CHỐNG SÂU BỌ, DIỆT GIẶC DỐT
Sâu bọ là loài vật tham ô. Nó là bạn đồng minh của đế quốc và địa chủ phong kiến, vì nó âm mưu ăn hại của dân và phá hoại mùa màng, gây ra đói kém.
Ta có quyết tâm, thì nhất định tiêu diệt được chúng nó. Vài kinh nghiệm:
Ở Hưng Yên, bộ đội địa phương đã cùng đồng bào bắt sâu, bảo vệ được mùa màng.
Ở Thái Bình, học sinh và nhi đồng 2 xã trong 1 tuần lễ (ngoài giờ học), đã bắt được 1 triệu rưỡi con sâu ngô.
Ở Phú Thọ, nông hội các xã Ngô quyền và Liên Hiệp đề ra khẩu hiệu “Bắt sâu ngô”. Toàn thể đồng bào trai, gái, già, trẻ đều tham gia và đã tiêu diệt hết sâu ngô trong xã.
Ở Nam Định, chi bộ xã L. động viên các em nhi đồng trong 15 đêm đã bắt được 933 ki lô sâu, cứu được 686 mẫu ngô.
Thế là:
Tiêu diệt loài sâu bọ tham ô,
Bảo vệ mùa màng, lúa với ngô.
Đồng tâm hiệp lực thì thắng lợi.
Việc chi cũng rứa, khó chi mô!
C.B.
Báo Nhân Dân số 117
từ ngày 11 đến ngày 15-6-1953
*
* *
ÍCH NƯỚC, LỢI NHÀ
Vì cán bộ và đồng bào làm đúng chính sách tăng gia sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ, mà xã Xuân Huy (Phú Thọ) đã thành một xã kiểu mẫu. Đồng bào trong xã đã quyết tâm vượt mọi khó khăn, cải tiến cách trồng trọt cho nên đã thu được kết quả tốt đẹp như sau:
Toàn xã thu hoạch được 30 phần trăm hơn mùa trước.
95 nhà tăng hơn 50 phần trăm.
13 nhà tăng gấp 2 hoặc hơn nữa.
Nhà tăng nhiều nhất thì 1 sào gặt được 163 kilô lúa tẻ, 185 kilô lúa nếp.
Nhiều nhà, riêng số bội thu về tăng năng suất, đã đủ đóng thuế nông nghiệp.
Ông Nguyễn Vũ Miên là một chiến sỹ dân công, lại được bầu làm chiến sỹ nông nghiệp. Ông Miên đã tăng năng suất 83 phần trăm.
Hoan hô đồng bào xã Xuân Huy!
Xã Xuân Huy làm được, thì các xã khác cũng làm được. Các xã nếu làm được như xã Xuân Huy, thì đồng bào và bộ đội tha hồ no ấm.
Mong rằng các cơ quan và đoàn thể phụ trách huyện và tỉnh, trước hết là nông hội, ra sức phổ biến kinh nghiệm của xã Xuân Huy khắp huyện và tỉnh, để tranh lấy thắng lợi rộng hơn và to hơn nữa.
Thi đua tăng gia,
Ích nước, lợi nhà.
Xuân Huy gương mẫu thật là vẻ vang.
C.B.
Báo Nhân Dân số 118
từ ngày 16 đến ngày 20-6-1953
*
* *
CÔNG TÁC CẦU ĐƯỜNG
Cầu đường là mạch máu của một nước.
Cầu đường tốt thì lợi cho kinh tế: Hàng hóa dễ lưu thông, sinh hoạt đỡ đắt đỏ, nhân dân khỏi thiếu thốn.
Cầu đường tốt thì lợi cho quân sự: Bộ đội ta chuyển vận nhanh, đánh thắng nhiều.
Cầu đường tốt thì lợi cho chính trị: Ý nguyện và tình hình của nhân dân nhanh chóng lên đến Đảng và Chính phủ, chính sách của Đảng và Chính phủ mau chóng đến nhân dân.
Nói tóm lại, cầu đường tốt thì mọi việc dễ dàng và thuận lợi hơn. Vì vậy, làm cầu đường cũng như một chiến dịch. Người làm cầu đường cũng là chiến sỹ. Cho nên:
Lãnh đạo về chính trị và kỹ thuật phải vững chắc.
Tổ chức từ xã đến công trường phải chặt chẽ.
