Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Y NHƯ Ở NƯỚC MẸ

Cho đến nay, trên thế giới chỉ có thành phố Tuyn-lơ(*) là có thể tự hào đã có những bức thư nặc danh vang dội. Ngày nay, xứ Nam Kỳ với lòng hiếu thảo và mong muốn tỏ lòng trung thành không bờ bến đối với nước khai hóa văn minh cho mình - vừa rồi cũng có cái vụ thư nặc danh “của nó”. Nhưng xứ thuộc địa này đã “bắt chước” vụng về vì không phải là vụ một nàng La-vai diễm lệ mà là một vụ hương chức Việt Nam già nua vừa bị bắt bỏ tù, không phải vì đã lạm dụng thư nặc danh mà vì đã bị thư nặc danh tố cáo. Việc ấy như thế này:

Một đêm tháng 12 năm 1922, cụ hương cả An Nam đang mơ màng thì bỗng nghe tiếng mõ huyên náo báo cho dân làng biết có cướp trên sông cái, ngay trước mặt Chợ Lách! Ô! Vậy thì cái nền văn minh mà các nhà chức trách từng ca tụng ở đâu nhỉ? Cụ hương cả nhà ta vùng dậy vớ lấy khẩu súng - nguyên cụ hương cả cũng đồng thời là trương tuần của một trại ấp lớn và lập tức cùng với hai gia nhân xuống thuyền bơi ra sông. Vừa đến nơi, cụ hương cả và hai gia nhân liền bị bọn cướp nổ súng bắn; một trong hai gia nhân đó bị trúng đạn giữa ngực và vài phút sau thì tắc thở. Cụ hương cả bắn trả lại bọn cướp một phát không trúng, trái lại bị bọn cướp bắn bị thương vào tay phải.

Rồi chỉ vì bức thư nặc danh tố cáo, mà cụ hương cả nọ đã bị bắt giam về tội là đã giết gia nhân của mình.

Mặc dù cha người xấu số và người gia nhân còn sống đã đệ đơn minh oan cho bị cáo; nhưng cụ hương nọ vẫn còn nằm trong buồng tối để chờ ánh sáng của công lý.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 11 ngày 01-02-1923

(*) Tulle: Thành phố Tây Nam nước Pháp cách Pa-ri 464 km

*

*          *

TINH HOA CỦA XỨ ĐÔNG DƯƠNG

Trong đám tang Toàn quyền Lông, ông Nguyễn Khắc Vệ, tiến sĩ khoa luật học, tiến sĩ khoa chính trị học và kinh tế học, làm việc tại Tòa Biện lý Sài Gòn, đã quả quyết rằng, nếu có thể phát biểu thay toàn thể nhân dân Đông Dương, thì ông chắc chắn rằng, tiếng nói đó sẽ đau thương tỏ lòng tri ân Toàn quyền về tất cả những gì mà Toàn quyền đã ban cho dân tộc An Nam. Và ông Vệ trân trọng lớn tiếng:

“Và những ai, nhờ vào những biện pháp khoan dung của ngài, ngày nay đang cùng các vị đại diện của nước bảo hộ góp phần vào công cuộc phồn vinh ngày càng tăng tiến của xứ Đông Dương, sẽ cất lên từ đáy lòng mình lời tri ân ngài và lòng sùng kính đối với anh linh ngài. Vấn đề kinh tế là điều mà Ngài quan tâm hơn hết. Ngài từng mong muốn trang bị cho Đông Dương mọi khí cụ kinh tế sao cho nó trở thành một nước Pháp thứ hai, một nước Pháp Viễn Đông hùng cường, một con đỡ đầu của nước Pháp Cộng hòa”.

“Trong sứ mệnh của ngài, ngài đã toàn tâm toàn ý khai hóa cho một dân tộc bị ngưng trệ trên con đường tiến bộ vì một tổng hợp điều kiện lịch sử và khí hậu. Ngài là vị quán quân của tiến bộ, là sứ giả của công cuộc khai hoá...”

Về phần mình, ông Cao Văn Sen, kỹ sư, Chủ tịch Hội những người Đông Dương, thì nói rằng, việc ông Lông chết quá sớm là một cái tang cho toàn cõi Đông Dương. Rồi ông kết thúc bài điếu văn bằng những lời sau đây:

Bẩm quan Toàn quyền, chúng tôi thành tâm than khóc ngài vì đối với chúng tôi, ngài là một thủ hiến, một người cha nhân hậu…”

………………(*)

Từ sự việc trên, tôi đi đến kết luận rằng: Nếu quả thực tất cả những người An Nam đều cũng luôn cúi sát đất như hai đứa con này của guồng máy cai trị thì quả thực là dân này xứng đáng với cái số phận được cho.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 13 tháng 4 năm 1923

(*) Dòng dấu chấm này là nguyên bản tiếng Pháp.

*

*        *

DIỄN ĐÀN ĐÔNG DƯƠNG

Nhờ độ lượng mẫu tử của nước Pháp bảo hộ, Đông Dương thật đã trở thành một chỗ náu thân cho bọn làm bậy.

Ông Bô-đanh mặc dù có bị tố cáo hẳn hoi về tội giả mạo và dùng giấy tờ giả mạo, bây giờ cũng cứ là Toàn quyền.

Ông Đác-lơ, nguyên bán cháo, trước là quan cai trị tỉnh, bị lên án là ăn hối lộ, là cường hào và đã gây ra cuộc nổi dậy đẫm máu ở Thái Nguyên, đã được Chính phủ thuộc địa cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn.

Ông Teea, giám đốc một hãng buôn lớn, bị tố cáo là có tội nhũng lạm mà không bị rầy rà gì.

Giờ đến lượt Bu-đi-nô, viên quan cai trị này bị kiện: Đã đút túi số tiền lời của một cuộc chợ phiên tổ chức nhân dịp khánh thành tượng đài tử sĩ; đã đòi và nhận một món tiền “bồi thường” lớn trả cho sự có mặt của mình trong buổi chôn cất một mụ nhà giàu bản xứ, đã đòi những món tiền lớn chè lá khi cấp một giấy phép hay giấy lệnh nào đó.

Cuối cùng, đã lợi dụng, trong mọi trường hợp quyền hành quan cai trị (mà nước Pháp có chủ quyền đã ủy thác cho) để làm đổ mồ hôi sôi nước mắt người bị trị và để cho phình ví tiền của ông ta. Những lời kết tội nặng nhất là thế này: Làng Tân An (Nam kỳ) có một nhà máy điện. Việc khai thác có lợi và phố xá, nhà cửa trong làng có điện sáng mà không phải trả tiền. Quan cai trị Bu-đi-nô buộc làng phải nhượng không nhà máy cho một anh thầu khoán đã có vi thiềng cho ông ta.

Ít lâu sau, làng phải trả tiền điện dùng ngoài phố và trong nhà. Thấy hàng nghìn điều bất lợi, họ mới biết mình tự quản nhà máy thì lợi hơn. Họ phải bỏ ra mấy chục nghìn đồng để chuộc lại cái mà họ đã phải “nhượng không”. Lần thứ hai này, vị quan cai trị đút túi thêm mấy tờ bạc lớn nữa.

Bị kiện về tội buôn bán người chết, bóc lột người sống, tham ô lộ liễu, quan cai trị Bu-đi-nô vừa được công lý Pháp cho trắng án. Ngày mai có thể ông ta còn được Huân chương.

Bao giờ người ta cũng vì uy tín chủng tộc, mà xá tội cho lũ vô lại khả ố. Bao giờ người ta cũng nhân danh nhân dân Pháp mà bắt công lý làm đĩ bợm.

Văn minh là như thế đó.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 15 tháng 6 năm 1923

*

*          *

TRÒ MÉC-LANH

Trong khi chờ đợi đi khai hóa những người Đông Dương tại Đông Dương, ngài Thái thú Méc-lanh muốn hãy khai hóa những người Đông Dương đã chết, các người biết đấy, những người chết cho Tổ quốc, cho công lý và vân vân, ở Pháp.

Cười ở nghĩa trang là một cái thú của những bậc vĩ nhân, nhưng ở đây mà cười một mình thì có thể là vô duyên. Vì vậy, bữa nọ, quan lớn Mác-xi-an Méc-lanh vẫn ra lệnh cho đoàn thanh niên An-na-mít được trợ cấp theo Ngài đến Vườn Người Chết ở Nô-giăng trên sông Mác-nơ vì ở đó sẽ được đọc một bài diễn văn do Ngài chứng giám. Bài diễn văn trước khi đọc cho công chúng, phải trình lên quan lớn để Ngài duyệt. Người ta đã trình và bài diễn văn bị coi là quá ngỗ ngược, quan lớn ra lệnh cứ việc bỏ đi để thay thế bằng một bài khác mà quan lớn cho dàn ý.

Cố nhiên, bài diễn văn xào nấu trong các thứ nước cốt của quan lớn như vậy, thì hương vị của lòng trung thành và lòng ái mộ bất diệt đối với nước Pháp phải xông lên đến ngạt mũi…

Nếu người chết nói được, như bọn đồng cốt bảo thế, thì những hồn ma An Nam ở Nô-giăng sẽ lên tiếng; “Cám ơn ông toàn quyền! Nhưng xin làm ơn... Cút đi cho!”.

N.

Báo Le Paria, số 15 tháng 6 năm 1923

*

*          *

TỆ ĐỘC ĐOÁN Ở ĐÔNG DƯƠNG - NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HỘ VÀ NGƯỜI ĐI BẢO HỘ

Ông Cẩm Đà Lạt (Trung kỳ) có một cách hiểu vai trò khai hoá của mình đến là hay. Một hôm, người cộng tác xứng đáng của ông Xa-rô này cần đến ván gỗ. Ông ta sai người đến kiếm ván ở nhà một người bản xứ làm nghề buôn bán. Nhà buôn này đòi phải trả tiền rồi mới được mang hàng đi. Nghe lời yêu cầu này, ông Cẩm nổi giận, phái ngay lực lượng vũ trang đến với nghiêm lệnh là dù “sống hay chết” cũng phải bắt cho được tên An Nam đó về sở.

Để tránh cơn giận của vị đại diện cho nước bảo hộ, nhà buôn không kể gì đang ốm cũng đành phải bỏ nhà và lánh sang tỉnh khác.

Một thầy thuốc người Âu chứng kiến tấn trò kể trên đã can thiệp để bênh vực nhà buôn bản xứ. Vụ can thiệp chướng tai gai mắt này làm cho viên thầy thuốc bị đuổi đi, bị đày lên Kon Tum, một nơi nước độc mà người Âu rất sợ. Chính đấy là nơi viên thầy thuốc đó đang đền cái tội thân người bản xứ của ông. Trong khi ấy thì bọn Đác-lơ, Bô-đoanh vẫn ung dung phè phỡn trong vinh dự và khoái lạc. (Kẻ mắc cái tội phạm uy tín kể trên là bác sĩ Hon-xta-rích – Chúng tôi xin tỏ tấm cảm tình của chúng tôi đối với ông ấy).

Còn nhà buôn Việt Nam thì ra sao? Anh ta bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “ghét Tây”, vào số những kẻ cần theo dõi. Một bầy mật thám Pháp và Việt Nam bám riết theo gót anh ta. Nhiệm vụ của bọn này là ghi từng giờ, từng phút mọi hành động cử chỉ của anh ta, là tô đen tất cả mọi ý định của mình.

Công cuộc theo dõi này được tiến hành một cách khá lộ liễu để làm cho bạn bè quen thuộc của người Việt Nam này phải chùn lại không dám lai vãng đến nhà anh ta nữa, đến nỗi đời sống của anh ta trở nên hết sức khó khăn. Bất cứ thế nào cũng không một người bản xứ nào dám đến nhà anh. Hoàn toàn bị cô lập với đồng bào của mình, nhà buôn này chỉ còn hai con đường: Hoặc là đi ăn cướp, hoặc đi ăn mày. Nhưng cái nghề thứ hai này thì lại làm cho anh càng đáng khả nghi hơn vì kiếp sống lang thang.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 16 tháng 7 năm 1923

*

*          *

KHÔNG PHẢI CHỦ NGHĨA QUÂN PHIỆT ĐÂU, NHƯNG…

Ông Clê-măng-xô đã chứng minh rất rành rọt cho thế giới nói chung và người Mỹ nói riêng rằng nước Pháp không phải là một nước quân phiệt, cũng không phải là một nước đế quốc chủ nghĩa, hoàn toàn chẳng phải thế đâu nhé!

Thế nhưng ông Ác-sim-bô lại vừa mới làm cho tiêu mất đôi chút cái vẻ mỹ miều của những lời nói của “Ông Cọp”, khi ông Ác-sim-bô viết trong bản báo cáo vừa rồi của ông ta về ngân sách thuộc địa rằng:

Năm 1914, quân đội chiếm đóng gồm có 1.825 sỹ quan, 17.290 hạ sỹ quan và lính người Âu, 42.099 người bản xứ; lại phải thêm vào số đó 1.979 người trong các đội cảnh vệ bản xứ của Đa-hô-mây, Ghi-nê và Bờ Biển Ngà, hiện nay những đội lính này đã được thay thế bằng những đội quân chính quy, tổng cộng quân số là 63.220 người.

Từ sau chiến tranh người ta đã phải thiết lập lại các khu vực ủy trị, Tô-gô và Ca-mơ-run, những trại lính mà quân số lên tới 1.712 người.

Ngoài ra, còn phải thành lập, nhất là tại Tây Phi thuộc Pháp những đơn vị đặc biệt để tuyển mộ, đăng ký nhập ngũ và huấn luyện số binh lính người bản xứ phục vụ ở Pháp hoặc ở nước ngoài. Các đơn vị đó đã thu hút 2.237 người, trong đó có 271 sỹ quan và hạ sỹ quan người Âu.

Sau hết, con số những người bản xứ phục vụ ở Pháp hoặc ở nước ngoài và do các thuộc địa trực thuộc ở Bộ Thuộc địa cung cấp, là 45.000 người.

Nếu chúng ta nói thêm rằng, chỉ riêng ở Đông Dương, chi phí về quân sự năm 1921, cũng đã lớn hơn 35.600 Phrăng, trong khi đó ngân sách giáo dục có không đầy 350 nghìn đồng bạc và ngân sách về y tế không đầy 65 nghìn đồng bạc thì sẽ thấy ngay tất cả sự tốt đẹp của chế độ thực dân của cái nước Cộng hòa Pháp rất nhân từ và đã tài giảm quân bị này.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le’Humanit ngày 28-9-1923

*

*          *

GIÁO DỤC QUỐC DÂN

“Cái dã man” Bô-sê-vích

Chính phủ Xô-viết đã cho thực hiện chương trình sau đây:

A- Giáo dục không mất tiền và bắt buộc; giáo dục phổ thông và bách khoa đối với các trẻ em nam nữ cho đến 17 tuổi; từ 17 tuổi trở lên thì giáo dục chuyên môn và chuyên nghiệp.

B- Nhà nước chịu phí tổn cho tất cả học sinh về ăn uống, quần áo, giày dép và những thứ cần dùng khác cho học sinh.

C- Thiết lập một hệ thống các trường mẫu giáo và vỡ lòng, nhà giữ trẻ, vườn trẻ, nhà nuôi trẻ… nhằm mục đích cải thiện việc giáo dục xã hội, giải phóng người phụ nữ.

D- Nhân dân lao động tích cực tham gia việc giáo dục quốc dân; phát triển các “Hội đồng giáo dục quốc dân”; tất cả những công dân có trình độ giáo dục phổ thông, đều thuộc quyền sử dụng của Nhà nước…

E- Trong ngành đại học, các sinh viên nghèo và nhất và công nhân và nông dân được cấp học bổng và những ưu tiên khác để họ có phương tiện vật chất theo học ngay cả các trường đại học.

“Nền văn minh” Pháp

Để truyền bá ánh sáng tốt lành của nền văn mình cao quý vào các nước được nước mẹ bảo hộ, nước Pháp đưa lại cho 40.000.000 “người Pháp hải ngoại” 8.700 trường học. Tôi không nói quá đâu. Dưới đây là con số thống kê chính thức.

Thuộc địa

Dân số

Trường học

Học sinh

Tây Phi thuộc Pháp

12.000.000

290

12.000

Châu Phi xích đạo thuộc Pháp

5.000.000

100

4.000

Đông Dương

19.000.000

2.965

148.000

Ma-đa-gát-xca

3.000.000

789

78.000

Xô-ma-li

64.000

2

250

Đảo Rê-uy-ni-ông

172.000

124

17.000

Ấn Độ thuộc Pháp

270.000

52

9.000

Ăng-ti-ơ

500.000

194

18.500

Guyan

144.000

23

2.000

Tân Đảo

17.000

18

600

Trong xứ Goa-đơ-lúp, 10.000 trẻ em không có trường học. Tại Angiêri thuộc Pháp, từ suốt 94 năm nay, trong số 5.000.000 dân chỉ có 35.000 học sinh là được hưởng thụ một nền giáo dục nhỏ giọt, còn 695.000 trẻ em bản xứ thì phải chịu dốt nát… Tại Cao Miên: 60 trường cho 2.000.000 dân! Tại Nam kỳ (thuộc Pháp từ hơn nửa thế kỷ nay): Trong số 2.500.000 người dân, chỉ có 51.000 học sinh.

May mắn thay, tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 29 tháng 9-1924

CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC PHÁP Ở VIỄN ĐÔNG VAREN VÀ ĐÔNG DƯƠNG

Panh-lơ-vê cử Va-ren sang Đông Dương vì sao?

1- Vì trước nguy cơ có một sự chia rẽ trong Cascten, Panh-lơ-vê tìm cách (thật khổ cho tôi phải nói ra) lấy lòng đảng viên xã hội, qua cá nhân Va-ren, kẻ được chọn trong số những kẻ độc ác nhất. Còn Va-ren trước và sau đều có đối thủ ganh đua, không mong gì hơn là được ngoạm mà miếng này thì đáng ngoạm thật!

Có nghĩa là 20 triệu dân Đông Dương, một lần nữa sẽ phải trả giá cho sự tha hóa của Nhà nước chính quốc và tham vọng của bọn hãnh tiến ở chính quốc.

Số phận của một dân tộc mất độc lập là như thế đấy… Và cũng là số phận vô sản ở chính quốc, vì họ cũng sắp bị Chính phủ và thủ lĩnh của họ gạt cho một lần nữa.

Vấn đề là còn phải liệu xem có ăn thua gì không?

2- Vì tình hình Đông Dương và quanh Đông Dương là nghiêm trọng.

Người An Nam chán ngấy nền đô hộ Pháp lắm rồi. Nỗi căm hờn âm ỉ trong lòng họ và chỉ chờ có dịp là nổ bung ra. Và dịp ấy là đây: Trung Quốc, sát nách Đông Dương đã cựa mình và bắt đầu đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc.

Ở biên giới Bắc Kỳ là Vân Nam. Pháp đã mấy lần toan xâm chiếm tỉnh này và tiến hành thuộc địa hóa về kinh tế nhờ vào con đường sắt của mình. Pháp đã mua chuộc tên tỉnh trưởng gần đấy, nhưng làm sao mà mua chuộc được nhân dân và tên tỉnh trưởng bị mua chuộc thì hiện đang bỏ chạy. Ngân hàng B.I.C bị phá sản đã kéo theo một cuộc tấn công vào số người Pháp ở Vân Nam phủ. Không biết hôm nay thì việc gì xảy ra?

Bây giờ đến Quảng Tây. Tháng 6 vừa qua, ở Pho Baya, xảy ra một cuộc đụng độ, trong trận này, viên giám binh Pháp, ông Lagác, bị thương nặng và nhiều lính khố xanh An Nam bị giết.

Ở Thượng Hải, chủ nghĩa đế quốc Pháp không bị đòn như các đế quốc khác. Nhưng rồi… sẽ đến lượt mình. Ở Quảng Châu, súng máy Pháp đã giết 30 người Trung Quốc, làm bị thương 70 người. Người Trung Quốc hẳn còn nhớ đấy.

Chuyện Marốc còn chưa xong, lại lạm phát, lại chuyện Xyri, có một hạm đội, thì thuộc loại xoàng, làm sao Pháp có thể bảo vệ Đông Dương, không phải là chỉ chống lại cuộc nổi dậy của người bản xứ mà còn phải chống lại cả một cuộc xâm lược từ bên ngoài. Chỉ có Nhật có thể giúp Pháp, nên Pháp tiến hành đàm phán kinh tế với Nhật, nhưng Nhật lại hướng về khối Nga-Á.

Cuối cùng cái hoa đỏ vẫn rình nhà ngươi đó, hỡi tên cướp Utơrây! Quảng Châu, nơi cư trú của những người cách mạng An Nam. Quảng Châu nơi có những trường võ bị, mà theo lời nhà ngươi, có đông người An Nam đến đăng ký học. Quảng Châu, mà nước Pháp thuê lính Vân Nam vẫn không triệt hạ nổi. Quảng Châu, trung tâm của chủ nghĩa bôn-sê-vích! Đó còn là một mối họa nữa. Mà mối họa lớn hơn cả, phải loại trừ nó trước tiên bằng cách ngăn không cho người bản xứ nghe lời người bôn-sê-vích!

Nhưng mà làm thế nào? Làm thế nào?

Vậy thì trong một ánh chớp vui sướng hệt như Ác-si-mét vừa ra khỏi nhà tắm. Panh-lơ-vê tự nhủ: Ta sẽ cử đến đấy một đảng viên xã hội. Một “đảng viên xã hội” chứ không phải một đảng viên xã hội- cấp tiến (ta đã đưa Đume và Xarô vào mà có ăn thua gì). Một đảng viên xã hội đúng thế! Các ngài có biết một đảng viên xã hội là thế nào không? Là kẻ ở đây thì không ra gì, nhưng ở nơi xa kia thì ghê lắm. Bất kể điều gì y nói ra, người bản xứ sẽ ngốn cả và họ sẽ xa lánh bọn bôn-sê-vích và họ sẽ ngồi yên. Ta sẽ ru ngủ dân bản xứ không chỉ bằng thuốc phiện và rượu cồn mà còn bằng hứa hẹn hàng đống những cải cách. Ta sẽ thực hiện mấy điều cho phải cách, vì trong “cải cách” thì có “cách” mà! Như thế đâu phải là sẽ không nắm được bọn da vàng, mà ngược lại thì có!

Vấn đề là còn phải liệu xem có ăn thua gì không?

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 25 tháng 2-1925

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: