngày 28-12-1951

*

*          *

HUYỆN ĐỊNH HÓA THI ĐUA

Trong một đợt học tập thuế nông nghiệp và những việc quan trọng khác, 2.558 đại biểu của 9 xã đã tham gia.

Về công việc sửa chữa đường cầu và vận tải thóc thuế, toàn huyện đã cung cấp hơn 10.500 công dân công. Nay cán bộ huyện và xã đang tìm cách tổ chức dân công cho công bằng hợp lý hơn, sao cho những người đi làm thì công việc nhà có người giúp đỡ.

Về việc giúp đỡ bộ đội đã có 6 xã hứa bán gần 3000 cân thịt trâu và thịt lợn, hơn 2000 cân rau khô, 25.000 cân sắn.

Chị em phụ nữ thì hứa may giúp 1.125 chăn và áo trấn thủ.

Đồng bào trong huyện đã tổ chức 419 hội đổi công gồm 2.633 gia đình và gần 5.000 người để thi đua tăng gia sản xuất và thi đua gặt nhanh, giấu nhanh, nộp thuế nhanh.

Đồng bào và cán bộ Định Hóa thi đua như thế là khá, là thiết thực.

Nhưng vẫn còn khuyết điểm: Thi đua chưa lan rộng (mới có 6 xã thi đua bán sắn, rau và thịt cho bộ đội, chưa có sáng kiến mới (như nuôi giúp lợn cho bộ đội đến khi lợn to thì chia hai, bộ đội lấy một nửa, người nuôi lấy một nửa)….

Mong đồng bào và cán bộ huyện Định Hóa cố gắng thêm và mong các huyện khác thi đua với Định Hóa.

Đ.X

Báo Cứu quốc số 1982, ngày 31-12-1951

*

*          *

SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI CỦA LÊ-NIN

Ngày 21 tháng 1, nhân dân lao động toàn thế giới và các dân tộc đang đấu tranh cho sự tự do của mình, đều thành kính tưởng nhớ Lê-nin. Lê-nin và Stalin chẳng những đã lãnh đạo giai cấp vô sản biến nước Nga phong kiến và lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh nhất thế giới, mà còn đưa loài người lao động tiến lên con đường hạnh phúc vẻ vang.

Lê-nin sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870.

Năm 24 tuổi, Lê-nin vào Đảng Xã hội - Dân chủ Nga. Từ đó Lê-nin thành một người tổ chức và lãnh đạo cách mạng.

Năm 1903, Đảng Xã hội - Dân chủ chia làm hai phái. Phái thiểu số (men-sê-vích) chủ trương thỏa hiệp với tư bản. Phái đa số (bôn-sê-vích) là phái chân chính cách mạng do Lê-nin lãnh đạo.

Năm 1905, Lê-nin tham gia lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân chủ Nga đầu tiên. Tháng 12 năm ấy, Stalin gặp Lê-nin trong một cuộc hội nghị của Đảng. Từ ngày ấy, Stalin trở nên người bạn thân và đồng chí trung thành nhất và kiên quyết nhất của Lê-nin.

Năm 1917, Lê-nin và Stalin lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Tiếp theo là 5 năm kháng chiến, chống đế quốc xâm lược và bù nhìn bán nước.

Năm 1919, Lê-nin cùng các lãnh tụ cách mạng các nước lập nên Quốc tế Cộng sản (Đệ tam quốc tế) để lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới.

Ngày 21 tháng 1 năm 1924, Lê-nin mất, thọ 54 tuổi.

Stalin là người thừa kế, củng cố và phát triển sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Lê-nin.

Lê-nin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất.

Lê-nin dạy chúng ta đoàn kết toàn dân và toàn giai cấp để chiến thắng kẻ thù chung là giai cấp bóc lột và đế quốc xâm lược.

Lê-nin dạy chúng ta đối với mọi việc phải xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, không nóng nảy, hấp tấp. Song khi đã định kế hoạch hẳn hoi rồi thì phải quả quyết thực hiện cho kỳ được.

Lê-nin dạy chúng ta giản đơn khiêm tốn, trong sạch chính trực.

Lê-nin dạy chúng ta không sợ gian nan cực khổtin chắc vào lực lượng của quần chúng, vào tương lai của cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Mười, 14 nước đế quốc từ ngoài đánh vào, phản động trong nước nổi loạn lung tung, gần 9 phần 10 đất nước thành vùng tạm bị chiếm. Lê-nin và Đảng bôn-sê-vích nói kháng chiến nhất định thắng lợi. Quả nhiên kháng chiến đã thắng lợi hoàn toàn. Lê-nin dạy chúng ta muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì quyết phải tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Lê-nin nói: “Kinh tế và tài chính phải do nhà nước thiết thực quản lý, giám đốc, thống kê và điều chỉnh; cần quy định cách phân phối sức lao động cho đúng đắn, quý trọng sức dân, tuyệt đối không được lãng phí sức dân, cái gì cũng phải tiết kiệm”. Đối với tệ tham ô hủ hóa, Lê-nin rất nghiêm khắc. Có một lần tòa án Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lê-nin liền viết trong một bức thư: “Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng…”.

Lê-nin dạy chúng ta phải giữ vững nguyên tắc cách mạng: “Chỉ có chính sách trung thành với nguyên tắc mới là chính sách đúng”.

Lê-nin dạy chúng ta yêu Tổ quốc và yêu nhân dân một cách thiết tha, không bờ bến và ghét cay ghét đắng kẻ địch của Tổ quốc, của nhân dân, đồng thời gắn liền tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế.

Lê-nin dạy chúng ta phải thật thà tự phê bình và phê bình để đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ mãi mãi.

Lê-nin dạy chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào tương lai tất thắng của cách mạng và Tổ quốc, vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân.

Mỗi một người yêu nước Việt Nam cố gắng thực hiện những lời dạy bảo của Lê-nin, tức là kỉ niệm Lê-nin một cách xứng đáng, vì đó là con đường đưa chúng ta đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

C. B.

Báo Nhân Dân, số 42 ngày 24-01-1952.

*

*          *

TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUÂN DÂN NGÀY THÊM BỀN CHẶT

Nhân dân ta có câu hát:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước, thì thương nhau cùng”.

Không bao giờ ý nghĩa câu hát ấy được thực hiện rõ như ngày nay trong chính sách đại đoàn kết của Đảng, mặt trận và Chính phủ. Cũng không đâu thực hiện sự đoàn kết ấy sâu rộng và thấm thía hơn giữa quân đội và nhân dân ta.

Quân đội ta là quân đội nhân dân.

Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác.

Quân đội ta biết rằng: Cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường xây cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối không quản khó nhọc gian lao, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc. Tóm lại quân đội sinh trưởng, thắng lợi, là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ. Vì thế, bộ đội rất biết ơn và yêu mến nhân dân.

Về phía nhân dân thì ai cũng biết rằng: Có quân đội đánh giặc và giữ làng giữ nước, mình mới được yên ổn làm ăn, Tổ quốc mới được thống nhất, độc lập. Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết, có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mạng mình. Cụt chân gãy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là sự hy sinh tuyệt đối. Đồng bào biết rằng: Các chiến sĩ trong bộ đội ai cũng có cha mẹ anh em, ai cũng có gia đình thân thích. Nhưng họ đã hy sinh tiểu gia đình của họ, họ đã không ngại rời cha mẹ, bỏ quê hương, ra xông pha bom đạn, để phụng sự đại gia đình dân tộc gồm cả gia đình của mỗi đồng bào. Do đó, nhân dân rất biết ơn và yêu mến bộ đội.

Lòng yêu mến lẫn nhau giữa quân và dân rất rõ rệt ở các chiến dịch. Trong Chiến dịch Hòa Bình và Liên khu III hiện nay, nó càng rõ rệt thêm.

Hàng nghìn hàng vạn đồng bào, gái trai già trẻ, đã hăng hái tham gia dân công, phục vụ chiến dịch. Nhiều người đã làm xong phiên mình, lại xung phong thêm mấy phiên nữa. Tại mặt trận sau lưng địch, đồng bào nhường cơm sẻ áo cho bộ đội, cùng bộ đội đánh giặc. Đánh giặc xong, lại ra sức củng cố cơ sở, xây dựng làng chiến đấu, chuẩn bị chống càn quét.

Theo phong tục ta, ngày Tết là một ngày rất quan trọng. Trên thì cũng bái tổ tiên, dưới thì sum họp gia đình. Vì vậy, dù đi xa hay công việc cấp bách thế nào, đồng bào cũng tìm về nhà ăn Tết. Nhưng trong dịp Tết vừa rồi, đồng bào đi dân công đã tình nguyện ở lại với bộ đội trước mặt trận. Các đồng bào ấy nói: “Đánh thắng giặc, năm sau ăn Tết càng vui hơn”. Lời nói giản dị, ý nghĩa sâu sa. Nó vừa tỏ rõ nhân dân yêu mến bộ đội, bộ đội biết làm cho nhân dân yêu mến, vừa tỏ rõ lòng quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và nhân dân.

Do lòng yêu mến ấy, mà có nhiều mẩu chuyện rất cảm động. Vài thí dụ:

Nhiều xóm ở gần mặt trận, đồng bào đã tự động nhường nhà cho bộ đội làm trại quân y, người nhà thì lên lán hoặc lấy lá lấy rơm làm lều ở tạm. Đồng thời suốt ngày suốt đêm, xay thóc giã gạo để tiếp tế cho bộ đội.

Làng X... Ở gần đường. Đèo dốc vì đường trơn, khó đi. Mỗi đêm, các em nhi đồng cầm đóm đi trước, các cụ mẹ chiến sĩ gánh trấu đi sau. Khi đoàn thương binh đến gần, thì cháu soi đường, bà rắc trấu, để những người khiêng thương binh đi cho dễ. Có khi sương sa gió lạnh, các bà, các cháu vẫn vui vẻ chờ suốt đêm.

Nhiều bà cụ và chị em gánh quà bánh đi hàng 5, 7 ngày, đến nấu nướng cho chiến sĩ ăn Tết. Ngày Tết xong, lúc chia tay các cụ, các chị khóc, các chiến sĩ cũng rơi nước mắt.

- Bà cụ V… hơn 70 tuổi đồng bào Mèo tự mình lăn cối và chày từ đỉnh núi xuống, rồi ở luôn tại mặt trận để bày cho các chiến sĩ cách làm gạo dễ dàng.

- Em Nguyễn Thị Vạn 16 tuổi và em Nguyễn Thị Thanh 17 tuổi (hai em ở hai nơi khác nhau), xung phong giúp đỡ thương binh. Băng bó, giặt dịa, nấu nướng, săn sóc, việc gì các em cũng xung phong, việc gì cũng làm chu đáo. Tính nết hai em lại vui vẻ, cho nên anh em thương binh và anh chị em dân công đều rất yêu mến hai em.

- Ông K… có vợ và năm con nhỏ, khi xung phong đi dân công, còn dặn dò vợ lo cấy chiêm trồng màu, để mùa sau cung cấp nhiều lương thực hơn cho bộ đội.

Những mẫu chuyện cảm động như thế rất nhiều.

Vì lòng yêu mến bộ đội, mà nhân dân nảy ra nhiều sáng kiến, để vượt mọi khó khăn.

Vì lòng yêu mến nhân dân, mà bộ đội càng thêm dũng cảm khi ra trận diệt giặc.

Vì lòng yêu mến lẫn nhau, mà nhân dân càng ra sức thi đua tăng gia sản xuất, bộ đội càng ra sức thi đua diệt giặc lập công.

Hồ Chủ tịch nói: Quân dân nhất trí, ta nhất định thắng, giặc nhất định thua, là như thế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta, tình đoàn kết giữa quân và dân đã thành một lực lượng vô cùng to lớn mạnh mẽ. Chính vì tình đoàn kết ấy mà ta đã thắng nhiều chiến dịch và sẽ thắng nhiều nữa. Chính vì tình đoàn kết ấy, mà kháng chiến nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Quân dân đoàn kết, là đường thành công

C.B.
Báo Nhân Dân số 47-48, ngày 3-3-1952

*

*          *

AI LÀ ANH HÙNG?

Ngang giữa đèo, gần con suối. Đá nằm lổng chổng, nước chảy reo reo. Trong cảnh nên thơ ấy một số chiến sỹ ngồi nghỉ chân và đang bàn bạc sôi nổi. Tôi lắng tai nghe mới biết họ đang thảo luận vấn đề: Ai là anh hùng?

 Người nói thế này, kẻ nói thế khác. Một anh ráng chừng là chính trị viên, móc trong ba lô ra một quyển sổ, rồi giơ tay nói: “Xin các đồng chí cho tôi kết luận. Đây là lời của Bác: “Anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Là những người đầy tớ trung thành của nhân dân, của giai cấp”. Đây là lời của đồng chí Chu Đức(1): “Anh hùng là những người đặt lợi ích cách mạng cao hơn hết; đối với sự nghiệp cách mạng, có tinh thần trách nhiệm và tính tích cực hơn hết. Lòng son da sắt, suốt đời đấu tranh vì cách mạng, không bao giờ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Là những người không những hy sinh lợi ích cá nhân, mà còn vui vẻ hy sinh cả tính mệnh mình cho cách mạng. Bất kỳ làm việc gì cũng vì lợi ích của quần chúng; lợi ích cá nhân tuyệt đối phục tùng lợi ích của quần chúng”. Các đồng chí nhận rõ rồi chứ?” Anh em rất chăm chú nghe, rồi vỗ tay vang cả quãng rừng. Còn tôi thì khen thầm đồng chí chính trị viên khéo giáo dục.

C.B.
Báo Nhân dân số 54, ngày 17-4-1952

(1) Chu Đức: Tổng Tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác:

EMC Đã kết nối EMC