Kế hoạch phải tỉ mỉ và đầy đủ, để tránh lãng phí dân công, vật liệu và ngày giờ.
Tư tưởng phải thông suốt từ cấp lãnh đạo đến anh chị em dân công.
Tác phong phải dân chủ, dựa vào lực lượng quần chúng, học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng.
Cán bộ phải làm gương mẫu đi sát với quần chúng, việc tuyên truyền, cổ động, đôn đốc, kiểm tra, thưởng phạt phải đúng mực.
Việc làm cầu đường đã nảy nở nhiều chiến sỹ thi đua xuất sắc, như:
Đồng chí Mao (nữ thanh niên) tăng năng suất hơn gấp 5 mức đã định.
Đồng chí Lý (nữ thanh niên) tăng năng suất hơn gấp 3.
Đồng chí Chum tăng năng suất hơn gấp 4 rưỡi.
Đồng chí Phúc tăng năng suất hơn gấp 4.
Đồng chí Chiểu tăng năng suất hơn gấp 3 rưỡi.
Đồng chí Đoan tăng năng suất hơn gấp 3.
Còn nhiều chiến sỹ khác. Các chiến sỹ có thành tích xuất sắc cần được khen thưởng. Những kinh nghiệm quý báu cần được phổ biến mau chóng và rộng khắp. Phong trào thi đua cần được đẩy mạnh và bền bỉ. Như vậy, thì công tác cầu đường nhất định thắng lợi.
C.B.
Báo Nhân Dân số 119
từ ngày 21 đến ngày 25-6-1953
*
* *
RA SỨC GIỮ ĐÊ PHÒNG LỤT
Ngày 20-4-53, Chính phủ đã có lời đôn đốc đồng bào về việc đắp đê, hộ đê (báo Nhân Dân, ngày 20-5-1953).
Mỗi năm, mùa mưa đến thì giặc lụt lại uy hiếp.
Giặc LỤT là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta.
Đắp đê, giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch.
Vì nếu “lụt thù lút cả làng”, cho nên cần phải động viên tất cả đồng bào ở vùng có đê, hăng hái tham gia chiến dịch đắp đê, giữ đê.
Trong việc đắp đê, giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất.
Cán bộ, quân, dân, chính, Đảng, những vùng ấy phải xem việc đắp đê, giữ đê là việc chính. Tổ chức phải thật đầy đủ. Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh.
Đối với đồng bào dân công, phải giải thích, tuyên truyền, cổ động, tổ chức đến nơi, đến chốn. Phải làm cho mọi người hiểu rõ: Đắp đê, giữ đê là lợi ích chung của địa phương, mà cũng là lợi ích thiết thân của mỗi người. Phải chú ý bồi dưỡng tinh thần và vật chất cho dân công. Phải hết sức tránh lãng phí ngày giờ, nhân lực và vật lực cho đồng bào.
Việc thi đua phải tổ chức chu đáo và bền bỉ; phải báo cáo tên những chiến sỹ hoặc những nhóm có thành tích đặc biệt, để Hồ Chủ tịch và Chính phủ khen thưởng. Đắp đê, giữ đê là công việc hính. Nhưng đồng thời, phải xếp đặt các công việc khác cho ăn khớp, chứ không phải vì việc chính mà bỏ trôi những công việc khác.
Lời kêu gọi của Chính phủ nói: “Công tác chống lụt năm nay phải đặt dưới khẩu hiệu: “Đề phòng và đấu tranh”.
Nghĩa là phải tỉnh táo để đề phòng và đấu tranh chống âm mưu địch phá hoại. Đề phòng năm nay nước có thể to hơn mấy năm trước.
Tục ngữ nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Từ kháng chiến đến nay, chúng ta đã thắng giặc lụt, đã thắng giặc ngoại xâm, vì quân và dân ta đoàn kết một lòng.
Năm nay, ở những vùng có đê, cán bộ và đồng bào ta nhất định phải đoàn kết một lòng, đưa toàn tâm toàn lực vào việc đắp đê, giữ đê, thì chúng ta nhất định thắng lợi.
C.B.
Báo Nhân Dân số 123
từ ngày 16 đến ngày 20-7-1953
*
* *
BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
Đồng bào ta nhiều gia đình có 3 và 5 con ở bộ đội, đã được Chính phủ tặng thưởng Bằng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến.
Nhưng có bà cụ Huân ở Việt Bắc, là Bà mẹ anh hùng bậc nhất. Bà cụ có:
4 con trai,
3 con gái,
1 con dâu,
1 cháu nội.
Tất cả 9 người hoặc ở bộ đội chủ lực, hoặc ở bộ đội địa phương. Trong 9 người một chị làm tổ trưởng du kích đã oanh liệt hy sinh, 3 người đã lập công và được khen thưởng.
Bà cụ tuy tuổi già, sức yếu, nhưng vẫn ra sức giúp đỡ bộ đội và cán bộ, làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến.
Gia đình bà cụ đã được tặng Bằng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Vừa rồi lại được Chính phủ đặc biệt tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Gia đình bà cụ Huân thật là xứng đáng:
Cả nhà kháng chiến,
Muôn thủa rạng danh,
Nêu gương dân tộc,
Việt Nam quang vinh.
Đ.X.
Báo Cứu Quốc số 2466,
ngày 11-11-1953
*
* *
“ANH HÙNG” GIẢ VÀ ANH HÙNG THẬT
- Anh hùng giả là những người có độ lượng nhỏ bé, như cái vỏ hến, một giọt nước cũng đủ đầy tràn. Khi có chút ít thành tích, thì họ liền ra mặt “anh hùng”.
Họ không hiểu rằng: Có thành tích đó là nhờ lực lượng của quần chúng, nhờ chính sách của đoàn thể. Họ tự cao tự đại, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không cầu tiến bộ nữa. Tiếp đến, việc to họ không làm được, việc nhỏ họ không muốn làm. Rồi họ than phiền “đại tài, tiểu dụng”, quần chúng quên “ơn” họ, đoàn thể quên “công” họ. Họ đâm ra uất ức, bất mãn. Họ không biết rằng: So với thành tích của toàn Đảng, toàn dân, toàn giai cấp, toàn thế giới thì thành tích của họ khác nào một hạt cát trên bãi bể Đông.
- Anh hùng thật là những người có bất cứ việc to việc nhỏ, luôn luôn cố gắng, vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ.
Khi có thành tích, họ càng khiêm tốn, càng cố gắng, càng gần gũi quần chúng – như vậy càng to thì rễ càng ăn sâu xuống đất. Họ không vểnh mặt lên trời. Họ không “kể ơn” với nhân dân, với đoàn thể. Trái lại, họ càng lo làm cho có thành tích hơn nữa, đặng đền ơn nhân dân và đoàn thể đã bồi dưỡng và giúp đỡ họ thành công.
Tiền đồ của họ rộng thênh thang, họ tiến bộ mãi. Quần chúng và đoàn thể quý trọng họ mãi, tin cậy họ mãi.
Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc khắp các ngành các nơi, chúng ta đã có những anh hùng như vậy và chúng ta cần nhiều anh hùng như vậy. Ai mà có quyết tâm phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến, thì đều trở nên anh hùng thật.
C.B.
Báo Nhân Dân số 149
từ ngày 21 đến ngày 25-11-1953
*
* *
TÍCH CỰC VÀ NÓNG NẢY
- Tích cực là bất kỳ làm việc gì cũng vui vẻ, hăng hái, có tinh thần phụ trách, vượt mọi khó khăn, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Đối với mọi việc đều điều tra cẩn thận, nghiên cứu rõ ràng, dựa theo hoàn cảnh thiết thực, có kế hoạch, có từng bước, tỉnh táo, bền bỉ, không chủ quan.
Thế là tích cực. Mà như thế thì mọi việc đều thành công.
- Nóng này là việc gì cũng chủ quan, không điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, vội vàng, muốn làm cho mau, làm ẩu. Thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó.
Như người nông dân nọ: Muốn lúa mau cao, mau tốt bèn nắm lúa nhổ lên!
Làm việc nóng nảy, thì nhất định thất bại.
Nóng nảy là một thứ bệnh “tiểu tư sản”.
Tích cực là “gắn liền khí khái cách mạng với tinh thần thực tế”.
Chúng ta phải tránh tính nóng nảy, phải nâng cao tinh thần tích cực.
Tích cực, thì sẽ thành công,
Nóng nảy, kết quả sẽ không ra gì
C.B.
Báo Nhân Dân số 150
từ ngày 26 đến ngày 30-11-1953
*
* *
VÀI KHUYẾT ĐIỂM TRONG VIỆC PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG
Đảng và Chính phủ đã định rõ ràng chính sách đối với các tầng lớp trong nông thôn. Nhưng có một số cán bộ chưa thấm nhuần tư tưởng và nắm vững chính sách cho nên:
Có cán bộ cho rằng: Sau khi phát động, thì bần cố nông “lên mặt”.
Có cán bộ cho rằng: Những bần cố nông có buôn bán chút đỉnh, hoặc đi củi, trồng rau, là không phải “nông dân thuần túy”.
Có cán bộ cho rằng: Thanh niên nông dân “không cực khổ”, cho nên không cần phát động thanh niên.
Có cán bộ cho rằng: Đã đấu địa chủ thì “đấu tất”, cần gì phải phân biệt đối đãi.
Cũng như những sai lầm khác, những sai lầm kể trên đều vì cán bộ tư tưởng chưa được thông, chưa nắm vững chính sách. Mà đã sai lầm, thì “sai một li, đi một dặm”, ảnh hưởng lớn đến công tác.
Vậy toàn thể cán bộ ta cần phải nghiên cứu thật kỹ, thấm nhuần thật sâu, thi hành thật đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ - đó là con đường duy nhất để đi đến thành công.
C.B.
Báo Nhân Dân số 156
từ ngày 26 đến ngày 31-12-1953
*
* *
THANH NIÊN NÔNG DÂN
Chiến sỹ trong quân đội ta (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), đại đa số là thanh niên nông dân.
Đồng bào đi dân công, đại đa số là thanh niên nông dân.
Trong những đội thanh niên xung phong, đại đa số cũng là thanh niên nông dân.
Mà đại đa số thanh niên nông dân thì bị phong kiến địa chủ áp bức bóc lột tàn tệ…
Nói tóm lại, đại đa số thanh niên nông dân, gái cũng như trai đều bị đói rách, nghèo nàn, lầm than cực khổ; cho nên chí khí đấu tranh của họ rất cao. Đi đánh giặc, đi dân công, tham gia phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, thanh niên đều rất hăng hái.
Vì vậy, các đội công tác cũng như cán bộ phụ trách địa phương cần phải chú trọng việc phát động, tổ chức, giáo dục và cất nhắc thanh niên nông dân. Thanh niên là một cái nguồn vô tận, từ nguồn ấy mà chúng ta đào tạo những cán bộ tốt cho hiện tại và tương lai của nước nhà.
C.B.
Báo Nhân Dân số 159
từ ngày 11 đến ngày 15-1-1954
*
* *
LÒNG TRÁCH NHIỆM VÀ CHÍ CẦU TIẾN
Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến là thế nào? - Trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, bất kỳ việc to, việc nhỏ đều trực tiếp hoặc gián tiếp phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cho nên việc gì cũng quý, việc gì cũng cần. Công cuộc cách mạng là do nhiều việc nhỏ, nhiều bộ phận mà xây dựng nên. Nếu không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại, thì sẽ không thành việc lớn. Công việc xã hội cũng giống như cái đồng hồ, nếu thiếu một cái đinh nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cái đồng hồ.
Vì vậy, khi chúng ta phụ trách một công việc gì, bất kỳ to nhỏ, chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ đến việc đó quan hệ với cách mạng, ảnh hưởng đến cách mạng. Chúng ta phải đưa toàn tâm, toàn lực làm cho thành công, làm trọn nhiệm vụ. Chỉ làm cho xong chuyện, làm cho qua loa, tức là có hại cho cách mạng, có hại đến nhân dân.
Tư tưởng ta thông như vậy thì gặp việc gì chúng ta cũng cẩn thận, cố gắng, quyết tâm làm cho vượt mức. Thế là lòng trách nhiệm.
Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Chúng ta phải kháng chiến thắng lợi, phải thực hiện dân chủ mới, phải tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái.
Chúng ta quyết tâm cầu tiến bộ, quyết tâm vượt khó khăn, thì dù công việc to lớn như cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên, chúng ta cũng làm được. Người Liên Xô đã đổi rừng hoang làm thành phố, biến bãi cát thành ruộng vườn, cũng vì có chí cầu tiến không ngừng. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều phải có lòng trách nhiệm và chí cầu tiến.
Đ.X.
Báo Nhân Dân số 194
từ ngày 6 đến ngày 10-2-1954
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa